Cuộc tiếp chuyện với Thượng Nghị Sĩ Tom Harkin
Bút ký của Đoàn Thanh Liêm
* * *
Tôi vừa từ thành phố Baltimore Maryland trở lại Washington DC vào ngày 5 tháng Năm 2014. Tại vùng miền Đông này, trời đang vào xuân, khí hậu thật mát dịu và phong cảnh thiên nhiên rất xinh đẹp với hoa tươi nở rộ, cây cỏ xanh mướt dọc theo khắp các nẻo đường của thành phố thủ đô nước Mỹ.
Cũng như mọi năm, cứ vào mùa xuân, thì tôi lại từ California bay tới miền Đông để vừa hội họp với các tổ chức tranh đấu nhân quyền, thăm viếng bà con bạn hữu và tiếp tục công việc nghiên cứu về xã hội luật pháp. Trong mấy ngày qua, tôi đã lần lượt đến thăm các cơ sở văn hóa xã hội quen thuộc như Human Rights Watch, Amnesty International USA, MCC Washington Office, Shasha Youth Work. Và đặc biệt là Thư Viện Quốc Hội Mỹ là nơi tôi bắt đầu đến tập sự từ năm 1960 – 61 dưới thời hai vị Tổng Thống Eisenhower và Kennedy.
Các cuộc gặp gỡ trao đổi với bạn hữu nơi những cơ sở này thật là thân mật lý thú và hữu ích, tôi sẽ tường thuật chi tiết hơn trong một dịp khác. Trong bài này, tôi muốn dành riêng để viết về cuộc tiếp kiến với Thượng nghị sĩ Tom Harkin vào sáng ngày Thứ Tư 7 tháng Năm tại trụ sở Quốc Hội Mỹ nằm trên đồi Capitol.
I – Tom Harkin là một vị Nghị sĩ kỳ cựu đại diện cho tiểu bang Iowa thuộc miền Trung Tây nước Mỹ. Ông nổi tiếng từ năm 1970 lúc làm chuyên viên trong phái đoàn Quốc hội Mỹ đi điều tra việc tra tấn hành hạ các tù nhân tại trại giam Côn Sơn – mà báo chí Mỹ gọi là “Con Son Tiger Cage” (Chuồng Cọp Côn Sơn). Sau đó ông được bầu vào Hạ Nghị Viện, rồi liên tiếp được tái cử trong nhiều nhiệm kỳ ở Thương Nghị Viện cho đến hiện nay.
Vào sáng sớm mỗi ngày Thứ Tư, ông thường dành thời gian để tiếp các cử tri trong bữa ăn sáng từ 8 – 9 giờ. Và tôi đã đến gặp ông đúng vào buổi tiếp cử tri ngày 7 tháng Năm hôm qua. Vì phải tìm kiếm địa điểm hội họp tại building Dirksen khác với văn phòng của ông tại building Hart, nên mãi tới quá 8.30, tôi mới có thể bước vào phòng tiếp khách lúc đó đã có đến vài chục người khách mà đang lần lượt được gặp gỡ chuyện trò với Nghị sĩ.
Người phụ tá là Tom Buttry nhận ra tôi là người Á châu duy nhất trong phòng, nên đã thân mật đến gợi chuyện riêng với tôi. Tôi cho Tom biết mình từ California tới thăm Nghị sĩ Tom Harkin là vị ân nhân đã giúp cứu thóat tôi thóat khỏi nhà tù ở Việt nam. Trước đây, tôi cũng đã có vài lần gặp mặt và tiếp chuyện với Nghị sĩ – chắc là trong hồ sơ của văn phòng vẫn còn lưu giữ hình ảnh và các bài viết liên hệ đến tôi. Và tôi mở phong bì có chứa tài liệu tôi mới viết nhan đề “How I became a political prisoner in Việt nam in the 1990s’?” (Làm sao tôi trở thành một tù nhân chính trị ở VN hồi thập niên 1990) – để gửi cho Nghị sĩ với mấy dòng chữ ghi ở đầu trang : “Xin tặng Nghị sĩ Tom Harkin, người đã giúp cứu thóat tôi ra khỏi nhà tù ở Việt nam. Với lòng biết ơn và mến phục”.
Tom nói : “Vậy ra ông là người từng quen biết đã lâu với Nghị sĩ? Ông là một tù nhân chính trị được nhiều người biết đến. Tại đây, chúng tôi rất hân hạnh được biết thêm về họat động hiện nay của ông”. Tôi nói : “Năm nay tôi đã vào tuổi 80 rồi, đã nghỉ hưu từ lâu. Và hiện nay, tôi tham gia sinh họat trong tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam mà có trụ sở ở California nơi gia đình tôi cư ngụ từ hồi đến Mỹ năm 1996. Tôi cũng tham gia với Amnesty International, với Human Rights Watch là hai tổ chức đã giúp nhiều cho các tù nhân chính trị ở Việt nam như tôi nữa. Năm 1960, tôi đã tập sự nơi nhiều văn phòng của Quốc Hội Mỹ tại đây. Do vậy mà tôi khá quen thuộc với khung cảnh sinh họat tại khu vực này. Tiện đây, tôi cũng xin gửi đến văn phòng Thượng nghị sĩ bàn Bản Phúc Trình mới nhất về Tình hình Nhân quyền ở Việt nam do tổ chức Vietnam Human Rights Network chúng tôi vừa hòan thành vào giữa tháng Tư năm nay…”
Tom lật mở qua mấy trang và tôi chỉ cho anh coi Danh sách các Tù nhân Lương tâm bị giam giữ hay bị quản chế – danh sách này được cập nhật đến ngày 16 tháng Tư, tức là cách nay mới có 3 tuần lễ. Tom vừa xem, vừa gật đầu tỏ ý thông cảm. Đúng vào lúc ấy, thì Nghị sĩ Tom Harkin đi cùng với mấy người nữa đến hỏi thăm và tiếp chuyện với tôi. Tôi vừa chào hỏi vừa mở bao thư đưa cho ông coi tài liệu của tôi với mấy chữ đề tặng vị ân nhân đã giúp cứu thóat mình. Ông đọc qua và lắc đầu nói : “Chuyện đó đáng gì mà cứ phải nhắc lại? Ta hãy quên nó đi…” Tôi bèn trả lời : “Nghị sĩ có thể quên được. Nhưng cá nhân tôi và gia đình cũng như bạn bè của tôi, thì không một ai lại có thể quên được điều đó. Và hôm nay, tôi đến đây để nhắc lại lời cảm ơn chân thành của chúng tôi đối với Nghị sĩ đấy…”
Ông hỏi tôi về Don Luce – người đã từng giúp ông đắc lực trong vụ “Tiger Case” – thì lúc này anh ấy ra sao? Tôi nói là đã lâu không nói chuyện hay thư từ gì với anh ấy được, lý do là Don không hề sử dụng Internet. Tôi nói là mới gặp lại Dick Hughes ở New York vào tuần trước, Dick vẫn hăng say chuyện xã hội như hồi nào. Tiếp theo ông nói với các nhân viên tùy tùng : “Qua vụ án của ông Liêm đây, tôi thật thắc mắc không thể hiểu được những người cộng sản hồi trước họ bị đàn áp, bắt giam trong tù. Vậy mà từ lúc họ chiến thắng và nắm được chính quyền, thì họ lại ra tay đàn áp, giam cầm những người đối lập mà lại bất bạo động…” Tôi tiếp lời : “Trước kia, họ là nạn nhân. Nay thì họ lại là kẻ đàn áp các nạn nhân. Vai trò đảo ngược đấy mà! Rõ ràng đây là chuyện bi kịch của con người” (The former victims are now victimizers – reversing the role. This is really an human tragedy).
Cuộc tiếp kiến diễn ra trong chừng 10 phút, nhưng tôi thấy là mình đã nói với nghị sĩ Tom Harkin được những gì cần thiết và rõ ràng tôi thấy ông tỏ ra quan tâm đến những điều đó. Và đặc biệt là Tom Buttry người Phụ tá Lập pháp (Legislative Assistant) tỏ ra chú ý nhiều đến những điều tôi trình bày cả riêng với anh và cả với Nghị sĩ trước sự chứng kiến của nhiều người khác nữa. Hơn nữa, anh còn nói : “Chúng tôi sẽ đọc kỹ tài liệu ông viết và nhất là Bản Phúc Trình của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam về Tình Hình Nhân Quyền mà ông vừa trao cho chúng tôi ở đây…”
II – Nhân tiện, tôi cũng xin sơ lược ghi lại về cái duyên quen biết giữa Nghị sĩ Tom Harkin với tôi. Đó là vào năm 1995, hai Nghị sĩ kỳ cựu (High Ranking Senators) là John McCain (thuộc Đảng Cộng Hòa) và Tom Harkin (thuộc Đảng Dân Chủ) được cử đi Việt Nam để thương thuyết về việc bình thường hóa quan hệ ngọai giao giữa hai chánh phủ ở Washington và Hanoi. Đó là theo truyền thống của Nền Ngọai Giao Lưỡng Đảng đã có lâu ngày ở Mỹ (the Bipartisan Foreign Policy) – hai Nghị sĩ thuộc hai đảng khác nhau mà cùng nhập thành một phái đòan để đi thương thảo với Hanoi vốn trước đây là một kẻ thù của Mỹ trong cuộc chiến tranh trước năm 1975.
Đó là công việc chính thức của hai vị Nghị sĩ (formal business). Nhưng do sự vận động từ các bạn hữu thân thiết của tôi ở Mỹ, thì cả hai ông John McCain và Tom Harkin lại đều cùng vận động yêu cầu nhà cầm quyền Hanoi trả tự do cho tôi – theo lối không chính thức (informal business).
Vào năm 1995 lúc đó tôi đang ở trại giam Z30D tại Hàm Tân Phan Thiết, thì nào có biết được chuyện gì. Chỉ sau đó ít lâu, trong một kỳ tù nhân được thăm gặp với gia đình, thì con gái của tôi là Thùy Trang mới nói cho tôi biết là : “Nghị sĩ Tom Harkin có cho người thông báo mời con đến gặp ông ấy ở một khách sạn tại Saigon. Ông cho biết ông có yêu cầu cho ông được gặp mặt bố, nhưng chính quyền lại không đồng ý cho ông đến trại giam để xem sức khỏe của bố cháu ra sao, vì các bạn ở Mỹ rất quan tâm về tình trạng bệnh họan của bố. Và ông bảo con nói với bố là : “Cứ yên trí, chắc chắn là ông sẽ được trả tự do nay mai thôi. Vậy hãy ráng giữ sức khỏe để còn về lại sinh sống với gia đình chứ…”
Và kết cục là vào đầu năm 1996, tôi được công an chở đến phi trường Tân Sơn Nhất để cùng với gia đình qua định cư ở Mỹ cho đến hôm nay.
Rồi vào năm 2000, khi sức khỏe hồi phục, tôi đã tới Washington để gặp và cảm ơn cả hai vị Nghị sĩ John Mc Cain và Tom Harkin là các vị ân nhân đã giúp vận động cứu thóat tôi ra khỏi nhà tù ở Việt nam, mặc dù tôi mới bị giam giữ có 6 năm – tức là mới ở tù có một nửa so với bản án 12 năm tù giam vì tội “Tuyên truyền chống Chủ Nghĩa Xã Hội” từ phiên tòa ngày 14/5/1992 ở Saigon. Trong lần viếng thăm đó, Nghị sĩ Tom Harkin đã cùng với hai Phụ tá tiếp tôi đến 45 phút và chuyện trò trao đổi rất là thân tình. Lần mới đây nhất là vào năm 2009, tôi cũng đã đến gặp ông trong bữa ăn sáng tại trụ sở Thượng nghị Viện vào một ngày Thứ Tư y hệt như bây giờ vào ngày 7 tháng Năm 2014 này vậy.
Thành phố Baltimore Maryland, ngày Thứ Năm 8/5/2014
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
(Ghi chú : Tài liệu nhan đề “How I became a political prisoner in Vietnam in the 1990s’” nguyên tác bằng Anh ngữ đã được một thân hữu ở Âu châu cho phóng lên Google.com hồi đầu năm 2014. Bạn đọc có thể mở Internet ra để tham khảo dễ dàng)