WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trên những nẻo đường hội nhập (I)

Từ ao ra sông, từ sông về biển… trên những nẻo đường hội nhập

Lời người viết – Tạm kết chủ đề Hội Nhập, lẽ ra phải viết một bài tổng hợp tất cả những ý kiến đã đề xuất. Bài này không có tham vọng ấy, lý do là lực bất tòng tâm. Tôi xin phép qui về một số đóng góp giới hạn, và thành thật cáo lỗi với những anh/chị tham gia cuộc hội luận là đã không có khả năng trình bày đầy đủ mọi khía cạnh nên và cần có. Thiết tưởng chúng ta mới đặt bước đầu, hội nhập là chuyện đường dài, và hy vọng nếu còn những đóng góp khác trên chủ đề này thì Ban chủ trương Hội Luận Văn Học Việt Nam (HLVHVN) tiếp tục trân trọng, hiển thị, gây tranh luận, và nhất là tạo ra một sự đồng cảm thân ái, điều kiện cần để hội nhập thành hiện thực.

Ao có thể là ao nhà, gợi thơ Đặng Đình Hưng, “Bao giờ về trong khoanh một cái ao ngồi giặt yếm cả ngày”. Hay nhớ cô bé hái hoa sen của Bạch Cư Dị, “Tiểu oa sinh tiểu đĩnh, thâu thái bạch liên hồi” (Cô bé chèo thuyền con, đi hái sen đem về)… Ao thường không sâu, mặt nước xanh đục mầu cây sắc lá trồng quanh bờ, tưởng tượng phải mạnh lắm mới nhìn ra chút mây trắng lửng lơ, thật khó mơ mộng nhữngchuyến đi xa như khi ở sông, ở biển. Ao tù, lượng nước thoát rất thấp vì độ thấm nước của đất đai thấp, phải đợi trời đủ nắng để bốc thành hơi. Không như sông, nước chảy theo dòng, từ cao đến thấp, tìm đường rabiển. Không như biển, khi động, sóng đập đến vỡ đất. Sóng thần thì thôi, khỏi nói, có thể cuốn phăng ra khơi tất cả, từ làng mạc đến phố thị. Tsunami dập vào Thái Lan, Indonesia, Tích Lan mới hai năm nay thôi. Thật kinh hoàng, may mà chỉ thi thoảng mới có sóng thần. Thường thì theo mùa, khi biển lặng, nước xanh như ngọc điểm dăm cánh hải âu chập chờn (Ô, giá mà cuộc đời cứ yên bình phẳng lặng như thế thì đáng yêu làm sao!)

Ao nhà, bốn biển – Tầm phổ quát của văn chương và những động chạm chính trị

Trong Ao nhà và bốn biển, nhà thơ Chân Phương quả quyết:

“Để làm quen với xu thế đa nguyên văn hóa của trái đất hôm nay văn học Việt Nam may mắn có được nhiều khu vực giao tiếp với ngôn ngữ và văn học thế giới nhờ mấy triệu di dân. Tiềm năng của văn nghệ sĩ với trí thức hải ngoại đối với văn học và đời sống văn hóa tinh thần VN có thể nói là vô tận. Đây là chiếc đũa thần Synergy sẽ chắp cánh cho những ngòi bút VN bay cao bay xa thoát khỏi quán tính lũy tre, tập tục xã huyện, ghetto địa phương, tóm lại là ao nhà chủ nghĩa!’’

Bốn chữ “chủ nghĩa ao nhà’’ rất đắt: tù túng, chật hẹp, và có gì đó như vô vọng. Chắc chẳng có ai, trong thế giới mở này, dám nhận mình là tín đồ của chủ nghĩa này, vừa có vẻ bộ tộc bầy đàn kiểu “một giọt máu đào, hơn ao nước lã’’, vừa thủ cựu co cụm lối “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn’’.

Trước bài tham luận của nhà thơ Chân Phương không lâu, GS Hoàng Ngọc Hiến nhắc nhở:

“Hội Luận không tránh khỏi động chạm đến chính trị. Nên đặt mọi khuynh hướng chính trị, dưới “tầm phổ quát nhân loại”. Nếu Hội Luận truyền được cho độc giả cảm hứng “phổ quát nhân loại”, thì dưới mắt của độc giả, mọi “mầu cờ sắc áo “sẽ trở nên lố bịch.’’

Dĩ nhiên, đối lập quán tính lũy tre làng và tập tục xã huyện với “tầm phổ quát nhân loại’’ là phản ứng tức thời của tư duy theo mô hình nhị nguyên, cái gốc của cơ sở triết lý và khoa học Tây Âu cho đến nay. Bay cao bay xa khỏi lũy tre làng và tập tục xã huyện cần, nhưng liệu có đủ, để vươn lên tầm phổ quát? Bay trong văn chương là bay từ đâu? Và tại sao cụm từ tầm phổ quát nhân loại lại đóng rồi mở ngoặc như những cái nháy nháy vốn là ngôn ngữ của mắt, nhất là mắt của một học giả Đông Phương học như GS Hoàng Ngọc Hiến? Chính những câu hỏi này khiến tôi đã bỏ ra 216 chữ phần nhập đề dông dài từ ao đến biển (và nay xin bạn đọc lượng thứ cho). Để xin thưamột số ý:

1. “Tầm phổ quát nhân loại’’ của văn chương có thể ví như đại dương, tố chất là những con người tựa nước, nước ứa ra từ những cái ao, đổ xuống từ những triền rừng đỉnh núi, hội nhập vào thành những dòng sông. Nước mang hương vị của núi rừng, đất cát, đồng ruộng của từng vùng địa lý, con người mang văn hóa kết cấu từ điều kiện sinh tồn, lịch sử và những giá trị minh triết đa dạng tồn tại qua sự đẽo gọt trong quá trình tiến hoá. Vươn lên được tầm khái quát nhân loại, văn chương đích thực trong điều kiện cá biệt đặc thù nói trên là loại văn chương thấu cảm được niềm vui và nỗi đau sâu lắng nhất của con người ở mức khái quát đến độ tính hạn hẹp địa phương – cả điạ lý lẫn văn hóa -không còn là rào cản đối với cảm nhận của người đọc. Có vẻ như một nghịch lý, nói về con người thì tầm phổ quát nhân loại chỉ có thể đạt được từ những đặc thù văn hóa khi nó đã phủ định được chính nó trong khả năng tiếp cận được một mẫu số chung của con người. Muốn ra biển lớn, ta là ao, rồi là sông, thấm vào lòng đất nuôi ta, nước tiếp tục cuộc luân lưu cả trên bề mặt lẫn dưới mạch ngầm. Sông sẽ ra biển, chỉ có nước, mênh mang. Nhưng trong mỗi phân tử nước, có mùi, có vị của tầng địa chất, lớp thảo mộc. Tức là có bản sắc.

Tương tự, văn chương hội nhập tầm nhân loại, chỉ có con người. Những con người sống trong một biên giới địa dư, kinh qua một lịch sử, có một nền văn hóa, tồn tại được vì gắn bó vào sự sống trong những cơn hưng phế. Con người trong bối cảnh, tạm gọi là địa-văn hóa trên, là đối tượng của văn chương mang bản sắc cá biệt. Với lên tầm phổ quát có nghĩa là chắt lọc được từ những đặc thù địa-văn hóa chất người như mẫu số chung của nhân loại. Văn chương ở tầm đó đẩy thân phận làm người lên mức cứu cánh là người, với cái quyền tối thượng là quyền mưu cầu hạnh phúc, tất không thỏa hiệp được với khái niệm con người-công cụ cho bất cứ guồng máy quyền lực và khuynh hướng chính trị nào.

2. Làm văn chương với đối tượng những con người-cứu cánh như thế, liệu có thể nào đặt mọi khuynh hướng chính trị dưới “tầm phổ quát nhân loại’’ hay không? Phục vụ con người vươn lên là người chứ không vong thân làm kiếp gia súc cho một quyền lực nào phải chăng chính thế đã là một hành xử rất là chính trị? Câu hỏi có khả năng tự trả lời rồi. Nhưng đâu là những yếu tố chính trị, nhất là ở mức thô thiển, khác văn hóa, thậm chí tìm cách triệt tiêu văn hóa?

Một người bạn góp ý: có hai loại người, nhà chính trị và nhà văn/ nhà thơ, cả hai đều say và mê chữ. Tầm nhìn thật dài, tôi luẩn quẩn nghĩ, dài cho đến hàng ngàn năm, thì những vị chính khách này thành những nhà Tôn Giáo. Ở mức trăm năm, họ làm chính trị nhưng đồng thời là những nhà văn hóa, vì chính trị phi văn hóa là không gốc khôngrễ. Nhưng nếu giới hạn vào tầm ngắn hạn, một hai chục hay dăm ba năm, thì loại người làm chính trị này chỉ biết có quyền lực trước mắt. Và để củng cố quyền lực này, họ chẳng ngần ngại dùng bạo lực để giết văn hóa một khi quyền lực bị đụng chạm, khi thì đụng chạm thật, lúc thì như đến từ psychose – loại hoảng trạng tâm thần – giống như người bệnh hoạn đâm sợ ma chẳng hạn. Trong trường hợp này, thể loại văn chương lấy con người làm cứu cánh ở “tầm phổ quát nhân loại’’ chắc chắn dẫu ởtrên hay ở dưới chính trị, cũng sẽ là đối tượng của đàn áp chính trị. Chuyện này xưa rồi. Không như một bạn nào đó trong Hội Luận thắc mắc sao từ trăm năm nay, nhà văn/nhà thơ thành món nhậu của các vị làm chính trị có cái gu ăn sống nuốt tươi. Đốt sách giết học trò, chẳng chỉ ở bên Đông mà còn ở cả bên Tây, là những điềuchẳng hề bí mật gì hàng mấy ngàn năm nay, từ Tần Thủy Hoàng đến… (để trở về bản quán) đốt sách “Ngụy’’ sau Giải Phóng ở bùng binh chợ Bến Thành năm 1975. Và mới đây, còn hôi hổi tính thời sự, công quyền ra lệnh ngưng phát hành và thu hồi tập “Trần Dần-Thơ”, dẫu nhà thơ, từng được vinh danh với Giải Thưởng Nhà Nước năm ngoái, đã trở về với cát bụi từ 10 năm nay.

Hội nhập, chữ nghĩa dấn thân

Cho phép tôi chơi trò tu từ: nếu hội nhập là assimilation vàhiểu là đồng hóa, thì… hội nhập đáng ghét thật. Nhưng nếu hiểu hội nhập là integration thì khác.Những thành tố cuộc hội nhập giữ bản sắc (nói ngôn ngữ vật lý, năng lượng), tương tác với nhau nên mới tạo được synergy (tôi gọi là lực liên vận, nhưng một bạn tham gia Hội Luận định danh đúng hơn là cộng lực), và chỉ thế (nghĩa là, lượng entropy giảm khiến hệ thống năng động hơn) thì hội nhập mới có ý nghĩa. Còn nếu hội nhập là đồng hóa, ôi thôi ai tai, làm gì tạo được cộng lực, và nên dẹp ngay, không cần tốn công gõ compiutơ đến mờ mắt!.

Nay xin chuyển qua đề tài chủ: Văn chương cho cuộc hội nhập mang khả năng tạo cộng lực là gì?

Trước tiên, nói chắc cũng không thừa, văn chương đó là văn chương Việt Nam, chữ nghĩa là tiếng Việt (còn khi truyện Kiều còn). Nhắc, dẫu có thể gây phản cảm với một Phạm Duy khá “phức tạp”, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời, à ơi, tiếng ru muôn đời”… Rất có thể thế vì tôi thuộc thế hệ học vỡ lòng với Quốc Văn Giáo Khoa Thư, thiếu thời mơ giấc mơ của Dũng trong Loan và Dũng của Nhất Linh, lênh đênh năm nay là năm thứ 45 trên quê người. Làm việc thường nhật thì khi tiếng Anh khi tiếng Pháp, nhưng khi tôi nằm mơ, lúc mộng lành, lúc mộng dữ, không biết thế nào mà trong mơ tôi chỉ mơ bằng tiếng Việt! Lần đầu qui cố hương sau 13 năm bị lưu lạc, ở cửa khẩu phi trường Gia Lâm thời ấy, một đồng chí công an hải quan khen “Anh đi xa lâu mà tiếng Việt còn sõi, cứ như người mình!’’. Phải chục năm sau tôi mới nhận ra tôi quả cứ như người mình: cứ như thôi, vì tôi là một Việt kiều, khúc ruột ngàn dặm, độxatính bằng đơn vị đo chiều dài. Viết văn, vì thế, tôi chỉ có thể là “nhà văn’’ hải ngoại. Khi đọc báo trong nước, nhận thấy tiếng Việt “người mình’’ có vẻ xuống cấp, vừa chỏng lỏn vừa mù mờ, thỉnh thoảng u ơ như ngọng, tôi phàn nàn thì một anh bạn nhà thơ trong nước cau mày, đáp: “Chúng tôi ngọng, nhưng có 80 triệu thằng ngọng đọc chúng tôi, các ông dẫu lưu loát nhưng chẳng mấy ai đọc. Thế đấy, hè hè… “. Thì ra trong văn chương cũng có chiến thuật biển người. Ngộ ra chân lý ấy, tôi liều lĩnh viết văn bằng tiếng ngoại. Ôi chao, xin dùng tên phim “Tự thú trước bình minh’’, xấu hổ đến chui xuống đất: tôi chỉ chuyển được nghĩa, nhưng những con chữ đều mất hồn mất vía. Thế thì còn gì là văn, thưa các bạn! Tôi đành xé, xé cho bằng hết, không để một dấu vết nào.

Nhưng cái gì tạo ra hồn vía những con chữ?

Ngẫm nghĩ mãi, thì ra, a ha, cái ao nhà. Chính nó, nó tạo ra hồn vía, với những con chuồn kim đủng đỉnh lượn vòng. Với cánh bướm trắng chập chờn trong cơn gió thổi qua cây xào xạc, mùi ngọc lan thoang thoảng, tiếng bọt nước vỡ khi con cá dưới sâu quậy đệm cho tiếng ễnh ương à uộp lúc đêm về… Nhưng chỉ bắt được hồn vía chữ, chưa đủ. Những con chữ, hồn có thể có vía có thể có, nhưng vô nghĩa thì chúng làm được gì trong cõi người ta? Nhất là khi văn chương với lên tầm phổ quát nhân loại như đã nói phần trên, phụ họa với gợi ý của GS Hoàng Ngọc Hiến về ước vọng tạo ra một cuộc hội nhập giữa những nhà văn/nhà thơ trong nước và hải ngoại.

Nhân loại, nôm na là loài người. Tất cả là vì con rắn nó dụ Eva ghé răng cắn vào trái cấm khiến cái xương sườn thừa của ông Adam mang được khả năng cống hiến tình yêu thân xác, và từ đó lẩy giống sinh mầm khiến cái quả đất bé như một hòn bi mà nay phải đèo bồng đến trên dưới 6 tỉ nhân mạng. Địa đàng, chỉ còn ở phía sau. Đi tới, là Thiên đàng, với điều kiện, không phải ai muốn leo vào cũng được. Trong khi chờ đợi thì cõi nhân gian này hiện ra sao? Xin thưa ngay, nó ghê lắm, nhất là trong bối cảnh toàn cầu ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ 21 (1). Đáp câu hỏi vừa nêu cần, vì văn chương ở tấm phổ quát trên con đường hội nhập trong bối cảnh trong-ngoài Việt Namhiện nay không có thể tiếp tục bó mình trong lũy tre làng, tập tục xã huyện, ghetto của những vĩ nhân tỉnh lẻ, những thiên tài mà kiến thức đáy giếng cho phép họ tin trời chỉ to như vung trên đầu. Cõi nhân gian gần gụi và thiết thân của những nhà văn/nhà thơ chẳng ở đâu xa, chỉ bế tất cả cảm quan mới không ngửi thấy, không nhìn thấy, không nghe thấy. Ở Việt Nam, cứ ra đường là có muôn vạn cảnh đời có thể lấy làm đối tượng sự viết. Từ đứa bé bụi đời đến cô thôn nữ lên tỉnh ra mắt các chú rể Đại Hàn, Đài Loan. Từ người đàn bà xa chồng xa con xin đi theo diện xuất khẩu lao động để vun vén gia đình đến người đàn ông ngậm mối hờn bị bóc lột trong xí nghiệp gia công cho nước ngoài…

Nhưng viết là gì? Xếp những con chữ theo một lớp lang là để biểu tỏ cái gì ngoài những con chữ, viết là phát hiện, vạch trần, cáo buộc những hiện thực phủ nhận con người. Viết là bày tỏ khả năng có thể khác đi của loại hiện thực phi nhân. Viết thành văn, chữ nghĩa đấy rồi thì không một ai còn có thể tự biện bằng cách bảo là tôi không biết nên tôi vô tội!

Chính vì viết như vậy mà viết là hành động có ý thức, nhất là ý thức trách nhiệm. Nhưng tại sao lại viết? Người viết là viết vì tất có người đọc. Người đọc ở đây hoàn toàn tự do cảm nhận cái thế giới vén màn bởi người viết, kẻ cũng hoàn toàn tự do chọn lựa kéo những bức màn cần kéo. Vì vậy, tự do là khế ước bất thành văn được hiểu ngầm giữa hai đối tác viết và đọc. “Viết, theo J.P. Sartre (trong Qu’est-ce que la littérature, Le Temps Moderne, 1947), như thế là giành lấy tự do, và muốn hay không, đó là một động thái dấn thân”.

Chữ nghĩa dấn thân, ở một nghĩa nào đấy, là văn chương tự do đèo bồngtrách nhiệm đối với người đọc, và nói rộng, đối với toàn xã hội. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam cận đại tạo ra không biết bao nhiêu phân liệt, ngộ nhận, hận thù và dối trá, văn chương ở tầm phổ quát nhânloại không thể khác là văn chương của SựThật, của những Tiếng Nấc và của Nước Mắt. Nếu nó mở ra một con đường hội nhập như GS Hoàng Ngọc Hiến gợi ý, thì mong sao, nhà văn viết như tìm cách lau khô nước mắt, hóa giải những oan khiên tiếp tục ung độc. Và nhất là tránh cho những thế hệ mai hậu phải đổ thêm những giọt lệ đau xót tương tự luôn có khả năng lặp lại trong lịch sử.

Văn chương tiến đến mục tiêu hội nhập, tôi thiển nghĩ, là văn chương dấn thân đòi quyền làm tác nhân cho một tương lai, không thụ động đóng vai nạn nhân, cũng không lạnh nhạt quay lưng lại với đồng loại trong bất công và hủy diệt. Nhưng xin đừng nhầm văn chương với tuyên ngôn chính trị. Cái chất liệu của văn chương là con người, phận người, tình người chứ không là khẩu hiệu. Chẳng cần nói xa, chúng ta đều biết loại văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa đã là gì “đêm trước đổi mới’’.

Sự Thật và những nỗi đau

Sau câu đáp viết là gì và tại sao viết, tất là câu hỏi viết gì, và để cho ai? Nhưng trước khi mạo hiểm trả lời, chúng ta hãy đi một vòng “ao nhà’’ trong bối cảnh toàn cầu đã lướt qua trong cước chú 2. Ao nhà quả là đục. Một trong bốn nước còn gọi là những nước Cộng Sản (CS), Việt Nam là mô thức đồng dạng (isomorphe) của Trung Quốc vĩ đại, dĩ nhiên chậm 10 năm, tủn mủn nhỏ bé hơn, không (vì khôngthể) tham vọng bá quyền. CS nay chỉ là tên gọi, trừ cái phương thức độc trị một Đảng cầm quyền, hệ luận là tổ chức guồng máy công quyền rập khuôn Lênin-Stalin, pha hương vị thuốc bắc Mao, có mùi mèo đen của Đặng, và hiện đang đệm mầu kỹ trị họ Giang lên trên một thực tại nhiều bất cập. Việt Nam thì khốn khó hơn: nền kinh tế có định hướng XHCN hầm bà lằng đánh lận của công ra của tư, những Doanh Nghiệp Nhà Nước(2) (những con sâu đục khoét còn ẩn dưới đáy nồi canh tham nhũng?) ân huệ nhiều, hiệu quả thấp, là hình thức lũng đoạn tài sản kinh tế. Rồi ô nhiễm sông, ô nhiễm không khí, rừng bị phá hủy gây lũ lụt hàng năm… Rồi quan chức các cấp xã-huyện cũng cướp đất nông dân, những người làm mà không có cái ăn, bỏ quê kéo nhau lên đô thị làm công cho các loại xí nghiệp chủ yếu là gia công (giá rẻ) cho ngoại quốc, gia côngmát-xa, gia công tình dục, đi ăn xin, bụi đời có khi chỉmớí 5,7 tuổi… Sau khi xã hội hóa (tức là bắt người tiêu thụ trả tiền) y tế, Nhà nước vừa rồi lại tính xã hội hóa ngành giáo dục đã xuống cấp đến mức báo động, định tăng học phí (và thế là, rùng rùng học sinh sinh viên bỏ học). Trong khi đó, liên minh quan-thương ngày càng lộ mặt, và trong những đô thị “phồn vinh giả tạo’’ vượt xa thời “ngụy’’, có những đại gia bỏ đến 100 triệu đô la mua xe hơi và chở về bằng máy bay!

Xã hội rã ra, đạo lý không còn(3), bây giờ chỉ có tiền. Và bạo lực. Và vô số những con người nạn nhân. Vô vọng, cha mẹ bán con, chúng lưu lạc sang Kampuchia, bị bắt buộc bán mình từ khi 11,12 tuổi(4). Vô vọng, cha mẹ đẩy con đi lấy chồng Đài Loan, với không biết bao nhiêu là thảm kịch (5).

Văn chương dấn thân không thể khác là văn chương vén màn sự thật cho nạn nhân cất tiếng nói. Và cất tiếng khóc, để nhân loại cùng nghe. Thế nhưng tại sao(6) nhà văn lại ngoảnh mặt làm ngơ?

Trong Ao nhà và bốn biển, nhà thơ Chân Phương trích Cao Hành Kiện:

“Văn học đứng trên ý thức hệ, biên cương quốc gia và ý thức chủng tộc. Văn học là sự quan sát phổ quát những éo le của kiếp ngưòi và không có đề tài nào là cấm kỵ… Đối với nhà văn Sự Thật trong văn học hầu như đồng nghĩa với đạo lý, đó là đạo lý tối cao của văn học…”

(Diễn từ Nobel)

(Còn tiếp)

——————————————————————————–

DCVOnline chuyển dạng và đề tựa. Chú thích của tác giả.

(1) Điểm qua thời hậu chiến “lạnh’’: một khi khối XHCN Đông Âu rã thành những mảng bèo dạt mây trôi, bàn cờ thế giới không còn đối trọng chính trị, lập tức chiến tranh địa phương cục bộ xẩy ra với sự đồng lõa của những thế lực Tây Âu và Bắc Mỹ. Nam Tư, vì vấn đề dân tộc. Trung Đông, chiến tranh ở Afghanistan và Irak, vì dầu lửa, nhưng âm hưởng một cuộc Thánh Chiến với cái mà Tổng thống Hoa Kỳ G.W. Bush gọi là Trục Ác trên thế giới. Đây là hệ luận thứ lý thuyết S. Hungtinton về sự “đụng độ’’ giữa những nền văn minh, và theo cách nhìn của Fukuyama, kẻ lớn giọng tuyên bố sự cáo chung của lịch sử, thì sẽ chỉ còn một trong tương lai, dĩ nhiên là với những giá trị nhân bản made in USA, manh nha mang đến cho toàn nhân loại chế độ dân chủ, điểm kết và đỉnh cao của loài người tiến hóa.Nhưng trên thực tế, người Palestine vẫn còn đi đòi Tổ Quốc, lãnh địa Liban bị lấn đánh, quân đội Mỹ, Canada… với kỹ thuật chiến tranh hiện đại không dẹp được phiến loạn Trung Đông với bom “thủ công’’, Bin Laden của cái ngày tai họa 9-11 thì cao bay xa chạy, thỉnh thoảng ghi băng truyền hình nhắc nhở thất bại cuộc tập nã của Bush.
Về cộng đồng xã hội Mỹ và Tây Âu, mức thu nhập bình quân ngày chênh lệch một lớn, người giầu ngày thêm giầu, tầng lớp trung lưu tương đối nghèo đi, những chính sách an sinh công cộng bị cắt giảm, “tư hóa’’. Trong khi đó, ăn cướp có trình độ và ở cấp toàn cầu thò mặt(Enron, C. Black…) với hàng trăm tỉ đô la thất thoát, đồng thời môi trường ô nhiễm, và đến nay độ thải khí CO2 là nguyên nhân khiến khí quyển “nóng’’ lên và tạo ra lũ lụt, thiên tai… là có cơ sở khoa học. Thế mà, vì quyền lợi riêng, cái quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất là nước Mỹ dân chủ từ chối không ký vào qui ước Kyoto tập hợp rất nhiều nước trên cái “làng’’ địa cầu này đã đồng lòng cứu nguy cho trái đất nứt nẻ! Thế giới tuy nhỏ nhưng còn hơn 800 triệu người Phi châu, với chiến tranh sắc tộc (Rwanda, Congo…), đằng sau là vũ khí và quyền lợi (khai thác kim cương, vàng, dầu lửa…) những nước ’’tân tiến’’. Nhưng Nam Phi là một hy vọng. Đòi được độc lập, dầu có nhiều sắc tộc và với di căn lịch sử của apartheid còn hằn vết, nhưng những tác nhân chung sống hòa bình và thiết lập được một thể chế dân chủ – tuy ở bước đầu đã chứng tỏ tương đối vững chắc – phản biện hùng hồn đối nghịch quan điểm không thể có dân chủ khi dân trí còn thấp (sic!). Á châu bề ngoài có vẻ khá hơn, với những Con Rồng quậy cánh đạp chân, giai đoạn kinh tế cất cánh ngoạn mục nhưng nay chừng ít nhiều chựng lại. Không thể không đề cập đến Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai cùng phát triển nhanh, với hai thể chế khác nhau, một bên tập trung toàn trị và bên kia, dân chủ đại nghị với một cơ cấu xã hội truyền thống dựa trên đẳng cấp. Nhưng tối thiểu, Ấn Độ chứng minh phát triển kinh tế không bắt buộc phải có một cơ chế độc đảng chuyên quyền. Về Trung Quốc, rất gần gũi Việt Nam chẳng chỉ về địa lý mà còn hầu như toàn bộ ý thức hệ và cơ cấu tổ chức, tôi xin phép được nói ở phần sau.
(2)Trích Huy Đức (Yahoo 3600-Osin’s Blog, 2-04-2008): Thủ tướng vừa mới yêu cầu các DNNN tái cấu trúc, phải tập trung cho ngành nghề chính theo tỷ lệ 70-30. Quyết định này là cần thiết nhưng quá trễ. Thời gian qua, các tập đoàn, TCT đã tập trung quá lớn để “nhảy” vào chứng khoán, ngân hàng, địa ốc… Nhiều doanh nghiệp đã đánh mất vai trò “chủ đạo” khi tập trung rất ít cho ngành kinh doanh chính. Các chuyên gia ước tính, tỷ lệ thực tế là 30, cho ngành kinh doanh chính; 70, cho chứng khoán, ngân hàng, địa ốc. Các DNNN đang chiếm giữ 80% lượng vốn tín dụng của các ngân hàng trong nước; 70% vốn vay nước ngoài, trong khi chỉ tạo ra 40% GDP, chưa kể trong 40% GDP ấy, chủ yếu có được nhờ đặc quyền khai thác các tài nguyên quốc gia. Có những tập đoàn như Vinashin, nói là phát triển công nghiệp đóng tàu, nhưng đất đai có đủ “trên rừng, dưới biển”. Chưa kể, vô số công ty to nhỏ, kinh doanh “thượng vàng hạ cám”, khai thác “thương hiệu” Vinashin. Năm 2007, tập đoàn này được ưu tiên cho sử dụng 750 triệu USD từ nguồn tiền bán trái phiếu Chính phủ. Gần đây, Vinashin lại được bảo lãnh để vay 2 tỷ USD từ Deutsch bank. Thật khó biết hiệu quả của những đồng vốn ấy, vì không có các số liệu tài chính minh bạch. Vinashin chỉ là một ví dụ, phần lớn nguốn vốn của xã hội đang tập trung vào khu vực này. Trong khi, như thừa nhận của một vị thứ trưởng tại phiên làm việc chiều 1-04, ngay cả các cơ quan Chính phủ cũng không thể tiếp cận các dữ liệu. Không có cơ chế giám sát hữu hiệu, không có kiểm toán, trong khi các tập đoàn, TCT đang là “nhóm đặc quyền” có ảnh hưởng nhất tới việc hoạch định chính sách quốc gia.
Khi xây dựng các TCT lớn, nhà nước kỳ vọng rất nhiều vào khả năng cạnh tranh trên thị trường bên ngoài. Quan sát hoạt động của hai TCT Lương thực (miền Bắc và miền Nam), mới thấy, người nông dân, thay vì được giúp đỡ, đã phải gánh chịu rất nhiều hậu quả. Là những doanh nghiệp nắm giữ gần như tuyệt đối lượng gạo xuất khẩu của một quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới, 2 TCT này vẫn không dự báo được thị trường. Đầu năm, họ “thắng” thầu xuất 700.000 tấn gạo sang Philippine chỉ ở mức 350 USD/tấn. Để đến khi giao hàng, giá gạo thế giới lên đến mức 500 đến 600 USD/tấn. Chính nông dân và các doanh nghiệp cung ứng phải chịu những thua thiệt đó. Một nhà nghiên cứu có uy tín ở Đồng bằng Sông Cửu Long gọi cách làm nói trên của hai DNNN độc quyền tự nhiên này là “cai đầu dài”.
(3) Xin tham khảo Nam Dao, “Vốn xã hội, nguy cơ phá sản?’’, Talawas, 11-12-2007; và những bài cùng chủ đề của Thái Kim Lan, Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Xuân Lộc.
(4) Xin tham khảo những bài viết của Linh mục Matino trong http://www.haythuongyeunhau.org
(5) Trích bàitrong cước chú 4: “Nông dân chiếm gần 80% dân số, mất đất, giá nông sản thấp, thì… dễ thôi, còn trẻ cứ lên thành thị, trai làm công nhân (nếu tìm ra việc), gái làm ô-sin, hoặc lấy chồng người Đài Loan, người Đại Hàn, người Mã, người Phi, thậm chí cà người Trung Quốc vĩ đại sát nách cũng còn nghèo nhưng khá hơn ta một chút. Hiện, đàn bà Việt Nam lấy chồng Đài Loan khoảng từ 120 đến 140 ngàn, phần lớn những đấng phu quân là nông dân, trình độ văn hóa cấp 1 hay 2, có người bị liệt, bị tâm thần, góa hoặc ly dị. Họ chi khoảng 5000 đô cho đám môi giới lo từ xem mặt đến visa xuất cảnh. Gia đình “cô dâu’’, thường là làm áp lực bắt con đi lấy chồng ngoại, trả cho dịch vụ từ 500 đến 1000 đô. Cưới hỏi xong, nhà gái bội thu được đâu 4, 5 trăm đô, và đó là giá bán đứt con, với hy vọng lâu lâu được con trợ cấp cho một, hai trăm đô. Hàng chục cho đến hàng trăm cô gái tuổi từ 17 đến 30 xếp hàng cho dăm bẩy đấng phu quân tương lai chọn lựa. Đây là nạn buôn phụ nữ. Buôn được vì người Việt Nam đói nghèo khốn khổ đến độ cha mẹ bán con, dẫu biết con mình có thể sẽ là một loại nô lệ. Tình dục, đã đành. Nô lệ lao động, dĩ nhiên. Số phận những cô dâu Việt được nhà báo Trang Hạ đưa lên Yahoo 3600 – trangha’s Blog với loạt bài “Cô dâu Việt trên đất Đài”. Và đặc biệt những hình ảnh từ xem mặt đến làm visa của dịch vụ “sớm quen chiều cưới’’ này trong phóng sự ảnh “Những tâm trạng Đài Loan” là những hình ảnh mủi lòng.
(6) Trích Nam Dao, Bây giờ tôi hát lạc quan đen HLVHVN, 03-2008: ,“Trong khi đó, xã hội thực bên ngoài đầy “chất’’ để viết: sống lại, ông Vũ Trọng Phụng chắc đẻ racon cháu đầy đàn cho Xuân tóc đỏ, ông Nam Cao hẳn cũng có dịp đưa rất nhiều Thị Nở vào nhà hộ sinh, và Chí Phèo có thể lái Xì-ke mà tiến thân lên làm đến Bộ trưởng Bộ Ngoại Thương kiêm Tư lệnh Bộ Đội Biên Phòng… Nhưng không, văn học mười năm trở lại đây không “dính dáng’’ đến xã hộiđời thường, chẳngđụng chạm đến hàng trăm dân oan đi khiếu kiện nhà đất, đến hàng chục ngàn công nhân đình công… Không, văn chương của chúng ta trong nước “sạch‘’, không ô nhiễm chất xã hội (trừ nhữngphóng sự của Trang Hạ), không vạch lưng cho ngườixem, tức là ngoan, hiền, chẳng để các anh trong Ban Văn hóa-Tư tưởng phiền lòng.

DCVOnline – Xin giới thiệu đến bạn đọc Đàn Chim Việt bài “tạm kết” cho chủ đề Hội Nhập trên diễn đàn Hội Luận Văn Học Việt Nam của tác giả Nam Dao, chủ biên chủ đề “Hội Nhập giữa những người cầm bút trong nước và hải ngoại”

Chủ đề tiếp theo trên Hội Luận Văn Học Việt Nam là “Thơ Việt Nam Hôm Nay” sẽ bắt đầu nay mai…

Mời bạn đọc xem và góp ý với tác giả Nam Dao qua bài “Từ ao ra sông, từ sông về biển… trên những nẻo đường hội nhập”.

Phản hồi