WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mấy lời với “sinh viên” Nguyễn Anh Duy

Anh xưng tên là Nguyễn Anh Duy, sinh viên Đại học Đà Lạt về ngành Công nghệ Sinh học, trọ tại nhà bác T. ở khu phố 2 (phường 2) Đà Lạt. Anh viết bài “Chuyện ở khu phố”, tập trung mô tả về tôi, tức Hà Sĩ Phu.

Theo anh, những thông tin anh được biết là do ông chủ nhà T., trong Ban điều hành khu phố cho biết (ông T. ở khu phố 2, còn tôi ở khu phố 3 nhé!).

1. Vậy anh nói lại với ông T. chủ nhà của anh rằng: Ông ấy tên là gì, công tác cùng viện với tôi hồi nào mà đưa thông tin về tôi hoàn toàn là thông tin láo?

Ví dụ:
- “…sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì bác Tụ rất dao động, từ đó nảy sinh tư tưởng phủ nhận chủ nghĩa Marx”. Thực tế, tôi viết bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ” một năm rưỡi trước khi khối Cộng sản sụp đổ, khi ấy báo chí vẫn ca ngợi các nước Liên xô, Đông Đức, Rumani đang xây dựng chủ nghĩa Xã hội rất thành công và đang chuyển sang giai đoạn Cộng sản! Tôi nhìn thấy sự tan rã ấy đúng lúc nó đang thịnh vượng. Trái lại, hiện nay nhiều người tiên đoán Cộng sản ở VN sẽ tan rã trong 1-2 năm tới, thì từ năm 2000 tôi đã tiên đoán nó sẽ biến dạng và tồn tại dài dài vài chục năm nữa. Tôi không hề là kẻ dao động, xu thời.

- Việc tôi đã nhận tội trong cuộc đấu tố năm 2003, anh bảo tôi “đã bày tỏ nhận thức của mình về những sai lầm” và “hứa với nhân dân khu phố sẽ không để vấp phải những sai lầm đó nữa”. Láo khoét! Trong buổi đó tôi đã nói về việc Công an thu máy vi tính của tôi rằng “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan, quan thời nào chẳng có con dấu hẳn hoi”. Vì thế kết luận của hội nghị là “ ông Tụ không hề nhận khuyết điểm và còn ngoan cố, nên không thể giải chế, mà phải tiếp tục có biện pháp mạnh hơn! Nhưng sau đó 3 ngày họ lại mời tôi đi họp thì tôi dứt khoát không họp hành gì nữa, kết quả là phải trả tự do cho tôi.

- Ông T. của anh nói “Được giải chế, bác Tụ không những được tự do đi lại mà còn được chính quyền cho lắp lại điện thọai, nối mạng internet để liên hệ bạn bè” cũng láo khoét. Việc cắt điện thoại của tôi kéo dài trên 11 năm, từ 1997 đến 2008, tức là sau khi giải chế năm 2003 vẫn còn kéo dài 5 năm nữa. Có người thừa điện thoại, nhường cho tôi một chiếc, công an còn bắt phải thu lại.

- Việc “được giúp hợp thức hoá chủ quyền miếng đất mà bác đang ở (vì trước đây, khi bác còn công tác tại Phân Viện sinh học đã được nhà nước bố trí cho ở, sau đó do bác không có nhà chuyển đi, ở lâu ở lì thành ra của bác)”, cũng láo khoét . Trước sau tôi vẫn là cán bộ Viện Khoa Học Việt Nam, căn phòng 30 mét vuông tôi ở từ 1984 cho tới nay đã có bao giờ, và có ai dám yêu cầu tôi chuyển đi mà tôi phải “ở lì”? Việc bán các ngôi nhà đang cho thuê là chủ trương chung, giao phòng Quản lý nhà Đà Lạt phải thực hiện, làm gì có chuyện “ở lâu ở lì thành ra của bác”?

- Lại đến việc nóng hổi vừa rồi, nói tôi “tái phạm sự cam kết” cũng là nói bậy. Sau những lần phải “làm việc” với công an, bao giờ tôi cũng khẳng định 2 điều. Một là: các anh không thể bắt người trí thức phải nghĩ, phải sống giống như mọi người khác trong khu phố, hai là tuy những bài viết hệ thống tôi đã viết rồi, nhưng tôi vẫn viết tiếp những điều cần thiết, song ngoài cây bút viết tôi không làm gì hơn. Vậy tôi có cam kết điều gì mà nói tôi vi phạm cam kết?

- Tối 23 tháng 10 vừa rồi, vợ tôi được khu phố trưởng báo đi họp. Vợ tôi đi họp, khoá cửa ngoài. Sau đó một lúc lại thấy có người gọi cửa, tôi nói “Nhà tôi vừa đi họp rồi”, và người ấy bỏ đi không nói gì nữa. Hôm sau tôi mới biết cuộc họp đó là để “kiểm điểm” tôi đã làm ảnh hưởng đến thành tích “văn hoá” của khu phố (Ôi mỉa mai thay hai chữ Văn hoá!). Nếu chính thức mời tôi đi họp để kiểm điểm, tôi sẽ thẳng thắn cự tuyệt như đã cự tuyệt năm 2003. Vậy sao lại nói tôi “sợ dân mà trốn” ? Tôi công khai lên án hình thức coi khinh nhân dân, chỉ sử dụng dân như công cụ, khi cần thì mượn tay dân để đàn áp. Gọi cuộc đấu tố là cuộc “đối thoại” được ư? Tôi thách người cầm quyền dám đưa những bài viết của tôi lên báo chính thống, chỉ cần những bài gần đây đăng trên mạng bauxitevietnam thôi, để nhân dân kết luận xem Hà Sĩ Phu là người tiên tiến trong dân hay lạc hậu trong dân? Đời viết lý luận của tôi đã trải qua 3 cuộc “hội thảo triết học tại phường và tổ dân phố”. Đủ thú vị lắm rồi. Biết điều thế cũng là quá đủ. Về việc này, có dịp tôi sẽ nói kỹ hơn.

2. Bây giờ có vài lời nói với chính anh Nguyễn Anh Duy (như tác giả xưng tên).

Không cần biết tên anh là thật hay giả, nhưng anh xưng là sinh viên khoa Công nghệ Sinh học nên tôi nói với anh mấy lời:

- Trong bài của anh có sự pha trộn mà tôi lấy làm tiếc. Một mặt, trong cách xưng hô anh có khiêm tốn, chỉ nói lại thông tin từ một cán bộ. Điều ấy tôi ghi nhận. Nhưng những chữ “ngựa quen đường cũ”, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” đối với tôi thì đấy là lời hỗn láo của bọn “chó nghiệp vụ” thôi anh ạ! Thử hỏi “Đường cũ” của tôi đã quen là đường nào vậy? Đường lo nước mất, đường lo đạo đức suy đồi, đường lo kẻ sĩ ươn hèn, đường dám khinh bỉ những quan to vô trách nhiệm với dân, đường dám phản biện những tín điều đã làm khổ dân khổ nước ư? Đường ấy là đường mà những Nguyễn Trãi, những Nguyễn Trường Tộ, những Nguyễn Đình Chiểu, những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Độ đã đi trước, tôi gắng theo gót mà thôi.

Ai là ngưu, ai là mã, thiết nghĩ chỉ cần thành tâm nghe tiếng nói thật của người lương thiện thì khỏi cần tranh luận.

- Anh là sinh viên đang học Công nghệ sinh học (trong đó có ngành nuôi cấy mô và tế bào) thì anh đừng quên những Tiến sĩ Nguyễn Văn Uyển (bạn tôi, tốt nghiệp ở Hungary), Nguyễn Xuân Tụ (ở viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc) là những người thầy của anh đầu tiên ở nước này. Tiếp sau đó là các Tiến sĩ Lê Diệu Muội, Lê Thị Xuân, Lê Trần Bình… của Viện Khoa Học Việt Nam. Anh quên hay chưa biết, thì tôi nhắc với tư cách của người đi trước trong ngành.

- Anh đang học về khoa học-kỹ thuật mà quan tâm nhiều đến xã hội như vậy kể cũng hiếm có. Nhưng người làm khoa học tự nhiên mà khảo sát xã hội thường rất duy lý và khoa học, không bao giờ một người đang đi học, ở địa phương khác đến ở trọ lại chỉ nghe lời một ông “chủ nhà trọ” mà vội vàng lăng mạ một người về tuổi là lớp cha của mình, về chuyên môn là lớp tiền bối của mình. Tôi có thể có nhiều nhược điểm, nhưng một người có nhược điểm “nhút nhát” như anh viết chắc không phải là người huênh hoang, liều lĩnh, tự kiêu đâu.

- Tôi và thế hệ trí thức chúng tôi đã nhút nhát, còn nhẹ, hèn nhát mới đúng. Nhưng khi viết bài ấy, liệu anh có tự đặt câu hỏi: Tại sao trong lúc những tiếng nói phản biện đã rất mạnh mẽ, những đảng viên lão thành, cao cấp, có danh vị đã công khai đòi bỏ điều 4, đòi bỏ cái đuôi “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, thậm chí có người từ ngành Công an đã dùng chữ “ngụy quyền” cho bộ máy rất nhiều tật xấu hiện nay…, thì chưa bị “đấu tố” gì mà lại phải “đấu tố” một người rất mực “nhút nhát”? Chẳng lẽ sự “nhút nhát” này còn mãnh liệt và đáng sợ hơn chăng? Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa cổ vũ sự tiếp nhận thông tin hai chiều, ý kiến hai chiều. Chẳng lẽ ý kiến trái chiều của một kẻ sĩ “nhút nhát” lại nguy hiểm đến mức phải trừng trị, mà khẩn thiết đến mức muối mặt dùng một hình thức ngụy trá của Cải cách ruộng đất , đã bị lịch sử lên án, là… Đấu tố?

Thân ái,
Đà Lạt 13/11/2009
Hà Sĩ Phu
————————————————————
Phụ chú:

Dưới đây là bài viết của Nguyễn Anh Duy được gửi trực tiếp đến rất nhiều hộp thư cá nhân, một “trò chơi” quen thuộc của một số người:

Chuyện ở Khu Phố
Nguyễn Anh Duy

Đã hơn 03 năm nay ở trọ trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, P2, Tp. Đà Lạt, để theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Đà Lạt, tôi đã khá quen với những gì diễn ra ở đây và học được khối chuyện trong trường, ngoài lớp.

Sở dĩ chuyện khu phố sắp kể sau đây, mà một sinh viên như tôi lại quan tâm, bởi nhẽ: Gia chủ mà tôi ở trọ là gia đình cán bộ về hưu, bác T (chủ nhà) lại được tín nhiệm vào Ban điều hành khu phố, tôi thường trò chuyện với bác, nên những lúc rảnh rỗi ngồi tâm sự với bác, vô tình tôi cũng được biết khối điều về tình hình khu phố mà bác phụ trách.

Khu phố 2 là một trong những khu phố trung tâm nên khá nhiều dịch vụ dành cho khách du lịch phát triển, chẳng hạn: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ massage, quán café, vũ trường… đều có cả. Những lúc họp khu phố về bác đều tỏ ý lo lắng, ngán ngẩm bởi những phức tạp thường xuyên diễn ra. Mỗi lần như thế, bác lại càu nhàu: “du với chả lịch, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng tìm đến, có ngày thì loạn mất!”

Có lần tôi tò mò hỏi: “Sao công an họ không quyết tâm “quét” cho hết, cứ để như vậy biết đến bao giờ?” Bác thở dài: “Công an thì công an chứ, nhưng người đâu mà bủa giăng cho hết, với lại chặn chỗ này “nó” lại thòi ra chỗ khác, kín đáo và hợp pháp hơn, tinh vi hơn thì làm gì được.”

Như sợ tôi không hiểu, bác giải thích: “Ví như thanh niên, học sinh la cà quán xá, tụ tập quậy phá, không lo học hành… chỉ khi chúng nó gây mất trật tự nơi công cộng thì công an mới dẹp, chứ chúng nó tụ tập đùa giỡn nơi quán xá thì cớ gì mà dẹp? hay các dịch vụ massage, karaoke hiện nay họat động có giấy phép đàng hoàng, gái mại dâm họat động không hành nghề tại chỗ mà theo khách về khách sạn với danh nghĩa bạn gái của khách thì công an làm được gì? Thành phố du lịch thì biết bao nhiêu cặp trai gái ra vào khách sạn, làm sao biết được đâu là gái mại dâm?”

Tôi vẫn chưa thoả mãn, nên hỏi bác: “Vậy luật pháp đành bó tay sao bác, không lẽ cứ để cho xã hội rối lên mà những người có trách nhiệm chỉ khoanh tay đứng nhìn?”

“Nhìn thế nào được?”- bác hơi gay gắt. “Nhưng thật sự cũng không dễ dàng dẹp bỏ, luật pháp thường chỉ chạy theo, khi có chuyện xảy ra rồi mới điều chỉnh, rồi chế tài, mà chế tài thì thiếu nghiêm khắc nên người vi phạm không sợ, cứ tái phạm, tái phạm một cách tinh vi hơn, cứ thế làm cho những người có trách nhiệm giữ gìn trật tự càng khó làm việc”. Bác tiếp, “công an dù được trang bị đấy, nhưng công an mà không có dân giúp thì cũng chẳng làm gì được,… cũng may khu phố này còn có nhiều người tốt, có trách nhiệm…”

Là sinh viên theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học, được biết bác T là cán bộ Phân Viện Sinh học Đà Lạt về hưu, nơi tôi trọ lại là khu phố có khá nhiều cán bộ đang và đã từng công tác Phân Viện Sinh học Đà Lạt ở, nên tôi thường hay hỏi thăm bác T về công việc của Phân Viện, hòng tìm hiểu thêm về nó, tôi rất muốn khi đi thực tập hoặc sau khi tốt nghiệp sẽ được làm việc tại đây nên lân la hỏi dò bác. Trong những người được kể, tôi đặc biệt chú ý đến bác Nguyễn Xuân Tụ – một người thuộc diện văn hay chữ tốt, nhưng cũng lắm chuyện khác dị, vì thế tôi càng tò mò hơn về con người này. Đầu tiên, tôi đã thử tìm kiếm trên google cái tên “Hà Sỹ Phu” và khá choáng về kết quả tìm kiếm, lần mò mãi tôi cũng tìm đến được thư viện của bác Nguyễn Xuân Tụ. Tôi đã thực sự bị cuốn hút với văn phong và những gì bác Tụ viết, song lòng tự hỏi tại sao bác lại bị xem là phản động? …tôi thực sự chưa thể phân định được.

Tôi đem thắc mắc này hỏi bác T thì được biết khá nhiều điều thú vị. Bác T kể, trước đây bác Tụ cũng không đến nỗi, nhưng sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì bác Tụ rất dao động, tư đó nảy sinh tư tưởng phủ nhận chủ nghĩa Marx, nhất là cho rằng chủ nghĩa Marx không còn giá trị lịch sử. Bác Tụ từ đó lao vào viết lách theo cách nhìn đó. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, bác Tụ lân la kết bạn với một số người đồng quan điểm dẫn đến có việc làm vi phạm pháp luật. Do vi phạm pháp luật mà bác Tụ bị xử lý bằng pháp luật, sau khi mãn hạn tù, chính quyền đã thực hiện lệnh quản chế tại gia, đến năm 2003, do có thái độ cầu thị nên được xem xét giải chế. Trước khi chính thức được giải chế, tổ dân phố đã họp để lấy ý kiến nhân dân khu phố về quá trình chấp hành lệnh quản chế của bác Tụ và cũng là để bác Tụ có lời trình bày trước bà con. Tại đây, bác đã bày tỏ nhận thức của mình về những sai lầm của bác, hứa với nhân dân khu phố sẽ không để vấp phải những sai lầm đó nữa, bác còn xúc động xin bà con chòm xóm láng giềng đùm bọc, vì cảnh bác và vợ đã cao tuổi lại sống đơn độc, không con cái, ít bạn bè…nơi đất khách quê người, bác tha thiết muốn được sống trong tình thương của chòm xóm láng giềng. Trước những tình cảm “chân thật” mà bác thể hiện, nhân dân khu phố đã đồng lòng kiến nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh giải chế cho bác.

Được giải chế, bác Tụ không những được tự do đi lại mà còn được chính quyền cho lắp lại điện thọai, nối mạng internet để liên hệ bạn bè; được giúp hợp thức hoá chủ quyền miếng đất mà bác đang ở (vì trước đây, khi bác còn công tác tại Phân Viện sinh học đã được nhà nước bố trí cho ở, sau đó do bác không có nhà chuyển đi, ở lâu ở lì thành ra của bác). Bác Tụ còn được cho sử dụng phần đất cơi nới, lấn chiếm để làm quán cho thuê…và bác vẫn nhận lương hưu theo chế độ, như bao cán bộ hưu trí khác.

Chính quyền và nhân dân khu phố vẫn tưởng, với những điều kiện đó bác Tụ sẽ chuyên tâm đầu tư vào công việc nghiên cứu, viết lách có ích cho xã hội, hoặc chí ít là sự chia sẻ kiến thức chuyên môn về lĩnh vực sinh học (mà bác là một Tiến sỹ) để lại cho đời, cho thế hệ mai sau. Thế nhưng, chỉ được một thờ gian, bác Tụ lại “ngựa quen đường cũ”. Bác T thở dài ngao ngán: “Chẳng hiểu “chả” nghĩ gì mà cứ làm hoài những chuyện không đâu. Xưa kia còn đi làm đã chẳng làm gì nên chuyện, nay về hưu rồi, ngồi phán như “bố chó xồm”, cái đầu thì bé tí mà toàn nói chuyện cao siêu, coi thiên hạ không ai ra gì cả”.

Bác T kể tiếp: lúc trước còn làm ở Phân Viện Sinh học, bác Tụ đã tự tách mình ra khỏi tổ chức bằng lối sống hết sức lập dị, làm những việc không giống ai, được cái là có tài viết lách và nhất là khá rành về chữ nho, đối chữ, đối câu, nên mọi người cường điệu gọi đùa là sỹ phu Bắc Hà. Dần dà bác ấy lấy bút danh là Hà Sỹ Phu và gọi riết thành quen. Bác Tụ khẩu khí trong văn phong thì rất khí khái nhưng lại đặc biệt rất nhát, bác T cùng công tác chung khá lâu nên rất hiểu tính cách này, mỗi khi có sự cọ xát, va chạm nào đó thì thường lui về thế thủ “dĩ hoà vi quý”, trong lòng không ưng nhưng lại không thẳng thắn nói ra, mà chỉ thủ thỉ vào tai người này người kia để họ lên tiếng giúp. Lúc đầu, nhiều người cũng sẵn lòng giúp, nhưng sau vài lần bị hớ vì không hiểu rõ thực chất vấn đề, vội tin vào những điều bác Tụ thủ thỉ mà ra tay nghĩa hiệp, đến khi lâm nạn, bị chất vấn không giải thích được thì bác Tụ cũng chẳng tham gia, không những thế còn phủi trách nhiệm, nói rằng bác “đâu có nói thế!”… cứ thế mà người trong Phân viện ngày càng lảng tránh và xa lánh bác.

Trở lại vấn đề của bác Tụ, bác T cho biết do nguy cơ khu phố của bác sẽ bị mất danh hiệu “Khu phố văn hoá năm 2009”, lý do chính không phải do các phức tạp tại khu phố, mà chính là sự tái phạm cam kết của bác Tụ. Sau nhiều lần sai phạm, chính quyền nhắc nhở nhưng bác vẫn chứng nào tật nấy. Đã không tiến bộ mà còn ngày càng sa đà, cuối cùng buộc khu phố phải họp để kiểm điểm bác. Thế nhưng bác ấy không đến!

Nhiều người tỏ ra thông cảm, cho rằng bác Tụ biết sợ dân, nhưng có người thì coi đó là thái độ thách thức dân, xem thường dân. Người ta còn phân tích: với vị trí là một Tiến sỹ, tuổi bác Tụ cũng không còn ít để mà cho rằng phản ứng trên của bác là hời hợt. Thế nhưng nếu đã suy nghĩ thấu đáo thì tại sao không dám đến dự họp tổ dân phố? Bác T nhận định: sở dĩ bác Tụ không đến là vì cho rằng cuộc họp này đã được khu phố và chính quyền chủ động sắp xếp nhằm đấu tố với bác Tụ, người dân sẽ có dịp lên án những hành vi sai phạm, thất hứa của bác Tụ, đến đấy nhất định bác Tụ sẽ phải nghe những lời nghịch nhĩ… xem ra cũng có lý. Nhưng xét ở một khía cạnh khác thì sự xuất hiện của bác Tụ là cần thiết, tại sao bác Tụ không nhân dịp này để thực hiện những điều mà bác vẫn thường nói: tranh luận, đối thọai, nâng cao dân trí…Thiết nghĩ, đã là cuộc họp tổ dân phố thì thành phần chỉ có thể là những người dân trong tổ và những người được giao trách nhiệm Ban điều hành (Tổ trưởng, tổ phó), một tổ dân phố cao lắm là 20 hộ (nghĩa là có 20 đại diện đến họp), người dân trong tổ dân phố thì có đủ mọi thành phần… một diễn đàn nhỏ với hơn 20 người tham dự mà bác Tụ không dám đối diện để đối thọai thì làm sao dám nói đến những việc khác lớn hơn? Nếu bác Tụ xuất hiện, làm xoay chuyển được một cuộc họp với hơn 20 người ở các thành phần xã hội, khiến người ta nghe ra, hiểu được thì đó mới là một sự trải nghiệm có giá trị, một thực tế có khả năng chứng minh cao, hơn nhiều so với những lý luận mà bác từng nghiên cứu, phân tích. Nhưng bác Tụ không dám đến, còn khoá cửa ngồi trong nhà, trong khi tổ dân phố họp chỉ cách nhà bác vài căn, thử đoán xem bác ấy đã nghĩ gì trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp?

Mới có thơ rằng:

Bác có cả một thư viện sách
Hàng nghìn trang do chính bác viết ra
Bác viết cả chuyện trên trời, dưới đất
Chuyện cung đình cho đến chuyện hà sa
Những lý luận ngày đêm tâm huyết
Vắt nên thành những con chữ thanh cao
Bao lý luận bác dày công phân tích
Chỉ để nghe thôi, chớ vội tin vào…
Họp dân phố, chỉ hơn vài chục
Người tham gia đủ mọi giai tầng
Diễn đàn ấy bác không xuất hiện
Thì bác chờ biết đến khi nào?

Vừa rồi tìm trên mạng có bài viết về bác Hà Sỹ Phu mà tôi vô tình nhận được, xin phép tác giả được đăng lại đây để bạn đọc tham khảo:

Thơ tặng người quan sát

Tặng ông dân chủ NQS
Có phải Sỹ Phu là chỉ VIẾT
Còn LÀM, là việc của thứ dân?
Nên mỗi bận khua môi, múa mép
Chẳng cân phân giữa Viết và Làm?
Bao kẻ xông pha nơi hiệp chót,
Quyết trận này gắng sức một phen
Ông lại núp danh… “người quan sát”
Thở than làm nhụt chí anh em.
Nếu cảm thấy mình không đủ sức
Hãy nằm im quan- sát nghe ông?
Còn đã quyết dấn thân vì nước
Hãy chính danh quân tử xem nào?

Tháng X, 2009
TVK

1 Phản hồi cho “Mấy lời với “sinh viên” Nguyễn Anh Duy”

  1. Nếu cho Phương một điều ước. Phương ước :” Được biết Nguyễn Anh Duy một lần, được gặp một lần cho mãn nhãn, được đập mày một lần cho đã tay”. Láo lếu.
    P/s: Nếu không trở về với lương tâm của một người Việt Nam yêu quê hương đất nước thì cũng có ngày. Ngày mà chế độ tàn, ngày mà ” chó nghiệp vụ của CS” lên bàn … nhậu

Leave a Reply to Nguyễn Phương