Quốc hội Việt Nam nên tự làm luật?
“Quốc hội Việt Nam – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp’ nên chăng tự làm Luật, soạn thảo Luật?!
1. “Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”; “là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”;”quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân”; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”( Điều 1 Luật QH). Quốc Hội Việt Nam là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước ASEAN (AIPO) và nhiều tổ chức nghị viện khác của thế giới. Quốc Hội VN đến nay đã gần qua cái tuổi 63. Đối với người lao động Việt Nam đó là tuổi đã nghỉ hưu. Cũng là Nghị viện như các quốc gia khác trên thế giới, Nghị viện -Quốc hội Việt Nam đến nay có còn “trẻ người….”!
Quyền lập pháp là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng nhà nước pháp quyền không chỉ là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật mà nhà nước ấy còn là cơ quan thi hành pháp Luật và được pháp luật quản lý. Pháp luật ấy do quốc hội làm (luật), xây dựng (luật) và ban hành…
Khác với các chế độ nhà nước dân chủ thực hiện theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Mỗi quyền độc lập với nhau để tránh lạm quyền. Nhân dân là chủ thể quyền lực! Việt Nam ta thì lại khác- Tam quyền phân nhiệm. Các quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp chỉ là sự “phân nhiệm”,” phân công” vì đặc điểm của Việt Nam “chủ thể quyền lực” thực tế khác so với các chế độ khác…
Quyền lập pháp là quyền làm luật, xây dựng luật, ban hành luật nhưng từ lâu nay cùng với cơ chế hoạt động của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam vẫn chưa tự “làm luật”(1), chỉ mới “tham gia xây dựng luật” và “ban hành những văn bản luật”. Thực tế ta thấy, năng lực để làm luật- dự thảo Luật, trình dự án Luật chủ yếu thuộc các ban ngành của cơ quan hành pháp chứ không phải là Lập pháp. Có nhiều ý kiến cho rằng, “quan chức của ngành hành pháp là người hiểu rõ nhất dân đang muốn gì” do đó, “mưu lợi hạnh phúc cho dân là trách nhiệm của hành pháp” và “bản thân hành vi lập pháp là hành vi giám sát hành pháp”(!)(1); vì Quốc hội thiếu trình độ ” kỹ thuật” và “chuyên môn”(2) Và quốc hội, Đại biểu Quốc hội cần “tăng cường tính đại diện, tiếp xúc cử tri hiệu quả”, nâng cao “động lực thẩm định các dự luật” (2), tính “đại diện” của mình “để giám sát các chính sách do hành pháp đệ trình”(!).(1)…Những ý kiến ấy có lẽ là phản ánh thực tế Quốc hội VN hiện nay!
Nếu những quan điểm “khoa học pháp luật” chuẩn theo “luật tự nhiên”;” quy trình thuận”(!) như trên thì Quốc hội có lẽ không cần chức năng “lập pháp” mà chỉ cần “thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” ; “tham gia xây dựng luật, tham gia quản lý nhà nước” (như các đoàn thể của đảng !). Và nếu như vậy, nhân dân có cần thêm một cơ quan “đại biểu cao nhất”, “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất“ như vậy hay không(?!) Thực tế hiện nay…là vậy(!) và có phải vì vậy mà “làm luật” nên thuộc về “hành pháp” và Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chỉ “thẩm định”,“tăng cường tính đại diện, tiếp xúc cử tri hiệu quả”?! Cả một chuổi thời gian dài đã qua “tính đại diện, tiếp xúc” ấy lúc nào cũng “tăng cường” nhưng có “hiệu quả”?!
2..Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Những vị đại biểu ấy, dù chỉ là hình thức nhưng cũng là do dân bầu; là người đại diện dù chưa thật sự là đại biểu! Dân là chủ( dù là ông chủ hình thức; được cho làm chủ trên giấy!), có vậy, Quốc hội mới là cơ quan quyền lực cao nhất. “Làm chủ” là lãnh đạo! Không thể “lãnh đạo” mà không “làm chủ”. Quyền lực của lãnh đạo là Luật pháp. Lãnh đạo bằng Luật pháp; là làm Luật, xây dựng Luật, ban hành luật ( trừ quyền lực xã hội đen!). Đã “làm chủ” thì không cần ai làm chủ, lãnh đạo thay. Ông chủ tự biết mình phải làm gì, đi đâu? Vì mục đích gì? Ai đi? Đi như thế nào? bằng cách nào? phương tiện nào và làm thế nào cho “người đi” đó thực thi tốt nhất mệnh lệnh để đến được mục tiêu? trong những quá trình ấy ông chủ ấy vẫn luôn theo dõi, kiểm tra, giám sát xem xét những chủ trương mệnh lệnh đó đúng hay sai; có cần sửa đổi, bổ sung gì không…Không có “ông chủ” nào tự trói tay, chân, đầu, thân, ý..của mình!
Từ trước đến nay Luật pháp Việt Nam hầu như đều do “hành pháp” đệ trình! Quốc hội cũng đã qua thời sửa lỗi chính tả câu cú cho hoàn chỉnh văn bản Luật; bước đầu đã có sự “thẩm định” Luật. Gần đây trong một số kỳ họp Quốc hội nhiều đại biểu đã có những ý kiến chất vấn chính phủ, “tham gia, góp ý” nói lên được tiếng nói, những vấn đề xã hội quan tâm nhưng tiếng nói hầu như chỉ vang lên trong sa mạc; sự “đồng thuận” đã được “thẩm định”, quyết định trước khi đại biểu biểu quyết thông qua. Như vậy, phảI chăng Quốc hội đã “làm Luật”, đã “lập pháp”?!…Ông chủ có thể cả tin kẻ thừa hành. Việc nhà, việc cửa, quản lý, ăn ở, mọi việc giao hết cho người thừa hành. Hành pháp nắm quyền hành chính nhà nước nhưng thiếu vai trò ông chủ quản lý ( hoặc do một ông chủ khác không phảI là nhân dân quản lý) nên hành pháp trở thành kẻ “hành” là “chính”! Hành pháp soạn thảo và trình dự án Luật, quản lý và thi hành luật; ông chủ giao khoán lại thiếu năng lực “thẩm định”, kiểm tra, dường như chỉ làm “ông chủ hờ” nên nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi” là chuyện thường ngày …! Nhà nước một mình một sân chơi. Quốc hội, nhân dân làm khán giả nhưng banh lại luôn đá về phía khán giả. Khán giả có bắt banh, đẩy banh ra được hay không khi bay về phía mình hay khi lực của quả bóng quá mạnh làm cho khán giả té nhào, té ngữa, té nghiêng nhưng chẵng kiện cáo ai được! Không ai đề ra Luật để tự trói mình! Nếu Pháp quyền là nhà nước quản lý bằng pháp luật và nhà nước “bị pháp luật quản lý” thì ai là chủ thể pháp luật để quản lý? Khi ông chủ đã tự tước quyền Lập pháp của mình từ gốc thì ông chủ cũng dần bị biến thành “nô lệ”; không còn thực quyền. “Hành pháp là người hiểu rõ nhất dân đang muốn gì và cần sinh hoạt theo quy tắc nàò”(1) bởi vậy, hành pháp là người làm luật, trình dự án luật là hợp với “luật tư nhiên”(1). Khi đại biểu của dân không “hiểu rõ nhất dân đang muốn gì”, không có năng lực lập pháp, chưa thật đại diện cho “ý chí và nguyện vọng”của nhân dân thì nhân dân có bầu cho người đó làm “đại biểu”? và “đại biểu” ấy làm sao có thể làm “đại biểu nhân dân”! Hành pháp là cơ quan thi hành luật; quản lý xã hội bằng pháp luật chứ đâu thể thay thế cơ quan “lập pháp”. “Đại biểu” khi không phải là đại biểu của dân thì mới không hiểu nhân dân muốn gì. Hành pháp lấn quyền lập pháp khi quyền dân chủ của nhân dân chỉ là hình thức và cơ quan quyền lực cao nhất không có quyền lực thực tế… Trong “Luật tự nhiên” còn có Luật của Chúa Sơn Lâm. Quyền lực của nhân dân không phải là quyền lực của “Chúa Sơn Lâm”!
3. Lập pháp vẫn là quyền, là một trong những chức năng cơ bản của cơ quan lập pháp. Khi QH thực hiện chức năng “lập pháp” của mình thì tổ chức, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Quốc hội không thể như hiện nay; Đại biểu quốc hội cũng không thể có “chất lượng” như hiện nay; không thể là đại biểu của dân lại trở thành đại biểu của kẻ khác. Nhân dân mới là chủ thể quyền lực chân chính của đất nước chứ không thể là ai khác. Trong thực tế sinh hoạt quốc hội vừa qua như về vấn đề Bauxite, có đại biểu quốc hội đã nêu ý kiến- “Không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội là lách luật”! Ai đã “lách Luật”? Ai đứng trên luật pháp? Khẩu hiệu” sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là đúng khi mọi công dân có quyền công dân bình đẳng trước pháp luật nhưng nay, khi TS Luật Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng ban hành trái Hiến pháp và pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ–TTg; tòa án nhân dân tối cao trả lại đơn kiện với lý do” pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định công dân được quyền kiện Thủ tướng Chính phủ nên tòa án không có thẩm quyền thụ lý, xét xử đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ”! Bởi vậy, khẩu hiệu ấy đã có thêm một vế là ” sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, trừ Thủ tướng”! Và vừa qua, Viện IDS “tự giảI thể”;TS Nguyễn quang A cũng đã có kiến nghị lên Quốc hội về việc thủ tướng lại ban hành Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24-7-2009 là trái pháp luật thì Thủ tướng lại có ý kiến chỉ đạo …cần phải “xử lý”(!)(3). Như vậy, trong thực tế luật pháp VN đã có một công dân có chức quyền, đứng đầu cơ quan hành pháp đã đứng ngoài Luật pháp. Xưa, thời Phong kiến, còn có “quân pháp bất vị thân” nay, VN là nước dân chủ và dân chủ cả triệu lần hơn chế độ dân chủ của chủ nghĩa tư bản “giãy chết” nhưng tại sao lại có những người đứng trên Luật pháp? Nếu quốc hội là đại biểu cho ý chí, quyền lực cao nhất của nhân dân khi thấy, biết vụ kiện đó là đúng ( vì có công dân có chức quyền đứng trên luật pháp) thì phải thấy Luật pháp còn có những sơ hở, không công bằng, chưa phải là “ý chí và là nguyện vọng” của nhân dân; đã có những cơ quan hành pháp và cả Lập pháp đang lợi dụng sự sơ hở đó để “lách luật”, đứng trên pháp luật thì QH phải làm gì? Hay chờ ông hành pháp có “sáng kiến pháp luật” để “ tự xử” mình hay lại phải chờ… “chủ trương lớn”!
Điều 2. k1 Luật Quốc hội quy định- “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1.Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật.; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “ 1. Lập dự án về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội quyết định; chỉ đạo việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; 2. Thành lập Ban soạn thảo, phân công cơ quan thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật; 3. Cho ý kiến về các dự án luật.hội Quốc hội “;(Điều 9 của Luật TCQH). Các uỷ ban quốc hội có nhiệm vụ “thẩm định” Luật ; Đại biểu Quốc hội cũng có “quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội…” (Điều 48. Luật QH) và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng có quyền trình dự án Luật…. Như vậy không phải chỉ một mình Quốc hội làm luật và Luật cũng không quy định chỉ có cơ quan hành pháp Làm luật, trình dự án Luật nhưng với Quốc hội đã có truyền thống hơn 60 năm qua vì sao Quốc hội chưa thực hiện đầy đủ quyền của một cơ quan lập pháp? Do năng lực hay do quan niệm “việc làm luật bắt nguồn từ hành pháp” (1)hay do Đại biểu QH nhưng lại chưa thật, chưa phải là đại biểu của nhân dân? hay do nếu Quốc hội tự làm luật là “Quốc hội thẩm định Quốc hộI”?! hay do cơ quan có “quyền lực cao nhất” nhưng lại không có quyền lực?! Nhưng đối với nhân dân, dù muốn dù không đó vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất!
Quốc hội có “làm luật” được thì QH mới có năng lực “giám sát, kiểm tra”, mới có năng lực “thẩm định”, mới có những quyết đoán đúng để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Đại biểu Quốc hội mới có ý thức là đại biểu của nhân dân, sẽ không quay lưng lại ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, đất nước; không để cho bất cứ ai đứng trên pháp luật mà không bị trừng trị… Nhân dân có quyền dân chủ- làm chủ thật sự thì nhân dân sẽ chính là “quyền lực” của đại biểu! Hành pháp mới thực hiện đúng chức năng quản lý, thực thi pháp luật; thượng tôn luật pháp chứ không thể để “hành pháp” tự tung, tự tác, tự mình đứng trên cả Luật pháp để mà “hành dân”, làm khổ đất nước như hiện nay. Nhân dân không chỉ có quyền gíam sát hoạt động quốc hội, đại biểu quốc hội mà còn có quyền giám sát cả hành pháp, tư pháp. Nếu “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” nhưng lại không có khả năng lập pháp; “quyền” chỉ là hình thức thì “lực” lại càng bị triệt tiêu. Nhìn vào QH, đại biểu QH qua mỗi kỳ họp cùng với nhiều sự việc vô pháp vô cương diễn ra hàng ngày; “trên bảo dưới không nghe”… nhân dân đã cảm thấy “quyền” của mình đã bị tước đoạt!
Nhân dân vẫn luôn tin tưởng và có yêu cầu cao với Quốc hội. Nhân dân thực hiện quyền công dân của mình bằng luật pháp. Những kẻ đứng ngoài luật pháp, đứng trên luật pháp là kẻ phạm pháp. Hiện nay, nhân dân có nhiều bức xúc về mọi vấn đề xã hội đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực; cả nội xâm lẫn cả họa ngoại xâm. Nhân dân mong muốn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thật sự là đại biểu của nhân dân, thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân và hãy thực hiện đầy đủ quyền của một cơ quan lập pháp. Quốc hội hãy tự mình làm luật, soạn thảo, xây dựng luật ( dù không phải là người duy nhất soạn thảo, trình dự án luật)! Muốn vậy, Quốc hội cần phải tổ chức lại bộ máy hoạt động; đại biểu quốc hội phải thật sự là đại biểu của nhân dân; không phải là đại biểu cơ cấu, ” đảng cử dân bầu”, là cấp dưới của cơ quan hành pháp; cũng không có cấp trên, lãnh đạo cấp trên; cũng không cần phải có số lượng nhiều… Một bộ máy phải thực sự có quyền lực; đại biểu thật sự có tâm, có tầm, có đức, có tài, có năng lực thật sự và cần tập trung toàn bộ thời gian hoạt động để thực hiện vai trò nhiệm vụ người đại biểu….
Trước mắt, rút kinh nghiệm từ những Luật Quốc hội đã tự soạn thảo(2), theo chúng tôi, Quốc hội nên tự mình soạn thảo Luật về vấn đề thuộc “quốc sách” hàng đầu; vấn đề có liên quan đến mọi công dân thuộc mọi lứa tuổi; liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc hôm nay và mai sau; làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy sức mạnh trí tuệ, lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân để mỗi công dân Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình tôn trọng sự thật, quản lý đất nước, đi đến tương lai, sánh vai cùng các cường quốc năm châu !. Đó là, hãy tiếp thu những Kiến nghị về cải cách giáo dục của những trí thức Việt Nam và nước ngoài, trong và ngoài nước, cụ thể gần đây nhất là Kiến nghị cải cách giáo dục ngày 12/1/2009 của Giáo sư Hoàng Tụy và Viện nghiên cứu phát triển IDS đã đệ trình lên cả đảng, quốc hội và chính phủ. Quốc hội hãy tự mình sửa đổi, soạn thảo, xây dựng Luật đổi mới giáo dục. Quốc hội cần tạo điều kiện và đảm bảo những quyền tự do dân chủ của nhân dân để Quốc hội, trí thức, nhân dân, những nhà chuyên môn, những người có kỹ năng lập pháp, những người có tâm với sự nghiệp giáo dục của đất nước góp ý, tranh luận để xây dựng Luật đổi mới giáo dục vì sự phát triền đất nước hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Hành pháp vẫn là hành pháp và hãy thực hiện đúng thẩm quyền, chức trách của mình. Việc của Bộ giáo dục là hãy trả lời cho thấu suốt, rõ ràng tất cả những ý kiến, kiến nghị của nhân thời gian qua và thực trạng giáo dục hiện nay …
© www.danchimviet.com
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tựa đề do danchimviet đặt.
(1) Lập pháp hướng tới pháp quyền- Bùi Ngọc Sơn -Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp
(2) Vai trò lập pháp của chính phủ? TS Nguyễn sỹ Dũng
. Theo TS Nguyễn sỹ Dũng, ở VN “trên dưới 95% các văn bản pháp luật là do Chính phủ soạn thảo và trình Quốc hội thông qua”; Có 2 văn bản Luật được các cơ quan của Quốc hội soạn thảo, đó là dự “Luật giao dịch điện tử và dự Luật phòng, chống bạo lực gia đình”.
(3) Kiến nghị của TS Nguyễn Quang A gửi Quốc Hội