Hành Trình tới xứ New Orleans
Khác với mọi chuyến đi khác, chuyến đi này tuy vội song có sự chuẩn bị kỹ càng trong tư tưởng, tình cảm của tôi. Chả là trước đó, khi được thông báo là sẽ đi New Orleans, tôi đã kịp “khoe khéo khoe khôn” với chị Phạm Diễm Hương, người vừa tham gia buổi tiệc gây quỹ mang tên “Hành Trình Viễn Xứ New Orleans” về và lập tức nhận được những thông tin nhiều chiều về vùng đất đặc biệt cổ xưa của Mỹ này. Mảnh đất được thành lập vào năm 1718 bên con sông dài uốn khúc Mississippi nên còn có một cái tên vô cùng thơ mộng là “Thành Phố Lưỡi Liềm” (Crescent City) nghĩa là hình dạng của thành phố như vầng trăng non mọc vào ngày 14 (âm lịch) hàng tháng (theo câu ca của người Việt Nam ta: “13 câu liêm, 14 lưỡi liềm, 15 liềm giật, 16 thật trăng… ) Chỉ có điều vầng trăng đêm trên bầu trời và vầng trăng hình lưỡi liềm dưới mặt đất mà thôi.
Vừa xuống sân bay, đang loay hoay với một đống sách nặng chịch, dày như gạch, khô như đá, đã thấy một phụ nữ bé nhỏ tiến vào, cái nhìn như thể trong thơ Đàm Phố:
Yêu nhau mà mắt nhìn không chớp
Thấy nhau rồi chỉ muốn nuốt trôi nhau.”
Tôi quay vội đi để tránh cái nhìn thăm thẳm, “nuốt trôi” ấy, chợt chị nhảy bổ tới đứng chắn trước mặt tôi, giọng gấp gáp:
- Xin lỗi, Trần Khải Thanh Thủy phải không?
Tôi sựng lại, đáp gọn lỏn:
- Dạ Vâng ạ,
Thế là chị giật lấy vali sách của tôi kéo đi và hỏi một câu khiến tôi buồn … cười:
- Chị đã 60 chưa? Nhìn ở ngoài tôi trông chị trẻ và đẹp hơn hẳn trong ti vi.
- “Chời” ạ! đã trẻ và đẹp hơn hẳn trong ti vi mà còn hỏi 60 chưa… thì dưới con mắt chị tôi già lắm à? Trong khi tuổi đời tôi mới ngoài 50, vẫn ”cút kít về già”, đang nóng lòng chờ chồng sang để được “tái hôn” sau 3 năm biền biệt xa cách, đâu đã đến mức ”chống gậy khuơ vào hoàng hôn” như chị nói?
Nở nụ cười… hình thoi(!) tôi đáp lễ:
- Dạ thưa chị, em sinh năm 1960, gần chục năm nữa thì em cũng sẽ 60 như chị bảo.
Cả đoàn năm, bảy người tíu tít đưa tôi ra xe về nhà các anh chị Việt Tân ở New Orleans. Tôi dõi con mắt đầy ngỡ ngàng quan sát hai bên thành phố. Quả là kỳ lạ, vì tôi đã từng đến nhiều tiểu bang của Mỹ từ Califoocnia, Georgia, Hawaii, Washington v.v, phố nào cũng rộng, đường nào cũng to, đúng kiểu của Mỹ, vậy mà đường phố ở đây lại bé nhỏ đến kỳ lạ, như thể xe đang đi trong lòng phố cổ của Hà Nội xưa vậy. Trong tôi bất chợt hiện hình câu thơ:
Ta mang bao phố phường sang đất Mỹ
Cố đô mình ở giữa New Orleans
Trời đã vào xuân, New Orleans đi trước Sacramento hai tiếng đồng hồ, nên bây giờ đã là 9 giờ khuya, bóng đêm và ánh điện pha trộn nhập nhoạng loang loáng trên mặt đất.
10 giờ về đến nhà, 10 giờ 30 phút, chiếc xe của anh Trầm Phương mới đưa được người anh em từ Houston sang để tất cả ngồi vào bàn ăn tối, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Đúng 12 giờ đêm bạn bè, chủ, khách mới dùng dắng chia tay nhau ra về nhà để 7 giờ sáng hôm sau bắt đầu một ngày mới.
Thấy tôi tỏ ra thiếu ngủ, chị chủ nhà bảo: “Ở Mỹ chỉ lo thiếu ngủ mà không lo thiếu ăn chị ơi. Ăn thì ê hề, đâu có như Việt Nam mình, nhưng làm thì tối mắt tối mũi vào, ai cũng tranh thủ làm hai job à, thứ 7 cũng làm, trưa tối cũng làm, chỉ trừ chủ nhật thôi.”
Giám đốc Vương Kỳ Sơn đã đợi chúng tôi bên bàn ăn sáng để chuẩn bị cuộc phỏng vấn trên đài Việt Nam tự do hải ngoại ở New Orleans. Anh nhắc tôi về những kỷ niệm đã có trước khi tôi vào tù, cũng là việc ký thỉnh nguyện thư cho Việt Khang – một đề tài đang hot tại Mỹ. Nhìn căn nhà bề bộn sách vở và các thiết bị máy móc mới thấy sức làm việc của anh thật là khủng khiếp. Vừa là giám đốc đài, lại là chủ bút tờ báo, chưa kể còn viết sách, in sách, đúng là trí thức của thời đại hội nhập toàn cầu: “Một kho tư tưởng, một xưởng chế biến”… Từng là phóng viên bao nhiêu năm, để tồn tại trong cảnh “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, tôi cũng nổi tiếng trong làng báo Hà Nội về sự ”băm băm, chặt chặt” của mình, lúc là phóng sự (phở nóng), lúc là bún chả (thơ), lúc là cơm bình dân (các bài báo lẻ), lúc là cháo lòng tiết canh (phê bình, tiểu luận), hoặc cơm rang thập cẩm( nụ cười, chuyện vui v.v) nhưng vừa “xay thóc”, vừa “ẵm em”, “giã gạo”, “chăn trâu cắt cỏ” như anh thì quả là đáng nể, dù thân này có xẻ làm đôi được cũng không thể nào cáng đáng nổi những công việc không tên lớn, nhỏ ấy.
Xe rời khỏi đài lúc 11 giờ, còn 7 tiếng mới tới giờ “tâm tình và hội ngộ” cùng bà con. Các anh tranh thủ đưa tôi đi dạo phố, ngắm cảnh ngắm người. Thật là một vùng huyền sử đẹp như mơ, dọc theo dẫy phố bờ sông, khu French Quarter nhộn nhip với lượng du khách đông nghịt, đặc biệt là khu vực quán Café du Monde, các bãi đỗ xe dọc bờ sông, không còn nổi một chỗ để đậu, để tìm vào thưởng thức hương vị của loại cà phê nổi tiếng khắp thế giới từ năm 1862 này.
Theo anh Ngô Thu: ”New Orleans là thành phố cổ kính, có nhiều di tích lịch sử với sự pha trộn của những nền văn hóa lớn như Pháp, Tây Ban Nha, Hoa kỳ, đồng thời cũng là mảnh đất nặng về nông nghiệp nên có đông đảo người da đen bị bắt cóc từ Phi Châu về làm nô lệ. Sau khi được giải phóng, một số nhỏ dời lên những tiểu bang khác làm ăn sinh sống, đa phần vẫn tiếp tục ở lại nên có tới 70% là người da đen, vì thế New Orleans trở thành kinh đô âm nhạc của người da đen, đặc biệt nhất là loại nhạc Jazz.”
Không thể vào nổi quán để thường thức bánh doughnuts kiểu Pháp và cà phê, trong khi dạ dày cũng đang quặn lên từng đợt như dòng sông Mississippi mang hình lưỡi liềm, chúng tôi đành bỏ qua chiếc cầu Pontchartrain dài tới 25 dặm – được coi là dài nhất thế giới ( nối liền thành phố New Orleans với thành phố khác bên kia hồ), cũng như thăm khu “làng Việt Nam” 10 nghìn người như ý định ban đầu của anh chị em Việt Tân để về nhà ăn cháo hải sản và Crawfish – đặc sản của New Orleans, rồi chuẩn bị cho buổi tâm tình vào lúc 6 giờ tối tại nhà hàng Phúc- Lộc- Thọ.
Bước chân vào nhà hàng, tôi như bị cuốn vào một cơn say không có điểm dừng. Sự hưng phấn lan tỏa từ tim óc đến tận các đầu ngón tay, khi nhìn cả dãy bàn chật kín quan khách, và bài quốc ca vang lên trước khi buổi tâm tình bắt đầu:
Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên, làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…
Đã lâu lắm rồi kể từ ngày sang Mỹ, tôi mới có lại cảm giác này. Lần đầu là ở Bắc và Nam Cali, khi số bà con đến dự lên tới 3-400 người…Sau đó tôi có vinh dự đi nhiều nơi nhưng chỉ là “diễn viên phụ” lấp ló đằng sau ban tổ chức, được đứng ra phát biểu về quãng đời tù đầy máu và nước mắt của mình và các anh em trong nhà tù cộng sản để yểm trợ cho công cuộc đấu tranh dân chủ trong quốc nội. Tuy lần nào cũng “được ăn, được nói và được gói” bao nhiêu kỷ niệm đem về nhưng lần này xúc động hơn vì không những bà con bỏ thời gian đi từ xa đến, còn bỏ cả tiền túi để mua vé vào nhà hàng nghe tôi tâm tình kể lể về quãng đời “khóc cười thủ thỉ đếm thời gian trôi” của mình trong gần 1000 ngày tù đầy khốn khổ nữa. Chưa kể còn cưu mang hai đứa con tinh thần mà tôi “mang nặng đẻ đau” trong tù…
Cứ thế, tôi vịn vào mọi kỷ niệm, niềm day dứt, buồn đau để kể lại cảnh đầy ải nơi nhà tù cộng sản, trong trăm nghìn ánh mắt ngậm ngùi của bà con ngước lên từ khắp các dãy bàn…
Hơn 100 người đủ cả quan khách cũng như các hội đoàn, tôn giáo, và các tổ chức cộng đồng… Anh Trầm Phương – người vinh dự đứng ra giới thiệu quan khách, phải đọc danh sách suốt 15 phút đồng hồ, làm tôi dù căng tai nghe ngóng cũng chỉ ghi được vài chục vị tiêu biểu:
- Về phía Cộng Đồng Việt Nam tại Louisiana có Đại diên Ban Chấp Hành, Ban Thường Vụ Hội Đồng Đại Biểu và Ban Giám Sát.
- Về tôn giáo có sự hiện diện của Đầu Tộc Đạo Thánh Thất Cao Đài New Orleans.
- Về Hội đoàn có sự hiện diện của Đại diện Hội Người Việt Cao Niên vùng Tây và Đông New Orleans, Hội Phật Giáo Thân Hữu Louisiana, Gia Đình Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Louisiana. Nhóm Lời Thề New Orleans.
Ngoài ra còn có Hội trưởng hội ái hữu hải quân Việt Nam Cộng Hòa, Hội không quân Việt Nam Cộng Hòa tại Louisiana, Đại diện liên minh dân chủ Việt Nam, Chủ tịch ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia, Hội trưởng hội cao niên, Hội trưởng hội cựu tù nhân chính trị, Hội trưởng hội cựu sinh viên sĩ quan trường Thủ Đức.v.v và v.v
Hàng loạt câu hỏi được tung ra: “Nào hồi 30-4-75, tôi ở đâu, cảm nhận về những người lính Việt Nam Cộng Hòa như thế nào? Từ đâu tôi thức tỉnh, bừng ngộ?”. Nào “Kế hoạch của tôi trong tương lai trên đất Mỹ ?”. Rồi “Nhận định của tôi về chế độ cộng sản hiện tại ra sao” v.v…
Thôi thì có sao nói vậy, bởi trí tuệ chả ai cho ai được, quan trọng là mình phải trung thành với cảm giác của mình: “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, công an cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”.
Điều trước tiên tôi phải cám ơn cộng đồng hải ngoại vì nói như cách nói của cánh anh em dân chủ trong nước thì “Lịch sử không vô tình, nếu không có cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, chắc chắn tại quốc nội, dưới sự cai trị của cộng sản, vạn cổ như đêm dài, bao giờ ngóc đầu lên được”? Nhờ hàng rào nhân ái của 3 triệu người Việt Nam trên khắp thế giới mà công cuộc dựng nước và giữ nước của các vua Hùng mới không bị cộng sản nhấn chìm. Tấm lòng của bà con chính là “bình dưỡng khí” giúp cho người dân trong nước không bị chết ngạt trong quan tài cộng sản (điều 4 hiến pháp), đặc biệt là cánh anh em dân chủ, những người tự nguyện làm “thợ lặn” trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa để đánh từ trong đánh ra. Số tiền của bà con gửi về hỗ trợ các nhà dân chủ mỗi năm chính là một cuộc phá vây, là lối thoát cho nhiều gia đình đang bị kiềm thúc trong cơ chế đảng cai trị, nhân dân lãnh đủ. Chỉ vì đi ngược chiều của cái ác, cái xấu do đảng lãnh đạo mà bà con trở thành “thế lực thù địch”, “phản động”, “bám đít đế quốc” v.v…
Hai bài hát “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu” của Việt Khang vang lên làm xúc động trái tim của cả trăm người đến dự. Theo cách cảm nhận riêng của tôi, anh chính là sắc điệu của thời đại đồ đểu Hồ Chí Minh hiện tại, cũng là sản phẩm của một cơn chấn thương tinh thần đầy vinh quang và cay đắng. Nghệ thuật thật hữu hiệu khi đã sản sinh ra một nghệ sĩ chân chính như anh. Chỉ với hai bài hát, như hai quả trái phá, anh đã ném thẳng vào sào huyệt cộng sản khiến chúng sợ run lên bắt anh. Và gia tài nghệ thuật của anh hiện hữu ở mọi nơi mọi chốn. Từ đứa trẻ lên 2 nói tiếng Việt chưa sõi cũng bi bô hát, đến các ca sĩ đủ mọi lứa tuổi, vùng đất đều yêu thích lời ca, điệu hát của anh…Theo thời gian và năm tháng, bài hát của anh càng vang xa thì kích tấc con người anh càng được tôn vinh. Nếu theo quy luật tự nhiên, quy luật của đất trời:
“Trăm năm một sợi chỉ hồng
Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời”
Thì nhân vật mang tính lịch sử bi hùng đó chính là anh, chàng trai có tầm vóc trung bình, quê ở Mỹ Tho, với cái tên bình dị: Võ Minh Trí – người đã làm nên huyền thoại là 150 nghìn chữ ký trong vòng một tháng. Hai khúc ca bi tráng của anh – nhờ sự nỗ lực, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của bà con người Việt sẽ góp phần vào việc giật sập chế độ cộng sản ngay trong lòng nước Mỹ theo đúng nguyên lý mà ông bà xưa đã dạy: “Gậy ông đập lưng ông”. Gần 40 năm trước chính lãnh đạo cộng sản hùng hồn tuyên bố với thế giới: “Cuộc chiến tranh của Mỹ là cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhờ sự đồng tình của các tổ chức đấu tranh trên thế giới mà cộng sản sẽ giật sập chế độ Mỹ Thiệu ngay trong lòng nước Mỹ”, thì gần 40 năm sau, với sự đồng lòng của 3 triệu người Việt Hải ngoại – trong đó có 1,5 triệu cử tri người Việt ở Mỹ. Cộng đồng hải ngoại có quyền tuyên bố: “Sẽ giật sập chế độ cộng sản ngay trong lòng nước Mỹ” bằng cách kêu gọi các hội đoàn yêu nước, dân biểu và chính giới hoa kỳ làm áp lực lên nhà cầm quyền cộng sản thả Việt Khang cùng hàng trăm nhà dân chủ ra, trả tự do cho người dân Việt Nam, nếu không muốn tự trôi vào ống cống xã hội chủ nghĩa…
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, 10 giờ 30 phút, tôi và anh em thân hữu, chiến hữu bịn rịn chia tay bà con. Trời New Orleans sương rơi ướt áo, gió lạnh từ bờ sông Mississippi thổi ràn rạt nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường, dù 4 giờ sáng mai tôi đã phải trở dạy để về lại Sacramento, nhưng những ấn tượng kỷ niệm trong đêm tâm tình hội ngộ với bà con thì mãi mãi không bao giờ quên. Niềm vui của tôi còn được nhân lên gấp bội nhờ sự xuất hiện của
Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh cùng bà con New Orleans
cựu dân biểu Cao Quang Ánh, người đã làm nên huyền thoại trong cộng đồng người Việt khi trở thành vị dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Hạ Viện Hoa Kỳ, cũng là người đã tặng hội bảo tồn lịch sử của người Mỹ gốc Việt tổ chức tại New Orleans 2000 USD trước đó. Đồng thời cũng là người đã chụp hình cùng con gái tôi khi cháu sang Mỹ lĩnh giải nhân quyền cho mẹ trong thời gian tôi bị giặc đảng bắt lần thứ hai vì “hành động côn đồ” và “hung khí nguy hiểm” là những bài viết của mình.
Tiếng hát của các ca sĩ nơi xứ xở huyền thoại New Orleans với những cái tên không thể nào quên từ Bùi Tuyền, Lê Bá Lộc, Thanh Vân, Xuân Tuyết v.v… cũng theo tôi mãi trên đường ra sân bay khi thành phố còn chìm trong sương sớm, những đám mây tối sẫm chưa bị đẩy lên nền trời cao…
Sacramento 28-3-2012
Trần Khải Thanh Thủy
Đây là cảm-nghĩ của TKTT trong ‘ Hành-trình tới New Orleans ‘. Bài viết này bổ-sung cho một vài bài viết khác của chị ấy mà tôi đã đọc, giúp tôi hình-dung được phần nào về TKTT – văn cũng có thể phản-ánh nhiều mặt về chính tác-giả. Tôi nhớ có đọc một bài viết của ĐN trong SGN, mô-tả TKTT thật hết ý . So-sánh hai chiều phối-cảnh, cá-nhân tôi chưa gặp mặt lần nào TKTT nên hầu như khách-quan nhận-xét rằng ĐN quả tình có ác ý mà cố-tình bôi bẩn TKTT. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao, hay ĐN tự bản-chất là như vậy, hoặc do một động-cơ nào thúc-đẩy mà làm một điều không thích-đáng đối với một người cầm bút – coi như professional – Tôi nghĩ rằng những người muộn hay trước đó vì lý-do chống-đối chính-quyền CSVN hay hình-thức khác mà đã, đang hay sẽ rời đất nước VN ra nước ngoài, ví dụ, BT, NCT, TKTT, v.v…chắc có nhiều nguyên-do khác nhau. Tuy nhiên đa-số hầu như được CĐNVHN welcome, điều này nói lên mối chân-tình của CĐNVHN nói chung, trong ao-ước cùng đoàn-kết đấu-tranh dưới mọi hình-thức và phương-tiện trong tinh-thần tự-do, dân-chủ, dân-quyền và nhân-quyền nhắm vào một mục-tiêu duy-nhất là chính-quyền CSVN để đạt được tinh-thần nói trên cho nước VN, là thừa-số chung dù có nhiều dị-biệt trong tư-tưởng, tín-ngưỡng, cách sinh-hoạt, đường lối chính-trị v.v..Chúc TKTT có tư-tưởng dứt-khoát, không theo vết xe cũ của những kẻ tuy lớn tiếng chỉ-trích, đả-kích nhưng tâm-hồn còn ‘ Vang bóng một thời ‘, để có cơ-hội thì lại quay về, rốt-cuộc cũng chỉ là những người ‘ cơ-hội-chủ-nghĩa ‘ mà thôi.
Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy, Anh Thư nước Việt vừa thoát khỏi bàn tay máu của Ác Đảng Cọng Sản là bọn tà quyền côn đồ lưu manh Việt Cọng, ngụy quyền tay sai bán nước cho Quân cướp Trung Cong. Hoan hô tinh thần Bất khuất và sức chịu đựng kiên trì của Chị trong thời gian sống trong gông cùm VC thừa thủ đoạn, bọn độc ác nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Lòng can đảm và sự Hy sinh cao cả vô bờ bến của Chị sẽ ghi vào lịch sử, Nhân Dân VN và Những người yêu chuộng tự do Công lý trên khắp thế giới luôn Vinh Danh và biết ơn Trần Khải Thanh Thủy. Cầu Xin Thượng Đế Sớm phục hồi Sức khỏe và ban bình an trên Gia đình Chị.