Hậu Tiên Lãng: Dân chủ thâm trầm
Phải chăng bởi sự thỏa hiệp giữa các chính khách, Tiên Lãng lại đã hóa thân vào một trò chơi chính trị – như khuôn mặt thâm trầm của dân chủ mà chúng ta đang chứng kiến vào thời kỳ Hậu Tiên Lãng hiện nay?
Sự biến mất của… báo chí
Vẫn chưa có gì để lạc quan thái quá sau sự kiện Tiên Lãng. Vào thời kỳ Hậu Tiên Lãng, đang chỉ hiện diện một số không nhiều bài viết mô tả về tiến trình “tự kiểm điểm” của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, thay cho chất liệu phản biện đậm đặc và đầy khí sắc trước đây.
Hạn định tự xử lý và báo cáo kết quả cho Thủ tướng vào cuối tháng 2/2012 của Thành ủy Hải Phòng vì thế cũng được “ân hạn” đến hơn một tháng sau đó. Nhưng trong khi kết quả xử lý nội bộ vẫn chưa hé ra bất kỳ một thái độ “quyết liệt” nào (theo cách phát ngôn thường thấy ở giới quan chức Việt Nam) liên quan đến trách nhiệm của những người có chức vụ cao nhất, thì hình như tội danh “giết người” mà cơ quan cảnh sát điều tra Hải Phòng gán cho Đoàn Văn Vươn vẫn âm thầm được củng cố, còn hành vi nhiệt thành của báo chí trong nước lại được phán xét bởi một quan tòa khác: Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hiển nhiên Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ làm đúng chức trách của cơ quan này từ trước tới nay. Khác hẳn với cơ quan chính quyền là Bộ Thông tin và Truyền thông với nhiệm vụ “săn sóc” báo chí về mặt luật, cơ quan chuyên trách về tư tưởng lại có nhiều điều kiện hơn hẳn để uốn nắn những hành vi lách luật mà một số tờ báo “quá khích” trong nước, do tâm trạng sốt ruột đáng yêu, thường phạm phải.
Tất cả những gì luật không quy định đều được phép làm – một cách hiểu nôm na của người Việt Nam là như vậy, và cũng đã được báo chí Việt Nam vận dụng với khá nhiều sáng tạo trong khá nhiều năm qua. Nhưng ở một thái cực đối lập, những gì mà luật pháp không thể vươn tới thì chính những cơ quan tuyên giáo lại có được quyền năng can thiệp.
Tất nhiên là can thiệp theo cách cảm tính – một phong cách chưa bao giờ được luật hóa ở Việt Nam.
Theo “truyền thống”, cơ quan tư tưởng tiến hành họp giao ban với các báo cấp trung ương và cấp địa phương để nhắc nhở về những vấn đề cần “cẩn thận khi đưa tin”, hoặc với những vụ việc được xem là “nhạy cảm về chính trị” thì “yêu cầu các báo không đưa tin”.
Tiên Lãng dĩ nhiên cũng là một vụ việc được xem là nhạy cảm. Trong danh mục những lĩnh vực cần chú tâm theo dõi của các cơ quan tư tưởng khối đảng và khối công an, khiếu kiện đất đai là tiêu điểm. Do đó hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cử người gọi điện cho một số tờ báo “quá khích” như Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Động, Vietnamnet, Giáo Dục Việt Nam… để ngăn chặn một làn sóng bùng phát khác hơn là bản thân hành vi của Đoàn Văn Vươn.
Đáng lý ra, vụ việc Tiên Lãng đã có nguy cơ bị tan vỡ từ trong trứng. Nếu không có sự can thiệp của một vài nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị…
Những khuôn mặt thâm trầm
Người có ảnh hưởng đảo ngược tình thế đối với vụ Tiên Lãng, theo bình luận của giới phân tích và những nguồn tin trong nội bộ, là Trương Tấn Sang.
Về nhân vật này, người ta có thể nhận ra sự khác biệt khá nhiều so với thời kỳ chủ tịch nước trước đó. Không chấp nhận bị động vai trò như một “hình nộm”, Trương Tấn Sang đã cố gắng tiến vào một số công việc có tính thực chất hơn trong lãnh địa hành pháp. Ảnh hưởng được tạo ra bởi vai trò chủ tịch nước, cũng như bề dày đã tạo dựng từ vị trí thường trực Ban Bí thư trước đây, đã khiến ông dễ dàng hơn trong việc khéo léo tác động đến cơ quan tư tưởng văn hóa.
Sự can thiệp của vài nhân vật trong Bộ Chính trị mà đã từng có thời được xem là theo đường lối cải cách, đã có tác dụng gần như tức thời: Ban Tuyên giáo Trung ương bất thần ngừng những động tác can thiệp không văn bản của họ vào báo chí trong nước. Chỉ sau vài ngày, từ ngỡ ngàng chuyển sang phản ứng nhanh, hầu hết các báo lớn nhỏ trong nước đã ồ ạt tham dự vào “bữa tiệc” Đoàn Văn Vươn với một thái độ phấn khích đến thế nào, như xã hội đã chân nghiệm.
Nhưng vì sao thái độ phấn khích đó lại gần như biến mất từ đầu tháng 3/2012 đến nay? Điều có vẻ khó hiểu đối với giới phân tích quốc tế thì lại không khó giải thích trong con mắt quầng thâm của giới phê bình chính trị ở Việt Nam.
Mười lăm năm sau sự kiện Thái Bình, dù bầu không khí cởi mở chưa có tiền lệ của báo chí và dư luận xã hội về Tiên Lãng được xem là một sự ban ân của hệ thống đảng và chính quyền, nhưng cũng như ảnh hưởng không thể tuyệt đối của bất cứ một nhân vật nào trong Bộ Chính trị, sức lan tỏa từ phấn khích của người dân luôn có giới hạn của nó. Mặc dù là một lãnh đạo có thói quen duy trì quan hệ với báo giới theo hai chiều lợi ích từ khi còn là Chủ tịch và Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trương Tấn Sang vẫn không phải là một chính khách nặng quan điểm cải cách đến mức có thể vượt qua được những rào cản của một thể chế khép kín, đặc biệt sau thời điểm ông đã vươn đến chức vụ thường trực Bộ Chính trị. Nếu những đồn đoán về mối quan hệ xung khắc giữa nhân vật này với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là có cơ sở và được xác nghiệm, hẳn nhiên trong vụ việc Tiên Lãng, ông Sang đã ghi điểm cho bản thân trong một động thái hạ điểm đối với Nguyễn Tấn Dũng – người chịu trách nhiệm cao nhất cho một chính phủ vốn biểu hiện quá nhiều hậu quả trong điều hành kinh tế và hành xử xã hội bất công đối với dân chúng.
Nhưng suy cho cùng, và trong tận cùng của quan niệm độc đảng, tất cả có lẽ chỉ nên dừng ở mức đó. Báo chí, vốn vẫn được trao cho vị trí danh dự là một thứ “quyền lực thứ tư”, sẽ trở nên nguy hiểm nếu không bị chắn cản sự phấn khích dồi dào và dường như không bao giờ kết thúc đòi hỏi của nó. Trong thời gian qua, chính rào cản lớn nhất khiến báo chí trong nước phải một lần nữa lắng tiếng chính là một động thái truyền thống trong nội bộ đảng: sự thỏa hiệp giữa các chính khách.
Quá trình kéo dài các thủ tục làm án Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng, cũng như không khí xử lý nội bộ theo lối nửa vời tại thành phố này, càng giống như những thông số biết nói để làm rõ hơn ý nghĩa của phương trình tỷ lệ nghịch với bầu không khí dân chủ mới chớm hồi sinh ở Việt Nam.
Dĩ nhiên, báo chí luôn có vai trò của họ, và vai trò này đã và sẽ được vận dụng để phục vụ cho những động cơ chính trị, thay cho mục tiêu về dân sinh và dân quyền. Nhưng với bất kỳ chính khách nào trong một thể chế chưa được thay đổi về vị trí độc tôn và do đó cũng chưa thể đổi thay về chủ đề nhân quyền, báo chí và điều được gọi là không khí dân chủ cũng luôn được tâm niệm là con dao hai lưỡi.
Tiên Lãng cùng với cá nhân Đoàn Văn Vươn là một thử nghiệm vô tình cho phép ứng xử của chính giới với con dao hai lưỡi đó. Nhưng trên hết, Tiên Lãng lại đã hóa thân vào một trò chơi chính trị – như khuôn mặt thâm trầm của dân chủ mà chúng ta đang chứng kiến vào thời kỳ Hậu Tiên Lãng hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Phía Trước