TQ không muốn đàm phán với ASEAN về Biển Đông
Hôm 05/04/2012, Bắc Kinh khẳng định không mong muốn đàm phán với Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa bế mạc ngày hôm qua, tại Phnom Penh, đã cho thấy rõ là khối này không thể đoàn kết, có một lập trường chung để đàm phán với Trung Quốc về hồ sơ này.
Trong cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi tuyên bố: “Cách nay 10 năm, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên – DOC, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Tuyên bố này không nhằm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải tại Biển Đông».
Trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ở Phnom Penh, Cam Bốt, các lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã bày tỏ mong muốn « tăng cường các nỗ lực » để thực hiện Tuyên bố chung DOC.
Tuy nhiên, theo diễn giải của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì điều này cần phải được tiến hành thông qua “các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”, cụ thể là giữa Trung Quốc với từng nước ASEAN có liên quan.
Đại diện của Bắc Kinh nhấn mạnh, “với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN đã nhiều lần nhắc lại rằng khối này không đưa ra lập trường về tranh chấp, và tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các nước liên quan”.
Thực ra, tuyên bố của Bắc Kinh không phải là mới lạ. Từ lâu, Trung Quốc vẫn khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng thành viên ASEAN có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh không chấp nhận thương lượng đa phương hoặc quốc tế hóa vấn đề này.
Tuyên bố du lịch ra Hoàng Sa
Trong một diễn biến khác, ngày 04/04/2012, lần đầu tiên, một quan chức của tỉnh Hải Nam Trung Quốc công khai tuyên bố là tỉnh này có kế hoạch đưa du khách tới quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông, trong năm nay.
Theo Reuters, trên đài phát thanh Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Cương, phó giám đốc sở Du lịch tỉnh Hải Nam nói: “Kế hoạch tổng thể đang được soạn thảo và một kế hoạch cụ thể cũng đang được tiến hành; chúng tôi hy vọng là trong năm nay, chúng tôi có thể mở du lịch đường biển tới quần đảo Hoàng Sa”.
Phát biểu trên đây của ông Đặng đã được nhiều cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng lại, kể cả Trung Quốc Tân Văn Xã, hãng thông tấn lớn thứ hai, sau Tân Hoa Xã.
Báo chí Trung Quốc cho biết là trong tháng Ba vừa qua, một quan chức cấp cao, ông Vương Chí Phát, thứ trưởng, phó chủ nhiệm Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc cũng đã tuyên bố: “Phát triển du lịch quần đảo Hoàng Sa sẽ giúp chúng ta bảo vệ biên giới và chứng tỏ sự hiện hữu về chủ quyền của chúng ta ở đây”.
Theo giới phân tích, sự kiện Trung Quốc có ý định mở du lịch tới quần đảo Hoàng Sa sẽ gây căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam và các nước láng giềng khác.
Tranh chấp về chủ quyền tại Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc có từ lâu. Tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực tấn công, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý.
Cũng trong tháng Ba năm nay, Bắc Kinh và Hà Nội đã xẩy ra khẩu chiến, sau khi Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân Việt Nam và đòi tiền chuộc, với lý do những người này đánh bắt cá trong khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh cho rằng thuộc chủ quyền của mình. Trong khi đó, chính quyền Hà Nội cũng khẳng định là hoạt động của các ngư dân nói trên nằm trong vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và đòi phía Trung Quốc phải trả tự do cho các ngư dân.
Trong hai năm gần đây, tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông, nơi được coi là có nhiều tiềm năng về dầu khí và hải sản, đồng thời cũng là một trong những tuyến giao thông hàng hải quan trọng trên thế giới.
Kể từ năm ngoái, Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược, quay sang chú ý hơn đến châu Á, tăng cường quan hệ quân sự với Philippines và Úc.
Nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN – tại Phnom Penh vừa qua, Philippines đã kêu gọi các nước trong khối này có lập trường chung trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông để đối phó với Trung Quốc.
Nguồn: Đức Tâm (RFI)
Ý đồ “nuốt chửng” Biển Đông, TQ nung nấu với sách lược “mềm nắn rắn buông”, “chia để trị” và “câu giờ” chờ quân lực đủ mạnh. Họ dùng tiền, thế lực MUA CAM-BỐT, nước thoát nạn diệt chủng nhờ VN, phá thế hợp nhất của khối ASEAN.
Rất tiếc csvn lại nhu nhược, yếu hèn đặt “tình đồng chí”, “khối xhcn anh em” lên trên lợi ích của Tổ Quốc, nhân dân; luôn xử nhũn, chịu thiệt về mọi mặt. Ngay việc họ bắn giết bộ đội, đồng bào mình, csvn vẫn bỏ qua, vô cảm. ẤY LÀ CHÍNH QUYỀN BÁN NƯỚC, HẠI DÂN !