WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mùa bão

Mùa này cũng là mùa của con nước. Nơi đầu nguồn, thác ầm ầm đổ, nước Sông Đáy đã mấp mí mặt đê. Bến đò phía bên kia sông của thị trấn Phát Diệm cũng chìm trong nước. Đứng trên cống cao Qũy Nhất, thấy mênh mông những sóng nước dập dờn. Mom sông, nơi tụ tập thuyền bè đổi chác, bán mua chỉ còn lại những chiếc cọc tre nhấp nhô, cản, chẻ đôi dòng chảy, nước lúc lắc, trườn lên nhìn như con rắn đang bơi.

Cống ngoài đê đã mở, con sông làng tôi, bụng chứa đầy nước, dềnh lên hết mố cầu. Những tấm gỗ bác ngang thân cầu rung rinh như sắp bị nước nhổ đi. Mưa không lớn như mưa bong bóng tháng năm, nhưng rả rích và không dứt. Người dân quê tôi gọi là mưa rong bão, mưa thối đất, thối cát.

Mẹ gửi tôi về quê đúng vào những ngày này. Ngôi nhà ngang của chị Hậu, nơi chúng tôi tá túc đang rung lên bần bật, cột kèo kêu ken két, tường đất bị tung ra từng mảng. Gió xoáy rít lên, vặn những cây xoan, cây mít trong vườn kêu răng rắc. Hàng tre bên đường bị vít xuống, bật lên nghe vù vù như dao chém. Cây bàng bên những bậc cầu đá ven sông, bị gió vặt phăng mất ngọn, ném thẳng xuống lòng sông. Gió xoay tròn, chuyển hướng. Tôi phụ chị Hậu khiêng những cây luồng chống vào hồi tường và góc kèo nhà nơi hướng gió thổi, rồi ngồi đè lên. Thời chiến, ở miền quê chỉ còn đàn bà, trẻ con cầm cự với bão. Bão thì quá lớn con người quá mong manh, nhỏ bé. Thấy tôi sợ, chị Hậu cười, không sao đâu quá nửa đêm bão sẽ tan thôi. Tôi ngạc nhiên, chị không sợ sao? Chị lắc đầu, năm nào cũng bão, có năm mấy lần, quen rồi.

Nửa đêm, anh Vì hàng xóm đội bão sang giúp chúng tôi. Năm đó mới mười lăm, mười sáu tuổi đang học cấp ba, nhưng nhìn cách chèn vách, chống cột, hò hét chống trả bão của anh, làm tôi nghĩ đến chàng Sơn Tinh, phim hoạt hình trong hòm quay tay của ông già đầu phố. Gần sáng, gió yếu dần, chỉ còn tiếng rào rào của những cành gẫy dập còn treo lủng lẳng, đập vào thân cây. Lúc này, chúng tôi ngồi bệt xuống nền nhà, tựa vào nhau, thiu thiu ngủ.

Sáng, trời mưa đã dứt, nhưng vòm trời vẫn còn quầng đen tựa như chiếc túi nước khổng lồ. Xa xa, phía hướng ra biển có một vài tia sáng hồng hắt lên. Nước vẫn còn xâm xấp ngoài sân, ngoài vườn, những chú cá rô, cá trê còn kẹt lại, đập mình phành phạch. Giàn mướp trước nhà gió nhấc bổng, treo trên ngọn cau, làm nó gẫy cắm vào bể nước. Những luống rau non đã bị bằm nát, chị Hậu bảo, không có bão thì nó cũng bị chết úng vì mưa thôi. Chỉ còn bè rau muống và rau rút ngoài ao vẫn mơn mởn trổ ra những ngọn và lá non. Hình như chúng sinh ra để sống, kiên cường, dẻo dai chống chọi mưa bão cùng với người dân quê tôi.

Nhìn thấy cá, tôi định chạy ra bắt, nhưng chị Hậu bảo, cá trê trơn và ngạnh nó nhọn, đâm đau lắm. Em chưa quen, hãy xoa tay vào tro bếp, để lấy độ ráp, khi bắt, phải bóp thật chặt hai bên mang nó. Một lúc lục lọi trong sân, ngoài vườn, tôi đã bắt được khá nhiều các loại cá cho vào cái chum sành. Đến chiều, chị Hậu cũng gom, chặt gần hết những cành cây bị gẫy xếp gọn vào góc sân, chờ khô làm củi đun.

Trời bắt đầu nắng ấm, anh Vì sang vuốt rạ, dặm lại những nơi mái nhà bị tốc. Tôi theo chị Hậu ra bờ sông lấy bùn về nhào trộn với rơm, chít lại mấy chỗ tường bị vỡ. Mùa bão vẫn chưa chịu đi hẳn, có lẽ nó còn rập rình đâu đó. Con sông làng tôi, chiều chiều nước vẫn mấp mí bờ, mang màu nâu đặc, màu phù sa đó như đang trải lên những cánh đồng. Trăng tháng tám vẫn tròn như chiếc nong, vằng vặc sáng như kéo bầu trời lên cao. Anh Vì nhìn nước, nhìn trời rồi phán như ông cụ:

- Có lẽ năm nay được mùa rạm trôi.

Hôm sau, vừa đi học về, anh đã sang, rủ tôi đi chặt tre đan thêm phên làm đăng, đó… Trời còn chưa sáng rõ, cũng là lúc nước sông cạn nhất, anh Vì mang đăng ra giăng ngoài sông. Khi tiếng vồ đóng chiếc cọc cuối cùng để giữ đăng của anh, tôi mới giật mình tỉnh dậy. Chạy vội ra sông, thấy anh đang cắm cây làm dấu cho thuyền bè qua lại. Chiếc đăng của anh là những tấm phên tre chặn hai bên bờ, được khép dần lại, hình chữ V bằng một chiếc giỏ lớn ở giữa sông. Theo dòng nước, tôm cua cá bị chặn lại bởi những tấm phên đó, rồi từ từ chui tọt vào giỏ. …Khi gà chưa kịp gáy sáng, anh Vì đã lội xuống sông để tháo giỏ cá, rồi mới học bài và đến trường. Anh bảo, đăng này chỉ bắt được những cua cá ở tầng dưới.

Tối nào cống lớn Qũy Nhất mở, nhất những đêm trung tuần tháng tám, cua rạm từ Sông Đáy từng bầy, từng bầy trôi vào. Anh Vì thường cắm cà kheo ở giữa hai mố cầu, đứng lên đó dùng Te để hớt. Nhiệm vụ của tôi, bê cái nồi đồng to đùng theo anh. Có hôm thuyền bè qua lại nhiều, phải dùng vó cất, nên rạm lọt qua nhiều, anh cứ hùi hụi tiếc. Đêm nào nhiều rạm, tôi ở lại với anh lâu hơn. Nhiều khi khuya quá, chị Hậu đi tìm, bắt về ngủ.

Tháng tám mùa bão, mùa của trăng, đẹp và tròn nhất trong năm, cũng là lúc rạm tìm ánh trăng để trôi về. Rạm kỳ này rất mẩy và nhiều trứng. Có nhiều con lột, mai còn mềm nhũn, mỏng tang. Ai đã một lần ăn cua rạm lột chiên vàng, dù bây giờ có sống ở phương trời nao, độ tuổi nào cũng  không bao giờ quên được cái hương vị ấy. Khi rạm đã săn vàng trên chảo mỡ đang reo, chưa kịp đổ ra đĩa, ta vội nhón một con đưa vào miệng, cái ngọt đậm của thịt, của gạch cua chảy ra, bất chợt như phóng vào nơi đầu lưỡi. Bùi bùi, béo béo khi răng chạm tới, tiếng nhai rất nhẹ, nhưng ta vẫn có thể nghe được tiếng vỡ giòn bên tai. Chưa vội nuốt, mà hình như nó đã tan trong cổ họng. Tôi cũng đã từng được ăn cua rốc(cua đồng), cua ra, cua đá lột rán giòn nhưng không có loại nào ngon ngọt, thơm bằng cua rạm.

Cua rạm đã được rửa sạch, chị Hậu bóc hết mai, vặt trụi càng và chân. Những con nào chắc, mẩy nhiều trứng chị cho vào xào chua ngọt. Còn lại chị cho cả vào cối đá giã nhỏ, lọc lấy nước nấu canh với rau đay và mướp. Khi tôi vừa nhể xong đám gạch vàng rộm ở trong mai cua, cũng là lúc nồi canh trên bếp bắt đầu xôi, chị Hậu cầm cả bát gạch cua đổ vào nồi. Một phút thôi, nước canh xôi trở lại, gạch cua nổi lên từng bánh mầu nâu đậm quyện với mầu xanh của mướp, của rau đay, tỏa ra mùi hương thơm, thật khó gọi thành tên. Tôi đặt cho nó là mùi hương của đất trời, chị Hậu nghe, cười nheo cả hai con mắt. Nếu ai trong đời, chưa được thưởng thức món cua rạm này, dưới ánh trăng vàng, rọi chếch hiên nhà, khi làn gió thu còn phảng phất đâu đó trong cái tĩnh lặng của miền quê, quả thật là một thiệt thòi lớn.

Canh rạm nấu rau đay, mướp

Người làng tôi, chủ yếu mang họ Đoàn, Phạm, Trần. Ba họ này đều có mối quan hệ thông gia chồng chéo lên nhau, nên cuộc sống nơi đây có thể nói như một gia đình lớn. Như anh Đoàn Văn Vì chỉ kém chị Hậu họ Phạm có mấy tuổi, nhưng anh phải gọi chị là bà trẻ. Làng tuy nhỏ nhưng có ngôi miếu thờ khá to. Ông Niết, người biết chữ nho, quản miếu, viết sớ và làm lễ cúng bái. Anh Vì thường biếu ông cua cá, nên ông rất quí chúng tôi. Do vậy mỗi lần cần giấy bản làm diều, anh Vì và tôi ra xin ông. Trong ký ức của tuổi thơ đọng lại của tôi, anh Vì mê thả diều và làm diều sáo rất giỏi. Trên gác bếp nhà anh, lúc nào cũng có những ống và nan tre đã phơi khô, vàng ươm được hong trong mòng hóng. Bộ sáo của anh có ba chiếc, được làm bằng những ống tre, cái lớn nhất ở dưới cùng to bằng cổ tay, hai cái trên ngắn, nhỏ dần. Hai miệng sáo, anh khoét bằng gỗ mít. Thân và miệng sáo được mài, đánh kỳ công, bóng lộn. Khi sáo đã được gắn thành bộ nhìn đẹp và thanh như cây đàn Tơ Rưng. Để mang nổi bộ sáo này, anh phải làm khung diều bằng nan tre to như ngón tay cái, dài hơn cái đòn gánh. Thanh ngang giữa của con diều cũng  rộng bằng sải tay, làm con diều cong lên, hình con thoi. Tôi phải dùng dao băm nát cây sung ở bờ ao, mới được một bát nhựa, đủ cho anh dán giấy nho lên khung diều. Để cho chắc, không sợ bục khi bị vục xuống nước, hôm sau anh quét đi quét lại hồ và nhựa sung lên thân diều.

Mấy tuần nay, nước đã rút, cống ngoài đê đã đóng. Trên những thửa ruộng, đất khô nứt chân chim, người dân quê tôi vào vụ làm ải. Khi luống cầy vừa lật, đàn chim sẻ sà xuống bới, tìm giun tìm sán. Đâu đó có những vệt khói theo chiều gió, xoắn bay lên của mấy người đang hun chuột. Ông mặt trời ngả, rồi thấp dần về phía tây, những tia nắng cuối ngày đẩy dãy núi hình cánh diều lên cao in vào nền trời (núi bên phía Ninh Bình). Lúc này, tôi và anh Vì vác diều ra giữa cánh đồng. Chờ cơn gió mạnh nhất, tôi đâm diều lên, anh Vì cầm dây, nhử nhử và thả dần dây cho diều bay lên cao. Dàn sáo đã bắt đầu, nhưng chỉ khi đã thả hết dây, diều bay như đứng trên đầu, lúc đó sáo no gió, tiếng mới tròn, rõ. Một hợp âm khi trầm, lúc bổng du dương huyền ảo như từ cõi trên rót xuống. Nghe thấy tiếng sáo, trẻ con trong làng chạy cả ra. Đứa nào cũng xin anh Vì cho cầm dây một lúc. Có đứa bé, nhẹ cân quá bị diều kéo đi sềnh sệch, như muốn nhấc bổng người lên. Cầm chán, chúng tôi buộc dây diều vào gốc cây phi lao cụt, nằm cả ra bãi cỏ ngửa mặt lên trời….

Nói là chiến tranh, nhưng làng tôi vẫn yên bình dưới những khóm chuối, rặng tre. Dù vậy, lớp chúng tôi vẫn được chuyển xuống học nhờ nhà bà Năng bác Anh Vì ở cuối xóm. Hàng ngày, tôi phải đi qua ngôi miếu làng. Mùng một, ngày rằm có oản, chuối, nhìn thấy tôi, ông Niết thường gọi lại cho. Sáng hôm ấy, tôi thấy cửa miếu mở toang, ông Niết ngồi dưới gốc cây nhãn trước sân, mắt đỏ hoe. Ba ông, bí thư, chủ tịch và xã đội trưởng đang hò hét mấy chị dân quân. Lúc đầu tôi tưởng xã cho người tu sửa miếu. Chưa kịp hỏi, ông Niết giọng méo mó bảo, họ đang phá, dọn, lấy miếu làm trụ sở ủy ban xã đấy. Lúc sau, có lẽ sợ nên mấy chị dân quân lẩn mất. Chỉ còn trơ lại mấy ông cán bộ, tìm thuê người, hứa trả công điểm cao cũng chẳng ai chịu làm. Quát tháo một hồi, rồi các ông cũng kiếm đâu được cái xe cải tiến, cho cả tượng, đồ thờ cúng lên xe, ông kéo, ông đẩy về kho hợp tác xã. Xe cải tiến là xe bò kéo, được CẢI TIẾN thành xe người kéo, danh từ này mới có từ những năm sáu mươi, của các nhà cơ khí chế tạo Miền Bắc Việt Nam, đã được ghi trong từ điển.

Trưa hôm đó, tôi ra đầu làng chờ anh Vì đi học về. Thấy tôi vẫy tay, từ xa anh đã rê chân xuống đường làm phanh. Chiếc xe đạp đen xì cao lênh khênh của anh, tôi gọi xe trâu, không chịu dừng, anh nhảy tót xuống, làm nó đổ kềnh ra đường. Tôi thông báo cho anh, miếu đã bị phá làm ủy ban xã rồi. Lúc đầu anh không tin, chạy về, thấy cửa miếu mở toang, trống trơn, anh cúi đầu, dắt xe lững thững về nhà. Mẹ chị Hậu nghe tin, cố ngồi dậy, miệng lẩm bẩm, thằng Pháp, thằng Nhật, bây giờ đến thằng Mỹ cũng không dám động đến đình miếu, thế mà các ông ấy dám phá, không sợ các cụ về vật chết sao? Rồi bà bảo, chị Hậu chuẩn bị nhang đèn, dìu bà ra bàn thờ. Những ngày đó không khí trong làng khác hẳn, nhìn vào mắt ai hình như cũng gợn lên một cái gì đó bất an. Có lẽ đây mới là những cơn bão thật sự, đáng sợ trong lòng người dân quê tôi.

Từ sau cải cách ruộng đất, ủy ban xã đặt trụ sở tại ngôi nhà to vật vã của ông Đỗ Ngọc Bưởi, người được  mấy bác đội phán cho cái tội, địa chủ cường hào đại gian, đại ác, đã may mắn chạy thoát. Lý do rất đơn giản, chính quyền mới không thể tiếp tục ngồi làm ở việc ngôi nhà của bọn bóc lột, tàn dư của chế độ phong kiến. Nên bằng mọi giá, ủy ban phải chuyển đổi nơi làm việc.

Ông Phạm Văn Vị bí thư đảng ủy, ông Thang chủ tịch, ông Tuy xã đội trưởng, là những người chất phác, hiền lành. Các ông đều được nuôi dưỡng bởi văn hóa xóm làng, với đền đình miếu mạo, hồn cốt của cha ông. Nếu không bị ma ám, chỉ lối, dẫn đường có lẽ các ông không dám phá miếu thờ, nơi nương tựa, điểm bình an cuối cùng của làng, để làm ủy ban.

Thời gian sau, không hiểu do bệnh tình, hay vì buồn chán, ông Niết nằm liệt giường, rồi mất, từ đó chúng tôi không làm và chơi diều sáo nữa. Nó như vết thương để lại trong lòng người, đêm đêm nhìn lên bầu trời chỉ thấy còn một khoảng tĩnh lặng. Năm sau đang học dở lớp chín, anh Vì phải đi bộ đội. Chiến tranh kết thúc, tôi cũng trở về Hà Nội. Chị Hậu thường xuyên viết thư cho tôi, có lần chị kể, ông chủ tịch Thang thời gian sau mất chức, đi buôn bè nứa, bị ngã nước chết ở trên mạn ngược. Xã đội trưởng Tuy uống rượu đêm bị trúng gió cũng qua đời. Chỉ còn lại bác bí thư Vị, một con người dọc ngang sông nước, hàng đêm vẫn vác Te ra hướng biển, nay cũng ngã bệnh ốm đau liên miên. Tôi không tin lắm về quả báo, cũng như luật nhân quả. Nhưng lẽ nào lời nguyền của mẹ chị Hậu là có thật?

Cách nay gần chục năm, tôi về thăm quê, rất may trùng vào ngày giỗ của bố anh Vì. Trên ba chục năm gặp lại, cả hai tóc trên đầu đã bạc, nhưng anh em vẫn còn nhận ra nhau. Đêm hôm ấy, tôi, anh và anh Cu Lớn chồng chị Hậu, ngồi nhậu đến khuya. Nghe anh kể, cái số anh cũng thật long đong vất vả. Suốt từ năm bẩy hai, ròng rã đánh nhau từ mặt trận Quảng Trị vào đến Đà Nẵng, nhiều lần tưởng đã chết. Nhưng rồi may mắn, anh còn sống được đến ngày hòa bình. Năm bảy tám, anh phục viên, xin học lại lớp chín. Đang học, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, một lần nữa, anh lại phải thôi học, khoác ba lô lên đường. Đánh đấm mấy năm, sức khỏe có vấn đề, anh được phục viên về quê. Lần này, anh dứt bỏ sách vở, theo bố làm nghề chở cát trên sông. Tôi cắt ngang lời anh:

- Sao người ta lại lấp đoạn sông từ cầu đến giáp xã Nghĩa Hùng, nơi trước đây anh thường giăng đăng và đứng cất Te bắt cua rạm?

Đang tợp ngụm rượu, anh vội quay mặt, rượu phì cả ra ngoài vì sặc, khi nghe tôi hỏi. xì xoẹt một hồi, anh mới trả lời được:

- Thì vẫn lý do rất đơn giản, phải lấp sông, bán đất cho ai có nhu cầu làm nhà, mới có tiền xây dựng trường học, trạm xá….. Chú đau một, anh đau mười, làm nghề thuyền bè nhìn thấy sông bị lấp, có khác gì chết đuối trên cạn, thằng đàn ông bị thiến. Nhưng khổ nhất vẫn là những gia đình sống trong khu vực dòng sông bị lấp. Chưa mưa đã ngập, úng, ao tù cá chết sạch. Đoạn sông còn lại chảy đến Công Điền cũng chết theo …

Ly rượu trên tay đã cạn, anh ngồi thu người lại trong khoảng tối, giống như những đêm trinh sát đồn giặc phương Bắc. Tôi ngước mắt lên thấy, trăng vẫn sáng, vòm trời vẫn cao và xanh. Đom đón vẫn lập lòe sau những cây chanh cây bưởi. Thế mà tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Mùa này không có bão, nhưng một phần tâm hồn mình như vừa bị ai đó đánh cắp.

Leipzig 8- 4- 2012- Đỗ Trường

 

 

3 Phản hồi cho “Mùa bão”

  1. Thế Là Xong says:

    Quê hương Quảng Nam có 02 anh hùng : NGUYỄN VĂN TRỖI và HUỲNH THỤC VY !

  2. Nguyễn Duy says:

    Bác Đỗ Trường ơi! Lần sau có viết xin bác đừng viết đồ ăn. Đọc thèm bỏ mẹ đi được, nhớ quê lắm-

    • Lâm Vũ says:

      Bác Nguyễn Duy ơi! Bác nhìn kỹ lại bức hình xem đấy là rau đay hay rau mùng tơi! Canh rạm phải nấu với mướp và rau đay mời đúng điệu, nấu với mùng tơi thì chỉ… ăn tạm thôi! Thân

Leave a Reply to Nguyễn Duy