Ảnh hưởng của các bà tới cuộc bầu cử T.T Pháp 4/2012
Để biết Quyền lực Phụ nữ
Ở Việt Nam, quyền lực phụ nữ thường dễ thấy thể hiện ngay trong gia đình. Tuy quyền lực này không thành văn nhưng vô cùng mãnh liệt. Ở xã hội Tây phương,
quyền lực phụ nữ được hiến định. Nhưng ở Pháp, quê hương của nhơn quyền,
cho tới năm 1946, người phụ nữ mới có quyền bầu cử, năm 1962, mới có quyền
đi làm việc không cần có sự ưng thuận của chồng và quyền mở chương mục ngân
hàng riêng cho mình, trường học mới có lớp hỗn hợp nam/nữ học chung. Và cho
tới năm 1982, ở Thụy sĩ còn một Tiểu bang (Canton), người phụ nữ mới được thừa nhận có quyền bầu cử.
Ngày nay, về quyền lợi như lương bổng, sự thăng tiến xã hôi, …người phụ nữ ở Pháp vẫn còn bị thiệt thòi tuy luật pháp đã ban hành bảo vệ địa vị người phụ nữ. Nhưng không vì thế mà người phụ nữ không gây ảnh hưởng mạnh lên sanh hoạt chánh trị quốc gia và nhứt là ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trong vài ngày tới đây.
Phụ nữ lên đường
Ngày 7 tháng 3 vừa qua, trước Ngày Quốc tế Phụ nữ, các tổ chức phụ nữ Pháp họp nhau lại ở rạp hát La Cigale, một rạp hát xưa nay tân trang lại rất hiện đại của khu Pigalle, Paris 18, để xác định lại lập trường tranh đấu cho nữ quyền nhơn bầu cử Tổng thống vòng 1 vào ngày 22 tháng 4 và vòng 2 vào ngày 6 tháng 5 tới đây. Các bà tuyên bố là những cam kết về quyền bình đẳng Nam/Nữ sẽ phải thực hiện vào năm 2012. Không phải đợi tới gần ngày bầu cử, các bà mới ra quân mà hồi giữa tháng 2 rồi, các bà với 45 Tổ chức, đã họp nhau để thành lập một Liên Hiệp Phụ nữ lớn dưới danh xưng mới “Phụ nữ lên đường” để phát động mạnh cuộc tranh đấu cho nữ quyền dưới khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Đoàn kết”. Các bà đã gởi tới các ứng cử viên Tổng thống một bức thư đưa ra 10 yêu sách để yêu cầu khi đắc cử phải thực hiện cho bằng được sự bình đẳng Nam/Nữ trong xã hội.
Tham dự đêm Đại hội của các bà tại rạp La Cigale có 4 ứng cử viên cánh tả: Ông Hollande của đảng Xã hội, Ông Mélenchon của đảng Tả, Bà Joly của đảng Xanh và Ông Poutou của đảng Mới Chống Tư bản (Nouveau Parti Anticapitaliste – NPA). Buổi họp hôm ấy được tổ chức để các bà chất vấn các ứng cử viên về chương trình vận động tranh cử của các ông bà và chủ yếu, nhằm ảnh hưởng các ông bà trong chương trình về nữ quyền. Trong mười điều đòi hỏi, các bà nhấn mạnh việc tái lập Bộ Nữ quyền đã có dưới thời Chánh phủ Pierre Mauroy (1981 – 1983) của T. T. Mitterrand, bình đẳng lương bổng phải thực hiện trước năm 2017, tăng thêm 4 lần chỗ đón tiếp phụ nữ nạn nhơn của những vụ bạo hành thường xuyên xảy ra. Các bà nhắc lại những đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp với những mong đợi của phần lớn dân chúng. Thật vậy, theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Médiaprism-Laboratoire về sự bình đẳng, thì cứ 7 người Pháp trên 10, không phân biệt Nam/Nữ, cho rằng sự bình đẳng Nam/Nữ là vấn đề quan trọng cần phải được đưa vào chương trình vận động tranh cử của các ông bà ứng cử viên Tổng thống.
Các bà đã cẩn thận yêu cầu các ứng cử viên phải ghi ngay vào sổ tay của mình những yêu sách của các bà. Ngày Quốc tế Phụ nữ còn là cơ hội để các bà tổ chức những cuộc mít-tinh đòi hỏi nữ quyền phải được Tổng thống đắc cử thật sự tôn trọng và biến thành thực tế trong đời sống xã hội.
Phụ nữ tranh đấu Nữ quyền và Chánh khách
Phụ nữ tranh đấu nữ quyền và nữ Chánh khách thường bị lẫn lộn. Khi nữ Chánh khách đứng ra vận động bầu cử, họ liền nhắc tới nữ quyền như bình đẳng Nam/Nữ về lương bổng, về địa vị trong chánh trị, …và họ long trọng hứa khi đắc cử, họ sẽ thực hiện. Đây là lúc họ là phụ nữ tranh đấu cho quyền lợi phụ nữ. Nhưng khi trở về cương vị chánh khách thì họ lại như xa rời nữ giới.
Tháng 7/2011, trước ngày chọn sơ bộ ứng cử viên đại diện đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống 2012, Bà Martine Aubry, Tổng Bí thư đảng Xã hội, tiếp xúc Bà Caroline de Haas, người phát ngôn và đồng sáng lập Tổ chức Phụ nữ “Các Bà hãy dám tranh đấu cho nữ quyền” để mời bà này đảm nhiệm vai trò vận động cho nữ quyền của đảng. Vì người phụ nữ trẻ này là một gương mặt mới tranh đấu cho sự bình đẳng Nam/Nữ thường xuất hiện trên truyền thông và các mạng xã hội trong gần đây. Tổ chức của bà de Haas thành lập năm 2007, trẻ hơn nhiều hội khác, năng động và có nhiều tham vọng đổi mới hơn. Tóm lại bà là một gương mặt mới đang ăn khách nên được gọi là “những nhà tranh đấu nữ quyền mới”.
Bà de Haas do dự trả lời Bà Aubry vì bà thấy giữa Tổ chức tranh đấu nữ quyền và Chánh đảng như có cái gì không ổn, như nó lẫn lộn giữa hai bên.
Tại sao có sự không tin cậy đó?
Theo sử gia về phong trào nữ quyền, Bà Michèle Riot-Sarcey, trong “phong trào nữ quyền luôn luôn có sự dè dặt đối với các Chánh đảng. Để không bị các ông của bộ máy cầm quyền khống chế, và bởi vì các Chánh đảng không bao giờ chấp nhận những yêu sách của các phong trào nữ quyền, nên các bà thường tổ chức thành những nhóm làm áp lực tranh đấu bên ngoài các Chánh đảng. Các bà không quên cuộc cách mạng nữ quyền năm 1970 thất bại nên gần đây, các bà có xu hướng cởi mở hơn và tìm những kỹ thuật tranh đấu khác, mới hơn, thích hợp với tình hình mới hơn”.
Theo Bà de Haas, “muốn đạt thành quả cao cho nữ quyền, phải có những người tranh đấu ở ngoài đảng, nhưng cũng cần có thêm người ở trong đảng nữa”.
Bà đã soạn một dự luật về bình đẳng nghề nghiệp để giúp Bà Aubry có tài liệu cụ thể về những đòi hỏi thiết yếu của phụ nữ.
Nhưng khi Ông Hollande được chỉ định ứng cử viên, Bà de Haas bèn tách ra xa khỏi cuộc vận động tranh cử của đảng Xã hội.
Trong mục tiêu nhắm vào cử tri phụ nữ và đồng thời giới thiệu chủ trương bảo vệ nữ quyền, Bà Eva Joly, ứng cử viên Tổng thống của đảng Xanh, kêu gọi sự ủng hộ của thành viên các tổ chức phụ nữ. Bà giải thích “Ở đây, tức muốn nói là phe của bà, là những người phụ nữ tranh đấu. Ưu điểm của chúng tôi là sự nhạy cảm về các vấn đề xã hội, giáo dục và những quan điểm về giới tính”. Tuy nhiên có nhiều phụ nữ vì mang tâm lý bị lấn cấn giữa phụ nữ tranh đấu nữ quyền và chánh khách mà tìm cách né tránh không bị mang tiếng là “tranh đấu bề ngoài” chỉ nhằm phục vụ mục tiêu ngắn hạn cho mùa bầu cử mà thôi.
Khi muốn tranh đấu cho bình đẳng xã hội, người ta vẫn còn thành kiến là phải những tổ chức tả khuynh mới tranh đấu cho mục tiêu này vì tả khuynh đồng nghĩa với sự tiến bộ. Nhưng thực tế ngày nay cho thấy tả là tụt hậu, là phản con tim của họ. Tả khuynh đều là những người mang “thẻ đỏ với con tim đen” xì. Vì quan niệm sai lầm này mà Bà Fatima Ezzehra Benomar năm 2010 đã chạy theo đảng Tả của Ông Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên Tổng thống, nghĩ nhờ đó có thể bênh vực quyền lợi phụ nữ hữu hiệu hơn với các tổ chức khác.
Không riêng gì các đảng khuynh tả mới thành lập phân bộ phụ nữ, mà cả đảng UMP cầm quyền cũng đưa ra Bà Lydia Guinous năm 2010 thành lập Tổ chức phụ nữ “Tương lai ở nữ phái” để mượn đó liên hệ với phụ nữ bên tả. Tổ chức của bà là một thứ “Think tank” của UMP. Tháng 11 năm rồi, bà cho phổ biến một bạch thư “Cho một chủ thuyết nữ quyền thực tiễn và cộng hòa” để động viên giới phụ nữ nhằm cho bầu cử Tổng thống năm 2012. Bạch thư nêu lên tầm quan trọng cần phải thực hiện cho sự bình đẳng Nam/Nữ xưa nay vẫn là mục tiêu của phe hữu theo đuổi thực hiện. Cánh tả không thể độc quyền được nữa.
Nhưng theo sử gia về nữ quyền, Bà Michèle Riot-Sarcey cho rằng tất cả những nỗ lực này cũng chỉ còn ở phạm vi cá nhơn chỉ vì họ muốn đề cao chính mình hơn. Bởi vậy không nên vội tin là các bà tranh đấu cho nữ quyền sẽ đồng loạt bắt tay nhau cùng gia nhập đảng. Vài bà lên tiếng từ Chánh đảng nhưng chưa đủ cho đó là hiện tượng thực tế và phổ quát. Trong lúc đó, đảng Modem (Parti Démocrate – Đảng Dân chủ, được 18, 57 % phiếu ở vòng đâu bầu cử Tổng thống 2007) của Ông François Bayrou và Phong trào Dân tộc (Front National – FN vào vòng nhì kỳ bầu cử Tổng thống 2002) của Bà Marine Le Pen lại không có bộ phận đặc trách riêng nữ quyền.
Nguyên nhân nở rộ Phong trào Nữ quyền
Ngày nay phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền trở thành một cao trào rầm rộ ở Pháp là do vụ DSK (Dominique Strauss-Kahn, đảng viên xã hội, Cựu Tổng trưởng thời đảng xã hội nắm quyền, bị truy tố toan hiếp dâm nữ bồi phòng của khách sạn Sofitel ở NY, 5/2011, đang chờ phán quyết của Tòa án Huê kỳ vụ này về mặt Hộ, đồng thời đang bị Tòa án Pháp quản chế về tội liên hệ tổ chức bán dâm từ Bỉ qua Huê kỳ trong vụ Carlton ở Lille, một Tỉnh miền Bắc nước Pháp). Nhưng về cơ bản, phong trào phụ nữ trở thành mạnh trong gần đây do xã hội Pháp còn mang nặng tinh thần Nam trọng, Nữ khinh cố hữu biểu hiện rõ nét qua chế độ hưu trí, lương bổng, địa vị nghề nghiệp và số phụ nữ tham chánh, … Năm 1995, các bà trong một ngày tổ chức gặp, chất vấn các lãnh đạo quốc gia như Tổng thống Chirac, Thủ tướng Balladur, Jospin về nữ quyền và yêu cầu các ông giải quyết cụ thể, nhưng hoàn toàn không có kết quả thỏa
đáng. Nay các bà rút được kinh nghiệm, tổ chức cách tranh đấu mới: kết hợp tranh đấu nữ quyền là trường kỳ với tổ chức hàng ngũ nhằm gây mạnh ảnh hưởng nhân cuộc bầu cử.
Trước đây, phong trào nữ quyền ở Pháp đều thuộc phe tả. Các Chánh đảng phe
tả khai thác triệt để cho mỗi kỳ bầu cử, mặc dầu trong chương trình vận
động của họ không hề đề cặp tới thân phận phụ nữ và trong đảng của họ cũng không thấy có một bộ phận phụ nữ cho nữ quyền. Nay họ lấy 10 điểm trong bản yêu sách của Tổ chức “Phụ nữ lên đường” để đưa vào chương trình vận động tranh cử của họ.
Khi tiếp xúc với các Phong trào Phụ nữ ở Rạp hát La Cigale hôm 7/3, ứng cử viên xã hội Hollande bị các bà la ó. Một phụ nữ mỉa mai hỏi Ông Hollande “Ông tuyên bố tranh đấu cho nữ quyền mà là thứ nữ quyền nào?”. Câu hỏi làm cho cả hội trường cười ầm lên.
Nên nhớ, năm 2007, đảng xã hội bị 52 % cử tri phụ nữ không tín nhiệm. Có phải vì vậy mà các đảng tả phái ngày nay đều đua nhau tới ve vãng các tổ chức phụ nữ?
UMP và Phong trào phụ nữ
Cho tới nay, Ông Sarkozy chưa thấy tới với các Phong trào phụ nữ để mở cuộc vận động như các đảng phía tả. Ông không trả lời bản yêu sách 10 điểm của các bà, mà ông chọn cách nêu lên từng điểm một trong chương trình tranh cử của ông, không có một điểm nào hay một lời nào dành riêng cho phụ nữ.
Bà Lydia Guirous của UMP giải thích “Trong thời kinh tế khủng hoảng, hiện nay, có những ưu tiên phải giải quyết như việc làm, đời sống dân chúng bấp bênh, Âu châu khủng hoảng, nên phải thấy vấn đề phụ nữ thuần túy là thứ yêu”. Còn việc nữ quyền được tôn trọng trong vừa qua như thế nào, cứ nhìn Chánh phủ của Ông Fillon có bao nhiêu phụ nữ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Các Hội đồng Quản trị Xí nghiệp có 40 % nữ hội viên. Chánh phủ đã ban hành luật 9/7 về bạo hành phụ nữ. Mở rộng mạng lưới thông tin cho nữ sinh về thuốc ngừa thai, tăng tài trợ chi phí cho chương trình bảo vệ phụ nữ bị bạo hành…
Bà Lydia Guirous còn nhấn mạnh thêm “Ông Sarkozy không đưa ra những lời tuyên bố hứa hẹn mới vì ông đang tiến hành những thay đổi được thực hiện về nữ quyền trong mấy năm qua”.
Bà kết luận “chúng tôi lắng nghe tiếng nói chánh đáng của giới phụ nữ còn hơn những người lớn tiếng tranh đấu cho nữ quyền cửa phe tả nữa”.
Còn một tháng nữa tới ngày bầu cử vòng đầu, mọi cuộc vận động của các ứng cử viên đều đã phải tạm ngưng vì 7 cái chết thảm khốc của dân chúng, có 3 trẻ nít, do quân khủng bố á-rặp ở Pháp gây ra ở Miền Nam nước Pháp.
Phụ nữ ở các xứ dân chủ tự do khi quyền lợi chánh đáng của họ bị đối xử thiệt thòi, họ tự động và tự do kết hợp lại thành những tổ chức lớn công khai tranh đấu. Chánh phủ phải tôn trọng và tìm cách giải quyết những đòi hỏi của họ. Trong lúc đó, ở Việt Nam, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tức tiến bộ và tôn trọng nữ quyền vì đầy rẫy những tổ chức phụ nữ giải phóng, người phụ nữ chẳng những không được quyền tự bênh vực mình, mà còn bị đảng cộng sản cầm quyền ở Hà nội tổ chức bán người phụ nữ như một món hàng hóa trên chợ trời.
Bao giờ người phụ nữ Việt Nam dám đứng lên đòi lại Quyền sống cho chính
mình?
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt