WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang

Giới thiệu

Cuối năm 2011, thầy ThíchTrí Quang cho xuất bản ở trong nước cuốn “Trí Quang tự truyện” (2011 – Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Sài gòn).

Thầy Trí Quang là một trong những nhân vật được dư luận thế giới quan tâm trong nửa thế kỷ trở lại đây. Trong thập niên 1960 khi ông cầm đầu cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo tại Việt Nam, báo chí Mỹ tặng ông danh hiệu “Người làm rung chuyển nước Mỹ”. Sau ngày 30-4-1975 người Cộng sản để ông sống yên ổn và âm thầm tại chùa Ấn Quang ở Sài gòn. Nhưng lịch sử không để Thầy yên.

Các thế lực kình chống vẫn còn tìm cách bôi nhọ Thầy từ lập trường chính trị đến tác phong đạo đức. Người ta kết án Thầy và Phật giáo đã tiếp tay làmViệt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Người ta nói Thầy là đảng viên cộng sản cao cấp và còn đang âm thầm làm công tác chiến lược cho đảng. Sự thật ở đâu? Có thể cuốn “Trí Quang tự truyện” giúp trả lời một phần câu hỏi này?

Thầy Trí Quang là một tu sĩ Phật giáo chuyên trước tác và dịch kinh điển, nên lối hành văn của Thầy bị ảnh hưởng lối văn kinh điển làm cho câu văn trong cuốn Tự truyện nhiều chỗ khó hiểu. Do đó, trước khi đi vào những vấn đề liên quan đến Tự Truyện, tôi xin tóm tắt nội dung cuốn sách.

Cuốn Tự Truyện & lai lịch Thầy Trí Quang

Cuốn sách in khổ nhỏ, dày 222 trang gồm cả bìa, cỡ chữ 18, in 3000 bản, ngoài bìa đánh số từ bản 1 đến bản 3000. Bản tôi đang dùng là bản số 2555.

Thầy Trí Quang sinh năm 1922 tại làng Diêm điền, tỉnh Quảng Bình, tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do, năm nay 90 tuổi. Ông là con thứ tư trong gia đình có 6 anh em trai, hai anh đầu khác mẹ. Cho đến năm 2011, chỉ còn người anh Phạm Minh lớn hơn ông 1 tuổi còn sống tại Quảng Bình. Gia đình ông theo đạo Phật. Cha ông bán thế xuất gia với ngài Thích Đắc Quang, pháp danh Hồng Nhật.

Năm 1928 khi ông lên 6, bố mẹ cho ông học chữ Hán và chữ quốc ngữ cho đến khi hoàn tất chương trình tiểu học của sở Học Chánh Đông Dương. Sau đó bố mẹ ông tập cho ông làm đất làm nương trong 3 năm.

Cuối thập niên 1930 tỉnh hội Phật giáp Quảng Bình được thành lập sau khi bác sĩ Lê Đình Thám thành lập Tổng hội Phật giáo miền Trung tại Huế năm 1932. Năm 1938 bố mẹ ông quyết định cho ông xuất gia. Ông vào Huế theo học chương trình đào tạo tăng sĩ. Ông hoàn tất chương trình trong 6 năm, tốt nghiệp năm 1944.

Mùa hè năm 1946 thầy Trí Quang được mời ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán sứ. Cuối năm 1946 cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, việc thành lập Phật học viện dở dang. Thầy Trí Quang trở về Quảng Bình vừa kịp lúc thọ tang cha, và ở lại đó với Mẹ mấy tháng. Sau đó ông ra Huế tu tại chùa Tù Đàm.
Thầy Trí Quang không có ý lập chùa, thu nhận đệ tử, truyền y bát. Ở Huế Thầy tu tại chùa Từ Đàm. Sau này vào miền Nam Thầy ở khi thì chùa Ấn Quang, khi thì chùa Già Lam. Dành trọn thì giờ trước tác và dịch kinh điển. Công việc này được tiếp tục cho đến hôm nay. Ông nói bỏ thì giờ vài ba tuần để viết “Tự truyện” này ông cũng không yên tâm.

Thời gian tu học tại Huế (1938-1944) thầy Trí Quang trì chú tụng kinh, và ông tin sự trì tụng đã giúp ông thoát nạn nhiều lần.

Ngoài ra ông cũng từng để tâm suy nghĩ về “sự đô hộ của người Pháp và vị trí người tăng sĩ Phật giáo của ông”. Ông đọc nhiều sách báo Phật giáo như Hải triều âm, Phật giáo triết học của Phan Văn Hùm, Phật giáo đại quan của Phạm Quỳnh, tiểu phẩm của thánh Gandhi, tài liệu chuyền tay của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục như Thế giới Sử cương và Cách Mạng Tháng Mười … Thầy có đọc “Bản tường trình sự cần thiết thành lập Việt Minh” của Trương Chinh nói về quan điểm “giải phóng dân tộc”. Thầy Trí Quang nói Thầy hiểu sau “giải phóng dân tộc” còn gì nữa chứ không phải ngưng ở đó. Thầy ngụ ý Thầy lo ở cái “còn gì nữa” đó. Nhưng Thầy nghĩ vì các khuynh hướng chính trị chống Pháp khác đều bị làm cỏ cả thì còn có lựa chọn nào khác ngoài Việt Minh.

Đầu năm 1947 Pháp chiếm Quảng Bình, thầy Trí Quang cùng với Mẹ và dân làng tản cư lên vùng “Mãi Đắng” cách thành phố Quảng Bình 13km. Sau đó thầy Trí Quang từ biệt Mẹ vào chiến khu chống Pháp, phụ trách quận hội của Liên Việt. Tháng 10, 1947 ông được tin Mẹ bệnh nặng do Đại đội trưởng một đại đội tự vệ hoạt động trong thành phố tên là Thế cho biết. Được phép của Ủy ban kháng chiến và sự dẫn đường của Thế, ông đã vượt qua bao nhiêu gian lao nguy hiểm vào thành thăm Mẹ. Sau đó nhờ sự can thiệp của Thế ông được Tổ chức cho phép ở lại săn sóc Mẹ.

Ở với Mẹ được một năm Mẹ Thầy ngỏ ý muốn Thầy hoàn tục lấy vợ để nối dõi tông đường. Thầy từ chối. Đang dùng dằng với Mẹ thì thầy Trí Quang được giới tu sĩ tại Huế mời vào Huế.

Thành lập Tổng Hội Phật GiáoViệt Nam

Năm 1950 Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới (LMHN/PTTG) được thành lập tại Tích Lan. Hòa thượng Tố Liên đại diện phía Việt Nam quốc gia đi tham dự. Trở về HT Tố Liên vận động thành lập chi bộ Việt Nam của Liên Minh Phật tử Thế giới. Thầy Trí Quang đề nghị nhân dịp này thành lập một Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (THPGVN) để họat động song hành với Liên Minh. THPGVN được tạm thời thành lập, suy cử Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đương kim Pháp chủ Tăng Già miền Trung làm Tổng Hội chủ lâm thời, và Hòa Thượng Thích Trí Thủ đương kim Hội trưởng Hội Phật học miền Trung làm trưởng ban Tổ chức đại hội chính thức thành lập THPGVN vào ngày lễ Phật Đản năm sau (1951).

Tại đại hội 1951 triệu tập tại chùa Từ Đàm, Huế, bài hát “Phật Giáo Việt Nam” được hát lên lần đầu tiên, Hiến chương THPGVN được công bố, và nghị quyết công nhận cờ Phật giáo thế giới của LMHN/PTTG được thông qua. Theo Hiến Chương THPGVN được đặt dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị Trung ương (HĐQTTW) gồm Tổng hội chủ (HT Tịnh Khiết), một Phó Hội chủ Tăng già (HT Trí Hải), một Phó Hội chủ cư sĩ (cụ Lê Văn Định), một Tổng thư ký (ông Tráng Đinh), và nhiều thành viên phụ trách các Ban, trong đó có thầy Trí Quang.

Khi trình báo với chính quyền, ông tổng trưởng bộ Nội vụ yêu cầu THPGVN áp dụng Dụ số 10 do Quốc trưởng Bảo Đại ban hành năm 1950. Đạo Dụ này xem các tổ chức tôn giáo là những Hiệp hội như các hội Tiểu Thương, hội Đá Bóng, Hội Ái Hữu…ngoại trừ Điều 44 của đạo Dụ quy định một “Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau.”

Chính quyền yều cầu tu chính Hiến chương tách Tăng Già ra khỏi Cư sĩ. Tiếp theo tòa đại biểu miền Trung lệnh cho Tổng hội hạ bảng trụ sở, nộp khuôn dấu, ép ông Lê Văn Định từ chức và bắt giam ông Tráng Đinh về tội thành lập THPGVN một cách bất hợp pháp. Đồng thời dấu hiệu kỳ thị Phật giáo bắt đầu xuất hiện nhiều nơi trên toàn quốc.

Tiếp theo là thời kỳ phân chia đất nước 1954-1955. Thầy Trí Quang ghi trong tự truyện: “Đây là thời điểm mà tổ quốc phân chia Nam Bắc. Tôi nghĩ tôi nên đứng ở cương vị thuần túy Phật giáo không nên có ý kiến về việc đời quan trong. Chỉ đánh dấu tâm tư bằng dấu ẩn mà thôi.”

Năm 1956 thầy Trí Quang được tin Mẹ bị đấu tố tại Quảng Bình . Thầy ghi trong tự truyện: “Mẹ khốn khổ của tôi bị đấu tố. Tôi không đủ can đảm nhớ lại cho hết, ghi lại cho đủ, chỉ đánh dấu vài dấu than mà thôi .” Thầy vào Nha Trang tu tâm dưỡng tánh trong 4 năm từ 1956 đến 1960. Thầy trở lại Huế mấy năm thì năm 1963 vụ “cấm treo cờ Phật giáo” xẩy ra.

Thầy vắn tắt thuật lại về tổ chức của THPGVN gồm 3 miền Bắc, Trung Nam, mỗi miền có hai tập đoàn tăng già và cư sĩ. Hai tập đoàn của miền Trung là Giáo Hội Tăng Già Trung phần và Hội Phật Giáo Trung phần đặt dưới sự lãnh đạo của một ban trị sự gọi là Tổng Trị Sự do thầy Trí Quang cầm đầu.Tám năm trước, chức vụ này do ngài Thích Tịnh Khiết, nhưng nay ngài cần tịnh trú. Và do cơ duyên đó thầy Trí Quang đã trở thành nhân vật chính trong cuộc “Vận động 1963 của Phật gíáo.”

Cuộc “Vận động 1963 của Phật giáo

Hằng năm nhân ngày Phật Đản thành phố Huế rực cờ Phật giáo Thế giới. Thường buổi lễ Phật Đản tổ chức buổi sáng tại chùa Từ Đàm, buổi chiều được đài phát thanh Huế phát lại. Ông Ngô Đình Cẩn là người luôn khuyến khích sinh hoạt tôn giáo hài hòa. Năm 1963 đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục muốn thấy quang cảnh tại Huế trong ngày Phật Đản ít tưng bừng hơn vì ông Giám mục đang vận động tòa thánh Vatican để trở thành Hồng Y. Ý muốn của đức Giám mục trở thành lệnh của chính quyền. Mấy ngày trước Phật Đản, ông tỉnh trưởng Thừa Thiên, kiêm thị trưởng Huế Nguyễn Văn Đẳng đến truyền lệnh và yêu cầu thầy Trí Quang khuyên Phật tử đừng treo cờ Phật gíao trong dịp Phật đản. Thầy Trí Quang từ chối.

Sáng ngày 14/4 âm lịch, ông cố vấn Ngô Đình Cẩn mời họp trấn an thầy Trí Quang cho biết ông sẽ can thiệp để Sài gòn bỏ lệnh cấm treo cờ. Nhưng sự can thiệp của ông Cẩn không có kết quả. Chiều ngày 14 và trong đêm 14 rạng ngày 15 cảnh sát vẫn đi hạ cờ. Cả thành phố Huế náo động. Thầy Trí Quang quyết định sáng ngày 15/4 sẽ bày tỏ thái độ phản đối hành động kỳ thị tôn giáo của chính quyền trong khi hành lễ Phật Đản.

Buổi chiều ngày 15/4, khi không thấy đài phát thanh Huế phát thanh buỗi lễ, Phật tử ùn ùn kéo đến đài (nằm đầu cầu Trường Tiền bên hữu ngạn sông Hương) hỏi lý do. Trong khi ông Thị trưởng, thầy Trí Quang và ông Giám đốc đài đang gặp nhau trao đổi ý kiến tìm cách giải quyết thì ngoài sân xe tăng bảo vệ đài cán vào người biểu tình và có tiếng nổ. Một số em Phật tử bị giết.

Thành phố Huế đình công bãi thị. Ngày 17/4 thầy Trí Quang và ban Tổng Trị Sự quyết định chọn ngày 21/4 âm lịch, ngày thất tuần đầu tiên của Phật tử tử nạn để phát động cuộc “Vận Động của Phật giáo”. HT Trí thủ làm Trưởng ban, HT Thiện Minh và Thiện Siêu thảo Tuyên Ngôn, thầy Trí Quang viết điện văn gởi ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc thông báo chính quyền Nam Việt Nam vi phạm nhân quyền. Điện văn gồm 3 điểm: (1) Chính quyền cản trở lễ Phật Đản, (2) Chính quyền triệt cờ Phật giáo thế giới, (3) Chính quyền khủng bố trắng sự phản kháng bất bạo động của Phật tử bằng chiến xa.

Ngày 18 tại chùa Từ Đàm thầy Trí Quang thuyết trình cho nhân sĩ và trí thức Huế về nội dung cuộc “Vận động” trọng tâm là phản đối “Dụ số 10” do quốc trưởng Bảo Đại ký ban hành năm 1950. Thầy cho biết năm 1956, sau khi trưng cầu dân ý hạ bệ Quốc trưởng Bảo Đại, tổng thống Ngô Đình Diệm hủy bỏ hầu hết các đạo Dụ do ông Bảo Đại ban hành, ngoại trừ Dụ số 10.

Thầy long trọng xác định lập trường của Phật giáo là: Bằng phương cách bất bạo động, Phật giáo chỉ phản đối chính sách ngược đãi Phật giáo của chính phủ, không bước qua điạ hạt quyền chức chính quyền. Phật giáo không xem Thiên chúa giáo là đối nghịch, hoàn toàn thông cảm thái độ củaTòa thánh La Mã, và yêu cầu hai bên đối trận (Nam và Bắc) đừng khai thác cuộc vận động của Phật giáo cho mục tiêu chính trị của mình.
Ngày 21/4 sau khi làm lễ tuần, công bố Tuyên Ngôn, ba đại lão Thuyền Tôn, Tây Thiên và Vạn Phước đều trên 100 tuổi cùng Phật tử đi bộ đến tỉnh đường trao tuyên ngôn.

Sau khi ra Tuyên Ngôn, thầy Trí Quang và Tỉnh hội Thừa Thiên chuẩn bị một cuộc biểu tình lớn trên toàn tỉnh vào ngày nhị thất trai tuần 28/4. Phía chính quyền cho phong tỏa cắt điện cắt nước chùa Từ Đàm và cho xe thiết giáp trấn hai đường Nam giao và Bến ngự dẫn đến chùa.

Trong khi đó tại Sài gòn Hòa Thượng Tâm Châu và cư sĩ Mai Thọ Truyền thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo nhập cuộc tranh đấu. Ngày 27/4 âm lịch (nhằm ngày 11/6/1963 dương lịch) Hòa Thượng Thích Quảng Đức (trụ trì chùa Phước Hòa) tự thiêu trước tòa đại sứ Cambodia làm xúc động lương tâm tổng thống Diệm và toàn thể thế giới. Chính phủ kêu gọi Phật giáo bình tĩnh để nói chuyện hòa giải. Chùa Từ Đàm được giải tỏa.

Cuộc biểu tình vĩ đại dự trù vào ngày nhị thất trai tuần tại Huế được tạm ngưng. Hòa Thượng Tịnh Khiết, Thiện Minh và thầy Trí Quang được chính quyền cấp phương tiện bay vào Sài gòn dự hiệp thương hòa giải do chính quyền triệu tập ngày 13/6 và do Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ chủ tọa.

Một bản “Thông cáo chung” được ký kết ngày 16/6 giải quyết hầu hết các nguyện vọng của Phật giáo. Tổng thống Diệm bút phê chấp thuận “sau Hiến Pháp còn có tôi.” Để chứng tỏ thiện chí, đồng thời tránh căng thẳng gây đổ máu Ủy ban Liên Phái tạm ngưng tang lễ của HT Quảng Đức dự trù có sự tham dự của quần chúng trong ngày 16/6. Đến ngày 19/6 mới cử hành tang lễ và chỉ dành cho tăng ni tham dự.

Tuy nhiên tình hình đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh, và những lời tuyên bố xúc phạm kết án Phật tử “nướng” Hòa thượng Quảng Đức của bà Ngô Đình Nhu làm cho không khí đấu tranh tại Sài gòn lại trở nên căng thẳng.

Trong “Tự Truyện” Thầy Trí Quang thuật lại 3 cuộc biểu tình ông còn nhớ: Hòa Thượng Quảng Độ biểu tình tại chợ Bến Thành bị đánh vỡ đầu, chở lên xe cây đưa về nhốt tại An Dưỡng Địa. Cuộc biểu tình thứ hai do Đại đức Quảng Hương cùng với sự trợ lực của HT Tâm Châu, Đức Nghiệp kéo đến tư thất đại sứ Hoa Kỳ trương biểu ngữ yêu cầu Hoa Kỳ xét lại viện trợ cho một chính quyền đàn áp tôn giáo. Và cuộc biểu tình thứ ba do em Quách Thị Trang dẫn đầu tại bùng binh chợ Bến Thành sáng sớm ngày 21/8 sau khi tổng thống Diệm ban hành lệnh giới nghiêm càn quét các chùa Xá Lợi, Ấn Quang …bắt tất cả tăng ni các cấp về nhốt tại Rạch Dừa trong đêm 20/8. Em Quách Thị Trang, mình quấn biểu ngữ cùng các mẹ, các chị băng qua hàng rào cảnh sát miệng hô to “trả Thầy của chúng tôi” và bị bắn chết tại chỗ.

Tại Rạch Dừa trong đêm 20/8 cảnh sát lập lý lịch để bắt các Thầy lãnh đạo phong trào. Các HT Tâm Châu, Đức Nghiệp, Hộ Gíac, Tâm Giác đều sa lưới. Các sư đệ tìm cách bảo vệ tôi. Một thầy tách tôi ra khỏi nhóm Xá Lợi qua nhập với nhóm Già Lam. Mấy giờ sau cảnh sát dẫn cụ Mai Thọ Truyền vào hỏi ai là Trí Quang. Cụ Mai Thọ Truyền lướt nhìn một lượt, chúng tôi bốn mắt chạm nhau thật nhanh, và cụ Mai Thọ Truyền lắc đầu nói “không có, không có”. Cái màn khai lý lịch, lăn tay chụp hình mới ly kỳ. Thầy Nhật Thiện, sư đệ của tôi quan hệ thế nào với toán lập hồ sơ không biết. Tôi khai tên Đinh Văn Tánh, nhưng khi chụp hình và lăn tay trên bản lý lịch thì lại là hai người khác. Cảnh sát làm việc không ngước mắt lên.

Ngày 29/8 (nhằm ngày 11/7 âm lịch) chính quyền lệnh cho các tăng ni về các chùa liên hệ ăn Vu Lan, cũng là dịp chia ra thanh lọc để tìm bắt thầy Trí Quang. Thầy Đinh Văn Tánh khai thuộc Pháp Quang và được đưa về Pháp Quang. Đang tắm rữa, thầy Trí Quang thấy cảnh sát vào chất vấn sư cụ trụ trì đòi nhận diện chư tăng mới được tha về. Biết bị lộ thầy Trí Quang nhanh trí giả đến xin sự trụ trì đi đến Ấn Quang đưa cái thư cám ơn sự cụ bảo mang đến cho HT Thiện Hòa mà chưa đi được. Sư cụ hiểu ý, khoát tay bảo đi nhanh lên. Cảnh sát không nghi ngờ.Thầy Trí Quang , thầy Nhật Thiện và một Thầy nữa là sư Nhâm ra cỗng lấy xe taxi đi Ấn Quang. Biết các taxi đều của cảnh sát trá hình công tác, ngồi trên xe thầy Trí Quang than phiền tu hành rắc rối và nói sau vụ này hoàn tục không tu nữa. Sau đó nhờ tài xế lái ra đường Hàm Nghi để mua thuốc nhức đầu rồi cả 3 người lẻn vào tòa đại sứ Mỹ xin tị nạn.

Thầy Trí Quang tị nạn ở đó cho đến ngày đảo chánh mới trở lại chùa. Thầy nói rằng nếu bị bắt ông sẽ bị thủ tiêu nên Thầy “không có cách nào khác hơn là đến tòa đại sứ Mỹ.” Và thầy Trí Quang cũng đã nói với viên chức tòa đại sứ rằng “tôi vào đây còn muốn nhìn thấy người Mỹ giải quyết như thế nào về vấn đề mà người Mỹ có trách nhiệm.” Khi ra về người Mỹ khuyên Thầy nên góp ý kiến với chế độ mới. Thầy Trí Quang nói thầy nghĩ đến tình hình Hàn quốc đảo chánh lên đảo chánh xuống sau khi Lý Thừa Vãn bị lật đổ nên nói “nhưng không nên đảo chánh nữa.” Viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ im lặng.

Sau đảo chánh thầy Trí Quang giúp thành lập GHPG/VNTN, và nói việc thành lập này “đối nội, đối ngoại đầy những sự khó vui.” GHPG/VNTN gồm hai Viện, Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo. Thầy Trí Quang xin giữ nhiệm vụ Chánh thư ký viện Tăng Thống để “ẩn mình” và tiếp tục “dịch giải kinh sách” như ý nguyện.

Trong tự truyện thầy Trí Quang ghi lại việc làm của một sốnhân vật liên hệ:

(1) Hòa thượng Chơn Trí và một nam huynh trưởng Gia đình Phật tử tên là Gái đã huy động lực lượng Phật tử hữu hiệu đóng góp cho hai ngày 14 & 15 tháng 4 âm lịch.
(2) Ba thanh niên Bôi (Lê Hữu Bôi – đã qua đời), Nho (Nguyễn Trọng Nho?), và Doãn (?) đã hoạt động không ngại gian nguy sau ngày thiết quân luật.
(3) Ông tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng trong hoàn cảnh “trên đe dưới búa” đã hành xử xứng đáng là một công bộc và một Phật tử.
(4) Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, ân nhân gia đình ông Diệm, đã hết lòng tham gia cuộc vận động 1963 của Phật giáo để bị mất sạch và tù đày.
(5) Thầy Nhất Hạnh và bác sĩ W. (Dr. Wulss dạy Y khoa Huế) ở nước ngoài đã giúp nhiều cho cuộc vận động.
(6) Bác sĩ Bửu Hội ân hận vì ở bên ngoài tuyên bố Phật giáo không bị kỳ thị, khi trở về thăm Mẹ là sư bà Diệu Huệ đã gíup mang 5 vali tài liệu với đầy đủ chứng cớ kỳ thị Phật giáo chuyển cho ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc.
(7) HT Trí Quảng vận động học sinh tham gia cuộc vận động rất thành công.
(8) Hai HT Hộ Giác và Giác Đức vì công kích bà Ngô Đình Nhu khi bị bắt đã được cơ quan an ninh “hỏi thăm sức khỏe khá ân cần”.

Thầy Trí Quang còn thuật lại rằng:

Trong đêm giới nghiêm, trước khi Lực lượng Đặc biệt đánh chùa, tòa đại sứ Thái Lan và Nhật Bản cho người nhắn Thầy cho biết họ sẵn sàng mở cửa tòa đại sứ cho Thầy tá túc. Thầy Trí Quang khước từ .

Vụ Phật giáo miền Trung chống chính quyền quân nhân năm 1966

Năm 1966, trong vụ một số sĩ quan và quân nhân Vùng I Chiến thuật bất tuân lệnh của chính phủ Trung ương có liên hệ đến vai trò của Phật giáo và cá nhân thầy Trí Quang thì Thầy chỉ ngắn gọn vài trang cuối cùng.

Thầy Trí Quang không hề nhắc tên một vịTướng lãnh nào và chỉ tóm tắt rằng do Phật giáo vận động bầu Quốc hội Lập hiến (TBN: sau khi chính phủ Phan Huy Quát bị các tướng trẻ lật đổ và quyền lãnh đạo quốc gia vào tay quân nhân cầm đầu bởi hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ) Phật giáo trở nên xung khắc với chính quyền quân nhân, và Thầy miêu tả Thầy “chữa lửa mà bị cho là đốt nhà”. Thầy nói khi đòi bầu Quốc hội Lập hiến Thầy “mong quần chúng có cơ cấu sinh hoạt chính trị, Phật giáo có thể rút mình ra.” Nhưng Thầy than: “họa hổ bất thành phản loại cẩu” (vẽ cọp biến thành vẽ chó).
Thầy cho rằng bản chất của vụ việc là các Tướng, tướng nào “cũng thấy mình có thể làm nên chuyện” và Phật giáo bị cuốn hút vào cuộc “là vì cái tính giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha, nên bị lợi dụng.” Thầy Trí Quang bình luận rằng có ông Tướng “nghĩ mình dẹp lọan được” thì ngon. Không ngờ “bị buộc phải khuất thân đối với kẻ thật ra là ăn nhờ.” (TBN: thầy Trí Quang muốn nói ông Kỳ làm mà ông Thiệu hưởng).

Về vụ “bàn thờ Phật xuống đường” tại Huế , thầy Trí Quang nói sự thật là: Một đơn vị thiết giáp được gởi từ Quảng Trị vào. Đến cầu An Hòa, vị sĩ quan chỉ huy có sáng kiến bảo Phật tử mang bàn thờ ra đường để ông báo cáo cấp trên không tiến quân được. Trong một thời gian ngắn bàn thờ xuống đầy thành phố. Phật tử đến hỏi ý kiến. Thầy Trí Quang viết: “Tôi hỏi ông Thiện Siêu đang có mặt. Ông nói, thụ động chứ biết làm sao. Thực tế tôi cũng không thể bảo ngưng được nữa. Bàn Phật đã có sâu trong thành phố rồi. Chưa bao giờ, mà bây giờ, tôi phải xúc phạm sự tôn nghiêm đếm mức độ này”.

Cuối tháng 5/1966 Thầy Trí Quang tuyệt thực phản đối khi quân chính phủ tiến vào thành phố Huế để ổn định tình hình. Thầy bị bắt đưa vào Sài gòn giam tại một bệnh viện tư (TBN: bệnh viện bác sĩ Nguyễn DuyTài ở đường Duy Tân).

Thầy tiếp tục cuộc tuyệt thực 100 ngày và sống sót. Thầy kể trong thời gian tuyệt thực có 3 vận động quốc tế liên quan đến Thầy: (1) Một nữ giáo sư Luật người Âu đang dạy học tại Ấn độ nói thần linh bảo cô đến làm phép và săn sóc Thầy. Thầy Trí Quang bình luận “âm mưu rất tồi cũng được dùng tới” (2) Ý đại lợi cho xe ngoại giao đoàn mời Thầy sang Ý nghỉ ngơi, (3) Một dân biểu Nhật Bản nói thủ tướng Nhật nhờ chuyển lời mời Thầy qua Nhật. Thủ tướng Nhật dành một ngôi chùa rộng và để riêng 1 triệu mỹ kim cho Thầy tiêu dùng. Thầy Trí Quang trả lời Thầy không có ý định nhờ ai săn sóc và đi đâu cả.

Suy tư của người đọc

Tôi thật bứt rứt khi đọc xong tự truyện của thầy Trí Quang. Muốn hay không muốn thầy Trí Quang là một nhân vật lịch sử, gần như đi vào huyền thoại. Thầy đang sống mà có kẻ xem Thầy như Thánh. Nhưng cũng có những thế lực đen tối, những đệ tử của Phật bán linh hồn cho quỹ sứ tìm cách nhận chìm Thầy trong hỏa ngục. Tôi bứt rứt vì tự truyện của Thầy không soi sáng gì thêm cho lịch sử.
Về phương diện văn từ, ngoài việc tự truyện bị ảnh hưởng văn của kinh điển nhà Phật, lối hành văn cũng không được rõ ràng khúc chiết. Tôi tự hỏi: ảnh hưởng của tuổi tác chăng? Khi viết tự truyện Thầy đã 89 tuổi. Lớp tuổi của chúng tôi sinh trong thập niên 1930, 1940 trải qua giai đoạn sóng gío của Thầy đọc tự truyện còn thấy khó, huống gì lớp hậu sinh.

Qua tự truyện, giai đoạn “vận động đòi bình đẳng tôn giáo” trước và trong năm 1963 Thầy viết rõ với nhiều chi tiết. Nhưng giai đoạn từ 1963 đến 1975 Thầy viết rất ít về vai trò của Thầy và của Phật giáo, nhất là vụ đụng độc với chính quyền quân nhân năm 1966.

Những nét chấm phá của Thầy liên quan đến giai đoạn căng thẳng tại miền Trung trong năm 1966 không soi sáng thêm vào mấy trang sử . Nhưng không thể chỉ đơn giản “là vì cái tính giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha, nên bị lợi dụng.”

Sau năm 1963 Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến tình hình xã hội và chính trị tại miền Nam. Hai tu sĩ năng động nhất là HT Thiện Minh ở Sài gòn và thầy Trí Quang ở Huế, chính yếu là thầy Trí Quang. Huế, thành phố lớn của Vùng I chiến thuật trở thành trung tâm sinh hoạt của Phật giáo. Chương trình của Phật giáo là: Thứ nhất, tổ chức Gíao hội và duy trì đòan kết nội bộ (Bắc tông, Nam tông …). Thứ hai chống nạn quân phiệt. Thứ ba giải quyết chiến tranh. Chương trình này đụng chạm đến quyền lợi của tôn giáo khác, quyền lợi của các ông Tướng, và chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ.
Chính phủ dân sự Phan Huy Quát được Phật giáo ủng hộ bị lật đổ giữa năm 1965 đưa tướng Nguyễn Cao Kỳ vào chức thủ tướng. Ông Kỳ, nhiều tham vọng lo ngại Phật giáo nên rất ghét thầy Trí Quang. Trong khi tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Vùng I dựa vào thế Phật giáo coi thường Kỳ.

Tháng 3/1966 Kỳ thay thế tướng Thi. Phật giáo miền Trung phản đối (với sự ủng hộ của nhiều sĩ quan và binh sĩ Vùng I) và phát động nguyện vọng đòi bầu cử Quốc hội Lập hiến để thành lập chính phủ dân sự. Trong thâm tâm có thể thầy Trí Quang nghĩ một chính phủ dân sự có thể nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng (MYGP) miền Nam tạo thành một chính phủ đoàn kết dân tộc đi đến chấm dứt chiến tranh. Nhìn lại chương trình này là một ảo tưởng trước thực tế của chính sách Hoa Kỳ và quyết tâm của cộng sản Hà Nội dùng “con búp bê” MTGP để cộng sản hóa miền Nam. Và sự sai lầm này trong sách lược giải hòa và chấm dứt chiến tranh của Phật giáo xuýt đưa đến nội chiến, mà kẻ hưởng lợi chỉ có thể là cộng sản Hà Nội.

Sau cùng nguyện vọng bầu cử Quốc hội Lập Hiến, thành lập chế độ dân sự của Phật giáo cũng được thực thi, nhưng chỉ thay cái bình để đổ vào đó thứ rượu cũ. Tướng Thiệu và tướng Kỳ trong hai bộ áo “dân sự” và tập đoàn tướng lãnh vẫn là tập đoàn lãnh đạo vói chương trình chiến tranh trong tay người Mỹ.
Tôi tiếc qua Tự truyện thầy Trí Quang đã không nói hết. Tôi không hiểu Thầy kẹt gì mà không nói hết. Con chim sắp lià đời không kêu thì thôi, nếu kêu cần để lại một cái gì!

Kết thúc tự truyện Thầy viết:

“Tôi không biết gì, không có ý gì nên cuộc đời tôi không vẫn hoàn không” là một tiếng kêu chân thật cho mọi cuộc đời kể cả cuộc đời của các vĩ nhân. Nghĩ cho cùng ai cũng như chiếc lá giữa dòng, hành động đúng sai, sai đúng rồi “không vẫn hoàn không”. Thầy Trí Quang đã sống một cuộc đời một người dân nước Việt, một đệ tử Phật chân chính, đạo hạnh vẹn toàn. Đúng sai của Thầy không làm cho Thầy tốt hơn hay xấu nếu Thầy đã hành xử tư cách của Thầy bằng cái tâm trong sáng của Thầy.
Nhưng khi Thầy lý giải Tự truyện này “không thể không có nên phải viết phải in” thì tôi không thể không tự hỏi: “Có cái gì trong đó đâu mà ‘không thể không có nên phải viết phải in’”!

Thầy Trí Quang là một nhân vật huyền thoại. Đọc tự truyện của Thầy rồi vẫn thấy Thầy còn là một huyền thoại.

April 15, 2012

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt
 

167 Phản hồi cho “Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang”

  1. DayTre says:

    Nếu như Thượng Đế làm thay tất cả cho con người, thì con người đâu còn ý nghĩa gì nữa. Lúc đó con người cũng như vật vô tri vô giác như cục đá mà thôi. Đó không phải là ý muốn của TĐ khi tạo dựng con người. VQ có nghỉ rằng một cục đá có thể biến thành một con người sau 14,5 tỷ năm không (tuổi của vũ trụ là 14,5 tỷ năm)? Vậy sự sống do đâu mà có? Vũ trụ ai làm ra? Tuy nhiên đây là những câu hỏi rất khó hoặc không có câu trả lời.

  2. Trần Tiểu Ngũ says:

    Việt Quốc đừng hỏi…. NGÀI TRỐN Ở NƠI ĐÂU ???

    Ngài đang ở ngay trước mắt, ở ngay Diễn Đàn này qua những người góp ý chân thật, lời lẽ ôn hoà, nhưng Thích Trí Quang và Việt Quốc lòng dạ đầy hận thù, ích kỷ, nên mắt bị tối, lòng dạ trở thành chai đá, chỉ biết lấy dối trá làm cứu cánh, hận thù làm phương tiện, ăn nói vung mạng, hành động bất nhân, gây đau khổ cho người khác!

    Đúng là vô tri bất mộ.
    Nam mô A Di Đà Phật.
    Đại nạn, đại nạn

  3. ThuyenNhan MB says:

    Mẹ ông Trí Quang bị Cộng sản đấu tố, ông ngậm miệng không dám phản đối CS dù chỉ 1/2 lời để tỏ lòng thương xót thân sinh. Trái lại ông rất mưu mô, gan dạ (vì biết chế độ VNCH không ám sát ông) kiêu ngạo đứng lên quậy nát miền Nam. Ông bắt 1 cây cầu xa lộ dài nhất thế giới: Hà Nội-Saigon cho CS vào xâm lược tàn sát dân Nam. Bây giờ nhìn đất nước như thế nầy, lòng ông chắc vui lắm vì VN sắp chịu mất nước về tay Tàu cộng. Ông nên hí hửng ra đi, cửa địa ngục đang rộng mở chờ ông đấy.
    Ông đừng vội tưởng tôi là người của Công giáo hay tôn giáo khác. Tôi là một Phật tử thời mạc pháp, chỉ qui y nhị bảo, chừa quí sư ra, vì sợ theo lầm phải sư quốc doanh và sư chính trị vô cảm như ông. Tôi xin chịu tội với quí sư chân chính trong cái xác na đen tối của dân tộc dưới ách cộng nô.

  4. Người Việt yêu nước says:

    Kính gởi quý vị độc giả,
    Càng đọc càng thấy chúng ta phí thời giờ để tranh luận những chuyện vô bổ như thế này. Lúc này hơn lúc nào hết, xin quý vị hãy quên đi những NĐD, NCK, DVM, TTQ… để cùng nhau đoàn kết chống độc tài cộng sản; đưa đất nước thoát khỏi nanh vuốt Tàu công, đất nước tự do, nhân quyền; nhân dân ấm no, hạnh phúc…
    Chuyện gì cũng vậy, khó lòng làm hài lòng được tất cả mọi người, có người khen, người chê là lẽ đương nhiên. Những người cố ý khơi gợi lại những chuyện này trong lúc này họ đều có ý đồ cả, chúng ta hãy tỉnh táo, đừng mắc lừa họ. Ai hay, ai dở thì mọi người cũng biết cả rồi, trừ một số người cố tình không biết.
    Một lần nữa, tôi xin quý vị hãy tỉnh táo và vì đại cục, đừng sa đà vào những chuyện mà xét ra thì hại hơn là lợi.
    Trân trọng,

    • nguoixua says:

      Cũng như trong còm về bài …Ngô Đình Diệm…., tôi đồng ý với NVyn về cái ‘vô bổ’ có thể
      vì ‘sa đà’ của dòng còm tiếp tục trôi không chịu ngừng !
      Tuy nhiên ở đây nhân vật ttq còn sanh chưa vãng, nên có lẽ nhắc nhở để thêm cảnh giác đối
      với y hoặc bọn cùng loài cũng là điều nên làm.
      Cảnh giác, cảnh giác và cảnh giác…., kể cả đối với những bài viết loại bài chủ này, và
      tại sao những bài như thế này được đưa ra vào thời điểm này ? Interesting !

    • Trần Trung Dung says:

      Nhóm người thù ghét đạo Thiên Chúa Giáo và CSVN rất “dị ứng” khi viết về ông Ngô Đình Diệm, vì càng viết về ông Diệm thì người ta lại càng tìm thấy nơi ông một con người cao thượng như một đấng trượng phu với: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

      Khác hẳn với ông HCM là con người mà họ cố vẽ vời tô điểm như một vị thánh sống để lừa dối nhân dân VN và thế giới, vì thế họ tìm mọi cách phóng đại bịa đặt, cố tình bôi tro trát trấu để hạ bệ ông Diệm!

      NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI CÃI!

      Còn DVM là một tên phản tướng, nối giáo cho VC, sự thật đã rõ rành rành!

  5. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa bà con,

    1/
    Xin cám ơn Lâm Vũ (LV), đã thể theo yêu cầu của tôi đã viết chi tiết với lời bình về bác sĩ Tây Đức Eric Wulff, sau khi D. Nhật Lệ cho một góp ý ngắn gọn và tôi vội vã bổ xung bằng những tài liệu quanh ông này từ các nguồn khác nhau.

    Các góp ý của LV cũng chỉ gọi là thêm một nhận định cá nhân về Erich Wulff, với nhiều dẫn chứng đáng chú ý, cộng thêm với các chi tiết khá đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu thêm về EW!
    Dĩ nhiên vẫn thêm nhiều ý kiến khác nữa về nhân vật “đa diện” này, đã gây được ít nhiều ảnh hưởng ở phương Tây vào thời nhiễu nhương nội chiến VN và được phe Phật giáo Ấn Quang, nhưng kẻ thiên tả VN, cũng như nhà nước CSVN coi như một “người bạn lớn”, một “người anh em đúng nghĩa” (a “Big Brother”) hơn là một đồng chí, cứ theo như tôi quan sát thấy qua những tình cảm biểu lộ trong web Hoa Sen, và theo cả nhận định của Lâm Vũ.
    (Xem ra chả khác gì nhân vật André Menras Hồ Cương Quyết bao nhiêu phải ko qúi vị !)

    Trong một chừng mực nào đó (bởi chưa từng đọc bản chính về ER, ngoại trừ một vài bản dịch ra tiếng Việt của cánh Phật giáo thân ER), tôi xin tạm có một số nhận xét thật nhanh như sau trình làng.

    2/
    Thật ra tôi nghĩ, bác sĩ Eric Wulff (EW) là một thành viên trong nhóm trí thức phương Tây của phong trào Hiện Sinh, dẫn đầu bởi triết gia Jean-Paul Satres, cho nên thiên tả là điều tất yếu.
    Đám này đã lôi cuốn và tụ tập rất nhiều khuôn mặt nổi tiếng hay bình thường trong xã hội phương Tây, tạo nên Phong trào Phản chiến, được Phong trào Beatnik và nối tiếp là Phong trào Hippies (nổi tiếng với bài hát If You’re Going to San Francisco) của giới trẻ thế giới phương Tây ủng hộ hết mình qua motto “make love not war” !
    Trong các cuộc biểu tình phản chiến, nhất là ở Mỹ, ta thấy họ mang cờ Mặt trận Phỏng dế miền Nam, có khi cả cờ Tàu cộng, cùng với hình Hồ và hình Che Guevera, lẫn hình Mao ! Có thể nói họ chẳng những mong mỏi một cuộc cách mạng chỉ nổ tung ở vùng châu Á xa xôi, mà ngay ở cái sân sau của Mỹ, đó là thế giới Châu Mỹ La Tinh, tức Trung và Nam Mỹ (Che là cánh tay phải của anh râu xồm Fidel Castro, đang tìm cách gieo mần cách mạng đỏ đi khắp vùng đó).

    Cái khuynh hướng thời thượng hình như là, đã là trí thức thì phải thiên tả (tức coi trọng công bằng xã hội, đồng nghĩa với dấn thân, với hòa mình vào quần chúng, với hình ảnh trí thức chân đất, sẵn sàng ngồi bệt xuống cỏ với mọi người. Ta bắt gặp hình ảnh Khánh Ly đi chân đất và hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn cho khán giả là sinh viên Sài Gòn nghe, ở ngoài trời đêm, trên nền trường đại học Văn Khoa cũ, mà sau này được xây cất lại thành Thư Viện Quốc Gia ở ngay trumg tâm Sài Gòn).
    Ở ta có những trí thức thiên tả, học ở Tây về như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, cùng với cánh linh mục Kitô giáo khác, như Chân Tín, linh mục kiêm giáo sư Văn Khoa Thanh Lãng (?), Trương Bá Cần …; hợp cùng đám trí thức Kitô giáo “nặng ký” (giáo sư đại học) như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung ….

    Trong phong trào gọi là Phản chiến thiên tả quốc tế, ta thấy có các văn nghệ sĩ nổi tiếng khắp thế giới. Điểm mặt hàng ngũ này ta thấy nổi bật có John Lennon của ban Tứ quái Beattles, nổi tiếng nhất với bài “Give Peace a Chance”, lời ca rất có ý nghĩa và melodie dồn dập hấp dẫn, xuất hiện năm 1969; nối tiếp là Imagine ra mắt vào năm 1971, có lời ca rất thắm thiết, nhân bản, đi cùng với melodie thong thả, như một lời tâm tình, thấm dần vào lòng người. Bởi thế cả hai bài này được xem là những bài ca phản chiến hay nhất, qua đó nói lên tài nghệ bậc thày của John Lennon.
    Ở Mỹ ta thấy ngay là có cặp vua nhạc Pop thời đó là Bob Dylan hay hát cặp cùng Joan Boez; nữ tài tử Jane “Hanoi” Fonda …
    Và còn nhiều rất nhiều người khác nữa, khó mà kể ra cho hết ở đây, khi nói về Phong trào Phản chiến ngày nào. Chính nó đã phân rẽ nước Mỹ làm hai phe Chủ Chiến Diều Hâu với đảng Cộng Hòa và Chủ Hòa Bồ Câu với đảng Dân Chủ ! Một sự chia cắt kéo dài nhiều thập niên sau chiến tranh, và dân Mỹ đã phải cất công rất nhiều để làm hòa (reconciliation) với nhau, sau cái dấu ấn được gọi là MẶC CẢM VIỆT NAM (The Vietnam Syndrome; từ ngữ Việt mượn từ Thi Vũ Võ Văn Ái, mà tôi cho là đúng nhất)

    (còn tiếp)

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      3/
      Muốn biết rõ hơn về Phong trào Phản chiến thập niên 60 và 70, ta cần biết ít nhiều về hai phong trào nối tiếp nhau trong giới trẻ phương Tây nói trên.

      Cũng xin thưa rõ là, không phải chỉ có các đại trí thức như triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartres … mới là những người khởi xướng và có ảnh hưởng quyết định lên Phong trào Phản chiến lúc đó đang ngày một phổ biến và lan toả ra trong tầng lớp đại chúng trên khắp thế giới. Chính âm nhạc qua các bài hát nhạc trẻ (pop-music) phản chiến mới chắp cánh thiên thần cho phong trào phản chiến lan rộng đi khắp thế giới; nhưng cũng chính các ca khúc phản chiến của pop-music đã giúp cho phong trào nhạc trẻ (pop music) vượt biên giới Âu Mỹ đi vào châu Á, châu Phi …
      Thậm chí có những bài hát lấy lời từ kinh thánh, nhưng lại trở thành bài hát phản chiến, bởi ngợi ca hòa bình với nhiều triết lý về cuộc đời !
      4/
      Nhân đây xin có chút nhận xét về Phong trào Phản chiến qua hình ảnh John Lennon, bởi tôi thấy bản thân John Lennon có dính dáng khá nhiều đến nó. Chẳng hạn như các ca khúc ăn khách nhất của anh chính là những bài ca phản chiến, qua đó John Lennon trở thành hình ảnh không thể quên được, cho dù ban nhạc Beatles đã giải tán. John Lennon mới là người bộc lộ nhiều nhất nguyện vọng của giới trẻ thời đó qua âm nhạc, trong các phong trào giới trẻ thời đại, như Beatnik rồi Hippies.

      Dựa theo tin từ Wikipedia (tiếng Hòa Lan) xin diễn giải thêm, anh chàng ca sĩ đẹp trai như con gái này, là khuôn mặt nổi bật nhất trong nhóm Tứ quái tóc dài The Beatles.

      Vào giữa thập niên 60 cả đám quyết định, giải bày quan điểm riêng mình qua âm nhạc về những vấn nạn xã hội (social problemes), các sự kiện quốc tế (chẳng hạn như chiến tranh ở Việt Nam), và rồi Lennon tự biến thành cái loa phóng thanh của thế hệ mình !

      Lennon đã gây ra một phong trào phản đối lan rộng trên thế giới khi ngạo mạn trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Evening Standard là “Tứ quái còn nổi tiếng hơn Chúa Dê-Su” !

      Tháng ba 1969 Lennon bỏ vợ, để kết hôn với nữ nghệ sĩ tiền phong (avand-garde artist) Mỹ gốc Nhật Yoko Ono và càng ngày càng chịu ảnh hưởng nặng của vợ, trở nên rất cấp tiến, thiên tả. Hai người gắn bó keo sơn với nhau, như một cặp nghệ sĩ hơn là vợ chồng, cho đến khi John Lennon bị bắn chết. Yoko xuất hiện trong một số live show của John, với đề tài phản chiến, cũng như chống chính quyền đòi giao quyền lực về nhân dân.

      Dù Tứ quái rã đám, nhưng John từ nay có partner mới là bà vợ đầu gối tay ấp nên tiếp tục “làm lắm trò khỉ” !

      Chẳng hạn sau lễ cưới John và Yoko tổ chức “TUẦN TRĂNG MẬT TRÊN GIƯỜNG” (The Bed-In” Honeymoon), kéo dài một tuần, ở phòng 902 của khách sạn Hilton tại Amsterdam, nhằm cổ đồng hòa bình thế giới đồng thời chống chiến tranh Việt Nam (Make Love Not War). Hình ảnh sexy John và Oko trần như nhộng phủ mền sơ sài nằm trên giường được báo chí quốc tế đưa lên trang nhất thời đó, gây chấn động không nhỏ !

      Tháng bảy 1969 John và Yoko lại tổ chức một tuần trăng mật trên giường thứ hai ở khách sạn Queen Elizabeth ở Montréal và cho ra mắt bài hát phản chiến nổi tiếng như cồn GIVE PEACE A CHANCE.

      Năm 1971 John cho ra mắt bài hát POWER TO PEOPLE (QUYỀN LỰC VỀ TAY NHÂN DÂN). Theo tôi nghĩ, chính vì thấy chính quyền Mỹ đã lạm dụng sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị của mình, gây hấn và gây căng thẳng trên thế giới, cho nên John đã ủng hộ Phong trào Phản chiến bằng những bài hát có tính khích động quần chúng xuống đường biểu tình chống chiến tranh và kêu gọi hòa bình. Cũng như không chấp nhận làm kẻ bị trị, như trong bài hát trên.

      • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

        5/
        Ta hãy tự hỏi, tại sao lại có sự hiện diện PHONG TRÀO PHẢN CHIẾN, cũng như THÀNH PHẦN THỨ BA , hay lực lượng (force) thứ ba đứng giữa, cũng chủ trương phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình ở Việt Nam? Phải chăng đó là “con đẻ” của CS ?

        Bình tĩnh nhìn về qúa khứ, tôi nghĩ rằng đã có những điều cần được làm SÁNG TỎ, để tránh ngộ nhận về bản chất thật của phong trào Phản chiến (PTPC), cũng như về thành phần thứ Ba (TTTB).

        5.1/
        Thế giới sau Thế chiến Hai mau chóng phân thành LƯỠNG CỰC, một bên là phe tư bản do Mỹ cầm đầu và bên đối lập là phe CS do Liên Xô cầm chịch. Một cực thứ ba xuất hiện vào giữa thập niên 50 và được biết dưới tên PHÒNG TRÀO PHI / KHÔNG LIÊN KẾT

        Wikipedia:
        Những từ ngữ “Thế giới thứ nhất”, “Thế giới thứ hai”, “Thế giới thứ tư” và đặc biệt “Thế giới thứ ba” được dùng để phân chia các quốc gia trên thế giới thành ba nhóm lớn. Từ “Thế giới thứ ba” được sử dụng lần đầu tiên năm 1952 bởi nhà nhân khẩu học Pháp Alfred Sauvy đặt ra khi liên tưởng đến Đẳng cấp thứ ba trong Cách mạng Pháp

        “… bởi vì, cuối cùng thì, cái Thế giới thứ ba vốn bị khinh miệt, bị lờ đi và bị bóc lột sẽ như Đẳng cấp thứ ba, muốn trở thành một cái gì tương tự”.

        Thế giới thứ ba sau đó trở thành từ ngữ chỉ các nước không thuộc thế giới phương Tây, cũng không thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh. Những nước này tham gia Phong trào không liên kết thành lập năm 1955 sau Hội nghị Bandung (Indonesia).

        (…)
        Phong trào không liên kết là một tổ chức quốc tế gồm các quốc gia tự xem mình là không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào. Phong trào này chủ yếu là đứa con tinh thần của Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, cựu tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser và chủ tịch Nam Tư Josip Broz Tito. Tổ chức được thành lập tháng 4 năm 1955; đến năm 2007, nó có 118 thành viên. Mục đích của tổ chức như đã ghi trong Tuyên bố La Habana năm 1979 là đảm bảo “sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” trong “cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và tất cả những hình thức xâm lược ra nước ngoài, chiếm đóng, chi phối, can thiệp hoặc bá quyền cũng như chống lại các đại cường quốc và chính sách của các khối”. Họ đại diện cho gần hai phần ba thành viên Liên Hiệp Quốc và 55 phần trăm dân số thế giới, đặc biệt là những quốc gia được xem là đang phát triển hoặc thuộc thế giới thứ ba.

        Tuy phong trào này mong muốn các quốc gia có liên kết chặt chẽ với nhau giống như NATO hay Khối Warszawa, nó có liên kết khá lỏng lẻo và nhiều thành viên của tổ chức thực sự có quan hệ gần gũi với siêu cường này hoặc siêu cường khác. Ngoài ra, một số thành viên còn mâu thuẫn nghiêm trọng với các thành viên khác (như Ấn Độ và Pakistan, Iran và Iraq). Phong trào rạn nứt do mâu thuẫn ngay bên trong khi Liên Xô xâm lược Afghanistan năm 1979. Trong khi những đồng minh của Liên Xô ủng hộ cuộc tấn công, các thành viên khác (đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo) của phong trào lại lên án.

        Vì Phong trào không liên kết được hình thành với nỗ lực chống lại Chiến tranh lạnh, tổ chức đã cố gắng tìm phương hướng hoạt động mới từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau khi Nam Tư, một thành viên sáng lập, tan rã, các quốc gia mới thành lập từ Nam Tư cũ tỏ ra không còn quan tâm tới việc tham dự Phong trào, tuy một số nước là quan sát viên. Vào năm 2004, Malta và Síp rút khỏi tổ chức để gia nhập Liên minh châu Âu.
        [hết trích]

        Thật ra sự thành lập của cực thứ ba đứng giữa nói trên, đều nằm trong ý đồ của từng vị sáng lập một. Như ta thấy họ chính là những người có công lớn trong công cuộc cách mạng giải phóng đất nước khỏi tay ngoại bang, như Nerhu, Nasser và Titov. Dĩ nhiên là tham vọng họ rất lớn, dễ dầu gì chịu nằm dưới sự điều động của anh cả đỏ Liên Xô và anh cả tư bản Mỹ.

        Nerhu là một đồng chí lớn với “Thánh” Gandhi ở Ấn Độ. Ấn Độ là một nước lớn và dân cư đông đảo vào hàng thứ hai ở Châu Á nói riêng và thế giới nói chung (hiện nay dân số khoảng một tỷ người), và người Ấn có mặt hầu như khắp thế giới, chả khác chi người Tàu. Sau thế chiến Hai, Ấn Độ bị chia tam xẻ tứ bởi bất đồng tôn giáo trong dân gian thành Ấn Độ theo Ấn Độ giáo, Tây Hồi, nay là Pakistan và Đông Hồi, nay là Bangla Desh, theo Hồi giáo (Đông Hồi ngày ấy chịu ảnh hưởng chính trị từ Tây Hồi, mãi sau này mới đứng độc lập).
        Chưa hết, do các thế lực thế giới bên ngoài, cũng như do yếu tố nội tại, sự thù nghịch giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên vô phương cứu vãn. Hai bên coi nhau như kẻ thù không đợi trời chung, cứ hở ra là chém giết, khủng bố nhau đến kinh người. Căng thẳng qua leo thang vũ khí, bên nào cũng thủ sẵn những thứ vũ khí giết người hàng loạt, cụ thể là vũ khí hạch tâm ! Ấn Độ có thời kỳ tay trong tay với Liên Xô để chống lại Pakistan; còn Pakistan đi đôi với Mỹ, bởi Mỹ muốn biến Pakistan thành một mặt xích bao vây thế giới đỏ bao gồm Liên Xô và Trung Cộng (kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, sang Iraq, Iran thời đó dưới sự cai trị của vua Pahlavi thân phương Tây nhất là Mỹ, Tây Hồi, Đông Hồi, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam Cộng Hòa, Phi Luật Tân, Taiwan, Nam Hàn, Nhật).

        Cũng nói thêm là sau này khối Phi Liên Kết kéo thêm được cha già dân tộc xứ Indonesia to lớn, đông dân (thứ ba thứ tư thế giới), nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu hoả vào phe mình là Sukarno, cũng là một anh hùng giải phóng đất nước khỏi tay thực dân Hòa Lan !

        Ở Bắc Phi nói riêng và cả vùng thế giới Ả Rập Hồi giáo vùng Trung Đông và Cận Đông nói riêng có khuôn mặt lớn Gama Abdel Nasser của Ai Cập. Nasser có thời coi như lãnh đạo tinh thần của thế giới Ả Rập Hồi giáo ở đây, chống lại phe tư bản, vốn có nhiều quyền lợi kinh tế từ thời còn là thuộc địa của hai nước Anh và Pháp, sau này lại thêm Mỹ, dẫn xuất từ nan đề dân Do Thái tản mạn khắp thế giới nhiều ngàn năm, nay trở về chiếm cứ đất của dân và quốc gia Palestine xây dựng quốc gia Israel. Lò lửa Trung Đông được nhóm lên và cháy khi mạnh khi yếu từ đó đến nay vẫn chưa nguôi.

        Ở Đông Âu thế giới Cộng Sản chỉ có một quốc gia cứng đầu không chịu nằm trong qũi đạo của Liên Xô ngay từ thời Staline. Đó chính là Liên bang Nam Tư dưới sự lãnh đạo của thống chế TITOV. Lý do Nam Tư không hề có đường biên giới chung với Liên Xô, chứ nếu không Hồng quân Liên Xô với các binh đoàn xe tăng thiết giáp sẽ ăn gỏi ngay, chả khác gì lân bang của LX, như Hung, Tiệp và xém chút nữa là Ba Lan.
        Dù ở xa LX nhưng Titov vẫn lo ngại có một ngày nào đó LX nổi hứng bất tử đánh Nam Tư thì sao ? Chẳng hạn Cút-Xếp từng hạ lệnh phong toả Berlin, khiến Mỹ vội vã thiết lập cầu không vận cứu nguy dân Tây Berlin đó. Chí ít ra cũng cần có một bảo đảm nào đó, không thể bằng quân sự, thì chính trị và ngoại giao quốc tế chẳng hạn.

        Nằm kế cận ngay bên dưới Nam Tư là Albania dưới sự lãnh đạo của Enver Hoxha, cũng không thuần phục Liên Xô và lại dựa vào Tàu cộng của Mao cho mãi đến khi Mao chết mới thôi. Nghĩa là con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa quá có khác Nam Tư. Trong khi ở Nam Tư có phần cởi mở hơn, mang bộ mặt nhân bản hơn, thì ở Albania vẫn xiết bù long cứng ngắt. Cho nên chả ngạc nhiên gì khi thấy Nam Tư phát triển mạnh trong khi Albania vẫn nghèo mạt rệp, cho dù không chịu áp lực phân công quốc tế từ Moscow !

        Cũng phải nói rõ một điều quan trọng, tuy gọi là không liên kết, nhưng thực ra hai anh chàng Ấn Độ và Ai Cập lại cũng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, và ngả theo Liên Xô để nhận viện trợ. Chỉ mãi sau này thấy bế tắc về kinh tế, lẫn tiêu phí quá nhiều cho quân sự (mà vẫn không thắng nổi Israel), nên đành quay trở lại Mỹ như trường hợp Ai Cập, chịu nhận viện trợ Mỹ, và chôn búa làm hòa với Israel ở thời hậu Nasser, gọi là tạo ra ổn định vùng (regional stability), tạo cơ hội tốt cho chó điên Ghadafi nuôi mộng lớn thay Nasser như đã nói để làm lãnh tụ khối Ả Rập Hồi giáo.

        Tóm lại, tuy gọi là Khối Không Liên Kết (KKLK), tạo nên một cực thứ ba, nhưng trên thực tế vẫn lưỡng cực, bởi khối này vẫn phải dựa lưng vào hai anh cả tư bản và CS như đã nói và sức mạnh cũng còn nhiều hạn chế, do bởi không thực lực, ko thống nhất thật sự, như ở khối NATO hay KOMEKON. Tuy nhiên cũng không thể chối cãi khối này ít ra có ảnh hưởng trên trường ngoại giao quốc tế, như ở nghị trường Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, khiến cả Mỹ và LX e dè muốn vuốt ve lôi kéo về mình.

        5.2/
        Phong trào PHẢN CHIẾN (PTPC) như đã dần giải trong phần góp ý trước, khởi đi từ các nhà trí thức phương Tây theo trường phái Hiện Sinh và được thổi bùng lên trong các phong trào giới trẻ thời đại như Beatnik và Hippie.
        PTPC dĩ nhiên cũng nhận được sự hổ trợ mãnh mẽ từ Khối Phi Liên Kết. Bởi cả hai cùng chia xẻ chung một mục tiêu chống tư bản Mỹ, đang sắm vai “sen đầm quốc tế” (international police-agent).
        Cũng như CS thừa cơ nước đục thả câu rất nhiều ở trong phong trào này.

        Nếu nhìn cho kỹ ta thấy rằng chính khối Cộng nói chung và Liên Xô nói riêng, thường ở trong tình trạng bị động. Nghĩa là Mỹ cùng đồng minh luôn luôn đi trước một bước, và phía Cộng tìm cách chống đỡ lại mà thôi. Lý do các thinktank của Mỹ qua tài giỏi.
        Cụ thể như các tổ chức NATO và Cộng đồng Kinh tế Âu châu (EEC = European Economic Community) ra đời trước khối VARSOVIE và KOMEKON của khối CS. Liên Xô chỉ phản ứng tự vệ thụ động, và ngay trong hai khối trên LX coi như chủ chốt và chịu tốn kém rất nhiều. Chính những viện trợ hào phóng của LX đã làm nước này xuất huyết và cạn kiệt tài nguyên nhanh chóng (một phần không nhỏ do quản trị tối tệ và kỹ thuật khai thác kém cõi), dẫn đến sự phá sản sau nhiều thập niên chạy đua với Mỹ trên nhiều mặt (quân sự, không gian chẳng hạn).

        Đó là chưa kể chiến tranh biên giới Nga-Hoa tiêu phí không nhỏ ngân sách quốc gia trong nhiều năm dài thật vô lý. Bởi đồn trú hàng trăm sư đoàn dọc theo biên giới dài dằng dặc giữa hai nước ở những vùng hoang vu lạnh lẽo, thưa người. Và trước sau cũng chỉ gườm súng lấy oai, hơn là đụng độ nhau thật sự. Cho nên cũng chả rút tỉa được kinh nghiệm gì đáng kể về quân sự.

        Thời Kennedy đã ra lệnh cho CIA thành lập những đội biệt kích Mũ Nồi Xanh (The Green Beret) chuyên môn phá rối trong hậu phương ở sâu trong đất địch và cũng để chống lại đám gọi là Cách Mạng xuất cảng từ Liên Xô và Tàu. Chính vì thế mà Ngô Thế Vinh gọi là Vòng Đai Xanh (The Green Belt), nhằm bổ túc cho một chuỗi sợi dây xích ngăn chặn bành trướng của thế giới CS ở hai lục địa Âu và Á (từ Tây Âu, vòng qua Bắc Phi, Trung Đông, nối tiếp ở Cận Đông, sang đến Đông Nam Á và chấm dứt ở Viễn Đông (Taiwan, Nam Hàn và Nhật).

        Do chủ quan khinh địch, đánh giá quá thấp đối phương, nên những tưởng giải quyết chiến tranh thật nhanh trong vài năm qua giải pháp leo thang quân sự trong thời Kennedy (bản thân Kennedy còn phạm sai lầm lớn trong chiến dịch đổ bộ ở Vịnh Con Heo tại Cuba; rồi gây căng thẳng chút xíu nữa nổ ra chiến tranh với Nga ở vùng vịnh Cuba) và những tổng thống nối tiếp, khiến Mỹ phải đi đến giải pháp hòa đàm nhằm rút chân ra khỏi vũng lầy VN. Sai lầm trên làm cho đám Phản Chiến thêm lớn mạnh như Phù Đổng thiên vương, bồi thêm cú Watergate thời Nixon, khiến Mỹ gục ngã và xuất huyết trong nhiều năm dài do chia rẽ nội bộ

        5.3/
        Việt Nam thân phận nhược tiểu, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của thế giới tác động trực hay gián tiếp. Cũng bị phân chia làm hai cực xanh và đỏ, miền Bắc theo CS và miền Nam theo phe Tư Bản dẫn đầu bởi Mỹ. Mỹ hất cẳng Pháp để trực tiếp điều động ở miền Nam thông qua các chính phủ bù nhìn, khi dân sự như thời cụ Diệm, khi quân đội đội lốt dân sự như thời Thiệu Kỳ Khiêm, có điểm thêm khuôn mặt cụ Trần Văn Hương, sắm vai phó tổng thống trong nhiệm kỳ hai của Thiệu !

        Một thời kỳ gọi là an bình vắng tiếng súng khoảng 5, 6 năm (54-60) thì chiến tranh lại tái xuất hiện dưới khuôn mặt gớm ghiếc và ngày một tàn bạo do leo thang chiến tranh ở cả hai phe tham chiến.
        Thật ra về chính trị thì sôi động hơn quân sự, bởi sau khi củng cố song quyền lực cụ Diệm bắt đầu đàn áp phía đối lập. Bất cứ ai không tuân phục đều bị trấn áp không nương tay. Những ai có dính dáng đến Việt Minh thời Kháng chiến chín năm chống Pháp bị nghi ngờ theo dõi và truy bức qua cái gọi là chiến dịch Tố Cộng ở vùng nông thôn, thể theo cái gọi là bình định nông thôn thời Cộng hòa của cụ Diệm.

        Đây là một hành vi cực kỳ thất nhân tâm, mang tính trả thù hơn là hàn gắn vết thường chiến tranh trong dân chúng. (Bọn CS cũng phạm phải sai lầm nghiêm trọng này, sau khi thống nhất đất nước lại cho thi hành phân biệt đối xử với những người thuộc chế độ cũ qua cái trò cải tạo tập trung …)
        Nên nhớ sau một thời gian dài chiến tranh dành độc lập đất nước, dân lành chỉ muốn an thân, dù họ ở phe phái nào hay không theo phe nào, nhưng vì hoàn cảnh bó buộc phải đứng về một phía nào đó. Lẽ ra nên tỏ thái độ bao dung, bỏ qua những hận thù cũ để mua chuộc nhân tâm, nay lại cố tình đào sâu để gọi là “đánh cho trốc gốc” thì khác nào bọn CS truy nguyên lý lịch ba đời ra hỏi tội !? Nghĩa là còn tệ hại hơn hay chả thua gì thời phong kiến thực dân !

        Tôi lấy thí dụ về ông Đạo Dừa, tên tục là Nguyễn Thành Nam. Năm 1958, ông gửi thư phản đối Tổng thống Ngô Đình Diệm về một chính sách nào đó, nên bị bắt giam, sau được thả ra…
        Thực ra ai cũng rõ, ông Đạo Dừa là một người có tâm bồ tát, một tu sĩ đúng nghĩa, nhưng lại có chút máu “phiêu lưu” trong môi trường chính trị đầy nhiễu nhương, để cứu nhân độ thế. Ông ko phải là một đối thủ đáng ngại cho bất kỳ một chính quyền nào cả. Bắt giam ông, sẽ làm thất nhân tâm, mà lẽ ra nên dành cho ông một dễ dãi chừng mực nào đó, để hành đạo dậy con người bớt tham sân si trong thời loạn lạc vẫn hơn. Chẳng hạn sau này ông lập ra đạo mới, về trụ trì ở Cồn Phụng, thu thập tử đệ, thường là thanh niên địa phương vào tu để trốn đi quân dịch, và chả làm hại ai cả. Lâu lâu lại xuất hiện “múa may quay cuồng” một chút, chẳng hạn xây đài cao cầu an bá tánh ở gần Mũi tàu Phú Lâm, đòi ra ứng cử tổng thống ….

        Trong Nam không ít những nhân vật như ông Đạo Dừa, và họ có những ảnh hưởng nhất định nào đó trong quần chúng. Bởi chính họ là người của quần chúng, phản ánh một số nguyện vọng bức xúc nào đó của quần chúng. Cần tìm mọi cách trấn an, lôi kéo họ về mình, hơn là trấn áp bằng bạo lực, gọi là tái lập trật tự trị an công cộng.
        Tại đây tôi có thể kể thêm một khuôn mặt nổi bật khác ở trong Nam nữa là ông Hộ pháp Phạm Công Tắc của đạo Cao Đài nhánh Tây Ninh.

        Rất tiếc cụ Diệm và ông cố vấn Nhu lại chọn phương cách “DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC”, dùng độc tài (gia đình trị) đập lại độc tài toàn trị Cộng Sản, thay vì con đường hòa giải hòa hợp dân tộc.

        Chính vì thế mà quốc sách tố cộng và diệt cộng, theo như Wikipedia là “chính sách của Quốc gia Việt Nam dưới quyền Thủ tướng Ngô Đình Diệm, rồi tiếp tục triển khai dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam ở miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ năm 1955 với mục đích truy tìm và tiêu diệt những người tham gia hoặc có liên quan đến Việt Minh (chính quyền Ngô Đình Diệm gọi là Việt Cộng) trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam
        (…)
        Chính phủ bắt đầu mở những cuộc tuần hành, in truyền đơn và bích chương từ giữa năm 1955 để phản đối việc hiệp thương và tổng tuyển cử với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiếu theo Hiệp định Genève.

        Sang thời Đệ nhất Cộng hòa, chính sách này được thực hiện thông qua Luật 10/59, một đạo luật “trị an”, nhằm “trừng trị các hành động phá hoại an ninh quốc gia, tính mạng và tài sản của nhân dân, và quy định việc thiết lập các phiên tòa quân sự đặc biệt”. Thành phần Việt Minh không tập kết ra miền Bắc bị đưa ra trước công chúng và bắt tự kiểm điểm để khước từ chủ nghĩa cộng sản.[cần dẫn nguồn] Chiếu theo Điều 7 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956 thì “những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với nguyên tắc ghi trong Hiến pháp” nên chính phủ càng dựa vào đó bắt giam những người tình nghi là Việt Minh hoặc hợp tác với cộng sản.

        Trong công chúng chính phủ cho truyền những khẩu hiệu “diệt cán trừ cộng” hoặc “dĩ dân diệt cán” để khuyến khích người dân tố giác người cộng sản nằm vùng.

        Luật 10/59, được Quốc hội Việt Nam Cộng hòa thảo luận và phê chuẩn và Tổng thống Ngô Đình Diệm ký ban hành vào ngày 6 tháng 5 năm 1959, tăng mức hình phạt cho những ai liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản và mở những tòa án quân sự lưu động để xét xử bị cáo.

        Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 thì có 48.250 người bị bắt giam vì tội danh “cộng sản”
        [hết trích]

        Khi CS họp đại hội Ba ở Hà Nội và ra nghị quyết xâm lăng miền Nam bằng vũ lực. Đó chính là lúc bộ máy phát động chiến tranh của CS tích cực hoạt động. Chúng đã tìm cách xây dựng hạ tầng cơ sở từng bị cô lập trong mật khu, hay bị đánh trốc gốc qua chiến dịch Tố Cộng và quốc sách Ấp Chiến Lược thời cụ Diệm.
        CS khéo léo lợi dụng khát vọng Hòa Bình trong dân, thể hiện qua những con người tu sĩ như Đạo Dừa và Hộ pháp Phạm Công Tắc (dĩ nhiên là những tâm bồ tát, nên đâu thấu nổi lòng dạ của qủi đỏ), đã vô tình trở thành một trong những thành phần đối lập chính quyền cụ Diệm.
        CS đã dùng các con mồi trí thức trong Nam như luật sư Trịnh Đình Thảo đề chiêu binh mãi mã cho hàng ngũ tranh đâ chính trị của mình trong chính trường miền Nam nói riêng và ra ngoài quốc tế nói chung.

      • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

        CS khéo léo lợi dụng khát vọng Hòa Bình trong dân, thể hiện qua những con người tu sĩ như Đạo Dừa và Hộ pháp Phạm Công Tắc (dĩ nhiên là những tâm bồ tát, nên đâu thấu nổi lòng dạ của qủi đỏ), đã vô tình trở thành một trong những thành phần đối lập chính quyền cụ Diệm.
        CS đã dùng các con mồi trí thức trong Nam như luật sư Trịnh Đình Thảo, đề chiêu binh mãi mã cho hàng ngũ tranh đấu chính trị của mình trong chính trường miền Nam nói riêng và ra ngoài quốc tế nói chung.

        Wikipedia:
        Trịnh Đình Thảo (1901-1986) là một luật sư và một nhà chính khách Việt Nam. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim (1945); nguyên Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); nguyên Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá VI (1976-1981).
        Năm 1956, ông làm cố vấn pháp luật cho đạo Cao Đài và chánh sách Hòa Bình Chung Sống của Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
        [hết trích]

        XIN TẠM BIỆT, MẶC DÙ CÓ NHIỀU ĐIỀU CẦN BÀN, NHƯNG CŨNG KHÔNG THỂ DẬM CHÂN MÃI Ở ĐÂY !

    • Lâm Vũ says:

      Như đã viết, tôi chỉ bổ túc thêm tiều sử ngắn của bác sĩ Erich Wulff bạn Nhật Lệ đưa ra.

      Ông LMC chưa đọc chữ nào của Erich Wulff mà giám phán: “Các góp ý của LV cũng chỉ gọi là thêm một nhận định cá nhân về Erich Wulff thì ghê gớm thật.

      • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

        Dear Lâm Vũ,

        Ông vội vã trở thành nóng nảy, chưa chi đã gọt bớt ý kiến của tôi:

        1/
        “Các góp ý của LV cũng chỉ gọi là thêm một nhận định cá nhân về Erich Wulff, với nhiều dẫn chứng đáng chú ý, cộng thêm với các chi tiết khá đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu thêm về EW!” (nguyên văn)

        Ông đọc (hết) nguyên bổn và góp ý. Tất nhiên ý kiến của ông cũng chỉ “nặng ký” hơn người không đọc, đọc ít, hay đọc bản dịch.

        Tuy nhiên tôi không nói ra một điều hệ trọng, tôi thấy ông có THÀNH KIẾN nặng với EW, nên có những chỗ kết án khá chủ quan.
        Nếu phân tích ra, sẽ dài dòng, tranh cãi lôi thôi mất thì giờ, để làm chuyện khác hay hơn. Vì thế tôi xin ghi lại nhận định riêng, có tính tổng quát, và tôi xét đoán với cả lý lẫn tình, dựa vào thời cuộc lúc đó.

        Tôi nghĩ, hãy công bằng (fair play) khi xét đoán những người như anh ta. Chẳng hạn tôi thấy, ở một đoạn dưới đây (đã dẫn chứng), anh ta cũng nói thẳng ra sự thật đó chứ

        [trích]
        TƯỜNG TRÌNH TẠI LIÊN HIỆP QUỐC (9/1963)
        (Biến cố tại đài phát thanh Huế đêm 8/5/1963 )

        Trích hồi ký Bác sĩ ERICH WULFF (Đức ngữ)
        MINH NGUYỆN dịch

        http://www.quangduc.com/phatdan/88bienco.html

        [trích]
        Lời người dịch : Đây là bài thứ ba trích dịch từ quyển Vietnamesische Lehrjahre (Những năm dạy học tại Việt Nam), Suhrkamp Taschenbuch Nr. 73, Frankfurt a.M., Germany, 1972, trang 186 đến 202, với tên tác giả Georg W. Alsheimer, bút hiệu của Erich Wulff. Ông này là một bác sĩ người Đức dạy tại trường Đại học Y khoa Huế từ năm 1961 đến 1967, trong khuôn khổ viện trợ giáo dục của Tây Đức. Vì một sự tình cờ, tác giả đã chứng kiến biến cố tại đài phát thanh Huế đêm 8/5/1963 làm 8 Phật tử bị chết một cách thê thảm và đã trình bày sự kiện này trước Uỷ ban điều tra đàn áp Phật giáo Việt Nam của Liên hiệp quốc vào tháng 9/1963.

        Bài thứ ba này nói về các hoạt động của tác giả tại New York và Hoa thịnh đốn.

        (…)

        Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Oánh, một nhân viên của Tổ chức Quỹ tiền tệ Quốc tế, tôi đến gặp ông Walt Rostow (cố vấn Tổng thống Mỹ) tại bộ Ngoại giao. Ông ta cũng không đếm xỉa đến các vấn đề truyền thống đạo đức, nhân văn hay xã hội Việt nam. Ông ta chỉ muốn biết một điều:”Chúng ta có thể thắng với ông Diệm không?” – và khi tôi trả lời rằng không, ông ta hỏi liền: “Chúng ta có thể thắng mà không có ông Diệm không?”. “Chúng ta” ở đây không phải là chúng tôi và những người Việt Nam , mà đó là một nước Mỹ đi hàng đầu trong công cuộc chống Cộng … Tôi cũng phải vào hùa với ông ta, vì việc quan trọng hiện nay là phải làm thế nào để lật đổ ông Diệm. Tôi nêu lên sự thiếu khôn ngoan chính trị và tính tự cao của ông Diệm và gieo những sự nghi ngờ về chính sách chống Cộng của ông Diệm. Tôi cảnh báo với ông ta rằng các ông Diệm và Nhu sẵn sàng bắt tay làm hòa với ông Hồ chí Minh còn hơn là nộp mình cho người Mỹ. Điều này đã đánh động được ông ta …
        [hết trích]

        2/
        Dĩ nhiên tôi phải đọc EW chứ, nhưng không đọc nguyên bản, vì kiếm ra bản tiếng Đức trên internet không dễ ông ạ. Kiếm được, lại phải giỏi tiếng Đức, để không chữ tác ra chữ tộ. (Chính vì thế tài liệu bằng tiếng Đức về EW, tôi ko dám múa rìu qua mắt thợ, vì e dịch ẩu, mặc dù hiểu hết các ý chính ở trong). Vả chăng tôi cũng không có nhu cầu trên.

        Tôi nêu ra EW, vì thấy ông D.Nhật Lệ nhận các thông tin sai lạc (từ bác sĩ đàn anh Trần Văn Tích ở Đức ?), qua góp ý ngắn gọn của ổng. Và rồi ổng đặt nghi vấn tùm lum ! Thật ra tôi đã rõ quan điểm của ổng, nên ko ngạc nhiên khi ổng đề cập EW.

        3/
        Và chính ông, coi thế mà thích ĐAO TO BÚA LỚN khi dụng ngôn, chẳng hạn “phán”, “ghê gớm thật”!

        Nói thật nhé, nhận xét về EW có gì mà ghê gớm ! Chuyện dễ ợt !

        Các anh trí thức lại học Triết, Tâm Lý, làm trong ngành giáo dục … vào thời đó thường theo phái Hiện Sinh, thiên tả như tôi góp ý.
        Hiểu về họ không có gì là khó cả. Sách báo tài liệu về lớp người này cả đống và bàn tùm lum xưa nay ai cũng rõ.

        Riêng tôi đã gặp một số anh du sinh VNCH ở Đức, Bỉ, Pháp … như thế. Có một ông chả biết học của ai nên đã “phán” (đúng là phán thiệt): – “Nếu cho tôi đi lại từ đầu, thì tôi vẫn theo con đường cũ !” Thế mới gọi là “ghê gớm” thứ thiệt !

        Tôi biết rõ, đám cựu du sinh thân Cộng như thế, điển hình có vợ chồng Thiện và Nguyễn Ngọc Giao của nhóm Diễn Đàn Paris, trước kia (nay tôi ko rõ ra sao) hàng năm vào mùa hè vẫn thường họp mặt ở Đức, để vui chơi với nhau, có tính cách họp bạn cũ cùng với gia đình.
        Tôi không muốn tìm cách tham gia, để tiếp cận thật gần đó thôi anh bạn ạ.
        Cô Phạm Hải Anh được mời tham dự (kể cả cô Lê Minh Hà ở Đức nữa) và kể cho tôi nghe rõ chi tiết.
        Luật sư “còi hụ” Nguyễn Hữu (?) Liêm cũng từng bay từ Mỹ sang đàm đúm với đám này, nhưng đám này ngầm chê Liêm “cả quỷnh”.

        Trong số du sinh này (và một vài du sinh không theo Cộng, lưng chừng đứng giữa, như một anh bạn làm bác sĩ gây tê mê ở Đức) có một số ít lại nhảy qua đi làm Phật sự.
        Trong đó có người em họ con ông chú ruột của tôi du học ở Pháp (cũng cùng thời chi đó với Nguyễn Gia Kiểng), tên Lại Như Bằng và lâu nay mở web CHIM VIỆT CÀNH NAM ! Tôi hiểu thêm tâm trạng đám này cũng một phần qua tiếp xúc với cậu em họ, nhưng lớn tuổi hơn mình nhiều.

        Tôi cũng gặp một số người bản xứ như rứa ở Tây Âu. Chẳng hạn giáo sư dân tộc học người Hòa Lan Oscar Salemink, một người bạn khá thân và giờ đây đang dậy học ở Đan Mạch.

        Một lần nữa cám ơn những góp ý về EW, đã gợi hứng cho tôi tìm hiểu rồi thử viết “dài dòng” về một thời đã qua, nhằm đào sâu hiểu kỹ hơn cho chính bản thân tôi, và hy vọng cho những thế hệ sau tôi đang trong nước (mà tôi tình cờ biết có người đã theo dõi, rồi bàn tán trong các blog riêng).

        LMCường

        TB:
        Các góp ý bên trên của tôi có gì chưa đúng, hay còn thiếu, xin nhờ (các) ông xem kỹ và góp ý thêm cho hoàn chỉnh. Xin cám ơn trước rất nhiều

  6. Thích Nhất Cuội says:

    Thầy Trí Quang “Tự truyện”
    Trò Bình Nam “Tự sướng”.

  7. Lão Ngoan Đồng says:

    KHAI QUẬT VIỆT SỬ HIỆN ĐẠI

    Lại sắp đến ngày 30 tháng tư lần thứ 37 (1975-2012), kẻ thắng cười hỉ hả, kẻ thua bi hận ….

    Có những người ngoại quốc cũng bị dính dáng vào nội chiến Việt Nam. Vừa qua Đàn Chim Việt cho chạy liền mấy bài về cuộc vận động cho dân Việt Nam chống bành trướng Tàu cộng của André Menras, aka Hồ Cương Quyết.

    Trong khi đi tìm tài liệu về bác sĩ Đức Eric Wulff, tôi tình cờ vớ được bài báo đăng trên web lề phải, có chút tin tức dính dáng đến André và các đồng chí ngày cũ của anh.

    Bài báo có tựa đề rất ướt át tình nghĩa MỘT NGÀY HỘI CỦA LÒNG BIẾT ƠN.
    http://tintuc.xalo.vn/001492761896/Mot_ngay_hoi_cua_long_biet_on.html

    [trích]
    …Và nhà báo Madeleine Riffaud

    Tháng 5-2008, André Menras đã đến thăm bà Madeleine Riffaud ở Paris.
    André cho biết năm nay bà Madeleine đã 83 tuổi, gần như mù loà, sống neo đơn và thiếu thốn. Bà thường vấp ngã cầu thang, dập xương cổ chân, gãy xương sườn, phải cắt bỏ một ngón tay vì hoại tử.
    Căn nhà xinh xắn ở Normandie, nơi bà dành cho phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam VN nghỉ ngơi cuối tuần trong thời hội nghị Paris nay đã sụt mái, xập xệ nhưng bà đành để hoang phế vì không có đủ tiền tu sửa.

    Và còn một người nữa đã khuất: bà Andrée Viollis – nhà văn, nhà báo, nữ chiến sĩ chống thực dân bằng ngòi bút, tác giả quyển SOS, Đông Dương xuất bản năm 1932.
    Năm 1946, bà đã hết lòng hỗ trợ phái đoàn VN tại Hội nghị Fontainebleau và cũng chính bà đã giới thiệu Madeleine Riffaud với Bác Hồ.
    Ngôi mộ bà ở nghĩa trang Montparnasse không người chăm sóc, mấy lần suýt bị san bằng.
    Vừa qua, bà Madeleine và ông André đã mang một cây hoa hồng đến trồng lên mộ bà Viollis.
    Trong những giờ phút ấy họ nói về đất nước VN…
    [hết trích]

  8. Thích Nói Thật says:

    Muốn biết Trí Quang là ai và chủ đích của y thế nào thì cần phải đọc nhiều tài liệu. Xin đưa ra đây bài:
    Tài Liệu CIA: Thế Lực Chính Trị Của Phật Giáo Ấn Quang
    http://danlamthan.wordpress.com/2011/05/08/tai-liệu-cia-thế-lực-chinh-trị-của-phật-giao-ấn-quang-ghpgvnth/

  9. D.Nhật Lệ says:

    Đáng chú ý là những phản hồi cho bài trên,chẳng ai phàn nàn 1 chi tiết sai về ngài bác sĩ gọi là Wulss cả.
    Do đó,tôi đành phải góp ý.Thật ra,tên chính xác của ông ta là Erich Wulf lúc ấy dạy về tâm thần ở YKHuế.
    Xin mời các bạn đọc một chút “lý lịch trích ngang” về ngài này và tự tìm câu trả lời :
    -sinh ở Lithuania (Estonia ?),một nước thuộc Liên Xô cũ.
    -học ở Tây Đức,chỉ mới bác sĩ mà đã ‘hăng hái’ qua giúp YKH.
    -quan điểm chính trị là thiên tả…qúa độ (theo bs.học giả Trần Văn Tích ở Đức), hay thiên tả-thân cộng.
    -đoàn y khoa Tây Đức gồm 5 giáo sư thì 4 bị VC.thảm sát trong Tết Mậu Thân,chỉ duy nhất ngài E.Wulf
    đã cao bay xa chạy trước đó.
    -sau khi VC.chiếm SG.ngài qua thăm đưọc đón tiếp long trọng,được ca tụng trong bài “Gặp lại Erich
    Wulf : một ân nhân VN.” trên báo SGGP ngày 21-6-08.
    -chết tại Paris,nước Pháp.
    Với chút lý lịch đa quốc gia như thế,hành tung của ngài qủa là rất đáng nghi ngờ !

    • Lão Ngoan Đồng says:

      Rất tiếc tôi chỉ tìm thấy bằng tiếng Đức thôi :-( !

      Qúi vị nào giỏi tiếng Đức xin dịch sơ lại dùm xem nhé.

      Tôi đoán mò sơ, nên không dám dịch liều

      Cám ơn trước rất nhiều.

      Lão Ngoan

      =========

      WIKIPEDIA (tiếng Đức)

      Erich Wulff (* 6. November 1926 in Tallinn, Estland; † 31. Januar 2010 in Paris) war ein deutscher Psychiater und Professor für Sozialpsychiatrie.

      Leben [Bearbeiten]

      Erich Wulff ist in der damaligen Republik Estland aufgewachsen und wurde von den Nazis mit seiner Familie als „Baltendeutscher“ nach Posen umgesiedelt. 1944/45 war er Kriegsteilnehmer mit anschließender Kriegsgefangenschaft. Er studierte von 1947 bis 1953 Medizin und Philosophie an der Universität zu Köln, gefolgt von einem Studienaufenthalt in Frankreich. Seine Ausbildung zum Psychiater machte er an den Universitäten von Marburg und Freiburg im Breisgau. Von 1961 bis 1967 erfüllte er einen Lehrauftrag an der medizinischen Fakultät der Universität Huế in Vietnam; unter dem Pseudonym Georg W. Alsheimer berichtete er in einem damals vielbeachteten Buch über seine Erlebnisse. In Deutschland engagierte er sich in der antiimperialistischen Vietnam- und Friedensbewegung. Als erster Psychiater in leitender Position öffnete er Ende der 60er Jahre, weit vor jeder Psychiatriereform, die Türen einer geschlossenen Abteilung. Früh unterhielt er Kontakte zu Franco Basaglia und einer internationalen Gruppe von Psychiatern, die eine Reformierung der Psychiatrie für dringend erforderlich hielten.

      Von 1968 bis 1974 arbeitete er als Oberarzt der Psychiatrie-Klinik am Universitätsklinikum Gießen, wo er sich 1969 habilitierte, und wurde Professeur associé an der Universität Paris VIII. 1974 wurde er auf die neu geschaffene Professur für Sozialpsychiatrie an der Medizinischen Hochschule Hannover berufen.

      Wulff ist einer der Mitbegründer der deutschen Psychiatriereform. Seine speziellen Interessensgebiete waren Ethnopsychiatrie und Strukturanalyse des Wahnsinns, angeregt von Georges Devereux. Er war Redaktionsmitglied der marxistischen Zeitschrift Das Argument und der Zeitschrift Sozialpsychiatrische Informationen. 1994 erfolgte seine Emeritierung. 2003 zog er mit seiner Frau nach Paris.
      Schriften [Bearbeiten]

      Als Georg W. Alsheimer

      Vietnamesische Lehrjahre. Suhrkamp, Frankfurt am Main 1968
      um einen Nachbericht von 1972 ergänzt: Suhrkamp (st 73), Frankfurt am Main 1972
      Eine Reise nach Vietnam. Suhrkamp (st 628), Frankfurt am Main 1979

      Als Erich Wulff

      Psychiatrie und Klassengesellschaft. Zur Begriffs- und Sozialkritik der Psychiatrie und Medizin. Athenäum, Frankfurt am Main 1972
      Der Arzt und das Geld. Argument (SH 11; Nachdruck aus Das Argument 69/1971), Berlin 1978
      Transkulturelle Psychiatrie. Argument (SH 23; Nachdruck aus Das Argument 50/1969), Berlin 1979
      Psychiatrie und Herrschaft. Argument (SH 34; Nachdruck aus Das Argument 110,111/1978), Berlin 1979
      Psychisches Leiden und Politik. Ansichten der Psychiatrie. Campus, Frankfurt am Main 1981
      Wahnsinnslogik. Von der Verstehbarkeit schizophrener Erfahrung. Psychiatrie-Verlag (Edition das Narrenschiff), Bonn 1995
      Irrfahrten. Autobiographie eines Psychiaters. Psychiatrie-Verlag (Edition das Narrenschiff), Bonn 2001
      Das Unglück der kleinen Giftmischerin und zehn weitere Geschichten aus der Forensik. Psychiatrie-Verlag (Edition Balance), Bonn 2005

      Herausgeberschaft

      Ethnopsychiatrie. Seelische Krankheit, ein Spiegel der Kultur? Akademische Verlagsgesellschaft, Wiesbaden 1978

      Literatur [Bearbeiten]

      Wolfgang Fritz Haug (Hg.): Fremde Nähe. Zur Reorientierung des psychosozialen Projekts. Festschrift für Erich Wulff. Argument (AS 152), Berlin/Hamburg 1987
      Sozialpsychiatrie im Wandel. Zur Emeritierung von Erich Wulff. Psychiatrie-Verlag (Sozialpsychiatrische Informationen, Jg. 23, Heft 4), Bonn 1993

    • Lão Ngoan Đồng says:

      MÂY MÙ THẾ KỶ

      Đọc bài viết về sư ông THÍCH TRÍ QUANG dưới nhãn quan ông Trần Bình Nam mình đã “lo sốt vó”, bởi biết thế nào cũng sẽ nổ ra “cơn bão trong ly nước đầy tràn”, do hỏa mù tung ra thêm đợt mới.

      Đọc bình loạn lại càng “hoảng hốt”, bởi người góp ý học cao hiểu rộng, cũng có chiêu thức quái lạ đến quái đản !
      Tra cứu trong google dưới tựa đề “bác sĩ Erich Wulff”, tìm ra một loạt bài về ông này với hình ảnh trong web THƯ VIỆN HOA SEN !

      Web này chả biết phe nào ? Phật giáo Ấn Quang ngày cũ? Phật giáo quốc doanh ?
      Chả biết nữa, nhưng rõ ràng tin về ông bác sĩ Erich Wulff khá nhiều, nào là thân thế sự nghiệp, vợ con etc etc etc

      Kể ra có internet thật là tiện lợi. Có điều phải sàng lọc kỹ mới xài được.
      Lạng quạng gặp ngay đồ giả, đồ hấp tẩy nỉ sẹc lại như mới ….
      Đúng là con dao hai lưỡi, mề đay hai mặt !

      Lão Ngoan

      ======

      LỄ TƯỞNG NIỆM VÀ CẦU SIÊU
      BÁC SĨ ERICH WULFF
      http://old.thuvienhoasen.org/tuongniem-bacsi-erich-wulff-2.htm

      TƯỞNG NIỆM
      BÁC SĨ ERICH WULFF
      ÂN NHÂN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
      http://old.thuvienhoasen.org/tuongniem-bacsi-erich-wulff.htm

      • Trung Kiên says:

        Cám ơn Lão Ngoan đã đưa link hướng dẫn!

        Những hình ảnh tưởng niệm, nhớ đến vị “ân nhân” đã góp phần tranh đấu cho “pháp nạn” 1963….Tấm hình gặp gỡ giữa Trí Quang và Erich Wulff xem ra “hài hoà và tâm đầu ý hợp” quá đấy chứ?

        Trích đoạn…”Đặc biệt, Bác sĩ Erich Wulff chính là người đã ghi lại những hình ảnh, những thước phim thảm sát đồng bào Phật tử bằng xe tăng, thiết giáp của chính quyền họ Ngô tại Đài Phát thanh Huế trong đêm Phật Đản năm 1963, và tìm cách chuyển những hình ảnh đó ra nước ngoài, loan tin khẩn cấp đến với cộng đồng quốc tế, mở đầu cho một phong trào phản đối sâu rộng của cộng đồng quốc tế đối với chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền đương thời.

        Cho tới nay, tiếng lựu đạn nổ ở đài phát thanh Huế tối hôm 8/5/1963 “vẫn còn là một bí mật “quốc gia”, chưa biết ai đã tung ra?

        Thiếu tá Đặng Sĩ bị cáo buộc là “thủ phạm” và một chút xíu nữa ông đã bị vong mạng oan uổng!

        Khi tiếng lựu đạn phát nổ gây hoảng hốt, anh tài xế chiếc tăng (bánh cao su) kia cũng hoang mang hoảng hốt, tháo chạy như mọi người thì… “những thước phim thảm sát đồng bào Phật tử bằng xe tăng…có lẽ đã được sắp xếp sẵn từ trước, chỉ chờ đến khúc ấy để quay “cảnh thảm sát” ???

      • maison says:

        Theo thế, bao giờ ta cũng phải tin lời nói của người da trắng hơn là tin chính dân ta !

        “Many simple people don’t think too much, but they see what is before their eyes. Especially among the young people we find a growing awareness that the Liberation Front has become the only body existing in Vietnam which has the support of the vast majority of Vietnamese.
        The government of Thieu and Ky struck down the Buddhist revolt. For a long time it was hoped that the Buddhists might constitute a kind of third force between the Front and the Americans. This hope has been destroyed and no longer exists.

        Trích Testimony from South Vietnam, Erich Wulff, 1967

        Theo ông Erich Wulff, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là lực lượng được đại đa số dân chúng miền Nam ủng hộ, mà đáng lẽ Phật giáo sẽ là lực lượng thứ ba (đã bị chính phủ Thiệu Kỳ tiêu diệt) và Hoa Kỳ đang là lực lượng thứ hai .

      • Diễn Đàn says:

        À há ! Đáng khen Lão Ngoan đã chiụ khó …lần mò và rờ rẫm , để giới thiệu thêm cho bạn đọc ĐCV, hiểu rõ hơn về những tấm gương sáng trong Phong Trào Quốc Tế đoàn kết và ủng hộ Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược .
        + Không chỉ ở http://www.thuvienhoasen.org mà Lão Ngoan vô tư giới thiệu , từ đây mở rộng ra, cứ vào cả http://www.sachhiem.net ; http://www.giaodienonline.com;…. chúng ta còn thấy rõ nhiều tài liệu chỉ rõ bộ mặt thật của Diệm và chế độ VNCH xưa , của ngay chính Phật Giáo và Công giáo ở hải ngoại này viết .
        + Ban giám khảo chấm điểm 10 này cho Lão Ngoan nhé ?

      • nômna says:

        Cảm ơn bác Diễn Đàn đã cho các links. Để sáng tỏ vấn đề hơn nữa, xin
        thưa :
        1/ link thuvienhoasen…là nguồn cuả bài viết chủ ở đây,
        2/ link sachhiem….và giaodiemonline….thì có các tác giả như :
        nguyễn đắc xuân, trần chung ngọc, đỗ mậu v.v…
        Có lẽ quí vị còm giả biết rõ hơn tui nhiều.

      • Nghịch Lý Thường says:

        Bộ mặt thật của Diệm và chế độ VNCH xưa thế nào thì nhân dân miền Nam và gần 100 quốc gia trên thế giới cũng đã biết, đã công nhận. http://vietnamconghoa.us/vnchviet.htm

        CSVN hay đám tay sai dù núp dưới danh nghĩa phật giáo, công giáo hay gì gì thì người ta cũng sẽ nhận ra, vì đâu có người phật tử hay tín hữu chân chính nào mà lại đặt điều, gian dối, tôn thờ cái ác như VC.

        + Ban giám khảo chấm cho Lão Ngoan và ông Diễn Đàn, mỗi người 10 điểm, vì ông Lão Ngoan đã khám phá được những gian dối, còn ông Diễn Đàn đã chỉ cho mọi nguời thấy cái tổ con nhền nhện, tuy rằng ai cũng biết ‘thuvienhoasen.org, http://www.sachhiem.net, giaodienonline.com xuất thân cùng một lò.

      • Trọng Lú says:

        Thôi đi đồng chí ! xưa rồi !

      • Trần Minh says:

        Rứa à? Lão Ngoan Đồng tức BS Laị Mạnh Cường lại đi giao du với phường Giao Điểm sachhiem.net và thuvienhoasen à?

        Thảo nào Lại Mạnh Cường bộc lộ sư căm ghét chế độ đệ nhất cộng hòa cảu TT Ngô Đình Diệm, ghét ông Nguyễn Phúc Liên Thành, nhập nhằng sử dụng cái gọi là ” khối đoàn kết chống cộng” ” khối đoàn kết tôn giáo chống cộng” để cản trở việc bạch hóa lịch sử về Phong Trào Phật Giáo phản loạn, phong trào Bàn Thờ Phật Xuống Đường.

        Lịch sử đã chứng minh phong trào này là do Bắc Bộ Phủ chỉ đạo để phá nát Miền Nam dưới chiêu bài đàn áp tôn giáo
        Cảm ơn Bác Diễn Đàn đã bạch hóa Lại Mạnh Cường

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Lão Ngoan Đồng says:
        22/04/2012 at 00:50

        MÂY MÙ THẾ KỶ

        (…)
        Web này chả biết phe nào ? Phật giáo Ấn Quang ngày cũ? Phật giáo quốc doanh ?
        Chả biết nữa, nhưng rõ ràng tin về ông bác sĩ Erich Wulff khá nhiều, nào là thân thế sự nghiệp, vợ con etc etc etc

        Kể ra có internet thật là tiện lợi. Có điều phải sàng lọc kỹ mới xài được.
        Lạng quạng gặp ngay đồ giả, đồ hấp tẩy nỉ sẹc lại như mới ….
        Đúng là con dao hai lưỡi, mề đay hai mặt !

        Lão Ngoan

      • nômna says:

        Với tui thì CHỐNG CỘNG, từ ển ển xìu xìu cho đến mút muà
        lệ thủy, kể cả cực đoan nữa, cũng đều là chống cộng cả.
        Cả những Ô/Bà trước là cộng mà nay nói ra miệng là chống
        cộng thì cũng là có chống cộng. Còn như ông ttq này, có khi
        nào chả nói là chả chống cộng hay không, ngoài đời hay
        trong tự truyện gì đó cuả chả? Chỉ xin 1 câu trả lời đơn giản.
        Tui thì nhứt định là không ưa chả, vì cứ thấy chả là thấy
        loạn, bây giờ thì chỉ có cái tự truyện khỉ mốc gì đó, chẳng
        ăn nhập chi mô cả mà ôi thôi lôi đủ thứ, chế độ này chế độ
        nọ, ông này ông kia, wép này wép nọ, link này link kia, cả
        xứ này xứ nọ nữa, rồi Phật, Chúa chi cũng lôi ra mà đấu
        tố cả. Đúng là chả còn ăn tiền quá chừng chừng ! Ai can dzu ! Trứơc nhân dân VN (không phải ‘nhà lước VN’), ttq
        CÓ TỘI hay VÔ TỘI ? Xin Qúi Tòa phán cho 1 câu. Nếu còn nghi vấn thì, đối riêng tui, để chả tự diện bích sám hối !
        Thân phàm còn bao nhiêu lâu nữa ? Ngay cả Việt Nam nữa. Có còn là của tui nữa không ? Còm dài mệt quá bà con ơi !!!
        nghi vấn thì, theo tui

    • Lâm Vũ says:

      Nhân bác Nhật Lệ hỏi thăm về “ông bác sĩ Tây Đức”, tôi xin gửi một đoạn trong là thư của một người bạn viết về Dr Erich Wulff. Hy vọng thỏa mãn được phần nào điều bác muốn biết:

      Trong cuốn “Vietnamesische Lehrhjahre” tác giả Erich Wulff, dưới bút hiệu Georg W. Alsheimer, đã đóng vai (giả đò) là một người trí thức thiên tả tìm hiểu hoàn cảnh xã hội Việt Nam (miền Nam) và vô tình dính líu vào những biến cố trong đại ở VN, mà quan trọng nhất là biến cố Phật Đản Huế 1963, khởi đầu cho cuộc tranh đấu PG 6 tháng dẫn đến cuộc đảo chánh 1/11 và cái chết của TT NĐD. Là một người trí thức “hoàn hảo” – hơn là chỉ là một bác sĩ tâm thần – cộng với năng khiếu văn chương (ông học triết cùng lúc với Y Khoa, và coi J.P.Sartre là “thần tượng”) ông kể câu chuyện VN thật chi tiết, nhưng cũng hết sức lôi cuốn và thuyết phục. Nhưng một độc giả thật tinh tường cũng sẽ thấy Dr Wulff không đơn thuần hành động như một “anh hùng nổi giận” mà ông đã đứng hẳn về phe “cách mạng”. Ông muốn làm cách mạng. Không phải ở quê hương ông, mà ở “quê hương mới”, Việt Nam.

      Tuy cuốn sách viết về “chuyện thật, người thật” nhưng hầu hết là thiên vị và dối trá. Qua ngòi bút của ông những người “làm cách mạng” đều tốt, quên mình vì nghĩa, vị tha bác ái, là nạn nhân của bất công và tàn ác. Ngược lại thì nhưng người không làm cách mạng CS, dù có chống lại chế độ NĐD vẫn phải là những kẻ xấu. Xấy từ bản chất hay do “giai cấp”.

      Ông không “tha” cả những bạn bè thân thiết của ông, từng chia xẻ với nhau ly rượu cognac, một cô gái làng chơi hay cả… người tình (?). Đó những Bùi Tường Huân (“Tuan”), Vũ Khắc Khoan (“Cuong”), B.D. (“Mien”)… Tất cả đều là thành phần trí thức tiêu tư sản, quen thói bóc lột giới “vô sản”, không đáng… một xu!

      Nhưng đáng nói hơn nữa là những điều dối trá, vô số trong cuốn sách. Hẳn ông nhiên nhắm vào thành phần đôc giả chính của cuốn sách, người Đức. Với vai trò mấu chốt, gần như “huyền thoại”, trong “vỡ bi kịch” biến cố Phật Đản Huế 1963, ông xắm cho mình vai trò một người khách “bàng quan”, vô tình có mặt, vô tình vào nhác xác chup hình những nạn nhân cuộc thảm sát ở đài Phát Thanh, vô tình tường thuật về “sự cố” vào cuốn băng (sau này chính ông mang đến LHQ), vô tình bay vào Sài Gòn hôm sau… (chỉ cố tình bay sang Pnompenh, sau khi thất bại trong việc đưa tin cho các hãnh thông tấn quốc tế ở Sài Gòn!).

      Đi xa nhất trong sự dối trá, khi ông viết là chỉ nghe đến tên Thích Trí Quang khi nghe bài thuyết pháp cũa vị Đại Đức vào ngày Phật Đản Huế 1963, trong khi ít nhất là ở Huế ông quen biết.. “tout le monde” (hết mọi người)!

      Đó là vì trước 1975, khi ông cần bịt măt dân chúng Đức và thế giới. Sau 75, nhu cầu đó dĩ nhiên không còn vì VC (MTGPMN) đã hiện nguyên hình CS. Trong cuốn “Trở lại Việt Nam” (Eine Reise nach Vietnam), 1979, ông không dấu diếm vài trò tích cực của mình khi trước. Trong cuốn sách, ông nói rõ tên tuổi nhừng người bạn sinh viên Huế ngày trước, không ai khác hơn là những HPNT, NĐX…

      Có điều phải nói là, trở lại VN, trước năm 1979, với tư cách chủ tịch Ủy ban quốc tế yểm trợ Viêt Nam (XHCN), ông đã nếm mùi thực tế của chế độ toàn trị Xit-ta-lin-nít. Ông bi khuyến cáo không nên trở lại Huế, càng không nên gặp bạn cũ (HPNT), nhưng nhờ cương quyết cuối cùng ông vẫn được gặp, nhưng chỉ với sự hiện diện của hai tên công an “bảo vệ”. Ông cũng có vào Sài Gòn, gặp được TCS, chỉ để thấy chàng cà lơ thất thểu như một bóng ma…

      Trong không khí “khủng bố” đó, ông đã thảo một bức thư “trăn trối” gửi vợ nhờ người trong phái đoàn “Đoàn kết” mang tay về Đức, phòng trương hợp ông có “mệnh hệ gì”… Nhưng điều đáng ngạc nhiên là trước sau ông vẫn “yêu tổ quốc XHCN VN”. Sống thành phố Hannover, ông vẫn là người anh cả của đám sinh viên thiên tả cũ còn xót lại.

      Thay kết luận
      Dr Erich Wulff là nhân vật nổi bật nhất, tiêu biếu cho thế hệ thanh niên (Tây) Đức sau Thế chiến 2. Thế hệ của những ngưoòi trẻ bị “trốc rễ” và “vong thân”, mất lý tưởng, hoài nghi… hư vô (nihilist). Họ bám víu vào bất cứ một “lý tưởng” nào, như kẻ sắp chết đuối vớ được cái phao. Trong khi thành phần VN thiên tả hay thiên cộng coi ông như đại ân nhân, thật ra chính ông cần VN hơn là VN cần ông ta. Cá nhân tôi không ngạc nhiên khi thấy ở tuổi này thầy Trí Quang vẫn còn nhớ tới Dr Erich Wulff. Ân tình quá sâu.. nhất là đối với người chưa từng nghe đến tên mình!

    • Lâm Vũ says:

      Đúng như bác Nhật Lệ nói, b/s Wulff rời Việt Nam năm 1967, nên không có mặt ở Huế trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Nhưng phái đoàn bác sĩ Tây Đức làm việc tại đại học Huế, thì vẫn còn tiếp tục làm việc, và khi VC chiếm Huế, có 4 người trong phái đoàn bị xử tử. Đó là:
      - Giáo sư Krainick, trưởng phái đoàn, và vợ,
      - Bác sĩ Discher,
      - Bác sĩ Altekoster.

      Trong cuốn “Vietnamesische Lehrjahre”, trong phần Viết thêm cho ấn bản lần thứ Hai, 1972, bác sĩ Erich Wulff cho là vụ thảm sát ở Huế – ông nói có khoảng 3000 người dân Huế bị giết – khó có thể là do Việt Cộng giết. Lý do ông Wulff đưa ra là: chuyện giết người bừa bãi đó không phù hợp với thường là hành vi “đứng đắn” của quân đội giải phóng trong toàn thòoi gian chiếm đóng Huế (“… dass diese Morde nur schwer mit dem sonst uberaus korrekten Verhalten der revolutionaren Soldaten während der Zeit ihrer Besetzung Hués zu vereinbaren waren…”). Sau khi đưa ra một số bằng chứng lờ mờ do người này người kia kể lại khó kiểm chứng, bác sĩ Wulff đi đến kết luận: “Sự thật lịch sử cho phép đi đến lời kết luận, dựa trên hằng hà những chứng cớ chồng chất kể từ 1968, cho thấy các bác sĩ Đức đã bị bọn tay sai của Mỹ giết” (“Die historische Wahrheit gebieten aber, darauf hinzuweisen, dass seit 1968 sich Evidenz auf Evidenz gehäuf hat, derzufolge the deutschen Ärzte von den Handlangern der USA ermordet worden sind”).

      Đặc biệt, vời biệt tài biện luận của một người kiến thức bao là, bác sĩ Wulff không có một lời nào giải thích rằng, khi đang đánh nhau với Việt Cộng, – VC đang trên dường rút lui khỏi Huế – lại có thời giờ rảnh để đi giết 3000 dân thành phố Huế, càng không giải thích là ngưòi Mỹ thù hằn gì các bác sĩ Tây Đức!

      Những nhân chứng sống của vụ thảm sát Huế không thiếu, tất cả đều nói phần lớn trong số 3000 nạn nhân thảm sát bị VC bắt làm “con tin”, mang theo lúc chúng rút ra khỏi thành phố, và khi bị quân đội VNCH và đồng minh đuổi sát quá, đã được lịnh hạ sát tập thể, rồi vùi nông bên đường.
      (đọc thêm về Thảm sát Huế tại:
      http://en.wikipedia.org/wiki/Massacre_at_Hu%E1%BA%BF).

      LV
      TB. Bác sĩ Erich Wulff viết hơn 10 cuốn sách, trong đó có hai cuốn về VN, còn lại là sách chuyên môn, phần lớn về ngành Tâm Lý (Psychiastry). Nhưng đặc biệt tôi không tìm thấy một cuốn nào dịch ra tiếng Anh hay Pháp! Nhưng CSVN, và nhất là những “cánh tay nới dài” của VSVN núp sau Phật Giáo VN, coi Erich Wulff như một đại ân nhân, như Kissinger đối với TC!

  10. Trần Tiểu Ngũ says:

    Việt Quốc đừng trách cứ họ, những người trần mắt thịt, mà hãy tin vào đấng tạo hoá
    quyền năng vô biên, cũng đừng hỏi…. Ngài ở đâu.
    Ngài đang ở ngay trước mắt, nhưng Thích Trí Quang cũng như VQ người trần mắt thịt, không thấy Ngài, nên có những hành động gian ác vô lương.
    Đúng là vô tri bất mộ.

    Nam mô A Di Đà Phật.
    Đại nạn, đại nạn
    Thầy nào trò nấy

Leave a Reply to Lâm Vũ