WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Làm cách mạng không phải để dựng nên một nhà nước độc tài

Phỏng vấn Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn

Tháng 4 28, 2012

Phạm Hồng Sơn thực hiện

pro&contra: Hai anh em, ông Huỳnh Nhật Hải sinh năm 1943, ông Huỳnh Nhật Tấn sinh năm 1946, là những người, vào cuối năm 1988, đã cùng nhau tự ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đồng thời từ bỏ luôn những chức vụ đang đảm nhiệm kèm theo những tiềm năng rất lớn về quyền lực, quyền lợi: Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt kiêm Thành ủy viên (đối với ông Huỳnh Nhật Hải) và Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng kiêm Tỉnh ủy viên dự khuyết (đối với ông Huỳnh Nhật Tấn). Điều gì đã khiến hai đảng viên cộng sản đầy tiềm năng của một gia đình có truyền thống cách mạng từ trước năm 1945 lại có quyết định chia tay cách mạng khi sự nghiệp “cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”đã thành công hoàn toàn?

___________________

Phạm Hồng Sơn: Hai ông có thể cho biết con đường nào đã đưa các ông đến với ĐCSVN?

Huỳnh Nhật Hải: Có thể nói hai anh em chúng tôi đã được “nhuộm đỏ” từ bé. Chúng tôi đã có thiện cảm, tinh thần ủng hộ, và làm những việc có lợi cho những tổ chức của cách mạng như Việt Minh hay Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi. Vì ba má tôi là một gia đình tư sản ủng hộ Việt Minh tại Đà Lạt từ trước năm 1945. Ba tôi là hội viên Công hội Đỏ và tham gia cướp chính quyền tại Đà Lạt vào năm 1945 và sau đó trở thành đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương (tên gọi lúc đó của ĐCSVN). Hai anh trai tôi là những người đi tập kết ra Bắc sau năm 1954.

Huỳnh Nhật Tấn: Có thể nói là ngay từ nhỏ, mở mắt ra là chúng tôi đã được nghe, được thấy, được sống trong tinh thần của cách mạng, tôi cứ tạm gọi là “cách mạng” đi. Đó là những năm thơ ấu của chúng tôi ở trong “vùng tự do” liên khu 5, khi gia đình chúng tôi phải tránh sự truy lùng của Pháp từ khoảng cuối 1945 đến năm 1954, và cả thời gian sau đó khi ba má tôi trở lại Đà Lạt (sau Hiệp định Genève) để tiếp tục nhiệm vụ ủng hộ bí mật cho ĐCSVN và Mặt trận dưới hình thức là một gia đình tư sản.

Phạm Hồng Sơn: Hai ông có nhớ đã có ảnh hưởng nào đến từ ngoài gia đình không?

Huỳnh Nhật Tấn: Có, những trí thức như giáo sư, nhà văn, nhạc sĩ có tên tuổi lúc đó mà đi với Việt Minh hay Mặt trận cũng gây cho chúng tôi sự lôi cuốn, cảm hứng âm thầm nhưng rất lớn. Đặc biệt là qua quan sát, tiếp xúc với những cán bộ hoạt động bí mật đã sống ở nhà tôi thì hai anh em tôi thấy đó là những con người rất đáng khâm phục, họ vừa có tinh thần kỷ luật, chịu đựng, hy sinh rất lớn vừa có những lý tưởng rất cao đẹp là quyết giành lại độc lập cho đất nước và tự do cho dân tộc.

Huỳnh Nhật Hải: Một yếu tố nữa cũng làm cho chúng tôi ủng hộ Mặt trận là sự xuất hiện của quân đội Mỹ tại miền Nam. Sự xuất hiện đó làm cho những người như chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm về chủ quyền dân tộc. Chúng tôi cảm thấy là miền Nam đang bị người Mỹ xâm lăng và cần phải chống lại họ và chính quyền thân Mỹ tại miền Nam.

Phạm Hồng Sơn: Thời gian từ khi Mặt trận được thành lập (năm 1960) cho tới năm 1975 các ông làm những việc gì để ủng hộ “cách mạng”?

Huỳnh Nhật Hải: Công việc của cả hai anh em chúng tôi đều cùng có hai giai đoạn khác nhau, trước và sau khi chúng tôi “nhẩy núi”, tức là phải bỏ gia đình để vào tận căn cứ trong rừng sâu để hoạt động. Tôi “nhảy núi” vào đúng mồng 3 Tết Mậu Thân 1968 còn em tôi, Huỳnh Nhật Tấn, “nhảy núi” trước đó vài tháng khi đã bị lộ.

Huỳnh Nhật Tấn: Trước khi “nhảy núi”, anh em chúng tôi làm công tác liên lạc, vận động trong giới thanh niên, học sinh, sinh viên tại Đà Lạt để thành lập các nhóm, tổ chức, đoàn thể hoặc in, tán phát truyền đơn hay khẩu hiệu đấu tranh cho Mặt trận.

Huỳnh Nhật Hải: Sau khi “nhảy núi”, hai anh em chúng tôi, mỗi người một nơi, nhưng đều ở bộ phận công tác phong trào thanh niên học sinh, sinh viên. Anh em chúng tôi thường phải đi vào những “vùng lõm“ (vùng dân cư mà ban ngày do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát còn ban đêm thuộc về lực lượng của Mặt trận) để bắt liên lạc, tiếp nhận hay vận động ủng hộ về vật chất, tinh thần cho Mặt trận.

Phạm Hồng Sơn: Những công việc đó chắc phải rất mạo hiểm và hết sức khó khăn?

Huỳnh Nhật Tấn: Đúng thế, chúng tôi phải rất kiên trì, khôn khéo trong công tác vận động và không phải lần vận động nào cũng thành công. Cả hai anh em chúng tôi cũng đã bị phục kích hoặc chạm trán với lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng hòa, nhưng rất may cả hai chỉ bị thương nhẹ trong một, hai lần.

Phạm Hồng Sơn: Sau 30/04/1975 các ông được giữ ngay chức Phó Chủ tịch UBND Thành phố hoặc Phó Giám đốc Trường Đảng?

Huỳnh Nhật Hải: Không phải như thế. Sau 30/04/1975 tôi tiếp tục công tác ở Thành đoàn, sau đó mới chuyển qua công tác chính quyền. Năm 1977 tôi được kết nạp Đảng. Năm 1979 làm Chủ tịch khu phố I Thành phố Đà Lạt, rồi sau khi đi học Trường Đảng ở Tây Nguyên trong một năm đến năm 1981 là tôi trở thành Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt, là Thành ủy viên.

Huỳnh Nhật Tấn: Tôi thì được kết nạp Đảng từ năm 1972 sau khi “nhảy núi”. Ngay tháng 10/1975 tôi đã được chọn vào số cán bộ đầu tiên gửi ra Bắc học ở Trường Tuyên huấn Trung ương ở khu Cầu Giấy, Hà Nội trong 3 năm rồi trở về giảng dạy môn kinh tế chính trị tại Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng. Và sau lần ra học tiếp ở Hà Nội tại Trường Tuyên Huấn Trung Ương trong 03 năm nữa, đến năm 1986 tôi được bổ nhiệm vào chức Phó Giám đốc trường Đảng tỉnh Lâm Đồng, đồng thời được cơ cấu vào cấp Tỉnh ủy, là Tỉnh ủy viên dự khuyết.

Phạm Hồng Sơn: Một cách ngắn gọn, lý do gì đã khiến hai ông gần như đồng thời quyết định từ bỏ Đảng kiêm các chức vụ đó?

Huỳnh Nhật Tấn: Tôi còn nhớ trong lá đơn xin ra khỏi Đảng lúc đó tôi có viết một câu: “Tôi không tin ĐCSVN có thể lãnh đạo đưa đất nước đạt được những điều tốt đẹp như Đảng thường nói.”

Huỳnh Nhật Hải: Còn trong lá đơn của tôi viết sau ông em tôi một vài tháng, tôi nhớ đã viết là: “Tôi không còn động cơ để phấn đấu cho mục tiêu và lý tưởng của Đảng nữa.” Nhưng thực sự trong thâm tâm thì cũng giống như ông em tôi đã nói ở trên. Tôi không tin ĐCSVN nữa.

Phạm Hồng Sơn: Quá trình đi đến sự bất tín đó diễn ra như thế nào?

Huỳnh Nhật Hải: Đó là một quãng thời gian kéo dài khoảng 5-7 năm, thông qua những quan sát, tìm hiểu, trao đổi, bàn bạc và trằn trọc từ mỗi bản thân và gần như chỉ giữa hai anh em chúng tôi.

Huỳnh Nhật Tấn: Có thể nói chúng tôi đi đến sự bất tín vào ĐCSVN là dựa vào những gì chúng tôi thấy, chúng tôi gặp trên thực tế hơn là từ vấn đề lý luận.

Phạm Hồng Sơn: Những “thực tế” nào quan trọng nhất khiến hai ông nhận thức lại ĐCSVN?

Huỳnh Nhật Tấn: Đó chính là những chính sách về quản lý xã hội, điều hành kinh tế và việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân của ĐCSVN. Về quản lý xã hội, ĐCSVN đã không quản lý bằng pháp luật mà bằng sự tùy tiện, áp đặt, gần như hoàn toàn chỉ dựa theo các chỉ thị, ý muốn từ lãnh đạo Đảng. Ví dụ việc tịch thu nhà cửa, tài sản hay đưa đi “học tập cải tạo”, thực chất là bỏ tù con người, đều không dựa trên pháp luật hay xét xử của tòa án. Điều hành kinh tế thì lúc đó chúng tôi thấy những chính sách rất kỳ cục và phản khoa học, ví dụ như có những chỉ thị là Đà Lạt phải sản xuất bao nhiêu rau hay các huyện khác phải sản xuất bao nhiều mì[i] mà không cần biết khả năng và lợi thế về thổ nhưỡng, thói quen canh tác của người dân hoặc việc giao quyền lãnh đạo kinh tế không dựa vào chuyên môn, kinh nghiệm mà lại dựa vào thành phần giai cấp và sự gắn bó với Đảng. Về các quyền tự do dân chủ của người dân, càng ngày chúng tôi càng thấy thực tế lại tồi tệ và khó khăn hơn rất nhiều so với thời Việt Nam Cộng hòa. Ví dụ như khi hoạt động trước 1975, chúng tôi đã từng cho một số viên chức chính quyền đọc cả cương lĩnh của Mặt trận nhưng những người đó không coi chúng tôi là thù địch, họ coi việc khác biệt quan điểm là chuyện hết sức bình thường. Nhưng sau năm 1975 mọi thứ không như thế nữa, tất cả mọi hoạt động, kể cả trong tư tưởng, mà khác với quan điểm của ĐCSVN thì đều không được chấp nhận. Báo chí tư nhân, biểu tình, bãi công, bãi thị đã hoàn toàn bị cấm ngặt mặc dù những bất công, nhu cầu lên tiếng của xã hội hết sức bức bối. Có thể nói điều lớn nhất để chúng tôi nhận thức lại ĐCSVN là sự độc tài toàn trị dựa trên bạo lực và không tôn trọng những quyền căn bản của người dân.

Phạm Hồng Sơn: Các ông đã quen biết những nhân vật như ông Hà Sĩ Phu hay ông Mai Thái Lĩnh,…những cư dân tại Đà Lạt lúc đó chưa?

Huỳnh Nhật Hải: Chúng tôi chưa biết ông Hà Sĩ Phu, còn ông Mai Thái Lĩnh thì chúng tôi đã biết nhau từ hồi cùng “nhảy núi” nhưng sau 30/04/1975 chúng tôi gần như chưa trao đổi hay bàn luận gì với nhau cả. Anh em chúng tôi trước khi quyết định bỏ về đã nói với nhau là “chúng ta đi làm cách mạng không phải để xây dựng nên một nhà nước chuyên chính độc tài như thế này.”

Phạm Hồng Sơn: Gia đình, những người thân và bạn bè đồng chí của các ông có phản ứng gì trước quyết định đó?

Huỳnh Nhật Hải: Lúc đó ba má tôi đều đã qua đời nhưng chúng tôi tin rằng nếu còn sống ba má tôi cũng ủng hộ việc từ giã ĐCSVN của chúng tôi. Hai bà xã của chúng tôi ủng hộ hoàn toàn quyết định về nhà tự làm ăn của chúng tôi.

Phạm Hồng Sơn: Thế còn hai anh trai, những người đã đi tập kết sau 1954, và những đồng chí thân quen của hai ông?

Huỳnh Nhật Tấn: Anh trai cả của chúng tôi thì gần như không có ý kiến gì, còn người anh trai thứ hai thì không đồng ý. Còn những đảng viên đồng sự khác và các cấp lãnh đạo lúc đó hoàn toàn ngạc nhiên, gần như tất cả mọi người đều khuyên chúng tôi xem xét lại. Có người lúc đó đã nói với tôi là nếu về thì cuộc sống sẽ rất khó khăn, nhưng tôi xác định trong lòng là trước đây khó khăn nguy hiểm như thế mà còn chịu được thì lẽ nào bây giờ lại không.

Phạm Hồng Sơn: Khi “trằn trọc” để đi đến quyết định cuối cùng, hình ảnh hay tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh có vấn vương trong “trằn trọc” đó?

Huỳnh Nhật Tấn: Có. Chúng tôi lúc đó cũng thấy cần phải xem lại cả ông Hồ Chí Minh – lãnh tụ, người sáng lập ra ĐCSVN.

Phạm Hồng Sơn: Các ông thấy thế nào?

Huỳnh Nhật Hải: Sau khi cùng tìm hiểu, trao đổi, bàn luận chúng tôi nhận thấy tình trạng mất tự do, phi dân chủ hay có thể nói là cuộc sống kìm kẹp, đau thương của nhân dân, của giới trí thức sau chiến thắng 30/04/1975 ở miền Nam hoàn toàn là sự lặp lại y nguyên tình trạng ở miền Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 – thời kỳ mà ông Hồ Chí Minh vẫn hoàn toàn ở trên đỉnh cao quyền lực.

Huỳnh Nhật Tấn: Tôi đã từng tự hỏi là mục tiêu sâu xa của ông Hồ Chí Minh là gì? Với những gì lịch sử đã diễn ra khi ông Hồ Chí Minh còn sống thì tôi thấy mục tiêu của ông Hồ Chí Minh vì quyền lực là chính, còn mục tiêu độc lập cho đất nước hay tự do, dân chủ cho dân tộc, cho xã hội Việt Nam đã bị ông Hồ Chí Minh coi nhẹ. Hai mục tiêu tốt đẹp đó chỉ là những ngọn cờ để ĐCSVN lôi kéo, tập hợp quần chúng và giới trí thức cho mục đích giành quyền lực cho ĐCSVN. Thực tế chính quyền dưới thời ông Hồ Chí Minh đã biểu hiện đi ngược lại hoàn toàn hai mục tiêu tốt đẹp đó, độc lập cho dân tộc và tự do, dân chủ cho nhân dân.

Phạm Hồng Sơn: Vâng, về vấn đề tự do, dân chủ cho nhân dân thì đã rõ, nhưng còn về độc lập dân tộc, xin ông nói rõ thêm?

Huỳnh Nhật Tấn: Có thể nói ông Hồ Chí Minh đã đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc, đô hộ của người Pháp nhưng lại để đất nước trở lại sự phụ thuộc, khống chế và thôn tính của Trung Quốc cộng sản. Nếu không có sự đồng ý, chủ kiến ngoại giao của ông Hồ Chí Minh thì không thể có tình hữu nghị Việt-Trung như “môi với răng” và cũng không thể có Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Một cách ngắn gọn, có thể nói ông Hồ Chí Minh đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm lăng, thôn tính của Trung Quốc cộng sản đối với Việt Nam như chúng ta đang chứng kiến.

Phạm Hồng Sơn: Liệu có công bằng không khi tình trạng mất độc lập, mất chủ quyền hiện nay qui hết cho Hồ Chí Minh?

Huỳnh Nhật Tấn: Đúng là tình trạng lâm nguy của đất nước hiện nay không thể qui hết cho ông Hồ Chí Minh. Nhưng bất kỳ một lãnh tụ, một nhà sáng lập của một đảng, một tổ chức chính trị nào cũng đều có ảnh hưởng rất căn bản tới tầm nhìn, hành động của các thế hệ kế tiếp, dù xấu hay tốt. Tôi nhớ ngay trong văn kiện, khẩu hiệu của ĐCSVN vẫn luôn khẳng định ông Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện “Đảng ta”, tức là ông Hồ Chí Minh đã là kiến trúc sư cho mọi chính sách, đường lối của ĐCSVN cũng như thể chế, cung cách quản lý xã hội của ĐCSVN.

Huỳnh Nhật Hải: Đúng như thế, theo tôi, mặc dù ông Hồ Chí Minh đã mất rồi nhưng tư tưởng, đường lối chính trị của ông ấy vẫn được tiếp tục kế thừa trong ĐCSVN. Không phải ngẫu nhiên mà ĐCSVN hiện nay vẫn hô hào học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Phạm Hồng Sơn: Nhưng nhiều người cho rằng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là rất tốt đẹp, đáng học theo?

Huỳnh Nhật Hải: Đúng, rất tốt đẹp và đáng học nếu chỉ căn cứ vào lời nói và khẩu hiệu như ông Hồ Chí Minh đã đề ra. Và đúng là ĐSCVN hiện nay cũng đang thực hiện đúng như thế, các khẩu hiệu, lời nói, mục tiêu của họ hiện nay cũng rất hoặc khá tốt đẹp, nhưng hành động và thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại – cũng như ông Hồ Chí Minh.

Huỳnh Nhật Tấn: Nếu chỉ căn cứ vào truyền thống nhân ái của người Việt Nam thông thường thôi thì cũng thấy đáng lý ra, với cương vị là người có quyền hành cao nhất, ông Hồ Chí Minh phải ra lịnh không được giết hoặc hãm hại ân nhân của mình như vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm và nhiều người khác trong Cải cách Ruộng đất. Hoặc những vụ bắt bớ, thanh trừng các đồng sự, các ân nhân của ĐCSVN sau này mà không qua xét xử thì ông Hồ Chí Minh không thể không biết là trái đạo lý. Nếu ông Hồ Chí Minh thực sự là người vì nước vì dân thì sau khi lên nắm quyền, điều đầu tiên ông Hồ Chí Minh phải làm là phải để nhân dân và giới trí thức có nhiều tự do hơn thời thực dân Pháp chớ.

Phạm Hồng Sơn: Nếu được sống lại thời tuổi trẻ một lần nữa, các ông có tiếp tục ủng hộ và đi theo Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam hay ĐCSVN?

Huỳnh Nhật Hải: Không, không bao giờ.

Huỳnh Nhật Tấn: Tôi sẽ phải bình tĩnh hơn, tìm hiểu xem họ có ủng hộ và có tư tưởng dân chủ thực sự không, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời nói và tuyên truyền của họ. Theo tôi, vấn đề dân chủ phải được đặt cao hơn vấn đề dân tộc vì chỉ có dân chủ mới giúp cho dân tộc được tự do đúng nghĩa và khi đó đất nước mới có nền độc lập bền vững.

Phạm Hồng Sơn: Ngày 30/04/1975 các ông đang ở đâu và cảm xúc như thế nào?

Huỳnh Nhật Tấn: Lúc đó tôi đang ở Đà Lạt. Tôi đã trở về Đà Lạt từ ngày 03/04/1975 với tư thế của người chiến thắng.

Huỳnh Nhật Hải: Tôi về Đà Lạt sau ông em tôi một ngày, ngày 04/04/1975. Cảm xúc của tôi là sung sướng vô cùng, nhất là khi gặp lại má tôi – má đã tưởng tôi hy sinh từ năm 1971 và đã đưa ảnh tôi lên bàn thờ.

Phạm Hồng Sơn: Dịp 30/04 hàng năm vẫn là một trong những ngày lễ lớn của cả đất nước, cảm xúc của các ông ra sao trong những ngày này?

Huỳnh Nhật Hải: Buồn. Nếu không có cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền trước 1975 thì dân tộc này không có cái bất hạnh, đau khổ như ngày hôm nay.

Huỳnh Nhật Tấn: Buồn. Một ngày quá buồn. Cái chiến thắng 30/04 chỉ đem lại một sự áp bức trên mọi phương diện cho nhân dân, đất nước và lại nặng nề hơn cả thời Pháp thuộc.

Phạm Hồng Sơn: Nếu bây giờ vô tình hai ông gặp lại một người là cựu viên chức cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và người đó chính là “kẻ thù” của ông trước 1975, điều trước tiên hai ông muốn nói là gì?

Huỳnh Nhật Tấn: Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và nếu xét về những căn bản để bảo đảm tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.

Huỳnh Nhật Hải: Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc.

Phạm Hồng Sơn: Xin trân trọng cảm ơn ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn.

Nguồn: pro&contra

______________________

Chú thích ảnh: Ông Huỳnh Nhật Hải (phải) và ông Huỳnh Nhật Tấn (trái)

© 2012 pro&contra

[i] “Mì” tức là “sắn” theo tiếng miền Bắc

 

32 Phản hồi cho “Làm cách mạng không phải để dựng nên một nhà nước độc tài”

  1. Ban Mai says:

    Trả lời minh bạch, rõ ràng về những điều lẽ ra khó nói nhất là một điểm son của 2 ông họ Hùynh. Vấn đề còn lại là, lúc tuổi thanh niên hai ông đã đi lạc đường và can đảm quay lại đúng thời điểm mà với hào quang của “kẻ chiến thắng” hai ông có thể đón nhận vinh quang để tận hưởng, nhưng chỉ như thế thôi sao?

    Không hiểu từ ngày bỏ Đảng 2 ông có tham dự gì trong tiến trình đòi trả lại dân chủ, tự do, nhân quyền cho người VN và quyền lợi thiết thực cho công nhân, nông dân đang bị đảng cũ của 2 ông bóc lột không?

  2. Trực Ngôn says:

    Biết mình đã làm sai và kịp quay đầu trở lại là một hành động rất khôn ngoan và lý trí!

    Người dám thú nhận những việc làm sai quấy trong quá khứ của mình với tấm lòng chân thật và thái độ sám hối thì rất đáng được mọi người kính nể và trân trọng.

    Cám ơn các ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, Phạm Hồng Sơn.

  3. Cua bò says:

    Chỉ có sự hiểu biết của nguồn gốc thực sự ,mới lôi kéo con người về với thực trạng
    chân chính của nó . Ngoài nó ra tất cả đều là sự bịp bợm , dối trá hoang đường !!!!!!

  4. Võ Trang says:

    Nếu tôi khen bài phỏng vấn và đối đáp là rất hay và cần thiết thì có người sẽ cho vì tôi là người miền Nam và là dân tị nạn. Nhưng nếu người Việt-Nam ai cũng có can đãm lên tiếng như 2 vị họ Huỳnh và bất hợp tác với đảng CSVN thì làm sao cái tập đoàn lãnh đạo chỉ có mười mấy người mà khuynh loát cả 1 đất nước? Hãy vùng lên, người Việt-Nam!

  5. Bá Ngọ says:

    Trong cuộc chiến VN vừa qua chỉ có thời thế tạo nên Anh hùng . Không có việc Anh hùng tạo nên thời thế .

    Anh hùng miền Bắc , Anh hùng Miền Nam , tất cả đều cuối đầu nhận lệnh từ ngoại bang . Thế có xứng mặt Anh hùng ???

    Đã lệ thuộc nước ngoài , mất tự chủ thì làm sao có thể tránh khỏi độc Tài mỵ dân .

    Nói cho lắm , cũng vậy mà thôi . Một dân tộc nhược tiểu lại không đoàn kết thì phải đành chấp nhận thở thoi thóp , chờ thời hay trở thành nô lệ nước ngoài là việc đương nhiên .

  6. npt says:

    Hiện nay số đại biểu Nghị gật ở QH VN mà được 50% như hai anh em ông Hải & Tấn thì may đâu VN mới mở mang được chư như hiện nay trí ngũ nhiều hơn trí thức ,nghị ngủ nhiều hơn nghị thức ,thì thật là tai họa cho VN …Khi bị giặc Tàu xỏ mũi !

  7. NGÀN KHƠI says:

    SỢI CHỈ ĐỎ XUYÊN SUỐT

    Nhân đọc bài phỏng vấn của nhà báo Phạm Hồng Sơn đối với hai ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, tôi thấy cần phải đề cập thêm về sợi chỉ đỏ xuyên suốt như sau. Sợi chỉ đó đó có cái đầu bắt nguồn từ học thuyết Các Mác. Nói ngắn gọn đây là học thuyết cách mạng vô sản toàn thế giới. Nguyên lý đặc trưng của nó là chủ trương ý niệm vô sản và chuyên chính để xây dựng xã hội không còn giai cấp sau khi giai cấp công nhân hoàn thành xong giai đoạn chuyển tiếp là nắm quyền lực xã hội để làm cuộc cách mạng vô sản. Tất nhiên có những cái ngất ngứ trong học thuyết này. Chẳng hạn ý niệm giai cấp công nhân nắm quyền hành xã hội là ý niệm hoàn toàn không có thực chất hay thực tế. Bởi những người nắm quyền chính trị không bao giờ còn là công nhân, sự nhân danh giai cấp như vậy là vô lý ngay từ đầu, cả về mặt ý nghĩa lịch sử, xã hội, thực chất, cũng như thực tế. Tức Mác đã thật sự hoang tưởng hay huyễn hoặc về giai cấp công nhân. Chủ trương chuyên chính cũng là chủ trương phản tự do dân chủ một cách hoàn toàn tai hại mà Mác đã đưa ra, mang tính phản lịch sử phát triển, phản trí thức và phản xã hội. Cho rằng giai cấp công nhân là động lực phát triển, là đầu tàu của cách mạng lịch sử thế giới là điều mê tín, huyền bí do Mác đã quá mù quáng vào học thuyết tư biện về tính biện chứng lịch sử xã hội và ý thức của Hegel. Quan điểm biện chứng duy vật của Các Mác là điều ngốc nghếch, bởi hiểu vật chất trì lực mà lại biện chứng theo kiểu duy tâm siêu hình là hoàn toàn ngược ngạo, khiển cưỡng hoặc giả dối. Một xã hội phi giai cấp cũng là điều nhảm nhí, bởi hiểu sai tính chất của giai cấp. Giai cấp như một cấu trúc tự nhiên của tồn tại, lại chỉ hiểu giai cấp là nền tảng hay cơ sở của duy nhất việc đấu tranh kinh tế. Ý niệm hạ tầng cơ sở, thượng tầng kiến trúc của Mác cũng chỉ là sự ức đoán vu vơ, ngụy biện, vì không hề chứng minh được gì về mặt khoa học. Ý niệm xã hội cộng sản làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu cũng hoàn toàn phủ nhận mọi quy luật tâm lý khách quan của con người cũng như của các quy luật kinh tế học nền tảng, khách quan, tự nhiên, mà bất cứ nhà nghiên cứu kinh tế xã hội nào cũng đều rõ. Nói tóm lại, học thuyết Mác hoàn toàn phi khoa học, ảo tưởng, ngụy biện, phản thực tế nên là điều tai hại rất đáng tiếc. Thế nhưng Lênin có thể không nắm được hết học thuyết Mác về căn cơ, hoặc chỉ nhằm lợi dụng học thuyết Mác như bao người khác, nên đã hình thành nên nhà nước Xô Viết đầu tiên nhờ kỹ thuật tinh vi của việc tuyên truyền và tổ chức. Tài năng của Lênin chính là ở chỗ đó. Từ khi Lênin thành lập xong xã hội Nga Xô Viết, sợi chỉ đỏ xuyên suốt đó đã kéo dài thêm một đoạn quan trọng, đó là cơ sở và đầu mối cho tất cả mọi việc về sau. Cho nên phần lớn các cuộc chiến tranh giải phóng sau này theo khuynh hướng mác xít lêninnít không phải là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đúng nghĩa mà chính là cuộc chiến đấu nhằm giải phóng khỏi xã hội tư bản, tư sản để đi tới xã hội cộng sản như nguyên tắc đã định. Do đó cái lỗi của những người trí thức đúng nghĩa là đã không quan tâm nghiên cứu đúng đắn học thuyết Mác. Chính sự không quan tâm nghiên cứu đó mà xảy ra hiện tượng mù mờ, chạy theo hoặc ảo tưởng. Đó là đời sống cảm tính, cảm xúc thuần túy theo kiểu người bình dân mà không phải kiểu người hiểu biết, học thức hay trí thức đúng nghĩa. Chính sự nhân danh giải phóng theo kiểu lưỡng diện, tức mập mờ đã thuyết phục và thu hút, lôi kéo được rất nhiều người. Lý tưởng giải phóng dân tộc đã hình thành nên được một tầng lớp những người có tinh thần, ý thức cách mạng một cách đúng nghĩa. Đó chính là cơ sở thành công bước đầu của học thuyết Mác. Nhưng khi học thuyết Mác được áp dụng vào thực tế cuối cùng, nó lộ ra hết các bản chất phi khoa học, phản thực tế của nó khiến mọi người đều ngã ngữa trừ những người không thật sự khách quan trong nhận thức vì các lý do cá nhân riêng biệt nào đó. Nói chung lại, chính thành phần hiểu biết và yêu nước chỉ dừng lại ở khái niệm giải phóng dân tộc mà không hiểu ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt của nó là giải phóng xã hội khỏi xã hội tư sản là điều Mác chủ trương hoàn toàn quyết tâm, khốc liệt như một mục tiêu sau cùng của cách mạng cộng sản. Chính từ ngữ giải phóng được hiểu theo hai nghĩa khác nhau đó mà đã tạo được cơ sở cho một thể chế chuyên chính về sau khi nhà nước hay chính quyền liên quan được thành lập. Nói cách dễ hiểu không thể là người cộng sản nếu đó không phải là người chấp nhận và theo đuổi mục tiêu của học thuyết Mác hay học thuyết mác xít Lêninnít. Người cộng sản cũng không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn giải phóng dân tộc, vì như thế cũng đã không còn là người cộng sản mác xít. Có nghĩa giải phóng dân tộc theo lối tư sản chỉ là ảo tưởng trong hàng ngũ cách mạng mác xít. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Mọi sự bé cái lầm chính là như thế. Vậy chỉ có nghĩa hoặc là người cộng sản sáng suốt hoặc là người cách mạng tư sản kiểu mù mờ. Bởi Mác chủ trương vô sản không bao giờ công nhận tư hữu, tư sản. Cho nên nếu học thuyết Mác không sáng suốt, cũng không thể nào có được người cộng sản sáng suốt. Không có được người cộng sản sáng suốt cũng không thể có được người đồng minh với người cộng sản mà sáng suốt. Ý nghĩa của sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính là như vậy. Nên vấn đề còn lại cuối cùng, không phải là cách mạng hay cách mạng thế nào theo cách của Mác, mà phải nghiên cứu, phân tích liệu học thuyết Mác có khoa học hoặc kết quả thực tế hay không. Cái tồn động của lịch sử khách quan và thực tế chính là như thế. Mọi chuyện đầu voi đuôi chuột cũng là như thế. Mọi chuyện mười voi không được bát xáo cũng là như thế. Câu chuyện giải phóng hay không giải phóng hoặc ngược lại về mọi mặt cũng tất yếu chỉ là như thế. Cho nên chính những danh từ hào nhoáng làm con người, xã hội cũng như lịch sử điển đảo theo nhiều cách cũng là như vậy. Nói chung đó chính là cái lỗi của người trí thức. Người trí thức đề ra học thuyết không thực tế, người trí thức kém nhận thức để đi theo một học thuyết không thực tế, cuối cùng người trí thức làm đầu tàu để nêu gương, thuyết phục mọi người đi theo một học thuyết không thực tế để làm nên một thực lực xã hội chính trị phản thực tế hay phi thực tế theo nghĩa thực chất của nó, dưới danh nghĩa chuyên chính nhằm bảo vệ những ảo tưởng phi thực tế hay những quyền lợi thực tế riêng tư nào đó như một bản năng tự nhiên của tất cả mọi con người thường tính khác nhau trong xã hội thực tại. Vậy thì nói chung giai cấp công nhân đúng nghĩa không phải chịu trách nhiệm gì hết, mà chính là các thành phần trí thức nửa mùa, trí thức xa lông, trí thức khoe mẽ mới thật sự hoàn toàn phải chịu trách nhiệm mọi điều trước lịch sử do ở chỗ chỉ có danh hảo mà không có thực chất của chính mình qua mọi thực tế lịch sử xã hội và con người như đã rõ.

    ĐẠI NGÀN
    (01/5/12)

    • Minh Đức says:

      Đoạn lý luận trên đổ tội cho trí thức nửa mùa đi theo CS chứ giai cấp công nhân không chịu trách nhiệm gì hết. Lý luận như vậy là còn thiếu một thành phần nữa đó là thành phần tham quyền lực, dùng bạo lực để tranh đoạt quyền lực. Thành phần này có mặt trong cả hàng ngũ trí thức lẫn hàng ngũ nhừng người lao động ít học, công nhân, nông dân hoặc là bất cứ nghề nghiệp nào. Những kẻ này kết hợp với nhau vì cùng động cơ đó là lòng ham quyền lực và thích sử dụng bạo lực, chứ không phải kết hợp vì lý do kinh tế hay giai cấp như chủ nghĩa Mác nói. Chính những kẻ ham quyền lực này đã vận dụng các thứ chủ nghĩa khác nhau, diễn dịch chúng một cách mập mờ, cho có vẻ là lý tưởng để lôi kéo quần chúng, trong đó có các trí thức. Những người tin vào các từ ngừ hoa mỹ của các thứ chủ nghĩa mập mờ đó đã gia nhập phong trào Cộng Sản. Sau một thời gian, có người nhìn ra sự khác biệt giữa những lý luận hoa mỹ và thực tế nên đã bỏ hàng ngũ CS.

      • NGÀN KHƠI says:

        ĐÚNG PHÓC

        Vâng, đó chính là những kẻ cơ hội, hay cũng gọi là bọn cơ hội chủ nghĩa. Nhưng loại này là loại phản diện, thời nào cũng đều có, lúc nào cũng đều có, ở đâu cũng đều có, chuyện gì cũng có thể có. Đó chỉ hoàn toàn là đám vụ lợi riêng, còn có gì để nói. Thế cho nên cũng không cần gì phải nói đến là như thế. Bởi ý muốn nói đến ở đây, chính là những người thuộc chính diện. Bởi những người chính diện mới đáng trách, vì họ mới bé cái lầm. Còn những kẻ tà diện, thì còn có gì đâu để mà trách móc nữa. Bởi đó vốn là ý nghĩa bản chất của họ mà không phải chỉ là ý nghĩa hiện tượng giống như những người chính diện. Trách là trách cái tích cực mà sai. Còn cái tiêu cực thì có bao giờ đúng đắn đâu, để nhằm hoài công mà trách. Đấy, điều rất đáng hoan hô về sự nhận xét của Minh Đức, chính là như thế đó.

        NON NGÀN
        (02/4/12)

      • Lâm Vũ says:

        Hai bác thân,
        Hôm qua, tôi có góp một ý kiến dài với hai bác, nhưng đến không thấy xuất hiện ở đây. Có thể nó chịu chung số phận với một số ý kiến khác của tôi.

        Ở đây xin có một ý kiến ngắn gọn: từ lúc con người thoát khỏi thân phận nô lệ của Vương quyền và Thần quyền, mới có “người trí thức” và tư đó dù muốn dù không “người trí thức” (“con người được quyền hiểu biết”, theo định nghĩa của triết gia I.Kant, cuối thế kỷ 18) vẫn là hy vọng duy nhất cho đám đông “người cùng khổ”.

        Theo tôi, “người trí thức” cũng là người của đám đông, nhưng có may mắn có được “tri thức”, nên phải nhận lãnh vai trò tiên phuông trong xã hội. Thành công họ được dân khen ngợi (như bà “the Lady” Aung San Suu Kyi) – không thành công bị đay nghiến, đó là tầm lý tự nhiên của đám đông. Nhưng quan trọng là chính họ nhìn ra giá trị và bổn phận của mình. Người trí thức nào chỉ lo tìm kiếm vinh hoa nhất thời chính là “ngụy” trí thức. Cám ơn các bác.

      • Lâm Vũ says:

        Bên trên tôi viết: “… “người trí thức” (“con người được quyền hiểu biết”, theo định nghĩa của triết gia I.Kant, cuối thế kỷ 18)…”

        Đọc lại thấy sai ý mình muốn nói. Tôi xin được viết lại:
        … “người trí thức” (hay người “dám hiểu biết”, dựa theo lời hiệu triệu của triết gia I.Kant…

      • Thượng Ngàn says:

        TRÍ THỨC

        Trí là hiểu việc ở đời
        Thức là sáng suốt biết người biết ta
        Vậy nên mọi thói a dua
        Đúng là trí thức thì không thể làm
        Người thường thấy lợi thì ham
        Còn người trí thức chỉ làm điều ngay
        Chỉ anh trí thức giả cầy
        Mới đi dụ khị những người ngây thơ
        Cho nên trí thức lơ mơ
        Dụ người, người dụ, lững lơ cá vàng
        Việc đời lắm chuyện đa đoan
        Vậy mà trí thức mơ màng ghê thay
        Thế nên trí thức giả cầy
        Giả danh trí thức trật trầy ai ưa
        Hoặc trùm chăn ngủ cũng thừa
        Việc đời thay kệ còn thua con gì
        Chi bằng lấy chuyện thị phi
        Luận người trí thức còn gì hay hơn

        NGÀN KHƠI

      • NGÀN KHƠI says:

        KHÔNG LẠ

        Không phải mọi bài viết hay mọi phản hồi gửi tới đều được ĐCV cho đăng cả. Đó là sự lựa chọn tinh tế và chủ động, tự nhiên và hợp lý của BBT. Cho nên tôi nghĩ Lâm Vũ cũng không lấy làm lạ khi có các bài nào đó của mình không xuất hiện. Đó thật sự chỉ là điều tốt theo ý tôi thấy thôi. Bởi vì có khi mình “lọc” không kỷ, có BBT lọc dùm lại thì cũng rất đáng cảm thông và tán dương đấy chứ.
        Cho nên tuy không đọc được các ý kiến đã “bị mất” của LV, tôi cũng xin chua thêm theo ý mình như sau :
        Trí thức phải là người thấy và hiểu ra các vấn đề mà có thể người khác không thấy hay không hiểu ra được. Đặc trưng thứ hai của người trí thức đúng nghĩa là phải cương trực, thẳng thắn nói lên mọi suy nghĩ hữu ích của mình đối với xã hội. Nếu thiếu một hay cả hai đặc trưng này thì không thể gọi được là trí thức đúng nghĩa.

        NON NGÀN

  8. paramita says:

    Qua bài này, chứng tỏ Việt Nam vẩn có rất nhiều người con yêu nước và yêu giống nòi trong hàng ngủ trí thức đỏ, chưa bán rẻ lương tâm cho ngoại bang để kiếm tiền và quyền lực. Bỏ tiền tài và quyền lực đang lúc có tất cả trong tay thì chỉ những người thật anh hùng mới thực hiện được. Nhiều tấm gương yêu nước sáng chói đáng kính nể, hảy còn hy vọng cho ngày mai

  9. lão làng says:

    Những lời của ông Tuấn,Hải thật ra không có gì mới mà nó đã được các nhân vật trong MTGPMN như Dương quỳnh Hoa ,Trương như Tảng…cay đắng thú nhận tương tự nhưng có lẽ mệnh trời đặt để nên ông Hồ mang CNXH vào VN , đưa cổ vào cái thòng lọng CNCS và đến ngày hôm nay mọi sự vỡ lỡ thì đã muộn có nói nhiều cũng vậy thôi .Ôi ! Ngàn năm Bắc thuộc không tránh khỏi , lỗi này không phải chỉ ông Hồ gánh chịu mà trong đó có trách nhiệm của 2 ông …

  10. kbc 3505 says:

    Chính Nghĩa Sẽ Thắng Hung Tàn,

    Chỉ cần đọc bài phỏng vấn này là chúng ta thấy đảng cộng sản Việt Nam đang mất dần chính nghĩa giả dối khéo che đậy, và từ kẻ chiến thắng trong chiến tranh nay đang biến thành người thua cuộc sau 37 năm cai trị đất nước.

    Cám ơn hai ông Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn. Cầu mong câu chuyện bỏ đảng quay về chính nghĩa dân tộc của hai ông sẽ là đầu tàu kéo theo trăm vạn chuyến tàu khác. Chúc hai ông đạt được mọi ý nguyện và sống thật tốt thật ý nghĩa với quãng đời còn lại. Và sau cùng cũng không quên cám ơn bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã phổ biến câu chuyện thật ý nghĩa nhân dịp 30 tháng 4.

    Và chúng ta cũng thấy 30 tháng 4, triệu kẻ vui chưa hẳn là những người vui thật sự sau 37 năm sống trong chiến thắng mơ màng nay đã thấy được đâu là hung tàn, đâu là sự thật, và đâu là chính nghĩa.

    kbc3505

Phản hồi