WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

11 cuộc biểu tình… rồi sao nữa?

“11 cuộc biểu tình, rồi sao nữa?”, có người hất hàm hỏi như thế.

Theo họ, các cuộc biểu tình đã chấm dứt. Nhiều người bị bắt, bị trả thù … rồi làm gì nhau. Họ chỉ thấy các tuyên bố “giải quyết triệt để việc tụ tập đông người” của những kẻ như Nguyễn Chí Vịnh đã được thực hiện.

Nhưng “11 cuộc biểu tình, rồi sao nữa?” cũng là câu hỏi trầm ngâm trong lòng nhiều nhà yêu nước, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1 năm ngày xuống đường biểu tình đầu tiên 5/6/2011 .

Có lẽ sự đắn đo này hàm chứa 2 phần suy tư: Có đạt được gì không qua bằng đó cuộc biểu tình? Và cần làm gì nữa trong những ngày tháng tới?

 

Đạt được nhiều lắm!

Trước hết, chuỗi liên tiếp 11 cuộc biểu tình là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử đất nước, và lại càng chưa từng có dưới sự cai trị của đảng CSVN từ 1945 đến nay. Hàng ngàn con dân Việt xuống đường hoàn toàn vì lòng yêu nước và uất hận thấy tổ quốc bị làm nhục. Hàng ngàn con người đã liên tục dấn thân với đầy đủ ý thức – ý thức về cả lý do của việc mình làm và ý thức về các đòn trả thù của nhà cầm quyền sau đó.

Vì vậy, trong lịch sử dân tộc tương lai, 11 cuộc biểu tình này sẽ là một dấu mốc lịch sử nói lên quan điểm của dân tộc, như mốc điểm mà 74 chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã để lại trên vùng biển Hoàng Sa năm 1974 và 64 chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã để lại trên quần đảo Trường Sa năm 1988.

11 cuộc biểu tình chống xâm lược cũng đang tạo nhiều tác động lên những kẻ cầm quyền. Nếu so thái độ của lãnh đạo đảng CSVN hiện nay với thời gian từ tháng 5/2011 trở về trước, chúng ta mới thấy họ đang bị buộc phải đổi một số thái độ. Kiểu nói “tàu lạ”, “nước lạ” ngay trong quân sử và trên mặt báo một cách không ngượng ngùng đã gần như biến mất. Những nỗ lực chôn vùi tên tuổi những người đã hy sinh bảo vệ đất nước trong các cuộc chiến chống Trung Quốc phần lớn đã phải dừng lại. Ngay cả những giọng điệu phỉ báng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng phải ngừng lại vì tạo quá nhiều phản cảm trong dân chúng khi mọi người đem ra so sánh.

Ở mức tối thiểu, có thể nói 11 cuộc biểu tình đã chận được cơn lũ bán nước ào ạt diễn ra suốt những năm 2000-2010. Nhìn lại khoảng thời gian từ tháng 5/2011 trở về trước, chúng ta sẽ thấy chi chít những ký kết nhượng đất, nhượng biển, nhượng rừng, nhượng những khu biệt lập ở khắp các tỉnh và giữa cả những thành phố lớn, nhượng truyền thanh, truyền hình và các trang mạng, nhượng luôn quyền in sách ca tụng các “liệt sĩ” Trung Quốc đã vượt biên giới bắn giết người Việt,…. Hiện nay, tuy xác suất có những triều cống ngầm, đặc biệt về khai thác dầu khí xa tắp ngoài khơi, vẫn rất cao, nhưng những bàn tay ký kết bán nước và dâng nhượng quá trâng tráo ngay trên đất liền đã phải rụt lại vì cả dân tộc đang ghi sổ cho tương lai từng tên tuổi lẫn ngày tháng và địa điểm của từng vụ chặt nhỏ chủ quyền đất nước đem bán. Ngay cả những tuyên bố đầy ô nhục theo kiểu “miệng Việt óc Tàu” như của Nguyễn Chí Vịnh cũng đã phải dè dặt lại để khỏi bị ghi vào sử sách ngàn đời như một phần “sự nghiệp” của cả đảng.

Kế đến, 11 cuộc biểu tình và các phản ứng hung bạo của nhà cầm quyền đã giúp dân tộc kiểm chứng được nhiều điều quan trọng:

- Kiểm chứng được mức độ lệ thuộc Tàu của thành phần lãnh đạo đảng. Đây là một nhận thức rất cần thiết vì trước 11 cuộc biểu tình này, vẫn có những nhà dân chủ lão thành khuyên bảo sinh viên “hãy đứng sau đảng và nhà nước để chống Tàu” . Chỉ sau khi hàng loạt các thứ trưởng gốc Việt công khai sang Tàu rước lệnh đàn áp thẳng từ Bắc Kinh về chấp hành, dân tộc Việt mới thấy dựa vào các lãnh đạo CSVN để chống Tàu không phải là chọn lựa khôn ngoan.

- Kiểm chứng được mức độ sẵn sàng ra tay tàn độc của lãnh đạo đảng đối với dân chúng, từ đạp mặt, đánh đập trên đường phố đến bắt nguội, đuổi học, đuổi nhà, đuổi sở những người tham gia biểu tình. Trước đó ai cũng nghĩ giới lãnh đạo dù sao cũng còn lòng yêu nước và vì thế không thể nào họ lại hung bạo với những người dân chỉ muốn bày tỏ lòng yêu nước như họ.

- Kiểm chứng được trong hàng ngũ đảng viên CSVN vẫn có nhiều con người chấp nhận bị mất đặc quyền đặc lợi để nói lên tiếng nói lương tâm, để đứng với những người dân yêu nước cho dù việc làm đó làm lãnh đạo đảng khó chịu và hứa hẹn trừng phạt. 11 cuộc biểu tình cũng kiểm chứng được mức độ chấp nhận dị biệt quá khứ giữa các thành phần dân tộc để cùng đối diện với hiểm họa chung của đất nước.

- Kiểm chứng được giá trị của giới sĩ phu Việt Nam, những con người dám đi đầu trong những ngày tháng căng thẳng. Ở các nước dân chủ, nơi mà cảnh sát bị ràng buộc bởi đủ loại luật lệ và nếu vi phạm cũng phải đi tù như ai, thì việc đứng lên đi đầu đã là điều đáng quí. Tại những nước độc tài, nơi mà “miệng công an là luật”, thì những bước chân đi đầu lại càng đáng kính phục hơn gấp nhiều lần.

Và 11 cuộc biểu tình đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí báu cho các cuộc đấu tranh quần chúng kế tiếp:

- Rõ ràng kinh nghiệm xử dụng các kỹ thuật thu thập hình ảnh, âm thanh; kinh nghiệm chuyển tải nhanh chóng lên mạng Internet; kinh nghiệm tiếp tay nhịp nhàng và hiệu quả giữa các con dân Việt trong vào ngoài nước trong 11 lần biểu tình đã được áp dụng trong hầu hết các cuộc phản đối chống cướp đất của bà con dân oan từ đó đến nay, như Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, …

- Hơn thế nữa, những kiến thức đấu tranh bất bạo động bằng số đông, không để lộ thành phần điều động, ghi nhận chứng tích các công an bạo hành, liên kết bảo vệ nhau chứ không chịu thua khi có đồng đội bị công an bắt, thuyết phục con em trong hàng ngũ công an không tiếp tay đàn áp đồng bào, v.v… đã được chứng minh qua thực tế và đang lan truyền sau 11 cuộc biểu tình với vận tốc nhanh hơn trước gấp nhiều lần.
Đang đi đúng diễn trình!

Bên cạnh những kết quả nhiều mặt kể trên còn cần phải nói thêm: những ai xem 11 cuộc biểu tình năm 2011 là chuyện hoài công vô ích và đã vĩnh viễn chấm dứt là những người không tìm hiểu kinh nghiệm tại các nước khác.

Không có cuộc tranh đấu thành công nào chỉ diễn ra chỉ một lần là xong hay luôn luôn tiến lên theo đường thẳng tắp (y = ax+b). Thường thì thế giới qua các cơ quan truyền thông chỉ biết đến khúc chót mà quên mất những nỗ lực nhiều năm trước đó và vì vậy dễ tạo những hiểu lầm về diễn trình. Thực tế cho thấy, nỗ lực của mọi dân tộc trong các cuộc tranh đấu thành công đều phải đi qua một số giai đoạn thăng trầm như đường màu xanh (y = axsin(x) + bx) trong biểu đồ sau đây:

Không có cuộc đấu tranh thành công của dân tộc nào trên thế giới tiến lên theo đường thẳng

Nghĩa là sau mỗi giai đoạn nỗ lực tranh đấu của người dân, giới cầm quyền sẽ hung hãn phản công để cố gắng đè bẹp. Nhưng nếu đã hiểu đó chỉ là diễn trình bình thường và không bỏ cuộc, quần chúng sẽ tạm lùi nhưng không lùi về lại lằn ranh cũ. Cùng lúc, người dân tụ sức lại để vùng lên cao hơn lần sau đó. Sức bật này đến từ việc rút được nhiều kinh nghiệm hơn, biết rõ hơn các cách đối phó của bạo quyền, và có được nhiều sự tham gia tiếp tay hơn. Nỗ lực đấu tranh để bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam cũng không khác và đang tiến lên trên diễn trình bình thường đó.

Điều quan trọng là phía người dân biết tận dụng các giai đoạn “tạm thoái trào” vì:
1. Đây là những lúc dễ thuyết phục nhau nhất. Trước hết, những nghi ngờ về giá trị thực tiễn của các bài học lý thuyết, những tranh luận về cách làm nào hay nhất, v.v… vừa được trả lời bằng thực tế ngay trước mắt mọi người. Nhiều tranh luận, do đó, không còn cần thiết nữa. Kế đến, đây là giai đoạn mà lực lượng quần chúng đang đùm bọc lẫn nhau trước các đòn phép trả thù của bạo quyền. Tình thân cũng giúp nhiều trong việc thuyết phục lẫn nhau.
2. Đây là những lúc có thể âm thầm mở rộng lực lượng vì sự uất ức của nhiều người đang bị đè nén khi công an cấm ngặt sự bày tỏ đó qua các cuộc biểu tình. Không cần vội vã với những hình thức hệ thống hóa hàng ngũ trong lúc tạm thoái trào, mà chỉ cần duy trì liên lạc và cùng nhau loan truyền đến các vòng quen biết kế tiếp về hiểm họa mất nước và các kiến thức đấu tranh bất bạo động.
3. Và đây cũng là những lúc cho những phân tích chân thành về những khiếm khuyết của giai đoạn cao trào trước đó; cho việc tìm kiếm các cách đối phó cho tương lai; và quan trọng hơn cả, cho việc nhận dạng đâu là các chỗ bế tắc của lực lượng quần chúng ở hiện tại.
Đâu là chỗ bế tắc hiện nay?

Tại Hà Nội, thật may mắn và quí báu đã có được sự kết hợp của nhiều nhà yêu nước thuộc nhiều thành phần, từ các vị trí thức xả thân đi đầu, đến các vị lão thành đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn của đất nước, đến các văn nghệ sĩ góp phần duy trì tinh thần chung, đến các anh chị thanh niên sinh viên sôi sục lòng tự trọng của dân tộc. Chính sự kết hợp phong phú này đã duy trì được sự liên lạc mật thiết của một số những người đã tham gia các cuộc biểu tình năm 2011 qua nhiều loại sinh hoạt. Tuy nhiên, việc mở rộng ra hơn vòng tròn này ngay tại Hà Nội vẫn còn là một thử thách. Và nếu không mở ra được, nhà cầm quyền sẽ tiếp tục thủ đoạn tỉa dần từng người như đang thấy.

Cái may mắn của Hà Nội, như đã nêu trên, cũng rất khó lập lại tại các nơi khác, đặc biệt tại Sài Gòn. Cả nước đã cảm động theo dõi nỗ lực và sự hy sinh của chị Bùi Minh Hằng từ Hà Nội vào Sài Gòn để cố gắng lập lại các bước chân yêu nước tại đây. Nhưng kết quả mong đợi đã không xảy ra.

Có lẽ các bế tắc nêu trên đều đến từ một khó khăn cơ bản khiến cho việc mở rộng đến nhiều tầng lớp dân chúng không tiến tới được; đó là chưa nghĩ ra cách nào để quảng đại quần chúng khắp nơi có thể tham gia mà nhà cầm quyền không ngăn chận được và bà con cũng không cảm thấy quá rủi ro … như đi biểu tình trên đường phố.
Kính đề nghị một vài loại nỗ lực.

Trong tinh thần chia sẻ nỗi lo lắng chung, người viết kính đề nghị một số gợi ý sau đây:

1. Tạo những việc đơn giản tới mức tối đa để quần chúng có thể tham gia.

Ba tiêu chuẩn cho loại việc này là: (1) dễ lập lại ở nhiều nơi, (2) khó ngăn chận bởi công an, và (3) rất ít rủi ro.

Một thí dụ cho loại việc này là cùng nhau tạo những tiếng động bất thường vào đúng một thời điểm đã định trước. Cụ thể như vào đúng khoảng thời gian 8 giờ đến 8 giờ 5 phút mỗi sáng chủ nhật, mọi người cùng làm 2 loại hành động tạo tiếng động: gõ thìa gõ đũa vào ly chén nếu đang ngồi trong nhà; trong tiệm; và đứng lại dậm chân xuống vỉa hè nếu đang ở ngoài đường. Đây là những tiếng động mà bình thường bà con không làm.

Ý nghĩa của mỗi việc này đã được định nghĩa từ trước và được quảng bá rộng rãi, chẳng hạn như gõ ly chén mang ý nghĩa “báo động mất nước”; dậm chân xuống đất để xác định “đất này không thể dâng nhượng!”….
Giá trị của loại việc này đến từ sự kỷ luật rất nghiêm về giờ giấc và các hành động đã định. Không ai khởi động trước 8 giờ và đến đúng 8 giờ 5 phút là hoàn toàn im bặt. Cũng không ai làm loại tiếng động gì khác ngoài cách gõ ly chén và dậm chân như đã cùng định trước. Kỷ luật đó nói lên mức độ đồng lòng, quyết tâm, nghiêm túc của những người tham gia.

Một câu hỏi dễ bật lên: “Làm thế thì tạo tác động gì?”

Xin thưa đây chính là một hình thức biểu tình — tức biểu lộ sự đồng tình của mình với mọi người chung quanh về một vấn đề. Và trên căn bản đó, loại biểu tình này cũng có cùng tính chất với 11 cuộc xuống đường năm 2011.
Hai đối tượng quan trọng nhất, mà những người biểu tình theo cách này này muốn gởi thông điệp đến, là nhà cầm quyền và phần còn lại của dân tộc Việt. Chắc chắn giới lãnh đạo sẽ được báo cáo về mức độ căm phẫn tràn lan của dân tộc qua những tiếng động bất thường đồng loạt vang lên tại mọi miền, mọi vùng, mọi ngõ ngách trên cả nước mà các công cụ của họ không thể ngăn chận. Hình thức biểu tình này cũng dễ dàng tạo tò mò nơi người chung quanh để người Việt có cơ hội trình bày cho nhau về hiểm họa mất nước.

Từ đó lực lượng những người quan tâm đến hiểm họa mất nước sẽ mở rộng nhanh chóng và cơ hội kết hợp với nhau để làm những việc kế tiếp cũng gia tăng. Chính sự gia tăng lực lượng sẽ bảo vệ tập thể những người yêu nước không bị tỉa dần.

Tóm lại, đây là loại ngưỡng cửa đầu tiên dễ dàng cho quảng đại quần chúng vượt qua để tiến lên các hành động chung kế tiếp.

2. Chọn một biểu tượng riêng của những người yêu nước.

Ba tiêu chuẩn chọn biểu tượng là: (1) đặc thù, khó lẫn lộn với các ý nghĩa khác, (2) không thể bị tịch thu, và (3) ít rủi ro cho người mang biểu tượng.

Một thí dụ cho loại biểu tượng có các tiêu chuẩn trên là vỗ tay sau lưng.

Thường thì mỗi người chỉ vỗ tay trước mặt hay ngực của mình để bày tỏ sự ủng hộ. Do đó vỗ tay sau lưng là hành động đặc thù và có thể gắn liền với ý nghĩa khác.

Ý nghĩa của biểu tượng được định trước và quảng bá rộng rãi: Vỗ tay sau lưng để khinh bỉ và phản đối những hành động dâng nhượng chủ quyền đất nước sau lưng dân tộc.

Biểu tưọng này giúp những người thiết tha với đất nước nhận ra nhau và khi cùng làm thì chính là một hình thức biểu tình để nối tiếp 11 lần xuống đường trong năm 2011. Sự khác biệt là với hình thức này sẽ có đông người hơn, có thể làm ở bất cứ nơi nào, kéo dài vô hạn định, và vô cùng khó cho công an trấn áp hay tịch thu.

3. Tạo những kho chung về đấu tranh bất bạo động.

Để giúp gia tăng nhanh sức lực của dân tộc, đã đến lúc những nhà yêu nước tận dụng mạng Internet để lập ra những kho chung, chứa đựng các kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm của các dân tộc khác, và nhất là các sáng kiến về đấu tranh bất bạo động thích hợp với tình hình Việt Nam. Đây sẽ là nơi mà mọi người Việt đều có thể đóng góp, tìm hiểu, và tùy nghi lấy ra ứng dụng. Nói cách khác, các kho này sẽ là vốn trí tuệ chung của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Sức Mạnh Nhân Dân.

Ngày 8/6/2012
Kính tặng những Nhà Yêu Nước đã có mặt trong 11 cuộc biểu tình lịch sử năm 2011

2 Phản hồi cho “11 cuộc biểu tình… rồi sao nữa?”

  1. Đỗ Thịnh says:

    Tận dụng NET, viễn thông. Song quá mức “đề cao / dựa vào” lại có thể là lỗi lầm tai hại. Kính dân, yêu nước, xin hãy tìm đến với nhau. Chỉ khi “mặt nhìn mặt, tay cầm tay, lòng hiểu lòng”, mới hi vọng có thể làm những gì hơn nữa …..

  2. D.Nhật Lệ says:

    Công bằng mà nói,những đồng bào đã tham gia 11 cuộc biểu tình năm 2011 là đáng cảm phục vì lòng yêu
    nước trung thực và đất nước cũng như người dân VN.đã ghi nhận sự can đảm hiếm có của họ.
    Nói hiếm có là vì việc biểu tình chưa bao giờ xảy ra dưới chế độ CS.độc tài nào,từ Tây sang Đông.Sở dĩ
    thế là vì bọn cầm quyền CS.rất tàn ác xảo quyệt đã tìm cách dẹp tan cho bằng được,chì bới lý do duy nhất
    là chúng sợ người dân quen với việc biểu tình sẽ đứng lên lật đổ chúng.Ngược lại,các nước dân chủ thì
    không hề sợ dân chúng biểu tình vì sự bền vững quốc gia được Hiến Pháp quy định có tính bất biến,nếu
    không nói là trường cữu.Hoàn toàn trái với vài nước độc đảng độc tài được dựng lên do sự tiếm quyền, đoạt quyền bằng bạo lực mà thành,chứ không phải là qua bầu cử dân chủ và hợp pháp.Do đó,chúng rất
    lo sợ bị lật đổ chỉ vì chính quyền của chúng không chính danh,phản nhân dân và phản dân chủ.
    Thế nhưng,tại sao những cuộc biểu tình như trên đã không hề xảy ra sau 11 cuộc biểu tình đó ? Người
    dân đã bị chế độ độc tài bắt phải câm mồm,dù Hồ chủ…tiệm từng tuyên truyền rằng dân chủ là cho dân
    mở miệng.Như vậy có phải bọn cầm quyền sau này làm ngược lại chủ trương của ông ? Thật ra,chúng
    biết được đó chỉ là thủ đoạn tuyên truyền của ông ta khi chế độ CS.mới xây dựng còn non yếu nên ông
    ta phải đóng kịch ra vẻ chế độ mình là có nền tảng dân chủ như các nước dân chủ tư sản,hòng lừa gạt
    người dân nhưng thực chất là củng cố hệ thống chuyên chính vô sản như thực tế chứng tỏ !
    Sự vắng bóng biểu tình sau 11 cuộc biểu tình đang chứng tỏ bọn cầm quyền đã có trọng tội là triệt tiêu
    lòng yêu nước của dân tộc VN.ta,vốn là sức mạnh trong qúa khứ từng đánh tan xiềng xích phong kiến
    từ Trung Hoa,kẻ thù truyền kiếp.Nếu nhân dân đứng lên thì chúng mới bị trừng trị,còn không là sẽ ngàn
    năm tăm tối vì bọn Tàu cộng còn tàn ác và xảo quyệt gấp ngàn lần Trung Hoa trước đây.
    Dù thế,cũng phải nói thẳng thừng là dân VN.xem ra thiếu tinh thần đoàn kết.Những 11 cuộc biểu tình mà
    nói chung chỉ lèo tèo khoảng 100 người thì bạo quyền khinh thường là phải nên chúng hù doạ là ai cũng
    sợ xanh mặt,không cách nào đứng lên nổi nữa ! So với trước 1975 thì chế độ VNCH.thật là “lý tưởng” vì họ cho dân tự do bày tỏ lòng yêu nước,trái ngược hoàn toàn với bây giờ VN.đang rơi vào tay một bọn
    bán nước hại dân,một loại tay sai mới cho bọn TC.
    Than ôi vận nước VN ta sao bệ rạc thế này ? Hỏi nhưng đã biết rõ câu trả lời ! Đó là bọn VC.hiện nay !

Leave a Reply to D.Nhật Lệ