Hè về California
Ghi chú: Câu chuyện sau đây là đoản văn trích trong cuốn hồi ký của tác giả tựa đề là Giao Chỉ tự chuyện.
Tuổi cao niên, chúng tôi có dịp theo các con tới lui trường học của các cháu, xin kể lại những điều học hỏi được. Lần trước kể chuyện ngôi trường đại học dành riêng cho phái nữ tại Hoa Kỳ. Tiếp theo là bài viết về quang cảnh lễ ra trường của đại học USC tại Nam CA. Lần này là ngày tốt nghiệp của trẻ em tại một trường tiểu học ở San Jose.
Ai mà biết được tại California năm nay có bao nhiêu ông già Việt Nam được nghỉ hè. Số là từ hơn 15 năm qua, có nhiều vị cao niên phe ta vui tuổi già với công tác đưa đón cháu đi học. Khi bài Hè về của Hùng Lân ngày xưa cất tiếng là lúc ông tài xế già được nghỉ hè. Tôi cũng đóng vai tài xế cho 2 cháu nội suốt mấy năm qua.Tôi cũng nghỉ hè.
Có lẽ cũng từ khá lâu, trong khi làm công tác anh hùng trên xa lộ, tôi gặp một đồng nghiệp và câu chuyện trong lúc chờ đợi đã diễn ra. Thường khi chúng tôi đưa cháu đến trường thì vội vàng bỏ lính xuống như trực thăng vận. Quân ta bye bye rồi chạy ào vào lớp. Các tài xế không có dịp gặp nhau. Nhưng khi đón quân đến sớm nên có thì giờ thong thả. Thấy một ông cũng cao niên như mình, mặt quen quen ra dáng Việt Nam. Chợt nghe trong xe vẳng ra tiếng hát “..Chiếc giỏ xe, chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu….
Thôi, đích thực là phe ta. Chúng tôi đứng nói chuyện với nhau, ông cao niên tỏ ra biết chúng tôi, ông lên tiếng chào niên trưởng. Tôi bèn hỏi: Sao lại niên trưởng. Ông bạn trả lời: Ấy tôi biết ông nhiều. Tôi học khóa 5 phụ Đà Lạt. Ông học khóa 4 phụ Đà Lạt. Trước tôi mấy tháng nên phải gọi là niên trưởng. Tôi bèn hỏi nhưng bác bao nhiêu tuổi. Tôi sinh 1930. Ấy chết. Bác hơn tôi 3 tuổi. Bác 83 phải không. Ông phải là niên trưởng của tôi chứ. Chúng tôi cười xòa. Ông bạn cho biết không những chở 2 đứa cháu tiểu học lại còn chở cả 2 đứa Middle School ở dưới phố San Jose. Ông đến đây rước lũ nhỏ tiểu học trước, hai đứa lớn hơn phải chờ. Mấy đứa con tháng tháng cho ông già chút tiền xăng, ông nói: Mình giúp chúng nó được ngày nào hay ngày đó. Fathersday năm trước con gái lại cho ông già bộ đồ làm vườn. Tháng trước Mothers day chúng nó tổ chức lớn lắm. Nhưng ngày của cha theo gương Mỹ tụi nó làm cho có lệ. Ông khoe có 6 đứa con. HO đưa qua đợt đầu 4 đứa. Sau 8 năm 2 gia đình kế tiếp qua đoàn tụ. Ông thiếu tá khóa 5 phụ Đà Lạt của tôi bị đúng 6 năm tù.
Mỗi năm tù trời trả giá cho một gia đình con cháu định cư tại Mỹ. Ông nói, cái giá đó quá rẻ. Một lần, ông bạn đồng nghiệp đón cháu kể tôi câu chuyện khác. Ngày Fathersday của anh T mới thật là thê thảm. T cùng khóa 5 Phụ Đà Lạt. 1974 qua Mỹ học tình báo ngay tại Monterey. Mãn khóa tháng 4-75 cùng một lượt mất nước. 8 anh em sĩ quan dở khóc dở cười khi tốt nghiệp. Rồi cả bọn làm reo xin về Việt Nam. Làm gì có máy bay về Sài Gòn. Trường cho sĩ quan dẫn cả bọn về Thái Lan. Phía DAO đưa vợ con của anh em qua đoàn tụ tại Vọng các. Thiếu tá T cùng vợ và 5 con qua San Jose. Ông bạn kể chuyện tiếp. Tay này làm ăn khá lắm. Làm chủ ba bốn cây xăng. Toàn cây xăng cũ mua rồi sửa lại.Vợ đi chơi tối ngày, sau đòi ly dị lấy 2 cây xăng bán đứt. Suốt hơn 30 năm qua, những đứa con của ông T không trở về hỏi bố một câu. Nói đến hoàn cảnh hiện nay, bạn tài xế cho biết. Tay thiếu tá quân báo này bây giờ già yếu, hoàn cảnh đau thương lắm.
Nghe hết câu chuyện buồn vào dịp Fathersday, tôi quay lại hỏi riêng ông bạn. Thế còn bà xã của ông thì sao. OK không.
Ông nhẹ nhàng trả lời : Nhà tôi thì OK lắm, bà đã ra đi từ hơn 10 năm qua rồi.
Những đứa cháu đã lên xe. Chúng tôi từ giã. Xe ông khóa 5 chạy phía trước, tiếng nhạc xa xa còn vẳng lại. Chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…
Ngày tốt nghiệp.
Sau 2 năm tôi làm thêm nghề đưa đón ở cái trường tiểu học này, sau cùng đứa cháu trai duy nhất của ông nội cũng tốt nghiệp. Thằng bé vừa học xong lớp 6 lãnh bằng tiểu học. Bốn năm đầu nhà cháu ở khu đồi núi nên trường học ngon lành. Đến khi ông nội dở trò xây dựng Museum, tiền bạc sạch trơn, cha con dắt nhau xuống núi. Bố vào mobillhome, con dọn vào chân đồi, gia cảnh vất vả hơn vì trường học ở khu này có vẻ bình dân và sắc tộc. Trường có 25 lớp, mỗi lớp hơn 20 học trò, tổng cộng chừng 500 trẻ em. Xem ra toàn Á Châu và Mễ. Chẳng có lớp nào có được một đứa thuần chủng Mỹ trắng cho trọn tình Hiệp chủng Quốc. Nhìn cảnh học trò ra về, cha mẹ đến đón không ai bảo đây là nước Mỹ. Toàn Ấn độ, Tàu, Việt Nam, Phi và rồi cả Mễ. Một trăm phần trăm đầu đen.
Năm hàng ghế dài phía trước dành cho các học sinh tốt nghiệp.
Tôi đi vòng quanh trường, thấy các em lớp khác theo cô thầy vác ghế ra ngồi khắp chung quanh. Mình tự hỏi không biết khán đài phía trước, mà đám này ngồi phía sau trường làm gì. Sau này mới hiểu. Tại khán đài nhỏ bé, ông hiệu trưởng vừa điều chỉnh âm thanh, vừa làm MC vừa lo xếp đặt các lớp. Lễ nghi khai mạc hết sức giản dị.
Các thầy cô giáo lên đọc tên học sinh lớp phụ trách và tự trao bằng, diễn tiến rất nhanh. Khi tất cả các lớp 6 lãnh bằng xong rồi đến phần phát bản danh dự cho các em trên 3 chấm 5. May mắn, cháu nội chúng tôi cũng có thêm tấm giấy danh dự phe phẩy trên tay. Tiếp theo là đến màn các cô cậu bé tân khoa đi trên con đường có các bạn ngồi hai bên hò hét vỗ tay. Đám ra trường đi một vòng từ khán đài phía trước diễn hành qua mấy trăm khán giả phía sau rồi vào cafeteria. Ở đây các em được nhà trường đãi nước cam và bánh ngọt. Tôi thấy sáng kiến sắp xếp cuộc diễn hành cuối cùng nầy thật tuyệt vời. Học sinh các lớp còn ở lại có dịp gặp tất cả các bạn ra đi. Trong cuộc diễn hành thằng bé Việt Long nhà tôi được dẫn đầu, phải chăng là vinh dự hạng nhất toàn trường? Không phải. Cu cậu họ Vũ, phải lãnh bằng sau cùng lại trở thành ngồi hàng đầu, tiến bước mở đường. Hai tay đút túi, cổ cháu đeo vòng hoa chiến thắng $4.99 bà nội mới mua. Đám con gái lục đục theo sau.
Học sinh lớp 6 tốt nghiệp phần lớn con gái cao lớn, trưởng thành hơn con trai. Càng về sau, qua trung học rồi lên đại học phe nữ giới thường bị con trai qua mặt. Nhưng bây giờ thì các cô bé diện đủ kiểu. Một vài anh con trai Ấn độ mặc đồ lớn. Nhiều em trai diện theo kiểu Mễ, thắt cà vạt mà áo lại bỏ ngoài quần.
Sang năm các em sẽ chuyển qua trường Middle High học thêm 2 năm rồi sẽ còn 4 năm chót qua bậc trung học.
Những ông già làm tài xế cho các cháu tiểu học không biết đường trường xa còn rong ruổi được bao lâu. Những đứa bé của trường tiểu học khu Evergreen vào mùa hè năm nay 2012 toàn là trẻ em sinh ra tại Mỹ. Đủ điều kiện để ra làm tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng ông bà nội ngoại vẫn hy vọng chống gậy 4 chân vào ngày cháu tốt nghiệp trung học. Còn khi cháu đăng quang làm tổng thống thì chờ đến kiếp sau. Tuy nhiên dù sao cháu có được tở giấy xanh với điểm trung bình trên 3.5 là khá rồi.
Thấy thằng cháu tốt nghiệp tiểu học với hơn 3 chấm 5 tưởng là ngon lành, nhưng đọc danh sách học sinh do hội PTA Việt Nam phát thưởng mới thấy con nhà người ta còn khá biết chừng nào. Hơn 100 em học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 có điểm trung bình 4 chấm. Một em thấp nhất là 3.8. Có em vượt chỉ tiêu lên đến 4.67.
Trong đó có một em gái Việt Nam thủ khoa của trường Evergreen năm nay sẽ đọc diễn văn tốt nghiệp Valedictorian. Năm 2012 này hội phụ huynh học sinh VN tại quận Santa Clara sẽ phát phần thưởng kỳ thứ 30. Quả là một thành tích bền bỉ và hết sức trân quý. Những học sinh lãnh phần thưởng từ hơn 20 năm qua ngày nay đã thành danh và trở thành các phụ huynh. Giòng đời trôi chảy. Ở đây không còn những giỏ xe đạp chở đầy hoa phượng đỏ. Chiếc xe cũ đậu bên lề đường ngày ngày ông già chở cháu đi học chỉ có hoa phượng tím lác đác phủ trên nóc xe.
Ông già HO khóa 5 dùng giấy ra trại làm vé tàu cho đám con qua Mỹ. Ngày Fathersday năm nay, chúng nó nhớ công ông già chở cháu đi học nên đã mua tặng ông món quà. Giấy gói mầu đỏ, mở hộp của hãng Sears thấy một bộ dụng cụ tune up xe còn mới tinh.
Còn cả giá tiền đại hạ giá 50%.
Còn về phần tôi, mới nghỉ hè được một tuần thì cô con dâu gọi điện thoại. Hôm nay con phải overtime, ông nội chuẩn bị đi đón cháu. Ông bèn lớn tiếng hỏi lại. Nghỉ hè mà đón gì? Con dâu đáp: Cả 2 đứa đều học hè. Khi gần hết hè thì tụi con đi Las Vegas. Gửi ông bà một tuần.
Hơn ba mươi năm làm công dân Mỹ, Anh ngữ của tôi chỉ còn biết nói hai chữ OK.
© Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt