Siết cổ miền Nam
Khúc quành cuộc chiến
Kissinger nói về việc Quốc hội Mỹ bỏ rơi miền nam Việt Nam trong Years of Renewal, trang 479. Ông đã dùng từ ngữ gợi hình “siết cổ” và cho biết Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng, người chỉ huy giai đoạn Tổng tấn công cuối cùng tại miền nam VN kể lại họ đã đưa một khối lượng lớn xe tăng, thiết giáp, hỏa tiễn, đại bác, phòng không vào Nam. Sự vận chuyển dễ dàng nhờ hệ thống đường xâm nhập chằng chịt, kỳ diệu mà Dũng ví như những sợi dây thừng to quấn quanh cổ, chân, tay của con quỉ từng ngày một, đợi lệnh xiết chặt kết liễu đời nó.
Ông cũng nói trong khi miền nam VN dần dần bị siết cổ, Hoa Thịnh Đốn không để ý tới nó vì chia rẽ nội bộ. Nhưng hơn bao giờ hết Hoa Thịnh Đốn đã chán vấn đề VN (Washington had grown tired of Vietnam). Trang 471, Kissinger nói Quốc hội cắt giảm viện trợ cho miền nam VN từ 1973 mỗi năm khoảng 50%, trong khi Hà Nội gia tăng xâm nhập cùng với xe tăng đại bác vào miền nam VN sau ngày ký Hiệp định Paris. Hoa Kỳ đã xiết cổ miền nam VN và làm tê liệt khả năng tự vệ của họ. Người ta không lấy làm ngạc nhiên tấn thảm kịch kết thúc với toàn bộ quân đội BV tràn ngập miền nam VN trong khi Hoa Kỳ đứng nhìn, tê liệt vì chia rẽ nội bộ.
Như mọi người đều biết, sau Hiệp định Paris Quốc Hội Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự VNCH dần dần khiến cho khả năng tự vệ của ta không còn và sụp đổ vào ngày 30/4/1975.
Ngược dòng thời gian, trận Mậu Thân 1968 trở thành một khúc quành quan trọng của cuộc chiến tranh VN cũng như cho cả Đông Dương. Mặc dù miền nam thắng lớn về quân sự, tài liệu Bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH cho biết BV đưa vào tổng cộng 84 ngàn cán binh vào trận đánh, 58 ngàn người bị giết, hơn 9 ngàn bị bắt, chạy thoát 16 ngàn tên, chưa tới 20%, tổn thất CS gấp hơn mười lần VNCH, cơ sở nằm vùng bị bại lộ. Tuy nhiên CSBV lại thắng lớn về chính trị, họ được món quà vô giá: Mẫu thân đã đẩy mạnh phong trào phản chiến lên cao, người Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến VN. Cuộc Tổng công kích đã khiến cho nhóm nghiên cứu của Bộ quốc phòng Mỹ đề nghị hạn chế can thiệp vào VN để thay thế bằng VN hóa chiến tranh
Nhiều nhà bình luận phía Mỹ cũng như VN đã nhìn nhận trận Mậu Thân đã khởi đầu một khúc quành bi đát cho số phận miền Nam. Phong trào phản chiến càng lên cao dữ dội hơn, hành pháp đã nghĩ tới hoà giải, Việt Nam hóa chiến tranh, rút quân về nước. … Hiển nhiên giới lãnh đạo Hà Nội đã đạt được một chiến thắng vô giá mà họ không dự định. Chúng ta đánh thắng một trận lớn nhưng ta thua cuộc chiến.
Trang 88 No More Vietnams, Nixon cho biết người dân Mỹ đã dành cho Johnson một khoảng thời gian nhất định để thắng CS tại Việt Nam. Gần bốn năm trôi qua, trận Mậu thân tháng 2/1968 đã khiến cho họ không còn kiên nhẫn vì quá mệt mỏi, người ta không cho chính phủ thêm thời gian để giải quyết cuộc chiến mà họ chỉ muốn rút bỏ Đông Dương.
Năm 1965, thời cao điểm của thuyết Domino, theo thăm dò gần 80% người dân Mỹ, các Thượng nghị sĩ, Dân biểu thế lực đều ủng hộ chính phủ đưa quân vào để cứu miền nam VN. Nhưng sau bốn năm, mặc dù quân tham chiến đã tăng hàng năm: 1965 có184,000 người, năm 1966 lên 385,000 người, năm 1967 lên 485,000 người, năm 1968 lên tới đỉnh cao 536,000 người.
Từ 1965 tới 1968, Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã không thắng được CS, số lính Mỹ bị giết ngày một tăng từ 1,863 người năm 1965 lên 6,143 người năm 1966 và 11,115 người năm 1967…Người dân không còn tin vào thuyết Domino như trước. Khi ủng hộ chính phủ đưa quân cứu miền nam VN người ta nghĩ nó sẽ được cứu với cái giá “vừa phải”, nay nó đã bị vượt quá lên trên 500 ngàn quân thì số người ủng hộ tụt thang nhanh chóng.
Sau trận Mậu Thân tháng 2/1968 số người chống chiến tranh tăng vọt, ngược lại số ủng hộ tụt thang nhanh chóng, người ta không còn tin chính phủ có thể thắng được cuộc chiến tranh Đông Dương. Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10/1968 giảm từ 42% xuống còn 37%. Những người chống chiến tranh cực đoan đã hô to những khẩu hiệu “Phải rút ra khỏi Đông Dương, Việt Nam ngay”
Những sợi dây thừng
TT Nixon (No More Vietnams trang 152) cho biết suốt mấy năm đàm phán CS Hà nội đòi những khoản chính như Mỹ rút đơn phương, thành lập chính phủ Liên hiệp, TT Thiệu phải từ chức, Mỹ cắt viện trợ quân sự kinh tế cho VNCH.
TT Nixon cũng cho biết:
Từ năm 1969 chúng tôi đã phải đương đầu với nguy cơ Quốc Hội ra luật chấm dứt chiến tranh. Các Thượng nghị sĩ và dân biểu phản chiến đang làm luật bắt chúng tôi rút hết quân để đổi lấy tù binh. Năm 1972 Thượng Viện đã thông qua dự luật này, tại Hạ viện số phiếu gần đủ. Chúng tôi đã tránh cho dự luật không thành hình vì đã tuyên bố rút quân nên khiến những người ủng hộ cuộc chiến đã thay đổi tình hình vì thấy rõ chính phủ đang dần dần chấm dứt sụ can thiệp- (No More Vietnams trang 142)
(Since 1969, we had been faced with the danger of Congress legislating an end to our involvement. Antiwar Senators and Congressmen had been introducing resolutions to force us to trade a total withdrawal of our troops for the return of our POWs. By 1972, the Senate was regularly passing these measures, and the votes in the House were getting close. We were able to prevent the passage of these bills only because our withdrawal announcements provided those whose support for the war was wavering with tangible evidence that our involvement was winding down – Page 142).
Khi Quốc Hội ra luật chấm dứt chiến tranh có nghĩa là họ thỏa mãn hai yêu cầu của BV: rút quân về nước, cắt viện trợ quân sự kinh tế VNCH. Khi bị cắt viện trợ quân sự miền Nam sẽ sụp đổ rất nhanh. Tại Hoa Thịnh Đốn, ngày 2/1/1973 Ủy ban bầu cử Dân Chủ tại Hạ viện bỏ phiếu nội bộ với 154 phiếu thuận và 75 chống để cắt hết viện trợ Đông Dương để lấy về tù binh và rút hết quân về nước. Sau này Kissinger viết Quốc hội đe dọa bỏ rơi đồng minh ở Đông Dương. Quốc hội khóa 93 dự định họp hôm sau để ra quyết định ngay sau khi ép Tổng thống Mỹ chấm dứt tất cả mọi hoạt động quân sự tại tại nam VN. Ngày 4/1 Ủy ban bầu cử Dân chủ Thượng viện thông qua nội bộ dự luật giống như tại Hạ Viện với 36 phiếu thuận, 12 phiếu chống. Dự luật chấm dứt chiến tranh đang tiến hành (Larry Berman No Peace No Honor trang 221)
Như vậy những năm 69, 72… Quốc hội đã ra luật hoặc dự định ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ miền nam VN để đổi lấy 580 tù binh còn bị Hà Nội giam giữ . Cuối tháng 11/1972, Tòa Bạch Ốc tiếp ông Nguyễn Phú Đức đại điện TT Thiệu, Nixon nói cho NP Đức biết ông đã bị các vị trưởng ban Thượng viện gồm John Stennis, Barry Goldwater và Gerald Ford … lưu ý nếu miền nam VN gây trở ngại hòa đàm, Quốc hội sẽ ra luật đổi lấy tù binh bằng rút hết quân, cắt viện trợ VNCH với tỷ lệ phiếu 2-1 tại Hạ Viện (Sách đã dẫn, trang 200).
Tiến sĩ Kissinger và Tướng Haig đã nhiều lần nhắc nhở ông Thiệu coi chừng nếu không chấp nhận Hiệp định miền nam VN sẽ bị Quốc Hội cắt viện trợ để đổi tù binh. Như vậy chủ trương cắt viện trợ quân sự miền nam VN đã manh nha từ 1969, 1972 không phải tới 1974, 1975 sau này họ mới siết cổ miền nam. Nixon kể lại (No More Vietnams, trang 169-70) đầu tháng giêng 1973 ông được biết Quốc hội sẵn sàng bỏ phiếu chấm dứt chiến tranh nếu Hành pháp không ký được Hiệp định ngưng bắn, các phụ tá của ông tiên đoán sẽ có thử thách lớn nếu Quốc Hội nhóm họp trở lại . Ngày 12/1/1973 Hạ viện Dân chủ bầu nội bộ với tỷ lệ 154 thuận, 75 chống để cắt hết viện trợ mọi hoạt động quân sự ở Đông Dương sau khi rút quân và lấy tù binh về. Nixon cho đấy là một cách đầu hàng hèn hạ nhất đối với những nhu cầu cấp thiết nhất của BV.
Khi Hiệp định chưa thành hình, Quốc hội không cắt viện trợ Đông Dương và VNCH vì sợ ảnh hưởng tới sinh mạng của lính Mỹ còn đóng tại đây, nhưng sau khi ký Hiệp Định, họ trở mặt rất nhanh và bắt đầu xiết cổ miền nam VN từ từ. Hạ Viện Mỹ 1972 Dân chủ chiếm đa số 242 ghế, Cộng Hòa 192 ghế, đảng nọ phá đảng kia, Dân Chủ chống đối chiến tranh VN rất mạnh, nó nắm giữ túi tiền, họ nắm đằng chuôi. Trước hết họ cắt giảm quân viện xương tủy mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (theo Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471).
Tại Hạ viện những năm 1968, 1970, 1972 đảng Dân chủ luôn chiếm đa số
Năm 1968 Dân chủ 243 ghế (55.9%), Cộng Hòa 192 ghế (44.1%)
Năm 1970 Dân chủ 255 ghế (58.6%), Cộng Hòa 180 ghế (41.4%).
Năm 1972 Dân chủ 242 ghế (55.6%), Cộng Hòa 192 ghế (44.2%)
Dân chủ có chính sách đối lập với Cộng Hòa hiện đang làm chủ Tòa Bạch Ốc từ năm 1969, họ chống chiến tranh ngày càng mạnh hơn và được phong trào phản chiến ủng hộ rất nhiều.
Chính phủ Nixon ngày một yếu hơn vì bị Quốc hội chống đối, theo Kissinger (Years of Renewal trang 469) Nixon cho đường lối Dân chủ lật đỏ chính phủ đồng minh là không có đạo đức trong khi phong trào phản chiến cho Nixon là trở ngại hòa bình.
Trước ngày 27/1/1973, Nixon nghĩ nếu ông mang lại hòa bình, đem quân về nước và lấy lại được tù binh thì phong trào phản chiến sẽ không chống đối. Trái với niềm mong đợi, sau khi ký Hiệp định họ lại chống đối mạnh hơn trước
(I thought their opposition to our policy would end with the war end. Instead, it increased- No More Vietnams, p. 182).
Hết chống chiến tranh nay họ quay ra chống thi hành cưỡng bách Hiệp định và chống Nixon qua vụ Watergate, ông thú nhận ngay từ năm 1973 bị bất lực trước áp lực của Quốc hội
“Khả năng trừng phạt Bắc Việt tiêu tan thành mây khói cuối tháng tư 1973. Không phải tôi nản chí, tôi muốn trả đũa, nhưng sự ủng hộ của quốc hội ngày một yếu. Mỗi lần tôi đề cập tới trả đũa thì một làn sóng phản đối nổi lên tại Quốc hội, mỗi lần nhắc lại thì họ còn phản đối mạnh hơn nữa.
Tháng 5, tôi không còn đủ khả năng kiếm đủ số phiếu để yểm trợ cho những lời hăm doạ của tôi bằng vũ lực và Quốc hội trong bất cứ trường hợp nào đã tước đoạt quyền hạn để hành động của tôi.”
No More Vietnams, trang 178
Từ tháng 4/1973 vụ Watergate ngày càng nặng hơn, Quốc hội thù nghịch, phong trào phản chiến, đảng Dân chủ…đều nhận thức Nixon là trở ngại cho hòa bình mặc dù đã ký kết Hiệp định. Họ thừa biết Nixon và Kissinger đã chuẩn bị kế hoạch đối phó với sự vi phạm của Hà Nội, sẽ trả đũa nặng nề bằng sức mạnh của không lực Mỹ cũng như sự tiếp tục ủng hộ giúp đỡ Đông Dương . Nếu còn Nixon thì không thể có hòa bình thực sự.
Hòa bình theo chủ trương của Dân chủ, của Quốc hội thù nghịch và phong trào phản chiến có nghĩa là chấm dứt mọi sự yểm trợ quân sự cho Đông Dương bao gồm cắt viện trợ, không cưỡng bách thi hành Hiệp định. Rõ ràng là đường lối của họ bỏ rơi Đông Dương đấu hàng Cộng Sản như Kissinger nói trong Years of Renewal, trang 471
“Không trừng phạt vi phạm thì thỏa hiệp ngưng bắn chỉ là đầu hàng trá hình
(Without a penalty for violations, a cease-fire turns into a subterfuge for surrender)”
Nixon cũng nói tương tự
“Ngày 2 /1/1973 khối Dân chủ Hạ viện bầu nội bộ với tỷ lệ 154-75 để cắt hêt viện trợ cho mọi hoạt động quân sự ở Đông Dương vừa khi đã đưa quân về nước và lấy lại tù binh. Đó có thể là cách đầu hàng hèn hạ nhất đối với nhu cầu cấp thiết nhất của BV. Hai ngày sau, bầu cử nội bộ Dân Chủ Thượng Viện cũng thông qua dự luật tương tự tỷ lệ 36-12”
No More Vietnams trang 168
Tháng 6/1973 Quốc hội từ chối cấp ngân khoản cho Nixon mở chiến dịch oanh tạc Khmer đỏ để yểm trợ chính quyền Lon Nol, họ còn bắt đầu soạn tu chính án cấm mọi ngân khoản dành cho việc xử dụng không quân cũng như các hoạt động quân sự khác tại Đông Dương. Nixon miễn cưỡng phải ký thành luật ngày 30/6, có hiệu lực ngày 15/8/1973. Theo đó nay không còn ngân khoản nào dùng trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động quân sự tại Mên, Lào, Bắc và Nam VN hay ngoài khơi Mên, Lào, Bắc, Nam VN. Nixon coi như thực sự không còn quyền hạn để gìn giữ hoà bình tại VN.
Ngoài ra tháng 11/1973 Quốc hội lại ban hành luật War Powers Act, tên chính thức là War Powers Resolution để hạn chế quyền Tổng thống, nó qui định Tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc hội trước khi tham chiến.
Trong vụ đặt máy nghe lén đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate Nixon bị báo chí, Quốc hội chống đối dữ dội. Giữa năm 1974 Hạ viện ra những điều khoản để tố cáo, đàn hạch Tổng thống như cản trổ Công lý, lạm dụng Quyền lực. Ngày 8/8/1974, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ Tổng thống Richard Nixon tuyên bố từ chức.
Vụ tai tiếng Watergate đã mang lại thắng lớn cho đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 4/1/1974, họ lấy thêm được 49 ghế, trong đó 48 ghế là của đảng Cộng Hòa và làm tăng thêm khối đa số của họ lên hơn hai phần ba tổng số Hạ Viện.
Nay Dân chủ tại Hạ Viện chiếm 291 ghế hay 66.9%, Cộng Hòa chỉ còn 144 ghế hay 33.1%. Cuộc bầu cử này chính là bản án tử hình cho miền nam VN, cho cả Đông Dương. Những đảng viên Dân chủ mới vào Hạ Viện kỳ này đại đa số chống chiến tranh Đông Dương hăng hái.
Kissinger nói.
“Một sự thúc đẩy mới thêm vào khi đảng Dân chủ thắng lớn trong kỳ bầu cử Hạ Viện 1974. Nó đã mang một khối những dân biếu mới tới Hoa Thịnh Đốn mà Lịch Chính Trị Mỹ 1978, The Almanac of of American Politics, 1978 đã coi nó như một khu vực chính trị trong đó việc chống chiến tranh Việt Nam là động cơ áp đảo nhất.
Chỉ mới hai năm trước trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1972, George McGovern đã bị đại bại trong khi đối thủ thắng cử lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ về vấn đề Vietnam. Trong cuộc bầu cử 1974, những người ủng hộ xa xưa của ông nay đạt thắng lợi trong vấn đề Watergate và xuất hiện trên một vị thế để đảo ngược quyết định về Vietnam của những cử tri trước đây”
Years of Renewal, trang 479
Sự thất bại nhục nhã của Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1972 đã khiến họ vô cùng cay đắng. Nixon thắng 66.7% số phiếu phổ thông, hơn McGovern 18 triệu phiếu . Cộng hòa đã thắng tại 49 tiểu bang, điểm cử tri đoàn là 520 so với 17 của Dân chủ. Nixon đã đem quân về nước, lấy tù binh, không bỏ rơi đồng minh, hòa được với Nga, bang giao với Trung Cộng…
Sau khi thắng lợi qua Watergate, đánh đổ chính phủ Nixon, đảng Dân chủ thừa thắng tiến lên dành thắng lợi mới trong cuộc bầu cử Hạ Viện và có thừa điều kiện để trả thù Cộng hòa về vấn đề Việt Nam. Họ đi ngược lại hoàn toàn chính sách của Nixon, chống chiến tranh Việt Nam tới cùng, xiết cổ đồng minh dần dần không thương tiếc.
Hậu quả của cắt giảm viện trợ khiến cho Quân đội VNCH lâm vào tình trạng thiếu thốn tiếp liệu đạn dược. Ông Cao Văn Viên trong Những Ngày Cuối VNCH trang 86, 87 cho biết không quân phải giải tán 200 phi cơ các loại chiến đấu, vận tải, thám thính…nay chỉ cung ứng 50% yểm trợ hỏa lực so với giai đoạn 1973-1974. Trực thăng vận bị cắt giảm 70%, các hoạt động hải quân bị cắt giảm 50%, tại sông ngòi chỉ còn 28%, giải tán 600 giang thuyền. Từ trang 89 tới trang 94 tác giả đề cập vấn đề đạn dược tiếp liệu, từ tháng 8/1974 tới tháng 2/1975 quân đội chỉ sử dụng 19,808 tấn đạn hàng tháng chỉ bằng 27% so với 73,356 tấn dùng hàng tháng trong thời gian trước đó. Hỏa lực đã giảm 70%, trang 92 tác giả cho biết đạn tồn kho các loại súng tháng 2/1975 chỉ còn đủ xài cho một tháng.
Cuối 1974 sau trận Thượng Đức, một sĩ quan cao cấp quân đội BV cho biết quân đội miên Nam đã suy yếu rõ rệt, thiếu phi cơ vận chuyển, sĩ quan này cho biết CSBV nay mạnh hơn đối phương. Hà Nội phân tích về hậu quả của cắt giảm quân viện tại miền nam VN.
Theo Kissinger tháng 1/1975 báo Học tập cùa CS viết.
“Hỏa lực và sự di động của quân Ngụy giảm mạnh trong quí ba 1974, hỏa lực pháo binh hàng tháng của quân Ngụy giảm ba phần tư (3/4) so với 1973. Số phi vụ chiến thuật hàng ngày của Ngụy giảm chỉ còn một phần năm (1/5) so với năm 1972. Số máy bay Ngụy so với thời ký chiến tranh trước đây giảm 70%, trực thăng giảm 80%…Kho bom đạn Ngụy giảm mạnh và gặp nhiều khó khăn về tiếp liệu, bảo trì, sửa chữa các loại máy bay, xe tăng, tầu thuyền, vũ khí nặng
Years of Renewal, trang 480
Dưới thời TT Nixon, chính phủ đã đề nghị Quốc hội cấp 1 tỷ 4 viện trợ quân sự cho miền nam VN, Ủy ban quốc phòng Thượng viện do Nghị sĩ John Stennis làm chủ tịch cắt bớt còn 1 tỷ, nay dưới thời TT Ford Ủy ban chuẩn chi Thượng viện do Nghị sĩ John McClellan làm chủ tịch cắt 300 triệu còn 700 triệu (Years of Renewal trang 472).
Vài tuần sau khi Ford lên nhậm chức thay Nixon, ông Thiệu cử Tổng trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc đi Hoa Kỳ hạ tuần tháng 9/1974 để vận động xin 300 triệu quân viện bổ túc để phục hồi 1 tỷ như cựu TT Nixon đã ký trước đây.
Ngày13/12/1974 Cộng quân mở cuộc tấn công qui mô Phước Long tới ngày 7/1/1975 họ làm chủ hoàn toàn thị xã. Mấy tuần sau, ngày 24 và 25 tháng 1/1975 TT Thiệu gửi hai bức thư cho TT Ford phản đối CSBV tấn công chiếm Phước Long vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris. Ông Thiệu diễn tả cuộc tấn công này của địch rất qui mô hùng hậu bằng hỏa lực mạnh và thiết giáp. Trái lại quân đội miền nam VN đã phải đếm từng viên đạn pháo để tiết kiệm để còn đạn sử dụng.
(He described the intensity of the North Vietnamese attacks, backed by the “massive application of fire power and armor”. By contrast, the South Vietnamese troops “had to count every single shell they fired in order to make the ammunition last” – Years of Renewal, p. 490)”.
Mặc dù ban tham mưu tòa Bạch Ốc chống đối việc xin viện trợ này nhưng TT Ford và Kissinger vẫn tiếp tục chính sách của Nixon ủng hộ đồng minh VNCH. Theo lời kể của Kissinger trang 490 sách kể trên, bức thư của ông Thiệu đã khiến TT Ford vượt qua chống đối của ban Tham mưu, ông đã họp với các vị Trưởng ban Quốc hội ngày 28/1/1975 cho họ biết BV nay rất mạnh trong khi miền nam VN thiếu thốn nhiều về đạn dược tiếp liệu. Ông nói cho Quốc hội biết ông đã nói với VNCH nước Mỹ chỉ có thể gửi các phương tiện chiến đấu để họ tự vệ như đã ghi trong Hiệp định.
TT Ford cũng cho Nội các và nhiều viên chức thân cận biết đã lập hồ sơ đưa Hạ Viện để xin quân viện bổ túc cho Đông Dương, ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ mạnh dạn yểm trợ yêu cầu này. Ford cũng yêu cầu các cộng sự viên của ông hãy ủng hộ khoản viện trợ này vì nó là vấn đề sinh tử và hợp lý .
Với các vị trưởng ban tại Quốc hội, Hành pháp nhấn mạnh nếu ta không làm đầy đủ thì coi như chẳng làm gì cả. Chẳng lẽ ta từ bỏ tất cả những hy sinh ta đã làm trước đây, ta đã hy sinh hơn 55 ngàn người, hy sinh tiền của để rồi không cấp đủ phương tiện cho họ tự vệ. VNCH đồng ý chiến đâu một mình trên căn bản ta cung cấp cho họ phương tiện chiến đấu, họ vẫn còn cơ hội, họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Lá bài duy nhất để cứu miền nam là xin viện trợ bổ túc nếu không Sài Gòn sẽ sụp đổ, nhưng nếu viện trợ bổ túc kéo dài cũng không cứu vãn tình hình được. Ai cũng biết con số 300 triệu không đủ nhưng nó tránh được các thủ tục vì nay chỉ xin lại khoản đã bị Ủy ban chuẩn chi Hạ viện cắt mà thôi.
Quốc hội lãnh đạm với những lời kêu gọi của TT Ford do Kissinger biên soạn. Thượng nghị sĩ trưởng khối đa số Mansfield giải thích rằng ông bỏ phiếu chống viện trợ vì bạn (tức lính chiến) của chúng ta hiện ở đây, không còn ở Á đông. Phát ngôn viên Hạ Viện Carl Albert trước đây hay ủng hộ chính phủ nay phát biểu:
“Tôi không nói tôi sẽ làm gì nhưng khi tất cả mọi người ở đây chống lại ông thì ông làm gì được?” (Years of Renewal trang 491).
Thượng nghị sĩ Jackson cho biết năm ngoái ông bỏ phiếu cắt 300 triệu này và năm nay ông không ủng hộ việc trả lại khoản này. Vấn đề cuộc chiến VN không thể giải quyết bằng cấp thêm 300 triệu về đạn dược.
Hố cách biệt giữa Quốc Hội và Hành pháp khó mà bắc cầu qua được. Khoản viện trợ này cần phải được chấp thuận từ tháng 3/1975, chậm trễ sẽ khiến Quân đội VNCH mất tinh thần vì thiếu thốn tiếp liệu đạn dược, tử thương lên cao. Khi Quốc hội tỏ ra thờ ơ với khoản viện trợ bổ túc, Hà Nội biết là chắc ăn trong chiến dịch tổng tấn công sắp tới. Quốc hội càng xa lánh VN, Sài Gòn ngày càng mất tinh thần, Sài Gòn càng yếu thì Quốc hội càng chống đối và nhấn mạnh ở việc chấm dứt chiến tranh, đó là cách nói bóng bẩy thực ra chỉ là “xiết cổ đồng minh” của chúng ta.
(the more congressional oppposition insisted on the need to “end the war” – its euphemism for strangling our allies – Sách kể trên, trang 493).
Những người chống viện trợ nói chính phủ tìm giải pháp chính trị hơn là quân sự nhưng thực tế cho thấy Hà Nội không bao giờ đếm xỉa tới ngoại giao mà chỉ có quân sự, nếu ta không có sức mạnh thì không thương thuyết gì với họ được. Trong khi Hà Nội chọn giải pháp chiến thắng quân sự tại miền nam, Hoa Thịnh Đốn vẫn bàn vu vơ về số tiền viện trợ 700 triệu cho VNCH, thật ra nó chỉ bằng 1/4 của năm 1973.
Ngày 20/1/1974 Bullington, viên chức ngoại giao đặc trách về VN sau khi viếng Sài Gòn cho biết 300 triệu không thấm gì, không đủ thay thế sửa chữa các cơ phận. Nếu không được cấp thêm thì miền nam không hy vọng tồn tại. Theo Kissinger khi Hà Nội tấn công Phước Long ồ ạt, Quốc hội không tỏ phản ứng, không thấy họ tỏ sự quan tâm nào về viện trợ bổ túc cũng như một hình thức giúp đỡ nào, Kissinger cũng cho biết may mà có người trong hành pháp chia xẻ quan điểm cơ bản với ông, người đó chính là TT Ford, rút lại chỉ còn Ford và Kissinger còn nghĩ tới việc yểm trợ đồng minh.
Dưới áp lực truyền thông và Ban Tham mưu khuyên nên từ bỏ VN và từ bỏ Kissinger. Ford bị các đồng viện cũ từ chối ủng hộ nhưng ông vẫn bình tĩnh và kiên quyết nhưng cả hai Ford và Kissinger đều bất lực để ngăn cản bước tiến của CSBV. Hành pháp gửi văn thư kêu gọi Moscow, Bắc Kinh, Hội đồng Bảo an và phản đối với 11 phe, nước đã ký bảo đảm Hiệp định Paris nhưng không có hiệu quả gì. Chính phủ gửi thư cho những nước tham dự hòa đàm không phải VN và bốn nước trong Ủy ban quân sự bốn bên kiểm soát đình chiến Canada, Hungary, Ba Lan, Nam Dương nhưng chỉ được vài nơi trả lời mơ hồ, họ chán chiến tranh VN, đa số thầm lặng.
Những người lớn tiếng to mồm tại Quốc hội và giới truyền thông tạo ra cuộc tranh luận và chống đối dữ dội những ý kiến đối lập. Họ chống liên hệ, chống giúp đỡ đồng minh VN, cuộc chống đối lên tới đỉnh cao, họ mở chiến dịch qui mô chống lại việc cấp phương tiện tự vệ cho các nước Đông Dương Việt, Mên Lào. Số báo Los Angeles Times ngày 6 tháng 3/1975 không những kêu gọi bỏ viện trợ bổ túc mà còn đề nghị cắt bỏ thật nhiều số viện trợ 700 triệu đã được chấp thuận từ trước.
Họ lý luận ta cần phải đặt mức độ viện trợ cho miền nam VN để khuyến khích Nguyễn Văn thiệu theo đường lối chính trị hòa giải và nhân nhượng chứ không phải để khuyến khích ông ta củng cố chế độ cá nhân của ông ấy.
Họ ngụy biện cho việc xiết cổ đồng minh đang cần giúp đỡ.
Quốc hội Mỹ trì hoãn viện trợ, thượng nghị sĩ Humphrey đề nghị cử một phái đoàn Quốc hội đi thăm Sài Gòn để được trợ giúp chính xác hơn , thực ra họ để cho Sài Gòn từ từ tắt thở. TT Ford ngờ vực đó chỉ là cách từ chối khéo. Cuối cùng một thượng nghị sĩ và bẩy dân biểu tới Sài gòn quan sát vào đầu tháng 3/1975 nói là để thẩm định tình hình trước khi khi quyết định bỏ phiếu, sự thực họ chỉ làm mất thì giờ vô ích trong khi VNCH đang ngắc ngoải. Họ rời Sài Gòn thì Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột ngày 10/3, mấy ngày sau 13/3 khi BV chiếm được Ban Mê Thuột, Quốc hội Mỹ mà đa số là Dân chủ phản chiến đã chống mọi hình thức viện trợ cho miền nam VN.
Một ngày sau khi mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu bay ra Cam Ranh họp các Tướng Cao Văn Viên, Trân Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Phạm Văn Phú để bàn kế hoạch triệt thoái Cao nguyên rút về Tuy Hòa theo đường số 7. Cuộc triệt thoái bị Cộng quân truy kích gây thiệt hại nặng, tới cuối tháng 3/1975, một phần vì kế hoạch tái phối trí sai lầm của TT Thiệu, một phần vì hỏa lực yếu kém của VNCH do cắt giảm viện trợ đã khiến cho cả hai Quân khu tan rã trong vòng hai tuần lễ.
Siết chặt lần cuối cùng.
VNCH mất hai Quân khu Một và Hai, mất luôn hai Quân đoàn Một và Hai trong hai tuần lễ từ 14/3 tới 30/3/75. Ta mất 5 Sư đoàn bộ binh (22, 23, 1, 2, 3), 11 liên đoàn Biệt động quân, mất gần hết 2 Sư đoàn tổng trừ bị, vũ khí đạn dược coi như mất hết.
Kissinger và Ford đã cử Tướng Weyand, Tham mưu trưởng tới Sài Gòn để thẩm định tình hình quân sự trong một tuần kể từ 28/3/1975, ông trở lại Hoa Kỳ ngày 4/4/1975. Weyand đề nghị cho oanh tạc bằng B-52 trở lại và đồng thời xin viện trợ khẩn cấp722 triệu cho quân đội VNCH, điều xin tái oanh tạc sẽ trái luật, khoản viện trợ trên đây rất lớn trong khi kinh tế đang suy thoái và chỉ có một ít người tin là có thể giúp VNCH cầm cự được.
Tướng Weyand cũng như Kissinger dù không tin là Quốc hội có thể cấp cho khoản tiền lớn này nhưng cũng đề nghị TT Ford đưa ra Quốc Hội để giữ uy tín cho Hoa Kỳ trên thế giới, chứng tỏ Hoa Kỳ không bỏ rơi Đồng minh.
“Ít ngày sau dân biểu Whitten thuộc tiểu bang Mississipi đã hỏi Tướng Weyand
“Đề nghị của ông dựa trên cơ bản nào trừ việc chỉ làm cho có hình thức, khi chúng ta đều biết chắc là sắp thua rồi?.
Tướng Weyand trả lời: “Thưa ông, cái cách mà chúng ta làm hay cái hình thức như ông nói nó cũng quan trọng như thực chất của vấn đề vậy”
Walter Isaacson, Kissinger A Biography trang 641.
Kissinger phản đối đề nghị xin tái oanh tạc của Weyand vì sợ người dân chống đối, xuống đường biểu tình. Đa số cố vấn của TT Ford đều chống đối đề nghị xin viện trợ trước bầu không khí phản chiến của Lập pháp. Vả lại năm 1974, 1975 kinh tế Mỹ bị suy thoái nặng, tỷ lệ thất ghiệp cuối năm 1974 lên 7.1, đầu năm 1975 lên 8.1 càng khiến cho việc xin cấp viện trợ thật mong manh.
Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger cũng chống xin viện trợ, ông cho là tình hình miền nam VN nay không hy vọng gì. Kissinger đồng ý tình hình không thể cứu vãn nổi nhưng cho rằng đề nghị xin Quốc hội viện trợ 722 triệu là để cứu vãn danh dự cho Hoa Kỳ. Ford đồng ý mặc dù không nhiệt tâm lắm.
Ngày 10/4/1975 Ford ra Quốc hội xin 722 triệu, Kissinger soạn diễn văn cho Tổng thống, có ý chỉ trích Quốc hội đã hủy hoại Hiệp định Paris. Tại Quốc hội không khí tiếp đón lạnh nhạt, không có có ai vỗ tay. Khi Tổng thống ngỏ lời xin viện trợ thì có hai dân biểu Dân chủ bỏ ra khỏi phòng họp. Quốc hội lẫn người dân đều không ai còn muốn ủng hộ cuộc chiến tranh VN, chỉ có TT Ford và Tiến sĩ Kissinger là hai người cuối cùng của guồng máy chính quyền còn muốn cứu miền nam VN.
TT Ford yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu và ấn định thời hạn 10 ngày để Quốc hội biểu quyết vì tình hình cấp bách của VNCH. Như Kissinger đã nói, việc đưa ra Quốc hội ngân khoản này chỉ để cứu vớt chút uy tín cho Hoa Kỳ, chứng tỏ cho thế giới biết người Mỹ vẫn hết lòng để cứu Đồng minh. Chính Kissinger cũng như Ford đều đã biết rõ thực trạng tình hình chống chiến tranh VN của Lập pháp.
Ngày 18/4/1975 ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu Mỹ kim đã bị Quốc hội bác bỏ, Sư đoàn 18 rút bỏ Xuân lộc ngày 20/4. Hôm sau 21/4 /1975, TT Thiệu từ chức. Cộng quân dốc toàn lực gần 20 Sư đoàn bao vây Sài Gòn với hỏa lực áp đảo . Quân đội VNCH thiếu hụt nhân sự, đạn dược tiếp liệu kiệt quệ hầu như bất lực trước sức tấn công của địch và sụp đổ ngày 30/4/1975.
Nhiều người Mỹ và cả người Việt Quốc gia cho rằng TT Thiệu sai lầm trong kế hoạch tái phối trí lực lượng để mất miền Nam, thậm chí một vị Tổng thống Hoa Kỳ gần đây còn cho rằng VNCH thua trận vì họ không chịu đánh chỉ chờ Mỹ đánh dùm!! Sự sai lầm của ông Thiệu khiến nhiều người Mỹ nhân cơ hội đổ trách nhiệm cho miền Nam đã gây lên tấn thảm kịch 30/4/1975.
Nay sự thật đã rõ ràng, sự sai lầm của TT Thiệu chỉ là nguyên nhấn gần, thực ra như đã nói ở trên ngay từ 1969, 1972 Lập Pháp Mỹ đã quấn dây thừng định xiết cổ Đông Dương nhưng chưa thực hiện được. Dần dần đảng Dân chủ phản chiến ngày càng củng cố quyền lực tại Quốc hội, họ ngày càng thắt chặt sợi dây thừng quấn quanh chân tay, mình nạn nhân từ 1973 bằng biện pháp cắt giảm quân viện dần dần.
Theo bản tin của BBC.com ngày 10/5/2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15/4/2006. Trong số các bài đọc ở hội thảo, tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch sử Quân sự Cộng sản Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến. Giai đoạn 1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí, số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.
Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) CSBV đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Thàng 12/1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, sau đó Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng kế tiếp. Nga khuyến khích BV gây hấn.
Tại chính trường cũng như trên toàn nước Mỹ trước ngày TT Nixon từ chức 8/8/1974, số người ủng hộ cuộc chiến chỉ còn đếm trên đầu ngón tay ngoài Nixon, Kissinger và một vài một vài phụ tá thân cận. Vào những ngày cuối cùng của miền nam VN, khi mà người Mỹ đã chán ngấy cuộc chiến sa lầy, chỉ còn hai người có chút tình với sự tồn tại của người bạn đồng minh, quanh quẩn chỉ có Ford và Kissinger. Ngay cả Nội các, Cố vấn, Phụ tá… cũng đã can ngăn Tổng thống đừng dính dáng vào cuộc chiến VN.
Quốc hội đã biết rõ lực lượng CSBV rất hùng hậu nhưng họ vẫn cắt giảm viện trợ miền Nam cho tới khi bị đối phương đè bẹp. Những sợi dây thừng quấn quanh cổ miền nam VN từ 1973, 1974 không phải của Văn Tiến Dũng, của Hà Nội mà chính của Lập pháp Hoa Kỳ. Từ sau Hiệp định Paris, sợi dây thừng trói chân tay miền nam VN dần dần xiết chặt qua các đợt cắt giảm quân viện 1973, 1974, 1975, cuối cùng qua bác bỏ các khoản viện bổ túc tháng 3/1975, viện trợ khẩn cấp tháng 4/1975.
Khi ấy sợi dây thừng đã siết cổ xong nước Việt Nam Cộng Hòa
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
—————————————
Tài Liệu Tham Khảo
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Walter Isaacson: Kissinger A Biography Simon & Schuster 1992.
Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam-The Free press 2001
Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985
Marvin Kalb and Bernard Kalb: Kissinger; Little, Brown and company 1974
Robert Dallek: Partners In Power, Nixon and Kissinger – Harper Collins publishers 2007
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985
Stanley Karnow: Vietnam, A History, A Penguin Books 1991
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006
Ông Le Binh có vẽ hậm hực TT Thiệu của Tui. Không biết TT Thiệu có là TT của Le Binh không nhẩy? Tui xin trả lời những thắc mắc của ông Le Binh
1- Tướng Trần Văn Nhật tuyên bố TT Thiệu mua chuộc Quốc Hội để sửa đổi Hiến Pháp. Điều nầy chưa xãy ra. Không thể kết luận khi nó đã chưa xãy ra và chỉ nghe một anh dấm dớ nào đó nói.
2- Để cho tình báo VC Vũ Ngọc Nhạ làm cố vấn. Vũ Ngọc Nhạ sau cùng thì lộ tẩy và xộ khám. Trong cuộc chiến Nam -Bắc rất khó để phân biệt chính tà. VNCH cũng đã gửi rất nhiều gián điệp vào nội tình Miền Bắc nhưng VNCH thất trận nên những gián điệp của VNCH ngu gì mà xuất hiện. Chắc chắn cuộc chiến tình báo vẫn còn tiếp diễn. Le Binh có chắc là không có gián điệp Miền Nam trong chính phủ Miền Bắc. Nên đọc những quyển hồi ký của các Biệt kích VNCH nhất là Gián điệp Đặng Chí Bình. Chuyện gián điệp trà trộn vào chính quyền không có gì là lạ. Liên Xô và Mỹ đã khám phá bao nhiêu là gián điệp địch trà trộn vào các cơ quan công quyền. Nga Mỹ dở chăng?
3- Ông Le Binh phê bình VNCH nhà nghèo mà đánh giặc theo kiểu nhà giàu. Điều nầy chứng tỏ Le Binh chả biết gì về chiến thuật chiến lược cả. Cái đó danh từ chuyên môn là diện địa. Diện địa cần tính di động nhanh của Quân đội. Trước đây tính di động của QLVNCH rất nhanh với hai Sư Đoàn Tổng trừ bị : Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cùng hằng mấy chục Liên Đoàn Biệt Động Quân. Khi tình thế đòi hỏi Không Quân VNCH và Không Quân Hoa Kỳ rất nhanh chóng chuyển quân đến mặt trận. Năm 1968 những Tiểu đoàn TQLC và Nhảy Dù, BDQ đang chiếm lại từng khu phố tại Sài gòn thì cũng những Tiểu đoàn nầy đã được không vận đến Huế đến Kontum Pleiku hoặc nhiều nơi khác sau đó để lần hồi đánh bật cộng quân ra khỏi thành phố. Năm 1972 , các cuộc không vận đã đưa Liên Đoàn 81 BK Nhảy Dù, các Lữ Đoàn Dù ,sau khi chiếm lại An Lộc, đã được đưa ra Quảng Trị cùng TQLC để tái chiêm lại Cổ Thành Quảng Trị. Không có ai ngu gì mà đem quân đến ở Chiến khu C, D, mật khu Tam giác sắt, Mây Tao.. Phần đông đại quân của CSBV đóng bên Lào bên Miên cho an toàn. Năm 1975 Khi viện trợ bất ngờ bị cắt do Quốc Hội Hoa Kỳ thì đâu còn trải mỏng trải dầy gì nửa. Ngay cả TT Nixon hay TT Ford còn chưa biết được đến năm 1975 sẽ cắt hoàn toàn viện trợ huống gì TT Thiệu.
4- Nói rằng TT Thiệu hèn nhát trốn ra khỏi nước trước khi Miền Nam bị sụp đổ là nói lấy được. Khi từ chức để hy vọng VNCH được Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ. TT Thiệu hơn ai hết biết rằng sống trong Dinh Độc Lập an toàn hơn bất cứ nơi nào khác. Dinh Độc Lập có Liên Đoàn phòng vệ Phủ TT không dễ gì vô được. Thế nhưng VC lúc nào cũng đòi hỏi ông Thiệu phải từ chức phải đi khỏi VN vì Chính phủ Thiệu không có Thiệu và đại sứ Martin cũng đề nghi TT Thiệu ra khỏi nước , còn dọa rằng nếu TT Thiệu không chịu từ chức thì các Tướng lảnh sẽ đảo chánh, ngay cả TT Hương cũng không muốn TT Thiệu ở trong nước rất khó cho TT Hương làm việc cho nên mới có việc TT Hương ký sắc lệnh cho Ông Thiệu đại diện TT VNCH T V Hương đi dự tang lễ TT Tưởng Giới Thạch. Những hình ảnh như An Lộc còn đang ngập tràn mùi thuốc súng. TT Thiệu đã đáp trực thăng vào thăm viếng ủy lạo ban thưởng binh sĩ trong khi CSBV vẫn pháo kích vào An Lộc. Hình ảnh TT Thiệu đến gắn lon Chuẩn Tướng cho Dại Tá Lý Tòng Bá và thăm binh sĩ tại Kontum hay ngất ngưởng ngồi trên xe Jeep tại cổ thành Quảng Trị giữa tiếng pháo đì đùng của Cộng quân hay đầu năm 1974 đã đến ngay đồn Biên Phòng Đức Huệ khi LLXKQDIII của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi vừa đánh bại Sư Đoàn 5 CSBV đủ nói lên cái hào khí của một TT xuất thân từ một người lính hiện dịch. Tại sao CSBV cứ đò TT Thiệu phải từ chức vì theo binh thư không ai thay ngựa giữa dòng sông . CSBV tin rằng nếu ép buộc TT Thiệu từ chức thì chiến tha9′ng trong tầm tay. Điều nầy rất đúng .
Hãy cho tui biết ai là người có tài hơn TT Thiệu có thể cứu vãn sự thất bại của VNCH khi viện trợ không còn nữa. Không ai đổ thừa cho MỸ. Chỉ nêu lên một sư kiện lịch sử nguyên nhân thất trận của VNCH. Khi chiến lược ngăn chận làn sóng đỏ của Hoa Kỳ không cần thiết nữa (khi HK đã bắt tay cùng Tàu Cộng) thì chỉ còn mỗi VNCH đơn thương độc mã không tiền, không vũ khí đạn dược giữa bầy hổ đói là khối CS quốc tế thì chúng tôi còn làm gì được nữa. Xin lỗi ông Le Binh chúng tôi không thể chiến thắng cuôc chiến chỉ có từ huề đến thua mà thôi.
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu
Gặp thời thế thế thời phải thế
Trích: “Hòa bình theo chủ trương của Dân chủ, của Quốc hội thù nghịch và phong trào phản chiến có nghĩa là chấm dứt mọi sự yểm trợ quân sự cho Đông Dương bao gồm cắt viện trợ, không cưỡng bách thi hành Hiệp định.”
Qua những chi tiết trong bài này thì chính quyền Nixon ký hiệp định Ba Lê để dàn xếp việc rút lính Mỹ và đồng thời tiếp tục bảo vệ miền Nam trước sự tấn công của khối Cộng Sản. Còn những người phản chiến thì chỉ muốn ngưng chiến tranh. Trong số những người muốn ngưng chiến tranh, có những người lúc nào cũng phản đối chiến tranh, ngày nay họ phản đối việc đem quân qua Afghanistan, đem quân qua Iraq… nhưng cũng có người vì lý do quyền lợi, họ thuộc nhóm lợi ích khác, không muốn nhóm tư bản có lợi nhờ chiến tranh được lợi mãi, cũng có người ngây thơ, nghĩ rằng chế độ XHCN là tốt, Mỹ đem quân giữ miền Nam trong khu vực tư bản là xấu.
GÓP Ý 2
Cách đây khoảng một tuần anh bạn hàng xóm của tôi, vốn đàn anh trong nghề và cũng là quân y hiện dịch, đã tâm sự nhỏ to, khi tôi gửi tặng anh quyển sách viết về lịch sử trường quân y và binh chủng quân y phía quốc gia, do y sĩ thiếu tá Trần Xuân Dũng chủ biên:
- Chú Cường biết không, tôi rất GIẬN với CẤP LÃNH ĐẠO quân đội mình, nên từ bấy lâu nay đã KHÔNG CÒN tha thiết muốn dính dáng đến nữa !
Cám ơn chú gửi tặng sách này, tôi sẽ đọc kỹ và cho con cháu mình biết đời lính thời tôi ra sao.
Cũng vì giận quá, nên tôi đã không tham gia mọi sinh hoạt, nên cũng chẳng muốn đăng ký mua sách này, dù trong thâm tâm rất thích nó.
Ngac nhiên đến cùng cực, tôi vội hỏi duyên cớ nào đã xui khiến anh lại có thái độ ấy ?
- Chú bị động viên vào lính, chứ không như chúng tôi TÌNN NGUYỆN xung phong vào làm LÍNH CHUYÊN NGHIỆP. Các chú là dân y, sẽ chỉ phục vụ trong quân đội một thời gian rồi được giải ngũ. Còn bọn tôi SỐNG CHẾT với nghiệp lính!
Tôi vội phản đối ngay:
- Đại ca nói thế nhưng em KHÔNG đồng ý, bởi thời chiến thì DÂN hay QUÂN (y) có khác gì nhau bao nhiêu đâu nè ?
Bằng chứng ở VN là dân và quân y học chung một trường, một thày, một chương trình ….
Thời bọn em vào đại học lúc Mậu thân 1968 cũng bị bắt học quân sự học đường, để được hoãn dịch mỗi năm, xem ra về mặt học tập quân sự không thua gì các bạn mình bên quân y.
Rồi đi lính thì cũng chả khác gì nhau, em muốn nói thời gian trong lính cũng rứa, do nhu cầu chiến tranh ngày một tăng cao, trong khi hai trường Y SG và Huế không đủ sức cung ứng cho bộ máy chiến tranh khổng lồ, cho nên chả dễ dàng xuất lính như lý thuyết đề ra.
Anh cười buồn giải thích:
- Chúng tôi là quân y hiện dịch, cho nên coi như suốt cả đời mặc áo lính ! Và trong quân đội có motto KỶ LUẬT LÀ SỨC MẠNH CỦA QUÂN ĐỘI, cho nên chúng tôi luôn luôn tuyệt đối tuân lệnh cấp trên, cấp chỉ huy là CHA MẸ ! Điều này nó ăn sâu vào trong thời kỳ sinh viên chúng tôi chú biết không.
Các chú học có học quân sự thật, cũng chả khác chi bọn tôi, nhưng học với tình thần LÈ PHÈ, được chăng hay chớ ! Và huấn luyện viên dậy các chú cũng thế; cũng chả khác gì người đẻ ra chương trình quân sự học đường, nhắm mục đích cột chân các chú, cho bớt bay nhảy tự do trong khi đất nước đang có chiến tranh.
Trở lại bọn tôi là lính chuyên nghiệp, cấp trên sai đâu đi đó, đánh đó. Tất tần tật bọn tôi đều lệ thuộc vào cấp trên như đã nói.
Thế mà bọn cầm đầu ĐÃ KHÔNG HỀ CÓ MỘT KẾ HOẠCH RÚT QUÂN ra hồn khi đại bại, khiến chúng tôi bị BỎ RƠi không thương tiếc và sau đó chịu nhiều điều ĐẮNG CAY !
Tôi đồng tình với anh về cái gọi là SỐNG CHẾT CÓ NHAU LÀ HUYNH ĐỆ CHI BINH trong quân đội quốc gia thời mạt vận ấy
Anh buồn bã nói thêm:
- Chúng nó BỎ CHẠY TRƯỚC, khiến lính như RẮN MẤT ĐẦU, mặc dù sức chiến đấu còn đó, tức khả năng và tinh thần anh em binh sĩ chống lại kẻ thù chung vẫn còn đứng vững đến phút chót.
Nói tóm lại, chúng nó hoàn toàn trước sau KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM gì hết với tập thể quân đội, với quốc dân, nói chung với đất nước !
Ra ngoài này chúng nó vẫn tiếp tục huyênh hoang trong những ngày lễ hội ngày xưa, như NGÀY QUÂN LỰC VNCH chẳng hạn. Trong khi chúng tôi đào thoát ra khỏi nước sống cơ cực như con chó, bắt đầu lại từ con số không to tướng lúc tuổi ngày một lớn và sức khoẻ ngày một xuống dốc, gánh nặng gia đình quá tải ….
Cuối cùng chính tôi phải kết luận, đó là một thứ QUÂN ĐỘI ĐÁNH THUÊ, cho nên phá sản toàn bộ khi gặp đại biến !
Trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất, cái gọi là quân đội quốc gia hoàn toàn được tạo dựng và chi phối bởi quân đội và chính phủ Pháp. Thời Chiến tranh Đông Dương lần Hai thì bị quân đội và chính phủ Mỹ chi phối sâu rộng. Nói chung, hoàn toàn dựa dẫm vào “bầu sữa mẹ” của “chính quốc”.
Một khi bị dứt sữa là không còn sức mạnh và tinh thần để sống tự lập như người ta. Vì thế có bảo đó là một thứ “mother(‘s)son” / “moeder kind” cũng không sai.
Kính cáo,
Y sĩ Trung úy trưng tập Lại Mạnh Cường
Nha sĩ Đại úy hiện dịch Nguyễn Văn Ba
TB:
Mậu Thân 68, Mùa Hè Đỏ Lửa 72 là những chỉ dấu cho thấy rõ nhất Cộng quân mưu toan đánh lớn trận địa chiến, trong khi Mỹ đang ra sức Việt Nam hóa chiến tranh. Thế mà tướng tá quân đội quốc gia không có một kế hoạch rút quân khẩn cấp ra hồn khi có biến.
Chủ quan khinh địch và tình báo kém cõi nên bị tấn công bất ngờ nhân dịp hưu chiến Tết Mậu Thân.
Lệnh lạc rút quân lung tung rối bời, như ở mặt trận Quảng Trị và Huế ở vùng Một vào Hè 72.
Trận đánh lớn ở Phước Long, khi Mặt trận Phỏng dế muốn chiếm để tạo thủ đô vùng Phòng giái !
Đầu năm 1974 mất Hoàng Sa vào tay CS trước sự ngó lơ của Mỹ.
Đầu năm 1975 rút quân vô tổ chức ở Tây Nguyên.
Ông Niên Trưởng của ông BS mả mẹ chửi kinh quá. Ông bà ta nói chửi người khác thì cái mồm mình bị bẩn trước. Tui cũng là dân xuất thân Đại học bị động viên vào lính. Thời còn đi học thì tui phản chiến , chống quân sự học đường , chống chính quyền quân phiệt. Nhưng khi bị động viên vào lính giữa chiến trường khói lửa. Trước lòng yêu nước và sự chiến đấu dũng mảnh của những người lính chung quanh, tui đã có một cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Thương yêu và kính nể những người lính ít học hơn tui nhưng lòng yêu nước bổn phận trách nhiệm của họ đối với Tổ Quốc và Đồng Bào thật cao cả. Tui đã học nhiều bài học thực dụng tại chiến trường những điều đó tui chưa bao giờ được học được biết khi còn ở giảng đường Đại học.
Hội chứng “Giậu Đổ Bìm Leo” coi bộ phát triển. Người người chửi rủa. Tất cả những cấp lảnh đạo có ai được huấn luyện để làm Tổng Thống , Thủ Tướng Bộ Trưởng… Một Quân Lực còn quá non trẻ. Không có những chương trình huấn luyện để phù hợp với chức vụ cao cấp. Cuộc chiến tranh chống cộng sản Bắc Việt là cuộc chiến tranh từ Huề tới Thua. VNCH không thể chủ động vì đất nước nghèo, lạc hậu mới vừa dành độc lập từ Pháp. Bọn VC theo lệnh quan thầy là Liên Xô và Tàu Cộng đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam (VNCH) Để chống lại cuộc chiến tranh đó , VNCH có gì? Nothing. Từ vủ khí, đạn dược, đến tiền bạc là con số không. Nếu không có Mỹ nhảy vào ngăn chận làn sóng đỏ thì Miền Nam (VNCH) biến mất trên bản đồ thế giới từ năm 1960. Được sống và chiến đấu từ năm 1960 đến 1975 mới bị thất thủ thì có gì mà tức tối chửi dữ dằn quá dzậy hai ngài BS quân y. Để được trở thành BS quân y thì chính phủ VNCH đã tốn rất nhiều tiền để đào tạo cho quý ngài trở thành BS Quân Y. Có gì mà quý ngài chửi bới. Bản thân quý ngài cũng đã có một kiến thức hơn đời. Kiến thức đó quý ngài có thể dùng nó suốt cả cuộc đời. Phải biết trân trọng những gì chính phủ và đồng bào đã hy sinh cho quý vị.
Khi Chính phủ VNCH đề nghị Bắc tiến và không được chính phủ Mỹ đồng ý thì cuộc chiến đấu chống CS xâm lược chỉ từ huề đến thua. Thua trận chỉ là vấn đề thời gian, không năm 1968 thì 1972, không 1972 thì 1975. Nhắc quý vị nhớ tại sao chúng ta VNCH không thua trận vào năm 1968 và 1972. Bởi vì ngoài sự chiến đấu dũng cảm của QLVNCH còn có sự yểm trợ mạnh mẻ của Hoa kỳ. Vì chưa tới thời điểm. Thời mà Hoa kỳ đã thành công khi cắt khối cộng làm hai , kéo Tàu cộng về phe Hoa Kỳ thì cuốc chiến ngăn chận làn sóng đỏ của Hoa Kỳ đã chấm dứt, chỉ còn một mình QLVNCH chiến đấu bảo vệ đất nước. Không viện trợ thì QLVNCH làm gì được. Dẫu cho Tôn Tử tái sinh cũng phải chịu thất thủ trước một khối cộng hùng mạnh thời đó.
Chính phủ nhất là người lảnh đạo VNCH không bao giờ muốn bị đặt vào trong thế “triệt buộc”. Không tiền không vũ khí , Thượng đế cũng phải chào thua. Được ăn học tử tế , phải dùng trí óc để phán đoán vấn đề. Đừng như những bị thịt cứ nhỏng đít chửi bới mà không hề biết mình chửi cái gì. Cho nên tiếng chửi của quý ngài BS Quân y chỉ như cơn gió thoảng bay vào hư vô. Riêng cá nhân tui rất là mắc cở với những trí thức chỉ biết sử dụng bắp thịt miệng và lưởi.
Thật tội nghiệp cho những cựu chiến binh VN, kể cả các bác quân y VNCH (dù vốn vẫn được ưu ái và an toàn hơn dân tác chiến) – đã thua chiến tranh từ lâu rồi mà đến bây giờ vẫn còn tự đánh mình, tự nhục mạ mình là thứ “lính đánh thuê” – hoặc vì tâm thần đã bị đánh gục và do đó mất cả khả năng nhận thức và tin vào chính những lời tẩy não từ kẻ thù!
Tuy tình trạng đó đã từng xảy ra (như có những người đã vào lính Legionnaire của Pháp thời Pháp thuộc – và sau đó chọn vào hàng ngũ QĐ VNCH), nhưng không vì thế mà lý tưởng VNCH đã sai lầm và lá cờ vàng không đáng tôn trọng! Đây là góc cạnh rất ác nghiệt của lịch sử mà ĐCSVN đã tận dụng để đánh phá tính chính danh của nền dân chủ VNCH – cho nó chỉ là công cụ tàn dư của đế quốc Pháp và được tiếp tục bảo trợ bởi đế quốc Mỹ và do đó giải phóng miền Nam là trách nhiệm dân tộc! Một sự lầm lẫn to lớn của những người CSVN và Bắc Việt từ 54 và một kết luận chua chát nhưng cũng lầm của một số người thua trận!
Sự thắng thua đương nhiên không thể tự nó định nghĩa sự phải trái. Và việc cầm súng đạn của nước ngoài cũng không tự nó xác định sự thiếu chủ ý trong mục đích cao trọng nhất là độc lập tự trị, vì nếu không thì cả 2 miền đã đều “đánh thuê”!
Chính thể VNCH, thành lập năm 55, là một sự chọn lựa có ý thức – dù dựa trên khuôn mẫu dân chủ của Tây Mỹ – của giới trí thức lãnh đạo QG không những không chấp nhận cai trị của Pháp hay bất cứ QG nào khác, nhưng cũng không chấp nhận CNCS, núp dưới bóng của nhiều tên đảng khác nhau.
Dù cho rằng nhiều người trong miền Nam đã không có ý thức rõ ràng về thể chế dân chủ VNCH, sự chọn lựa yếu tố “không-CS” là quan trọng nhất và đó là một chọn lựa đúng – vì lịch sử thế giới đã chứng minh qua thời gian rằng CNCS là một chủ nghĩa điên rồ và bạo tàn, còn nguy hiểm hơn bất cứ chế độ độc tài nào trên thế giới, dân chủ hay không dân chủ, và chỉ có chính thể phát-xít là gần nó nhất trong mức độc ác. Không những thế, có lẽ không ít người ngày nay cũng phải công nhận rằng dưới các chế độ với chính sách thuộc địa như của Anh và Pháp, tuy không có công bằng trong nhân quyền và dân quyền, các chế độ đó cũng không gây tai hại như các chế độ CS mang lại cho chính họ!
- Cái sai lầm thứ nhất trong logic như của ông BS quân y trên, là đồng hóa sự kém cỏi hay lỗi lầm của lãnh đạo VNCH với sai lầm của chính thể! Xây dựng dân chủ là một công việc rất tế nhị: Nam Hàn đã cần trải qua hơn 30 năm từ 1953 TRONG AN BÌNH với đủ mọi biến cố chính trị, quân phiệt, lật đổ, độc tài, v.v. trước khi thực sự trưởng thành trong cuối thập niên ’80; lãnh đạo của họ không tài giỏi hơn VNCH, và trí thức của họ cũng không khá hơn VNCH nhưng chỉ vì họ may mắn trong địa thế để thoát khỏi phá hoại của chiến tranh du kích. (Có thể nói, giới trí thức VNCH đã đi trước Nam Hàn vì đã có ảnh hưởng từ Pháp, thay vì Đại Hàn trong cai trị của Nhật.) Vào thời mới mất miền Nam, rất nhiều người VNCH đã rơi vào sự ngờ vực chính mình và quá khứ của chính thể; ngày nay, không thể có một kết luận lầm lẫn như thế được.
- Một sai lầm thứ hai rất khó nhận ra là, vì VNCH là một thể chế dân chủ, nền pháp trị thuộc về mọi công dân – không ở trong chính quyền hay quân đội – nên lý tưởng của VNCH không thể được hiểu là gắn liền với cá nhân một lãnh đạo nào (như người VN thường định giá trị các triều đại vua xưa) hay đảng phái nào (như ĐCSVN ở VN ngày nay). Do đó, cái chính danh cũng như danh dự của thể chế VNCH *không cao bay xa chạy* khi những lãnh tụ bỏ cuộc đào tẩu, vì chính thể đó thuộc về mọi người dân miền Nam! Nói cách khác đi là, nếu có cuộc tẩu thoát của một nhóm lãnh tụ với một lý do nào đó không trong hoàn cảnh chiến tranh như đã xảy ra, thì chính thể và chính phủ VNCH sẽ phải có đòi hỏi việc lập luật pháp để đối phó và ngăn ngừa sự kiện trong tương lai mà thôi! Nó không mất tính chính danh và danh dự của thể chế vẫn tồn tại, dù có bị sứt mẻ vì việc sai lầm của nhóm tẩu thoát!
Những người cay đắng quên rằng các lãnh tụ cũng chỉ là con người – không phải là những siêu nhân với tài năng đổi gió vá trời; và dưới chính thể dân chủ, luật pháp đã đặt giới hạn quyền lực của họ, cộng vào sự *thiếu luật pháp* về những trường hợp nguy cấp, đã góp phần vào cuộc tan hàng bỏ chạy. Đã mấy ai khôn ngoan trong chiến tranh mà lại có chương trình, dự định cho việc sụp đổ, đầu hàng – trừ khi tự sát (như Hitler)??? Chính vì lý do yếu tố “con người” đó mà phải có giải pháp dân chủ tự do, với bầu cử, v.v… thay vì quân chủ, độc đảng!
Tuy khó mà biện minh cho cuộc bỏ chạy của các lãnh tụ (xin xác định: tôi chỉ là một người tị nạn may mắn, không có chỗ đứng nào hoặc liên hệ mật thiết với chế độ VNCH), nhưng phải chăng những người lãnh đạo phải tìm cách ra đi vì họ sẽ có khả năng bị giết và đày đọa cao nhất so với cấp dưới? Những người như BS quân y trên muốn người khác phải bị như thế thì mới là công bằng và họ mới hả dạ??? Tôi đã từng có nhiều ác cảm với những lãnh tụ đó khi mới đi tị nạn, nhưng thái độ đó phải chăng chỉ là một cảm tính hẹp hòi, không bao quát toàn diện về những khó khăn của con người nói chung?
Theo ý riêng tôi, sự yếu kém của lãnh đạo VNCH là ngay từ khi hiệp định Paris 73, VNCH đã không nhận ra tiếng chuông tử thần này, không chỉ là một “nguy hiểm” bình thường, hoặc đã không tìm được phương pháp chính trị để thoát khỏi việc “siết cổ”. Các dữ kiện lịch sử chỉ cho thấy ông Thiệu và các lãnh đạo VNCH đã hiểu lầm các tín hiệu từ Mỹ, của Nixon cũng như quyền dân chủ của công dân Mỹ và đã tính lầm, do đó đưa tới những phản ứng bất ngờ; họ đã không hề nghĩ chuyện “không thể” lại xảy ra: Mỹ không viện trợ, không trở lại.
Nhìn lại lịch sử, nhận xét ở đây chỉ để giúp hiểu vấn đề – nhưng không ai có thể dám nói là mình có thể làm hay hơn! Tôi vẫn biết ơn tất cả QL VNCH và chính quyền đã góp phần giữ miền Nam được 21 năm, và hiểu giá trị của nền dân chủ đó trong hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh.
CÓ NHỮNG GÓP Ý MÀ TÔI KHÔNG BÀN LUẬN VỚI LÝ DO
1/ Tự do tư tưởng. Mình lắng nghe phản biện đầy thiện chí
2/ Mang tính gây sự, chỉ trích cá nhân là chính
3/ Hiểu sai, vô tình hay cố ý
Để trả lời lập luận, tại sao giờ này lại chỉ trích “phe ta” ?
Khẳng định rõ, tôi chả theo phe nào khi phê phán, bởi tôi lấy dân làm gốc và theo như nhà thơ Nguyễn Duy: Trong mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng nhân dân đều bại !
Cả hai phía Quốc và Cộng đều nhân danh dân và cho mình là chính thống, để rồi đàn áp dân khi nắm quyền, ko tôn trọng dân, coi dân như cỏ rác. Điều khác biệt duy nhất là CS tàn ác hơn phía quốc gia ! Thực chất đều là bọn độc tài, thối nát, phản dân hại nước.
Tôi xin phép khước từ đứng về phía quốc hay cộng này. Chỉ vì oái ăm lịch sử mà tôi sinh ra ở VN thời nội chiến, và ở phe nào thì phải lệ thuộc vào phe đó thôi.
Những lập luận ngu xuẩn cho là nhờ sống thời quốc gia nên tôi mới ăn học nên người, thành bác sĩ ! Thực tế ở bất kỳ một xã hội nào, cũng cần có các trí thức như bác sĩ, kỹ sư … Nếu anh có chí quyết học nên người, thì sẽ thành công. Dĩ nhiên ko loại trừ yếu tố may mắn, do thời thế. Không thể bảo là HOÀN TOÀN nhờ chế độ hay chính quyền nào đó mà tôi học thành tài. Sự thành công chính yếu là ở nơi TÔI, cộng với sự hổ trợ của GIA ĐÌNH tôi. Chế độ độc tài gia đình trị, rồi quân phiệt chả giúp ích gì, và nếu tôi không có gắng thì sẽ bị guồng máy chiến tranh hút dính ngay, chả khác gì khi tôi tốt nghiệp ra trường.
Gia đình và dòng họ nội ngoại của tôi đã tích cực tham gia chống Cộng chống độc tài (Diệm và quân phiệt) cùng toàn dân ! Chúng tôi đã bị bọn chúng phản bội trắng trợn như ai cũng rõ; và thân phận “rau răm ở lại chịu nhiều đắng cay” như đã từng kể.
Mở ngoặc đơn nói thêm, ngày xưa và ngày nay ơn Bác ơn Đảng nên có những người dân ở miền Bắc trước 1975 và sau này học hành thành tài nên người ư ? Chẳng hạn thành công của Đặng Thái Sơn là nhờ CS ??? Nhà toán học Nguyễn Bảo Châu thành đạt như ngày nay lại cũng nhờ CS ??? Suy nghĩ thiển cận như thế, thì chắc hẵn sẽ đồng tình với đám CS cho rằng, Trần Khải Thanh Thủy là phường vong ân bội nghĩa, ôm chân đế quốc ???
Ước vọng của tôi hiện nay ư ? Một VN thành bình thịnh vượng tự do dân chủ. Chính vì thế rút kinh nghiệm trong quá khứ, tôi ra sức hoạt động cổ vũ dân chủ đa nguyên và chống lại mọi hình thức độc tài trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.
Thật ra cái LẦM TO THẾ KỶ không nằm ở phía đám cầm đầu, mà cả ở trong DÂN. Chính nhà thơ Nguyễn Chí Thiện khi nằm trong tù CS, nghe tin “đại thắng mùa xuân 75 của CS” đã uất ức thổ lộ trong bài thơ VÌ ẤU TRĨ:
Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối,
Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương.
Nên cả nước mới quay về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương
(…)
Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan,
Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!
Cho đến tận ngày hôm nay ta thấy rõ, rất nhiều người VN vẫn chưa sáng mắt ra trước mối họa CS. Họ vẫn ca tụng Hồ Chí Minh như thánh sống, vẫn nghĩ CS là một thứ “mặt trời chân lý chói qua tim” bla bla bla
Dân miền Nam vẫn không thiếu kẻ tôn thờ hai anh em ông Diệm và Nhu, cũng như tưởng nhớ đến đám quân phiệt thời sau Diệm. Đó là một thứ “đảng kaki” mà dân miền Nam đã lầm lẫn trao duyên !
Vâng toàn dân trao phó vận mệnh mình trong tay quân đội, để mặc cho quân đội thao túng chính trường và cho đó là sự tất yếu lịch sử. Hệ quả là nảy sinh ra đám “chó nhảy bàn độc”, múa may quay cuồng như con rối trong tay chính giới Mỹ. Những Big Minh, Khánh râu dê, Kỳ râu kẽm, Thiệu, Khiêm … tìm mọi cách thủ tiêu các nội các dân sự, để chúng rảnh tay nắm quyền bính. Đến giờ thứ 25 bọn này bỏ chạy hết, mặc cho ông già gân Trần Văn Hương chịu trận một mình, sau khi đã bức bách ông phải từ chức quyền tổng thống từ tay Thiệu bỏ chạy trước, trao quyền cho Big Minh. Minh rồi cũng bỏ nước ra đi theo thoả thuận của CS, chỉ có ông già gân “một mình gái háng dái lăn tăn”dưới mồ ở Việt Nam !
Nhìn cho kỹ tình hình miền Nam chả khác gì ở các nước thuộc thế giới thứ ba, lạc hậu chậm phát triển, như Indonesia, Ai Cập, Miến Điện, Thái Lan thời đó. Quân đội với hàng tướng tá làm cha mẹ dân, mặc tình ban phát quyền lực và quyền sống trong cả nước và tìm mọi cách bót nghẹt, lẫn thủ tiêu mọi đối lập, hay bất đồng chính kiến (dissidents).
Nền dân chủ của Thái Lan đến nay vẫn còn lên bờ xuống ruộng với đám quân nhân, cấu kết với hoàng gia và đám nhà giàu ở thị thành. Miến Điện vẫn trong tay bọn quân phiệt đội lốt dân chủ. Ai Cập chưa định hình định tính rõ ràng là, sẽ dân chủ kiểu Hồi giáo hay sẽ có tranh chấp nội bộ giữa đám quân phiệt và phe Hồi giáo mới thắng cử.
(Nam Hàn may mắn có sự hổ trợ của Nhật và nhà đối lập tài giỏi Kim Đại Trọng, cũng như ý thức dân chúng cao, nên thoát ra khỏi nạn độc tài quân phiệt bắt đầu từ thời Phác Chánh Hy truyền tới Toàn Đầu Hoán, Lỗ Thái Ngu …
Đài Loan cũng thế, thoát khỏi chế độ độc tài gia đình trị của cha con nhà họ Tưởng là Tưởng Giới Thạch rồi Tưởng Kinh Quốc, với tiếp tay của Quốc dân đảng Tàu).
Còn nhiều điều muốn trình bày, nhưng quốc sự là chuyện dài lâu, xin tạm trả lời như thế thôi.
LMC
GÓP Ý 1
Theo tôi bức hình minh hoạ SAI hoàn toàn, không phản ánh đúng thực tế
1/
Thời phân chia Quốc Cộng, Việt Nam bị phân chia làm hai tại vĩ tuyến 17 và lấy con sông Bến Hải làm ranh giới cụ thể cho hai miền Nam Bắc, theo như tinh thần của Hiệp định Đình chiến Genève 1954,
2/
Miền Bắc được biết dưới tên VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (Republic Democratic Vietnam), dưới sự lãnh đạo toàn diện và độc quyền của cái gọi là ĐÀNG LAO ĐỘNG (The Labor Party).
Quốc kỳ là lá cờ đỏ với sao vàng năm cánh ở chính giữa.
Quốc huy dùng hai màu đỏ và vàng, với hai nhánh lúa + bên trên là ngôi sao năm cánh (tượng trưng cho đảng CS lãnh đạo), bên dưới một bánh xe răng cưa (tượng trưng cho giới công nhân) + hàng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
Quốc ca là bài Tiến Quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.
3/
Miền Nam được biết dưới tên Việt Nam Cộng hòa (Republic Vietnam), dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Miền Nam được biết dưới tên Việt Nam Cộng hòa (Republic Vietnam), dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Quốc kỳ là lá cờ vàng ba sọc đỏ; quốc huy (thời Đệ nhất Cộng hòa) là bụi trúc; quốc ca là bài TIẾNG GỌI CÔNG DÂN (từ bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước được cải biên lại).
4/
Danh sưng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ dùng sau đại hội 4 đảng CSVN và đảng Lao Động đổi tên thành đảng CS, cũng như một số thay đổi khác (tổng bí thư thay vì bí thư thứ nhất; Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh v.v…)
Wikipedia
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IV hay Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976 ở Hà Nội. Tham dự đại hội có tất cả là 1008 đại biểu chính thức 4 thay mặt cho 1.550.000 đảng viên của cả hai miền đất nước, cùng với sự có mặt của nhiều Đảng Cộng sản và các tổ chức quốc tế khác.
4/
Tóm lại, miền Bắc nên được biểu thị bằng màu đỏ và miền Nam bằng màu xanh trong thời Quốc-Cộng.
Kính cáo,
LMC
BỔ TÚC:
1/
Quốc huy của CSVN như đã thưa có hai nhánh lúa vàng, tượng trưng cho giới nông dân; bánh xe máy tượng trưng cho giới công nhân. Cả hai kết hợp với nhau dưới sự lãnh đảo của đảng CS, thể hiện bằng ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ, để tạo lập ra cái gọi là quốc gia Vịệt Nam Dận chủ Cộng hòa
2/
Rất tiếc lúc này tôi không có thì giờ lục tìm trong internet, để tả chi tiết quốc huy thời đệ Nhất và đệ Nhị Cộng hòa ở trong miền Nam trước 1975.
Xin cao nhân bốn phương tìm giúp và luôn tiện giải thích dùm tôi.
Ngoài ra có điều gì sai sót là do tôi tài hèn sức mọn và lực bất tòng tâm.
Xin lượng thứ và vui lòng sửa sai dùm tôi. Vạn vạn tạ.
Thành thật cám ơn rất nhiều
Kính cáo,
Lại Mạnh Cường
TT Thiệu mua chuộc quốc hội , định sửa đổi hiến pháp để ông ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 3, chứng tỏ ông đã sai lầm, mù quáng, và bây giờ có một số người vẩn ngây thơ tin rằng tội nghiệp ông Thiệu quá, người Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam, nếu ông Thiệu tin như vậy thì tại sao ông lại ra tranh cử tống thống ? ông Thiệu còn dùng bọn vc làm cố vấn trong dinh độc lập, thử hỏi người Mỹ có chấp nhận được không ?
Khi vc xây con đường đông trường sơn đem vũ khí ào ạt vào miền Nam, nếu ông Thiệu có tầm vóc của người lãnh đạo giỏi, ông đã biết rằng cuộc chiến Việt Nam sẽ giải quyết bằng quân sự hay chính trị và ông sẳn sàng ra đi để cưu’ miền Nam, nhưng ông ch
trỉ ra đi khi bọn vc đã vào đến, ông đóng kịch giỏi lắm nhưng đó chỉ là trò lưu manh.
Điều sai lầm nhất là nhà nghèo mà đi đánh giặc theo kiểu nhà giàu, trải quân mỏng ra, từng cái làng, cái quận xa xôi hẻo lánh đều muốn giữ, rồi đến khi bọn vc đánh đến thì đổ thưà là không đủ súng đạn. Từ 1972 đến 1975 là khoảng thời gian để thay đối chiến lược phòng thủ, từ Phước Long cho đến trận Thường Đức là những hồi chuông báo động, nhưng tất cả đều thụ động , chỉ biết đổ thưà cho người Mỹ.
Ngày nay Việt Nam đã mất đất , mất biển nhưng rất nhiều người vẩn tin vào lòng ái quốc, sự lãnh đạo của csvn, bài học năm 1975 đã và đang lập lại lần nữa.
Ông Thiệu đã mua chuộc quốc hội ra sao? Hay đây chỉ lập lại luận điệu của “thành phần thứ ba” cố gắng phá nát chính phủ VNCH để rước CSBV vào?
Chuyện ông tìm cách sửa hiến pháp để ra tranh cử kỳ 3 thì đã sao? Có nguyên tắc gì phải buộc hiến pháp giới hạn chỉ 2 nhiệm kỳ. Số 2 (hay 8 năm) là một luật khoa học tự nhiên bất khả vi phạm? Cách ông Thiệu làm có phi dân chủ không? Hoàn toàn không!
Ở một quốc gia có chiến tranh ngay trong đất mình, lẽ thường tình sẽ phải đặt vấn đề quân sự cao hơn hết, và sự thay đổi TT lúc đó chưa chắc là sự khôn ngoan nhất. Ông ta có quyền đề nghị theo nhận xét của ông và có thể là điều tốt hơn, nhưng quyết định vẫn trong QH – không đi ngoài nguyên tắc dân chủ.
Giờ này mà mấy ông CS vẫn còn “nổ” với chiến thắng 75 và lãnh đạo của đảng! Không đổ thừa đâu ông à; ông không biết cám ơn Mỹ đã bức tử VNCH từ hiệp định 73 dùm cho các ông, tặng cho các ông miền Nam; ông không tội nghiệp cho dân VN nói chung trong chính trường QT giữa CS – Tự Do mà còn cao giọng dậy VNCH!
Xưa thì nhất định phải đánh Mỹ ra khỏi VN, và nay chắc ông nhất định đánh Mỹ ra khỏi ĐNÁ, buộc Mỹ không được can thiệp vào nội bộ VN và vấn đề chủ quyền QG ở Biển Đông chứ? ĐCSVN anh hùng nhất thiên hạ, đã từng đuổi đế quốc số 1 Mỹ ra khỏi VN; TQ chỉ là thứ yếu phải không? Nhằm nhò gì!
Hay môi hở răng lạnh, ta cùng sát cánh với anh bạn “bốn tốt” thì nhất định sẽ là vô địch thế giới – vừa an toàn, vừa hốt bạc, lại còn vinh quang hơn nữa??? Được chứ?
Khi chúng tôi viết lên đây là chúng tôi đã đọc nhiều tài liệu do nhiều nhân chứng kể lại, chuẩn tướng Trần văn Nhật đã nói ông Thiệu đã muốn sửa đổi hiến pháp để ông ra tổng thống nhiệm kỳ 3. Nếu ông cho rằng ông Thiệu có quyền làm vậy, thì bọn vc cũng có quyền cai trị tiếp tục dân Việt Nam, như vậy thì quyền lợi cá nhân, bè phái được lên trên quyền lợi của cả một dân toc ?
Nếu ông cho rằng ông Thiệu chống cộng thì tại sao ông lại dùng Vũ ngọc Nhạ, một tên vc đã bị ông Ngô đình Cẩn bắt vào tù, rồi đến Hùynh văn Trọng đã làm cố vấn trong dinh Độc Lập ? Một số người cho rằng ông Thiệu nói hay lắm , đừng nghe những gì cs nói mà hảy nhìn kỷ những gì cs làm, họ đã không biết rằng câu nói đó, dân chúng Huế đã chết hàng ngàn người trong dịp Tết Mậu Thân, ông Thiệu, ông Viên đã từng đánh nhau với cs trong thời gian các ông phục vụ trong quân đội Pháp, thế mà các ông vẩn tin vào lời nói ngưng bắn của bọn vc. Ông Thiệu chửi Mỹ rồi cuối cùng cũng qua Mỹ sinh sống, vậy còn gì là tư cách của người gọi là lãnh đạo quốc gia, thế mà cũng còn có người cố gắng dùng đủ mọi cách để binh vực, đòi chống chế độ cs mà lại đi bảo vệ cho chế độ độc tài khác.
Vấn đề cá nhân Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng tôi miễn bàn vì chỉ là chi tiết cá nhân, nhưng nên nhớ là VNCH vẫn có thế dùng những người quay lại (chiêu hồi) hoặc ngay cả dùng chính VC trong phương kế phản gián – không có gì là lạ lùng cả, trừ khi ông ngây thơ nghĩ là những trò này không cần thiết trong chiến tranh!
Việc sửa đổi HP thì tôi đã nói rồi! Chính ông ta đã tự sửa chưa? Ông ta đã có dùng bạo lực để ép QH sửa chưa? Ai nói ông T có quyền sửa HP để giữ ghế? Ông T chỉ có quyền tìm cách thuyết phục QH là cơ quan lập pháp duy nhất có quyền quyết định đó.
Ông Thiệu cũng đã không hề tin VC sẽ thi hành hiệp ước ngưng bắn, nhưng vì áp lực của Mỹ – ngay cả đe dọa và hứa hẹn ngầm của Nixon – để ký hiệp ước mà ông đã phải ký. Hồi ký của Nixon, Kissinger và sách ông Nguyễn Tiến Hưng viết về ông Thiệu xác nhận chuyện này 100%. Phải chửi Mỹ vì họ đã bất tín với VNCH, đã không để VNCH tự quyết định chính sách đối phó với CSVN. Có ai hiểu được sức mạnh của dân chúng Mỹ với chế độ dân chủ của họ trong thời gian đó? Sau khi chủ nghĩa CS sụp đổ ở Liên Xô, chính sách đối phó mềm dẻo với CS QT của Mỹ đã được vindicated thì sang Mỹ ở có gì là quá đáng? Hy sinh của VNCH ít nhất cũng đã mang ích lợi cho nhân loại!
Tranh luận định nghĩa chữ độc tài ở đây với ông chỉ tốn thời giờ, nhưng chỉ cần cho ông biết là trong lịch sử tất cả các chế độ độc tài trên thế giới chưa hề có chế độ nào gian ác, vô nhân đạo như những chế độ CS. Bất cứ chế độ “độc tài” nào cũng không bằng cái điên rồ vô cùng của CNCS ở khắp mọi nơi; VN không phải là ngoại lệ! Thà là làm một người không tổ quốc (hoặc làm dân một chế độ đã có lỗi với mình) nhưng tử tế còn hơn là làm một người gọi là Việt Nam CS – hoặc để cho nó cai trị mình!
Thà là làm một người không tổ quốc (hoặc làm dân một chế độ đã có lỗi với mình) nhưng tử tế còn hơn là làm một người gọi là Việt Nam CS – hoặc để cho nó cai trị mình!
OK. OK.
Nhìn vào cuôc chiến ở Iraq, Afghanistan thì có thể nhận ra chính sách, chiến lươc của Mỹ trong cuộc chiến VN . Trong vòng 100 năm, người Mỹ và chính sách của Mỹ tuy thay đổi nhưng không đáng kể. Có chăng là sự thay đổi các phương tiên.
Trong khi đó, người Việt tự do và người Việt cộng sản – có vẻ vẫn như đang dậm chân tại chỗ. Kẻ thắng nghĩ là mình thắng và huênh hoang tự mãn, kẻ thua vẫn mãi loay hoay tìm hiểu tại sao lại thua ….
BÀI THƠ VINH DANH
1) Cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng
Tướng tài Quang Trưởng danh Sử Việt,
‘ 72 – thời thế tạo Anh Hùng.
2) Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu
Tổng Thống anh minh Nguyễn văn Thiệu,
Người yêu Nước, thương Nòi, v.v…
Trong năm 1969-1971, cùng với Nixon và Kissinger,
Chủ trương Chính sách:
“Người cày có Ruộng”
“Bình định và Phát triển Nông thôn”,…
Đã từng làm đại bại Binh pháp “Du kích chiến”,
Của Mao Trạch Đông !
Trong năm 1972-1973, QLVNCH đã từng đánh bại,
Chiến tranh Quy ước của Liên Xô,
Với cả hàng Binh đoàn, hàng nghìn xe tăng T54,
Và cả vạn Đại pháo, v.v…
Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu với “Lập trường Bốn Không”,
Gặp phải thời thế tao loạn, đảo điên,…
Người đành mang số phận “Nghiệt ngã, Đọa đày’
Đây, vạn vòng Hoa và vạn nén Nhang,… dâng lên cho Người,
Vị Tổng Thống Anh Minh của Dân tộc Việt Nam./.
Johnny To, S&FR, Boston, USA
ĐÍNH CHÍNH
Bài trên, dòng 3 & 4 xin đọc là:
“Quang Trưởng tướng tài danh Sử Việt,
‘ 72 – thời thế tạo Anh Hùng.
Thành thật cảm ơn!
Johnny To,
Thank You Johnny,
Bây giờ, tôi mới biết tại sao có ngày 30/4/1975! Mỹ bức tử thì một đưa con nít cũng biết, do Bắc Việt hùng mạnh? Không phải! VNCH bị xóa sổ những nhát do chí mạng từ phía sau. Tôi không ngờ những người có ăn học lại “thiếu tri thức” như vậy! Từ 1973-1975, Mỹ rút quân cắt viện, Miền Nam không chết trên chiến trường mà chết vì đói và loạn! Hàng triệu người làm cho Mỹ thất nghiệp, hàng triệu người tỵ nạn chiến tranh tràn vào thành thị tạo ra khu ổ chuột, tệ nạn, bệnh dịch, hàng triệu cô nhi quả phụ thương phế binh cần phải cấp dưỡng, hàng triệu cái miệng ăn ở hậu phương “chuyên” phá nát hậu phương, phá nát tất cả các công trình sự nghiệp của cố TT Thiệu! Vậy mà, đến cuối năm 1974, Các khu công nghiệp hiện đại được xây dựng khắp Sài Gòn, Biên Hòa, Đà Nẳng, Cần Thơ…các thương hiệu La Dalat, Vinapro, Vikyno, Vissan, BGI,Xi măng, Hà Tiên Phương Toàn…cùng các tập đoàn kinh tế VNTT, HKVN…đang vươn ra biển Đông, VN đang đứng trước ngưỡng cửa đại cường xuất khẩu lương thực thủy sản…TV, xe hơi, máy lạnh..trở thành mặt hàng bình dân! Sau 1975, không chỉ 16 tấn vàng còn ở Sài Gòn, qua cải tạo tư sản, Hà Nội đã trưng thu không biết bao nhiêu tài sản, nhiên liệu, máy móc, phụ tùng …vửa trả nợ cho LX vừa giúp cho cả VN sản xuất cầm cự trong 10 năm (1975-1985), viện trợ cho Campuchia, Lào! Chưa kể các chương trình chỉnh trang đô thị, xa lộ, phi trường, hải cảng>>.Đó là về kinh tế xã hội!
Chỉ riêng Luật Người Cày Có Ruộng ngày 26/3/1970, cố TT Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành lãnh tụ đầu tiên của lịch sử, kể từ năm 40, thái thú Tô Định ban hành chế định địa chủ-tá điền, tức là 1931 năm, TT Thiệu đã trao trả quyền tự do cho hơn 70% nhân dân Miền Nam, quyền tự do trên 3 mẫu ruộng, trở thành điền chủ tự do và xóa sổ một cách hòa bình giai tầng địa chủ bất công (không quá 15 mẫu ruộng). Đó chính là biểu tượng vĩ đại nhất lịch sử của chính nghĩa Quốc > Gia! Chính vì vậy, sau năm 1975, không xãy ra Cải Cách Ruộng Đất! Đối với TT Thiệu, Tự Do trước hết nhân dân phải làm chủ mãnh ruộng cày! Đó cũng là chiến lược rất thông minh của TT Thiệu, khi nhân dân làm chủ ruộng đất họ sẽ tự mình chiến đấu bảo vệ tài sản và quyền tự do! Lực lượng NQ-ĐPQ, hình ảnh họ đã cùng vợ con chiến đấu giành giựt từng mãnh ruộng trong suốt 5 năm (1970-1975) và NCCR là ánh sáng của hơn 200 ngàn hồi chánh viên!
Về quân sự, nếu hơn 500 quân Mỹ và đồng minh với hõa lực hùng hậu không thể đánh bại quân GPMN trang bị kém, thì QLVNCH vừa bị bứt tử, cắt viện, làm nhục, bị phản bội từ hậu phương phải đối đầu với cả sức mạnh khối CS, quân GPMN và các quân đoàn tinh nhuệ trang bị hiện đại Bắc Việt! Trong nghệ thuật Quân sự VN, chỉ có 6 chữ Chủ Động-Bí Mật-Bất Ngờ, nếu thiếu một, dù Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung có tái sanh phải bó tay!
Nói TT Thiệu quân phiệt? Thế nào là quân phiệt? Đem máy chém giết CS? Đưa ra tòa án binh tất cả các cuộc biểu tình đối lập, thành phần thứ 3, đòi dân quyền dân chủ! Cấm báo chí và hoạt động tôn giáo bất lợi cho chế độ!!!! Thật sự, trong lúc, Miền Nam chiến đấu hấp hối từng ngày, TT Thiệu có thể ban bố tình trạng thiết quân luật! Nhưng, ông vẫn kiên trì thực hiện một nền dân chủ mà ông biết rằng nó sẽ dẫn đến hiễm họa cho Miền Nam. Nhưng ông vẫn thực hiện một nền dân chủ có thể trong một hoàn cảnh ngặt nghèo! Bởi, đó là bản chất của chính nghĩa Quốc gia, cho dù bị dập vùi, vong ân, phản trắc,…
Các vị tướng anh hùng Đỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh, Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Phạm văn Phú, Trần Văn Hai…. và hàng triệu chiến sỹ đồng bào hy sinh đã nêu cao bản sắc anh hùng không phải họ trung thành với cá nhân TT Thiệu mà họ trung thành với sự nghiệp của một cuộc cách mạng dân chủ tư sản dân tộc vô tiền khoáng hậu dưới sự lãnh đạo của cố TT Nguyễn Văn Thiệu trong một hoàn cảnh lịch sữ bi thãm và ông là người duy nhất nhận trách nhiệm không chia sẽ cho bất kỳ ai!
Mười năm (1966-1975),nền Đệ Nhị Cộng Hòa tuy thất bại trong cuộc chiến không sòng phẳng, những đã thắp lên buỗi bình mình của cuộc CMDCTSDT vô tiền khoáng hậu trong lịch sử và cấy vào lòng đất những mầm móng cho các thề hệ mai sau. Bước vào thế kỷ 21, những hạt giống vĩ đại ấy đang lan tỏa khắp VN và dần dần khẳng định là con đường duy nhất cho các thế hệ hiện tại và tương lai
Tin tưỡng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh bất khuất của một dân tộc bão đảm tương lai huy hoàng cho đất nước. Ý thức rằng, sau bao năm ngoại thuộc, phân qua, độc tài và chiến tranh, dân tộc VN gánh lấy trách nhiệm đòan kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, tiếp thu tư tưỡng tiến bộ, thiết lập nền Cộng Hòa của Dân do Dân và Vì Dân trong Công Bằng Bác Ái cho các thế hệ Hiện tại và Mai sau (HP1967)
Hòa Bình mà không nô lệ, không tự nhiên mà có, không cầu xin mà được, hãy tự mình chiến đấu giành lấy bằng hàng ngàn hàng vạn thân xác chiến sĩ đồng bào>
Đất nước còn còn tất cả, đất nước mất mất tất cả.
Tôi có thể bị sai khiến, nhưng nhất định không để Nhân Dân vả Quốc Hội bị sai khiến!
Ngày 30/4/1985, ông Nguyễn Cơ Thạch-Phó ThTg-BT Ngoại giao đã nói:” Mười năm (1966-1975) người ta xây dựng, mười năm (1976-1985) chúng tôi đốt nhà!”
Trên chuyến tàu cuối cùng của thế kỷ 20 bước vào thế kỷ 21, người hoa tiêu NVT bị vất xuống đường, ông cố chạy theo và ngã quỵ trong sân ga vắng lạnh, nhưng trên đầu tàu lịch sử ấy, di sản của ông vẫn còn đấy!
Hãy trả lại lịch sử những gì của lịch sử!
Ông Nguyễn Cao Kỳ đào giếng cho ông
Thiệu uống nước.
Ông NCK dẹp loạn Miền Trung cho ông
Thiệu làm tong tong.
Ông NCK lật ngược ván bài Mậu Thân,
và cùng ông Thiệu — cặp bài Thiệu Kỳ –
phục vụ quân dân VNCH vô cùng hiệu
quả.
Nhưng từ 1971, sau khi ông Thiệu trở
nên tổng thống ” độc diễn, ” thì ông TT
Thiệu bắt đầu yêu mình yêu gia đình
mình hơn là yêu nước…, và bàn giao
đất nước cho CS, rồi zọt lẹ . Xấu nào!
Từ năm 2004, cố PTT NCK về VN!
Ông NCK về VN,
–có công hàm ngoại giao mời;
–có hai Tướng HK tháp tùng;
–có Vua Mã lai nhận bạn…
Nhưng… ( vì thế, ông Z. ! làm
mau lên!)
FACEBOOK.COM & FLICKR.COM
Tục ngữ Việt nam có câu: Sai một li, đi một dặm.
Bài viết trên có đính kèm hình ảnh và đã được đăng tải tại hai websites Mỹ:
a) http://www.facebook.com/ (5) Johnny T. To
b) http://wwwflickr.com/photos/44778925@N08/7468634020/in/photostream
Trân trọng,
Johnny To, Boston, USA
Có phải bài này được viết ra để cho người Việt ở Mỹ ghét bỏ đảng Dân chủ mà bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa vào cuộc bầu cử sắp tới ???
Bỏ rơi MN/VN là chủ trương của cả 02 đảng lớn,có thể nói rằng hầu hết của dân Mỹ hay chính xác hơn là chủ trương của tài phiệt Mỹ.Vì rằng vào ngày 21-28/02/1972 Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao và Thông cáo chung Thượng hải ra đời trong âm mưu bán MN cho tàu cộng để có được thị trường béo bở của TC với dân số hơn 01 tỷ nguời.Tôi còn nhớ lúc bấy giờ có câu nói chỉ cần 01 người dân TC uống 01 lon Coca hàng ngày là nước Mỹ sẽ giàu có.
Do đó đã ép buộc cố TT Thiệu phải ký Hiệp định ” da beo “.Đã có sự hăm dọa công khai rằng nếu ông Thiệu không ký sẽ bị mất cái đầu giống như trước kia họ đã giết cố TT yêu nước Ngô Đình Diệm.
Qúy vị nên nhớ rằng Hành pháp Mỹ đã hứa lèo ( gian dối )bằng giấy trắng mực đen rằng nếu bắc Việt vi phạm Hiệp định thì Mỹ sẽ trở lại VN.Đây chỉ là sự lừa đảo và Kissinger còn than thở tại sao bọn chúng(MN) không chết nhanh đi cho khuất mắt ( TS Nguyễn Tiến Hưng trưng bày sự thật trong quyển “Khi đồng minh tháo chạy “) Đâu là đạo đức của dân tộc Mỹ?????????????
Nếu người Mỹ có đạo đức và hối hận họ vẫn còn cơ hội để chuộc lại lỗi lầm ép buộc MN ký hiệp định da beo,đồng ý vc vẫn giữ quân nằm lại MN.Chúng ta vẫn còn nhớ trong cuộc chiến Triều Tiên,quân Bắc hàn và TC đã chiếm gần hết lảnh thổ Nam Hàn.Mỹ đã đổ quân vào cứu Nam Hàn và đánh bật chúng ngược lại sông Áp Lục ở Vĩ tuyến 38.Cũng giống như vậy tại sao Mỹ đã không hành động ở mặt trận Long Khánh.Chỉ có “mỗi một” qủa bom CBU thả xuống Long Khánh đã làm cho cộng quân than khóc và rúng động.Tại sao không có thêm nhiều qủa nữa ?????????????????với chiến thuật “điệu hổ ly sơn “, cọp dữ đã rời rừng ra ở đồng trống ?
Xin đừng biện minh cho đảng Cộng Hòa.Điều này không được đúng.
Dân tộc VN đã có bài học đau thương với người Mỹ nói chung,không phân biệt Cộng Hoà hay Dân Chủ.
Ước mong các chính thể tương lai của VN,học bài học đau thương này.Đừng bao giờ lệ thuộc vào bất cứ ngoại bang nào ( tư bản lẫn cs ).Phải dựa hoàn toàn vào nội lực của chính Dân tộc mình.
Chúng ta phải đấu tranh giựt xập đảng thổ phỉ,bạo tàn trong nước trước rồi mới tính chuyện tương lai của Dất nước thân yêu của chúng ta.
Cả hai phe nếu không có một lập trường quyết đoán tự chủ chỉ biết lệ thuộc ” ngoan ngoãn ” tức thụ động thì chỉ có chết …và chỉ có chết sớm hay muộn mà thôi ! Tại sao năm 1972 NIXON + Kissinger đến gặp Mao thết đãi tại Điếu ngư Đài = cao lương mỹ vị + rượu mo đài …Và khi say hơi men thì Mao đã bạch hóa ngôn từ là : ” Ngươi không động đến ta …thì ta không động đến ngươi ” Trong lúc đó tại bắc Việt số thanh niên và HSSV cũng phản ứng mạnh với chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh lấy lý do là tại sao BK lại bắt tay ngầm ” đi đêm ” với Mỹ . Lúc đó ông HCM phái ông PVĐ đến nơi giải quyết và trấn an …Đến đầu năm 1974 Mao ra lệnh thủy quân TQ đánh chiếm đảo Hoàng Sa của VNCH trong lúc hạm đội 7 của Mỹ đóng tại TBD nhưng không yểm trợ giúp ông em đ/m VNCH mà làm ngơ, khi ông Thiệu kêu gào sự giúp đỡ của HQHK … Sau khi bắc Việt tấn công ồ ạt vào trong vĩ tuyến 16 ,thì TQ ngầm ngăn Hà Nội không nên tấn công vào Sài Gòn .Nhưng bắc Việt lúc đó nghe lời LX hơn TQ …Sự lắt léo …này cần sự nghiên cứu thấu đáo và nhìn nhận thực tế .Nếu lệ thuộc vào tất cả đồng minh , lâng bang thì chẳng qua làm bù nhìn và một chính phủ chư hầu đúng nghĩa . Mọi quyết định đều nằm trong tay kẽ có quyền lực tối thượng . Như chính quyền cs Hà Nội hiện nay có miệng ăn , nhưng không có miệng nói vì bị lệ thuộc quá sâu vào Trung cọng và bị TC dắt mũi như một chính quyền bù nhìn . Chỉ biết ôm hận nhưng miệng chỉ biết ăn theo nói leo theo sự chỉ giáo của bọn giặc bành trướng đại Hán như : Bạn đ/c láng giềng 4 tốt 16 chữ vàng …và những sai khiến ngầm bắt cs Hà Nội phải tuân thủ cho dù biết nhục và hận trong lúc Trung cọng tìm cách dùng sức mạnh nước lớn lấn tới ép đ/c cs VN vào rọ , thì khác gì bắc Kinh đại Hán cũng dùng dây thòng lọng xiết cổ cs Hà Nội như Mỹ xiết cổ chính quyền VNCH dưới thời TT Thiệu !? Nhìn các nước ĐNÁ từ xưa đến nay chỉ có THAILAN là ổn định và đối sách của nước này là khôn nhất …Các cuộc chiến xảy ra trên trái đất này từ cổ chí kim đều do các nước lớn dẫn dắt , mấy nước nhỏ nghe theo và hăng máu bắt thanh niên xung trận như những con chốt trên bàn cờ tướng khi đã vượt qua sông không còn lối thoát , còn tướng tá + chính quyền thì cao chạy xa bay khi tận cùng sự việc an bày , những con chốt không chết thì cũng bị đi đày khổ ải !? Ngày nay cs Hà Nội cúng toàn bọn chóp bu giàu nứt đố đổ vách ăn sung mặc sướng , tiêu xài xa hoa còn lại tất cả dân đen và những con chốt theo cs cũng lang bạc khắp nẽo phương trời tìm kế sinh nhai phó mặc cho số phận , một kiếp người thật xót xa , thật thảm thương cho số phận dân tộc VN .?
Sửa lại là : phe HCM ( Thời Lê Duẩn , Lê Đức Thọ …) phái PVĐ đến giải quyết tình trạng TQ ( Mao ) BẮT TAY THỎA HIỆP VỚI MỸ đễ tìm kiếm KT + CT trên bàn cờ thế giới lúc bấy giờ làm đối trọng với LX
Trích: “Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) CSBV đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Tháng 12/1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, sau đó Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng kế tiếp.
Việc Liên Xô gia tăng viện trợ quân sự cho miền Bắc gấp 4 lần vào cuối năm 1974 phù hợp với tình hình giá dầu hỏa trên thế giới tăng vọt gấp 2, gấp 3 từ 1973, sau trận chiến tranh Yom Kippur giữa Do Thái – Ả Rập. Các nước Ả Rập giảm bán dầu cho các nước Tây phương làm giá dầu hỏa tăng vọt. Liên Xô được lợi vì Liên Xô cũng là nước xuất cảng dầu lớn trên thế giới.
Trong lịch sử cận đại, dân Việt học được một số bài học trong việc đi nhờ nước khác. Bài học đầu tiên được thày giáo dạy trong trường trung học miền Nam là việc ông Phan Bội Châu nhờ Nhật. Ông Phan Bội Châu nhờ Nhật huấn luyện quân sự cho thanh niên Việt để ông thành lập quân đội đánh Pháp. Người Pháp biết chuyện này nên dành cho Nhật một số quyền lợi ở Đông Dương, đổi lại, người Nhật bèn trục xuất hết sinh viên võ bị người Việt ra khỏi Nhật. Bài học rút ra là nước khác giúp mình vì quyền lợi của họ nên họ cũng có thể bỏ mình vì quyền lợi của họ.
Bài học thứ hai là nhận sự giúp đỡ của Mỹ. Rồi cũng đến lúc Mỹ không thể giúp được nữa. Bài học rút ra là nước khác giúp mình vì quyền lợi của họ nên họ cũng có thể bỏ mình vì quyền lợi của họ.
Bài họ thứ ba là Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam theo như nhà nước CSVN nói thì rất là vô tư và chí tình. Thế mà Trung Quốc cũng eo sách đòi Hoàng Sa, Trường sa của VN rồi mới giúp. Rồi thì anh em lại trở thành thù địch đánh nhau. Bài học rút ra là nước khác giúp mình vì quyền lợi của họ nên họ cũng có thể trở thành kẻ thù của mình vì quyền lợi của họ.
Bài học thứ tư là CSVN tin tưởng rằng muốn tiến lên XHCN thì phải cần sự giúp đỡ của các nước XHCN và cứ việc đánh nhau, rồi sau này các nước XHCN sẽ trợ giúp Việt Nam tiến lên XHCN. Tin tưởng như thế xem ra là rất chắc ăn vì chủ nghĩa Cộng Sản tiên đoán là trong tương lai toàn thể thế giới sẽ biến thành XHCN cả. Mà anh em XHCN thì giúp đỡ rất chí tình, không như các nước tư bản chỉ vì quyền lợi mà giúp đỡ nhau. Nhưng cũng đến lúc các nước XHCN bỗng dưng biến mất trên trái đất. Còn trơ lại Việt Nam bơ vơ công nghiệp hóa chỉ là số không, bị Trung Quốc lấn áp. Bài học rút ra là sự giúp đỡ hay hợp tác nào cũng chỉ là trong một giai đoạn nào đó mà không phải là mãi mãi.
Trên đời này
Không có bạn nào vĩnh viễn và chả có kẽ thù nào mãi mãi
Những ai biết dung hòa, nhưng không bị lệ thuộc là người đó khôn nhất
Trên thế giới này luôn có bàn tay phân chia của các nước lớn vì quyền lợi của họ .Có lúc họ cũng biết cần thí chốt đễ bắt xe . Ngạn ngữ ( con chó và người đi săn )………….!!!!!!!!!??????