Mấy nét chính yếu về Xã hội Dân sự tại miền Nam trước năm 1975
Cho đến năm 1975, thì tại miền Nam Việt Nam, ít có ai nói hay viết gì về chuyện “Xã hội Dân sự” (the civil society = XHDS). Tuy nhiên, từ mấy chục năm gần đây, thì khái niệm XHDS đã trở thành rất thông dụng phổ biến trong các sách báo, trong lãnh vực truyền thông khắp nơi trên thế giới. Và như ta đã thấy XHDS chính là cái khu vực thứ ba (the third sector) bên cạnh khu vực chính quyền nhà nước (the state) và khu vực thị trường kinh doanh (the marketplace). Cả ba khu vực này khác biệt với nhau, nhưng cùng sinh họat chung với nhau trong tư thế cộng đồng sinh tồn (co-existence) để tạo thành cái không gian xã hội (the social space) do tập thể con người chúng ta sinh sống hợp quần trong xã hội mà tạo lập ra. Để tóm tắt cho gọn cái định nghĩa về XHDS, ta có thể biểu thị bằng một phương trình đơn giản như sau đây:
“Không gian xã hội = Nhà nước + Thị trường + Xã Hội Dân Sự”.
Khu vực nhà nước gồm các đơn vị cơ sở chính quyền các cấp từ địa phương đến trung ương. Khu vực thị trường kinh doanh gồm các công ty, xí nghiệp họat động với mục đích tìm kiếm lợi nhuận (for profit). Còn khu vực XHDS, thì gồm các tổ chức “phi chính phủ” họat động có tính cách tự nguyên và bất vụ lợi (non-governmental, voluntary, non-profit organisations).
Theo tiêu chuẩn này, thì rõ ràng là tại xã hội ở miền Nam Việt Nam hồi trước đã có một khu vực XHDS rất sinh động, khởi sắc. Với bài viết này, tôi xin cố gắng ghi lại mấy nét đặc sắc của XHDS – mà cho đến nay ít có người đề cập đến với sự trình bày gọn gàng mà bao quát cần thiết – để người đọc bình thường có thể hình dung ra được cái khung cảnh sinh họat của một bộ phận có tầm vóc và tiềm năng thật to lớn của dân tộc tại miền nam, dù là trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt tang thương đẫm máu thuở đó.
I– Một số đoàn thể, hiệp hội tiêu biểu.
A/ Hội Hồng Thập Tự.
Hội này có một trụ sở khá là bề thế khang trang, tọa lạc tại góc đường Cống Quỳnh và Hồng Thập Tự, gần với Bảo sanh viện Từ Dũ Saigon. Trước năm 1975, Dược sĩ La Thành Trung giữ nhiệm vụ Hội trưởng. Tại nhiều tỉnh lại còn có các chi nhánh của Hội nữa. Hội HTT được tổ chức theo khuôn mẫu của HTT quốc tế, nên phương thức sinh họat khá là mở rộng, thông thóang hòan tòan theo lý tưởng nhân đạo, chứ không hề theo đuổi một mục tiêu chính trị nào. Và chính quyền tại miền Nam hồi ấy cũng không hề có hành vi nào nhằm can thiệp, khống chế tổ chức này. Về mặt đối ngọai, HTT hòan tòan được tự do liên lạc với Hội HTT Quốc tế (CICR = Comité International de la Croix Rouge) có trụ sở chính tại Geneva, cũng như liên lạc với các Hội HTT bạn ở các quốc gia khác. CICR là một tổ chức thuần túy nhân đạo nhằm giúp các nạn nhân thiên tai bão lụt, động đất, bệnh dịch hay do chiến tranh gây ra, được thành lập đầu tiên tại Thụy sĩ từ cuối thế kỷ XIX và sau này phát triển tại khắp nơi trên thế giới.
B/ Hội Hướng Đạo.
Tổ chức Hướng Đạo du nhập vào Việt nam từ thập niên 1930. Sau đó, trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, sinh họat bị gián đọan một thời gian. Kể từ năm 1950, mới lại xây dựng lại riêng trong một số thành phố như Hanoi, Saigon trong vùng do chính quyền quốc gia kiểm sóat. Vào năm 1959, thì tại miền Nam đã có đến trên 3000 đòan viên họat động. Những hướng đạo viên kỳ cựu về ngành nam như Trần Văn Lược, Hùynh Ngọc Diệp, Trần Văn Khắc, Trần Điền, Nguyễn Văn Thơ v.v… là những nhân vật rất năng nổ họat động tại miền Nam. Về ngành nữ, thì các nữ hướng đạo có tên tuổi như Hòang Thị Đáo, Phan Nguyệt Minh, Trần Bạch Bích, Phạm Thị Thân v.v…đã tiếp tục gây dựng lại nền nếp sinh họat của nữ hướng đạo tại miền Nam cho đến năm 1975. Cả hai ngành nam, nữ hướng đạo đều được sự hỗ trợ của các bộ Giáo dục vả Thanh niên và được tự do liên lạc mật thiết với phong trào hương đạo quốc tế (the world movement of scout).
C/ Hội Văn Hóa Bình Dân.
Hội này được chính thức thành lập vào năm 1955 nhằm tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa và dậy nghề cho đại chúng, mà thường được biết đến là Trường Bách Khoa Bình Dân. Đó là do sáng kiến và nỗ lực bền bỉ của các cựu sinh viên mới du học tại Mỹ về Saigon vào năm 1954, điển hình như Hùynh Văn Lang, Bùi Kiến Thành, Đỗ Trọng Chu v.v… Hội có giấy phép do Bộ Nội vụ cấp và đã họat động tại Saigon và các tỉnh địa phương liên tục cho đến năm 1975, giúp đào tạo chuyên môn căn bản cho hàng nhiều vạn học viên thuộc giới bình dân. Họat động có tính cách văn hóa xã hội này đã được nhiều người tham gia bằng cách yểm trợ về tài chánh và nhất là về nhân lực do các giảng viên tự nguyện đến giảng dậy miễn phí cho các lớp dậy nghề vào buổi tôi hay vào những ngày cuối tuần.
D/ Các tổ chức giáo dục, xã hội, y tế do các Tôn giáo điều hành.
Có thể kể đến con số hàng ngàn cơ sở xã hội nhân đạo và văn hóa giáo dục do các Tôn giáo lớn ở miền Nam như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo đứng ra thành lập và điều hành tại khắp các địa phương. Cụ thể như các trường Bồ Đề của Phật Giáo, các trường do các Sư Huynh hay Nữ Tu của Công Giáo…, các trường Đại học tư lập như Vạn Hạnh của Phật Giáo, Minh Đức và Đà lạt của Công Giáo, Đại học Cao Đài ở Tây Ninh, Đại học Hòa Hảo ở Long Xuyên v.v… Và còn rất nhiều các chẩn y viên, cô nhi viện, viện dưỡng lão do các tôn giáo đứng ra tổ chức và điều hành tại Saigon và các tỉnh miền quê nữa.
II – Mấy nhân vật điển hình của Xã hội Dân sự tại miền Nam.
Trên đây là một số hiệp hội, cơ sở của tư nhân có tính cách tiêu biểu của XHDS. Dưới đây, tôi xin nêu ra một số nhân vật điển hình họat động rất nhiệt thành trong các tổ chức tư nhân để minh họa cho tình hình sinh họat của XHDS tại miền Nam trong các thập niên 1960 – 70. Để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, tôi chỉ đề cập đến những vị đã không còn tại thế nữa.
1/ Đại Đức Thích Thanh Văn và Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội của Phật giáo.
Thầy Thanh Văn giữ nhiệm vụ làm Giám đốc của tổ chức này từ năm 1966 thay thế thầy Nhất Hạnh là vị Giám đốc Sáng lập tiên khởi. Trường TNPSXH nhằm đào tạo chuyên môn về công tác xã hội cho các tu sĩ nam nữ và Phật tử, theo phương thức vừa học vừa làm. Tôn chỉ của Trường chỉ gồm trong mấy chữ thật đơn giản : “Hiểu và Thương”. Tức là phải tìm cách hiểu biết về con người, về xã hội để mà bày tỏ tình yêu thương đối với nhân quần thông qua những hành động cụ thể thiết thực phục vụ xã hội. Sau một thời gian được huấn luyện tối thiểu, thì các học viên đều được cử đi thực tập theo các tóan công tác tại các địa phương nông thôn; rồi sau đó sẽ trở về cơ sở để học tiếp về chuyên môn và văn hóa.
Do tai nạn xe cộ trong chuyến đi thăm các trại định cư đồng bào nạn nhân chiến cuộc từ miền Trung tại Biên Hòa, Bà Rịa, thầy Thanh Văn đã tử nạn vào giữa năm 1972, lúc mới ở tuổi 30. Sự ra đi của Thầy đã để lại nhiều thương tiếc không những cho tòan thể gia đình TNPSXH, các Phật tử, mà còn cho cả nhiều người vốn có sự quan tâm đến sự dấn thân của lớp người trẻ nhằm phục vụ xã hội, đặc biệt là cho bà con ở nông thôn và các nạn nhân chiến cuộc trong thời kỳ chiến tranh tàn ác khốc liệt lúc đó.
2/ Nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Chương trình Công tác Hè 1965.
Năm 1965, sinh viên Đỗ Ngọc Yến mới có 23 tuổi, thế mà các bạn đã ủy thác cho anh giữ trách nhiệm của một vị Tổng thư ký lo điều hành tòan bộ chương trình họat động trong thời gian mùa Hè của giới thanh niên, sinh viên, học sinh trong phạm vi tòan lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Chương trình này là do sáng kiến của nhiều huynh trưởng trong phong trào sinh họat của giớ trẻ Việt nam với sự hợp tác của Đòan Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (IVS = International Voluntary Services). IVS đã đứng ra vận động với cơ quan Viện trợ Mỹ USAID để cấp cho chương trình một ngân khỏan lên đến vài chục triệu đồng VN, để làm quỹ chi tiêu cho các sinh họat của chương trình này (mà có tên bằng tiếng Anh là: Summer Youth Program 1965).
Từ thời niên thiếu 13 -14 tuổi, Yến đã tham gia sinh họat trong hàng ngũ Hướng đạo sinh cùng với các bạn như Đỗ Quý Tòan, Trần Đại Lộc, nên anh khá quen thuộc với việc tổ chức các trại công tác cho giới trẻ. Vì thế mà các bạn đặt tin tưởng nơi khả năng và kinh nghiệm họat động của Yến với nhiệm vụ nặng nhọc là điều hành chương trình sinh họat có quy mô thật lớn lao này. Và quả thật, Yến đã tỏ ra khá thành công trong vai trò của người Tổng thư ký của chương trình Công tác Hè 1965, như nhiều người đã thấy. Ra hải ngọai, nhà báo Đỗ Ngọc Yến đã cùng các bạn xây dựng được một cơ sở truyền thông báo chí rất vững chắc, đó là tờ nhật báo Người Việt. Nhưng mà tiếc thay, do một căn bệnh hiểm nghèo, Yến đã qua đời vào năm 2006 tại California vào tuổi 65.
3/ Nha sĩ Phạm Thị Thân và Hội Thanh niên Thiện chí.
Cũng như Đỗ Ngọc Yến, chị Phạm Thị Thân đã tham gia sinh họat với phong trào Hướng đạo từ thời còn là một học sinh trung học ở Hanoi, và chị đã gắn bó suốt đời với Nữ Hương đạo, có lần giữ chức vụ Tổng Ủy viên nữa. Nhưng mà Phạm Thị Thân lại còn là một nhân vật nòng cốt của Hội Thanh niên Thiện chí Việt nam ở Saigon trong thập niên 1960 -70 nữa. Về nghề nghiệp chuyên môn Chị làm giáo sư tại Đại học Nha khoa, và còn mở phòng mạch tư chuyên về dịch vụ chăm sóc nha khoa nữa. Nhưng mà chị đã tự nguyện đem hết cuộc đời của mình để góp phần xây dựng và phát triển cho phong trào Hướng đạo và cho Hội Thanh niên Thiện chí. Chị sống độc thân, nên có thể dành nhiều thời gian cho việc dẫn dắt các thế hệ trẻ trong các sinh họat lành mạnh, hữu ích cho bản thân và cho cộng đồng xã hội, đúng theo lý tưởng cao đẹp của phong trào Hướng đạo sinh quốc tế, cũng như của giới thanh niên, sinh viên ưu tú khắp nơi trên thế giới vào thời kỳ sau thế chiến thứ hai. Nhưng mà căn bệnh ung thư quá ác đã cướp đi mạng sống của một vị niên trưởng gương mẫu trong thế hệ chúng tôi. Chị Thân đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 2007 ở tuổi 75.
4/ Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và Phong trào Du ca Việt Nam.
Cũng như chị Thân và anh Yến, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã gia nhập gia đình hướng đạo sinh từ thời còn rất trẻ, lúc còn là một học sinh ở Đà lạt. Do năng khiếu bẩm sinh, vào lúc mới có 14 -15 tuổi, đòan viên Nguyễn Đức Quang đã có thể sáng tác được một bản nhạc dành riêng cho các bạn trong đơn vị hướng đạo sinh của mình sử dụng trong các buổi sinh họat. Và vào tuổi đôi mươi lúc đang theo học Đại học Chính trị Kinh doanh ở Saigon, thì người nhạc sĩ trẻ này đã cùng các bạn thành lập ra Phong trào Du ca nhằm lôi cuốn giới sinh viên, học sinh ở khắp nơi vừa tham gia sáng tác, vừa tổ chức những buổi ca hát tập thể thật là say mê phấn khích trong các trại công tác phục vụ đồng bào, các cuộc cắm trại sinh họat ngòai trời. Với trọng trách là Trưởng xưởng Du ca, Quang đã đi nhiều nơi để mở những lớp đào tạo các “Du ca viên”, chuyền đạt tới thế hệ trẻ cái ngọn lửa yêu quê hương đất nước, yêu mến đồng bào ruột thịt của mình đang là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc bi thương. Trong vòng 10 năm họat động, Phong trào Du ca đã quy tụ được cả chục nghệ sĩ sáng tác và đào tạo được đến cả hàng ngàn du ca viên ở Saigon và ở rất nhiều địa phương các tỉnh.
Quả thật Nguyễn Đức Quang đã để lại một dấu ấn thật sâu đậm nơi thế hệ thanh thiếu niên Việt nam trong thập niên 1960 -70.
Nhưng rồi lại một cơn bệnh đột quỵ đã đem mất đi “Con người Du ca muôn thuở Nguyễn Đức Quang” của thế hệ chúng tôi vào đầu năm 2011 vừa mới đây lúc anh mới ở tuổi 67, cũng tại California.
III – So sánh với tình hình sinh họat của XHDS tại miền Bắc Việt Nam.
Qua sự trình bày ở hai mục trên, chắc chắn quý bạn đọc đã có thể nhận ra tính chất năng động, phóng khóang và đa dạng của khu vực XHDS tại miền Nam VN thời kỳ trước năm 1975. Trong mục tiếp theo dưới đây, người viết xin đưa ra vài nét chính của XHDS tại miền Bắc dưới chế độ cộng sản, cũng vào thời kỳ 1954 – 1975, để bạn đọc có thể thẩm định được sự khác biệt giữa hai chế độ dân chủ tự do và độc tài cộng sản.
1/ Trước hết, dù dưới chế độ chuyên chế toàn trị của đảng cộng sản (totalitarian dictatorship), thì tại miền Bắc vẫn có một khu vực XHDS, vì vẫn có những tổ chức phi-chính phủ, bất vụ lợi vốn là các thành tố của XHDS. Các đoàn thể, hiệp hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đòan Thanh niên Cộng sản, Hội Nhà văn, kể cả Mặt trận Tổ quốc nữa, thì trên danh nghĩa đó là các tổ chức nằm ngòai khu vực chính quyền Nhà nước. Nhưng mà vì đảng cộng sản đã lũng đọan thao túng, biến các tổ chức đó thành ra những “cơ sở ngọai vi” của đảng, nên XHDS đã bị biến chất đi, không còn giữ được tính cách tự nguyện, tự phát đích thực của quần chúng nhân dân nữa. Tất cả các tổ chức này đã được lập ra và được sử dụng như là một thứ quân cờ dưới bàn tay ma thuật của một kỳ thủ duy nhất là giới lãnh đạo cộng sản mà thôi.
2/ Vì các tổ chức tôn giáo bị triệt để ngăn cấm không hề được tham gia vào bất kỳ những họat động từ thiện nhân đạo hay văn hóa giáo dục nào, cho nên tòan thể các tu sĩ và các tín đồ – thuộc Phật giáo cũng như Công giáo – đều không có cơ hội nào để phát huy sáng kiến và tài năng của mình trong sứ mệnh phục vụ nhân quần xã hội. Đó là một sự thiệt thòi quá lớn cho dân tộc vậy. Trong giới Phật tử ở miền Bắc, chắc chắn là có rất nhiều người có cái tâm Bồ Tát, nhưng ta không hề thấy có được những con người như Thầy Thích Thanh Văn và các học viên của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ở miền Nam như đã ghi ở trên.
3/ Trong giới văn nghệ sĩ cũng vậy, tại miền Bắc cũng không thiếu gì những tài năng thiên phú trong các bộ môn nghệ thuật, nhưng họ đều bị chính sách khe khắt của đảng cộng sản khống chế trù dập, nên không thể làm sao mà có được những nghệ sĩ có sức lôi cuốn quần chúng như những Nguyễn Đức Quang, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An… Mà cái chế độ nghiệt ngã tàn bạo như thế cũng chẳng thể nào mà sản xuất ra được những nhân vật kiệt xuất như Phạm Thị Thân, Đỗ Ngọc Yến … nữa vậy.
California, tháng Mười năm 2011
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt