Cái hèn và cái khổ của giới cầm bút Việt Nam
Tôi mới đọc bài viết “Sự hèn mạt của báo chí” trên blog của Trương Duy Nhất. Đọc xong, vừa thán phục vừa ngậm ngùi. Thán phục sự can đảm của tác giả và ngậm ngùi cho thân phận báo chí Việt Nam.
Trương Duy Nhất kể lại một câu nói của một cán bộ tuyên giáo nào đó trong một bữa nhậu mấy năm trước: “Báo chí các cậu hèn bỏ mẹ!” Rồi bình luận tiếp: “Tức. Một tay nó bóp d.., tay kia dán băng keo bịt miệng, thế mà vẫn lớn tiếng chê mình hèn. Định vung cho lão một đấm, nhưng nghĩ lại thấy lão nói đúng chứ đâu sai. Báo chí kiểu gì mà chỉ một cú điện thoại, một văn bản miệng đã răm rắp tự bịt miệng nhau.”
Và ông dẫn chứng: “Một cái lệnh miệng từ văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng khiến tất cả hơn 700 tòa báo câm lặng, không dám cử phóng viên đến đưa tin. Khi hai phóng viên của đài tiếng nói Việt Nam (VOV) bị đánh đập, trấn áp dã man, bị còng tay bắt giữ như tội phạm, thu máy ảnh, thu thẻ nhà báo, thẻ đảng, thẻ luật gia… nhưng không một tòa báo nào dám lên tiếng, kể cả cơ quan chủ quản của họ. Và bản thân 2 nhà báo bị đánh cũng không dám công khai lên tiếng.
“Phải đợi đúng nửa tháng sau, trước sức ép dữ dội từ dư luận và sự mắng chửi từ các trang mạng lề trái, VOV mới miễn cưỡng đăng vài mẩu tin lên tiếng bảo vệ phóng viên của mình. Nhưng được vài hôm rồi im bẵng đến nay. Không còn nghe bất cứ một tòa báo nào nhắc lại chuyện này nữa. Câu chửi “Đ.M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi” trong vụ trấn áp Văn Giang vẫn văng vẳng mãi như một nỗi ô nhục của nghề báo.”
Trương Duy Nhất nêu lên nhận định của một số đồng nghiệp.
Ví dụ, nhà báo/blogger Phan Văn Tú: “Trong đầu thằng nhà báo Việt nào hình như cũng có một cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi bị người khác cắt”. Hay, nhà báo Đào Tuấn, được giới thiệu là một “cây bút kỳ cựu của Đại Đoàn Kết, nay sang tờ Dân Việt”: “Nhiều người cầm bút giờ còn bi kịch hơn khi hàng ngày phải viết những điều không giống với sự thật… hàng ngày, dù không tin, nhưng vẫn phải viết ra một điều không thật – một cách khéo léo đến dối trá, để thuyết phục người đọc tin rằng đó là sự thật.”
Cuối cùng, Trương Duy Nhất kết luận, đay đi nghiến lại nhiều lần, trong nhiều câu khác nhau, trong suốt nửa sau của bài viết:
“Chưa bao giờ báo chí lại sợ hãi đến vậy. […] Run sợ đến dối trá. […] Báo chí chưa bao giờ nhạt chán, hèn nhục đến vậy. […] ở Việt Nam, nếu không mù chữ thì ai cũng có thể làm nhà báo được.”
Không phải chỉ có giới làm báo mới hèn. Các giới khác, từ giới làm văn, làm thơ đến giới làm âm nhạc cũng hèn. Nhạc sĩ Tô Hải tự nhận mình là “bồi bút”, là “hèn sĩ”, và, ở tuổi 80, viết nguyên cả một cuốn sách với nhan đề là Hồi ký của một thằng hèn.
Trước đó, năm 1988, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong bài “Cái hèn của người cầm bút” đăng trên tạp chí Sông Hương số 31, cũng nói nhiều về những cái hèn ấy. Ông so sánh giới cầm bút Việt Nam với một số người cầm bút ở Liên Xô cũng như ở Việt Nam thuộc thế hệ trước, như Nam Cao, chẳng hạn, và rút ra nhận định: Nhà văn Việt Nam hèn không phải chỉ ở việc bẻ cong ngòi bút để phục vụ tuyên truyền mà còn ở chỗ không dám viết thật, dù chỉ viết cho mình đọc. Có điều kết luận của ông không hẳn dễ được nhiều người đồng ý: Người cầm bút Việt Nam hèn, nhưng cái hèn ấy chủ yếu “do chính người cầm bút tạo nên cho mình. Mình tự làm hèn mình!”
Nói đến cái hèn của người cầm bút Việt Nam, không thể không nhớ đến bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu trên báo Văn nghệ ở Hà Nội năm 1987, một bài viết được xem là tiêu biểu cho phong trào đổi mới văn học tại Việt Nam. Bài viết đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, một trong những vấn đề được Nguyễn Minh Châu viết một cách tâm huyết và để lại nhiều ấn tượng nhất cho người đọc chính là vấn đề cái hèn. Có lúc ngỡ như ông vừa viết vừa nghẹn ngào. Giọng văn đầy cảm xúc:
“Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. […] Sao mà khổ vậy?”
Đọc những lời tức tưởi như vậy, thực tình tôi không muốn bình luận gì thêm. Chỉ thấy vang vang trong đầu câu hỏi của Nguyễn Minh Châu: “Sao mà khổ vậy?”
Ừ, sao mà khổ đến mức như vậy mà người ta vẫn chịu đựng được mãi?
Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
Từ khi cướp chính quyến (1945) đến nay, Cộng sản đã làm cho hầu hết mọi thành phần dân tộc Việt đều trở nên hèn chứ không riêng gì nhà văn, nhà báo hay trí thức.
Tôi được một ông Thứ trưởng đương quyền thuê làm một luận án Tiến sĩ. Tôi đề xuất đề tài: “Tại sao chủ nghĩa CS trên khắp thế giới đều làm cho mọi công dân của mình trở nên hèn”. Ông Thứ trưởng rất khoái đề tài này; …nhưng cuối cùng ông ta nói: Các Giáo sư không dám chấm đề tài này đâu, và bản thân tớ cũng không dám trình cái luận án này đâu.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc có thể làm Patron cho đề tài này không? và nếu được có thể hướng dẫn cho tôi trình đề tài này ở một Đại học nào bên Úc được không? Rất biết ơn.Trong trường họp này tôi chính thức đứng tên chứ không viết thuê nữa.
…Nói cho cùng ông Thứ trưởng thuê viết luận án để lấy Tiến sĩ rất hèn, và bản thân tôi, người nhân viết thuê cũng hèn. Không có gì có thể biện minh cho 2 cái hèn này.
Không phải chỉ có giới cầm bút, mà nói chung, đối với cả giới trí thức tạị VN hôm nay, điều chịu cái hèn và cái khổ. Hèn nhiều hơn khổ, thập vạn bội phần.
Nhưng xét lại mà coi, đất nước trải gần 70 năm dưới sự cai trị của CS, với biết bao thế hệ chịu sự “thanh lọc”, đào tạo, tẩy não, nhồi sọ, để sao cho có tầng lớp “vừa hồng, vừa chuyên” để kế thừa sự nghiệp cách mạng. Chuyện “cái hèn nhiều hơn cái khổ” là tất nhiên, là rất phù hợp qui luật biện chứng Mác Lê-nin. Hồng là đỏ lòm lòm, trong đỏ mà ngoài cũng đỏ, giống hệt nhau như bầy cừu tạo ra bằng phương pháp nhân bản vô tính (cloning). Chuyên là giỏi chuyện mà đảng giao cho để làm, không giao thì đừng làm. Thế đấy!
Nhưng con người, sống trong môi trường bưng bít, tràn ngập các thông tin tuyên truyền 1 chiều, chịu sự răn đe, giáo dục, đào tạo, liên tục bồi dưỡng tri thức và nhân cách XHCN, liệu có còn giữ được các giá trị căn bản về nhân phẩm để rồi nói chuyện hèn hay nhục? Hèn có thể hiểu là không đủ can đảm để làm những điều mà mình cho là cần làm, vì bổn phận (đạo đức, lương tâm) đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Thế thì cái hèn thuộc phạm trù ý thức, vẫn là thuộc tính của loài người. Loài cừu không có tính chất đó. Nếu bạn vội vàng qui kết giới cầm bút (hay giới trí thức VN nói chung) là hèn, tôi e là bạn hơi hồ đồ đấy; bạn đòi hỏi cái mà họ không có. Có một cách nói dí dỏm, phổ biến ở VN là “đứt dây thần kinh xấu hổ”; trong trường hợp này có thể nói là đã “mất dây thần kinh xấu hổ” rồi!
Nói chứ tẩy não con người cũng rất khó. Những suy nghĩ, ý thức nọ kia có thể tẩy khá dễ đấy, chứ cái nhân bản, cái gốc loài người ấy mà, tẩy không dễ. Con người với “thiện căn” vẫn có thể nhận ra những đúng sai và can đảm đấu tranh để ủng hộ hay loại bỏ. Trong giới cầm bút hay trí thức VN ngày nay vẫn có những con người như vậy, dẫu ít. Và tất nhiên họ rất khổ, khổ vì nhục, khổ vì đau đáu những bổn phận lương tâm mà mình khó làm được!
Có lần tôi nhìn một tấm hình chụp bãi biển Năm Căn Cà Mau với những rặng cây Đước, và tôi nhớ bài hát của Trần Long Ẩn: ” có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên nhanh”. Trường hợp này cũng vậy, có một vài “cái khổ” thì rồi sẽ càng lúc càng có nhiều “cái khổ” hơn. Năm sau bao giờ cũng nhiều hơn năm trước, bạn nhớ lại mà coi. Căn bản văn hóa Việt còn đó, dẫu XH suy đồi ra sao. Giáo dục truyền thống nhân bản trong gia đình Việt còn đó, dẫu nền giáo dục XHCN biến tính, sa đọa ra sao. Thiện căn của con người Việt còn đó, dẫu chính trị điên đảo, lừa mị ra sao. Nhiêu đó không đủ để bạn và tôi lạc quan hay sao?
Cái khổ càng tăng lên, cái hèn sẽ biến dần.
Đúng vậy trí thức rất cũng hèn, Ngô Bảo Châu mang danh là nhà Toán Học hàng đầu trên thế giới, ông ta đang là “con người” không đi theo hướng của người chăn cừu, nhưng sau khi được cấp cho “một căn hộ khủng” ông ta đã trở thành con cừu và ngoan ngoãn đi theo hướng của “THẰNG CHĂN CỪU”. Những nguyên lý về Tóan Học mà Ngô Bảo Châu nghiên cứu cũng không có gía trị bằng nguyên tắc mà tay giang hồ ỏ Việt Nam là Năm Cam, nguyên tắc đó là: “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng thật nhiều tiền”
HÈN HAY KHÔNG HÈN
Có tự do ai mới quả người hèn
Trong khống chế mấy ai người can đảm
Xã hội tệ giống hai thằng đánh lộn
Thằng đè trên thằng nắm dưới vui sao ?
Bởi nằm trên chưa hẳn đã anh hùng
Bị đè dưới phải chăng là hèn nhát ?
Đó chỉ tại sự đời nông nỗi vậy
Cả hai thằng đều hèn nhát như nhau !
Bởi do hèn mới chận cổ đè đầu
Bởi vì nhát nên cam thân phải chịu
Cơ chế đó ai gây nên cớ sự
Loại vĩ nhân, thần thánh, lẫn anh hùng ?
Ấy sự tình đời quả rất mông lung
Danh từ ảo và dạ người tệ lậu
Trong lịch sử đã kinh qua nhân loại
Nước non này cũng chỉ vậy mà thôi
Nói tới nói lui cũng chuyện ngậm ngùi
Hèn và dốt cả lũ người dương thế
Bởi tại dốt nên hèn bao thế hệ
Bởi tại hèn nên dốt tứ lung tung
Nên đáng trách ai cần phải thật lòng
Khiến dân dốt và dân hèn đến thế
Tuyên truyền mị biến đời thành nô lệ
Nếu tự do nào ai dốt ai hèn ?
Mọi việc đời chỉ sự thật nên danh
Loại giả tạo chỉ có danh hư ảo
Lịch sử tiến khi mọi người sáng suốt
Lật nhào đi những thần tượng điên khùng !
NON NGÀN
(30/6/12)
Tôi dã dọc nhiều ‘góp ý”của Trương duy Nhất trên Diển dàn nầy,da số dều là tiếng nói mạnh mẽ,xây dựng và ước ao!! Tôi rất “tâm dắc’câu nói:”Ở VN ,nếu không mù chữ, thì ai cũng làm báo dược”,tôi lại nhớ lời GS Hiệu nói tại Hanôi năm xưa:”Ở VN nếu dem con bò qua liên-Xô(thuở LX chưa sụp dổ)thì cũng có bằng Tiến-Sĩ!!”.Cả hai diều,tôi có may mắn “ngộ”dược khi còn ở VN. Cám ơn Tr-d Nhất và GS Hiệu dã nói thay cho mọi người. Sự thật là thế dó,một phần lớn là Chế-dộ hà-khắc,bịt-miệng,do dó nhà-báo”cấm khẩu”,nhưng cũng một phần,nhà báo thấp kém về trình-dộ,lẩn tư duy…nên không thể “giác ngộ”về nhận nhận thức dược! Rất nhiều chế-dộ dộc tài trên thế-giới,không còn tồn tại trên thế-gian nầy, ,nhưng những nhà Sử-học,nhà văn,nhà báo …có lương tri thời dó vẩn tồn tại ,đi vào nền văn-học của nhân loại!! Vào giữa thập niên 80,trên Tạp chí Sông-hương xuát bản tại Huế,Họa sĩ Bửu Chỉ(nếu còn sống ,hôm nay Ông
khỏang trên 60),một họa-sĩ VN có tranh trưng bày tại trụ sở UNESCO Paris,dã vẻ bức tranh “hí họa”:Một
thần dân,quần rách,áo ôm quỳ lạy một Ông quan không có dầu!” Bí thư Tỉnh ủy BTT,Ô Vủ-Thắng dã gọi Bửu Chỉ dến Cơ -quan,hạch xách “dủ diều”,nhưng đành chịu”thua”,vì xem ra tài năng ông BÍ-thư không vượt qua nổi Người Họa-Sĩ Tài ba,khi vẩn biết: Không dầu=vắng thủ=Vủ-Thắng! Chỉ nhìn “bức tranh’người
ta “dễ dàng” biết một Bí-thư ngu-dốt,cường hào.Cũng trên Tạp chí nầy,tôi dã dọc những truyện ngắn của
Sĩ-phu Miền trung,như “Chiếc Nón Cối”,”cái Tủ Thờ”…tất cả dã nói lên Sự chán-chường của người cầm bút dưới chế-dộ CS,tạp chí nầy thời dó, Anh Tô-nhuận Vỷ làm Chủ biên! Anh có một người con gái khá xinh,bị người tình tạt át-xít,dược Hội từ thiện dưa qua Mỹ chửa trị,người Bác-sĩ chửa Cô dã kết hôn với Cô.Có lẻ vì thế,mà nhà văn Tô nhuận Vỹ gặp “hên’ chăng?? Người bí-thư Củ có lẻ dã chết,nhưng những bài báo vang-bóng một thời vẩn còn mải!!