WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Võ Phiến: Nghề văn do Trời cấp Lai Xăng

Võ Phiến

Nghề văn do Trời cấp lai xăng. Kẻ có số làm văn thơ hẳn đã cầm sẵn chứng chỉ hành nghề khi từ bụng mẹ chui ra. Kẻ ấy lớn lên đến trường học nghề sáng tác thì tiếp nhận thêm được vô số điều hay ho, thì tài năng càng tha hồ rực rỡ. Nhưng tấm ‘lai xăng” thì phải hờm sẵn từ trước, từ lâu. Nhà văn Võ Phiến đã khẳng định như vậy trong bài Người Viết Với Cuộc Sống khi đề cập đến vấn đề kinh nghiệm hay kiến thức, cảm hứng hay suy tưởng, bên nào quan trọng hơn? nhân vật hay cốt truyện hay tư tưởng, cái nào trước cái nào sau? vai trò của kỹ thuật dựng truyện.

Nhà văn họ Võ viết, học y khoa, nha khoa, công phu là thế, học xong được cấp bằng hành nghề ngay. Xây nhà, cắt tóc, lái xe, địa ốc, kế toán…nghề khó nghề dễ học xong được chứng nhận có đủ khả năng hành nghề hợp pháp. Trong chúng ta kẻ viết truyện ngắn, người viết truyện dài, kẻ làm thơ, người làm phóng sự…ai có trong tay giấy chứng nhận khả năng sáng tác, mặc dù không thiếu kẻ được đào tạo nghiêm chỉnh tại trường? Vì lẽ ấy người ta không có lệ cấp giấy phép cho người làm văn thơ chăng?
Theo ông, đối với người viết lách một thái độ về cuộc sống là quan trọng hơn cả. Có thiết tha, có say mê, có nồng nàn với cuộc sống, bấy giờ hãy nghĩ tới chuyện viết lách. Từ thuở khai sinh mở mắt ra đã “phải lòng” ngay cuộc sống, bất cứ giờ phút nào cũng bị cuộc sống thu hút. Nhưng thiết tha với cuộc sống là thế nào? Là ham sống, là yêu đời, là hăng hái hưởng lạc hết mình, cắn soàm soạp vào trái ngọt trần gian; hay ưu thời mẫn thế, cúc cung tận tụy lo cho đời, dốc lòng cải thiện xã hội?

Không. Phải là như Tolstoi bị khích động bởi mọị máy động, dạng vẻ của sự sống. Các giác quan của nhà văn Nga luôn luôn tỉnh thức, tở mở đón nhận, ghi khắc cảm nhận một chút ngập ngừng của bàn tay, một vấp váp của hơi thở, của tiếng ngáy, một lọn tóc bung ra, một tiếng lá khô cựa mình, hay những run rẩy đợi chờ của lúc tỏ tình… Tolstoi lấy sự cảm nhận cuộc sống xung quanh làm cái sinh thú cho mình; như một tình nhân say mê đắm đuối cuộc sống, Nhà văn gốc Bình Đinh nói rõ như vậy trong cuốn Võ Phiến Cảm Nhận của nhà xuất bản Văn Mới.

Bài viết trên gửi cho nhà văn Trần Doãn Nho cũng đã nhắc tới câu thơ Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền. Võ Phiến cho rằng nhà thơ không nghe bằng tai mà nghe bằng cả cái nồng nàn đối với cuộc sống. Còn Phan Nhật Nam trong bài ký Quê Hương và Người Huế thì thấy bằng tâm hồn đàn chim đông đảo vừa bồ nông vừa hạc vừa hải âu bay “nằng nặng, buồn buồn”, bay “đầy cả trời” như thở dài như hấp hối buồn đến rợn người ở phá Tam Giang rộng mênh mông, không bờ bãi, hoang vu lặng gió.

Cuối bài Người Viết với Cuộc Sống, Võ Phiến xác nhận, dẫu nghề văn do số mệnh có tinh, thân cũng khó vinh được. Đa số túng bấn. Ai dám bảo số này là may. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, dưới con mắt nhà Trời mỗi người mỗi việc, ai cũng ngang nhau thôi. Ngoài ra, trong bài Văn Phong, Nhân Cách, ông nói rõ, người nghệ sĩ xuất hiện với đời là xuất hiện như một tâm hồn, chứ không phải như một tập hợp kỹ thuật cao siêu. Người đời đến với một nghệ sĩ là tìm đến một tâm hồn; mấy ai buồn tìm hiểu các trò kỹ thuật làm gì đâu?

Vẫn theo Võ Phiến, hễ đọc thơ văn mà bắt được nét đẹp của một phong cách, đã yêu nó, thì cứ thoáng thấy nó xuất hiện ở đâu là thích đấy, bất luận người nghệ sĩ đang nói gì, đang tả cái gì, đang kể lể con cà con kê về cái gì… Phong cách nó phản ảnh một quan niệm sống, một thái độ ở đời, nó phản ảnh một khung cảnh xã hội, một thời đại, nó thừa kế các đặc điểm của một dòng dõi, một đường hướng giáo dục, một bầu không khí  văn hóa v.v… Nó là cái dung mạo của một tâm hồn.

Nhưng làm sao “bắt” được phong cách của một tác giả? Nó phảng phất ở đâu? Nó nương mình vào chỗ nào? Vào câu nào chữ nào? Võ Phiến giải thích, biện luận thuyết giảng thì rối rắm, nhưng phong cách là một sự thực. Hãy lấy lương tri ra trực nhận. Ông đưa thí dụ, bà mẹ Tôn Quyền nhìn qua anh chàng Lưu Bị một cái là đủ biết ngay con người đàng hoàng xứng cho cô con gái cưng gửi thân trọn đời. Còn văn cũng vậy; đọc thoáng một cái là “chịu” liền. Người có cốt cách của người. Văn cũng có cốt cách của văn phong.

Để cho cụ thể tác giả bài Văn Phong, Nhân Cách đã đề cập tới cái mùi của thức ăn và cái mùi của văn thơ. Ông nói chuyện này chẳng có gì mới mẻ. Cao Bá Quát, người xưa đã từng mắng cái mũi vô duyên khi ngửi phải câu thơ Thi xã  (chán thay cái mũi vô duyên, câu thơ Thi xã con thuyền Nghệ An). Theo Võ Phiến, ăn phở thực chất là ăn bánh phở, nước dùng, là ăn những sách, những nạm. Mùi thơm chỉ để ngửi. Nó không phải là cái ngon của phở mà chỉ là cái báo hiệu của ngon. Nhưng phở mà không thơm, không mùi thì thiệt là khổ não trần gian.

Về thưởng thức văn thơ, ông viết, đọc sách thì đọc chuyện, đọc ý, còn phong thái là cái vô hình phảng phất, chỉ để… ngửi chơi. Vậy mà chính cái đó mới làm cho Nguyễn Tuân thành Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính thành Nguyễn Bính, Phan Khôi thành Phan Khôi, cũng như xưa kia cái văn phong đó làm cho Lý Bạch thành Lý Bạch, Tô Đông Pha thành Tô Đông Pha… Cái đó chứ không phải là những cái tả cảnh hay ho, là những tư tưởng cao siêu nào. Bài viết này in trong tập Viết của nhà xuất bản Văn Nghệ.

Nhận xét về Võ Phiến, học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết, nhà văn này, có óc tò mò, đọc nhiều và đi nhiều, rất sở trường về thể văn tuỳ bút. Qua tập Đất Nước Quê Hương của nhà văn họ Võ, chúng ta thấy mấy trang ông tả cách nấu rót và uống chè Huế làm ta liên tưởng đến Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân: nghệ thuật không kém mà lại dí dỏm hơn, nhẹ nhàng hơn, có hương vị của quê hương hơn. Trong bài tựa cho tập này, học giả họ Nguyễn còn cho hay, vì ký một kiến nghị đòi bãi bỏ kiểm duyệt mà nhà văn phải di chuyển nhiều; nhờ vậy ông đã viết nên tập tùy bút. Võ Phiến là bút hiệu chữ nói lái tên người bạn đời Viễn Phố.

Bài tựa của học giả còn có đoạn viết, một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ còn dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng … bất kỳ một cảnh vật nào, một sự việc nào cũng có thể là một đề tài cho Võ Phiến; lịch trình Nam tiến và Tây tiến của chiếc áo dài phụ nữ cũng giúp ông có ý mỉa mai nhẹ nhàng và thấm thía về sự thành công của cuộc thống nhất đất nước của chiếc áo dài. Nó êm thắm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bạo tàn biết bao ! Võ Phiến sinh năm 1925 ở Bình Định, tuy là công chức cả khi ở trong nước và ngay ở hải ngoại ông như là một nhà văn chuyên nghiệp, sáng tác đều đều, đã có hơn 40 đầu sách gồm đủ thể loại.

Theo trang mạng Gio-o.com qua tác giả Chu Ngạn Thư, trong tháng 6-2012, hai Nhà xuất bản Nhã Nam và Thời Đại đã giúp tập tùy bút Đất Nước Quê Hương có visa vượt tường lửa, tường tre để được in lại tại VN, nhưng với tên sách mới: Quê Hương Tôi. Tác giả sách không ghi là Võ Phiến mà là Tràng Thiên. Tên thật của hai bút hiệu này là  Đoàn Thế Nhơn. Cuốn Quê Hương Tôi in ở Việt Nam có mấy điểm khác: không có bài tựa của Nguyễn Hiến Lê; bài Thơ lục bát Chàm  bị  mất phần đầu bài có dính đến thơ Chế Lan Viên.

Giọng văn như kể chuyện, một lối văn nói, khiến người đọc thấy gần gũi, chan hòa. Tập sách đưa lại nhiều hiểu biết về môn đất nước học, văn hóa học, và cả những kiến thức về du lịch, nhưng trên hết là một tình yêu, một tấm lòng. Càng đọc càng thích thú, khoái cảm, càng thấy mình hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống quanh mình, ở trên đất nước mình, nhất là về phía Nam, càng kích thích mình chú ý hơn đến những cái thường ngày để mà tìm hiểu. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ở trong nước đã có một vài nhận định như vậy về tập tùy bút trong bài Có Một Tấm Lòng Như Thế.

Võ Phiến là nhà văn có nhiều nhà vì ông có khả năng viết nhiều thể loại: nhà tùy bút, nhà tạp luận, nhà lý luận văn học, nhà phê bình văn học, nhà xuất bản, nhà viết truyện ngắn, truyện dài… và nhà tiên đoán thời cuộc nữa. Năm 68 , sau 23 năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói ngưng chiến ai nấy mừng rơn; riêng nhà văn đã đưa ra lời cảnh báo là Cọng sản sẽ tiến đến Cà Mau qua bài tạp luận Bắt Trẻ Đồng Xanh (1).  Ông đã bày tỏ những ý nghĩ buồn thảm, đen tối của mình khi nhắc đến các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở.

Nhà văn cho biết họ Hồ chấp nhận ngưng chiến là vì keo này chưa được thì bày keo khác. Ông ta lo liệu một cuộc chiến tranh quân sự mới để rước cho kỳ đươc chế độ cọng sản về; dù phải chết thêm hai ba thế hệ liên tiếp. Hồi tháng 4-68, khắp nơi Quảng Trị, Pleiku, Kontum đến Mỹ Tho, Cà Mau, phe cộng đã có một kế hoạch bắt trẻ qui mô để chuyển chúng ra Bắc bằng phi cơ từ Cam Bốt hoặc bị dẫn đi trên đường mòn Hồ Chí Minh. Cái Mặt Trận Gỉai Phóng Miền Nam được thành lập năm 1958 trước khi có người lính Mỹ đầu tiên chết trên lãnh thổ Miền Nam ngày 22-12-61.
Sau 1975 tòan bộ sách của Võ Phiến bị cấm, bị đốt hủy trong chiến dịch tẩy xóa tàn tích Mỹ Ngụy. Ông bị coi như là một trong những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Chính ông, trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan xác nhận, Võ Phiến khước từ cộng sản ngay từ đầu, có thái độ chính trị dứt khoát . Đó là nhờ trước 1954 ông đã có kinh nghiệm với cộng sản, từng gia nhập bộ đội, dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ Việt Minh, vào đội Tuyên truyền Xung Phong và từng tham gia vào tổ chức chống cộng ở Bình Định năm 1951. Bị bắt, ở tù, chỉ được thả vì theo hiệp định Geneve, trốn ra Huế ông làm công chức cho chính phủ miền Nam.

Từ 1954- 1975, ông đóng góp vào sự phát triển văn học miền Nam. Võ Phiến và học giả Nguyễn Hiến Lê là hai cây bút chủ yếu của Bách Khoa; tạp chí qui tụ nhiều cây viết thuộc nhiều thế hệ đã phản ảnh đời sống Việt Nam Cọng Hòa trên nhiều mặt.  Ra hải ngoại vì chỗ nặng tình với một thời văn học kém may mắn  bị bỉ báng hồ đồ và cộng sản VN còn tìm cách hủy diệt nên ông đã viết cuốnVăn Học Miền Nam Tổng Quan để có một tổng kết, một kiểm điểm sơ luợc cho những ai về sau còn lưu tâm có chút căn cứ sưu khảo. Sáu năm sau cuốn sách đã được cố họa sĩ Võ Đình Mai dịch ra tiếng Anh với tựa đề Literature in South Vietnam 1954-1975.

Nhà văn Phạm Phú Minh quen thân với gia đình nhà văn Võ Phiến cho biết, không cần tinh ý lắm người nói chuyện với ông hiện nay cũng nhận thấy ông quên nhiều. Chỉ người nào hay gặp ông mới nhớ. Ông thú nhận, rất ngại tiếp xúc với người khác vì có khi không nhận ra người đối thoại, sợ họ giận, sợ họ bảo ông là người kênh kiệu một cách oan uổng. Sau bài Cái Sống Hững Hờ viết năm 2009, không thấy ông viết thêm. Trong tác phẩm chắc là sau cùng này, tác giả viết:

“Tạo Hóa có lòng lành, nhón tay khe khẽ điều chỉnh lòng người. Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi nổi, bớt tha thiết. Rốt cuộc còn lại một sự hững hờ: ‘Chết? ai mà khỏi? Việc gì phải sợ?’ (…)  “Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Đại khái thế thôi.”

Saint Paul, 10.2012

© Phan Thanh Tâm

© Đàn Chim Việt

——————————————————–
(1)Võ Phiến

Bắt Trẻ Đồng Xanh

Trong những ngày gần đây ai nấy chỉ những xôn xao về chuyện ngưng chiến: Bao lâu nữa nhỉ? Làm gì bây giờ?

Trong bao nhiêu năm trời, chúng ta đã quen với nếp sống chiến tranh đến nỗi hòa bình làm chúng ta bối rối. Nhưng thiết tưởng ngưng chiến không đáng làm chúng ta bận tâm đến thế. Chiến tranh này sắp kết thúc, bằng cách này hay cách khác, hoặc sớm hơn một ít hoặc chậm hơn một ít. Chuyện phải đến rồi sẽ đến, nó xảy đến ra sao dường như cũng đã được trù liệu.

Cái đáng bận tâm là những điều tiếp theo cuộc ngưng chiến ấy.

— Thì các vị lãnh đạo của chúng ta đã tiên liệu rồi: đấu tranh chính trị chứ gì? kinh tế hậu chiến chứ gì?
Đấu tranh chính trị, nó hiển nhiên quá, nó sờ sờ ra đấy, tưởng như rờ mó được. Nói rằng trong giai đoạn tới ta với cộng sản phải đấu tranh chính trị với nhau, nói thế gần như không phải là tiên liệu gì ráo. Đó là đối phó. Chuyện ấy đến ngay trước mắt rồi, ta buộc lòng phải đối phó tức khắc, thế thôi.

Nhưng nói thế còn là khá. Hầu hết mọi người chỉ chăm vào những cái gần hơn nữa: hàng mấy trăm ký giả mỗi tuần bu đến phòng họp báo của các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt để ghi lấy dăm ba câu tuyên bố loanh quanh, các bình luận gia khét tiếng của báo này báo kia, đài này đài nọ bóp trán suy đoán xem lúc nào thì ngưng oanh tạc dưới vĩ tuyến 19 v.v… Thiên hạ theo dõi ý kiến của họ.

Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo liệu công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hòi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.

Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm. Thiết tưởng là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này. Bởi vì nếu ta mù tịt về ý định của đối phương trong tương lai thì trong cuộc đối thoại thương thuyết với họ hiện thời ta làm sao biết đặt ra những điều kiện cần thiết?

Cuộc bắn giết sắp tới giữa Miền Nam và Miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến theo hiệp định Genève.

Thượng tuần tháng 7-68 một nhóm luật gia họp ở Grenoble buộc Hoa Kỳ vào tội gây chiến tại Việt Nam. Sau đó, nhóm luật gia tranh đấu chính trị Việt Nam họp tại Sài Gòn cãi lại: Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã thành lập từ năm 1958 và ra mắt ngày 20-12-1960, còn người lính Mỹ đầu tiên chỉ mới tử trận trên lãnh thổ Miền Nam ngày 22-12-61.

Người của pháp luật, họ cãi lý với nhau, họ bắt bẻ nhau như thế. Không hiểu sao họ chỉ nói tới Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trước họ, nhiều người đã đi ngược lên tới Mặt trận Tổ quốc, và xa hơn Mặt trận Tổ quốc: tới cái nghị quyết của đảng Lao động đã đẻ ra Mặt trận này.

Mặt trận này, mặt trận nọ…, đó là những bằng chứng đã có tên gọi. Chờ cho cộng sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ về họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ càng.

Khi họ nhận thấy không thể thanh toán cả nước Việt Nam một lần, mà phải chấp nhận điều đình với Pháp để giữ lấy nửa nước, thì họ đã đặt ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch “giải quyết”, cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954, chứ không phải năm 1958.

Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết, thì những điều khoản ngưng cuộc chiến tranh bấy giờ được họ thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị cuộc chiến tranh sau. Đồng thời, không muộn hơn một ngày nào.

Lúc ấy chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ: công chức già thì vào theo nhà nước để lãnh hương hưu, các cụ cố thì theo con cháu vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v…

Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:
— Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở Miền Nam;
— Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc sống thường dân chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v…
— Địa chủ, phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm vùng của họ;
— Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng trai trẻ có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở;
— Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.

Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng.

Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vài sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước sẽ xảy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, dù biết họ đang gây loạn. Đã không tố giác được, tất phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ của họ.
Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán binh tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ ngoài Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số thư từ, hình bóng của cán binh tập kết. Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên.

Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt trận Giải phóng ra đời.

Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.
Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.

Dân chúng Miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắc đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. Chắc chắn. Dù tìm trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính phủ lo vợ cho quan binh túi bụi đến chừng ấy.

Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.

Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, không phải cộng sản họ nhằm làm nhẹ một gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng Kinh tế hoặc Xã hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung Cộng, người ta tiết giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái.

Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, cũng không phải cộng sản họ nhằm giúp ông tổng trưởng Giáo dục của chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.
Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công nghìn việc, nếu chuyện bắt trẻ Miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
Họ bổ sung quân số đó chăng? — Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy.

Đem chút ít kinh nghiệm về lần trước để suy nghiệm về lần này, chúng ta thấy trước dăm ba điều họ sẽ làm sau khi thỏa ước ngưng chiến được ký kết:

— Họ sẽ bỏ lại Miền Nam tất cả những thương phế binh, những cán bộ lâm nạn, tàn tật v.v… Mang mỗi phần tử vô dụng như thế về Bắc chỉ gây thêm xúc động tâm lý trong quần chúng ngoài ấy; để hạng ấy ở lại, họ tạo thêm gánh nặng cho kinh tế Miền Nam;

— Lúc cuộc “chiến tranh chính trị” mà các nhà lãnh đạo Miền Nam vẫn nói được bắt đầu, thì bao nhiêu ức vạn gia đình có con cháu ra Bắc (và những cô gái có chồng lính cưới vội cưới vàng trước khi về Bắc nữa) hóa ra những thành phần mà chánh quyền ta không sao lôi kéo tranh thủ nổi. Lòng họ hướng về những con tin ở ngoài Bắc, phân nửa sinh mạng họ do nhà đương cuộc Miền Bắc định đoạt. Thái độ của họ khiến nhà chức trách địa phương có thể phạm vào vài biện pháp kỳ thị vụng về: thế là phát sinh mâu thuẫn, bất mãn, chống đối v.v…

— Một ngày nào đó, những cán bộ từ Bắc lại lén lút xâm nhập , mang theo thư từ của con, của chồng họ: họ mừng như mở cờ trong bụng. Họ bắt tay cộng tác với những cán bộ nọ, cùng nhau hoạt động để tạo điều kiện cho chồng con họ sớm trở về ồ ạt theo những đơn vị Nam xâm v.v…

Cán binh gốc người Miền Nam đưa ra Bắc, rồi lại phái trở vào có nhiều cái lợi: khi được lệnh vào Nam hoạt động, họ mừng rỡ vì có cơ hội về quê; họ ra đi lặng lẽ, không có bà con thân thuộc ở Bắc nên không gây xao xuyến gì trong dân chúng, vừa giữ được yếu tố bí mật vừa tránh được tác động tâm lý bất lợi; họ lại được mong chờ đón đợi ở Miền Nam; và họ thông thạo am hiểu về dân tình cùng địa thế Miền Nam.
Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về “Vấn đề gửi các cháu ra Miền Bắc” đã được phổ biến trong hàng ngũ cộng sản từ tháng 4-68, và thúc giục thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4-68, tức là liền ngay sau khi tổng thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới điều đình.

Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến thế nầy, theo họ, là một sự dở dang, là chưa hoàn tất công việc. “Thế này rồi thôi luôn hả? Nói thế mà nghe được! Sao có thể quan niệm một cách giải quyết giản đơn, vô duyên đến thế?”

Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v… Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà Miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa. Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi.

Trước một đối thủ như thế, thái độ của những chính khách Việt Mỹ hằng ngày đấm ngực đồm độp, băn khoăn, tự trách mình cái lỗi không kết thúc được chiến cuộc, thái độ ấy ngây ngô đã đành. Thái độ của những người hớn hở với một kế hoạch kinh tế hậu chiến nào đó, nghĩ cho cùng cũng mỉa mai tội nghiệp: liệu rồi hưởng được mấy năm hòa bình trước mắt mà hí hửng tính chuyện xây dựng, mà mơ cảnh thịnh vượng? Rồi đến thái độ của những kẻ nhìn xa để báo động về một cuộc chiến tranh chính trị: bảo rằng đối phương rồi đây chỉ có hoạt động chính trị, như vậy không khác gì chỉ vào con cọp mà gọi là con chó. Gần như tự lừa mình, như giúp địch ngụy trang.

Dù cho chỉ có chiến tranh chính trị với nhau, đố ai, đố đảng phái nào, liên minh nào, phong trào nào của chúng ta mà thuyết phục được mấy vạn ông bà cha mẹ có con cháu ở Bắc, mấy vạn góa phụ có chồng ở Bắc, thuyết phục được họ thành thực theo ta? Chỉ nắm lấy chừng ấy vạn người, cộng sản Bắc Việt đã có trong tay một lực lượng to lớn hơn mọi đoàn thể chính trị của chúng ta, lực lượng nằm ngay trong lòng quần chúng ta, hàng ngũ ta, mà hoạt động. Ấy là chỉ so sánh về lượng. Mặt khác, trong số các đoàn viên phong trào quốc gia, đảng viên quốc gia v.v… hạng thực sự nhiệt thành vì lý tưởng được bao nhiêu? Và riêng trong hạng nhiệt thành có được bao nhiêu kẻ mà lòng thiết tha đối với lý tưởng có thể mạnh hơn lòng thiết tha với chồng con của những phần tử bị cộng sản lợi dụng kia?

Dù cho chỉ có đấu tranh chính trị với nhau thôi, chúng ta đã bất lợi như thế. Huống chi đó chỉ là hành vi tốt lành lương thiện mà ta gán cho đối phương. Còn họ…, nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thoát khỏi một trận chiến tranh nữa, thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu.

Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được. Đó là chỗ nhược của ta.

Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt. — Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.
Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, kẻ ấy thật mặt dày mày dạn, tán tận lương tâm. — Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến tranh.

Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam! Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ văn minh này là tuyên truyền chính trị, nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Không phải thứ tuyên truyền yếu ớt vận dụng một cách khó khăn trong khung cảnh các nước tự do, mà là thứ tuyên truyền một chiều, qui mô, toàn diện, có thể sử dụng các quyền lợi kinh tế hỗ trợ cho nó như ở tại các quốc gia độc tài: Nga xô, Trung cộng, Bắc Việt, Đức quốc xã v.v…
Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước, trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập toàn vẹn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hóa thành chính trị gia khôn ngoan, thành “cha già dân tộc” dưới mắt nhiều người, trong khi ở các xứ khác cùng lâm vào tình trạng lưỡng phân không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách vô hiệu mà bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến cuộc tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.

Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua ngay đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.

Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mặt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.

Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc? — Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hoàn toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Vả ông ta chừng ấy tuổi tác rồi, tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khoác lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Đông Đức đâu bằng ở Thụy-điển, Hòa-lan, thừa rõ con đường từ Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy-sĩ, Phần-lan.

Mà dù ông ta có không nghĩ như thế, có cho rằng Tiệp-khắc sung sướng và tự do hơn Thụy-điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đày vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.

Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác, vì lẽ người như ông ta không chịu thất bại nửa đường? — Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh hơn tranh thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn ông, ông dai dẳng quá.
Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách đáng giận quá.

Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Một biểu thị tình cảm: thật vu vơ, vô hiệu. Ăn thua chỉ có chiến lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Lời nói — dù nhã hay bất nhã — rồi sẽ bay đi theo mây gió. Chỉ có hành động mới sửa đổi được tình thế. Mà hành động thì…
Thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhảy lên mừng hòa bình, rồi tiếp sau đó sẽ bất đồng cãi cọ nhau ỏm tỏi về chuyện xây dựng, sẽ tranh nhau làm ăn tới tấp. Cùng lắm, lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Thế thôi.

Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong nầy âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.

Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bỗng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào chiến cuộc, lấy làm lo ngại, bực mình, quay đầu về cái xứ lắm chuyện này nhìn bằng cái nhìn xoi mói, nghiêm khắc, trách vấn: “Rầy rà thật! Ra cái xứ ấy tệ thật, tự xử không nên thân. Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v.v… khiến dân chúng bất mãn nổi lên chống chế độ. Dung dưỡng những chính quyền, những chế độ như thế chỉ tổ tai hại v.v…”
Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học gọi nhau họp ở Thụy-điển, các luật gia rủ nhau họp ở Grenoble v.v… trịnh trọng suy tư, trịnh trọng bàn cãi, rồi lên án, kết tội v.v… Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội họ chỉ cần khéo che miệng nín cười. Đó là điều quan trọng: họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.

Cứ thế cho đến khi hoặc chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những dằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mau; hoặc bên phía chúng ta cùng đồng minh có những kẻ thật chì, cộng sản liệu ăn không nổi, thế là lại điều đình và lại xếp đặt một kế hoạch khác… Như vậy không biết đến bao giờ.
Còn ba mươi hai năm nữa, chúng ta bước sang thế kỷ XXI. Nhiều người xem như bước sang một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới: con người sẽ không chỉ biết có quả đất, nhiều quốc gia sẽ tiến đến nền kinh tế kỹ nghệ hậu. Đó chưa hẳn là cực lạc, nhưng cũng là cái gì vượt xa tình trạng hiện tại. Thiên hạ nô nức đua nhau tiến đến mặt trăng, đến kinh tế kỹ nghệ hậu. Như thể cá vượt Vũ Môn.

Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi hai năm nữa e vẫn còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc, bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI. Riêng chúng ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ, họ chưa có dấu hiệu từ bỏ.

Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, để nghĩ cách cứu các em, thì cũng đã muộn.

Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngày ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.

Võ Phiến
10 – 1968

*Nhan đề bài này mượn từ một cuốn sách của Phùng Khánh, dịch truyện The Catcher in the Rye của J.D. Salinger. Sách Phùng Khánh do Thanh Hiên xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn.
 

7 Phản hồi cho “Võ Phiến: Nghề văn do Trời cấp Lai Xăng”

  1. Minh Đức says:

    Trích Bắt Trẻ Đồng Xanh: “Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Đông Đức đâu bằng ở Thụy-điển, Hòa-lan, thừa rõ con đường từ Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy-sĩ, Phần-lan.”

    Trong đoạn trên ông Võ Phiến viết rằng ông Hồ Chí Minh ắt hẳn phải biết đời sống tại Thụy Điển, Hòa Lan hơn đời sống ở nước Đông Âu, thế thì tại sao ông Hồ lại đeo đuổi, kéo dài chiến tranh để chiếm cho được miền Nam?

    Hỏi như thế tức là giả định rằng động cơ của ông Hồ vào người CSVN là muốn đem lại cho dân đời sống hạnh phúc.

    Nhưng vào thời điểm 1968, thì trên thế giới nhiều người đã biết là đời sống tại một số nước tự do tốt đẹp hơn đời sống tại các nước Đông Âu. Một số người sống tại các nước tư bản vẫn nghĩ rằng đời sống tại Đông Âu vì là XHCN nên tốt đẹp hơn tại tư bản. Nhưng các nhà lãnh đạo CS lừa được dân sống tại nước tư bản, bưng bít được dân trong nước, còn họ thì được đọc tất cả mọi sách, được đi sang bất cứ nước tư bản nào để quan sát thế thì họ không thấy rằng đời sống tại một số nước tư bản tốt đẹp hơn tại Đông Âu hay sao? Nếu họ không nhận ra thì họ kém về quan sát, nghĩa là sự kém quan sát làm cho họ đi lầm đường. Nhưng có những điều không cần phải quan sát nước khác mới biết chẳng hạn như năng suất của nông nghiệp tập thể kém hơn năng suất nông nghiệp cá thể của các nước khác. Năng suất nông nghiệp của Liên Xô sau khi tập thể hóa nông nghiệp không bao giờ cao bằng thời Nga Hoàng. Ông Hồ có thể so sánh năng suất nông nghiệp của miền Bắc so với Nhật, Nam Hàn hay Thái Lan để thấy sự yếu kém của nông nghiệp tập thể ra sao. Và dĩ nhiên ông Hồ và các nhà lãnh đạo miền Bắc phải thấy điều này. Thế mà họ vẫn dấu điều đó với dân miền Bắc và tiếp tục theo đuổi chiến tranh. Vậy thì động cơ của họ không phải là muốn làm cho đời sống nhân dân tốt đẹp hơn. Động cơ của họ là quyền lực.

    Bảo rằng động cơ để gây chiến tranh là để thống nhất đất nước thì thống nhất đất nước trong khi biết đời sống tại nước XCHN thấp kém hơn các nước tự do mà vẫn muốn thống nhất thì động cơ của thống nhất cũng không phải là vì muốn đời sống nhân dân hạnh phúc hơn, mà cũng chỉ là vì quyền lực.

  2. DâM Tiên says:

    Cộng sản ma-le hơn Quốc gia, nhỉ.

    Nhớ hồi trước khi tập kết 1954, bên lính Vc tổ chức liên hoang lu bù,
    cho lính tráng tha hồ cắm cù chỉ điểm, các cô gái càng phát xia ra
    nhiều tí nhau có…máu việt cộng, thì đó là sự sửa soạn cho ván bài
    xâm lăng kế tiếp Việt cộng! Cái sự đó kêu là ‘ chiến dịch bông hồng.”

    Nhưng than ôi, có một chiều thu…lá thu và MTGPMN ” rơi,: tụi
    miền Bắc kiêu căng giết chết MTGPMN và những “bông hồng “cái rụp!

    Ấy a, nay tụi miền Bắc đang thống trị ngon lành cả và Miền Nam đó…

  3. Minh Đức says:

    Trích: “Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.”

    Trong bài Bắt Trẻ Đồng Xanh ông Võ Phiến viết về việc chính quyền miền Bắc chuẩn bị đánh miền Nam từ lúc ký hiệp định Geneve năm 1954, bằng cách đưa bộ đội và đưa cả trẻ em ra Bắc để huấn luyện rồi đưa trở về Nam chứ không phải là ý định đánh miền Nam bắt đầu khi miền Nam từ chối tổng tuyển cử năm 1956, cũng không phải là vì chính quyền miền Nam độc tài như Mặt Trận DT Giải Phóng Miền Nam nói.

    • GIÓ NGÀN says:

      KHÔN VÀ NGU

      Khôn thì nhìn thấy từ xa
      Anh ngu chờ đến xảy ra mới tường
      Những người dở dở ươn ươn
      Dễ gì biết được sự đời sâu xa
      Hai miền Nam Bắc suy ra
      Sự tình có gốc dễ mà đơn sơ
      Ông Hồ từ trước tới giờ
      Hai điều khẳng định khó chờ cho lâu
      Một là thống nhất nước nhà
      Hai là cộng sản mới ra sự tình
      Thế nên nếu trách miền Nam
      Quả là khờ khạo những anh khù khờ
      Cụ Hồ nào phải ngây thơ
      Vin vào lỗi phải của miền Nam đâu
      Mày không theo thế đủ rồi
      Thì tao phải đánh đến nơi đừng hòng
      Đố mày có chạy đàng trời
      Tao mà không thắng tao thời chịu thua
      Nên khôn khác dại ở đời
      Những anh lớ mớ coi trời bằng vung !

      NGÀN MÂY
      (09/11/12)

  4. NGÀN KHƠI says:

    GIÁ TRỊ VÀ NHÂN CÁCH CỦA MỘT NHÀ VĂN

    Giá trị của một nhà văn là giá trị của tình cảm, ý thức. Với tình cảm và ý thức, nhà văn cũng hình thành nên nhân cách hay phong cách của mình. Nói cho cùng, cái cao nhất, ý nghĩa nhất và cũng giá trị nhất nơi nhà văn là tâm hồn và sự chân chính. Tâm hồn có nghĩa đã bao quát cả tình cảm lẫn ý thức của nhà văn. Nói ngược lại, không có tâm hồn lẫn ý thức lành mạnh, tâm hồn của nhà văn cũng sẽ không có, giá trị cũng không có, tức không còn ý nghĩa gì là cao quý cả. Chính trong ý nghĩa đó mà nhà văn phải cần tính chủ động và độc lập. Nhà văn bị tướt đoạt hay bị đánh mất tính chủ động và độc lập, nhà văn cũng không còn là nhà văn đúng nghĩa, không còn là nhà văn có giá trị. Tính giá trị và nhân cách của một nhà văn ở đây đối với Võ Phiến là như vậy. Văn chương của ông không lệ thuộc, không vâng lệnh của bất kỳ ai, mà chỉ hoàn toàn độc lập, tự chủ, chỉ nhằm đáp ứng cho tâm hồn và ý thức của riêng ông và nhằm mang ý nghĩa đến cho cuộc sống, nhằm phục vụ cho cuộc đời. Cũng trong tính cách đó mà hồi còn đi học tôi rất thích đọc Võ Phiến. Nhiều khi đọc rất thu hút, say mê, khiến trong tâm hổn luôn trân trọng và quý mến tác giả. Đấy tính thành thật, chủ động, độc lập của Võ Phiến nó mang lại các tác dụng và mỹ cảm đối với người đọc ông là như thế. Hình ảnh văn học và tâm thức về Võ Phiến bởi vậy tôi đã giữ được rất lâu mặc dầu sau này không có dịp để đọc tiếp về ông. Do vậy, gần đây, khi được biết văn chương của Võ Phiến lại tái hội nhập cùng cuộc đời, điều đó quả thất khá cảm động và chính bản thân tôi cũng thật sự hoàn toàn cảm xúc và trân trọng. Chính tính cách phi nô dịch của Võ Phiến đã làm nên nhân cách, giá trị và ý nghĩa của nhà văn là như vậy.

    NON NGÀN
    (09/11/12)

  5. quang phan says:

    Đã lâu nay mới có dịp đọc lại bài Bắt Trẻ Đồng Xanh- phơi bày tội ác “giết người Việt, giết thêm nhiều nữa người Việt” của bầy Quỷ Đỏ man rợ Hồ chí Minh, Lê Duẫn, Võ nguyên Giáp…

  6. Bac Ba Phi says:

    Bọn cộng sản Việt Nam
    vẫn là những lũ hèn
    không thể che giấu
    văn tài của ông
    cái tâm của ông
    đối với dân tộc
    đối với quê hương
    bọn chúng
    in sách của ông
    mà không dám
    đề tên thật !
    Điều ấy chứng tỏ
    bọn cầm đầu văn hóa
    của Việt cộng
    bao giờ cũng là những thằng hèn
    giống như “bác”của chúng !

Phản hồi