Luật pháp có trị được tham nhũng?
Cứ hô hào tiết chế lòng tham đi, nhưng khi có điều kiện, lòng tham vẫn sẽ bùng dậy mạnh mẽ.
Gần đây, tờ báo New York Times đăng tin, một quan chức cao cấp nọ của nước “láng giềng” sở hữu khối tài sản 2,7 tỷ đô-la. Dư luận trong và ngoài nước trở nên ầm ĩ trước thông tin ấy. Để bảo vệ sự trong sạch của mình, quan chức đó gửi đơn đề nghị điều tra cáo buộc này, vì luật sư của ông ta cho rằng, ông “không bao giờ tham gia vào các hoạt động kinh doanh của gia đình”.
Nhờ những bài học căn bản làm người
Trở lại chuyện chống tham nhũng ở xã hội ta. Phải trị vấn nạn này như thế nào, khi công cụ pháp luật “đánh” vào chỗ này thì tham nhũng né một cách tài tình sang chỗ khác. Ngày xưa người ta “đo” giá trị của thời đại bằng việc “người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa”. Và thấm thía ở cái chỗ nhận ra “miếng cao lương phong lưu nhưng lợm”.
Thế nên nói cho cùng, chẳng có cách “đánh” nào hiệu quả hơn việc giáo dục những bài học cơ bản làm người.
Đạo Nho có năm điều thường xuyên phải thực hành trong đời đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đạo Phật cũng có năm điều đạo đức căn bản: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Sau đó, để hòa hợp tư tưởng, người ta lý giải, có nhân thì không sát sinh, có nghĩa thì không trộm cắp, có lễ thì không tà dâm, có tín thì không nói dối, có trí thì không uống rượu.
Lòng tham luôn thường trực nơi mỗi con người. Nhưng nhờ có GD, những bài học căn bản để làm người ấy, mà người ta hiểu được, người hiền không phải là người không tham, mà người hiền là người có điều kiện để tham nhưng không tham. Và chỉ khi cái “có điều kiện” ấy xuất hiện thì người ta mới đo được độ thấm của những bài học đạo lý căn bản kia thôi.
Hôm rồi, trong chuyến bay từ Vinh vào Tp. Hồ Chí Minh, máy bay chuẩn bị cất cánh thì nhân viên báo rằng, có một vị khách đã “cầm nhầm” chiếc ví tiền của vị khách khác trong lúc qua cửa an ninh, đề nghị ai cầm cái ví ấy thì trả lại cho khổ chủ.
Lúc đó có một người đàn ông cầm ví tiền đó đi lên và nói, tôi có cầm một cái ví “định bụng” sẽ báo cho quý vị… Nếu nhân viên hàng không không thông báo, thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Có thể người đàn ông kia cầm nhầm và quên thật, cũng có thể suy luận theo chiều hướng khác…
Cũng may không xảy ra một cuộc khám xét, máy bay không phải tạm dừng theo yêu cầu của người mất ví tiền, và mọi người không phải nhìn nhau nghi ngờ…
Dù hô hào tiết chế, lòng tham vẫn trỗi dậy
Rõ ràng lòng tham luôn luôn được “cân đong đo đếm” ở những tình huống, những điều kiện dễ dàng đánh thức nó. Cho nên, chỉ khi bê một cục tiền lớn tới trước mặt con người, mới hé lộ ra có tham hay không. Còn không, cứ hô hào tiết chế lòng tham đi, nhưng khi có điều kiện… lòng tham vẫn sẽ bùng dậy mạnh mẽ.
Người ta bảo “đói ăn vụng, túng làm liều”. Nhưng cái đói, cái túng ấy thường rơi vào những kẻ ăn cắp vặt, những kẻ cùng đường… Còn những kẻ tham nhũng, cuộc sống của họ có đến mức “đói” và “túng” không. Ai chẳng biết, có chức có quyền là có điều kiện tối ưu nhất để tham. Tham bằng nhiều cách, từ quà biếu, cây cảnh, thú cưng, cho đến tiền, vàng, đô la…
Pháp luật có trị được tham nhũng không? Ôi, đã bao lần sửa đi đổi lại rồi mà vẫn chỉ như thứ thuốc… bôi ngoài da. Nếu muốn trị phải bắt tận tay, day tận mặt. Nhưng muốn kiếm ra cái chứng cứ ấy có dễ không? Hay những kẻ tham nhũng ấy, sẽ giăng ra đủ thứ thiên la địa võng để thoát tội, chối tội. Người tố cáo không có đủ bằng chứng thì rước họa vào thân, bị đe dọa, trù dập, trả thù, có khi còn phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Cụ Nguyễn Trãi biết rất rõ nên từng thốt lên: “Pháp luật không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi!”. Nói đến nhân nghĩa là nói đến bài học cơ bản làm người. Thiếu cái bài học cơ bản làm người thì có tội ác gì mà con người không dám làm?
Trong Hội thề đền Đồng Cổ xưa, nhà vua và quần thần theo định kỳ phải đứng trước đền thiêng thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết“. Thần minh là ai mà đáng sợ vậy? Thần minh có thể là lương tâm. Thần minh có thể là niềm tin và lòng sùng kính thiêng liêng của nhân dân.
Pháp luật có trị được tham lam không? Ôi, đã bao lần sửa đi đổi lại rồi mà vẫn chỉ như thứ thuốc… bôi ngoài da. Nếu muốn trị phải bắt tận tay, day tận mặt. Nhưng muốn kiếm ra cái chứng cứ ấy có dễ không? Hay những kẻ tham nhũng ấy, sẽ giăng ra đủ thứ thiên la địa võng để thoát tội, chối tội. Người tố cáo không có đủ bằng chứng thì rước họa vào thân, bị đe dọa, trù dập, trả thù, có khi còn phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Và họ sẵn sàng chết nếu trái lời thề ấy! Cho nên ở nhiều vùng, người dân mới lập đền, lập miếu giữa làng, giữa chợ, giữa những nơi mà người ta dễ rời rào, xê giậu, cân non bán thiếu, gian lận. Để mỗi khi có chuyện, người ta dắt nhau ra đó và thề. Lời thề sẽ đánh vào tận cùng lương tâm, trước sự chứng kiến của thần minh, của luật nhân- quả báo ứng.
Có thế, các bậc tiền nhân xưa mới vừa giữ được đạo đức của làng xã, vừa giữ được phên giậu của Tổ quốc.
Nhưng chúng ta phòng chống tham nhũng thế nào? Người dân có vũ khí nào để chống tham nhũng đây? Sẽ chẳng khác gì tay không tấc sắt đi “đánh nhau” với xe bọc thép?
Còn phản biện xã hội để chống tham nhũng, chúng ta chống bằng “lời nói” thì ai chẳng chống được? Chỉ riêng chủ trương kê khai, minh bạch tài sản, tiêu chí đầu tiên để hạn chế và kiểm soát tham nhũng, Nhà nước và toàn dân có quyết liệt làm được không?
Ở góc độ khác, tham nhũng còn là bạn đồng hành của hối lộ. Vì thế, trước khi chống lòng tham của kẻ khác, nên chăng mỗi người dân cũng phải biết chống lòng tham của… chính mình, trở về với những bài học cơ bản để làm người. Có khó không? Rất khó. Nếu biết rằng GD cũng là lĩnh vực còn đang loay hoay để ra khỏi “vùng trũng” của việc dạy người.
Không cần phải có con mắt tinh đời nhìn suốt sáu cõi như cụ Nguyễn Du. Cũng chẳng cần phải dài dòng với những chuyện kê khai tài sản, bởi có kê khai thì sẽ có… khai man. Chỉ nhìn vào đồng lương và nhìn vào nhà cao cửa rộng, xe đắt tiền, con cái đi du học, tiêu xài hoang phí là có thể hiểu…
Trước quốc nạn tham nhũng, ai có thể vượt qua giới hạn nguy hiểm, để đòi quyền lực đích thực chống tham nhũng cho người dân?
Câu hỏi cũng đã là câu trả lời!
Nguồn: TuanVietnam
Nền tư pháp có thể trị được tham nhũng là nền tư pháp nằm trong tay những kẻ không dính dáng gì đến những kẻ tham nhũng. Chẳng những thế lại phải có cơ chế giám sát cái nền tư pháp đó để nói khỏi bị tham nhũng mua chuộc, biến thành tay sai của bọn tham nhũng. Nền tư pháp đó không thể nào có trong chế độ độc tài toàn trị khi mà viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân và quan tòa lại là người cùng đảng với những kẻ tham nhũng, được đặt dưới sự lãnh đạo của những kẻ tham nhũng.
Nhưng luật pháp chỉ là hàng rào thứ hai để ngăn cản tham nhũng. Hàng rào thứ nhất là văn hóa, đạo đức. Văn hóa có khả năng ngăn cản tham nhũng là văn hóa xem việc gian lận, lấy cắp của công là gian tham, xấu xa. Kẻ nào làm việc đó sẽ bị xã hội, toàn dân nhìn với cặp mắt khinh bỉ. Như thế những kẻ tham nhũng nhưng khéo léo không để bị pháp luật truy tố thì cũng vẫn bị toàn dân nhìn với cặp mắt khinh bỉ. Nhưng cũng có những kẻ bất chấp sự khinh bỉ mà vẫn tham nhũng cho nên cần đến hàng rào thứ hai là pháp luật để trừng phạt những kẻ này. Nhưng muốn có cái văn hóa đó thì phải có tự do phê phán, có thế thì người dân mới có thể biểu lộ sự khinh bỉ những kẻ làm xấu. Còn ở chế độ mà những kẻ tham nhũng lại nắm độc quyền về ngôn luận thì những kẻ đó chẳng những bịt miệng những người dân muốn tỏ ý khinh bỉ tham nhũng mà lại còn ca tụng những kẻ tham nhũng.
Cả hai thứ hàng rào để ngăn cản tham nhũng đó đều không có ở Việt Nam. Tham nhũng cứ thế mà tự do hoành hành.
Bài trừ tham nhũng không thực hiện được thì nay họ buộc lòng phải năn nỉ xin các đồng chí khác kềm hảm lòng tham…!
Ngày nào còn các đồng chí trong một đảng duy nhất lãnh đạo và cai trị đất nước, họ cùng ngồi xổm trên luật pháp thì đừng mơ đến chuyện bài trừ tham nhũng!
Những gì họ tuyên bố hay phát biểu chỉ là trò hề!
THỜI XƯA – THỜI NAY
Thời xưa xã hội nông thôn
Khổng Khâu mới ước được nên đại đồng
Của rơi chẳng nhặt ngoài đường
Tối thì cửa đóng chẳng cần cái then
Đó là câu chuyện thời xưa
Khổng Khâu mơ thuở Châu Công tuyệt vời
Nhưng rồi vật đổi sao dời
Mòn chân lỏng gối có thời được đâu
Khổng Khâu tất phải cầu âu
Về nhà viết sách dạy người làm vui
Tích xưa ai cũng biết rồi
Lấy nhân mà trị, Khổng thời chua cay
Bây giờ nói chuyện phương Tây
Có chàng Các Mác cũng tay mơ màng
Vạch nên cảnh giới địa đàng
Đấu tranh giai cấp, thật càng lạ hơn
Độc tài chuyên chính xanh dờn
Mong toàn phủ đỏ lên trên loài người
Chuyện nay vừa khóc lẫn cười
Lênin thực hiện bao người hoãng kinh
Chưa bằng tay Stalin
Độc tài thứ thiệt hết tin con người
Đến Mao lắm chuyện nửa vời
Rồi Khmer đỏ khiến trời cũng kinh
Điểm qua nhằm để giật mình
Bao người ba trợn cả tin con người
Quả đều mơ mộng mà chơi
Càng mơ mộng lắm khiến đời càng ghê
Nên sau bao thứ ê chề
Bây giờ nhìn lại, khỏi phê con người
Chỉ cần luật pháp rạch ròi
Để người kiểm soát giữa người lẫn nhau
Mọi người bình đẳng, tự do
Chính là dân chủ, con đường tự nhiên
Ngặt vì Các Mác quá khờ
Dựa vào giai cấp, mơ đời thần tiên
Ai hay tham nhũng triền miên
Bởi mình chuyên chính sao tiền không xơi
Quyền hành mình nắm cả rồi
Nào ai hó hé giỏi chơi đi nào
Trên đời lại dại hay sao
Đếch ai kiểm soát, dễ nào hiền chăng
Nực cười quả Mác Ăng-ghen
Quyết chơi bạo lực để xây dựng đời
Bê tông cốt sắt đúc rồi
Còn mong xã hội cuộc đời như tiên
Tự do tiêu diệt nhãn tiền
Còn đâu bình đẳng giữa miền nhân gian
Quả khôn mà lại chẳng ngoan
Khiến cho nhân loại phải càng hãi kinh
Vài lời chớ nghĩ bất bình
Chuyện đời chỉ vậy, bất bình được sao
Hoan hô, chẳng lẽ hoan hô
Phê bình, lại bảo tại sao phê bình
Nên thôi cũng chẳng bất bình
Đỉnh cao nhân loại, thật tình đáng chê !
ĐẠI NGÀN
(12/12/12)