Chicago gió lạnh tình nồng
Bút ký của Đoàn Thanh Liêm
Tôi đã từng đến thăm viếng bạn hữu và bà con tại Chicago rất nhiều lần, hầu hết là vào mùa hè có nắng ấm. Nhưng chỉ có lần này vào đầu tháng Tư năm 2014, thì gặp trời lạnh với nhiệt độ ban ngày vào khỏang trên dưới 5 độ C – mà khi gặp gió thổi mạnh, thì buốt giá vô cùng. Anh Phan Lục là người bạn cùng trong ngành Hành chánh Tài chánh Quân lực Việt nam Cộng hòa hồi trước với tôi – thì anh có viết trong blogspot “bachhacthanhphogio” của mình hai câu thơ như thế này :
Chicago gió lạnh tình nồng
Dang tay đón bạn với lòng cảm thông.
Quả thật, trong mấy ngày đầu sống tại Chicago lần này, tôi đã thật “ thấm đòn” với cái gió lạnh của nơi được bà con gọi là “Windy City” (Thành phố Gió). Nhưng về mặt tình cảm, thì bà con và bạn hữu thân thiết tất cả đều dành cho tôi sự chăm sóc ân cần và tình cảm nồng hậu. Tôi xin mượn câu thơ của anh bạn Phan Lục để làm nhan đề cho bài viết nhằm tường thuật chi tiết hơn về cái “tình nồng” ấy qua một số con người và sự việc cụ thể như sau đây.
1 – Dan Shaw là người cháu thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình bác Nguyễn Ngọc Chương.
Gia đình bác Nguyễn Ngọc Chương là chỗ tôi có duyên gắn bó thân thiết từ trên 60 năm nay, bắt đầu từ cuối năm 1953 tại thành phố Nam Định ở ngòai Bắc. Anh Nguyễn Ngọc Đĩnh trưởng nam của bác Chương cùng trọ học chung với tôi ở Hanoi từ đầu năm 1954 cho đến khi chia tay nhau để di cư vào miền Nam. Cháu Diệp năm nay 56 tuổi là con gái lớn của anh chị Đĩnh, hiện cháu là giáo sư tại một đại học ở Chicago. Diệp có chồng là một mục sư người Mỹ vừa qua đời vài năm trước đây. Hai người sinh được 3 con trai nay đều trưởng thành.
Vào cuối tháng Năm 2013, tôi đã tới thăm và ở lại với gia đình Diệp vài ngày. Lần này, vì Diệp phải đi họp ở Philadelphia vào ngày 3 – 6 April, nên lúc đón tôi vào chiều ngày 2 ở phi trường O’Hare, cháu đã đưa tôi đến thẳng nhà con trai thứ là Dan Shaw tại căn nhà ở khu uptown Chicago, gần kề với khu vực có nhiều cơ sở kinh doanh của bà con người Việt. Trong bữa ăn tối hôm đó, Diệp đã giải thích cho con đại ý rằng : “Ông Liêm đây là người thân thiết với cả ba thế hệ trong gia đình phía bên ngọai của con – từ ông bà nội là thế hệ thứ nhất, đến bố mẹ và các cô chú là thế hệ thứ hai, rồi đến mẹ Diệp và các em là thế hệ thứ ba. Bây giờ ở đây Dan là thế hệ thứ tư của gia đình mà ông Liêm gặp gỡ đấy…”
Trong 2 ngày ngụ tại nhà Dan, tôi có dịp chuyện trò tâm sự thân mật với cháu. Ở vào tuổi 25, Dan trông như là một thanh niên Mỹ bình thường, không có dáng dấp nào của một người Mỹ lai Á đông. Nhưng Dan tỏ ra rất ngưỡng mộ người mẹ vì cố gắng học tập thành công và hội nhập sâu sắc với dòng chính trong xã hội Mỹ. Dan cho biết làm việc cho một công ty dịch vụ kỹ thuật mà được giao nhiệm vụ là phải giao tiếp với một số khách hàng có thái độ bất mãn giận dữ (angry customers).
Tôi đưa cho Dan mấy bài tôi viết bằng Anh ngữ về vụ án chính trị của tôi, về suy nghĩ trong thời gian ở tù và bài giới thiệu về văn hóa Việt nam. Tuy không nói được tiếng Việt, nhưng Dan có vẻ chú ý nhiều đến việc tìm hiểu văn hóa Việt nam – phát xuất từ lòng yêu thương quý mến sâu xa đối với bà mẹ của mình. Dan còn nhớ lần được mẹ dẫn về thăm Việt nam mấy năm trước đây và sẽ tìm cách trở lại thăm nơi đây lần nữa.
Riêng đối với tôi, thì Dan tỏ ra chăm sóc thật chu đáo về nơi ăn chỗ ở cho tôi trong 2 ngày mưa gió mà thật lạnh lẽo ở Chicago. Qua sáng ngày mồng 4, Dan đã phụ giúp xách hành lý cho tôi ra tận xe bus để đi về khu trung tâm Chicago tham dự Đại Hội của Amnesty. Rõ ràng là Dan đã để lại nơi tôi một ấn tượng tươi vui hồn nhiên đẹp đẽ, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi chưa đày 48 tiếng tôi cư ngụ tại nhà với cháu.
2 – Cháu Thiên Hương là trưởng nữ của anh chị Phạm Xuân Hương.
Vào chiều chủ nhật 6 tháng Tư, sau khi bế mạc Đại Hội của Amnesty, thì cháu Thiên Hương nhờ chồng là bác sĩ Minh Tâm đến đón tôi từ khách sạn về nhà các cháu tại thành phố Bolingbrook về phía Tây Chicago. Thiên Hương là con gái đầu lòng của anh chị Phạm Xuân Hương & Sum, trong nhà vẫn gọi cháu là Mimi. Anh Hương là người cùng quê với tôi ở vùng Xuân Trường Nam Định, chị Sum là người Huế. Chúng tôi thân thiết gần gũi gắn bó với nhau sau năm 1975 ở Saigon và mấy năm gần đây, thì lại hay gặp anh chị mới qua định cư tại Mỹ và thường hay ở nhà cháu Ti là con gái út ở Sacramento. Không may, chị Sum bị bệnh nặng và qua đời tại Sacramento vào mùa hè năm 2013 vừa qua.
Trong hơn một tuần ngụ tại nhà Mimi, tôi được vợ chồng cháu chăm lo săn sóc chuyện ăn uống và nơi ở thật ân cần tươm tất. Và dĩ nhiên là tôi đã có dịp hàn huyên tâm sự nhiều với hai vợ chồng cháu. Tôi nói với Mimi : “Ba mẹ cháu đều là những người bạn thật tốt lành, hiền hậu và rõ ràng như dân gian thường nói : “cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Bác thấy các cháu nay đã trưởng thành mà đều có cuộc sống lương hảo và thành đạt dù ở Việt nam hay trên đất Mỹ. Đó là điều thật đáng mừng.” Rồi tôi nhắc lại một số kỷ niệm thân thương với mẹ cháu và đánh giá cao sự khôn ngoan bén nhạy của chị Sum trong chuyện kinh doanh làm ăn, mà chị lại có tấm lòng rất chân thành quý mến đối với bạn bè. “Và lần này, bác đến thăm gia đình cháu cũng là để cùng ôn lại những kỷ niệm tươi đẹp thân thương trìu mến như thế đó…”
Mimi tiếp lời : “ Cháu biết rõ là mẹ cháu có lòng quý trọng và đặc biệt ngưỡng mộ đối với bác về những việc bác làm và nhất là thái độ ôn tồn bình tĩnh của bác giữa lúc thời thế bất an xáo trộn ở Việt nam trước đây. Nay bác đến với gia đình cháu, thì chúng cháu thật vui mừng được gặp lại người bạn thân thiết quý mến của ba mẹ cháu lắm lắm vậy đó …”
Minh Tâm chồng của Mimi là một bác sĩ làm việc nhiều năm trong một bệnh viện trong vùng Chicago và từ vài năm gần đây thì chuyển sang việc giảng dậy chuyên môn tại vài trường Y khoa ở gần nhà. Cậu của Tâm là giáo sư Đỗ khánh Hoan nguyên Trưởng Ban Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Saigon hồi trước năm 1975. Anh Hoan hiện ở Toronto Canada lại cũng là một người bạn lâu năm của tôi, nên Tâm bèn gọi điện thọai cho cậu Hoan để hai chúng tôi có dịp chuyện trò với nhau. Lần cuối cùng tôi đến nhà thăm anh Hoan tại Toronto là vào khỏang cuối năm 2012. Và liền sau đó thì chúng tôi lại gặp nhau cũng tại Toronto nơi nhà mấy người em của anh bạn Nguyễn Hữu Trụ hiện định cư ở Geneva Thụy Sĩ. Mimi nói : “ Quả thật thế giới này nhỏ bé (It’s a small world), ai ai rồi ra cũng quen biết gặp gỡ nhau thôi…”
Vợ chồng Tâm & Mimi rất hiếu đễ với cha mẹ của Tâm, hai bác nay đã ở vào tuổi gần 90 mà vẫn sống tại nhà riêng, cũng gần kề với gia đình các con. Mỗi ngày Tâm thường đến thăm nom và mang đồ ăn do vợ nấu tại nhà đến cho cha mẹ. Trong một dịp Tâm chở tôi đến thăm cha mẹ, tôi thấy hai bác tuy đã cao tuổi mà vẫn chuyện trò với tôi vui vẻ tinh tường – dĩ nhiên là không thể tránh thóat khỏi tình trạng suy yếu về thể chất theo cái quy luật khắt khe của thiên nhiên đối với con người trong cõi nhân sinh này, đó là : “Sinh Lão Bệnh Tử”.
Khỏi phải nói là vì cả hai vợ chồng đều có tay nghề chuyên môn cao – (chồng là bác sĩ, vợ làm chuyên viên điện tóan cho Bộ Cựu Chiến Binh của Chính quyền Liên bang) – nên có được mức sống tương đối dễ chịu với nhà cửa khang trang tiện nghi thỏai mái, đồ đạc trang hòang thật gọn gàng mỹ thuật. Điều đáng nói hơn nữa là cả hai cháu gái con của Tâm & Mimi đều ngoan ngõan lễ phép và học hành chăm chỉ. Được chứng kiến cảnh sinh họat gia đình êm ấm hạnh phúc như tại nhà các cháu Mimi & Tâm nơi vùng phụ cận với Chicago này, quả thật tôi rất vui mừng cho anh chị bạn thân thiết Phạm Xuân Hương & Sum của nhiều anh em chúng tôi vậy.
3 – Anh Nguyễn Văn Thắng, người cháu của nhạc mẫu của tôi.
Anh Thắng là một nhà giáo lâu năm và là một vị thanh tra của Bộ Giáo Dục trước năm 1975. Vào năm 1979, anh cho hai cháu lớn đi vượt biên trước và từ năm 1986, anh chị và cháu út qua đòan tụ gia đình với 2 cháu này tại vùng Chicago. Chị Thắng cũng là một cô giáo, là người thuộc dòng họ Đặng tại làng Hành Thiện gần với làng Cát Xuyên quê tôi. Vào năm 2001, tôi đã có dịp đến nhà thăm và được anh chị đãi bữa cơm thật ngon miệng. Năm 2014 này, anh Thắng cũng lại đến nhà cháu Mimi để đón tôi về nhà ăn cơm nữa. Và lần này, chúng tôi có nhiều thời giờ hơn để tha hồ hàn huyên tâm sự về đủ mọi thứ chuyện với nhau.
Mối liên hệ thân tình giữa anh Thắng và tôi phát xuất từ sự kết nghĩa giữa bà cụ thân sinh của anh với bà nhạc mẫu của tôi từ hồi trước năm 1945 khi các bà cùng sinh sống và làm việc tại tỉnh Vĩnh Yên ở gần Hanoi. Mẹ của anh là một cô giáo, nhưng không may bà bị đau nặng và qua đời vào năm 1947 giữa thời lọan lạc phải chạy tản cư. Năm đó, anh Thắng mới có 12 tuổi và mồ côi cả cha lẫn mẹ vì ông cụ cũng đã mất trước vào năm 1941 lúc anh mới được 6 tuổi. Từ đó anh và cô em được gia đình Ông Bà Phán Mẫn bảo bọc chăm lo cho việc sinh sống và học hành – nguyên do là vì đây cũng là một gia đình đã từng kết nghĩa lâu ngày với cha mẹ anh. Các con của Bác Mẫn đều học hành đỗ đạt thành tài như các Bác sĩ Phạm Tu Chính, Phạm Chí Khải v.v… Và anh Thắng cũng tốt nghiệp văn bằng Cao đẳng Sư phạm để ra trường làm giáo sư tại các trường trung học.
Bà nhạc mẫu của tôi nhũ danh Trịnh Thị Thọ là một nữ hộ sinh từ hồi thập niên 1930, nên thường được gọi là Cô Đỡ Thọ. Vì bà cụ từ hồi đó là chị em kết nghĩa với mẹ anh, nên anh Thắng vẫn lui tới thăm viếng Bà Cô như là người ruột thịt của gia đình vậy. Vì thế mà chúng tôi có sự gần gũi gắn bó với nhau nhằm tiếp nối cái mối thâm tình quý báu khi xưa giữa các bà mẹ của mình. Lại nữa, anh Thắng cũng cùng lứa tuổi với tôi, nên chúng tôi còn có nhiều người bạn chung với nhau nữa.
Sau bữa ăn trưa vào ngày Chủ nhật 13 tháng Tư, tôi đã gọi điện thọai để anh Thắng nói chuyện được với Thục là bà xã nhà tôi ở Costa Mesa và cả với anh Thụy là ông anh nhà tôi hiện ở San Jose. Trong các cuộc điện đàm này, anh Thắng nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm về những người thân trong gia đình ở Vĩnh Yên cũng như ở Saigon. Thật là một cuộc gặp gỡ trò chuyện lý thú giữa những người con của các bà mẹ là chị em kết nghĩa thâm tình những năm xưa với nhau.
Các con của anh chị Thắng đều thành đạt, cụ thể như cháu đầu thì có bằng Tiến sĩ về Electrical Engineering hiện làm việc tại Dallas Texas, còn cháu út thì làm nha sĩ với phòng mạch cũng ở gần nhà để anh có thể lui tới giúp đỡ trong việc quản lý điều hành. Rõ ràng là các cháu có cha mẹ đều là nhà giáo, thì thường được uốn nắn giáo dục thật nghiêm túc trong gia đình ngay từ tấm bé, nhờ thế mà sau này dễ gặt hái được những thành công ngòai xã hội.
* Ngòai mấy gia đình thân thiết nói trên mà tôi gặp gỡ trong gần hai tuần qua, thì cũng tại vùng Chicago tôi còn gặp nhiều bà con bạn hữu khác nữa. Tất cả đều bày tỏ lòng quý mến ân cần đối với tôi. Nhưng vì bài viết đến đây cũng đã dài rồi, tôi xin phép sẽ viết thêm trong một dịp khác vậy.
* Sau những cuộc viễn du như thế này, nhiều bà con hay thắc mắc hỏi tôi rằng “Anh đi miệt mài như vậy, liệu không biết mệt à?” Nhân tiện, tôi cũng xin thưa với bà con như thế này : “Dĩ nhiên là tôi cũng thấy mệt mỏi đấy chứ – tôi cũng chỉ là một con người bình thường với những hạn chế về sức chịu đựng gian khổ, nhất là lại đã ở vào cái tuổi bát tuần nữa rồi. Nhưng bù lại, vì đi tới đâu tôi cũng đều nhận được sự chăm sóc tiếp đãi ân cần – nhờ vậy mà tinh thần được thêm khích lệ phấn chấn để dễ dàng vượt qua được những mệt nhọc về thể xác.”
Và chính cái tình cảm yêu thương nồng ấm như bà con trong các gia đình ở Chicago đã dành cho tôi – giữa lúc thời tiết lạnh giá mấy ngày vừa qua, mà cụ thể là vào chiều ngày Thứ Hai 14 tháng Tư trời lại đổ tuyết làm trắng xóa các mái nhà, lối đi và các bãi cỏ trong vùng – thì đó thật là một niềm an ủi rất lớn lao khiến tăng thêm nghị lực cho tôi tại nơi đây vào lúc này.
Thành phố Naperville, Illinois ngày 15 tháng Tư 2014
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt