WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Việt Nam đầu thế kỷ XX: Thoát Trung – thuộc Tây

Tư Tưởng Chính Trị Việt Nam Thời Cận Hiện Đại

Ngày 9 tháng 6 năm 1885 là một ngày cần được ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam nói chung, và lịch sử văn hóa-chính trị Việt Nam nói riêng. Ngày đó tuy cách đây gần 130 năm nhưng lại rất gần và rất có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung hiện nay. Đó là ngày triều đình nhà Thanh ký với Pháp Hòa ước Thiên Tân công nhận Pháp bảo hộ Việt Nam và phân định đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Đó cũng là ngày chấm dứt việc Việt Nam lệ thuộc Trung Hoa, chấm dứt tục lệ Việt Nam triều cống thiên triều phương Bắc. Ngày đó cũng chính thức mở ra thời kỳ Việt Nam rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, khởi đi bằng Pháp thuộc để sau đó tiếp nối với ảnh hưởng Mỹ và Nga –một tiến trình đến tận hôm nay vẫn chưa thật sự chấm dứt. Chủ nghĩa Mác và chế độ CS, cũng như chủ nghĩa tư bản, là phó sản kinh tế, chính trị và văn hóa-chính trị của nền văn minh phương Tây.

Dưới chế độ CS, Việt Nam hiện nay vẫn chưa ra khỏi quỹ đạo Tây phương đó. Nói đúng hơn, Việt Nam hiện nay còn tròng trành giữa hai đường lối kiến quốc tư bản và cộng sản, chưa tìm được môt định hướng phát triển vừa Việt vừa thời đại. Tình trạng này thể hiện khá rõ qua một số tiêu ngữ chính trị mù mờ, gần như vô nghĩa, như “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Hòa ước Thiên Tân 1885 như vậy mở đầu cho giai đoạn Việt Nam thoát khỏi trật tự thế giới “thiên triều” phương Bắc nhưng lại bị đưa dẫn vào một trật tự thế giới mới do phương Tây sắp đặt. Trung Hoa bị buộc phải “chuyển nhượng” quyền “quản lý” Việt Nam cho Pháp. Đây tất nhiên không phải là những ngôn từ được sử dụng chính thức trong hòa ước, dù có thể đã được hai quốc gia ký kết hòa ước ngầm hiểu với nhau. Trong thực tế, ngay sau khi thế chiến II chấm dứt, trong tiến trình phục hồi quyền lực và vị thế Trung quốc như một cường quốc phương Đông, cả hai chính quyền Trung Hoa, Đài Loan và Bắc Kinh, đều tìm cách lấy lại tầm ảnh hưởng và những phần lãnh thổ đã nằm dưới quyền cai quản của Trung Hoa trước khi Âu Mỹ tràn sang Á Châu cướp đoạt mất.

Tưởng Giới Thạch, tại hội nghị Quốc Liên ở Washington và San Francisco năm 1945, 1946, đã lên tiếng đòi lại quyền quản lý các vùng đất mà họ Tưởng cho là trước đây thuộc Trung quốc. Trung hoa Dân quốc cũng đã đưa ra “đường lưỡi bò 9 đoạn” từ ngày đó. Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán từ đó đã được cả hai chính thể Trung Hoa ở Đài Loan và Bắc Kinh phục hồi, trước hết bằng cách lợi dụng các thời cơ thuận lợi chiếm đóng một số hải đảo thuộc vùng biển Nam Hải. Việc Bắc Kinh ép Việt Nam CS phải ký kết Hiệp ước Biên giới đất liền Việt-Trung ngày 30 tháng 12 năm 1999 là một trong nhiều hành động cụ thể khác, thể hiện ý đồ chính trị của Trung Quốc nhằm chấm dứt hiệu lực của Hòa ước Thiên Tân năm 1885, đưa Việt Nam trở về lại vị trí “quản lý” và trong tầm ảnh hưởng của Trung quốc.

Như vậy, trong hơn một thế kỷ, từ Hòa ước Thiên Tân năm 1885 đến Hiệp ước Biên giới Việt-Trung năm 1999, Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi gọng kìm của hai thế giới Trung hoa và Tây phương. Đây là một vấn nạn nền tảng nhất nếu chưa giải quyết được tận cỗi gốc thì Việt Nam chưa thể được phục hưng như một quốc gia thực sự độc lập và phát triển vững bền.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề quan trọng này vào phần cuối của loạt bài tư tưởng chính trị Việt Nam cận hiện đại.

Trở lại với thời Pháp thuộc, sau khi ký Hòa ước Thiên Tân với Trung hoa, Pháp đã hoàn tất quá trình kiểm soát toàn bộ Việt Nam. Nam Kỳ thuộc Pháp từ 1862. Trung Kỳ và Bắc Kỳ chính thức được đặt dưới sự bảo hộ toàn diện của Pháp từ sau Hiệp ước 1884. Nam Kỳ chịu ảnh hưởng của nền giáo dục và văn hóa Pháp sớm nhất, trong khi phải 40 năm sau Bắc kỳ và Trung Kỳ mới thực sự ra khỏi ảnh hưởng của nền Hán học.

Tại Nam kỳ, Pháp áp dụng chính sách trực trị, coi Nam kỳ là một phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Ngay sau khi chiếm đóng toàn bộ 6 tỉnh miền Đông và miền Tây Nam kỳ, chính quyền Pháp giải tán tất cả hệ thống hành chính của triều đình Huế, thay bằng hệ thống hành chính mới của Pháp. Chương trình giáo dục và các kỳ thi Hán học bị hủy bỏ ngay từ những năm đầu tiên Pháp chiếm Nam kỳ. Chính sách chính trị và văn hóa giáo dục này đã gây ra sự chống đối quyết liệt trong thành phần sĩ phu Hán học và trong dân chúng tại vùng đất vốn đã tích cực ủng hộ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Người Pháp đã phải tốn nhiều công sức và thời gian để dẹp tan các cuộc kháng chiến. Đồng thời, sự bất hợp tác của nhân dân Nam Kỳ đối với các chương trình văn hóa, giáo dục Pháp đã khiến cho kế hoạch Pháp hóa tại Nam Kỳ không có kết quả nhanh chóng như chính quyền Pháp mong muốn. Nhiều người trong chính quyền thực dân còn cho rằng phải mất vài thế hệ mới có thể triệt tiêu được Hán học cùng với chữ Hán, để thay thế hoàn toàn bằng Pháp ngữ và văn hóa tư tưởng Pháp.

Trong việc tạo ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng, ngôn ngữ là công cụ cần thiết. Để nhanh chóng loại bỏ được chữ Hán và ảnh hưởng Hán học, người Pháp dùng chữ quốc ngữ như ngôn ngữ chuyển tiếp sang Pháp ngữ. Chỉ vài năm sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ, ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier đã ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn. Ý đồ của thực dân Pháp là chỉ dùng quốc ngữ như chuyển ngữ để loại chữ Nho và giúp Pháp ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức tại Nam Kỳ trước, và sau đó, trên toàn cõi Việt Nam. Người Pháp hy vọng sau vài thế hệ, Pháp ngữ sẽ giúp đồng hóa Việt Nam vào nền văn hóa và tư tưởng Pháp.

Điều kỳ thú của lich sử lại chính là chính sách sử dụng quốc ngữ này. Chính nhờ chính sách này mà quốc ngữ đã phát triển được. Chữ quốc ngữ mới đầu được các cố đạo Bồ Đào Nha đặt ra, ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh, cũng chỉ nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất thời là dịch kinh sách Ki tô giáo để phục vụ cho việc truyền đạo. Những công trình ghi âm đầu tiên xẩy ra ngay từ giữa thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền đạo tại miền Bắc Việt Nam. Năm 1651, giáo sĩ Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes) đã khởi soạn và in cuốn từ điển phiên âm quốc ngữ đầu tiên. Năm 1838, giáo sĩ Jean-Louis Taberd, đã soạn và in cuốn từ điển hoàn chỉnh hơn, khá gần với chữ quốc ngữ ngày nay. Nhưng trong suốt 300 năm kể từ khi được ghi âm, chữ quốc ngữ không hề được triều đình Việt Nam biết đến, công nhận và sử dụng. Nó cứ âm thầm tự phát triển trong dân gian nhất là trong cộng đồng Ki tô giáo. Phải đợi đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, chữ quốc ngữ mới chính thức được công nhận, và từ đó phát triển ngày một sâu rộng cho đến ngày nay.

 

Trương Vĩnh Ký

Trương Vĩnh Ký

Trương Vĩnh Ký là người Viêt đầu tiên sử dụng và phát triển chữ quốc ngữ một cách công khai rộng rãi. Ông là một trí thức uyên bác của Việt Nam lúc đó. Theo Từ Điển Văn Học do Nguyễn Huệ Chi biên soạn, thì ông được các nước Âu Châu thời đó công nhận là một trong 18 nhà bác học trên thế giới. Theo những sử liệu khác, ông thông thạo 27 ngoại ngữ, trở thành một trong những người biết nhiều ngôn ngữ nhất Việt Nam, và có thể trên toàn thế giới, từ đó đến nay. Ông không nhập quốc tịch Pháp và vẫn thường mặc quốc phục khăn đóng áo dài. Năm 1865, ông từ Âu châu về nước và xin ra tờ báo quốc ngữ mang tên Gia Định báo. Đây không những là tờ báo đầu tiên của Việt Nam mà còn là tờ báo đầu tiên dùng quốc ngữ, do Trương Vĩnh Ký làm giám đốc và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Tờ báo tồn tại suốt 30 năm, đến năm 1897 mới chấm dứt.

Ngoài việc góp phần to lớn vào việc phát huy chữ quốc ngữ, Pétrus Ký còn có công giới thiệu phong tục tập quán Việt Nam cho người Pháp và tư tưởng-văn hóa Pháp cho người Việt qua các bài viết và công trình dịch thuật của ông. Với hơn 100 tác phẩm và bài viết, Trương Vĩnh Ký được nhiều người đời sau đánh giá là một trong những học giả lớn của Việt Nam đầu thời kỳ Pháp thuộc. Ông tiếp thu tư tưởng và phương pháp làm việc của Tây phương, cố gắng vận dụng kiến thức mới để giúp người Việt hiểu và vận dụng văn hóa và văn minh Pháp vào việc xây dựng đất nước. Ông không chống lại người Pháp, cộng tác với Pháp nhưng không hoàn toàn vì quyền và vì lợi riêng. Cuối đời, ông sống trong cô đơn và túng quẫn. Trên ngôi mộ của ông người ta thấy khắc dòng chữ trích ra từ Sách của Job trong Cựu Ước, “Xin hãy thương xót tôi, hỡi các anh chị là những người bạn tôi”, nói lên số phận của Job bị Thượng đế và loài người lìa bỏ. Nó cũng nói lên tâm sự của chính ông.

Đối với người đương thời chỉ trích ông hợp tác với Pháp, ông mượn câu cách ngôn La tinh “Ở với họ mà không theo họ” (“Sic vos non vobis“) để tỏ bày quan điểm của mình. Ông cũng là người đầu tiên phát hiện ra một số câu của một bài phú mà cho tới nay vẫn chưa biết tác giả, và khi chú thích bài phú này, ông tỏ rõ tâm trạng ngậm ngùi của kẻ mất nước, và vẫn gọi Pháp là “giặc” dù lúc đó đang hợp tác với họ. Đó là bài Gia Định thất thủ vịnhCác học giả ngày nay đã sưu tầm được trọn vẹn bài phú này, chắc chắn phải do một sĩ phu Nam bộ sáng tác, và có học giả cho là của Phan Văn Trị. Dù của ai, bài phú tuy ngắn ngủi này đã diễn tả được một cách vừa hình tượng vừa xúc cảm tình cảnh người dân, giới sĩ phu quan lại, và tình hình chính trị, xã hội nói chung trong thời kỳ đầu Pháp chiếm Nam Kỳ. Xin trích dẫn một vài đoạn:

5. Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt câu ca
Tò le kèn thổi trời Nam, mờ mịt năm canh không tiếng trống

6. Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.

7. Từ Bến Thành trải qua chợ Sỏi, loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu.
Nơi sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.

8. Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán, chúa Giê-giu đắc ý vểnh râu.
Chùa Cẩm Đệm trải đến Cây Mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.

Trong bối cảnh dân tình hỗn mang như thế, cách cai trị trực tiếp của Pháp đã gặp phải sự tẩy chay bất hợp tác của người dân. Trường học mới mở ra hầu như không có học sinh. Dân làng bị bắt buộc phải gửi con em đến học. Một quan chức Pháp thời đó cho biết học sinh được triệu tập đến trường “như tuyển mộ lính”, và đi học được coi như “một thứ thuế”. Mãi đến năm 1900 mà toàn cõi Nam Kỳ chỉ có 4000 học sinh các cấp, học như những “con vẹt” được vài khái niệm khoa học và một ít tiếng Pháp.

Trương Vĩnh Ký có thể coi là người tiêu biểu cho thành phần trí thức Tây học mới đầu tiên chủ trương hòa hợp với Pháp để góp phần nâng cao dân trí qua các hoạt động báo chí, văn hóa, giáo dục. Thành phần này lúc đầu còn rất ít, vừa vì nền Tây học chưa phát triển, vừa vì tinh thần đề kháng chống thực dân Pháp còn rất mạnh. Dân chúng thì đa số bất mãn và giữ thái độ chống đối thầm lặng và bất hợp tác. Sĩ phu thì tổ chức kháng chiến hay cổ võ lòng yêu nước của người dân. Họ bất tuân lệnh triều đình, không chịu đầu hàng thực dân.

Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu đại diện cho thành phần sĩ phu này. Dù đui mù và sống trong túng thiếu, ông nhất định không đầu giặc, luôn sống cùng nông dân nghèo khổ, dùng văn thơ cổ võ lối sống có đạo nghĩa, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Quan Pháp đến dụ ông hợp tác, muốn giúp ông có cuộc sống sung túc. Ông một mực khước từ và chỉ yêu cầu được tổ chức lễ tế vong hồn những người dân chết trong trận mạc, để nhân đó kích thích cuộc chiến chống giặc xâm lược. Pháp đồng ý, và trong buổi tế lễ này ông đã đọc bài văn tế do chính ông viết, gây xúc động cho hàng trăm nông dân tham dự, mà theo sử liệu, đều đội khăn tang trắng xóa các cánh đồng.

Nếu Trương Vĩnh Ký đại diện cho lớp trí thức mới đầu tiên theo Tây học thì Nguyễn Đình Chiểu đại diện cho tầng lớp Nho sĩ cuối cùng tại Nam Kỳ, vẫn tin và sống theo đạo lý Khổng Mạnh, dù Pháp đã chiếm Nam Kỳ, và Tây học đã thay thế Hán học. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Đình Chiểu như một ngôi sao phương Đông rực sáng lên lần cuối trước khi bầu trời phương Tây chụp xuống toàn cõi Việt Nam. Ông cũng biểu tượng cho ý chí dân tộc quyết không chịu khuất phục trước ngoại xâm, không ngừng chiến đấu chống mọi gian tà:

Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình
…………
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Khi Hiệp ước Thiên Tân được ký kết giữa nhà Thanh và Pháp năm 1885, thì Nam kỳ đã thuộc Pháp được 30 năm, Tây học đã bén rễ. Còn tại Bắc kỳ và Trung kỳ, người Pháp áp dụng chính sách bảo hộ, cai trị gián tiếp thông qua quan lại người Việt. Nền giáo dục Hán học cổ truyền còn được giữ lại một thời gian cho đến khi các trường học mới áp dụng chương trình giáo dục Pháp đã phát triển tương đối đầy đủ. Các khoa thi Hán học bị bãi bỏ tại Bắc kỳ năm 1915 và tại Trung kỳ năm 1919. Kể từ năm 1920 trở đi, Tây học mới hoàn toàn thay thế Hán học trên toàn cõi Việt Nam. Thời đại Tây thuộc thật sự bắt đầu, thay thế cho hàng ngàn năm Hán thuộc về mặt chính trị, văn hóa-tư tưởng và học thuật.

© Đoàn Viết Hoạt

(18.4.2014)

Nguồn: changevietnam

 

3 Phản hồi cho “Việt Nam đầu thế kỷ XX: Thoát Trung – thuộc Tây”

  1. Long Quang says:

    “Hòa ước Thiên Tân 1885 như vậy mở đầu cho giai đoạn Việt Nam thoát khỏi trật tự thế giới “thiên triều” phương Bắc …”.
    Đúng như thế nhưng cần phải nói thêm rằng trên thực tế thì sau khi chúa Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây sơn và lên ngôi tự Gia Long vào năm 1801 thì VN đã thật sự thoát khỏi thiên triều, lúc đó do đã có Pháp đứng đằng sau nên Gia long Nguyễn Ánh đã không thèn cử xứ bộ sang tầu xin phong vương như tất cả các triều đại vua chúa phong kiến VN trước đó đều làm , kể cả Quang Trung Nguyễn Huệ. Có thể nói nhà Nguyễn là triều đại phong kiến VN duy nhất không sợ thằng tầu nữa (nhưng lại phải lụy tây).

  2. NGÀN KHƠI says:

    TRÍ THỨC THỜI THỰC DÂN VÀ PHONG KIẾN

    Thời thực dân phong kiến trí thức hoàn toàn không bị hoen ố. Đó là nhờ ý thức và tinh thần độc lập của riêng họ. Xâm lược nước ngoài hay độc đoán quân chủ luôn biết tôn trọng họ, không dùng bạo lực hay biện pháp kinh tế xã hội nào để khống chế hay sai khiến họ theo ý muốn. Bởi mọi người đều biết rằng điều đó không áp dụng được với các nho sĩ hay trí thức chân chính. Cụ Nguyễn Đình Chiểu với tính thần bất hợp tác từ đầu đến cuối đối với Pháp, cụ Trương Vĩnh Ký với ý thức dùng văn hóa để bảo tồn và phát huy tinh hoa dân tộc, đều là những người như vậy.
    Nhưng trong thời đại chính trị ý thức hệ thì điều đó tuyệt đối mất hẳn. Trí thức độc lập hoàn toàn không còn được tôn trọng mà chỉ còn là công cụ bị sử dụng cho quyền lực chính trị, hay chỉ được đào tạo ra như một thứ sản phẩm thứ yếu. Đó là do sự hiểu lầm và hiểu sai về ý nghĩa giai cấp. Hai giai cấp công nông được đưa lên như ý nghĩa cao nhất. Nhưng thực chất đó chỉ là kiểu giáo điều mê tín. Bởi do Mác cường điệu giai cấp công nhân như giai cấp tiên phong của lịch sử hiện đại. Nên ở các nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân mới phôi thai, người ta thế vào đó ý niệm công nông, kiểu như Lênin và Mao Trạch Đông từng làm ở Liên Xô và TQ trước đây. Đó chỉ là sự nhân danh và mê tín. Nhân danh vì những người xướng xuất lý thuyết cũng như thực hành lý thuyết CS đầu tiên không hề thuộc hai giai cấp này, và học thuyết của Mác dựa vào ý niệm trừu tượng về biện chứng của lịch sử đối với giai cấp chỉ là sự phóng đại, giả tưởng, phi thực tế và cường điệu về giai cấp.
    Thật thì xã hội loài người nói chung phát triển là nhờ văn hóa, nhờ khoa học kỹ thuật. Văn hóa đi liền với giai tầng trí thức và khoa học kỹ thuật cũng vậy. Chính những phát minh trong phòng thí nghiệm, trong đầu óc các nhà khoa học, được đưa vào thực tiển bởi giới doanh nhân thúc đẩy mọi đầu tàu kinh tế xã hội, mà không phải ý niệm giai cấp công nhân như đội ngũ tiền phong mà bản thân Mác đã tưởng tượng và phịa đặt phi thực tế, phi khoa học.
    Trong khi đó, giải quyết các vấn đề về xung đột giai cấp, điều hòa các quyền lợi giai cấp trong thực tế khi cần là công việc của những nhà kinh tế học, những nhà luật học đúng nghĩa, nói chung cũng là những thành phần trí thức thực chất trong xã hội. Khi Mao nói trí thức không bằng cục phân là nói kiểu kẻ càn dở, lừa dối, mị dân, gian giảo, phỉnh gạt để chỉ nhằm có lợi cho bản thân mình.
    Bởi vậy ngay trong thời Pháp thuộc, nhất là trong thời quân chủ phong kiến, đất nước vẫn luôn có những người trí thức đúng nghĩa, và các kết quả văn hóa hay công trình của họ luôn vẫn là di sản, thành quả, sự nghiệp phát triển chung của toàn xã hội. Trong thế kỷ qua, các nước phương Tây và bắc Mỹ, hay những nước phát triển khác, vẫn là những nước dẫn đầu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và xã hội nói chung là như thế. Trái lại các nước bị rơi vào ý thức hệ giả tạo trên toàn thế giới trong nguyên quãng thời gian đó đều cho thấy các hậu quả hoàn toàn ngược lại. Ở những nước đó trí thức không còn là trí thức đúng nghĩa nữa mà chỉ là thành phần có học thức hơn những thành phần khác thế thôi, vì tất cả đều tuân theo một công thức, đều là sản phẩm thuần túy của cùng một công thức thực chất là hoàn toàn giả tạo và nghịch thực tế.
    Điều đó hoàn toàn cho thấy ý nghĩa phát triển khách quan của xã hội là như thế nào, giá trị và vai trò của giai tầng trí thức trong đó ra sao. Bởi nói cho cùng, giai cấp lao động chủ yếu làm việc bằng chân tay, trong khi đó giai tầng trí thức chủ yếu làm việc theo đầu óc. Và đầu tiên tuy đều xuất phát chung từ mọi người cắp sách tới trường, nhưng cuối cùng kết quả phân công xã hội là hoàn toàn khác là do cấu trúc và cơ cấu phát triển qua lịch sử đi lên của từng xã hội, của từng cá nhân con người, tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi trường hợp. Bởi vậy kết quả trí thức hay nhận thức, và kết quả kinh tế hay vật chất, là kết quả chung của toàn xã hội mà không phải chỉ do giai cấp nào tuyệt đối chi phối hoặc quyết định.
    Nói như thế để thấy rằng thuyết giai cấp đấu tranh và chuyên chính giai cấp chỉ là một học thuyết hoàn toàn giả tạo, xuyên tạc xã hội, phản khoa học, phản thực tế của Mác và đã khiến mọi xã hội đã từng phải bị đảo điên khi bị rơi vào vòng chi phối của nó là như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (22/4/14)

  3. ĐẠI NGÀN says:

    CHIỂU VÀ VĨNH

    Hoan hô cụ Chiểu vạn lần
    Kiên cường bất khuất mười phần hơn ai
    Thà đui mà giữ đạo nhà
    Chỡ bao nhiêu đaọ mà thuyền chẳng sao
    Còn như cụ Vĩnh tài cao
    Tinh hoa kiệt xuất giống nòi Việt Nam
    Hiên ngang tỏ với xâm lăng
    Ta đây ngang ngữa dễ hèn kém ai
    Đúng là hai bậc anh tài
    Đều hai khí phách giữa thời loan ly !

    NON NGÀN
    (21/4/14)

Leave a Reply to NGÀN KHƠI