WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trằn trọc tháng bảy

 

Tác giả Hà Sĩ Phu

Tác giả Hà Sĩ Phu

Khoa học cho biết trong không gian luôn có những sóng vô hình tác động vào cơ thể con người làm cho mình bỗng nhiên thay đổi sinh hoạt, thay đổi tính tình, cảm xúc. Đã hai tháng nay, thềm lục địa của nước mình bị cái giàn khoan khổng lồ của của tên cướp biển cắm vào trúng long mạch của nòi giống Việt, chẳng biết có phải vì thế mà khiến cho nhiều người Việt mình ăn ngủ không yên, hằng đêm thắc thỏm, cứ thắp nhang lên bàn thờ là thấy hình ma quỷ hiện về, lo nghĩ mung lung, đêm nằm thường sinh ác mộng. Tôi ngẫm từ cá nhân mình thì biết. Xin kể với bạn bè những suy nghĩ mung lung ấy của mình thường bất chợt hiện về trong giấc ngủ. Tản mạn đủ điều, không mạch lạc.

1. Ác mộng 

Cứ lơ mơ ngủ là hiện ra rõ mồn một cảnh một gia đình cự phách bỗng dưng tan tác như một lũ ăn mày. Tổ tiên họ để lại cho con cháu một cơ ngơi đồ sộ đủ làm ăn no ấm đến muôn đời. Chẳng ngờ thằng anh cả say mộng gia trưởng, hão huyền, lừa đàn em để lén đi đánh bạc với lão hàng xóm tinh quái, bị thua bạc phải đem gán cả cái gia tài gấm vóc ấy, lại ngầm ký mấy bản giao kèo hẳn hoi.

Hốt hoảng sợ gia đình biết sẽ đánh đuổi ra đường, thằng thua bạc bèn nói khó với lão hàng xóm tìm cách lo liệu sao cho trót lọt. Hồi lâu bàn bạc, hai bên nghĩ ra một mẹo, không trao cả gia tài ngay một lúc mà cứ “bàn giao” từng phần, cho gặm dần như tằm ăn lá dâu, nay thuê khoảnh vườn này 50 năm, mai cho một bọn gia nhân sang làm nhà ở nhờ một góc, mốt cho thuyền bè sang đánh cá chung tại hồ, lại cho mấy con nô tỳ ăn ngủ với thằng anh cả ấy đến có con riêng…

Gia đình có phát hiện thì thằng anh cả mất nết ấy cứ dùng “quyền huynh thế huỵch” lấp liếm vài câu lấy lệ, cũng ra vẻ khoa chân múa tay phản đối lão hàng xóm cho qua chuyện, hứa hươu hứa vượn cốt sao gia đình không nổi giận, nổi khùng. Cứ thế chẳng mấy chốc cả gia tài đồ sộ rơi hết vào tay lão hàng xóm, còn gia đình thì “may mắn” được lão hàng xóm “tốt bụng” mở lượng hải hà cho lưu trú ở một góc vườn, con cháu đời đời được làm kẻ hầu người hạ cho lão hàng xóm tham lam tinh quái. Cả gia đình bất hạnh chỉ còn biết ngậm một nỗi căm hờn trong tủi nhục, chẳng biết trách mình ngu dại, lại thầm trách tổ tiên đã làm gì thất đức để sinh ra một thằng con trưởng vô phúc, bán cả cha ông…

Tỉnh dậy thấy mắt mình ươn ướt, chắc mắt già kèm nhèm nó thế, chứ chẳng lẽ lại vớ vẩn thương cái gia đình trong mộng, thế rồi mệt quá mà ngủ thiếp đi.

2. Ngộ độc hàng Tàu

Đấy là chuyện ngủ, giờ đến chuyện ăn. Một đất nước xưa nay rất trong lành mà bây giờ hằng ngày ăn gì cũng sợ độc, một thứ độc rất… Trung Quốc! Vợ tôi thường mua lê mua táo thắp nhang, những quả táo quả lê rất đẹp nhìn mà phát thèm, thế nhưng để quên ba tháng trên bàn thờ mà trông vẫn đẹp mã như không mới hoảng hồn chứ, bổ ra thấy quả thì rắn như đá, quả thì thối đen bên trong, không biết họ tẩm chất gì lạ thế, chỉ dân mình là khổ.

Nhưng đêm nằm nghĩ lại thấy người dân còn may, chứ lớn lao như Đảng ta mà xơi phải món vịt tiềm thuốc Bắc “Thập lục kim tự” (vịt đây là vịt Bắc Kinh chính hiệu) là biến thái ngay không cứu được nữa là.

Động lòng trắc ẩn, tôi nhập hồn Bút Tre, nhỏm dậy, bật đèn ghi vội vào nhật ký:

Ngộ độc là tại hướng (ba) đình
Cả làng ngộ độc, cớ chi mình kêu ca?
Đường đường như thể đảng Ta
Xơi phải mười sáu chữ, cũng biến ra… đảng Tàu!

Biết có bậc đại nhân cũng ngộ độc như mình, như có người “đồng bệnh tương lân” nên tấm lòng AQ cũng tự sướng đôi chút.

3. Ước gì mình nhầm

Viết thế rồi vẫn cứ áy náy, liệu mình nghĩ như thế có nhầm không, có quá không? Vẫn biết tình hình hiện nay, hai chữ “bán nước” thiên hạ đã nói, đã viết giăng giăng khắp nơi, đến nhà “Hồ Chí Minh học” Nguyễn Khắc Mai cũng đã công khai bảo cái công hàm của chính phủ Phạm Văn Đồng (tất nhiên dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch) là phản động, phản quốc rồi, nhưng thôi, cứ níu lấy hy vọng chút xíu, cứ đắm đuối, cứ mong sao những suy nghĩ của mình là nhầm lẫn thì đại phúc cho dân, theo kiểu “lạc quan vô tận” ấy mà. Trước đông người, ai nỡ buông một lời tuyệt vọng? Lạy trời cho những lời phê phán của mình là nhầm, nhầm vài phần trăm thôi cũng được.

Nhưng khốn nỗi, không gì chống nổi thực tế, những tin tức sáng nay (xem phần dưới) đã thêm một lần quyết định, cho thấy sự kết tội như thế chẳng những không nhầm, rất không nhầm, mà trái lại còn chưa tới, chưa ngang tầm với thực tế đồi bại không thể chối cãi. Cuộc đầu hàng và Hán hóa đã đi nhanh hơn sức mình tưởng tượng, vì được chuẩn bị quá lâu rồi.

4. Những tin tức sáng nay.

Tin thứ nhất là ảnh chụp bức công văn của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi các địa phương về 16 điều cần làm ngay để thực hiện theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (xem tại đây, và tại đây). Trong đó có điều 1 “Thúc đẩy Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải thăm Quảng Đông”.

Và trong điều 2, Trung Quốc sẽ đào tạo các cán bộ đảng cho Việt Nam, cụ thể là “trong 05 năm đào tạo 300 cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam; trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương 100 cán bộ, 100 cán bộ của các tỉnh thành có quan hệ hợp tác với Quảng Đông nhiều như TP. Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam“.

Tưởng Việt Nam đã cam tâm làm một tỉnh “Quảng Nam” của Trung Quốc, hóa ra không được thế, chỉ đáng là một địa phương trong vòng quản trị của tỉnh Quảng Đông thôi. Chẳng trách UV BCT Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ở tầm nhảy múa với tỉnh Quảng Tây, thế cũng vinh dự chán! Hề hề, trước đây học sách thấy hai chữ “khuyển mã”, giờ mới hiểu nghĩa. Bình luận thêm nữa là thừa.

Tin thứ hai, một cán bộ khá cao cấp cho biết tinh thần chống xâm lược mới nhất của Trung ương cần được quán triệt là:

Một: Tận dụng mọi phương tiện truyền thông, mọi diễn đàn để tố cáo China, NHƯNG DỨT KHOÁT KHÔNG KIỆN.

Hai: Xác định Mỹ vẫn là kẻ thù lâu dài (của đảng) vì đi với Mỹ thì mất chế độ.

Ba: ĐẢNG RẤT THƯƠNG DÂN, có chiến tranh thì nhân dân sẽ khổ, nên đảng phải nhịn Trung Quốc hết mức, không để xảy ra chiến tranh tránh khổ cho dân.

Tuy đây chỉ là thông tin từ thư của bạn bè, nhưng đối chiếu với thực tế và theo kinh nghiệm cho biết những tin tức này là đáng tin cậy, một đảng viên tử tế không thể bịa ra những tin đang phổ biến trong đảng như thế này. Tin tức này gợi ra một số vấn đề mà tôi thường nghĩ tới nhưng chưa có dịp viết ra, xin đề cập đến ở phần sau.

5. Kiện hay không kiện?

Có ba vấn đề khác nhau:

- Về đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông thì Trung Quốc vô lý hoàn toàn, Việt Nam dứt khoát phải cùng với các nước vừa kiện vừa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn như liên kết với Hoa Kỳ, lập liên minh phòng thủ Biển Đông, vân vân, Việt Nam không có lý do gì lảng tránh việc này.

- Về những giàn khoan ngang ngược, cũng giống như việc đường lưỡi bò nhưng phức tạp hơn vì ranh giới chồng chéo và cũng liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa, có thể phát sinh nhiều luận điểm, tuy nhiên vẫn phải kiện, và đừng quên nếu không có sức mạnh thực tế thì cũng không đẩy được chúng đi. Nói chung, việc kiện ra các tòa án quốc tế, dù hiệu quả ít hay nhiều vẫn phải tiến hành, để vạch rõ chính nghĩa, vì danh dự dân tộc hoặc tạo hồ sơ giải quyết sau này.

- Riêng Hoàng Sa (và có thể cả Trường Sa) thì khó khăn hơn nhiều, dân đã có kiến nghị yêu cầu nhà nước phải kiện Trung Quốc, nhưng nhà nước thì lưỡng lự, chập chờn, không chuẩn bị gì, bây giờ quyết định không kiện gì hết (?), mà chỉ tuyên truyền (chắc là để xoa dịu cho dân yên tâm) [theo thông tin mới nhất thì Thủ tướng đã giao các cơ quan củng cố hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông; xem ở đây – BVN]! Ở đây có nhiều điều cần thảo luận.

Trước hết phải đau lòng thừa nhận rằng việc Hoàng Sa – Trường Sa nếu kiện ra Liên Hiệp Quốc thì khả năng thua nhiều hơn thắng. Tại sao?

Đồng ý rằng về pháp lý công hàm Phạm Văn Đồng (trả lời Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó họ khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc) không có giá trị “mua bán”, vì người ta không thể bán cái không có trong tay mình, vì không có sự đồng thuận của chính phủ ở nửa nước miền Nam, hoặc vì chưa thông qua Quốc hội, vân vân.

Nhưng trách nhiệm của Công hàm Phạm Văn Đồng lại nguy hại ở ý nghĩa khác. Đối với Hoàng Sa – Trường Sa công hàm Phạm Văn Đồng tuy không có giá trị pháp lý của một giao kèo mua bán hay sang nhượng, nhưng có giá trị của một bản tuyên bố chính thức, minh định nhận thức và lập trường của chính phủ Việt Nam, để Trung Quốc và thế giới được rõ, rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc (đã là của Trung Quốc thì đương nhiên không phải của Việt Nam, Việt Nam chúng tôi không liên quan gì đến các quần đảo đó!)

Một người khách quan đọc bản công hàm ấy ắt phải hiểu như thế. Nếu có kẻ nào còn mơ hồ tưởng lầm Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam thì hãy xem thêm các bản đồ và sách giáo khoa của Việt Nam sẽ rõ! Phạm Văn Đồng đã giúp Trung Quốc chu đáo đến thế là cùng.

Trong công hàm Phạm Văn Đồng không cần có nửa lời về Hoàng Sa – Trường Sa là đương nhiên, vì đã minh định Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc thì cũng như các đảo Bành Hồ, Trung Sa… chứ liên quan gì đến Việt Nam đâu mà phải đề cập? Đã của Trung Quốc, không phải của Việt Nam thì Trung Quốc cứ tự nhiên sử dụng, cần gì đến chuyện “mua bán” hay sang nhượng?
Một sự phủ định chủ quyền thản nhiên và sạch trơn như vậy còn tai hại hơn một giao kèo bán đất rất nhiều, vì nếu “bán” thì trước khi bán Hoàng Sa – Trường Sa vẫn còn là của Việt Nam, sau này còn có thể chuộc lại, nhưng khẳng định như Phạm Văn Đồng có nghĩa là từ trước chí sau Hoàng Sa – Trường Sa không liên quan gì đến Việt Nam cả. Chu đáo đến thế thì con cháu bây giờ hết chỗ cựa (nếu cãi lại sẽ sẽ phạm luật estoppels).

Là người Việt Nam dù với chính kiến nào, không ai muốn hải đảo nước mình rơi vào tay Trung Quốc, nhưng giải pháp “khôn ngoan” muốn hạ thấp trách nhiệm của công hàm Phạm Văn Đồng để vừa thoát khỏi ràng buộc với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được uy tín cho Đảng Cộng sản e rằng bất khả thi.

Bây giờ, sau nửa thế kỷ mới trưng các bản đồ lịch sử ra, xét về tình, thế giới có thể thông cảm, nhưng về lý, mình đã trói mình quá chặt thì cũng khó gỡ ra, ấy là chưa kể lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh.

Tự chối bỏ chủ quyền thì còn tai hại hơn bán chủ quyền. Vì thế, đối với Hoàng Sa – Trường Sa kiện thì cứ kiện, nhưng chỉ có thể giải quyết trong một giải pháp trọn gói, chống lại toàn bộ sự xâm lấn của Trung Quốc cả ở biển đảo và trên đất liền.

Thật vậy, việc xâm chiếm Việt Nam đâu chỉ giới hạn ngoài biển đảo? Nào ai biết đã có bao nhiêu văn bản ký kết tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm dần lãnh thổ Việt Nam, đi đôi với việc xâm lấn nhân sự vào các cấp lãnh đạo từ tỉnh huyện đến Trung ương? Muốn thoát khỏi cái ách Trung Quốc đã quàng rất nhiều vòng vào cổ dân tộc này, tức là muốn “Thoát Trung” chỉ có một con đường duy nhất là từ bỏ thể chế cũ một cách thật sự, để một nhà nước mới, một nhà nước dân chủ, mới có tư cách nhân danh nhân dân chối bỏ những ràng buộc mà chế độ cũ đã ký kết, phương hại đến đất đai, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

6. Thoát Trung chủ yếu là thoát về chính trị, không phải văn hóa

Lịch sử đưa đẩy hai nước Việt Trung vào cùng một “đại gia đình Cộng sản” là tạo ra cơ hội bằng vàng, nhốt con thỏ và con sói vào cùng một chuồng thành hai anh em ruột, chị em ruột. Thế là toàn bộ chương trình dài hơi nhằm nô dịch Việt Nam, biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới của Trung Quốc được thiết kế trên cái nền Cộng sản, trong đó “quyền đảng” được nâng lên tối đa và “quyền dân” thực tế bị hạ xuống tối thiểu, khiến cho hai đảng cứ tự do làm việc ngầm với nhau, quyết định mọi việc trong quan hệ cá lớn nuốt cá bé, trong khi nhân dân bị đứng ngoài cuộc. Vậy đây là một cuộc cờ chính trị “vĩ đại”, yêu cầu thoát Trung chẳng qua là thoát khỏi sự kìm kẹp chính trị cộng sản khủng khiếp ấy.

Trong tiến trình ràng buộc có sử dụng sự ràng buộc kinh tế, ràng buộc tư tưởng, ràng buộc văn hóa – xã hội, nhưng tất cả chỉ là phương tiện nhằm cái đích nô dịch chính trị. Chính trị là cái nút thắt, cũng là nơi để chiếc chìa khóa mở ra. Nếu hiểu lý thuyết rằng văn hóa hoặc kinh tế là nền móng rồi dồn sức vào các lĩnh vực mênh mông là văn hóa hoặc kinh tế thì chỉ luẩn quẩn mãi trong rừng rậm không có lối ra, có khi gây tác dụng ngược, cuối cùng vẫn bị yếu tố chính trị thắt lại, vì chính trị nhanh tay hơn, ma mãnh hơn văn hóa và kinh tế rất nhiều.

Thật vậy, về văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam tuy có những điều bất lợi nhưng nhìn tổng thể cũng là điều bình thường xưa nay, trong đó có xấu có tốt, có thể điều chỉnh, có yếu tố đã trở thành sức mạnh của Việt Nam. Thế giới có khoảng 200 quốc gia nhưng con số những nền văn hóa lớn thì ít hơn rất nhiều, mỗi nền văn hóa lớn thường tỏa rộng ảnh hưởng ra các quốc gia xung quanh, tạo nên những vùng “địa văn hóa”, “cụm văn hóa” gồm nhiều quốc gia lân cận. Quan hệ quốc tế hiện nay làm cho ranh giới “địa văn hóa” mờ dần đi, ngày càng thâm nhập vào nhau một cách đa phương nên muốn dùng độc quyền văn hóa làm công cụ nô dịch cũng không dễ dàng như trước. Trái lại những giá trị văn hóa dù hình thành ở đâu cũng là thành quả chung của loài người để dùng chung như ta dùng lửa, dùng điện, dùng Internet vậy. Không có gì phải mặc cảm khi một quốc gia nằm trong cụm văn hóa Hy-La hay văn hóa Trung Hoa (chưa kể theo tác giả Hà Văn Thùy thì văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ Văn hóa Việt!).…

Mặt khác, vì xã hội luôn có hai thành phần tương sinh tương khắc là nhân dân và tầng lớp thống trị nên nền văn hóa nào cũng cấu thành bởi hai nhân tố xung khắc ấy, vừa có mặt nhân văn tích cực của nhân dân, lại có mặt phản dân chủ mà giới cầm quyền khéo dùng làm công cụ để nô dịch dân mình và nô dịch cả dân nước khác, đồng thời tất cả vẫn nằm trong dòng tiến hóa từ lạc hậu đến ngày một văn minh hơn. Khi du nhập những nét văn hóa tích cực luôn phải thanh lọc những yếu tố nô dịch tiêu cực hoặc không phù hợp với tập quán dân tộc mình. Điều này dân tộc Việt Nam đã làm, làm khá thành công nên sau 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn không bị đồng hóa. Tóm lại, thái độ đối với văn hóa là sàng lọc, đồng hóa hoặc tẩy trừ từng phần chứ không nhất thiết phải xử lý trọn gói. Tấm gương biết sàng lọc văn hóa không ai bằng cụ Phan Châu Trinh, xuất thân Nho học, tiếp tận Âu Tây mà biết sàng lọc rất trúng, vừa chống “hủ Nho” vừa chống “hủ Âu” trở thành nhà dân chủ, nhà cách mạng đầu tiên của nước nhà [*]. Cụ chẳng vì chuộng Âu mà phải thoát Á, vì khi đã lệch về một phía thì dễ thiên vị, quên sàng lọc mà tôn sùng cả cái xấu của người ta.

Điều oái oăm với văn hóa Việt Nam là trong khi dòng chảy văn hóa đang từng bước tự hoàn thiện thì có sự du nhập “một nền văn hóa trọn gói” nặng tính ngoại lai và áp đặt, là “văn hóa vô sản” thực chất là “văn hóa cộng sản”, “văn hóa đảng”. Nói văn hóa Cộng sản có tính “trọn gói” vì nó tách biệt hẳn ra thành một khối, không kế thừa, dính vào đâu là nó hủy diệt các giá trị truyền thống ở đó, nên không có khả năng hòa đồng vào bất kỳ nền văn hóa nào. Vì bản chất là phi dân chủ nhưng lại nhân danh dân chủ nên văn hóa cộng sản cộng hưởng ngay với chất mị dân của chủ nghĩa thân dân phong kiến, mà thực chất là vương quyền áp đặt, tôn sùng minh quân, đồng thời làm mất gốc dân chủ và tương thân tương ái của văn hóa bản địa, thay bằng thứ tình yêu giai cấp vừa chật hẹp giữa con người lại vừa mở rộng phi lý vượt biên cương.

Chính nền chuyên chính độc đảng toàn trị Cộng sản đã làm cho quan hệ “quỳ lạy-xin cho” tiêu cực của văn hóa phong kiến trỗi dạy và làm tha hóa xã hội đến mức bệnh hoạn. Tôi hiểu đấy chính là lý do khiến nhà báo Lê Phú Khải phải kịch liệt phê phán thứ “văn hóa quỳ lạy” đang chế ngự xã hội. Một nét tiêu cực của văn hóa phong kiến như thế tưởng đã qua đi, nay gặp môi trường mới thích hợp lại nảy nở thành một tệ nạn, chứ đạo Nho chỉ khuyên người ta đứng thẳng, không khuất phục trước uy vũ (uy vũ bất năng khuất) và con người phải biết tự trọng thì người khác mới trọng mình (ngô tự trọng nhi hậu nhân trọng chi, ngô tự khinh nhi hậu nhân khinh chi), Khổng giáo không khuyên người ta quỳ lạy.

Văn hóa Khổng Mạnh vừa sinh ra Phan Châu Trinh rất dân chủ, vừa sinh ra tên vua Khải Định thích dân quỳ lạy. Cho nên Cụ Phan viết thư hạch tội vua Khải Định 7 điều, trong đó tội thứ nhất là quá tôn quân quyền, cậy quyền thế mà ép dân, tội thứ nhì là không công bằng và tội thứ ba chính là “Chuộng sự quỳ lạy”!

Ngày nay một lực lượng vũ trang ăn lương của dân mà coi dân như cỏ rác, ngang nhiên thách thức “chỉ biết còn Đảng còn mình”, tất nhiên nịnh trên mà nạt dưới, thì chắc chắn người đưa ra khẩu hiệu rất “quỳ lạy” đó không hề đọc sách Khổng Mạnh mà chỉ nhiễm “văn hóa Đảng” thôi.

Nhiều người dân vào đồn công an bị đánh đến phải quỳ lạy, nơi “quỳ lạy” ấy không hề có đạo Khổng, chỉ có “6 điều Bác dạy” (mặc dù lời dạy cũng có câu “với dân phải kính trọng, lễ phép”).

Thuở nước nhà sơ khai, các trí thức chịu ảnh hưởng đạo Nho và văn hóa Trung Hoa rất nhiều, nhưng những Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã dùng chính chữ Nho làm vũ khí chống lại Tàu, sức mạnh Nho giáo đã thành sức mạnh dân tộc. Trong khi Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc lại dùng chữ Nho để theo Tàu phản bội Tổ quốc, còn khối kẻ hàng Tàu bây giờ đâu có biết một chữ Nho bẻ làm đôi? Vậy hèn mạt hay anh hùng ít khi do nền văn hóa, chủ yếu do nhu cầu chính trị, vì chính trị gắn với quyền lợi và nhu cầu sinh tồn.

Ngay chuyện bây giờ, khi ta nói sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam phải lệ thuộc Tàu là do Ý thức hệ cộng sản thì cũng chỉ đúng một phần. Đâu có phải cứ hai nước cùng chung Ý thức hệ Cộng sản thì thôn tính nhau? Vấn đề là nước Cộng sản nhỏ muốn tiến hành chiến tranh, rồi lại muốn chống xu thế dân chủ để tiếp tục nắm quyền độc trị thì phải dựa vào nước Cộng sản lớn giúp đỡ, nước lớn vốn rắp tâm xâm lược nên sử dụng sự giúp đỡ làm cái bẫy để bắt Đảng Cộng sản nhỏ bán dần chủ quyền, mặc dù đến nay cả hai bên chẳng ai xây dựng chủ nghĩa Cộng sản gì hết, chẳng ai còn tin vào cái bánh vẽ “thế giới đại đồng”. Vậy bản chất sự lệ thuộc Tàu là do ràng buộc chính trị trong môi trường Cộng sản, như một hệ quả đau đớn của việc chọn con đường Cộng sản, chứ không phải do sự thấm nhuần Ý thức hệ. Ý thức hệ chỉ là yếu tố bắt nguồn lúc đầu. Những kẻ theo Tàu hiện nay là do nhu cầu chính trị, do quyền lợi chứ chẳng vì lý tưởng giai cấp vô sản gì hết.

Lại so sánh chế độ miền Bắc và chế độ miền Nam trước đây về hai mặt Thoát Trung và Khổng học. Miền Nam còn giữ Khổng học rất nhiều, từ sách vở đạo đức, đến quan hệ xã hội nhưng họ dứt khoát Thoát Trung, biểu hiện ở việc chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, và quy định một số nghề người Hoa không được làm để phòng người Tàu chi phối kinh tế và quốc phòng.
Trong khi miền Bắc khi đó bài trừ Khổng học, coi Khổng học là phong kiến phản động nên phá hết văn chỉ, đem câu đối làm cầu ao, chuồng lợn, đấu tố Nho học, thì lại ôm chân Tàu rất rõ, dập khuôn Tàu, phụ thuộc Tàu đến nỗi sinh ra nguy cơ Bắc thuộc hiện nay. Vậy không phải chống Khổng học thì Thoát Trung mà có khi ngược lại, vì nhiều nét của Khổng học đã được người Việt đồng hóa để thành vốn liếng văn hóa của chính người Việt.

Cuối cùng, xin cảm ơn việc khơi ra cuộc thảo luận Thoát Trung, đã huy động được sự đóng góp từ nhiều phía, làm cho một vấn đề rất hệ trọng được sáng ra, lần đầu tiên được đề cập một cách hệ thống, thiết tưởng là một sáng kiến đóng góp rất hữu ích cho công cuộc Thoát Trung hiện nay.

7. Nghĩ về mấy ngụy biện trong việc chống Tàu xâm lược

* Ngụy biện về đoàn kết và phân ly:

Như quy luật của muôn đời, sự đấu tranh để dân chủ hóa luôn luôn là cuộc đấu tranh giữa giới cai trị và giới bị trị, giữa chủ và thợ, nước nào cũng có, ở những mức độ khác nhau. Nhưng Đảng Cộng sản muốn phủ định, coi như cuộc đấu tranh ấy không có trong xã hội ưu việt này, nên dùng khẩu hiệu “ý Đảng lòng dân” để đúc hai khối “cai trị và bị cai trị” thành một khối đồng nhất (nhưng đầy mâu thuẫn bên trong). Dân mà “có ý kiến khác” tức tách khỏi khối đúc ấy thì không phải là dân, Đảng coi là kẻ xấu hay là địch đấy!

- Nay trước tình trạng bị nước Cộng sản lớn xâm lược đang xuất hiện ngụy biện: “Bây giờ phải tập trung chống xâm lược, cả nước phải một lòng, đứng dưới sự lãnh đạo mà chống giặc, trong nước mà còn đấu tranh với nhau là mắc mưu chia rẽ của phản động đấy!”. Lời hô hào nghe cảm động ghê, đoàn kết cả với kẻ nội xâm, nội gián sẵn sàng “mở cửa thành” cho giặc hả?

- Lập trường đúng đắn của Đảng ta là làm bạn với tất cả mọi người, không liên minh với nước này để chống lại nước kia! Nghe sao đạo đức quá, thế sao trước đây lại dựa hẳn vào Liên Xô – Trung Quốc để đánh “Mỹ-Ngụy”, sao bây giờ chỉ liên kết chiến lược toàn diện, thiết lập cả đường dây nóng với quân xâm lược, để đề phòng nhân dân ư?…

Ngụy biện này là để giải thích vì sao Việt Nam không liên minh chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng nội bộ Đảng giải thích với nhau nếu liên minh với Hoa Kỳ thì mất Đảng! Vẫn biết nếu liên minh với Hoa Kỳ thì sẽ không mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn là mất Đảng! Thế là rõ!

- Nhiều nhà nghiên cứu, bình luận cứ phát hiện “con đường cho Việt Nam”, “lối thoát cho Việt Nam”, “giải pháp tối ưu cho Việt Nam” mà không biết rằng bây giờ làm gì có “Việt Nam” như một khối thống nhất. Như ông Lê Hồng Hà nhận xét “Đảng bây giờ chỉ còn mỗi chức năng là cản trở sự phát triển của dân tộc”, vậy thì bài toán cho chính quyền Việt Nam và bài toán cho nhân dân Việt Nam là hai bài toán đáp số ngược nhau, đáp số tối ưu cho bên này sẽ là tai họa cho bên kia, làm gì còn khái niệm “Việt Nam” chung chung?

* Ngụy biện về cương và nhu

Bất đắc dĩ phải tuyên bố công khai mâu thuẫn với Trung Quốc (về lãnh hải thôi, còn những mâu thuẫn khác vẫn giấu biệt), nhưng không cho dân bộc lộ sự phẫn nộ, mà khuyên “phải bình tĩnh, chuyện lâu dài không nóng vội, mâu thuẫn như anh em trong nhà, mình phải chung sống lâu dài với nước bạn, bát nước đổ đi khó bốc lại, ta cần mềm dẻo giữ hòa bình để phát triển kinh tế…”.

Ai cũng biết cương quá hay nhu quá đều không tốt, nhưng lúc cần nhu lại cương, lúc cần cương lại nhu thì thật quái đản.
Có một danh ngôn “kẻ nào chấp nhận nhục nhã để tránh chiến tranh cuối cùng sẽ lãnh đủ cả hai thứ đó”. Có cứng rắn, không sợ chiến tranh mới tránh được chiến tranh. Chính sự hèn nhát là thủ phạm rước chiến tranh vào nhà! Còn tình nghĩa anh em ư, nó đập vào mặt, nó nhục mạ cả dân tộc, nó xâm lăng rành rành, nó tè vào cái bát nước hữu nghị, còn anh em nữa ư?

* Ngụy biện về lòng thương dân

Người ta đang giải thích phải chịu nhún nhường Tàu Cộng hết cỡ vì sợ đánh nhau thì nhân dân khổ! Chỉ thương dân thôi!
Ôi chao, cảm ơn! (Giá nói 50 năm trước đây thì hơn).

Sao một bảng thống kê về điều tra, chỉ xếp nhân dân Việt Nam thuộc loại hạnh phúc thứ nhì thế giới thôi nhỉ, chắc vì lúc ấy cơ quan điều tra chưa được “quán triệt” chủ trương rất cảm động này.

H. S. P. (2-7-2014)

——————————————————————————–
[*] “Nhân vật Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay/ Sàng lọc và kết hợp văn hóa Đông Tây”: http://www.hasiphu.com/baivietmoi_12.html

 

8 Phản hồi cho “Trằn trọc tháng bảy”

  1. Minh Đức says:

    Trích: “sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam phải lệ thuộc Tàu là do Ý thức hệ cộng sản thì cũng chỉ đúng một phần”

    Đảng CSVN xemTrung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, Cuba là bạn. Nga và Iran tuy không theo chủ nghĩa CS nhưng có cách cai trị giống cách của đảng CSVN và cách cai trị này kỵ các đòi hỏi nhân quyền của Mỹ. Iran giống các chế độ CS ở chỗ là có một nhóm người cuồng tín dùng bạo lực chiếm chính quyền và có một thiểu muốn độc quyền cai trị. Một thiểu số cai trị đa số thì phải dùng bạo lực bảo vệ quyền lực của mình. Dùng bạo lực thì vi phạm nhân quyền.

  2. Nhật Hồng says:

    Trong bài, ông Hà Sĩ Phu cho biết ĐCS Việt Nam giải thích sự nhu nhược đến mức đầu hàng trước kẻ xâm lược chỉ vì lo sợ có chiến tranh thì Dân khổ, chỉ lo cho Dân chứ ĐCS thì không tính toán gì cho mình. HSP đối chiếu với thực tế Cách mạng vô sản khủng khiếp 50 năm qua và kết luận sự giải thích ấy chỉ là NGỤY BIỆN. Tôi xin có mấy lời bàn thêm về sự “Thương người” ấy:

    Thương người !Ông HSP đã vẽ chân dung con đười ươi ,nắm chắc hai ống tre và cười toe toét ! Giữa tiếng cười rùng rợn từ bản năng thú tính ,so với ông láng giềng phương Bắc chẳng có gì khác nhau. Chỉ khác là người bị hại.Thời đại phong kiến đến nữa thực dân phong kiến , và cả chế độ CHMN họ đều tìm cách rút tay ra khỏi ống tre tìm đường sống. Riêng thể chế CS VN vẫn giử nguyên tay trong ống để chơi trò chơi ô 16 chữ vàng và bốn tốt .Đến khi đười ươi mở mắt ,nhe răng xé xác bao dân lành ,các ổng vẫn coi như anh em trong nhà ,hay hàng xóm có xích mích ,nhưng đại cuộc vẫn tốt ..Hơn nữa thương dân sợ dân khổ trước sự giận dữ của đười ươi họ nhũn như chi chi ,và đã hơn 30 lần đề đạt với bề trên không được đáp ứng ,nên chẳng liên danh liên kết ,kiện cáo gì ráo ! Đúng như lời dạy của DKT đối với “đứa con hoang đàng phải quay về vì lầm lạc. .”. Đấy là mẫu mực thương dân của thời hiện đại !
    Nhân chuyện liên kết ,tôi kể câu chuyện hồi nhỏ .Hết mùa cày cấy ,trâu nhà được gửi lên núi phía ngoại của tôi để vổ béo , vì triền núi ẩm nhiều cỏ cây xanh tươi mồi ngon cho gia súc. Nhiều đàn trâu của nhiều chủ,khi đi ăn theo từng nhóm để khỏi kình địch nhau. Trâu mà đánh nhau ,rược nhau thế nào cũng có con què cẳng gãy chân ,nên chủ trại phải chia đàn trông coi. Thế nhưng khi hơi hôi khét của chúa Sơn lâm lan tỏa ,thì mấy trâu đầu đàn kêu nghé ..ngọ ,nghé ..ngọ …Các bầy trâu kéo nhau họp đàn .Trâu con ở giữa vòng bảo vệ của trâu lớn . Những trâu đầu đàn phân bổ giữ vững vòng phòng vệ .Nhưng con hổ đói liều lĩnh lao vào đàn trâu ,lập tức một số trâu đầu đàn múa sừng , chém sừng vun vút như đao kiếm quyết sinh tử với hổ ,số khác vẫn che chở trâu tơ sừng ngắn chưa đũ lực chông chọi với thú dữ an toàn .. Cũng là bản năng thú tính ,đười ươi nghiện máu người .Trâu biết họp đàn chiếm lãnh địa của chúa Sơn Lâm vì sự sống còn và phát triển do bản năng mách cho biết không Liên kết thì chết . Chuyện đến đây ,không nghĩ đến thời cuộc thì các bạn cho tôi là kẻ vô cảm . Bọn hải tặc có hàng trăm tàu ,năm bãy tàu chiến ,bảo vệ giàn khoan hung hăng cắm sừng vào lãnh Hải của đất nước ta.,.Còn đối phó của ta là đẩy tàu gổ ngư dân và mấy chiếc tàu cảnh sát biển ra trước đầu sóng ngọn gió được mệnh danh là bảo vệ biên cương …Không khác gì cách đây gần 40 năm Việt Nam ta được Anh cả ,chị hai giao cho nhiệm dụ tiền đồn chống đế quốc .Để Anh cả chị hai có thời gian săm soi nâng cấp mình trong thời chiến tranh lạnh giữa hai phe .Dân ta phía bắc trên ba triệu người cả dân và quân đã hy sinh đổ máu (phía nam khoảng 500000 lính CH tử trận và cả triệu dân lành thương vong) đổi lấy nhu yếu phẩm từ chị hai,và súng đạn từ Anh cả ,để đánh Mỹ cho Anh cả và chị Hai (TBT Lê Duẫn bảo ta đánh Mỹ cho LX và TQ ) .Thế mà Đảng CS VN đã cân đo đong đếm ,dạy dân phải hàm ơn Tàu cọng đã giúp quân ta chiến thắng dân mình ! Đó cũng là thương dân nên có nhời dạy dổ! Và xin khái quát ,hội chứng đám đông tạo nên sức manh buộc mọi người có nghĩa vụ tuân thủ,,mọi việc có đang lo,không khác gì sức mạnh bản năng vì sự sống còn của đàn trâu phải huyết chiến.Cũng đồng đẳng với còn Đảng còn mình.và tôi cũng không ngoại lệ ! Đến khi tỉnh ngộ nhìn Alge’..,Ấn Đô ..Đông Đức …mới ngữa mặt lên trời hô to “Chí phèo và AQ quả là những áng văn đặc sắc! ! !”
    NHẬT HỒNG
    (Viết để tri ân cái gọi là “lòng thương dân” của Đảng CS VN)

  3. Nguyễn Thế Viên says:

    Ác mộng cuả ông Hà Sỹ Phú cũng là ác mộng cuả tôi và cuả đa số nhân dân VN!
    Nguyễn Thế Viên

  4. Trương Thành says:

    Đoạn bác Xuân Tụ nói về Khổng Giáo quá khiên cưỡng, chứng tỏ một lỗ hổng không nhỏ trong khả năng lý luận.

    Dẫn chứng: Khi nói về Phan Chu Trinh thì cho đó là credit của Khổng Giáo, còn bên cạnh đó gọi vua Khải Định một cách lỗ mãng bằng ‘tên’ (là một cách gọi của thường thấy trước đây từ những người cộng sản ít học nhưng gian ác) nhưng lại không bình luận gì về Khổng Giáo.

    Tôi thấy có một sự luẩn quẩn đáng ngại từ một vài cây viết bênh vực Khổng Giáo trong thời gian gần đây, có thể do cảm tính hoặc do khả năng. Bác Xuân Tụ là một.

    Những giá trị như “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…” đơn thuần là tài sản của cộng đồng nhân loại từ á sang âu, cũng như ‘sincerity, tolerances, achievement, responsibility…” trong quá trình cộng sinh tiến hóa, không riêng gì của một “giáo” nào. Phan Chu Trinh chủ trương canh tân xã hội, dù cải lương, chủ yếu là do ảnh hưởng của những giá trị nhân bản, dân chủ ở phương tây.

    Còn ông vua Khải Định bắt dân quỳ lạy? Chỉ như vậy mà bị gọi bằng “tên” thì ông Khổng không còng có danh từ nào tồi tệ nhất để gọi. Tại sao?

    Những cây viết lên án các triều đại Lê, đến Nguyễn là hán hoá xã hội Việt, là áp dụng Nho Giáo/Khổng Giáo ráo riết vào xã hội VN đã phớt lờ hoặc vì bị cảm tính chi phối lý luận đã không thấy điều đơn giản là vì những triều đại này thông minh hơn những triều đại trước. Ông Khổng dùng khả năng cả đời của mình để cổ xúy cho một trật tự xã hội trong đó Vua thay Trời trị dân (Thiên Tử). Đó là một học thuyết “vô giá” bảo chứng tính chính danh cho các chế độ quân chủ phong kiến.

    “Quân xử thần tử”, có nghĩa là vua bảo chết là phải chết, thì việc quỳ lạy là nhằm nhò gì. Các triều đại bên Hoa Lục sau này như Nguyên, Minh, Thanh đã sử dụng Khổng Giáo một cách ráo riết mới duy trì nổi trật tự xã hội, mới thống trị được một khối dân Hán khổng lồ trên một đại lục mênh mông như vậy. Các triều đại quân chủ phong kiến ở Việt Nam muốn duy trì triều đại của mình thì đơn giản là áp dụng Khổng Giáo càng nhuần nhuyễn càng tốt.

    Nói tóm lại ông Khổng Tử đã thực tình nghĩ và tận tụy bảo vệ quyền “Thiên Tử” của các Ông Con Trời. Vậy khi bác Xuân Tụ gọi “thiên tử” bằng “tên” thì cái ông một mực bảo trợ cho tính chính danh “thiên tử” này phải được gọi bằng gì?

    Nhưng dù sao đi nữa, con người văn minh bình thường không thể nào buông lời phỉ báng một người khác một cách khơi khơi như vậy được.

    • vybui says:

      Xem ra bác Trương chỉ mượn Khổng- Nho để “đánh” ông Xuân Tụ. Tôi xin miễn bàn, ngoại trừ ý kiến được cho là gần sự thật nhất:” Những giá trị như Nhân, Nghĩa, Lễ ,Trí, Tín…đơn thuần là tài sản cuả cộng đồng nhân loại từ Á sang Âu, cũng như…… Trong quá trình cộng sinh tiến hoá, không riêng gì cuả một “giáo” nào….” (hết trích).

      Bác Trương nói đúng quá, nếu như cho rằng đúng …một nửa cũng là…đúng!

      Giá trị là giá trị chung, Đông, Tây, (Trung Hoa, Ấn Độ hay Hy Lạp, La Mã) thậm chí những dân tộc bán khai cũng tôn trọng những giá trị (nhân bản) ấy. Có điều, dăm ba trăm năm trước, hoặc như cả đến ngàn năm, khi mà các cộng động dân cư trên quả đất còn như những ốc đảo, không hoặc chưa có những giao lưu, tiếp cận thì cha ông chúng ta được hưởng cái “tài sản cộng đồng” kia bởi đâu? Không phải từ Khổng Nho ư, hay là các cụ biết chắc rằng ở đâu đó cũng có những giá trị “mang phẩm chất con người” như ta và không là cuả riêng ai, cuả “giáo” nào, thì cứ thủng thỉnh rồi ra “cái chung” kia cũng tới hay là sinh ra là đã thấm nhuần cái gọi là “ngũ thường” mà không cần…giáo hoá?
      Lý luận như thế, tôi e rằng, một ngày nào đó bác Trương sẽ “bật ngưả’ khi ông con bác thưa rằng, Cha Mẹ ư? Đơn thuần là tự nhiên phải có, “tài sản chung ” cuả nhân loại, cả Á lẫn Âu, thậm chí những bộ lạc trong rừng sâu cũng có!. Không có Ông Bà ư, thì có ông bà khác là cha mẹ chúng tôi chứ có gì phải…xoắn?

      Tôi hy vọng bác Trương cũng thông hiểu về Khổng- Nho, bằng không xin được giới thiệu “Khổng Học Đăng” cuả cụ Phan Bội Châu, nhược bằng vì thời giờ hạn hẹp, chỉ cần bác đọc một trong Tứ Thư, cuốn Mạnh tử, nhất là phần ngài bàn về chính trị, để xem cái lão cổ hủ sống trước chúng ta hơn hai nghìn năm nói gì về DÂN CHỦ, để “giải quyết” cái vụ canh tân xã hội cuả cụ Phan Chu Chinh mà bác cho rằng CHỦ YẾU là do ảnh hưởng của những giá trị nhân bản và DÂN CHỦ phương Tây…cũng xin nhớ là đặt Nho Giáo vào đúng thời đại cuả nó, chứ đừng bắt nó “bao giàn” như một thứ chân lý tuyệt đối, HỢP và ĐÚNG cho mọi thời đại!
      Sau đó nếu vẫn còn …lấn cấn, nhân một dịp nào đó xin vinh hạnh hầu chuyện bác.

  5. Thanh Pham says:

    Bây giờ nói gì với Tổ Tiên?

    Nhìn thấy đất nước mình mất dần
    Mà vì vô tài chỉ đứng nhìn
    Tôi chết mòn trong trong uất hận
    Hận Tàu một, Hồ già nghìn hơn

    Xấu hổ nhục nhã cho riêng tôi
    Cảm thấy mình quá nhiều tội lỗi
    Lỗi tổ tiên đất nước ông cha
    Ta ương hèn đi làm tôi mọi

    Tội lỗi nầy gấp nghìn lần hơn
    Vẫn chưa nói hết cùng con cháu
    Với tổ tiên gấm vóc giang sơn
    Nhục nhã nầy phải trả bằng máu

    Không dám nhìn bàn thờ Tổ Quốc
    Kià là quốc tổ giống Rồng Tiên
    Bốn ngàn năm ông cha dựng nước
    Tám mươi năm chúng đặt xích xiềng

    Bây giờ nói gì với Tổ Tiên?

    T.Phạm
    http://sangcongpha1.wordpress.com/
    http://phaxiengnole.wordpress.com/

  6. Thanh Pham says:

    Sao ta vẫn làm thinh?

    Nguyên cả một giống nòi
    Bị một thằng khôn lỏi
    Dìm xuống tận bùn nhơ
    Làm thân phận tôi đòi

    Bắc thuộc đang chực chờ
    Nhưng mọi người thờ ơ
    Ta giống dân Hồng Lạc
    Sao có thể làm ngơ?

    Ta tĩnh hay đang mơ?
    À thì ra ta sợ
    Sợ cái lũ tam vô
    Lũ cáo Hồ mọi rợ

    Chúng cực kỳ tàn ác
    Tất cả bởi thằng bác
    Vô tổ quốc gia đình
    Chúng tôn thờ Các Mác

    Đừng quên tổ tiên ta
    Dựng nước và giữ nước
    Xương máu bốn ngàn năm
    Công lao người đi trước

    Ta phũ phàng làm thinh
    Bọn phường tuồng Việt cộng
    Ma đầu Hồ Chí Minh
    Đem giao cho cộng sản

    Sao ta vẫn làm thinh
    Xứng đáng bị rẻ khinh?

    T.Phạm
    http://phaxiengnole.wordpress.com/
    http://sangcongpha1.wordpress.com/

  7. THƯỢNG NGÀN says:

    CHÍNH YẾU TỐ CON NGƯỜI MỚI LÀ CÁI CỐT LÕI MỌI SỰ !

    Trong con người chỉ có hai điều quyết định : đó là trí và tâm.
    Trí là sự hiểu biết : do nền tảng giáo dục, đào tạo mà thành.
    Tâm : ý thức đạo đức, biết thương người. Đó chính là lòng nhân.
    Nhưng lòng không phải hoàn toàn trên trời rơi xuống, mà chịu ảnh hưởng phần lớn của giáo dục và đào tạo. Tức trí và tâm vẫn đi song song với nhau. Cái này bổ sung cho cái kia. Trí mà không tâm thì trí đó dễ thành hạ cấp và nguy hiểm. Tâm mà không trí, tâm đó thành mù quáng, dốt nát, mê muội.
    Có nghĩa tâm tốt sẽ soi sáng thêm cho trí. Trí tốt sẽ thăng hoa thêm cho tâm.
    Mặc dầu thế, cũng có phần nào “tiên thiên” của tâm và trí. Tức thông minh cũng phải có giòng, còn tâm tốt cũng phải từ những gia đình có đức. Như vậy hậu thiên là đào tạo giáo dục là cốt lõi, nhưng cũng không thể phủ nhận có phần nào cái tiên thiên do bẩm sinh, do di truyền, hay do đột biến về trí năng và tình cảm. Ông cha ta ngày xưa nói tinh hoa của dân tộc, hiền tài là rường cột của nước nhà, hay hiền tài là nguyên khí của quốc gia v.v…
    Có nghĩa ngày xưa giai cấp hay tầng lớp sĩ phu trong đạo Nho chính là các ý nghĩa như thế.
    Nhưng trong những thời kỳ nước nhà loạn lạc, hiền tài cũng có thể xuất thân từ bất kỳ tầng lớp nào.
    Bởi cái học hay sự đào tạo của cha ông ta chủ yếu là cái trí và cái đức. Tất nhiên trí đây không phải kiểu trí của khoa học ngày nay, nhưng là cái trí của biện biệt, của sự hiểu biết đạo lý, của sự phân biệt điều đúng sai, phải quấy.
    Tư tưởng của tầng lớp sĩ phu ngày trước tuy vậy không bao giờ là tinh thần nô lệ mà vẫn luôn là ý thức tự chủ, độc lập. Học đạo Nho nhưng vẫn không lụy vào đạo Nho. Chịu ảnh hưởng văn hóa Hán nhưng không bao giờ có tinh thần phụ thuộc Trung Quốc. Từ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, đến Nguyễn Thiếp, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh v.v… đều luôn luôn như vậy. Ngay trong thời kỳ lệ thuộc Pháp, mặc dầu hấp thụ văn minh Pháp khá nhiều, ý thức không lệ thuộc Pháp của nhiều nhà trí thức VN vẫn luôn thấy rõ.
    Thế nhưng thời gọi là XHCN trước đây thì hậu có nhiều tình huống đã hoàn toàn đổi khác.
    Bức Công hàm của ông Phạm Văn Đồng quả thật it nhiều đã cho thấy điều ấy.
    Rồi câu nói cửa miệng của ông Phạm Văn Đồng “ra ngõ gặp anh hùng” của ông ta cũng phản ảnh một tinh thần, một ý thức khác hẳn với ngày xưa của ông cha ta. Hình như bầu không khí chính trị mà nhiều người ngày nay gọi là ngu dân, mị dân đã bằng bạc khắp nơi trong khi ngay dưới thời đó thì không ai dám nói. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà suốt thời kỳ dài ông Phạm Văn Đồng không ngớt đề cao chỉ là như vậy. Hình như sự sợ hãi, sự khuất phục làm tê liệt hết mọi ý chí của toàn dân. Đến nỗi Công hàm hại nước như thế mà suốt thời gian dài cũng chẳng ai hay biết, chẳng ai nhắc tới. Chỉ mãi sau này người ta mới biết được. Đấy cái công trạng làm Thủ tướng gần như suốt đời của ông PVĐ ngày nay vỡ lẽ ra chẳng khác gì như thế.
    Đó là do đâu ? Chính yếu là do ý thức hệ mác xít mà ra. Mác hô hào đấu tranh giai cấp, chuyên chính giai cấp một cách hoàn toàn phi thực tế, phản khoa học, Liên Xô và Trung Quốc làm theo, và đến Việt Nam cũng hoàn toàn cốp bi theo hệt, phủ nhận hết mọi di sản tinh thần của dân tộc từ hàng ngàn năm trước kia của ông cha ta quả đúng là như thế. Đó là ý nghĩa của chủ nghĩa lý lịch, của nguyên tắc ba đời bần cố nông, bất chấp mọi tinh hoa của đất nước, điều đó thể hiện ra nhiều lần trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp, trong nhân văn giai phẩm, trong các chính sách giáo dục và văn hóa theo kiểu triệt đẻ tuân phục ý thức hệ là điều mà ai cũng biết.
    Như vậy rõ ràng cái gì quyết định các hiện tượng đó ? Đó chẳng qua là con người. Tức con người không còn là những con người trí thức hay lương tâm độc lập nữa mà chỉ là những con người kiểu cán bộ thừa hành trong một hệ thống lớn hơn và cứ thế. Tức nguyên cả bao nhiêu thế hệ kiểu người gác cổng, người gác cửa, người xé vé mà chẳng có ai là người tự mình có thẩm quyền quyết định tự do đối với cả vận mệnh của dân tộc, của đất nước cả.
    Công hàm của ông PVĐ chỉ cho thấy một điều là không hề có sự tự chủ nào của ông ta mà chỉ có sự tuân phục, sự làm hài lòng cả một hệ thống nằm bên ngoài và cả bên trên ông.
    Nên nói chung lại, không có con người cũng không có tất cả. Trong quá khứ cũng thế, trong hiện tại cũng thế, và biết đâu trong tương lai sau này cũng thế.
    Không có con người thì cũng chẳng bao giờ có con người có thẩm quyền thật hay có lòng yêu nước thật. Nhưng đó thật tình chỉ là những cái bóng. Những cái bóng thì không bao giờ có tiếng nói riêng hay có hành động hoặc phản ứng riêng. Chúng chỉ là sự phản chiếu hay sự cộng hưởng theo cách nào đó đối với những cái gì thật hơn chúng. Chính điều này cũng phản ảnh trong sự giáo dục đào tạo, trong sự truyền thông đại chúng đã gần cả thế kỷ nay mà ai cũng rõ. Chính sách không đào tạo ra con người mà chỉ đào tạo ra công cụ và sản phẩm. Điều này ai có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm hay đâu là nguyên nhân ? Chẳng qua nguyên nhân đầu tiên là chẳng ai quán triệt ngay học thuyết Mác từ lúc ban đầu cả. Tức là không có người mác xít, người CS nào tự chủ, mà thực chất chỉ là người mác xít, người CS làm theo. Cứ thế mà thế hệ thừa hành này tiếp nối thế hệ thừa hành khác một cách lưu niên bất tận. Đó là nỗi buồn của đất nước, của con người mà không biết ai là người thấy rõ. Tố Hữu chính là một trường hợp điển hình như thế. Còn những người đã tạo ra chính Tố Hữu thì họ là những ai, tất nhiên trong đó có cả ông Phạm Văn Đồng mà không ai có thể phủ nhận được. Ngay như trường hợp Trần Đức Thảo cũng chỉ là một trường hợp hết sức vô cùng đáng tiếc.
    Quả thật thực tế đó nó hoàn toàn xa lạ và không bình thường với truyền thống dựng nước giữ nước bao ngàn đời của ông cha ta. Mà hậu quả đó ngày nay rõ ràng là nhu cầu thoát Trung mà nhiều người đang ray rứt nói đến. Nhưng thực chất thoát Trung được hay không cũng còn do yếu tố con người mà ngay từ đầu đã nói quyết định. Nên thôi cứ chờ xem. Ông Phạm Văn Đồng ngày xưa thì giờ đây đã tiêu tùng rồi cùng với cái Công hàm quái ác của ông. Nhưng với cái đà đào tạo con người rất nguy hiểm như trên kia đã nói, không còn Phạm Văn Đồng này biết đâu cũng lại có những PVĐ khác xuất hiện thế thôi. Nên cái căn cơ vẫn là sự ý thức của con người và sự đào tạo con người. Khi cái ý thức vẫn còn mụ mẩm thì không thể nói đến sự đào tạo hiệu quả, giá trị hay trong sáng được, nên thôi cứ chờ xem. Thoát Trung hay không thoát Trung được đó chính là ý nghĩa của vận nước ngày nay. Đó là điều mà ông cha ta không hề phải đối mặt, vậy mà ngày nay thế hệ con cháu hiện tại thì lại nhiều người đang phải khắc khoải và điên đầu. Âu quả thật là điều lạ chẳng khác gì chính bản thân câu khẩu hiệu đã từng ru ngủ biết bao thế hệ thanh niên trước đây mà không biết ai chính là tác giả đã tạo ra : Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, mặc dầu người ta cũng chưa hề bao giờ định nghĩa được chính xác CNXH là gì ! Đúng là xã hội chỉ gồm phần lớn những cái bóng mà không phải những con người thật sự. Bởi con người thật sự thì phải có trí có tâm của riêng mình mà không phải do bị ai cấy ghép một cách giả tạo và ảo ảnh từ bên ngoài vào cả.

    ĐẠI NGÀN
    (05/7/14)

Leave a Reply to Nhật Hồng