Nhận định về mối tương quan trục Vatican- Hội đồng giám mục VN và chính quyền CS
Mới đây nhất, truyền thông công Giáo cho hay các cuộc họp hỗn hợp giữa Việt Nam- Vatican tại Hà nội bước vào vòng họp lần thứ năm tại Hà Nội vào các ngày 10 và 11 tháng 9. Nhiều người vội mừng và hy vọng. Nhất là phía tòa thánh Vatican và Hội đồng giám mục Việt Nam.
Đã bao nhiêu lần hy vọng và chờ đợi như thế! Không nhớ hết được.
Cứ như trong bài phỏng vấn Giám mục Nguyễn Thái Hợp của Gia Minh đài RFA vào ngày 10-9-2014, kết quả rất mù mờ, trả lời mà như không trả lời, muốn hiểu thế nào cũng được. Một lối trả lời nửa kín nửa hở mà người đọc khó mà biết sự thật là gì.
Có lẽ tốt hơn, thà giám mục im lặng và đừng phát biểu để giữ được sự ngay thẳng. Nếu không tiện để dám nói sự thật thì nên từ chối cho phỏng vấn. Còn nếu đã nhận trả lời thì xin cụ thể, rõ ràng và minh bạch. Được gì, mất gì, chưa được gì thi nói cho rõ.
Người có chút hiểu biết sẽ hiểu tại sao vị giám mục này có lối trả lời như dưới đây. Xin hãy xem Giám Mục Hợp trả lời như sau:
- Và qua những năm làm việc vừa rồi, ta thấy có những bước tiến mặc dù chưa được như một số người mong muốn; nhưng phải nhìn nhận rằng có những bước tiến.
- Ta thấy một số vấn đề được giải thích và đã thông. Còn một số vấn đề còn tôn đọng chẳng hạn như vấn đề sự cộng tác của Giáo hội trong trong các vấn đề như y tế và giáo dục. Vấn đề nhiều lần được nêu lên và một vị cao cấp trong chính phủ vào đầu năm vừa rồi nói vấn đề coi như đồng ý rồi. Nhưng cho đến nay chưa thấy văn bản nào công bố rõ rệt về vấn đề đó.
- Chuyện đau lòng thì chúng ta đã nói rồi.( Ý nói việc giáo dân ở địa phận Vinh bị đánh đập, bị bắt tù giam).
- Nhưng trong những năm vừa qua, hai bên vẫn riếp tục đối thoại và bây giờ thì vấn đề tồn đọng không còn nữa, đang giải quyết để có thể xây dựng Trung tâm trại Gáo.
- Chúng tôi tiếp tục con đường. Cho đến hôm nay, chúng ta thấy rằng tình hình đã giữ mức độ phải chăng.1
Qua mấy câu trả lời lơ lửng, mơ hồ đành kết luận. Đành chịu thua. Cách xử dụng ngôn từ của vị giám mục này đã đạt đến sự khôn ngoan ở mức trần và chỉ cần sơ xảy một chút thì sự khôn ngoan đó trở thành sự gian dối ngoài tầm kiểm soát của lương tri.
Xin Giám mục cẩn trọng.
Nặng lời với một tước vị như giám mục là điều ngoài ý muốn của tôi.
Thưa giám mục, người ta có thể rộng rãi cho nhiều thứ mà không tiếc. Nhưng lòng kính trọng không phải là thứ cho không.
Lời phát biểu của giám mục, nó cũng thể hiện một phần thái độ cũng như thực trạng Hội Đồng giám mục Việt Nam. Giám mục có thể là đại diện tiêu biểu cho cái tinh thần Hội Đồng giám mục Việt Nam năm 2014!!2
Trở lại vấn đề của chúng ta xin thử nhìn lại. Thử đưa ra một số nhận xét về các mối tương quan ấy từ trước đến nay và đề nghị một giải pháp chung cuộc, dứt điểm, không nhì nhằng nửa nạc nửa mở.
Chúng ta cần nhớ lại rằng kể từ khi có chính quyền cộng sản- cứ tạm kể từ năm 1945 đến nay-, mối tương quan giữa tòa thánh Vatican, Hội đồng giám mục Việt Nam với chính quyền cộng sản chưa hề có một ngày êm thắm, chưa có một thỏa thuận.
Những thiện chí về phía Vatican và Hội đồng giám mục Việt Nam đã nhiều lần đưa ra đủ thứ đề nghị, nhượng bỗ đủ thứ. Nhưng thường không được phía Hà Nội đáp ứng tương xứng. Những cuộc viếng thăm trao đổi của Vatican cứ nhích từng ly tấc một mà cho đến nay, có những đòi hỏi căn bản nhất như tự do bổ nhiệm, tự do tuyển dụng, tự do giảng dạy tôn giáo trong các chủng viện, thiết lập bang giao chính thức giữa Vatican-Hà Nội vv.. vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Nó chỉ ra rằng thiện chí một bên không đủ.
Nó cũng chỉ ra rằng cần phải hiểu thực chất chế độ cộng sản là gì!
Một vấn đề như Cải cách ruộng đất được coi như tội ác đối với con người. Đảng đã chính thức xin lỗi. Hồ Chí Minh đã khóc. Nhưng bồi thường và phục hồi nhân phẩm cho các nạn nhân thì không. Nay họ lại đủ cái trơ chẽn kỷ niệm 60 năm Cải cách ruộng đất. Đấy là thực chất đấy. Đấy là cộng sản đấy. Đấy là đấy đấy.
Cho nên đã có biết bao nhiêu rắc rối xày ra trong vấn đề bổ nhiệm Giám Mục. Vụ nọ tiếp nối vụ kia. Muốn được đề cử hay chọn lựa làm chức giám mục thì trước tiên phải là linh mục đạo đức, có lòng nhiệt thành, có lý tưởng. Nhưng nếu phải được chính quyền cộng sản chấp thuận thì điều đó dựa trên tiêu chuẩn nào? Không lẽ có một thứ đạo đức cộng sản?
Chính điều này làm cho việc bổ nhiệm giám mục ở Việt Nam hiện nay mất hết ý nghĩa cao đẹp của nó. Cho nên những vụ bổ nhiệm Giám mục nào xem ra có vẻ chót lọt, êm xuôi sẽ tạo ra những nghi ngờ đủ loại.Rất có thể việc bổ nhiệm đã có những thương trao đổi. Tệ hơn nữa một mặc cả, một mua chuộc có tính toán.
Những chuyện như thế với mức trao đổi ở mức độ nào, trao đổi như thế nào ở trong vòng bí mật? Người ngoài chả ai biết được. Giáo dân hoàn toàn mù tịt.
Vì thế nó có thể rất tốt về mặt đời. Tốt từ nghi lễ truyền chức, cờ xí, diễn văn, người tham dự đông đảo xem ra mọi mặt đều tốt đẹp. Nhưng bên trong lại có thể có vết nhơ về mặt đạo. Không ai biết rõ. Nên không dám khẳng định một điều gì. Nhưng không lẽ không suy đoán?
Tờ Tin Nhà, có bài viết của Nguyễn Ngọc Lan về vấn đề bổ nhiệm như sau:
‘Cả thế giới ngày nay kể như chỉ duy nhất có Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam này là còn để có thứ tin thời sự nóng hổi cả trên đài BBC : « Đã có sự thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục X, Y.. hoặc giáo phận nọ, giáo phận kia ở Việt Nam vừa được phép tổ chức lễ phong chức cho X linh mục. Chưa kể việc đặt, đổi các cha sở, cha phó cho các họ đạo, tuyển sinh cho các chủng việnvv.. Chính thứ tin thời sự như thế mới thục sự làm mất mặt nếu người ta còn muốn có mặt mũi với thiên hạ năm châu bốn biển.3
Rất may là tình trạng này nay đã được cải thiện nhiều và không còn là trở ngại lớn trong việc truyền chức linh mục nữa.
Nhưng vấn đề vẫn là phải cất lên tiếng nói. Mặc dầu chẳng được ai nghe, vì trái tai cả hai phía.
Rồi còn vấn đề giữa Vatican và người công giáo và người dân miền Nam nói chung có những dị biệt về quan điểm với Vatican, nhất là về vấn đề chinh trị.
Thiện chí của Vatican can thiệp vào Việt Nam với thiện chí thôi thì không đủ. Những lời kêu gọi xuông thôi không đủ. Ngay cả việc viện ra lý tưởng cao đẹp này nọ chẳng những không đủ mà còn gây thiệt hại tinh thần cho Việt Nam.
Chẳng hạn trước cái chết của một người lính miền Nam thì chỉ có con dân miền Nam hiểu và chia xẻ sâu xa được ý nghĩa sự hy sinh ấy. Giáo Hoàng Phao Lồ VI đã từ điện Vatican- nơi không có xác người, nơi không có đạn pháo kích, nơi không có tiếng khóc của người mẹ già, người vợ trẻ, đàn con nheo nhóc- để kêu gọi chấm dứt chiến tranh một cách chung chung có thể là một xúc phạm gián tiếp đến những người đã hy sinh.
Lý tưởng có thể không sai, ai chả khát vọng hòa bình!! Nhưng hòa bình kiểu gì? Hòa bình cho ai? Thực tế lời kêu gọi có thể là sai.
Sai ở chỗ người cộng sản đã lợi dụng những lời kêu gọi đó, một mặt tuyên truyền chống chiến tranh xâm lược của Mỹ-Ngụy, mặt khác điều động cả một guồng máy xâm lược miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Chẳng nhẽ cả cái guồng máy lãnh đạo ở Vatican không biết điều đó sao?
Giới tu sĩ trẻ miền Nam lý tưởng dại khờ thời bấy giờ hùa theo lời kêu gọi Hòa Bình của Giáo Hoàng. Họ đòi tôn trọng Hiệp Định Hòa Bình ngày 27-01-1973. Làm tại Sài gòn ngày 16-03-19734
Họ kêu gọi chính phủ VNCH phải tức khắc hủy bỏ luật Tổng Động Viên vì luật này vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định Hòa Bình ngày 27-01-1973. Và họ chống lại mọi hình thức cưỡng bách đi lính nhằm kéo dài chiến tranh tại miền Nam.
Tiếp nối tinh thần Hòa giải của Giáo Hoàng, TGM Sài gòn cũng tuyên bố rập theo: Hòa giải không những là một lý tưởng và một đòi hỏi đạo đức, nhưng còn là một nhu cầu thực tế, vì đó là hướng đi tất yếu của tình hình thế giới và hơn nữa diễn tiến của cuộc chiến tại VN minh chứng rằng không thể tìm ra một lối thoát nào khác cho hiện tình đất nước ngoài con đường Hòa Giải.5
Không biết ai đã viết diễn văn cho vị TGM mà hay thế, lý tưởng thế. Tuy nhiên con đường Hòa giải sau này đi vào ngõ cụt, chứng minh ngược lại rằng nó là con đường tắt đưa đến việc mất miền Nam vào tay cộng sản.
Trong khi đó thì ngoài kia- ngoài Sài Gòn- đang diễn ra một trận chiến một mất một còn với cộng sản mà đại diện phía bên kia lúc bấy giờ là tướng Trần Văn Trà.. Xin mời đọc nhà báo Lê Thiệp(Đã qua đời) viết lại : Đúng nửa đêm 24-11- 1974, trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào vòng đài chi khu Đôn Luân..Đồng Xoài chống trả suốt 10 ngày và đã bị tràn ngập vào rạng sáng ngày 7-12-1974. Trận Đồng Xoài đã mở đầu cho một chuỗi biến cố quân sự khiến Việt Nam Cộng Hòa bị xóa tên..(..) Khi tiến lên được đến đỉnh, một cảnh tang thương bày ra trước mắt chúng tôi. Những vòng rào có lẽ bị bộc pha quăn queo thành từng nhúm. Vài nơi còn khói ngún lên thành dải. Xác chết la liệt, đủ dạng đủ kiểu.
Đau lòng nhất là ngay ở sân cờ khoảng hơn hai chục xác bị bắn, hai tay vẫn bị trói giật cánh khuỷu ra sau lưng. Có lẽ họ bị bắt, bị trói và sau đó bị xả súng bắn.
Không có thương binh.6
Phải chăng trận chiến Đồng Soài là biểu tượng cho con đường Hòa Giải mà ngưởi ta mòn mỏi hy vọng.
Nhiều lúc chán cho đất nước mình. Đất nước ơi. Quá đủ rồi, dân ta ơi. Thù trong giặc ngoài!!Nhiều lúc muốn theo gương Chí Phèo, chửi cả làng Vũ Đại, chửi từ trên xuống dưới.
Gần hơn cả, Vatican chủ trương đường lối Ospolitik( hòa giải và thương lượng) của giáo hoàng Benedict XVI đối với giáo hội nhà nước của Trung Cộng đã gây bẽ bàng cho giáo hội hầm trú từ 1949 đến nay. oa từ nắm 1949Quo61Giáo Hội hầm trú tại Trung Cộng cảm thấy họ bị Vatican bỏ rơi. Chủ trương Ospolitik cũng được áp dụng ở Việt Nam trong một mức độ thấp và tầm cỡ nhỏ. Hòa giải nhân nhượng để tìm một sự an bình nhất thời, hy vọng một sử cải tiến trong tương lai. Một trường hợp cụ thể là đã hy sinh một tổng giám mục VN, ở Hà Nội để đổi lại được cái g?Tổng giám Mục Ngô Quang Kiệt đã bị bắt buộc phải từ chức và rút lui vào im lặng. Phần giáo dân Hà Nội thì bắt buộc phải chấm dứt những đòi hỏi chính đáng của giáo phận Hà Nội và giáo xứ Thái Hà.
Và thay thế vào đó là một TGM được coi là có khả năng làm hòa, chiều theo những đòi hỏi của chính quyền.
Việc thay đổi này gây ra những bất nhẫn trong giáo dân. Họ thương tiếc sự ra đi của một vị lãnh đạo mà họ hết lòng tin tưởng.Và dĩ nhiên, họ thờ ơ nếu không nói là họ có cái nhìn thiếu thiện cảm với người mới tới.
Điều này đã gây thiệt thòi không ít cho sinh hoạt tôn giáo của giáo phận Hà Nội.
Vậy mà người ta vẫn phải bắt buộc sống chung với nhau..mà sự sống chung ấy bao giờ phần thiệt thòi cũng dành cho giáo hội Việt Nam không cách này, cách khác.
Sự trả giá lúc nào cũng đắt hơn cái mua được.
Mỗi cái cho là mỗi cái mất hoặc vật chất hoặc tinh thần, nhất là tính thiêng liêng vốn là bản chất của giáo hội.
Và càng có thì càng mất, càng nhận càng bị tha hóa, mua chuộc, vong thân và sa đọa.
Chẳng hạn, nhà nước cho mở trường Đại chủng viện để đào luyện tu sĩ, linh mục; nhưng với điều kiện phải kèm chương trình dạy chủ nghĩa Mác Xít do cán bộ cộng sản giảng dạy.
Nghĩa là chủng sinh phải một lúc học giáo lý của Đạo và kèm theo một thứ giáo lý nhà nước Mác-Lênin. Rất có thể ban đêm về, sự xung đột giữa hai thứ giáo lý này chửi nhau ầm ĩ trong đầu mỗi chủng sinh làm nhiều người trong số này có thế mất ngủ.
Vì thế, tôi vẫn cảm thấy gần gũi và quý mến các linh mục chui hơn loại linh mục được đào tạo một cách bài bản, chính thức.
Bởi vì trong tương lai, các linh mục này sẽ là linh mục loại gì? Đôi lúc vô tình họ giảng nhầm lời Chúa ra lời của ông tổ Karl Marx. Có thể, mọi người đếu biết thực trạng tình trạng đào tạo này. Nhưng không có mấy ai đủ can đảm lên tiếng, hoặc phủ nhận lối đào tạo này!!!
Tình trạng khó khăn của giáo hội là tình trạng thường trực kéo dài từ khi cộng sản nắm chính quyền và mỗi giai đoạn là mỗi thử thách và một lối ứng xử khác nhau tùy hoàn cảnh, tùy từng địa phận và tùy từng mỗi cá nhân.
Giai đoạn 1945- một giai đoạn bi kịch nhất-giáo hội phải sống trong một tình thế cực đoan độc nhất- tình thế khó xử- tình thế phải chọn lựa. Đó là tình thế đi căng giây chọn lựa giữa giáo hội một bên và chính quyền cộng sản một bên, theo kháng chiến hay về vùng quốc gia. Tìm một thế cân bằng như thế không phải lúc nào cũng đạt được.
Cho nên đã có những giai đoạn giáo hội công giáo thà chấp nhận phải sống chui, sống im lặng để giữ được cái phần hồn.
Nhiều ông Trùm xứ, nhiều linh mục và cả giám mục ngoài Bắc đã phải hy sinh, đã bị tù đầy để bảo vệ cái phần hồn ấy. Nhiều người đã chết trong các trại giam như Cổng Trời, hoặc bị quản thúc trong nhiều năm, hoặc sống như linh mục chui của giáo hội hầm trú.
Nghĩ lại những giai đoạn ấy quả là một giai đoạn bi thương, nhưng lại quá đẹp, quá trong sáng!! Gương sáng của nhiều vị giám mục và linh mục nói sao cho hết.
Nhưng kể từ sau 1975 giáo hội- nhất là trong miền Nam- xem ra có cái bề ngoài thong dong hơn, nhà thờ nhà thánh lũ lượt giáo dân ra vào, nhà thờ lúc nào cũng chặt ních người. Và người ta có cảm tưởng không còn cái cảnh phải sống chui của một giáo hội thầm lặng.
Nhưng cái bề ngoài đó không phản ảnh trung thực cái đời sống đạo- một đời sống phải tỏa ra một đức tin, một lối sống đạo nhiệt thành- một sức mạnh không gì lay chuyển được từ bên trong.
Nó chỉ cho thấy cái bề ngoài son phết với những ngôn từ ngọt nhạt mà thực sự là giáo hội đã phải sống đóng kịch. Đóng kịch từ cách ăn mặc, đóng kịch từ cách giao tế, đóng kịch từ trong cơ cấu, tổ chức, đóng kịch trong mỗi vai trò.
Và tôi nghĩ rằng không có gì ở đời này khổ cho bằng phải đóng kịch. Đóng kịch mỗi ngày, dám đóng kịch cả đời.
Vai trò càng lớn, chức tước càng cao đóng kịch càng giỏi. Càng trên, càng có chức vụ càng đóng sao cho khéo!! Nhưng càng đóng khéo thì càng dễ đánh mất tư cách con người, càng xa Chúa. Và nhiều khi nghĩ trong bụng càng không nên đi nhà thờ, càng khộng nghe các lm giảng khéo léo quá xem ra nhìn rõ chân diện của đấng tối cao nhiều hơn.
Và theo lương tâm một người công giáo, nếu phải chọn giữa hai lối sống đạo, phải nên chọn lối sống đạo chui vậy..
Bởi vì sống chui ít ra vẫn giữ được mình- mình vẫn là mình- Còn sống đóng kịch là tự đánh mất bản thân mình. Bán mình cho Satan.
Và nếu nói một cách vắn tắt, tóm gọn cho thấy: Trước 1954, giáo hội miền Bắc đã sống chui của một thứ giáo hội hầm trú. Nhìn lại đó là một lối sống đẹp, sống đáng sống với tư cách người tín hữu.
Cho nên chọn lựa sống chui và sống kịch là một chọn lựa cần thiết ngay cả trong thời điểm này.
Câu hỏi chủ chốt của ngày hôm nay là có thể giáo hội cứ tiếp tục sống kịch, sống hai mặt, sống không thật, sống nhục cúi đầu mãi được không?
Có lần, tôi được xem lại cuộc viếng thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến giáo xứ Xuân Lộc( 2013). Ông linh mục chánh xứ lải nhải những sáo ngữ nịnh bợ; trông cử chỉ, lời nói của ông ta hèn đến phát ngượng. Phần vị Phó thủ tướng thì ngồi chẳng thèm nghe vị linh mục nói gì, thái độ kẻ cả, dở tờ giấy sắp đọc ra xem lại, hoặc nói truyện với người bên cạnh.
Trong suốt 20 năm sống ở miền Nam trước 1975, tôi chưa hề bao giờ nhìn thấy cái cảnh trái tai gai mắt vừa mất văn hóa, vừa xấu hổ bắt ngượng cho một tu sĩ đến như thế.
Và phải nhân cái cảnh đó lên bao nhiêu lần ở các tu sĩ khác, ở các nơi khác? Tôi thật sự thấy xấu hổ khi nhìn thấy cái cảnh này.
Và kể từ sau 1975, giáo hội công giáo miền Nam đã sống đóng kịch hết lớp này đến lớp kia, lớp sau kế tiếp lớp trước, càng ngày càng lún sâu như một định chế, như một điều không thể làm khác được. Đóng kịch cho đến nay là gần 40 năm rồi. Trong bụng có thể ghét cộng sản, thù hận cũng có nhưng bề ngoài thì khúm núm, khéo léo, che đậy.
Vì thế, tôi nghĩ rằng những lá thư chung, những tuyên bố này nọ của các lãnh đạo tôn giáo chưa hẳn sự thật đã là như vậy.
Thật lấy làm buồn. Đó là một giáo hội đã mất đi dấu ấn của niềm tin tôn giáo.
Từ Hồng Y đến tổng giám mục hình như họ đều đeo khẩu trang che đậy để sống. Có giám mục ra ngoài trong chỗ riêng tư nói một khác, trước công chúng lại nói một cách khác. Đó là một cuộc sống hai mặt, nín thở để qua sông.
Cho nên, sống làm người công giáo, ngoan đạo, tử tế dưới chế độ cộng sản thật khó lắm!!
Có thể lối sống đạo giả như thế, người ta đã quên hoặc giả vờ quên những giáo hoàng như Pio XII, ngay từ năm 1939- khi cộng sản còn chưa lộ diện rõ mặt- đã định nghĩa, đã cảnh báo giáo hội dưới các chế độ cộng sản là Giáo Hội thầm lặng(L’Église du silence). Đó là là một giáo hội bị bịt miệng và bị trói tay. Hậu quả đó là một giáo hội bị đóng đinh trên thập giá, giáo hội khổ nạn. (L’Église crucifiée, L’Église du Calvaire).7
Việc đặt tên cho Giáo hội thầm lặng trở thành bảng hiệu gán cho bất cứ nước nào phải sống trong gông cùm của người cộng sản. Mà biểu tượng nhất của giáo hội Việt Nam khổ nạn là giáo hội miền Bắc sau 1954.
Nhiều người đã viết về tình trạng giáo hội miền Bắc dưới chế độ cộng sản như Giám mục Phao Lồ Lê Đắc Trọng trong cuốn Chứng từ của một giám mục.8 Đó là những câu chuyện dài của một thời kéo dài 50 năm dưới chế độ cộng sản.
Tự nó cuốn sách của Giám Mục Lê Đắc Trọng là một tài liệu sống về giáo hội thầm lặng.
Người thứ hai mà tôi muốn nhắc tới ở đây-không phải người công giáo mà gốc gác là một đảng viên cộng sản. Xin trích dẫn một đoạn mô tả của một cán bộ cộng sản tuyên giáo cao cấp- ông Đỗ Trung Hiếu đã có nhận xét bi quan về tình trạng bi thảm của các tôn giáo dưới chế độ cộng sản như sau :
‘Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư sợ sệt, sư ông, sư bà lẩm cẩm một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận’,9.
Qua đoạn văn ngắn trên nó cho thấy một cảnh tàn tạ, tang thương của các tôn giáo tại miền Bắc.
Riêng phía đạo công giáo, cái tinh thần của người công giáo miền Bắc quả đúng như nhận xét của ông Đỗ Trung Hiếu. Trong suốt 20 năm dưới chế độ cộng sản, giáo hội miền Bắc từ Hồng Y Trịnh Như Khuê đến các tu sĩ và giáo dân đều có một lập trường kiên định, vẫn là một nguyên khối : không cộng tác với chính quyền cộng sản. Trong cuốn Chứng Từ của một giám mục, giám mục Phao Lồ Lê Đắc Trọng có ghi lại một câu truyện như sau. Một cán bộ hỏi một người dân nghèo khó : Đạo anh là đạo thế nào?- Đạo tôi là đạo thà chết chẳng thà bỏ đạo.10
Câu trả lời của người nông dân có phần cứng nhắc, quá thật thà. Nhưng nó cho thấy giữa người công giáo và đảng cộng sản không thể cùng chung sống trong một mái nhà được.
Có chống Pháp hay theo Pháp, ngay cả có theo kháng chiến Việt Minh hay chống lại Việt Minh, có theo Bảo Đại hay theo Quốc Gia thì trước hết và trên hết vẫn là người công giáo..Có các mâu thuẫn về tình tự yêu nước, tình tự dân tộc và mâu thuẫn ý thực hệ đi nữa thì nó vẫn không đi ngược lại đòi hỏi của cuộc sống đạo.
Người công giáo không bao giờ bị khuôn đóng trong cái tiền đề : tốt đời đẹp đạo như một sự phỉnh lừa.
Về phía tòa thánh Vatican trong giai đoạn đầu, các giáo hoàng như Pio XI, Pio XII có thái độ dứt khoát, đối đầu không nhân nhượng và không chấp nhận chế độ cộng sản.
Ai theo cộng sản là bị rút phép thông công. Phải chăng những thông điệp như thế ngày nay trở thành lỗi thời?
Một số nhận xét về Hội Đồng Giám mục Việt Nam sau 1975
Vai trò của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có tính đại diện chung cho toàn thể khoảng 8 triệu người công giáo và hơn 30 giáo phận trên toàn cõi Việt Nam. Trên nguyên tắc, nó là một tổ chức mà tiếng nói của Hội đồng giám mục có trọng lượng khi cần phải giao thiệp với chính quyền. Nó không phải tiếng nói đơn độc mà tiếng nói của một tập thể.
Nguyên tắc thì như thế. Nhưng thực tế không tốt đẹp như vậy. Khi họp chung lại thì các vị đều chọn lựa một thái độ khôn ngoan thế tục, tránh đụng chạm. Vị này phát biểu lại e ngại vị khác hiểu lầm cho là quá khích nên đều tránh né khéo léo hoặc im lặng. Có nghỉa là nghĩ một đàng nói một nẻo.,.Và vì thế, nhiều khi các Thư Chung hay các thông cáo chung chỉ đề ra những nguyên tắc chung chung và những ý kiến cá nhân mạnh mẽ nếu có phải nhường chỗ cho ý kiến tập thể mang tính cơ hội hay tính thói đời.
Vì thế, giáo dân cũng ít ai quan tâm đến các Thư Chung ấy. Nếu đôi khi có tiếng nói mạnh một chút thì nó cũng không vượt qua một giới hạn cho phép, như một thứ đối lập trung thành, nhắc nhở mà không phê phán, xin xỏ khéo léo.
Cá nhân tôi thì thường nghi ngờ về tính hiệu quả của các Thư chung này.
Tôi còn nhớ trong một bài viết của tôi nhan đề : Miền Bắc sau 1954, tôi đã viết như thế này :
‘Hà Nội đã thay đổi diện mạo. Người ta nhận thức ngay được phải ứng xử thế nào trong hoàn cảnh mới… Các cô gái con nhà, yểu điệu thục nữ, mượt mà, quần lụa trắng, áo dài.. nay là áo cánh nâu, quần đen, tay cầm lá cờ đỏ.. Đôi guốc son thời con gái nay đổi ra đôi dép cao su, hiệu con hổ mầu trắng..Nó báo hiệu một thời đã hết.
Bởi vì lúc ấy nghèo là một chứng chỉ tốt, giầu chỉ thêm mối lo. Vì thế, cũng không thiếu người đã ‘giả nghèo’ chẳng khác gì giả câm, giả điếc, giả ngu ngơ’…11
Sau 1975, Sàigon hầu như không thấy có sự thay đổi diện mạo bất ngờ và đột ngột như thế! Không thấy ai giả nghèo!! Giả ngu giả dại. Sài gòn sau 1975, cho dù cố thu mình lại-, nhưng bằng mọi cách, tránh không để mất cái căn cước người Sài Gòn.
Chẳng những thế, người ta còn tỏ ra hãnh diện về quá khứ, về cái căn cước ‘ ngụy’ của mình. Họ vẫn tự cho rằng, Sài gòn- chứ không phải thành phố Hồ Chí Minh- như một thủ đô văn hóa với một truyền thống văn học tự do và sáng tạo. Mặc dù thua cuộc, họ vẫn tự cho mình ở một đẳng cấp cao hơn kẻ thắng cuộc về mọi mặt.
Người Sài gòn sau 1975 đôi khi tự hào. Nhưng lãnh đạo tôn giáo thì đầy mặc cảm yếu kém.
Vì thế chỉ riêng ở lãnh vực tôn giáo là có nhiều thay đổi và biến động nhất. Người ta mặc cảm vì là người công giáo..
Việc thứ nhất, không biết do chỉ thị hay do tự mình nhận thức được mà trong giáo hội công giáo từ Tổng giám mục đến linh mục đến tu sĩ nam nữ đều tự lột xác, đều thay đổi cách ăn mặc. Mọi người đều không ai bảo ai đều cởi bỏ phẩm phục nhà tu vốn làm nên danh phận cả một đời, cả một thời.
Họ ăn mặc như người thường như để trốn tránh vào đám đông, như để xóa đi cái gốc gác chức vị của mình, như để tránh sự dòm ngó của công an!!
Việc thay đổi cách ăn mặc là điều cũng đã đến lúc nên làm; nhưng làm từ từ và từng bước một. Thay đổi phẩm phục một cách triệt để, toàn diện như thế đặt ra những câu hỏi nghi ngại..
Nghi ngại vì có thể người ta không còn nhận ra họ nữa! Nếu không có một dấu hiệu nhỏ nhoi là cây thánh giá gắn trên ngực. Nghi ngại vì qua sự thay đổi cách ăn mặc cho ta cảm tưởng họ muốn tự xóa, hòa vào đám đông, không muốn bị nhận diện.
Sự xóa bỏ y phục vốn được nhìn nhận như cái căn cước làm nên họ, cái phẩm giá của cả một đời phải chăng nó báo hiệu một thời đã hết?
Đây là dấu hiệu đầu tiên của nếp sống đạo thay đổi, dù là thay đổi bên ngoài.- một thay đổi có tính cách tiêu cực-. Mặc dầu ai cũng hiểu rằng chiếc áo không làm nên thày tu. Nhưng nếu không có chiếc áo ấy thì thầy tu cũng không còn là thày tu nữa.
Trước 1954, người công giáo cũng như các tu sĩ miền Bắc cùng lắm chỉ uốn nắn, thích nghi mà vẫn giữ cái căn cước người lãnh đạo.
Đạo vẫn là đạo. Sáng tối vẫn kinh hạt, sống nhẫn nhục mà không khuất phục.
Sau 1975, đời chưa chắc đã đổi, nhưng hàng giáo phẩm miền Nam không ai bảo ai, người ta đã đổi cách sống đạo làm ra vẻ dấn thân, nhập cuộc!!
Diện mạo công giáo không còn nữa. Công giáo chỉ còn cái bề ngoài- đóng kịch-.
Điều nhận xét thứ hai, sau 1975, người dân miền Nam có thể tự hào dù thua cuộc, họ không hèn. Không có cảnh đấu tố, không có cảnh tố giác nhau trong xã hội miền Nam vì mọi người đều cảm thức được họ là người thua cuộc.
Rõ ràng có sự đoàn kết một lòng.
Có một sự chia sẻ thân phận kẻ thua cuộc.
Biết bao nhiêu các vị có chức quyền như tỉnh trưởng, quận trưởng nhất là xã trưởng tại mỗi làng đã lạm dụng quyền thế. Họ cũng tham những, lợi dụng quyền thế ức hiếp người dân. Trong quân đội có các các vị tướng lãnh từng tham nhũng, từng hà hiếp dân chúng, từng làm nhiều điều trái phép, bất công, từng tiếp tay vào sự sụp đổ miền Nam.
Nhưng không một ai bị tố giác, bị trả thù bằng cách tố giác lẫn nhau.
Tôi phải nhìn nhận đó là điểm son của miền Nam, của những kẻ thua cuộc.
Nhưng trái ngược với hoàn cảnh xã hội miền Bắc trước đây, sau 1975, giáo hội công giáo miền Nam rơi vào hoàn cảnh hỗn quân, hỗn quan. Có nhiều những thành phần linh mục, trí thức công giáo hành xử như những thành phần 30, bảo hoàng hơn vua, tự tố cáo lẫn nhau, tự xếp hàng với tư cách kẻ thắng cuộc để tố cáo những người anh em của mình..
Ngày nay nhìn lại một cách bình tĩnh và công bằng tư cách và con người của họ thua xa một giáo dân bình thường. Ai còn biện hộ cho việc làm của họ bằng bất cứ lý lẽ nào đều quên một điều : Họ tự đánh mất cái căn cước người có đạo.
Những linh mục trí thức một thời, nổi tiếng thì nay trở thành những người tỏ ra thần phục chế độ, « tiến bộ » hơn ai hết!! Họ là những người như Thanh Lãng, như Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Chân Tín, Vương Đình Bích, Đinh Bình Định, Trần Văn Thọ, Trương Bá Cần, Nguyễn Huy Lịch, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầuvv.Họ đã họp nhau vào ngày 9-5-1975, tại Câu Lạc Bộ Phục Hưng với một lá thư dài 12 trang đòi trục xuất Khâm sứ tòa thánh và Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài gòn. Nghĩ lại không khỏi đau lòng.
Cũng may là trong số ấy, nay nhiều vị đã thức tỉnh và thay đổi thái độ như trường hợp Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thanh Lãng và họ tỏ ra mạnh mẽ và phê phán chế độ cộng sản một cách can trường hơn ai hết. Họ cũng bị nhà cầm quyền cô lập và ngay cả tù đầy trong nhiều năm như trường hợp Chân Tín..
Nhưng có thể đây là lần đầu tiên giáo hội công giáo miền Nam gặp cảnh đấu tố nhau như thế!!
Ngoài lá thư, họ cũng đã tổ chức xuống đường, chăng biểu ngữ hô hào trục xuất khâm sứ tòa thánh, trục xuất TGM Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài Gòn. Việc này chủ yếu do Phan Khắc Từ chỉ đạo, một linh mục chính ủy, một đảng viên đảng cộng sản.
Bên cạnh đó hùa theo là một số đoàn thể có thể bị giật giây hoặc bị xúi bẩy bởi những người như Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh hay Trương Bá Cần. Đó là các Phong trào thanh niên CGĐHVN, Liên Đoàn sinh viên công giáo Sài gòn, nhóm Liên tu sĩ trẻ, Phong trào Thanh Lao công, Đoàn sinh viên dự tập DCCT, Phong trào công giáo và dân tộc, Tổng đoàn Thanh niên công giáo Sài Gòn, Nhóm Tin Mừng, Nhóm Xã Hộivv
Nhưng những người chủ chốt gây ra những xáo trộn này là hai tu sĩ : Ông Trương Bá Cần và Nguyễn Ngọc Lan, kéo theo Thanh Lãng rồi đám tập sinh dòng Chúa Cứu Thế..
Nghĩ lại đó là cả một thời đảo điên!!
Đáng nhẽ họ phải học được tinh thần của dân tộc Israel, có nghĩa là không một người Do Thái nào lại giết một người Do Thái.( Aucun Juif n’en viendrait à tuer d’autres Juifs. Câu tuyên bố của cựu thủ tướng Thái Itzhak Rabin).
Nó chia rẽ nội bộ công giáo, chia rẽ Hội đồng giám mục, chia rẽ linh mục tu sĩ, chia rẽ giáo dân với giáo dân! Nó dẫm dạp lên các phẩm trật giáo hội. Nó cá mè một lứa. Cha không còn ra cha nữa!!
Nay ta thử hỏi, thái độ Hội Đồng giám Mục lúc bấy giờ ra sao và họ đã làm gì?
Hội Đồng giám mục Việt Nam theo lẽ phải họp bàn đưa ra quyết định bênh vực quyền lợi của Giáo Hội, có nghĩa chống lại việc trục xuất khâm sứ và trục xuất TGM Nguyễn Văn Thuận thì Hội đồng giám mục đã tỏ ra đổ cái trách nhiệm giải quyết cho tòa thánh Vatican và Ban tôn giáo chính phủ để nhờ giải quyết.
Trong tình huống bi kịch ấy, chỉ còn thấy họa hiếm những linh mục như cha Trần Du, chủ nhiệm báo Hòa Bình, trước buổi họp ở Đại Chủng Viện và cả trong đinh Độc Lập, ông đã thẳng thừng gọi đám linh mục nhóm Cấp tiến là đám con nít.
Nhưng bên cạnh đó còn may mắn có các linh mục, các giáo dân các xứ như Nghĩa Hòa, Nam Thái, Thái Hòa, Tân Việt, Phú Nhuận, Bùi Phát, Phát Diệm, Tân Hòa, Gia Định, Hòa Hưng, Tân Sa Châu, Phú Nhuận, Bùi Phát, tân Chí Linh đã phản ứng dữ dội chống lại đám tu sĩ ‘cấp tiến’. Nói đúng ra là tu sĩ 30. vv…
Và vô số các Hội đoàn như Legio Maria, Thiếu Nhi thánh thể, hội các bà mẹ công giáo, Tổng đoàn Hiệp Sinh, PT Cursillo, Dòng Ba Phan sinh, Đạo binh xanh Fatima, Hội Bác ái Vinh Sơn, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Hội bác sĩ công giáo, Liên đoàn công tư chức công giáo, Thanh sinh công, Hướng đạo công giáovv cũng đồng loạt đứng về phía bênh vực khâm sứ và TGM Nguyễn Văn Thuận
Về phía hàng giám mục, TGM Nguyễn Văn Bình giữ một vai trò trọng yếu nhất sau 1975. Một vai trò trung gian giữa giáo hội và chính quyềncộng sản.
Có thể nói, ông đã không hẳn làm vừa lòng ai mà cũng không hoàn toàn làm mất lòng ai!!| Nhất là không làm mất lòng chính quyền cộng sản. Khi Ngài qua đời, đám tang được nhà nước chăm sóc rất kỹ với nhiều vòng hoa, nhiều lời tuyên bố ca tụng đăng trên báo Sài Gỏn giải phóng.
TGM Nguyễn Văn Bình sau 1975, đã lập một ban cố vấn gọi là Nhóm Thứ hai(Vì họp vào sáng thứ hai) để giúp cố vấn cho ngài gồm chủ yếu là Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Chân Tín, Nguyễn Huy Lịch và cha Mai Xuân Hậu. Thêm một giáo dân là Nguyễn Đình Đầu. Trừ cha Mai Xuân Hậu thuộc hạt Xóm Mới, những thành phần khác đều có xu hướng thân thiện và hợp tác với chính quyền cộng sản với nhiều mức độ khác nhau.
Huỳnh Công Minh thì thân chính quyền như con cái trong nhà với chính quyền cộng sản. Phan Khắc Từ thì thân như bầy tôi trung thành theo nghĩa chủ-tớ. Nguyễn Huy Lịch, Chân Tín thì thân như một đối tác chiến lược nhất thời. Mai Xuân Hậu thì « thân » kiểu như nước với lửa. Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình thì thân như kiểu lục bình trôi, bập bềnh trên sông nước không biết về đâu.
Với đám cố vấn này, thật là bất lợi cho Tổng giáo phận Sài Gòn biết bao nhiêu. Mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy sống. Chính quyền mới chiếm tài sản giáo hội, cơ sở trường học, cơ sở xã hội, các tu viện, bắt các tuyên úy quân đội đi học tập cải tạo. Các dòng tu, nhất là dòng nữ tu tan ra từng mảnh, cởi áo trở về đời sống dân thường sống vất vưởng cả cuộc đời còn lại.
Không một chức sắc nào lo cho tương lai của họ.
Chỉ chừng đó thôi cho thấy vai trò của TGM Nguyễn Văn Bình không phải là dễ.
Trong việc trục xuất TGM Nguyễn Văn Thuận, chỉ có ba giám mục dám công khai lên tiếng phản đối việc trục xuất khâm sứ và TGM Nguyễn Văn Thuận là giám mục Nguyễn Văn Hòa, giám mục Phạm Văn Thiên và giám mục Huỳnh Văn Nghi.
Thế là có một vị TGM trẻ, đạo đức và nhiệt thành tiêu biểu như một người cầm đuốc đi trong đêm của giáo hội miền Nam đã bị tù cấm cố trong suốt 13 năm trời!!
Ngọn đuốc ấy sau này lại được thắp sáng lên, sáng ngời, xóa bóng tối đêm trường cộng sản. Ngọn đuốc ấy trở thành ngọn đuốc soi đường, niềm vinh dự cho tín hữu khắp thế giới khi Ngài làm việc ở Rô Ma.
Và cứ như thế đã diễn ra bao nhiêu cảnh tượng đau lòng tiếp theo. Và chỉ xảy ra loanh quanh chung quanh giáo phận Sài gòn. Điều đó cho phép người ta nghĩ rằng, chỉ cần vài cán bộ cộng sản len lỏi vào hàng ngũ tu sĩ, linh mục đủ để quấy rối từ trên xuống dưới!!
Sau vụ TGM Nguyễn Văn Thuận là trường hợp giám mục Huỳnh Văn Nghi đổi ra Phan Thiết.. rồi về làm giám mục giám quản Sài gòn. Nó đã gây ra biết bao phiền lụy, điều tiếng. Sau này, có dịp nhắc đến chuyện này, theo lời giáo sư Nguyễn Văn Trung,TGM Nguyễn Văn Bình mếu máo không cầm được nước mắt!!
Tại sao không có giám Mục nào biết khóc như TGM Nguyễn Văn Bình? Tôi mong có dịp được nhìn thấy các vị như Hồng y Mẫn, tổng giám mục Nhơn, tổng giám mục Đọt, giám mục Hợp rỏ được những giọt nước mắt một lần. Và chỉ một lần thôi.
Hãy khóc đi các Ngài!!
Hay ít ra bày tỏ một thái độ xám hối như Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản?
Là một người Ki tô hữu, Tổng giám mục Osaka nhận định một cách nghiêm ngặt :’ Giáo Hội đã hợp tác vối một đường lối chính trị hiếu chiến, thực tại đó không chối cãi được. Đã đến lúc chúng ta phải đảm nhiệm trách nhiệm của chúng ta để xin Thiên Chúa tha tội và xin tha nhân tha thứ’.12
Tại sao một chuyện bổ nhiệm tự nó đáng nhẽ là một chuyện bình thường ở chỗ khác lại trở thành một bi kịch như thế? Đầu đuôi chỉ vì có sự can thiệp của nhà nước cộng sản, muốn điều khiển, muốn chọn những người dễ sai bảo hoặc những kẻ ham danh muốn có địa vị.
Trong một dịp trả lời phỏng vấn của tuần báo La Vie, số 2163, ngày 12-2-87 được dịch đăng trên tờ Công giáo và Dân Tộc..số 618. Nhưng một vài phát biểu của TGM Nguyễn Văn Bình đã bị cắt bỏ. Ở đây, tôi xin trích lại nguyên văn bài phỏng vấn trên tờ La Vie như sau :
- Hỏi : Để truyền chức linh mục, Đức Cha phải được phép của nhà nước. Tại sao thế?
- Đáp : Đó là quy luật trong các nước XHCN.
- Hỏi : Đức cha có bảo đảm việc dạy giáo lý cho trẻ em một cách tự do không?
- Đáp : Nơi nào trong các nước XHCN đều thi hành giống nhau. Người ta luôn luôn tìm cách hạn chế được bao nhiêu hay bấy nhiêu giờ dạy giáo lý
- Hỏi : Có khi nào các linh mục gặp khó dễ vì một bài giảng của mình không?
- Đáp : Điều đó đôi khi đã xảy ra, ở miền Bắc nhiều hơn ở miền Nam. Trong mọi trường hợp, ở VN cũng như ở các nước XHCN, khi một linh mục giảng, luôn luôn ở trong những người ngồi dự lễ, có một ai đó, mặc như mọi người để canh chừng những gì linh mục giảng. Nhưng tôi luôn luôn nói với các cha: Đừng ngại, sợ, cứ làm như thể ông không có mặt ở đó. Một bài giảng không phải một bài diễn thuyết chính trị chống chính phủ..
Và cụ thể nhất về sự xen vào nội bộ giáo hội- thể theo chỉ thị của nhà nước-, Hội Đồng giám mục Việt Nam thống nhất là đã được chính thức thành lập ngày 1-5-1980.
Ngày hôm nay, 1-5-1980 là ngày đen tối nhất của giáo hội công giáo Việt Nam.
Ttrong lá thư luân lưu của của các vị giám mục cho thấy họ chọn thái độ hợp tác. Hợp tác có nghĩa là tuân phục nhà nước cộng sản, làm theo chỉ thị của cộng sản, muốn thích ứng giáo hội vào môi trường mác xít tại Việt Nam. Và họ đã cố gắng moi móc những nguyên tắc căn bản của giáo lý công giáo, đem những giá trị ấy so đo với các giá trị xã hội chủ nghĩa.
Hài lòng với kết quả này, kết quả nắm được Hội đồng giám mục, nhà nước nhận đứng ra in Ấn Thư Chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam và được đề cao trong các buổi họp của Mặt Trận.
Nhìn vào thành phần lãnh đạo Hội Đồng giám mục lúc bấy giờ có hai nhân vật nổi bậtlà Hồng Y Trịnh Văn Căn và giám mục Nguyễn Văn Sang..Và sau Hội nghị, cả cái Hội đồng ấy sang gặp Phạm Văn Đồng và Hoàng Quốc Việt để hội kiến và bá cáo kết quả..
Cái ấn tượng để lại nơi mọi ngưởi là sự ngờ vực.
Nghi ngờ về việc bổ nhiệm hàng giám mục, nghi ngờ về tổ chức Hội đồng giám mục, nghi ngờ về các bản thông cáo, các tuyên bố của Hội Đồng.13
Lúc ấy sẽ ăn nói làm sao? Trước mắt, hồ sơ của nhiều vị giám mục, linh mục trở thành hồ sơ đen mà cộng sản nắm được như nắm đàng chuôi. Căn cứ vào đó, cộng sản sẽ hù dọa, răn đe khiến nhiều vị phải làm theo lệnh của cộng sản!!
Vì thế, trong trường hợp giáo hội Ba Lan, giáo hoàng Benoit XVI đã phải can thiệp, trấn an và gỡ rối cho giáo hội Ba Lan. Giáo Hoàng đã viết một lá thư như một lời bào chữa yêu cầu giáo hội Ba Lan vượt lên trên những thừ thách mà giáo hội phải đương đầu trước đây. Giáo Hoàng chia xẻ về những trường hợp đặc biệt phải sống dưới chế độ cộng sản đã dẫn đưa đến trường hợp phải cộng tác như vậy.
Vậy thì Việt Nam thử đoán xem có bao nhiêu linh mục, giám mục trong những hoàn cảnh đặc biệt đã phải cam chịu làm tay sai cho cộng sản?
Chính quyền cộng sản chắc hẳn đủ khôn ngoan để tạo ra những nghi ngờ, tạo ra sự chia rẽ để trục lợi. Cho đến nay, không có một con số chính thức cho biết có bao nhiêu tu sĩ, linh mục trực tiếp là thành viên của Mặt trận tổ quốc? Nhưng giáo phận nào mà chính quyền cộng sản có cài được người theo Mặt trận thì chỗ ấy giáo hội đang tự mình đi vào một bãi mìn sẽ lận chìm giáo hội. Trường hợp giáo phận Vĩnh Long, có một ông linh mục, vừa là tổng đại diện, vừa là thành viên Mặt Trận tổ quốc.
Tên ông ta là Nguyễn Sơn Đồ.
Tại một họ đạo nhỏ Thành Thới, có một linh mục trẻ hăng hái và nhiệt thành. Tên lm đó là Phê rô Nguyễn Văn Tường. Lm này hàng tuần giảng đạo và có nhiều người từ các địa phương khác đổ xô, bỏ công ăn việc làm để tới nghe giảng.
Chỉ một điều đó thôi cũng đủ để chính quyền địa phương nghi ngại và cài người đến nghe, xem xét. Hẳn lm Nguyễn Văn Tường biết ai là con chiên thật, ai là giả nên những bài giảng của ông chắc ít nhiều đụng chạm đến các cán bộ lãnh đạo địa phương. Thế là có một vận động và cấu kết giữa chính quyền địa phương và lm Nguyễn Sơn Đồ nhằm trục xuất và loại trừ lm Nguyễn Văn Tường. Bản thân tôi ở quá xa Việt Nam để có thể biết tường tận nội vụ ra sao.Tôi chỉ được biết một số tiêu đề bài giảng của lm Tường rất là gợi ý và văn chương nữa như: Mong manh kiếp người, Tấm lòng của biển, Hạt bụi ven đường, Lời đầu năm cho con,Tấm lòng của biển, Tình như chiếc bóng, Ngủ và thức.
Nhà cầm quyền địa phương cấu kết với Tòa giám mục Vĩnh Long, qua trung gian lm Đồ, thành viên của Mặt trận đã đưa đến quyết định rất là bất công: Phạt vạ tuyệt thông lm Nguyễn Văn Tường. Có nghĩa lm Tường từ nay mất chức linh mục, trở về làm người giáo dân. Và hiện nay, chưa biết số phận dành cho lm Tường như thế nào?
Quyết định quái gở vì lm Đồ cùng đi đến với các viên chức chính quyền đọc quyết định đó. Sau đó, lm Tường đành chia tay giáo dân của mình và nhiều người đã mủi lòng và đã khóc trong buổi chia tay này.
Tôi viết chuyện này để gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh giới lãnh đạo công giáo khắp nơi, nhất là tại hải ngoại.14Xin giơ tay cứu giúp những người cô thế chỉ vì có một tấm lòng.
Cũng vì thế, chẳng lạ gì sau 1975, thật khó nếu muốn đi tìm gương mặt của Chúa nơi hàng giám mục và linh mục.
Tôi vẫn có thói quen nghĩ xấu là giáo hội công giáo Việt Nam thường có xu hướng thiên về phía kẻ cầm quyền. Cái tiếng xấu ấy để lại như người công giáo theo Tây- mặc dầu chỉ có một thiểu số quả thực có phù thịnh, theo Tây thật-.
Cái xu hướng phù thịnh ấy cần phải diệt trừ cho bằng được. Tôi nghĩ đời mà theo đạo thì tốt cho cả hai, nhưng đạo mà theo đời thì hỏng cả đạo lẫn đời.
Nhiểu giáo hội đã mắc phải sai lầm trầm trọng ấy.15
Tôi xin đặt lại vấn đề một lần nữa, có bao nhiêu vị giám mục đã do cộng sản chỉ định và họ làm việc cho chính quyền cộng sản Hà Nội? Việc này chỉ có chính giáo hội-hội đồng giám mục- có câu trả lời.
Vấn đề chắc hẳn là có, chỉ còn hy vọng là ít.
Tuy nhiên, cái con số ít này lại có quyết định trên cái đa số còn lại. Cái đa số thụ động đã chấp nhận phục tùng cái thiểu số như sự đồng lõa của sự im lặng để đối lấy sự an toàn, đổ lấy cái bề ngoài hòa hợp, thống nhất.(Unité de façade).
Tôi mường tượng ra được tất cả sự giả dối, sự thụ động, sự bất lực của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hiện nay..Chỉ cần cộng sản cài đặt được ba Tổng Giám Mục cho ba tổng giáo phận thì mọi chuyện kể như xong.. Không còn giáo hội hầm trú nữa mà là một thứ giáo hội kiểu Việt Nam- giáo hội đeo khẩu trang-.
Họ giữ im lặng trước bao nhiêu biến động và những cảnh đàn áp các người công giáo trên khắp mọi miền đất nước. Tôi chẳng muốn liệt kê hết ra đây làm gì.
Phải đợi cho đến tiếng nói can đảm và dõng dạc của TGM Ngô Quang Kiệt trong vụ đòi đất tòa khâm sứ số 42 phố Nhà Chung, Hà Nội và đòi đất cho Thái Hà năm 2007.
Có một ánh sáng hy vọng lóe lên và ở Hải Ngoại, khi nhà văn Trần Phong Vũ vui mầng và phấn khởi viết bài : Mùa Xuân của Giáo Hội.
Nhưng mùa xuân ấy chợt tắt vì tiếng nói của TGM Ngô Quang Kiệt lẻ loi và đơn độc. Hội Đồng giám mục im lặng. Vatican vẫn tiếp tục theo chính sách Ospolitik từ thời giáo hoàng Phao lồ Đệ lục đã buộc TGM Ngô Quang Kiệt phải rút vào im lặng.
Vì thế tôi có thể nói, chỗ nhà xứ nào, chỗ địa phận nào xem ra bề ngoài êm ả, xem ra phát triển thịnh vượng thì chỗ đó có bàn tay cộng sản thò vào.
Và mỗi khi có thông báo, thư chung của Hội đồng giám mục thì tiếng nói của thiểu số là tiếng nói quyết định nhân danh hàng giáo phẩm Việt Nam..
Nhưng ở một mặt khác, giáo hoàng Benedicto XVI đã cảnh cáo thái độ đồng lõa im lặng này(Complicité du silence) như sau :
‘Tôi có biết một số giám mục đã thú nhận ở chỗ riêng tư là các vị ấy đã quyết định khác với những quyết định riêng của chính họ khi ra trước Hội đồng giám mục. Họ đã chấp nhận cái luật của nhóm ( Loi du groupe) để tránh bị phiền nhiễu, tránh bị coi là người gây rối, tránh bị coi là đầu óc chật hẹp, chậm tiến vv. Thật là tốt đẹp biết bao khi mọi người đều có quyết định chung.. Nhưng đã biết bao lần những quyết định chung đó chỉ nhằm che dấu những điều xấu, những xi căng đan, sự sai lạc phúc âm, muối và men bột..16.
Hàng giám mục Việt Nam phải có can đảm vượt ra khỏi mình, nhận lãnh trách nhiệm rõ ràng trước cộng đồng dân Chúa. Nghĩa là người của hoàn cảnh dám cất lên tiếng nói.
Ngày hôm nay, giới trẻ, giới trí thức, giới cựu cán bộ cộng sản đều dõng dạc lên tiếng phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. Phần chúng ta, chẳng lẽ chúng ta không có tiếng nói, vẫn im lặng?
Phải dám tự tuyên xưng như giáo hoàng Benedictô XVI tuyên bố tại Học viện hàn lâm công giáo Bavarian Munich, năm 1971 :Why I am still in the Church?
Tại sao tôi vẫn còn là người của giáo hội..
Các giám mục có thật sự còn là người con của giáo hội hay là con cái của quỷ Satan.
Đó là điều mà nhà thần học Hans Kung, Thụy Sỹ gọi là ý thức hệ Satan. (Ideologia satanae, une idéologie de Satan).17. Phúc âm 16,23 viết : Satan, hãy lui ra khỏi ta! Mày đã phá ta, bởi vì những tư tưởng của mày không phải từ Chúa, mà từ con người’
Để cứu giáo hội công giáo Việt Nam ra khỏi vũng lầy cộng sản, cần thay đổi thể thức bầu chọn giám mục. Điều mà ngay giáo hội công giáo Âu Châu cũng thấy cần thiết phải thay đổi theo nhu cầu riêng của họ.
Cho nên, hiện nay cho dù Hội Đồng giám mục Việt Nam đã xây được một trụ sở lớn lao cao 8 tầng tại số 72-12 đường Trần Quốc Toản, phường 8, quận ba thì điều đó chưa đủ nói lên mức trưởng thành và phát triển của HĐGM bao lâu còn lệ thuộc vào chính phủ. Tương lai còn có tham vọng xây dựng một đại học thần học công giáo..Nó hứa hẹn một tương lai khá hơn cho giáo Hội nếu nội dung giảng dạy và tuyển chọn người giảng dạy không phải do đảng chỉ định..
Nghĩ như thế mà thấy con đường tương lai giáo hội còn rất xa.
(Còn nữa)
————————————————-
Chú thích:
1 FA phỏng vấn ĐGM Nguyễn Thái Hợp về cuộc họp vòng thứ 5 Việt Nam- Vatican tại Hà Nội.
2 Cách đây không nhớ là bao lâu, cũng phài mười mấy năm, tôi có dịp đọc những phát biểu của lm Nguyễn Thái Hợp khi ông trở về Việt Nam. Tôi đã rất lấy làm khó chịu. Sau đó lại được đọc thêm những lời phát biểu hằn học có phần cực đoan của tiến sĩ Nguyễn Phúc Liên ở Thụy Sỹ vốn là bạn học của lm Nguyễn Thái Hợp. Một cách thận trọng, tôi cố công tìm hiểu ông và sau đó tôi đã nhờ tiến sĩ Nguyễn Đăng Trúc ở Paris cung cấp những bài viết của lm Nguyễn Thái Hợp khi ông còn ở Péru và Brésil để hiểu rõ ông hơn. Và tôi có ý nghĩ tốt rằng, ông chịu ảnh hưởng tinh thần Thần Học giải phóng của các trí thức nước này. Nhưng suy cho cùng, thành thực mà nói rằng, Thần học giải phóng chỉ là cái bệ phóng cho ông nhảy vào lãnh địa của cộng sản khi ông về Việt Nam. Đối với tôi, nghĩ đơn giản rằng: Nếu ai muốn theo cộng sản, xin cứ cởi áo nhà tu và chúng tôi không có gì để bàn cãi thêm. Việc ông ra làm giám mục ở Vinh đúng vào lúc có những cuộc biểu tình của giáo dân Vinh chống đối nhà cầm quyền cộng sản. Tình trạng ấy đặt ông vào tình trạng khó xử giữa một bên là đảng cầm quyền mà ông tôn trọng và bên kia là giáo dân mà ông có bổn phận phải bênh vực. Xem ra hiện nay ở Vinh thì tứ bề im lặng. Kẻ bị bắt đã bị bắt. Kẻ khác sợ hãi, nhất là giới trẻ, sinh viên công giáo, nhiều người phải rút vào bóng tối hoặc tìm cách trốn khỏi Vinh để khỏi bị săn đuổi. Phải chăng đó là công của vị giám mục hay là tội của ông? Tôi thực sự không rõ để trả lời.
3 Nguyễn Ngọc Lan, Đức cha Phạm Minh Mẫn, tổng giám mục Sài gòn. Tin Nhà, số 32, tháng ba 1998
4 Trích Tuyên ngôn của các đoàn thể Tu sĩ trẻ miền Nam
5 Diễn từ của TGM Sài Gòn nhân ngày Thế giới Hòa Bình.
6 Lê Thiệp, Đỗ Lệnh Dũng, trang 136-138., NXB Tiếng Quê Hương, Virginia
7 Hơn ai hết, ngồi ở Vatican, giáo hoàng Pio XII nhận được đầy đủ các báo cáo gửi về từ các giáo hội địa phương mà phần đông là các nước ở Đông Âu, ở nước Tàu và trong đó có Việt Nam. Sau đây là một vài con số rút ra từ tờ Rivarol như sau :
Tại Estonie: tất cả các nhà thờ phải đóng cửa. Không còn giám mục. Vào năm 1960, chỉ còn có một linh mục.
Tại Lettonie: 50 linh mục bị thảm sát, 40 người khác phải trốn ra khỏi xứ sở. Tất cả các nhà thờ đều bị đóng cửa. Việc giảng dạy giáo lý hoàn toàn bị cấm
Tại Roumanie: Chỉ còn sót một giám mục. 8 người trong trại tập trung, ba người khác chết trong tù. Việc cử hành thánh lễ trong bí mật, lén lút.
Tại Pologne: 3 giám mục chết trong tù. 4 vị khác bị đầy đi Sibérie, 9 vị khác bị giam trong tù.
Tại Nga: có 900 linh mục công giáo, vào năm 1960, chỉ còn lại duy nhất 5 người. Số phận những người khác ra sao, không ai được biết rõ.
Hiểu rõ hoàn cảnh giáo hội công giáo dưới các chính quyền cộng sản nên giáo hoàng Pio XII lên án tất cả những ai muốn sáp lại gần hoặc muốn đối thoại với người cộng sản. Ông đã lên án các nhà thần học và các cha dòng Đa Minh Pháp vào năm 1950. Ông cũng tỏ ra dè dặt khi tổng giám mục Wyszynsky, người Ba Lan ký một thỏa hiệp với chính quyền Ba Lan nhằm bảo đảm một số tự do cho công giáo Ba Lan.
Trong dịp này, Staline đã chế diễu giáo hoàng Pio XII bằng câu hỏi : Le Pape, combien de divisions? Giáo Hoàng, có bao nhiêu binh đội ?
Đối với nội bộ trong giáo triều, giáo hoàng đã gạt giám mục Montini( sau này là giáo hoàng Phalo đệ lục ra khỏi Vatican và không phong cho làm hồng y và chỉ định cho làm, tổng giám mục Milan năm 1954) vì giám mục Montini có những tiếp xúc với Liên Xô như một giải pháp hòa dịu.
Pio XII càng tỏ ra không chấp nhận mọi giao dịch với cộng sản khi Liên Xô mang chiến xa sang Budapest vào năm 1956.
Đối với cộng sản Trung Cộng, giáo hoàng Pio XII có một thái độ dứt khoát. Ngài đã loại bỏ, không công nhận 50 giám mục do có cộng sản chỉ định.Từ đó tại Trung Cộng có hai giáo hội : Giáo hội yêu nước, chính thức được cộng sản nhìn nhận và giáo hội thứ hai trung thành với Vatican trở thành giáo hội hầm trú Liên lạc giữa Vatican và Trung cộng bị cắt đứt kể từ đó.
Nhưng kể từ khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, nhà nước cộng sản tỏ ra cởi mở hơn với giáo hội hầm trú. Có 6 triệu người công giáo hiện nay ở Trung Cộng, một con số rất nhỏ và có 25 giám mục được truyền chức theo sự bổ nhiệm của Vatican.
8 Phao Lô Lê Đắc Trọng, Chứng từ của một Giám Mục, Những câu chuyện về một thời, Diễn Đàn Giáo Dân, 2009.
9 Đỗ Trung Hiếu, Thống nhất Phật giáo
10 Phao Lô Lê Đ ác Trọng, Chứng từ của một giám mục, trang 259
11 Nguyễn Văn Lục, Miền Bắc sau 1954
12 Trích Tin Nhà, Bài Học sám hối, Đỗ Mạnh Tri, số 22, tháng giêng- 1996
13 So sánh giáo Hội Việt Nam và Ba Lan Giáo hội Ba Lan có 10%-15% linh mục, tu sĩ làm việc cho chính quyền cộng sản Ba Lan. Giáo Hội công giáo Việt Nam có bao nhiêu?
Sự nghi ngờ ấy dựa trên sự thật.
Khi nào cộng sản sụp đổ như ở Ba Lan, ở Bulgaries thì ngày đó các hồ sơ mật về sự cộng tác của các tu sĩ, linh mục, giám mục, Hồng Y ở Việt Nam sẽ được khui ra. Sẽ có từng tên tuổi, từng việc làm, từng chứng từ bằng lời nói, bằng hình ảnh về sự cộng tác, về những hành vi bất xứng, về những việc làm trái đạo đức sẽ được khui ra.
Sẽ có những trường hợp giống như trường hợp tổng giám mục Stanislaw Wielgus, 67 tuổi ở Balan bị tố cáo là làm mật vụ cho sở mật vụ Ba Lan. (SB).
14 Vào nghe các bài giảng của lm Nguyễn Văn Tường. Xin bấm vào lm Nguyễn Văn Tường để biết sự thật.
15Ngay tại Pháp, sau thế chiến hai, De Gaulle lúc lên cầm quyền đã yêu cầu khâm sứ tòa thánh tại Paris, giám mục Valerio Valeri phải áp lực để 30 giám mục Pháp phải từ chức. Lý do là 30 giám mục Pháp đã họp tác với chính phủ Pétain, chính phủ bù nhìn, cộng tác với Hitler.
Vatican đã quyết liệt phản đối. De Gaulle cương quyết hơn, yêu cầu trả lại khâm sứ tòa thánh TGM Valery. Cuối cùng Vatican phải gửi giám mục Roncalli thay thế Valery mới hòa giải được sự căng thẳng giữa Paris-Vatican.( Giám mục Roncalli sau này trở thành Giáo Hoàng Gioan 23).
16 Xem thêm Pope Benedict XVI, John L. Allen JR các trang từ 78-81
17 Xem Hans Kung, Peut-on encore sauver L,Église, trang 174.
Vườn hoa ĐCV đang đẹp bỗng dưng bị lũ đệ tử phái giáođiếm,sáchhiếm vào làm ô uế. Buồn thiệt
Cho đến nay vẫn còn nhiều người “nhập nhằng” tôn giáo và chính trị?
Chính trị trong ngữ cảnh này là các tu sĩ “không nên” tham gia đảng phái chính trị, không nên ứng cử làm đại biểu quốc hội hay làm tổng thống. Còn nếu như ai đó quyết định làm chính trị (như vừa kể trên) thì nên hoàn tục, vì trong kinh thánh có câu: “không thể làm tôi hai chủ”!
Chính trị nói trên là “Chính trị quyền lực”. (giành giựt, để giữ và sử dụng quyền lực)
Tuy nhiên, cũng có những thái độ và hành động chính trị, không phải để tranh giành quyền lực, mà để góp phần làm tốt đẹp và phát triển xã hội, phát xuất không chỉ từ cá nhân, mà cả trong lãnh vực tôn giáo như; lên tiếng bênh vực những kẻ cô thế, đấu tranh cho công lý và sự thật, cũng là hành động “chính trị”.
“Đồng Chiêm Lm Giuse Phạm minh Triều ngày 6-1-2010″
Vatican không chỉ là giáo đô của GHCG toàn cầu, mà còn là một quốc gia riêng biệt, vì vậy có những đặc thù chính trị khiến người ta dễ lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị của Vatican.
Cũng là Vatican, nhưng mỗi Giáo Hoàng có lối suy nghĩ và hành động “chính trị” khác nhau, vì vậy cũng đừng ngạc nhiên lắm khi Giáo Hoàng Giáo hoàng Phaolô VI tiếp đón phái đoàn của Phạm Thị Bình và Phạm Xuân Thủy 1969 (lúc mà GHCG miền Bắc đang trong bàn tay sắt của CSVN), và sau đó Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần làm sụp độ CNCS 1990-1991, và hôm nay đây Vatican bang giao với CSVN.
Hãy chờ xem, chuyện gì đến sẽ đến!
Ghé mắt xem những đối thoại của các CCCĐ với nhau mà thấy qúa nản. Giáo hội nào mà phục vụ con người? Giáo hội nào mà theo lời Phật dậy? Nick Ban Mai này qúa thiếu kiến thức về tôn giáo!
Nếu giáo hội phục vụ cho con người thi sao tháng 3 năm 2000 giáo hội đăng đàn xin thú 7 núi tôi lỗi với nhân loài thì tới tháng 4 năm 2014 thì cả thế giái loài người mà đại diện của nó là LHQ lại phải lên tiếng chỉ thẳng vào mặt giáo hội mà tố cáo rằng : Chính giáo hội là thủ phạm tiếp tay, bao che cho những tên đĩ đực trong giáo hội đội lốt “chúa thứ 2″ hiếp dâm lắp đích con nít???.
Ôi giáo hội thánh thiện! Sau mười bốn năm xin lỗ cả nhơn loài về những tội như diệt chủng, buôn bán nô lệ, kỳ thị phái nữ thì giáo hội nay lại tiếp thêm cái tội đại dâm tặc chuyên đi phá hại đời con nít bé trai.
Giáo hội thánh của chúa Dêsù đó hử, các CCCĐ???
Con chien Ban mai viết : “… nhiệm vụ của Giáo hội và Tín hữu khác nhau. Giáo hội phải đi đúng theo lời dạy của Chúa, của Phật…”
Giáo hội nào mà theo lời Phật? Con chien Ban Mai nằm mơ hử??? “Bố già” giôn pôn 2, năm 1999 đã miệt hạ Phật Giáo là một tôn giáo Vô Thần, khiến cả những trí thức, chuyên gia của giáo hội cũng lên tiếng khuyên bố già này nên im cái miệng và không nên tuyên bố lăng nhằng về Phật Giáo khi không có đủ kiến thức về PG.
Còn “bố già” Bềnéđítto (Benedict) thì trắng trợn hơn khi tuyên bố : “Phât giáo là một tôn giáo tự thỏa dâm tâm linh” và còn thêm : Phật giáo chứ không phải hồi giáo, mới là mối đe dọa cho Catô lích, catô lác. Giáo hội mặc cảm, lo sợ Phật Giáo một tôn giáo hiền hoà, trí tuệ nhất thế giới như vậy mà các CCCĐ như Tú Gàn lại cứ nằng nặc tuyên là Phật Giáo vì ghen tức với Catô lích catô lác mà đem viết bậy về CTLCTL, thiệt là “nãn gà”.
Bây giờ, xin cho Phét Dỗm này đặt vài câu hỏi nghen :
Nếu Dêsu là thiên chúa của tình thương thì sao Dêsu lại tuyên bố :
“Bất cứ kẻ nào đến với ta mà không thù ghét cha mẹ vợ con và anh chị em, thậm chí không ghét bỏ cuộc sống của chính nó, thì không thể là môn đệ ta” (If any man comes to me and hate not his father, and mother, and wife, and children, and brother, and sisters, yea, even his own life, he can not be my discipline – Luke 14:26). Kinh “Thánh” xịn rành rành ra đây thôi!!!
Và Dêsu lại còn tuyên bố câu này mới ớn gà chớ :
“Ta không đem hòa bình cho thế gian nhưng chỉ mang gươm giáo mà thôi” (I came not to send peace to the world, but a sword – Revelation 22:11).
Các CCCĐ lần lượt giải nghi giùm nghen.
Gs Vũ Ngự Chiêu,người đứng đầu phái giáođiếm ngày hôm nay chỉ có nhiêu đây tài cán thôi sao,cái đám đệ tử chân truyền này hình như trí tuệ không hơn loài tinh tinh suốt ngày khoái khẩu món chuối vàng. Chưng Sơn,đại đệ tử phái giáođiếm nên thể hiện bản lãnh,đẳng cấp của một người trưởng thành,không nên ở mãi với cái não trạng vị thành niên.
Ngày nào hổn hển không ra hơi,xung quanh giường vây quanh lũ đuôi dài đầu sừng chờ chực kéo đi thì khi ấy có van xin khóc lóc với đấng tối cao cũng đã là quá muộn,Thiên Chúa là đấng nhân từ hay thương xót song Người cũng có những giáo luật và Người cũng có những cơn thịnh nộ. Mong qúi vị sớm hồi tâm,chấn chỉnh lại văn ngôn.
Đã dổm lại còn nhảm nhí!
Phải nói thế này mới đúng với sự việc;
“Ghé mắt xem những đối thoại của những người chống cộng với đám dư lợn viên và cẩu nô của CSVN mới thấy thú vị”.
Giáo hội phục vụ con người. Những Phật tử thì nghe theo lời Phật dậy. Nhưng với CSVN thì tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ con người khiến cho họ chỉ còn biết đến Chúa, Phật, mà kinh tởm và xa lánh “bạo lực cách mạng” , lên án CS là tội ác chống lại nhân loại.
Càng nuôi dưỡng hận thù đố kỵ, thì đố kỵ hận thù càng thêm lớn.
Người thiện tâm thì tâm hồn thanh thảnh, đời sống ắt đẹp hơn.
Tôn Giáo giúp cho con người hướng thiện
Kẻ bất nhân lạm dụng Tôn Giáo phiến bình phong.
@noileo
Thưa bác noileo,
Bác đã đi lệch quá xa nội dung còm của tôi và lại mâu thuẫn ngay với còm của chính bác! Tôi nêu việc không đồng ý đem Chính trị vào Tôn giáo, dẫn chứng việc làm của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế bị khai thác theo quan điểm chính trị mà lẽ ra phải được hiểu về nhân văn. Bác phản ứng cho Vatican đã “hùa…” với VC. Tôi hỏi lại Vatican nào “hùa” và Vatican nào giúp làm sụp đổ CNCS? Vì Vatican là Giáo hội, là Tôn giáo chứ không phải cá nhân! Bác lại phang tôi là phản đối Tín hữu (cá nhân) tham gia chống cộng! Oan ôi ông địa… huhuh…
CS là Độc Tôn, họ chỉ CHỜ ĐỢI Giáo hội TREO bảng chống cộng để ném lựu đạn, lia AK thoải mái, vì họ coi TÔN GIÁO ĐÓ là một ĐẢNG CHÍNH TRỊ, công khai thách thức quyền lực của họ, cho nên họ “có đủ bằng chứng” để tiêu diệt! Vướng vào cái bẫy VC giăng ra đó thì mọi chuyện sẽ ra sao nhỉ?
Thưa bác, nhiệm vụ của Giáo hội và Tín hữu khác nhau. Giáo hội phải đi đúng theo lời dạy của Chúa, của Phật còn Tín hữu có toàn quyền hành động cá nhân. Và, chính Giáo hội cũng khuyến khích sự dấn thân để đem Đạo vào Đời, vì thế mới có những vị Hồng y, Linh mục, Thượng tọa, Sư sãi… chịu hy sinh cả mạng sống để giải phóng con người ra khỏi tội lỗi vì thế con số tuẫn đạo không nhỏ!
Tôi, tuy ngoại đạo, nhưng rất ngay thẳng. Cho dù bác có cho là “trí trá” hay bất cứ thứ ngôn ngữ nào tệ hại hơn nữa, tôi vẫn không trách bác đâu! :) Vì tất cả chúng ta đang cùng hít thở một bầu khí quyển bị ô nhiễm trầm trọng nên nhân tính đôi khi biến thành thú tính mà ít ai biết! Những ai có tâm vọng động người đó sẽ tự hành hạ chính mình trước tiên bác ạ!
Tôn giáo như cái cây sum suê có hoa thơm, trái ngọt đã không biết tận hưởng mà lại đi chặt từng nhánh nhỏ dùng làm roi quất tới tấp vào mặt nhau … Tại sao?
Cám ơn bác. Chúc bác bình an. Chào bác. :)
Trích: “…nhiệm vụ của Giáo hội và Tín hữu khác nhau. Giáo hội phải đi đúng theo lời dạy của Chúa, của Phật còn Tín hữu có toàn quyền hành động cá nhân. Và, chính Giáo hội cũng khuyến khích sự dấn thân để đem Đạo vào Đời, vì thế mới có những vị Hồng y, Linh mục, Thượng tọa, Sư sãi… chịu hy sinh cả mạng sống để giải phóng con người ra khỏi tội lỗi vì thế con số tuẫn đạo không nhỏ!”
Chuẩn không cần chỉnh!
Trích: “CS là Độc Tôn, họ chỉ CHỜ ĐỢI Giáo hội TREO bảng chống cộng để ném lựu đạn, lia AK thoải mái, vì họ coi TÔN GIÁO ĐÓ là một ĐẢNG CHÍNH TRỊ, công khai thách thức quyền lực của họ, cho nên họ “có đủ bằng chứng” để tiêu diệt! Vướng vào cái bẫy VC giăng ra đó thì mọi chuyện sẽ ra sao nhỉ?”
Hoàn toàn chính xác!
Úi chaz! Lâu nay không để mắt vào cái bài này, nay trở lại thấy các CCCĐ vẫn mê man một cách dã man, tàn nhẫn, vô nhân đạo (con của đức bà ba sạo).
Đã gợi ý rằng “bố già” john paul 2 đã ngôn là Không có thiên đường trên các tầng mây. có nghĩa là không có cái thiên đường từ xưa tới nay các “chực sặc” catô lích catô lác hay đề cập tới, chứ tuyệt nhiên không phải là cái thiên đường giả định nào khác, các CCCĐ đừng có mà mê muội cố gắng diễn giải cái ý đơn sơ, giải thật của “bố già” theo cái mê đến gần như “bất tỉnh” của mình mà nó “kinh hãi” lắm nghe chừa?
Úi chaz! Chuyến nài e là kẹt đậm đó à nghen! Vì không có thiên đường thì cái dụ chúa ngỏm củ tỉ 1 ngày rưỡi, từ chiều thứ 6 tới sáng sớm chủ nhật rồi ngài sống lại cái “đùng” và bay tà tà lên thìên đường, ngồi bên hữu chúa cha coi bộ “lộ gà” hết thảy rồi, nghĩa là phét phịa hết trọi rồi tính sao đây? Hỡi trời? Rồi còn tôí thứ sáu các bà CCCĐ vấn khăn tang, tang chúa Dêsù, nằm khóc tỉ tê, như khóc cha mới chết. Và rồi sáng chủ nhật “bừng lên hoành tráng” cái dụ chúa sống lại bay lên trời là phét, phịa hết sao đây trời? trời bwwwớ..ớ..ớ t..r..r..ơ..ờ..i.
Suốt 481 năm, sống và tin tưởng, hướng dẫn dưới cái phét phịa của các chực sặc catô lích, catô lác, thì chịu đời sao thấu đây trời hỡi trời, trời bwớớớ…ớ trời .
Bên cạnh tính thiêng liêng, Giáo Hôi CG, kể cả những người lãnh đạo GH cũng chỉ là con người với đầy đủ nhựợc điểm cuả con người. Bằng chứng là GH đã nhiều lần phải xin lỗi về những lỗi lầm quá khứ.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt GHCG và nhà nước Vatican. Là một nhà nước, Vatican cũng đầy đủ thủ đoạn chính trị, luôn cả về tài chánh, kinh tế.
Tôi đồng ý là không ai đòi hỏi tôn giáo (trong đó có GHTG) “làm anh hùng”, cụ thể là chống chính quyền. Tuy nhiên tôi không đồng ý với việc một số chủ chiên giữ quyền lãnh đạo GH khuất phục trước bạo + tà quyền: điển hình là trong việc đào tạo, bổ nhiệm LM, GM… Chính thái độ khuất phục này khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về GHCG nói chung và GHCGVN nói riêng!
Tin đạo nhưng đừng cuồng tín tin cả những cơ chế và con người bất xứng! Mọi người hay cơ chế trần gian đều có thể bị phê phán nếu sai trái.
Một giáo dân
Nguyễn Thế Viên
Kính gửi Giáo sư Nguyễn văn Lục,
Chúng tôi mong muốn được tiếp xúc với Giáo sư để xin Giáo sư dành cho một cuộc phỏng vấn về đề tài Bang Giao giữa Tòa Thánh Vatican và nhà nước CSVN.
Thành thật đa tạ Giáo sư trước.
Trân trọng,
Lê Hồng Long
Giám Đốc Chương Trình
Đài Phát Thanh Việt Nam
Oklahoma & Atlanta (USA)
Email: ngaynay@cox.net
Tel. 316-722-1681
Cell. 316-393-7778
Đối với Chủ Nghĩa Cộng Sản Quốc Tế nói chung và ĐCSVN nói riêng không thể Hòa Giải được, hoặc đàm phán được. Thực trạng Lịch Sử đả chứng minh qua nhiều giai đoạn của Lịch Sử. Hiệp định Paris 1973 họ” ĐCSVN” vẩn xé bỏ và cưỡng chiếm MN-VN ngày 30/04/1975. Những trò bịp bợm dối trá, mưu mô và xảo quyệt , đả chứng minh qua nhiều Tác phẩm. Điển hình nhất và mới đây là Tác phẩm ĐÈN CÙ của Trần Đĩnh và Những Lời Trăn Trối của Trần Đức Thảo v v…v v.
Kính bác noileo!
Đạo Công Gíao là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã khai sinh và giảng dạy để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người thành tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời.
Và bác Nguyễn Thế Viên says:
Công Giáo, hay bất cứ tôn giáo nào, không nên làm chính trị theo nghiã tranh dành quyền lực, quyền lợi mà phải phục vụ con người qua việc rao giảng sự thật.
Không như nhiều tôn giáo khác, người công giáo (hàng giáo phẩm và con chiên) phải tòng phục Toà Thánh vì đó là giáo hội duy nhất của Chúa Jesus. Và vì thế người công giáo phải chịu chi phối bởi ” Phép Vâng Lời” mà đặc biệt rất quan trọng cho qúi vị Chăn Chiên.
Thưa qúi đàn anh. Những Linh Mục đang ở Mỹ đã trải qua nhiều năm trong nhà tù (cải tạo), tất nhiên họ căm thù Việt Cộng và muốn đất nước không còn cái đảng đó cầm quyền nữa.
Thế nhưng vì “Phép Vâng Lời” các Ngài phải làm theo những gì Toà Thánh cho phép. Vì vậy qúi Cha đang sinh sống ở những nước Dân Chủ, To Do, nơi có nhiều điều kiện để chống cộng nhưng qúi ngài vẫn “im re” để hành đạo.
Ví dụ dễ thấy là Đức Cha Kiệt. Ai cũng biết là ngài đâu có sợ gì Việt Cộng. Ngài không ngại hy sinh, ngay cả tính mạng mình cho lẽ phải, công bằng.
Thế nhưng vì phải chịu phép vâng lời, (không phải là ngài làm theo lệnh của Việt Cộng) nhưng ngài đã theo lệnh Toà Thánh. (chúng em có mời ngài qua dịp đại hội La Vang, nhưng ngài nói hiện thời ngài không muốn đi đâu).
Vậy chẳng lẽ chúng ta muốn “ép” Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phạm Phép Vâng Lời chăng?
Kính qúi đàn anh.
Có vẻ như tôi nói không đủ rõ ràng, bị hiểu lầm ?Vaajy xin đuọc lập lại như sau.
Tôi chẳng bao giờ dám đòi hỏi ai phải làm anh hùng. Tất nhiên nếu có những người, những hành động can đảm vì lẽ phải, vì lương tâm thì tôi kính phục, và có quyền bày tỏ sự kính phục, phải không?
Tôi cũng chẳng có ý định nào như bác tonydo nói là “ép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phạm Phép Vâng Lời”
NHắc lại, cái còm của tôi chỉ có ý bác bỏ những luận điệu của bác Ban Mai, lợi dụng cái áo tôn giáo của các nhà lãnh đạo chính quyền Vatican để gọi những tuyên bố chính trị của họ là lời giảng “tôn giáo”, để ép buộc & đòi hỏi mọi người không đuọc dùng quan điểm “lập trường chính trị cá nhân” mà phê phán những “lời giảng tôn giáo”, mà thực ra là những tuyên bố chính trị của chính quyền Vatican, gây thiệt hại cho quyền lợi VNCH, cho cuộc chiến đấu tự vệ của VNCH chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản VNDCCH.
Và bác Ban Mai cũng đừng nhập nhằng gán cho hành động của người công giáo, chống tội ác cộng sản, là hành động chính trị hiểu theo nghĩa chính trị tranh đoạt quyền lực, hòng ngăn cản người công giáo tham gia vào công cuộc chống tội ác cộng sản.
Nhắc lại là tôi không có ý đòi hỏi ai phải làm anh hùng, không có ý đòi hỏi hàng giáo phẩm công giáo hay những người giáo dân công giáo bình thường phải làm anh hùng, phải chống cộng như tôi chống cộng.
Nhưng tất nhiên tôi vẫn có toàn quyền khuyến khích thuyết phục người khác thực hiện hành động rất đúng đắn, rất phù hợp với lương tâm, rất phù hợp với quyền lợi quốc gia, quyền lợi VN, rất phù hợp với quyền lợi tự do tôn giáo, đó là chống cộng, đó là chống lại tội ác cộng sản,
cộng sản là kẻ thù của lương tâm con người, là kẻ thù của tự do, kẻ thù của quyền lợi VN, kẻ thù của tự do tôn giáo
và do đó tôi cũng đuọc phép, tự cho phép mình lên tiếng ngăn cản những hành động, những ai có ý ngăn cản & xuyên tạc hành động chống tội ác cộng sản,
và do đó tôi có toàn quyền vạch ra những cái nhập nhằng nếu không muốn nói là bịp bợm & trí trá của bác Ban Mai, như nêu trên!
Xin được phép góp ý cùng các bác Tonydo, Nóileo và quý bạn đọc ĐCV
“Đức vâng lời” rất quan trọng, nó không chỉ ở trong gia đình, trong Giáo hội, mà còn còn đối với xã hội, đất nước và trong bang giao quốc tế nữa. Thế nhưng, không phải cái gì cũng cúi đầu “vâng lời” là khôn ngoan cả đâu!
Một người cha trong gia đình mà thiếu khôn ngoan, không biết suy nghĩ điều hơn lẽ phải mà chỉ biết “ra lịnh” cho vợ con, vậy có vợ con con nên cúi đầu giữ “phép vâng lời” với anh ta không, hay phải tranh luận để anh ta thấy những điều thiệt hơn, lợi hại?
VNCH đã “vâng lời”, (tuân theo) những gì đã ký kết đình chiến với VC để cho đồng bào ăn tết, thế rồi điều gì đã xảy ra trong tết Mậu Thân 1968?
Một lần nữa, VNCH đã “vâng lời” Mỹ và quốc tế ký HĐ-Paris 1973, tái lập hoà bình, để rồi cả Kissinger và Lê Đức Thọ được vinh dự nhận giải Nobel Hoà Bình, và rồi điều gì đã xảy ra sau đó đưa đến ngày 30.04.1975?
Bác Tonydo viết: “Thế nhưng vì “Phép Vâng Lời” các Ngài phải làm theo những gì Toà Thánh cho phép. Vì vậy qúi Cha đang sinh sống ở những nước Dân Chủ, To Do, nơi có nhiều điều kiện để chống cộng nhưng qúi ngài vẫn “im re” để hành đạo“.
Thiển nghĩ, chẳng bao giờ toà Thánh cấm lên án CS, vì CS là… TỘI ÁC chống nhân loại, đã bị cả thế giới đã lên án nặng nề, coi nó như một thứ “bệnh dịch” nguy hiểm!
Nhưng diệt trừ virus bệnh thì đã có các nhà khoa học và bác sĩ, không phải ai cũng có thể chống nó. Vì thế các GM, LM cũng chỉ thỉnh thoảng “nhắc” đến tội ác của CS, còn “diệt chúng” thì đã có những “chính trị gia”, chuyên viên nghiên cứu thuốc trừ dịch!
Cách ứng xử của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã khiến cho rất nhiều người kể cả lương lẫn giáo khâm phục lẫn quý mến, ngay cả CSVN cũng đã phải vừa nể phục, vừa run sợ.
Câu nói để đời của Ngài; “Ai bị tù vì công lý thì tôi sẵn sàng tù thay“.
Một vị “chủ chăn” (lời bác Tonydo) “không ngại hy sinh, ngay cả tính mạng mình cho lẽ phải, công bằng” (hết trích), như thế thì quả là rất hiếm trong thời đại chúng ta.
Chính nhờ lòng dũng cảm và cương quyết của Ngài, đất toà Khâm Sứ Hà Nội đã không bị CSVN cướp mất, mà đã trở thành một vườn hoa (công viên) lịch sử = “Vườn hoa Công Lý”?
“Đất Tòa Khâm thành vườn hoa”
Qua sự kiện trên, CSVN đã phải nhờ đến sự can thiệp của Vatican để “xả hơi” nồi xú bắp có cơ bùng nổ lớn!
Chỉ tiếc rằng Vatican đã thay thế Đức Tổng Kiệt bằng một GM chỉ biết gật gù (Nguyễn Văn Nhơn), thay vì cứ để Ngài cai quản Giáo Phận Hà Nội, vì “việc đất Toà Khâm sứ”, dù sao thì cũng đã được phần nào giải quyết (không bị mất về tay tham quan)!
Dĩ nhiên là Đức Tổng Kiệt “phải vâng lời” toà thánh. Nhưng Vatican đã nhượng bộ CSVN một cách quá đáng, ngược lại đã không công bằng với Đức Tổng Kiệt, không chỉ đã cất chức TGM Hà Nội, mà còn đưa ngài ra ngoại quốc theo yêu cầu của CSVN?
Sự trở về VN của Ngài là nước bài “vớt vát” của Vatican?
Điều này cho thấy HĐGMVN quá yếu. Tác giả Nguyễn Văn Lục phê phán cũng là đúng thôi!
Theo ý kiến của tôi, vườn hoa trên đất toà khâm sứ nên đặt là “Vườn Hoa Công Lý”.
Với nhiều người CGVN thì đó là “Vườn Hoa Ngô Quang Kiệt”. Vì không có Ngài thì cũng chẳng có vườn hoa này?
Công Giáo, hay bất cứ tôn giáo nào, không nên làm chính trị theo nghiã tranh dành quyền lực, quyền lợi mà phải phục vụ con người qua việc rao giảng sự thật. Cụ thể là:
- Không chấp nhận việc phải xin phép hay thoả hiệp trong việc đào luyện tu sĩ và rao giảng.
- Không vì sợ khó, sợ khổ hay vì để được lợi ích thế gian mà im lặng trước các bất công. Im lặng cũng có thể được hiểu là đống loã.
Người ta thường dùng từ “khôn ngoan” biện minh, nhưng quên rằng Chuá Giêsu đã không khôn ngoan năn nỉ Philatô hầu khỏi bị đóng đinh. Ngài chấp nhận “chết” vì sự thật!
Nguyễn Thế viên