Mất vai “mỏ neo” vì nổ bậy
Xin phép được nói lan man /tản mạn về vụ Brian Williams, nghĩ tới đâu nói tới đó, nhớ tới đâu nói tới đó. Xin cảm ơn trước.
Một trong những giấc mơ của sinh viên theo học ngành báo chí/truyền thông Mỹ là sau này ra trường trở thành một anchor của đài TV, nếu không được đài phát đi cả nước Mỹ thì anchor của một đài của địa phương cũng tốt thôi.
“Anchor” khó dịch sang tiếng Việt. Nghĩa chính của nó là cái mỏ neo bằng sắt nặng chịch, thả nó xuống nước để giữ chiếc tàu lại, đừng trôi linh linh.
Trong TV, anchorman hay anchorwoman không phải là phát thanh viên, biên tập viên, xướng ngôn viên, MC, người dẫn chương trình, người điều khiển chương trình.
Các vai xướng ngôn viên, MC, người dẫn chương trình, người điều khiển chương trình không đòi hỏi được đào tạo từ một lò báo chí. Người ta viết cái gì thì mình đọc cái nấy, hoặc tự sáng tác, hoặc là người có tài ăn nói trước công chúng, đối đáp nhanh chóng khi gặp tình huống bất ngờ.
Mở ngoặc. Nhiều MC hay được gọi là Người Điều Khiển Chương Trình, ví dụ Nguyễn Ngọc Ngạn hay Kỳ Duyên của Paris By Night. Hai người này có thể góp ý cho một chương trình chứ không có quyền điều khiển gì sất. Người điều khiển thực sự là Marie Tô hoặc ông Tô Văn Lai, những người chủ của PBN, muốn cho ai xuất hiện trong show thì cho, không muốn thì biến. Đóng ngoặc.
Các vai phát thanh viên, biên tập viên cần có kinh nghiệm báo chí, nhưng nếu anh có tài mà mặt anh khó đăm đăm như Đỗ Mười hoặc môi anh sưng lên như Phạm Văn Đồng thì còn khuya anh mới được vời làm anchor.
Các anchor trên TV của Mỹ thường là những người có bề dày kinh nghiệm báo chí, lăn lộn ở thực địa, viết cũng giỏi, ăn nói cũng giỏi, mặt mũi coi được. Đằng sau lưng mỗi anchor – dù anchor đài địa phương hay quốc gia – là một nhóm phóng viên, thu hình viên, người viết, nhà nghiên cứu, người chạy việc… để phụ giúp anh hoàn tất một chương trình trước giờ phát.
Có lẽ xin để nguyên chữ anchor cho dễ phân biệt.
Một khi anh đã là anchor của một đài phát có tầm phủ sóng trên khắp nước Mỹ (ABC, NBC, CBS, FOX, CNN) anh sẽ được các chính trị gia, các CEO, các ứng cử viên… o bế chiều chuộng; anh có thể dễ dàng phỏng vấn tay đôi với tổng thống – bộ trưởng là chuyện nhỏ – họ sẽ gọi anh bằng first name rất thân mật. Anh sẽ thản nhiên trước câu “That’s a good question Brian/Tom/Dan” của họ, vì anh biết câu này chẳng phải là lời khen anh mà chỉ là cách họ câu giờ để tìm câu trả lời mà mọi người muốn nghe.
Show của anh được phát vào giờ vàng, là giờ gia đình người Mỹ hay quây quần bên mâm cơm, sau một ngày lao động.
Các anchor, và nhóm trợ giúp, làm việc trong một môi trường có nhiều căng thẳng. Họ phải chạy đua với thời gian, ăn uống thất thường, ít có dịp ăn tối với gia đình… và nhất là trở thành mục tiêu của những lần đánh giá, xếp hạng. Lâu lâu, các tổ chức/văn phòng/công ty đánh giá xem trong tháng/quý này anchor của đài nào có đông người xem nhất.
Nhiều người dân Mỹ lao động quần quật suốt ngày, không có thời giờ đọc báo hoặc suy luận nên thường dựa vào anchor để quyết định bầu cho ai hoặc có một lập trường cho một vấn đề thời sự nào đó. Vì thế, nếu bảo anchor là người hướng dẫn dư luận cũng không mấy sai. Nhưng ngược lại, khán giả cũng đòi hỏi anchor phải là người có tư cách, trung lập, độc lập, tôn trọng sự thật và chỉ phục vụ sự thật. Lương anchor cũng lớn, cả triệu đô một năm, nên cũng không cần nhận thêmphong bì.
Trong chiến tranh Việt Nam, Walter Cronkite ngồi ở vai anchor cho CBS trong 19 năm liền, và được cho là “người đáng tin cậy nhất ờ Mỹ.” Lập trường của ông là không muốn Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà đã có những cuộc biểu tình phản chiến, góp phần tạo ra “Đại thắng mùa Xuân?”
Xin trở lại với câu chuyện lùm xùm của Brian Williams, anchor của NBC.
Trong tuần qua, trên chương trình “NBC Nightly News” của mình, Williams đã xin lỗi vì tuần trước đó, trong một bản tin, ông đã nói trong thời gian chiến tranh Iraq mới nổ ra, vào năm 2003, ông đã từng đi theo quân bạn trên một chiếc trực thăng và máy bay “phải đáp ép buộc sau khi trúng đạn của súng RPG.” (Một loại B-40 của phe cộng sản.)
Tờ báo của quân đội Mỹ, Stars and Stripes, cãi lại “nhà báo Williams đến vùng đó khoảng một tiếng hồ trên một chiếc trực thăng khác, không bị bắn và đáp xuống cạnh một trực thăng bị hư hại do một trận bão cát sắp xảy ra tại sa mạc Iraq.”
Trong lời xin lỗi, Williams nói rằng có lẽ vì mình nhớ lầm. Và qua đến cuối tuần, ông tuyên bố sẽ nghỉ làm anchor “trong nhiều ngày tới.”
Tóm gọn, Williams gặp phải “sự cố” vì lỡ sinh ra ở Phố Hàng Pháo.
Sau khi có tuyên bố của Williams trên trang mạng của NBC, bà Deborah Turness. Giám đốc Tin tức của đài gửi email cho toàn thể nhân viên, đại ý nói rằng đài đã mở cuộc điều tra nội bộ, đích thân bà đã nói chuyện với Williams, ông ta đã xin lỗi một lần nữa, và bà không quên động viên mọi người cố gắng, giống như bài “tuyệt đại bộ phận thì tốt, tuy nhiên, chỉ có một tiểu bộ phận thì…”
Hơn ai hết, bà Turness hiểu rằng vụ lùm xùm này sẽ làm NBC mất điểm trong các cuộc đánh giá, uy tín đi xuống sẽ kéo theo quảng cáo, nguồn tiếp máu cho đài.
Các trang Facebook, Twitter… và nhất là giới nhà báo chuyên nghiệp, dĩ nhiên, không ngớt bàn tán về câu chuyện của Williams. Một nguồn tin trong nội bộ nói rằng, ngay cả Tom Brokaw, người để lại chiếc ghế anchor cho Williams, cũng đòi muốn có “cái đầu của Williams đặt trên một cái mâm.”
Hôm Chủ nhật, ông Paul Vallely, tướng Lục quân hai sao đã về hưu, kể lại: “[Trong chiến tranh] ở Việt Nam, đa số các nhà báo, thông tín viên [của Mỹ] suốt ngày lang thang ở các khách sạn Sài Gòn, chỉ có một số ít đi theo các đơn vị của chúng tôi ra mặt trận. Nhiều bản tin, câu chuyện đã được thổi phồng hoặc xào nấu bởi những người không ra thực địa, chỉ viết dựa theo sự nghe hóng mơ hồ hoặc những lời bàn tán đồn đoán trong các quán bar. Dạo đó cũng có những thông tín viên giỏi, họ là những người thực sự đi theo các binh sĩ chiến đấu.”
Có lẽ tướng Vallely muốn nhắn với các nhà báo chỉ biết ngồi Givral nghe chuyện của Phạm Xuân Ẩn, lấy tin của Ẩn làm tin của mình, do mình tìm được; nhưng trong thực tế, Ẩn thảy ra cái gì thì mình đớp cái nấy.
Sau khi biết được Ẩn là người của Hà Nội, các vị nhà báo này, thay vì xấu hổ, nhận mình đã ngây thơ vô tình xài tin của địch; thay vì xác nhận Ẩn chỉ là người thông dịch, người cặm cụ iđi nghe và ghi chép vào mỗi buổi chiều họp báo lúc 4 giờ của Trung tá Lê Trung Hiền, người đi moi tin từ các tướng tá Sài Gòn, người thu xếp công việc lặt vặt hằng ngày cho văn phòng đại diện… thì lại quay ra hoan hô Ẩn, tạo ra những câu chuyện huyền thoại về Ẩn, gọi Ẩn là tay gián điệp yêu nước Mỹ.
Mục đích là tạo hỏa mù để lấp liếm, để người ta quên đi cái sự dại dột của mình.
© Châu Quang
© Đàn Chim Việt
VUI
Nghĩ đời cũng lắm chuyện vui
Anchor là kẻ nhiều người nghe theo
Anh ta đúng một cái neo
Dùng neo dư luận như diều buộc dây
Nên chi trụ cột một đài
Phát đi tiếng nói dụ người tin ngay
Vậy mà Brian William
Nổ đùng một phát tiêu tùng bản thân
Đúng là bởi phút hớ hênh
Thành ra nói láo ai tin dễ nào
Chỉ trừ những phát thanh viên
Đọc bài có sẳn chẳng phiền chi ai
Nhưng người thuộc dạng phát ngôn
Nếu toàn xạo xự hỏi còn ra chi
Người ngay ai cũng yêu vì
Còn người ba xạo bị khi trong đời
Khác chi giữa chốn bụi đời
Ai còn tin được loại người thế kia
Bởi vì lời nói lọc lừa
Gạt người đôi bận dễ hoài được đâu
Thông tin theo kiểu bù cào
Giống như Xuân Ẩn ngày nào tệ thay
Bởi vì tình báo hai mang
Bên đâm bên thọc quả càng hỡi ơi
Vui thay bao chuyện con người
Mười voi bát xáo vậy người cũng tin !
TIẾU NGÀN
(09/02/15)