Trung Quốc tăng cường truy quét các tội phạm kinh tế trốn ra nước ngoài
Trung Quốc trong tuần qua công bố chiến dịch Lưới Trời (Skynet) để xử lý hiệu quả hơn các tội phạm kinh tế – gồm cả quan chức lẫn dân thường – đã trốn ra nước ngoài, đặc biệt là trốn sang Mỹ.
Lưới Trời được điều hành bởi cán bộ của bốn cơ quan: Ban Tổ chức đảng, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc đã có chiến dịch Săn Cáo (Fox Hunt) nhưng chỉ do một mình bộ Công an phụ trách. Lần này, với Lưới Trời, bộ này phải hợp tác với ba cơ quan kia để “bắt giữ các phần tử biến chất, đánh vào các ngân hàng chui, thu hồi tài sản và thuyết phục những kẻ trốn nên quay về nước.”
Lưới Trời mạnh hơn Săn Cáo ở chỗ chẳng những nhắm vào những người phạm tội mà cả những người giúp đỡ người phạm tội.
Ngoài các quan chức bỏ trốn mang theo những món tiền lớn, Lưới Trời còn nhắm vào các đồng phạm, như các nhà băng chui; các công ty bình phong đặt văn phòng bên ngoài Trung Quốc; các nơi làm giấy phép, hộ chiếu, chứng từ… giả mạo.
Lập luận của những người lập ra Lưới Trời là nếu truy quét các loại đồng phạm kể trên thì mới giảm bớt được các tội phạm chuyển tiền bỏ trốn ra nước ngoài.
Cái tên Lưới Trời dường như được lấy từ câu nói của người Trung Quốc “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát.”
Bộ trưởng Hoàng Thụ Hiền, người đứng đầu Lưới Trời nói rằng, qua chiến dịch này, các phần tử thoái hóa sẽ không còn nhởn nhơ sau khi phạm tội, và không còn chỗ nào an toàn để lẩn tránh pháp luật.
Nhà chức trách Trung Quốc cho biết năm ngoái, khoảng 500 nghi can đã được dẫn độ về Trung Quốc, thu hồi hơn 3 tỉ Nhân dân tệ (482 triệu USD).
Một tờ báo Trung Quốc đưa tin chính phủ Trung Quốc đã trao cho chính phủ Hoa Kỳ một danh sách “ưu tiên” các quan chức Trung Quốc bị nghi là tham nhũng và được cho là đang ẩn náu tại Mỹ. Các giới chức Trung Quốc nói Hoa Kỳ đang chứa chấp độ 150 “tội phạm kinh tế” Trung Quốc, trong đó có nhiều người từng là quan chức thoái hóa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki xác nhận có nhận danh sách “ưu tiên” nhưng bà không chịu đi sâu vào chi tiết.
Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không có hiệp định dẫn độ tội phạm. Nói chung, các nước phương Tây rất ngại trả lại tội phạm người Trung Quốc cho chính quyền Trung Quốc vì cho rằng cơ chế xét xử những người này tại Trung Quốc thiếu minh bạch và không theo đúng các thủ tục tố tụng tiêu chuẩn của quốc tế.
(Trong chuyến đi Mỹ vừa qua, nghe nói một trong những công việc của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang là yêu cầu Mỹ ký với Việt Nam hiệp định dẫn độ, chưa biết kết quả ra sao).
Kể từ tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc đã mang về nước 49 công dân bị nghi là tội phạm kinh tế. Số người này đã sống tại 17 quốc gia khác nhau. Không biết có phải nhờ có danh sách “ưu tiên” vừa trao hay không, mà mới đây, nhà chức trách Hoa Kỳ trong tiểu bang Washington đã bắt giữ bà Triệu Thạch Lan, trên giấy tờ là người vợ cũ của một quan chức Trung Quốc. Bà này bị khởi tố về tội gian lận luật di trú và rửa tiền.
Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói rằng bà Triệu và người chồng cũ, ông Giám Quân Tạo, đã gian lận visa thông qua chương trình đầu tư di dân rất phổ biến của chính phủ Mỹ, thường được biết đến dưới tên visa EB-5.
Thông cáo còn nói rằng cặp này đã mua bất động sản tại Hoa Kỳ bằng tiền đã rửa được, thông qua một nhà kho dự trữ gạo khổng lồ tại Trung Quốc, nơi mà ông Giám đã làm giám đốc nhà kho trong 13 năm. Ông Giám vẫn còn tại đào và đang bị nhà chức trách Hoa Kỳ tiếp tục truy lùng. Nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, đã trở thành những phương tiện phổ biến cho những người muốn rửa tiền.
Các đại gia Trung Quốc bôi trơn cho cán bộ hải quan để đưa những món đồ cổ ra nước ngoài ngoài bán. Bán xong, người quen của họ ở các nước này đem cất tiền vào những ngân hàng quen để sau này họ có thể thoải mái rút ra.
Một cách nữa: các đại gia Trung Quốc xin đổi ngoại tệ để nhập khẩu hàng cho công ty mình. Nhưng thay vì trả cho các công ty bán hàng, họ dùng tiền này nhờ người quen ở nước ngoài mua các bức tranh cả triệu USD từ các công ty bán đấu giá tranh. Mua xong, họ lại bán lại, có khi bán lại cho chính công ty bán đấu giá. Tiền bán lại được người quen cất vào những ngân hàng quen. Cách này có lợi ở chỗ họ có hóa đơn, chứng từ cho biết tài sản họ đang có là do đâu.
Từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mở chiến dịch chống tham nhũng ráo riết, hàng vạn người trong đó có nhiều quan chức chính phủ và tướng lãnh quân đội đã bị điều tra và ngồi tù.
Nhiều người cho rằng họ Tập muốn dọn dẹp sạch sẽ chế độ, trở thành anh hùng thứ ba của thời kỳ cận đại Trung Quốc, sau Mao và Đặng; nhưng cũng có người nói đây là dịp để ông loại bỏ các đối thủ chính trị. Trước mắt, chiến dịch “đả hổ đập ruồi” ngày càng nới rộng; trong đó có một ông tướng đã “hoàn thành nhiệm vụ” bằng cách qua đời ngày 15 tháng 3 do bệnh ung thư giai đoạn cuối, trong khi đang bị điều tra tham nhũng. (Tướng Phạm Quý Ngọ của Việt Nam cũng “hoàn thành nhiệm vụ” kiểu này khi người dân đang chờ nhà nước cho biết ai đã báo trước cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.)
Ông Yukon Huang, chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu Carnegie ở Mỹ, trước đây từng làm đại diện World Bank tại Trung Quốc, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình chỉ thành công nếu giải quyết được những yếu tố cơ bản dẫn đến tình trạng dễ tham nhũng. Ông Huang nói rằng kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển kinh tế nhanh là các nước ít có tham nhũng và ngược lại các nước phát triển kinh tế chậm là các nước có nạn tham nhũng cao. Nhưng tại sao Trung Quốc vừa có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa có nạn tham nhũng cao?
Ông Huang giải thích: điều trớ trêu là hiện tượng này xuất hiện một cách phổ biến – dù từ mấy ngàn năm qua, hối lộ đã ăn vào máu người Trung Quốc – kể từ khi Đặng Tiểu Bình hô hào “Làm giàu là vinh quang” thay thế cho “Lao động là vinh quang.”
Một doanh nhân nhìn ra được một sản phẩm nếu tạo ra sẽ có lời, nhưng anh ta không có vốn. Anh ta phải liên doanh với đại diện của một xí nghiệp nhà nước để có phương tiện, đặc biệt là vay tiền của ngân hàng nhà nước. Thế nhưng, cả hai anh này phải được một quan chức địa phương – thường là một đảng viên – ban phép lành. Chính quan chức này mới là người có quyền tác hợp cho đôi trẻ.
Ông Huang nói rằng chính vì vừa áp dụng kinh tế thị trường, vừa có bàn tay của Đảng quyết định như thế nên nạn tham nhũng mới dễ nảy nở.
Trước đây, thống kê cho thấy Trung Quốc chỉ bỏ tù được 3% các vụ tham nhũng. Nay, với chiến dịch “đả hổ đập ruồi”, ông Huang nói, tỷ lệ này có thể sẽ nhích lên chút đỉnh, người ta sẽ cẩn thận hơn khi nhận hối lộ, nhưng nói chung chỉ vẫn là những biện pháp xức dầu cù là, chữa ngọn chứ chưa trị gốc.
Điều đó có nghĩa là muốn chữa tận gốc, Trung Quốc cần đập bỏ mối quan hệ hư hỏng giữa các thành phần chủ đạo trong nền kinh tế song hành, tách biệt vai trò và trách nhiệm của bốn tác nhân chính đang nắm chặt cơ chế hiện hành; đó là Đảng, chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng.
© Châu Quang (Tổng hợp)
© Đàn Chim Việt
Trong những nhận xét của cố Thủ tướng Singapore Lý quang Diệu về tham nhũng ở VN(cũng như ở TQ) là: từ khi”đổi mới”,theo”kinh tế thị trường,lạc hướng XHCN(ở TQ,thì từ thời Đặng tiều Bình nói đại cương rằng”Không cần biết mèo đen,hay trắng,mà chỉ cần mèo biết bắt chuột”),đa số “cán ngố &nghèo” (chỉ quen đánh trận!) thấy các”đại gia”làm giầu, thì chỉ lấy cách tham nhũng,để tham gia làm giầu!!
Vì vậy mà khi nào ở TQ và VN,”Mác- Lê” còn thì tham nhũng còn!”,mặc dầu nhập cảng”kinh tế định hướng Mc.Do”,để sinh ra nền kinh tế lai căng”Đặng Hồ”,được điều hành bởi bọn”Mắc dịch” !!