WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cam Ranh bay – Rượu mời không uống

Có một câu chuyện vui: hai người bạn thân rủ nhau đi dạo trong rừng, một người là sinh viên xuất sắc trong trường, môn nào cũng điểm A, người kia không học hành nhưng hết sức khôn ngoan đường phố.

Hai người mải mê đi và trò chuyện thì thình lình một con gấu/grizzly khổng lồ xuất hiện phía truớc, đứng trên hai chân chờ. Anh sinh viên sợ xanh mặt, run bần bật hỏi “Làm sao? Làm sao bây giờ?” Anh đường phố không trả lời mà ngồi xuống cởi giày ống đi rừng ra, lấy giày bata chạy bộ mang vào. Anh sinh viên thấy vậy hỏi “Bộ mày nghĩ mày chạy nhanh hơn con gấu sao?” Anh đường phố trả lời “Tao không nghĩ tao chạy nhanh hơn con gấu, nhưng tao nghĩ tao chạy nhanh hơn mày”.

Nhưng nếu một người vừa có khôn ngoan đường phố vừa có khôn ngoan học đường thì đó không phải là một người dở và ta không nên đánh giá thấp bản lãnh của anh ta. Hai năm còn lại của một tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ thường được xem là vịt què/lame duck, không thể đưa ra được sáng kiến táo bạo hay làm được những việc gì lớn có ý nghĩa. Điều này đúng, nhất là khi cả hai viện quốc hội đều nằm trong tay của đối lập. Cho nên những gì mà TT Obama chưa thông qua được ở quốc hội, nhất là những vấn đề đối nội như di trú, môi trường… hay đối ngoại như Iran, Do Thái, Syria…

Tuy nhiên, trong vấn đề xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) thì hoàn toàn khác, vì nó đã được khởi xướng từ lâu và được cả hai đảng nhiệt tình ủng hộ, cho dù sau TT Obama là tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hoà. Đơn giản vì tất cả họ coi thế kỷ 21 (TK21) là thế kỷ của CA-TBD và sự giàu thịnh của HK trong TK21 là ở vùng này. Phần lớn lịch sử của TK 21 được viết ở vùng CA-TBD.

Chính ông Obama cũng nói là ông không ngần ngại để có những quyết định mạnh mẽ trong hai năm còn lại, như ông đã làm với Cuba, đang làm với Iran, và ngay trong vấn đề gai góc của đối nội là di trú với lệnh hành pháp cho phép hàng triệu người di trú bất hợp pháp được ở lại HK.

Trong vấn đề xoay trục, rõ ràng ông có hai động lực lớn để làm nhanh, làm mạnh cho nó có kết quả cụ thể khi ông bước xuống cuối năm 2016. Đó là (1) ông cần để lại một điểm son, một chỗ đứng tốt/legacy trong lịch sử HK, và (2) tạo sự dễ dàng cho tổng thống tiếp nối ông triển khai, mà không phải lo ngại mất phiếu cử tri, rồi tránh né những quyết định khôn ngoan nhưng nhạy cảm.

Nhiều người có khuynh hướng đánh giá thấp bản lãnh của ông Obama, một người có sự khôn ngoan đường phố thuở thiếu thời và được giáo dục Harvard khi vào đại học. Ông có cả hai thứ và đã hạ gục Bin Laden, đã xoay chuyển nền kinh tế HK, đã giảm mức thất nghiệp, đã khôi phục lại cảm tình của thế giới đối với HK, đã trừng phạt hiệu quả ông Putin và bây giờ đang rất quan tâm đến vấn đề xoay trục, mà ta rất dễ dàng để nhận ra là: nhu cầu sử dụng vịnh Cam Ranh và cách giải quyết.

Ảnh Wikipedia

Vịnh Cam Ranh. Ảnh Wikipedia

Ông bộ trưởng quốc phòng HK lúc truớc, Leon Panetta, đầu tháng Sáu 2012 viếng vịnh Cam Ranh không phải để đi chơi.

Sách Trắng Quốc Phòng HK đã nêu rõ chủ trương chiến lược cần chổ không xây tổ/places not bases để vừa ít tốn kém vừa tránh những nhạy cảm chính trị với quốc gia sở tại. HK có đội máy bay ném bom B-2 hùng mạnh đồn trú ở Whiteman Airforce Base, tiểu bang Missouri trong nội địa HK nhưng có thể xuất hiện ‘bất cứ lúc nào’ và ‘bất cứ ở đâu’ trên toàn thế giới nên khả năng phóng lực vẫn vậy nhưng nhu cầu căn cứ bên ngoài thì ít nặng nề hơn. Tuy nhiên về hải cảng quân sự, ông Panetta đã nói rõ rằng việc sử dụng được các hải cảng ở Thái Bình Dương là chìa khoá trong chiến lược của HK.

Người viết từng có dịp sinh hoạt với một viện thinktank về an ninh quốc gia của HK (BENS), khi giao tiếp với các giới chức cao cấp chính trị, quân sự và tình báo, trong câu chuyện riêng tư họ thường nói rằng “HK xem thế giới là một bàn cờ chess vĩ đại và chúng ta phải di chuyển những quân cờ” và “HK là siêu cường lãnh đạo thế giới, do đó chúng ta phải lo việc lãnh đạo, cho dù có nhiều người không thích”.

Khi HK cần ‘di chuyển quân cờ’ và ‘lo việc lãnh đạo’ ở CA-TBD thì trở lực sẽ bị đẩy sang một bên để dọn đường. Các ‘quân cờ’ cần khôn ngoan để lèo lái con thuyền đất nước của mình tiến nhanh khi gió thuận và biết zigzag khi gió ngược để không làm con tốt thí mà làm con tốt qua sông chiếu tướng.

Phi Luật Tân có vịnh Subic Bay và Việt Nam có vịnh Cam Ranh. Nhìn vào vị trí địa chiến lược của cả hai vịnh trong Biển Đông thì nó hết sức có ưu thế tự nhiên, một vịnh ở bìa đông và một vịnh ở bìa tây, và cả hai đều kiểm soát hai đầu nam/bắc. Cam Ranh là một cảng nước sâu thiên nhiên, nằm cạnh các xa lộ hàng hải huyết mạch và quần đảo Trường Sa. Nó được coi như quân cảng số một của Á Châu, kiểm soát vùng nối hai biển Ấn Độ Dương và TBD. Nó có thể chứa vài trăm hàng không mẫu hạm cùng một lúc và nhiều tàu hạng nặng khác. Sau khi HK rút quân và CS chiếm Miền Nam, Nga đã thuê nó năm 1979 với thời hạn 25 năm, nhưng đã rút ra năm 2002, sớm hơn 2 năm.

Ông Robert D. Kaplan trong quyển Chảo Nước Sôi Châu Á/Asia’s Cauldron (p. 62) dẫn lời ông Ian Storey của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore rằng: mong muốn kín đáo của VN trong việc tân trang Vịnh Cam Ranh là “để tăng cường quan hệ quốc phòng với HK và tạo dễ dàng cho sự hiện diện quân sự của HK ở Đông Nam Á như một lực thăng bằng sức mạnh đang lên của TQ”. Ông Kaplan nói Cam Ranh đóng một vai trò hoàn hảo trong chiến lược cần chỗ không xây tổ của Ngũ Giác Đài, nơi mà máy bay và tàu chiến Mỹ có thể thường xuyên viếng các viễn cảng quân sự của nước bạn để bảo trì và nhận tiếp liệu mà không cần phải có căn cứ quân sự chính thức để bị nhức đầu do nhạy cảm chính trị.

Theo ông Kaplan, Cam Ranh và Subic Bay của Phi là hai cảng mà HK dùng để thay phiên nhau phục vụ các chiến hạm của HK, có nghĩa là cả hai đều không phải là căn cứ của HK, nhưng cả hai cộng lại làm nên một căn cứ của HK (p. 131).

Trên chiến hạm USNS Richard Byrd, ông Panetta nói rằng HK và VN “có một mối quan hệ phức tạp, nhưng chúng ta không để lịch sử cột buộc. Chúng ta muốn tìm những cách để mở rộng mối quan hệ,” “các tàu hải quân HK được sử dụng cảng này là một phần chủ chốt” của những mối quan hệ HK-VN. Ông Panetta cũng cho rằng những tàu tiếp liệu của HK sử dụng Cam Ranh và các cơ sở sửa chữa thì không chỉ quan trọng về mặt tiếp vận/logistic mà còn quan trọng về các ý nghĩa/implications chính trị. Nó sẽ cho phép HK đạt được mục đích ở CA-TBD và đưa quan hệ với VN lên một tầm cao mới.

Nếu đầu tháng Sáu 2012 ông Panetta viếng VN với các tín hiệu như vậy thì chỉ một tháng sau, tức tháng Bảy, VN đáp lễ bằng cách phái Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đi Nga và cho ra kết quả là Nga được thiết lập cơ sở sửa chửa hải quân ở Cam Ranh. Trong khi TQ cứ lấn sân ở Biển Đông thì Nga ở thế ngư ông, vừa bán hàng cho VN vừa tạo sự hiện diện dù yếu ớt, chẳng giúp gì về an ninh cho VN cả, vì ngu sao mà giúp khi TQ là một khách hàng ngon ăn hơn.

image1

Tháng Ba 2013, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu Shoigu viếng VN, hối thúc đồng nhiệm Phùng Quang Thanh chấp thuận việc xây nhà nghỉ/resort 5 sao cạnh Cam Ranh cho lính Nga, GS Carl Thayer nhận xét “Trong khi Nga trên danh nghĩa không lập căn cứ vì do nhạy cảm từ phía VN, nhưng thực tế là họ đang tạo sự hiện diện lâu dài – và sự hiện diện này đòi hỏi máy bay và tàu chiến thuờng xuyên lai vãng”.

Nga đang trong tiến trình xây dựng hạm đội tàu ngầm Kilo-class cho VN, các chuyên viên Nga cần đóng ở Cam Ranh để huấn luyện đội thuỷ thủ tàu ngầm VN. Có lợi thế này, Nga ép VN nhượng quyền đặc biệt tiếp cận Cam Ranh cho họ, trong khi VN cần Nga hơn là Nga cần VN, một sự cần sai chỗ.

Tháng Mười Một 2014, Việt Nam ký với Nga một thoả ước để Nga dễ dàng sử dụng vịnh Cam Ranh. Theo đó, các chiến hạm Nga chỉ cần thông báo trước khi vào, không hạn chế bao nhiêu lần, trong khi HK và các nước khác chỉ được vào mỗi năm một lần. Hơn nữa, các chiến hạm Mỹ trong thời gian qua chỉ cập được cảng Đà Nẵng. Sắp xếp này rõ ràng là có vấn đề.

Sự kiện hôm 11 tháng Ba 2015, HK công khai lên tiếng rằng VN đã cho Nga sử dụng Cam Ranh để máy bay chở xăng Il-78 tanker tiếp xăng trên không trung cho máy bay bomber chiến lược Tu-95MS Bear có khả năng mang bom nguyên tử đe doạ đảo Guam của HK, qua sự xác nhận của tướng Bộ Binh TBD Vincent Brooks, thì đó là giọt nước làm tràn ly. Nó làm cho VN, qua Đại Sứ Phạm Quang Vinh trong hội thảo CSIS hôm 24/3/2015, phải thanh minh thanh nga rằng VN không chủ trương cho một nước nào khác sử dụng các căn cứ quân sự của mình để đe doạ một nước thứ ba. Nhưng rõ ràng VN đã vi phạm cái không thứ ba trong chính sách “3 không” mà tướng Nguyễn Chí Vịnh ra rã rao để xoa bóp TQ. Những ứng xử này đi ngược quyền lợi dân tộc, làm chậm tiến trình và phạm vi cộng tác quốc phòng HK-VN.

BT Quốc Phòng Nga xác nhận đã dùng máy bay Il-78 tankers để tiếp xăng cho Tu-95MS Bear bombers, cất cánh ở căn cứ Trung Đông, từ hồi tháng Giêng 2014 và sau đó.

Tướng Vịnh từng nói ủng hộ sự hiện diện của quân đội HK trong vùng miễn là nó đóng góp vào sự hoà bình của khu vực. Vậy mà Nga hiện diện không hoà bình ở Cam Ranh thì được, còn HK hiện diện hoà bình thì không được, tại sao?

TQ trong kín đáo có vẻ hỗ trợ Nga vì có cùng chung mục đích là thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của HK. TQ càng vui hơn khi thấy chuyện máy bay Nga làm phức tạp thêm mối quan hệ HK-VN. Từ sai lầm này qua sai lầm khác, CSVN đang cắn cái tay đem thức ăn đến cho mình.

Chuyến đi HK của TBT Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng Năm 2015 (sau khi đi TQ vào 17-20 tháng Tư) là một chuyến đi không dễ dàng của phe bảo thủ thân TQ, phe này như một sinh vật đang bị đe doạ sắp tuyệt chủng. Bởi vì thân TQ và đi chầu TQ trước để nhận sự chỉ giáo, cho nên Trọng đa phần sẽ không chịu uống rượu mời, không mở Cam Ranh cho HK để làm mất lòng TQ, không dám hạn chế máy bay Nga để làm mất lòng Nga và các hợp đồng mua vũ khí bị trở ngại. Hậu quả trong bang giao là việc HK dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương sẽ không xảy ra, mà chỉ xem xét từng trường hợp một, cùng sự mất trớn trong việc hợp tác quốc phòng HK-VN. Hậu quả trong nội bộ đảng CSVN là phe muốn ngã về HK có thể loại hẳn phe thân TQ trong Đại Hội 12, hay gay cấn hơn, là một sự thanh trừng lẫn nhau. Liệu có ai nghĩ rằng khi siêu cường lãnh đạo thế giới cần di chuyển một quân cờ chiến lược thì sẽ làm gì khi bị cản trở hay không? – Không có giải pháp dễ dàng cho CSVN.

Tác giả Mu Lao trên báo TQ Huanqia hôm 17/3/15 viết rằng Hà Nội đang cầm mồi Cam Ranh lắc qua lắc lại trước mặt hai quyền lực đang thèm chảy nước bọt. Lao cho rằng VN vừa khổ vừa sướng, khổ vì không biết phải giải quyết làm sao với HK, sướng vì dùng vịnh Cam Ranh để mặc cả với Nga và HK. Lao nói rằng TQ cần quan tâm theo sát các động thái của HK và VN trong vấn đề Cam Ranh, dù HK-VN thoả thuận công khai hay kín đáo. Điều này cho thấy phe bảo thủ của ông Trọng không có nhiều khoảng trống chung quanh để xoay trở.

VN cần xoay 180 độ việc sử dụng vịnh Cam Ranh trong tương quan Nga và HK. Nga là quyền lực đang suy, vùng cận Nga và biên cương còn không giữ nổi. HK vẫn là siêu cường số một trong thế kỷ 21 và đã định hình vị thế giàu mạnh của họ ở CA-TBD, đã chấm Subic Bay và vịnh Cam Ranh chung lại là căn cứ quân sự của họ. Điều này có lợi cho VN trong việc bảo vệ Biển Đông nói riêng và an ninh đất nước nói chung. Một dân tộc thông minh thì không thể làm những quyết định để gây bất hạnh cho các thế hệ tương lai của nòi giống VN mình.

Lê Minh Nguyên

30/3/2015

© Đàn Chim Việt

11 Phản hồi cho “Cam Ranh bay – Rượu mời không uống”

  1. Nguyễn Văn says:

    Mỹ không thể mạnh hơn khi ngân sách quốc phòng cắt giảm; Tàu không như cũ khi ngân sách mỗi năm mỗi tăng; còn Nga liệu có đủ sức mạnh quân sự tiếp tục quấy rối Ukraine khi nền kinh tế đang ngày suy yếu vi giá dầu xuất cảng không có hy vọng lên cao trở lại?

    Mỹ vẫn là cường quốc số một không ai chối cãi nhưng cường quốc số một này ngày càng suy yếu rõ rệt khi chính sách ngoại giao sức mạnh mềm thất bại liên tục vì muốn tránh chiến tranh. Khi quyền lực “cứng” không được duy trì mà được chủ trương thay thế bời quyền lực “mềm”, nhưng ngân sách cắt giảm thì liệu có hiệu quả để giữ thế thượng phong? Khó lắm! Nhìn vào thất bại ở Yemen, ở Ukraine, ở Syria, ở Iran… và ngay ở chính những người bạn đồng minh trong khối NATO năm nào cùng sát cánh chống chủ nghĩa cộng sản Liên Xô thì Mỹ cũng nên nghĩ lại về chính sách ngoại giao mềm thiếu tài chánh của mình.

    Có những quyết định chính trị tưởng không quan trọng lúc đó nhưng chục năm sau mới thấy hậu quả và biết là quyết định sai lầm. Đó là trường hợp Mỹ với chính sách đối ngoại với Nga sau chiến tranh lạnh. Mặc dù lãnh đạo hai nước có cả chục năm thăm nhau “mặn nồng” để hàn gắn, nhưng chỉ vì Mỹ chủ trương muốn cô lập và muốn Nga suy yếu hơn nữa nên đã đưa đến hậu quả ngày nay hai nước trở lại đối nghịch nhau và có nguy cơ tăng cao ngoài dự tính.
    Tình hình ngày càng có nhiều bất lợi cho Mỹ khi Tàu và Nga có những gắn bó, và NATO đang có chiều hướng muốn làm ăn với Tàu vì quyền lợi kinh tế của nước họ. Có thể các nước đồng minh trong khối NATO thấy sự yếu kém trong chính sách của Mỹ; có thể Nga nhìn thấy tiềm ẩn sự xâm thực của Tàu ở biên giới nhưng vì kinh tế kiệt quệ nhất thời mà làm lơ; và nếu Mỹ không dồn Nga vào chân tường để hai nước phải đối đầu thì Mỹ đang suy yếu sẽ suy yếu thêm. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Mỹ cũng như chính Nga. Nga không còn sức mạnh như Liên Xô ngày nào.

    Ông cựu ngoại trưởng Mỹ, James Baker, một thời năng nổ khi sức mạnh của Mỹ còn là vô địch, nay tỏ ra hối tiếc vì không đưa Nga gia nhập NATO mà ngày nay hai nước lại coi nhau như kẻ thù và có nguy cơ muốn tiêu diệt nhau. Nhưng có thấy hối tiếc thì mới hy vọng đánh giá đúng lại về chính sách ngoại giao của Mỹ hiện nay vậy.
    Hiện nay nước nào đang hưởng lợi trong cuộc đấu chính trị, ngoại giao, và kinh tế đa dạng và phức tạp này? Và khi lại một cựu ngoại trưởng Mỹ khác là ông Henry Kissinger lại tuyên bố có lợi cho Tàu khi chủ trương để những thế hệ sau giải quyết vấn đề Biển Đông trong khi Tàu đang xâm chiếm và ngày đêm xây dựng mở rộng thêm? Lời kêu gọi của ông có khác gì cứ để Tàu chiếm giữ để rồi lâu ngày sẽ là của Tàu vĩnh viễn? Ông Henry Kissinger vẫn quen nghề cò mồi, ông lại ngứa nghề salesman muốn bán đứng quyền lợi nước Mỹ và quyền lợi dân tộc VN. Ông đã sai lầm khi bỏ rơi đồng minh MNVN để Mỹ có cơ hội nhảy vào làm ăn với Tàu để rồi ngay nay Mỹ đang…chết từ từ dưới tay đất nước mà ông cựu ngoại trưởng cò mồi luôn ngưỡng mộ.

    nv

  2. Bạn Vietnam nhận định rất đúng! Việt nam chọn quan hệ đa phương để đối trọng cân bằng giữa các đại gia nước lớn chứ không để rơi vào cái bẫy của riêng nước nào. Còn Kinh tế vẫn là Mỹ, và Nga. Ông OBama quan hệ ngoại giao kém hẳn so với Nga rất năng động và chủ động. Theo tôi, nếu ông OBama chậm đến Việt nam đẩy mạnh quan hệ hai nước thì coi như Mỹ đã quá muộn có cơ hội xoay trục tại châu Á và Dông Nam Á. Chuyến đi của ông Trọng đã bị mất đi gần hết ý nghĩa khi mà cả Nga và Trung quốc đã chặn đầu khóa đuôi rồi. Hôm qua ông Trọng đã bị Trung quốc mời bắt buộc sang Bắc Kinh, còn hôm nay thì thủ tướng Nga đến Hà nội. Xin xem bài báo này thì biết:
    Việt-Nga tìm cách hợp tác chế biến dầu khí [06.04.2015 07:55]
    Xem hình
    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Dmitry Medvedev trong cuộc hội đàm ngày 14/5/2013 tại Moscow.
    Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/4. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Medvedev đã trả lời phỏng vấn của TTXVN.
    Thưa Thủ tướng, Nga đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng làm mắt xích kết nối giữa Đông và Tây. Điều này đem lại những tiềm năng to lớn. Còn Việt Nam quan tâm tới việc ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Xin ông cho biết cụ thể, Nga có những bước đi thực tế nào nhằm tăng cường vị thế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương? ASEAN đóng vai trò gì trong tiến trình này?
    Quả thực chúng tôi không chỉ một lần bày tỏ mong muốn hợp tác với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước ASEAN và hợp tác trực tiếp với Việt Nam. Trong những năm gần đây chúng tôi thực hiện nhiều bước đi thực tiễn theo hướng này. Tôi xin liệt kê từ việc chúng tôi – những đại diện của Nga: cả đại diện chính quyền, giới doanh nghiệp, chưa kể du khách – thường xuyên tới các nước trong khu vực. Với Việt Nam, chúng tôi có những liên hệ thường xuyên.
    Bản thân tôi vừa tới Việt Nam cách đây không lâu – năm 2012, và sắp tới sẽ có chuyến thăm tiếp theo, đối với chúng tôi là rất quan trọng. Trên thực tế trong những năm gần đây, ở mức độ đáng kể chúng tôi đã chuyển sang hợp tác tích cực với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    Tuy nhiên định hướng là chưa đủ, cần có những bước đi thực tiễn. Đó là các thỏa thuận chúng tôi đạt được, việc Nga tham gia các hoạt động, hội nghị quan trọng của ASEAN, quan hệ giữa các nước trong khu vực với cơ cấu hội nhập mới của chúng tôi là Liên minh kinh tế Á-Âu (theo kênh này hiện đang tích cực chuẩn bị cho hiệp định thương mại tự do với Việt Nam) và một loạt những bước đi thực tiễn khác. Ở đây tôi muốn nói tới toàn bộ các khả năng và hành động của chúng tôi, từ những tiếp xúc cấp cao, cho tới quan hệ thường nhật giữa con người, kể cả quan hệ giữa giới doanh nghiệp.
    Đương nhiên vào thời điểm hiện nay chúng tôi có rất nhiều ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam lên tầm vóc mới. Một trong những ý tưởng đó là hiệp định khu vực mậu dịch tự do. Hơn nữa có lẽ đó sẽ là hiệp định đầu tiên ký giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với một nước. Với hiệp định đó, thực chất Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường không chỉ có người dân Liên bang Nga, mà cả các nước đối tác trong Liên minh, trên thực tế là thêm hơn 40 triệu người nữa.
    Ta sẽ được gì? Đó là những triển vọng hợp tác mới. Mới đây tôi nói chuyện với Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga, ông ấy khẳng định tiến trình đàm phán hiệp định với Việt Nam đã bước vào giai đoạn hoàn tất.
    Chúng ta thực sự đã có bước tiến đáng kể trên nhiều điểm và mong muốn hoàn tất tiến trình đàm phán trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên hai bên vẫn phải thỏa thuận thêm về một loạt những vấn đề quan trọng, bởi hiệp định chúng ta dự định ký kết không chỉ là khả năng chúng tôi tiếp cận thị trường Việt Nam, mà còn trao cho bạn hàng Việt Nam khả năng tiếp cận thị trường của chúng tôi.
    Xin Thủ tướng đánh giá tiến trình hợp tác Việt – Nga trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa Việt Nam?
    Hợp tác trong lĩnh vực này đang tiến triển tốt đẹp. Hai nước chúng ta có bề dày lịch sử quan hệ phong phú trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa. Chúng ta có ngọn cờ đầu hợp tác là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro – doanh nghiệp hoạt động đã lâu, từ thời Liên Xô. Trong những năm tháng ấy liên doanh làm được rất nhiều việc: khai thác khối lượng lớn dầu mỏ (hàng trăm triệu tấn) và khối lượng đáng kể khí đồng hành (hàng tỷ mét khối), đó là khối lượng khai thác tầm cỡ thế giới.
    Việc này chứng tỏ điều gì? Nó cho thấy đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Cũng chính vì lẽ đó các bên tham gia liên doanh là công ty Zarubezhneft phía Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thỏa thuận tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác liên doanh này trong những năm tới, đến năm 2030, bởi sự hợp tác này có tiềm năng to lớn.
    Tuy nhiên không được phép dừng lại ở những gì đã đạt được. Vì thế không chỉ Zarubezhneft, mà nhiều tập đoàn và công ty Nga, những doanh nghiệp nhà nước lớn, như Rosneft và Gazprom, cũng có các đối tác của mình ở Việt Nam, và mỗi doanh nghiệp trong số đó đều đang đàm phán về khả năng hợp tác.
    Tập đoàn Rosneft có các dự án về một số khu vực tại thềm lục địa có thể được chào thăm dò khai thác. Các bên đang tiến hành đàm phán, tôi hy vọng tiến trình đó sẽ đạt kết quả khả quan. Tập đoàn Gazprom cũng đang đàm phán, tiến trình này khởi động từ năm 2009. Mức độ sẵn sàng kết thúc đàm phán của tập đoàn này còn cao hơn.

    Tôi hy vọng dự án gắn kết Gazprom với các đối tác Việt Nam, mô hình kinh doanh đó, năm 2016 sẽ đi vào hoạt động theo công suất thiết kế.

    Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác này, cho rằng nó mang lại lợi ích, và theo đó, là thu nhập cho cả Việt Nam lẫn LB Nga, và dự định tiếp tục phát triển hướng hợp tác này. Chính vì vậy chúng tôi có cả một tập hợp các dự án ở Nga và đã mời các bạn Việt Nam tham gia.

    Xin nói thẳng đây là thực tế hiếm khi xảy ra, khi chúng tôi để cho đối tác nước ngoài tiếp cận, khai thác trên lãnh thổ LB Nga, bởi quả thực trong lĩnh vực này mọi việc đều được chúng tôi chuẩn bị tốt, song đây là phương án đặc biệt, chúng tôi dành riêng cho các đối tác Việt Nam của mình.
    Cuối cùng, với thực tế chúng ta đã có thời gian hợp tác đủ lâu, việc tìm ra những hình thức hợp tác triển vọng mới là điều rất quan trọng. Đó là việc cùng nhau chế biến dầu khí (không chỉ khai thác), cũng như cùng nhau vận dụng các cơ chế kích thích, sao cho sự hợp tác của chúng ta phát triển tốt hơn, cả trong vùng thềm lục địa Việt Nam cũng như trên lãnh thổ LB Nga.
    Có nghĩa là vận dụng các cơ chế khuyến khích đa dạng, kể cả những hình thức khuyến khích về thuế, bởi ở những nơi chúng ta khai thác đã lâu, trữ lượng phần nhiều đã cạn kiệt, cần có những giải pháp hoặc đi sâu hơn, hoặc tìm kiếm những khu vực mới, và điều này tất yếu phải bổ sung thêm vốn đầu tư.
    Nga là một trong những nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ. Trong tương lai kinh tế tri thức chiếm vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực? Thủ tướng đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao?
    Ngay cả trong điều kiện kinh tế khá phức tạp hiện nay, chúng tôi vẫn nỗ lực không cắt giảm chi phí tài trợ các chương trình khoa học, phát triển những khu công nghệ cao, xây dựng các cụm nghiên cứu khoa học.
    Tôi biết các bạn Việt Nam cũng có quan điểm như vậy, tôi thấy rõ điều này khi thăm những cơ sở của các bạn – cả các trường đại học cũng như những nơi khác.

    Tôi không thể quên cuộc gặp với các đồng chí Việt Nam, những người trước đây từng học tập ở Liên Xô, LB Nga. Đó không chỉ là quan hệ hữu nghị, mà còn là tri thức, kinh nghiệm tiếp thu từ thời Liên Xô, LB Nga, và nay vẫn có ích cho đất nước Việt Nam, có ích cho quan hệ tốt đẹp của chúng ta. Do vậy chúng tôi đương nhiên rất sẵn sàng phát triển những hình thức hợp tác khác nhau với các bạn Việt Nam.
    Để dẫn chứng tôi có thể nêu dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, bởi đây rõ ràng là công nghệ cao. Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhạt nhân và năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên để vận hành những công trình cỡ đó cần không chỉ tiền bạc. Điều quan trọng không chỉ là xây dựng nhà máy, hơn nữa đây là công trình phức hợp, hoạt động, sự an toàn của nó cần được đảm bảo, nên cần có những cán bộ chuyên môn cao.
    Chính vì vậy LB Nga chúng tôi đang đào tạo các sinh viên và chuyên gia Việt Nam tại ĐH Nghiên cứu hạt nhân Moskva (MIFI) và các cơ sở khác, để sau này những chuyên gia đó làm việc tốt tại nhà máy điện hạt nhân và góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghệ cao nói chung tại Việt Nam, trong đó có công nghệ hạt nhân.
    Liệu có cơ hội hoặc kế hoạch cụ thể để giao dịch thương mại Nga-Việt chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ hai nước?
    Thứ nhất, hiện nay không có bất cứ trở ngại nào đối với việc thanh toán bằng đồng rúp và đồng Việt Nam. Không có bất kỳ trở ngại nào về pháp lý. Song ở đây còn cần yếu tố kinh tế. Chúng ta đã thỏa thuận về khả năng sử dụng đồng nội tệ thanh toán cách đây gần 10 năm và thậm chí đã thành lập cả một ngân hàng chuyên biệt, Ngân hàng Việt – Nga. Song đương nhiên việc sử dụng đồng nội tệ chỉ có lợi khi hai bên có kim ngạch trao đổi thương mại lớn và khi xuất hiện sự cần thiết tích lũy dự trữ hoặc bằng đồng rúp, hoặc VNĐ.

    Hiện giữa chúng ta thanh toán bằng nội tệ chiếm khoảng 1,5%, còn lại đều thanh toán qua USD, điều không phải bao giờ cũng có lợi, bởi cả với chúng tôi cũng như các bạn USD là ngoại tệ, chúng ta trước hết phải bỏ tiền mua USD, và phụ thuộc vào tỷ giá USD, rồi sau đó mới có thể dùng nó thanh toán cho nhau. Về phương diện này việc mở các khoản mục ngoại tệ đối ứng trong đồng nội tệ hai nước có thể còn có lợi hơn.
    Hơn nữa, dĩ nhiên vấn đề ở đây không chỉ là các giao dịch thương mại, mà cả hoạt động đầu tư. Chúng tôi đang cố gắng phát triển chủ đề này trong thanh toán hai chiều với các nước khác, với các đối tác của chúng tôi. Tôi cho rằng việc phát triển quan hệ trong vấn đề này với Việt Nam cũng có những triển vọng tốt đẹp. Nhất định tôi sẽ nêu chủ đề này trong hội đàm với các đối tác Việt Nam.

  3. vietnam says:

    Hãy xem hoc giả My nói gì?

    The Diplomat ngày 31/3 đăng bài phân tích của hai học giả Nhina Le từ đại học George Mason tại Hoa Kỳ và Koh Swee Lean Collin từ trường S. Rajaratnam đại học Công nghệ Nam Dương Singapore cho rằng, với những quốc gia trở tành tâm điểm cạnh tranh địa chính trị của các cường quốc như Việt Nam, chính sách đối ngoại có nguyên tắc sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm được lợi ích quốc gia của mình. Nguyên tắc đối ngoại “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là một cách tiếp cận thực tế sẽ giúp người Việt “không để trứng vào cùng một giỏ”.
    Nói vấn đề vịnh Cam Ranh “gây phiền hà” quan hệ Việt – Mỹ là không đúng
    Bình luận của hai học giả xoay quanh việc Washington coi các chương trình thu thập tin tức của máy bay ném bom chiến lược của Nga gần căn cứ Mỹ tại đảo Guam là “khiêu khích”. Đã có quan chức Mỹ lên tiếng đề nghị Việt Nam đảm bảo Nga không thể sử dụng cảng Cam Ranh tiến hành các hoạt động mà học cho là “gây căng thẳng” trong khu vực. Moscow đã bác bỏ những lo ngại này của Washington.
    Một số phương tiện truyền thông cho rằng vấn đề vịnh Cam Ranh có thể “gây phiền hà” trong quan hệ Việt – Mỹ là không đúng, hai học giả lưu ý. Đã có sự bùng nổ gần đây trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà một phần không nhỏ là do những căng thẳng với Bắc Kinh về lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông.
    Washington cam kết nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và để ngỏ khả năng dỡ bỏ hoàn toàn trong tương lai. Mỹ cũng đồng ý cung cấp tàu tuần tra hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực an ninh hàng hải. Việt Nam cũng được cho là đang quan tâm đến mua máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion cũ của Hoa Kỳ. Hai học giả bình luận, chắc chắn rằng mối quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển tốt đẹp, tích cực, dù hai bên có thể còn một số bất đồng.
    Độc lập, không liên minh, không liên kết là lựa chọn đúng
    Việt Nam đã không đi lệch khỏi chính sách đối ngoại của mình hậu Chiến tranh Lạnh được thừa nhận từ lâu, trong đó nhấn mạnh một số nguyên lý quan trọng, chẳng hạn như độc lập, không liên minh và không liên kết. Cách tiếp cận này nhấn mạnh yếu tố vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam thích nghi với những thay đổi về địa chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Nó cũng giúp Việt Nam rất nhiều trong sự nghiệp Đổi mới. Điều này có nghĩa, Việt Nam vừa tìm kiếm những người bạn mới, nhưng vẫn duy trì gìn giữ tình bạn truyền thống. Mối quan hệ Nga – Việt nằm ở vế thứ 2.
    Từ năm 1991 Việt Nam đã thống nhất nguyên tắc đối ngoại “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Xu hướng này bắt nguồn từ thực tế rằng người Việt luôn cố gắng không để đất nước mình trở thành nơi bất cứ cường quốc nào có thể đặt căn cứ quân sự. Ví dụ trong năm 1990 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định: Vịnh Cam Ranh là một căn cứ của Việt Nam, không có gì để làm với Liên Xô. Những quốc gia khác bao gồm Hoa Kỳ hoàn toàn có thể truy cập vào Cam Ranh nếu họ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa Moscow không thể biến vịnh Cam Ranh thành chỗ đứng chân quân sự của mình ở Đông Nam Á.
    Tin tức về hoạt động của máy bay Il-78s của Nga không có gì mới, mặc dù truyền thông có xu hướng gắn nó với khủng hoảng Ukraine. Sự xuất hiện của một chiếc máy bay tiếp dầu có thể được coi là một phần của thỏa thuận rộng hơn, trong đó Moscow được phép truy cập và sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh của Việt Nam.
    Trong thực tế mối quan tâm của Nga về việc phục hồi quyền truy cập vịnh Cam Ranh đã xuất hiện sau khi khủng hoảng Ukraine bùng phát. Trong giai đoạn 2013-2014 khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang cao trào, một số người bao gồm một số nghị sĩ Nga đã nói về (mong muốn) mở lại căn cứ hải quân Nga ở Cam Ranh như một phần kế hoạc tăng cường sức mạnh quân sự toàn cầu của Nga. Báo chí Nga cũng đề cập khả năng mở một trung tâm duy trì hoạt động hải quân của nước này ở Cam Ranh, nhưng cả hai nước đều đã không đặt ra vấn đề này.
    Điều này là không thể đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, tất cả các nước đều có thể hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của vịnh. Và Việt Nam không có ý định để vịnh Cam Ranh trở thành một căn cứ quân sự của bất cứ nước nào. Nhưng các hoạt động truy cập và sử dụng dịch vụ sửa chữa vẫn được mở rộng cho tất cả tàu hàng hải và quân sự nước ngoài ở Cam Ranh.
    Vịnh Cam Ranh trong trục cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung – Nga
    Mặc dù Washington quan tâm và mong muốn tiếp cận nhiều hơn tới vịnh Cam Ranh trong chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, có thể người Mỹ cảm nhận được rằng Bắc Kinh sẽ trở thành ngư ông đắc lợi nếu vấn đề Cam Ranh trở thành chất xúc tác đe dọa quan hệ Việt – Mỹ.
    Cả Trung Quốc và Nga đều có lợi ích chung trong một trật tự thế giới đa cực. Sự hiện diện tăng cường của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có việc máy bay quân sự Nga tiếp cận không phận đỏa Guam dường như được thiết kế để gửi 2 thông điệp đến Washington. Đầu tiên, Washington không nên can thiệp vào lợi ích của Nga ở châu Âu, đặc biệt là Đông Ukraine và các nước cựu thành viên SNG. Thứ hai, nếu Mỹ tiếp tục các hành động tăng cường hoạt động quân sự của NATO ở châu Âu, Nga có thể phản ứng bằng cách sử dụng châu Á – Thái Bình Dương như cửa sau để thực hiện chiến lược ngoại giao pháo hạm.
    Mặc dù không có thỏa thuận chính thức giữa Moscow với Bắc Kinh về vai trò tiềm năng của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Biển Đông, hai nước vẫn có thể nhắm mục tiêu chung vào lợi ích của Mỹ ở khu vực nhạy cảm này. Người Trung Quốc hiện vẫn chưa có đủ điều kiện cần thiết để mạo hiểm chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương. Quân đội Trung Quốc chỉ mới bắt đầu chuẩn bị cho xu thế đó.
    Vịnh Cam Ranh trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, địa chiến lược của các cường quốc trong khu vực bất ổn. Chắc chắn rằng một số người ở Washington vẫn tin là việc Nga sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh là thách thức an ninh với Hoa Kỳ để lấy lý do ép Việt Nam chấm dứt điều này. Nhưng nếu Washington đe dọa sẽ không dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, với người Việt vẫn có lợi và vì 3 lý do nó sẽ không xảy ra.
    Đầu tiên, ngay cả khi Washington quyết định duy trì lệnh cấm vận vũ khí cục bộ, Việt Nam vẫn có lựa chọn thay thế. Những năm gần đây Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Israel, châu Âu đang muốn bán vũ khí. Việt Nam đã sử dụng một số dịch vụ của nhóm này. Thứ hai, Hoa Kỳ đánh giá quan hệ với Việt Nam ngày càng như một đoàn thể. Do đó với những tranh cãi về các chuyến bay tiếp dầu của Nga từ Cam Ranh, Washington đã liên tục cố gắng nhấn mạnh rằng đây không phải yếu tố làm căng thẳng quan hệ Việt – Mỹ. Cuối cùng Việt Nam vẫn có thể dựa vào ASEAN với tư cách thành viên trong trường hợp Washington “trả thù”.
    Hai học giả này cho rằng, Việt Nam chắc chắn cần Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng không phải lựa chọn duy nhất của Việt Nam. Ngày nay Việt Nam được thừa hưởng một nền tảng ngoại giao vững chắc, quan hệ kinh tế an ninh với rất nhiều đối tác trên toàn thế giới.
    Washington không có quyền ngăn Việt Nam cho Nga truy cập sử dụng dịch vụ ở Cam Ranh, bởi vì Moscow không phải đối tượng duy nhất. Chính quân đội Mỹ và các nước khác như Ấn Độ cũng trở thành khách thường xuyên ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn muốn được xem như một thành viên độc lập trên vũ đài chính trị quốc tế, Việt Nam cần tuân thủ trung thành nguyên tắc đối ngoại của mình hậu Chiến tranh Lạnh. Vịnh Cam Ranh sẽ không trở thành căn cứ quân sự của bất cứ quốc gia nào, và đồng thời nó cũng được mở cửa cho các khách hàng đa dạng đến sử dụng dịch vụ, kể cả tàu quân sự và dân sự.

  4. Chẳng ai lại dại khù khờ khi kẻ hôm qua xâm chiếm nước mình, giết hại dân mình lại được tự do tùy ý vào Việt nam trong khi Nga là quốc gia giúp mình giải phóng đất nước lại đi nghe Mỹ mà bỏ bạn thân. Còn chuyện Trung quốc là chuyện hoàn toàn khác. Mỹ và trung quốc cũng như nhau thôi, toàn là kẻ lợi dụng Việt nam thôi. Khi không vừa ý là bỏ rơi hoặc đe dọa liền. Trung quốc xưa vì Việt nam không nghe theo đã đánh Việt nam năm 1979. Còn Mỹ đã bỏ rơi Việt nam Cộng hòa phải thua chạy rất là tội nghiệp. Vậy cần phải quan hệ bình đẳng và phải trên tinh thần độc lập và tự chủ. Cha ông ta xưa vẫn quan hệ bang giao với nước ngoài như vậy, ta nay nên học ông cha điều này.
    Thế Anh

  5. Bùi lễ says:

    Cho thằng Nga vào Cam Ranh sẽ đưa theo thằng Tàu vào VN .
    Thằng Nga đã khánh Tận . Rước thằng Nga vào VN chả khác gì gánh của nợ . Cứ xen Mủi Né
    ở Bình Thuận thì biết, Nga gần như chiếm hoàn toàn nhưng Mủi Né nghèo thì vẩn ngèo .

    Thêm vào đó Thằng Nga chủ trương đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài khơi là của Tàu .
    (Nêu nhớ không lầm thì ngay cã sách địa lý thê’ giới của Nga cũng ghi rỏ điều này) . Như vậy có nghĩa là Tàu cũng sẽ là ưu tiên 1 ở VN . Vietnam một lúc có 02 con thú dữ xem ra cũng vui hỉ !

  6. Hoàng Hôn Miền Tây says:

    Theo tôi, giới lãnh đạo VN thừa hiểu chính sách xoay trục của CP Mỹ hoàn toàn thực tế, ngoài việc bảo vệ quyền lợi thương mại đang lên bên phần châu Á và phần khác vì nhu cầu cắt giảm chi phí quốc phòng của CP Mỹ.
    Các đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ bên tây Âu nhìn chung đều đã vào quỹ đạo ổn định và ngân sách an ninh cũng đã chia sẻ bớt cho các nước trong khối NATO.
    Các đồng minh của Mỹ bên phần châu Á viễn đông không hỗ trợ ngân sách quốc phòng cho Mỹ như trong khối NATO, do đó Mỹ gần như phải chịu mọi chi phí trang bị cho mình. Mang tiếng là cắt giảm chi phí quốc phòng, nhưng thực tế CP Mỹ đang gia tăng đầu tư các phương tiện quân sự ngày một hiện đại hơn và giảm số lượng quân nhân phục vụ. Ví dụ 1: Chi phí cho một lính bộ binh hay TQLC Mỹ không chiến đấu giao động khoảng 80K đến 90K USD/năm; Còn các quân nhân đang tham chiến tại Irak hay Afghanistan tốn chừng 600K đến 800K USD/năm. Ví dụ 2: HKMH mới nhất của Mỹ là G.W. Bush hạ thuỷ gần đây chỉ có khoảng 1800 quân nhân phục vụ. So với các HKMH thế hệ trước, mỗi HKMH cần có từ 3000 đến 4500 quân nhân phục vụ.
    Quân số của Mỹ tuy ít đi nhưng năng lực chiến đấu so với hồi chiến tranh VN lại tăng gấp 4 lần. Do đó, nếu không có Cam ranh Mỹ vẫn có quyền tự do đi lại hay nghỉ câu cá trên biển đông, muốn bảo dưỡng tàu hay cho quân nhân nghỉ ngơi thì ghé vào Philipines hay Malaysia; Nếu có Cam ranh thì Mỹ có thêm một đồng minh hờ và chỗ nghỉ ngơi, bảo dưỡng phương tiện giá rẻ.
    Tóm tắt lại: VN hiện nay cần Mỹ hơn (Điều này không phải giải thích thêm tại sao); Còn những kẻ nào hô hào là ngân sách QP Mỹ giảm và Mỹ yếu đi v.v… thì những kẻ đó hoặc là bị mộng du, hoặc là tự sướng theo chủ thuyết dân tộc để bảo vệ ngai vàng của nó v.v. Nhưng lỡ gây sự với Mỹ thì coi chừng. Vì các đồng minh của Mỹ và các đại tư bản trên TG đều sẵn sàng cho Mỹ mượn phương tiện và tài chánh. (Vì đây cũng là khoản đầu tư kiếm lời từ chiến tranh và người chiến thắng luôn luôn là Các Đại Tư Bản).

    • Tudo.com says:

      @Hoàng Hôn Miền Tây says:”Tóm tắt lại: VN hiện nay cần Mỹ hơn (Điều này không phải giải thích thêm tại sao); Còn những kẻ nào hô hào là ngân sách QP Mỹ giảm và Mỹ yếu đi v.v… thì những kẻ đó hoặc là bị mộng du, hoặc là tự sướng theo chủ thuyết dân tộc để bảo vệ ngai vàng của nó v.v. Nhưng lỡ gây sự với Mỹ thì coi chừng. Vì các đồng minh của Mỹ và các đại tư bản trên TG đều sẵn sàng cho Mỹ mượn phương tiện và tài chánh. (Vì đây cũng là khoản đầu tư kiếm lời từ chiến tranh và người chiến thắng luôn luôn là Các Đại Tư Bản).”

      Đọc đoạn dẫn trên của Hoàng Hôn Miền Tây, tôi nghĩ HHMT nên thông cảm cho những bệnh nhân “mộng du” họ phải leo lên nóc nhà la ó nhảy múa Tự sướng mà không biết khi họ té xuống sẻ bị lọi tay gãy giò.
      Người ta mĩm cười khi thấy dân Tàu “tự sướng” khi thấy Mỹ (tự ngu) đi vay mượn tiền
      của TC? Nhưng trong nụ cười đó có câu hỏi tại sao? Bởi so sánh về GDP của dân Tàu với dân Nhật, Hàn, Singapore, Đức. . . .thì kẻ ăn mày người giàu có!
      Lý do gì “đế quốc Mỹ” không Tự khôn đi vay mượn đám nhà giàu?

      Nhân tiện xin gởi tặng HHMT cái link GFP đọc chơi nếu chưa xem. Nhưng cấm các bệnh nhân “mộng du”. . . lỡ gây sự coi chừng. . .té!

      http://www.globalfirepower.com/countries-listing.asp

      • Hoàng Hôn Miền Tây says:

        Very much thank you for your comment, mình có đọc link GFP của bạn nhưng không mấy tin vào những con số thống kê này lắm. Bởi đám tài phiệt và CP Mỹ thỉnh thoảng tạo ra các con số giả để tâng bốc các QG đối đầu với Mỹ rồi sau đó Mỹ sẽ gài bẫy tạo cớ chiến tranh để kiếm lời. Ví dụ thời Sadam Hussein tấn công chiếm Kuwait năm 1990, Mỹ gài bẫy làm SH cứ tưởng Mỹ không can thiệp nếu hắn chiếm Kuwait nhưng rốt cục Mỹ và đồng minh cùng nhảy vào kiếm chác. Chính quyền các QG độc tài đang phát triển lôi Mỹ ra lên án chiến tranh mục đích vì dầu mỏ, thực tế lại không phải vậy. Bởi mỗi quả tên lửa Tomahawk bắn đi sẽ tạo ra được 120K USD giá trị lao động cho dân Mỹ (bằng với 2400 thùng dầu hiện nay). Cho nên có chiến tranh CP Mỹ rất có lời so với khai thác dầu hay các ngành công nghiệp khác.
        Từ mùa thu 2014, CP Mỹ ra đòn khai thác dầu trong nước và không thèm nhập khẩu dầu mỏ. Cho đến giờ, Venezuela gục đầu tiên, tiếp theo là Iran (vừa mới phải ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân tại Lausanne chấp nhận các điều kiện của Mỹ về vấn đề giới hạn mức độ làm giàu hạt nhân. Như vậy có thể tiên đoán trong thời gian không dài lắm sẽ đến lượt Nga (đối với Nga chắc Mỹ cũng không muốn làm mất mặt ông chủ điện Kremlin, mà chỉ làm cho dân Nga phải tự giải quyết với ông chủ của họ)
        Để biết và hiểu thực lực tiềm năng của Mỹ người ta phải nắm vững địa lý, kinh tế chính trị của Mỹ. Theo các thống kê kinh tế hiện nay thì Tài Sản Hiện Có của Mỹ (Capital Propre. Xin lưu ý về ngữ nghĩa ở đây Capital = Tài Sản khác với Social = Vô Sản) nằm vào khoảng 87000 tỷ USD trong đó 55000 tỷ là tài nguyên thiên nhiên, phần còn lại bao gồm giá trị nhân lực, của cải vật chất đang dùng, tài sản trí tuệ đang tạo ra giá trị gia tăng v.v…
        Tỷ phú Mỹ Donald Trump đã từng khẳng định: Từ đây (2014) cho tới 200 năm nữa khi mà nước Mỹ cạn dầu mỏ thì các Đại Tư Bản và các nền kinh tế trên TG vẫn sẵn lòng đầu tư vào Mỹ kiếm lời. Nói nôm na là mọi người vẫn phải bám vào Mỹ để kiếm ăn (Vì con cọp có chết, nó vẫn để lại bộ da).
        Đoạn cuối mình xin chúc Tudo.com một mùa Phục Sinh vui vẻ, hẹn gặp đều đều trên ĐCV. ;-).

  7. Pham Minh says:

    Nội dung súc tích, chừng mực, khách quan. Có một yếu tố tuy nhỏ nhưng một bài viết giá trị không nên có một vài yếu tố không chính xác:
    Vịnh Cam Ranh quan trọng vì nhiều lý do chúng ta đã biết nhưng nếu nói: Nó có thể chứa vài trăm hàng không mẫu hạm cùng một lúc và nhiều tàu hạng nặng khác thì theo hiểu biết của tôi, trên 90% không đúng. Không cần vào Google xem diện tích của vịnh rồi xem hàng không mẫu hạm lớn cở nào để tính. (1) Cho dù HKMH có vào đậu sát nhau như xe hơi trong parking cũng không đủ chổ cho vài trăm chiếc. Tàu biển, nhất là HKMH vận chuyển khó khăn và cần nhiều khoảng cách chung quanh để xoay trở. (2) Đủ chỗ cho vài chục HKMH và vài chục tàu hạng nặng thì hợp lý hơn.

    • Tudo.com says:

      Đúng vậy, có lẻ tác giả lộn hay không có khái niệm kiến thức về chiến lược chiến thuật quân sự.
      Theo các chuyên gia quân sự, cho dù hải quân của Nga và Trung Cộng có gộp lại cũng chưa phải là đối thủ xứng tầm với hải quân Hoa Kỳ. Nhưng Mỹ vẫn phải rải đều 7 Hạm đội trên 5 Đại dương. Đó là chưa kể tới những căn cứ chìm nổi trên đất liền để phối hợp, yểm trợ một khi trận chiến bùng nổ.

      • Pham Minh says:

        Câu này tác giả chỉ muốn nói vịnh Cam Ranh lớn, rộng có “sức chứa” cở đó và tôi góp ý cũng trong phạm vi này thôi; không liên quan đến chiến thuật, chiến lược quân sự đâu. Chắc tác giả viết nhầm.
        HKMH (Aircraft Carrier) Hoa Kỳ có kể cả cũ, mới,đã phế thải, đang build khoảng 80 chiếc; đang hoạt động khoảng 20 chiếc . Mỗi Hạm đội (Aircraft Carrier Fleet) gồm có nhiều loại tàu lớn nhỏ đi cùng. Vinh Cam Ranh chỉ cần hai Hạm đội vào thả neo, cặp cầu là full rồi.

Phản hồi