WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Không ai được mặc cả lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông

Dù đa phương hay quốc tế, Việt Nam không có mục đích gì khác là giúp quốc tế hiểu đúng và rõ hơn vấn đề tại Biển Đông. Việc đa phương hay quốc tế không có nghĩa Việt Nam quay mặt lại với Trung Quốc, mà luôn nỗ lực đảm bảo và phát triển mối quan hệ song phương Việt – Trung. – TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Chiến lược Bộ Công an phân tích.

Biển Đông nổi sóng dư luận

Ảnh: Lê Anh Dũng

TS Lê Văn Cương:

Ngày 23/7, tại Diễn đàn ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gửi đến cộng đồng 27 quốc gia thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và 17 đối tác đối thoại. Theo đó, có 3 thông điệp lần đầu tiên Mỹ chính thức tuyên bố rõ ràng với thế giới. Một là, Mỹ coi cuộc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Hai là, Mỹ tuyên bố rõ tranh chấp theo quan điểm của Hoa Kỳ là cần và có thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình, song phương và đa phương. Các bên cần ngồi lại với nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện có để tìm giải pháp và bất kì giải pháp nào đưa ra cũng phải tính đến lợi ích của các bên liên quan. Không có bên nào được độc chiếm lợi ích ở Biển Đông. Mỹ cũng phải đối các bên sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Ba là, Mỹ yêu cầu phải đảm bảo lưu thông hàng hải, cả dân sự và quân sự trên vùng biển quốc tế tại khu vực Biển Đông. Bất kì tranh chấp nào cũng không được ngăn cản quyền tự do hàng hải của các quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là, ba thông điệp của Mỹ có đúng và hợp lý? Phải khẳng định, yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình hoàn toàn phù hợp với Hiến chương LHQ, với cam kết xây dựng một khu vực hòa bình theo tinh thần Hiến chương ASEAN, đúng với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, và với xu thế hòa bình, ổn định trên thế giới này. Vì thế, không ngẫu nhiên khi các nước hưởng ứng thông điệp này.

Yêu cầu về đảm bảo lưu thông hàng hải trên biển của Mỹ cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS đã quy định cụ thể vấn đề này. Đó là luật chung của thế giới, không có cớ nào để không áp dụng ở Biển Đông.
Như vậy, về mặt khoa học, tuyên bố của Mỹ phù hợp với pháp lý quốc tế, xu thế quốc tế, và nguyện vọng chính đáng của đa số các nước có liên quan. Vì thế, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã tạo nên chấn động lớn. Các nước nói hay không nói thì trong thâm tâm đều ủng hộ.

Nước phản đối gay gắt với phát biểu đó của Mỹ là Trung Quốc. Ba ngày sau tuyên bố, ngày 26/7, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có bài xã hội: “Mỹ hi vọng kìm chế một Trung Quốc với các khả năng quân sự ngày càng gia tăng”. Qua bài viết, Trung Quốc gửi thông điệp mạnh mẽ, cho rằng, tuyên bố của bà Clinton là một tuyên ngôn tấn công trực diện nhằm bao vây Trung Quốc. Tờ Global Times – Thời báo Hoàn cầu thì viết, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình ở Biển Đông, kể cả sử dụng phương tiện quân sự.

Rõ ràng, mâu thuẫn về phương pháp, cách nhìn đã xuất hiện trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Và ta cũng không nên lảng tránh một sự thật, rằng dư luận thế giới ủng hộ quan điểm của Mỹ hơn.

Vấn đề Biển Đông gây xôn xao, thậm chí nóng lên sau ARF là hiểu được, không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, không vì thế mà sẽ dẫn đến xung đột nóng trên Biển Đông. Ai phát động việc sử dụng quân sự trên Biển Đông, người đó tự rước thảm họa vào mình.

Thực ra, Biển Đông làm nổi sóng dư luận là chính. Đó là sự cọ xát về quan điểm, mâu thuẫn về lợi ích, giữa các nước tranh chấp trực tiếp, và cả những nước trong và ngoài khu vực và có mối quan tâm. Ngay cả Trung Quốc và Mỹ có vẻ căng thẳng trong tuyên bố là thế, nhưng không vì thế mà hai nước sẽ làm đổ vỡ quan hệ. Đó chủ yếu là sự nắn gân, hù dọa lẫn nhau giữa các nước lớn mà thôi. Cán cân lợi ích không cho phép việc đổ vỡ quan hệ xảy ra.

Vấn đề quốc tế, không phải công việc nội bộ của Trung Quốc

Hơn một tuần qua, nhiều bài viết của các học giả Trung Quốc xuất hiện, nhằm nhắc nhở, khuyến cáo, vỗ về và cảnh báo các nước ASEAN: không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, và nhắc các nước cẩn thận, kéo Mỹ vào là lợi bất cập hại. Trung Quốc cho rằng nên xử lý ở cấp độ song phương, gói gọn vấn đề trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN, ngăn sự tham gia của bên thứ 3 (ám chỉ Mỹ).

Những phát biểu trên là dễ hiểu, dựa trên lập trường của Trung Quốc, rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngang hàng với các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Thực tế, trên thế giới, không ai chấp nhận quan điểm này của Trung Quốc.

Tây Tạng, Tân Cương là những vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc Trung Quốc toàn quyền xử lý. Việt Nam cũng ủng hộ chính sách một Trung Quốc, nói và hành xử đúng như vậy với Đài Loan.

Thế nhưng, Biển Đông không phải là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, mà là vấn đề khu vực và quốc tế. Trung Quốc không có căn cứ nào để nói Biển Đông là vấn đề của riêng mình. Xếp Biển Đông ngang hàng với các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương cũng vô căn cứ như chính tuyên bố về đường ranh giới 9 đoạn cắt khúc chữ U của Trung Quốc trên Biển Đông vậy.

Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 đâu chỉ dành cho khu vực Biển Đông mà được áp dụng với mọi quốc gia trên thế giới. Các nước đều tuân thủ và hưởng lợi từ luật pháp quốc tế này.

28 năm qua, tất cả các tranh chấp quốc tế về biển đều dựa trên UNCLOS để xử lý, không cớ gì Biển Đông lại là ngoại lệ.
Theo UNCLOS, mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều đó là hiển nhiên và không phải bàn cãi. Đó là mảnh đất đã được quốc tế cấp sổ đỏ, không một cá nhân, một quốc gia nào có thể xâm phạm. Không ai xâm phạm quyền của Trung Quốc và Trung Quốc cũng không có quyền xâm phạm quyền của Việt Nam và các nước khác.

Xếp Biển Đông vào vấn đề mang tính “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc đã va chạm mạnh với khu vực, với Mỹ và các cường quốc khác. Điều này đi ngược lại tuyên ngôn “trỗi dậy hòa bình” mà chính Trung Quốc đã cố quảng bá nhiều năm qua. Nó cũng trái với điều các lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, về 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, trái với Hiến chương LHQ, với DOC.

Tuân thủ DOC, Biển Đông sẽ không nổi sóng

Dù tình hình Biển Đông có vẻ phức tạp, và là vấn đề phức tạp nhất, nóng bỏng nhất trong các tranh chấp biển trên thế giới, nhưng không phải không có lối thoát. Nếu các bên đều kiềm chế, tôn trọng DOC, chắc chắn Biển Đông không bao giờ nổi sóng. Một khi Biển Đông nổi sóng, không ai là người có lợi. Nước nào cố tình gây sự, tham bát bỏ mâm, dùng quân sự độc chiếm Biển Đông, họ sẽ tự hại mình.

Không giống như UNCLOS, Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông DOC không có tính ràng buộc pháp lý cao, thế nhưng, nó lại là tuyên ngôn chính trị chính thống của 11 quốc gia đã kí kết. Đó là tuyên ngôn của 11 nước với nhau và với thế giới. Dù tình hình phức tạp, không nước nào có quyền và có gan để từ bỏ DOC, bởi rút ra khỏi DOC có nghĩa là nước đó sẽ tự cô lập mình, chịu thiệt cả về chính trị, an ninh và quốc phòng. Một khi đi quay mặt với tuyên bố chính trị của mình, thế giới có ai tin được nước đó, nhất là với một nước đang trỗi dậy.

Việc tập trận trên Biển Đông, phát biểu này khác dù cứng rắn cũng chỉ là cách Trung Quốc gửi thông điệp tới Mỹ rằng không phải việc của Mỹ tại Biển Đông, và răn đe ASEAN. Thế nhưng, từ thông điệp đến hành động quân sự, Trung Quốc sẽ còn phải cân nhắc nhiều. Nếu có hành động quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ tự tay xé DOC, đồng nghĩa với việc lột mặt nạ với thế giới. Tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” sẽ không còn giá trị.

Không ai có quyền mặc cả về lợi ích quốc gia

Về phần Việt Nam, trong tình hình có vẻ phức tạp hiện nay, cần hết sức tỉnh táo và sáng suốt. Một mặt, Việt Nam cần tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc, nước lớn, láng giềng. Phát triển một quan hệ tốt với Trung Quốc có lợi cho Việt Nam, khu vực và cả thế giới. Đó cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi hiện nay.

Tuy nhiên, tiếp tục phát triển quan hệ Việt – Trung không đồng nghĩa với việc Việt Nam từ bỏ lợi ích quốc gia của mình tại Biển Đông hay trong bất kì vấn đề gì khác. Việt Nam không bao giờ vì 16 chữ hay 4 tốt mà từ bỏ lợi ích dân tộc mình. Không ai có quyền mặc cả với bất kì người nào, nước nào về chủ quyền với “mảnh đất đã được quốc tế cấp sổ đỏ” cho Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam cần tạo nhận thức thống nhất, không mơ hồ trong vấn đề này.

Việt Nam coi trọng Trung Quốc, coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với Trung Quốc nhưng nó không có nghĩa Việt Nam từ bỏ chủ quyền quốc gia.

Cũng phải nói cho rõ, Việt Nam không kéo Mỹ hay bất kì nước nào khác vào giải quyết vấn đề Biển Đông. Việt Nam chỉ ủng hộ những quan điểm phù hợp với luật pháp quốc tế và xu thế thời đại.

Việc một số báo chí Trung Quốc nói Việt Nam lôi kéo Mỹ chỉ là sự vu cáo vô lý. Việt Nam không chủ trương phe cánh, hay dựa vào ai để giữ Biển Đông, mà dựa trên luật pháp quốc tế.

Chúng ta cũng không thể đặt vấn đề Biển Đông theo hướng ASEAN một bên và bên kia là Trung Quốc, tạo sự căng thẳng không cần thiết.

Việt Nam tôn trọng và quyết tâm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường hòa bình, cả song phương, đa phương, linh hoạt theo từng vấn đề, thời điểm, trên cơ sở luật pháp quốc tế và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Việt Nam chủ trương giải quyết song phương, tận dụng đa phương và quốc tế.

Dù đa phương hay quốc tế, Việt Nam không có mục đích gì khác là giúp quốc tế hiểu đúng và rõ hơn vấn đề tại Biển Đông. Việc đa phương hay quốc tế không có nghĩa Việt Nam quay mặt lại với Trung Quốc, mà luôn nỗ lực đảm bảo và phát triển mối quan hệ song phương Việt – Trung. Đó là chính sách trước sau như một của Việt Nam, không bao giờ lôi kéo một nước thứ ba chống lại Trung Quốc. Và việc bảo vệ lợi ích dân tộc, không gian sinh tồn của dân tộc này ở Biển Đông cũng là chính sách trước sau như một, Việt Nam quyết làm bằng được.

Củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc, đặt thẳng vấn đề Biển Đông để xử lý, Việt Nam cũng có quyền và cần chủ động giải quyết vấn đề Biển Đông song phương với các nước có liên quan. Trao đổi với các nước ASEAN, với Mỹ hay nước nào quan tâm, chia sẻ quan điểm giải quyết vấn đề hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế… là quyền và lợi ích của Việt Nam. Đó là các kênh tiếp cận khác nhau, là các bước đi nhỏ để trên cơ sở tôn trọng và nhân nhượng lẫn nhau, tiến tới tạo nên bước đi lớn, tìm giải pháp đảm bảo lợi ích công bằng ở Biển Đông.

Việt Nam cần làm điều này một cách minh bạch, công khai và dựa trên luật pháp quốc tế.

Đồng thời, cần làm cho người dân hiểu và hiểu đúng về vấn đề trên Biển Đông và quan hệ với các nước, từ đó tạo sự đồng thuận và quyết tâm, tạo sức mạnh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Không kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thế nhưng, Việt Nam cần nói cho dân biết, cần nói đúng, nói thẳng và nói rõ cho dân, không mơ hồ. Những thông tin đưa ra phải trung thực, tôn trọng lịch sử, không xuyên tạc, bóp méo lịch sử, không để tình cảm yêu ghét can thiệp vào những thông tin mang tính khoa học để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong công cuộc đó, báo chí phải góp sức nhiều hơn nữa.

Nguồn: Phương Loan (ghi), tuanvietnam

2 Phản hồi cho “Không ai được mặc cả lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông”

  1. ngan nam thang long says:

    Cac ong ex-VNCH va chong cong co quyen gi gio My trong suot thoi ky chien tranh dau ?. My no quyet dinh het thoi. Chinh the VC thi chac chan la vo san (bay gio la tu ban/dang CS :-)) chuyen chinh nhung chac chan la DOC LAP hon ….VNCH. VC danh nhau luon ca voi “dan anh Trung Quoc” tu 1978-1989 de giu cai doc lap nay. Gio co the danh tiep trong tuong lai gan thoi. :-)
    (Tòa soạn: Mời bạn ghé VPS Keys để tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)

  2. Nguyen Mãi Quoc says:

    Xin được hỏi ông TS Cương, VN hiện nay đã có cho phép ra báo chí, đài phát thanh, truyền hình TƯ NHÂN chưa??? Ông làm trong Bộ CA xin ông cho mọi người rõ? Vì khi nào người dân VN chưa có được quyền Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Báo Chí, Tự Do Sáng Tác, thì chưa thể có được cái mà ông gọi là: “Những thông tin đưa ra phải trung thực, tôn trọng lịch sử, không xuyên tạc, bóp méo lịch sử, không để tình cảm yêu ghét can thiệp vào những thông tin mang tính khoa học để bảo vệ chủ quyền quốc gia” Lấy ở đâu ra những “thông tin trung thực” ấy? Và nếu không có những thông tin ấy, thì nhóm người nào sẽ thay mặt VN “mặc cả lợi ích của VN trên Biển Đông” cho quyền lợi cai trị vĩnh viễn của họ (chắc ông rõ biết là ai, vì làm trong Bộ CA)?? Nhóm người đó sẽ làm “lén lút” như đã từng làm trước kia với biên giới phía Bắc VN, công hàm về 2 đảo TS, HS, có ai biết đâu, vì có “thông tin” trên báo chí đâu mà biết, phải không, thưa ông TS Cương????

Phản hồi