Báo Đức phỏng vấn GS Đoàn Viết Hoạt
Đàn Chim Việt: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người bị kết án 20 năm tù giam (sau giảm án xuống 15 năm) vì tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” hiện đang sinh sống tại Washington DC sau khi bị nhà nước “ân xá” bằng cách trục xuất ra nước ngoài, dù cá nhân ông có nguyện vọng được ở lại.
Nhân dịp kỉ niệm 25 năm ngày thành lập tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (1985-2010), tổ chức này đã có cuộc phỏng vấn ông, sau đó tờ báo Đức Einestages đăng tải. Đây cũng là một tổ chức đã góp phần rất nhiều trong việc tranh đấu đòi trả tự do cho tù nhân Đoàn Viết Hoạt. Khi ông còn ở tù, nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam năm 1993, phóng viên của tổ chức này đã bất ngờ đột nhập được vào văn phòng trại tù Thanh Cẩm (Thanh Hóa) để gặp tù nhân Hoạt. Cuộc gặp không thành nhưng họ đã quay lén được một số hình ảnh của trại tù cũng như của tù nhân chính trị này. Đoạn Video ngắn ngủi này sau đó đã được trình chiếu trên nhiều kênh truyền hình khắp thế giới và gây được tiếng vang lớn.
Bài phỏng vấn do ký giả Christoph Gunkel thực hiện hôm 5/8/2010, được chính GS Đoàn Viết Hoạt gửi tới chúng tôi:
————————————————————-
Đối thủ gay gắt của chế độ: Với hai bàn tay trong còng nhà bất đồng chính kiến Việt Nam Đoàn Việt Hoạt bị đưa ra tòa vào năm 1993. Vị giáo sư đại học kiêm nhà báo này là sáng lập viên của tạp chí “Diễn đàn Tự do” – một ấn phẩm bất hợp pháp, vớ i nội dung đòi hỏi chính quyền cộng sản thay đổi chấp thuận một hệ thống đa đảng với nhiều tự do và dân chủ hơn. Ông Hoạt bị bắt năm 1990 vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền” và đã bị kết án 20 năm khổ sai trong các trại tù lao động – nhưng sau đó ông được giảm án xuống 15 năm. Ông Hoạt giải bày một cách vô vọng, ông chỉ đòi hỏi một chuyển biến tự do một cách ôn hòa, nhưng không bao giờ kích động bạo lực. Sau những áp lực vận động từ nước ngoài, ông đã được thả vào năm 1998.
Tôi đã phải hát, để khỏi bị khủng hoảng tinh thần.
Đấu tranh cho tự do báo chí: Trước đây 25 năm tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới được thành lập. Một trong những trường hợp đầu tiên của tổ chức là một nhà báo Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn einestages ông Đoàn Viết Hoạt tường trình về sự khủng bố của cộng sản, đời sống hàng ngày trong tù biệt giam cô lập – và làm thế nào ông đã qua mặt được chế độ. Christoph Gunkel tường thuật.
25 năm trước đây, ngày 8 Tháng Tám năm 1985, một nhóm nhà báo Pháp thân thuộc với Robert Ménard đã sáng lập tổ chức Phóng viên không biên giới – sau đó giấy tờ đăng ký tổ chức được nạp tại địa hạt Paris. Một trong những trường hợp nổi bật đầu tiên mà tổ chức này tranh đấu công khai với truyền đơn áp phích và kháng nghị, là giáo sư đại học miền Nam Việt Nam kiêm nhà báo Đoàn Viết Hoạt. Ông tranh đấu cho một chuyển biến tự do của xứ sở ông – và vì thế ông bị chính quyền cộng sản đàn áp.
Einestages: Ông Hoạt, trong suốt nguyên cuộc đời ông đã ngồi tù gần 20 năm với tư cách của một tù nhân chính trị tại Việt Nam. Lần đầu tiên ông có mâu thuẫn với nhà nước là lúc nào?
Hoạt: Năm 1976, sau khi những người Cộng sản nắm lấy quyền lực ở miền Nam Việt Nam, tôi đã gặp khó khăn. Họ không cho phép tôi giảng dạy tại trường đại học và họ đã theo dõi tất cả mọi hành động của tôi.
Einestages: Tại sao nhà nước lại nghi ngờ ông?
Hoạt: Tôi là phó viện trưởng của Đại học tư Vạn Hạnh Sài Gòn, đây là trường đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Kể từ năm 1966, tôi đã làm việc ở đó và tiếp theo tôi hoàn tất học vị tiến sĩ ở Hoa kỳ. Sau đó, tôi hồi hương và giảng dạy đại học. Vì vậy, một trong những lời vu cáo mà họ đã buộc tội để bỏ tù tôi vào năm 1976 rằng tôi là một “gián điệp văn hóa của CIA” với nhiệm vụ Mỹ hóa các trường đại học.
Einestages: Người dân miền Nam Việt Nam nói chung đã phản ứng như thế nào về sự chấm dứt của chính thể Việt Nam Cộng Hòa cũng như sự tiếp quản của chính quyền cộng sản?
Hoạt: Ban đầu, nhiều người thậm chí rất hạnh phúc. Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc, đất nước thống nhất. Người dân không tiếp tục kháng cự và chào đón hòa bình. Nhưng sau đó, tình hình xấu đi một cách nhanh chóng.
Einestages: Xấu đi như thế nào?
Hoạt: Chính phủ mới đóng cửa các trường đại học và trường tư, chỉ có các trường công được phép hoạt động. Công an đã đi đến từng nhà và tịch thu tất cả những gì mà họ cho là “sản phẩm văn hóa đồi trụy” – video, âm nhạc, tiểu thuyết. Nếu họ tìm thấy sách tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, họ đốt những quyển sách này ngay trước nhà. Ngoài ra người dân cũng không được phép có nhiều tiền mặt. Nhiều người đã đốt tiền để không bị quấy nhiễu. Cựu thành viên của chính phủ miền Nam Việt Nam bị đưa vào các trại tập trung được gọi là trại cải tạo, thông thường từ mười đến hai mươi năm. Miền Bắc đã biến miền Nam thành một nhà nước nô lệ.
Einestages: Dù không được xét xử ông đã bị kết án đến mười hai năm tù vào năm 1976. Ông đã phản ứng như thế nào đối với bản án khắc nghiệt đó?
Hoạt: Tôi đã chán nản và tức giận. Tôi đòi hỏi họ những bằng chứng về sự cáo buộc tôi hợp tác với người Mỹ. Họ đã không có. Điều duy nhất họ có được một tài liệu của U. S. Asia Foundation, mà theo đó tổ chức này đã hỗ trợ các trường đại học của chúng tôi với hai chương trình: đào tạo các giáo sư và xây dựng các thư viện.
Einestages: Ông đã có một thời làm việc với tư cách nhà báo chính trị và đã chỉ trích chính phủ.
Hoạt: Có, nhưng mà họ không biết. Chúng tôi đã soạn thảo và phân phát một bản tin, nhưng chỉ giữa bạn bè. Mục đích là để tìm một phương cách ngăn chặn các chính sách mới bởi vì chúng tôi tin rằng họ sẽ hủy hoại miền Nam Việt Nam.
Einestages: Những điều kiện ở trong tù như thế nào?
Hoạt: Tôi bị đưa đến nhà tù trung ương ở Sài Gòn và đã phải sống trong một phòng với hơn 30 tù nhân. Chúng tôi không có lối ra và chỉ có thể có liên lạc với gia đình một năm một lần, chỉ có 20 phút. Nếu chúng tôi phạm phải một điều gì đó không theo ý cai tù, thì để trừng phạt chúng tôi sẽ bị nhốt ngay vào một phòng giam cô lập, đó là một phòng rất nhỏ hẹp tối tăm. Mỗi ngày chỉ được có một cốc nước và một chén cơm mà thôi. Tù nhân bị nhốt ở đó ít nhất 15 ngày. Tất cả cực kỳ khắc nghiệt.
Einestages: Ông đã có một phương cách gì để chịu đựng được tù đày trong một thời gian dài mà không bị khủng hoảng?
Hoạt: Chúng tôi đã cố gắng làm cho cuộc sống hàng ngày như bình thường nhất có thể được. Chúng tôi đã cố gắng giữ cho căn phòng sạch sẽ, một hoặc hai lần một ngày cùng nhau giết muỗi. Nhà tù rất bẩn. Trong phòng của chúng tôi chỉ có một lỗ thông để chúng tôi có thể thực hiện các nhu cầu phóng uế - với rất ít nước.
Einestages: Năm 1988 ông được thả ra khỏi tù. Việc gia nhập vào cuộc sống bình thường của ông như thế nào?
Hoạt: Tôi cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Bạn bè từ Mỹ mang lại cho tôi những tờ báo như Le Monde hay The Times. Có rất nhiều thay đổi về chính trị, đặc biệt là ở Đông Âu và mối quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô. Sau đó bức tường Berlin xập đỗ. Tất cả những điều này khiến cho bạn bè của tôi và tôi rất phấn khởi.
Einestages: Tại sao?
Hoạt: Chúng tôi tin tưởng rằng thời điểm bấy giờ rất thuận tiện cho việc đòi hỏi thay đổi, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi muốn có tự do trên mọi lãnh vực: xã hội, văn hóa, chính trị. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định làm một bản tin, chúng tôi gọi là Diễn Đàn Tự Do. Tôi chính là người biên tập.
Einestages: Nhưng chính lúc này ông cần phải cẩn thận hơn cả.
Hoạt: Lúc đầu, chúng tôi đã không thực sự có khả năng in bài viết. Vì vậy, chúng tôi đã đọc và thu âm lại trên cassette. Hầu như mỗi hộ gia đình vào thời gian đó đều có một máy ghi âm nhỏ, vì thế việc phân phối băng casette rất dễ dàng và không dễ bị nghi ngờ. Một số băng đã được ngay cả các nhà kinh doanh đem lén ra nước ngoài và xuất bản các bài viết này trên các tạp chí ở hải ngoại.
Einestages: Sau đó, Diễn Đàn Tự Do cũng được in. Mục tiêu nội dung là gì?
Hoạt: Bản tin gồm có ba phần: Phần đầu tiên là một bình luận chính trị, do chính tôi viết. Phần thứ hai liên quan đến các vấn đề xã hội và văn hóa tại Việt Nam. Trong phần thứ ba chúng tôi in và dịch bài viết từ các tạp chí quốc tế như Times hay Newsweek. Các tạp chí này đã bị cấm tại Việt Nam, sự hiện hữu các báo này rất hạn chế. Chúng tôi có một người bạn có điều kiện truy cập các báo này.
Einestages: Làm thế nào nhà nước đã truy tìm được ông?
Hoạt: Nó bắt đầu từ khi các bài viết của chúng tôi được in ở Mỹ. Tôi đoán công an chìm đã mật báo về Sài Gòn và họ tự hỏi: Ai làm điều đó? Để bảo toàn sự an ninh, chúng tôi đã chia thành ba nhóm độc lập, mà chỉ có một mình tôi biết những người đứng đầu các nhóm: một nhóm viết, một nhóm in và một nhóm phân phối. Cuối cùng họ đã bắt được người đứng đầu nhóm phân phối, và sau đó họ bắt giữ tôi.
Einestages: Ông đã làm gì?
Hoạt: Tôi không muốn các bạn bè của tôi cùng bị bắt. Vì thế tôi đã chối quanh cả tuần để kéo dài thời gian. Tôi biết trong thời gian này một người bạn của tôi sẽ xuất ngoại sang Mỹ. Người bạn này không liên hệ gì với Diễn Đàn Tự Do cả. Cuối cùng, tôi thừa nhận rằng tôi là biên tập viên, nhưng chỉ có viết một hai bài thôi. Sau đó, tôi khai báo rằng người duy nhất biết tên của tất cả các tác giả những bài viết là bạn tôi – người bạn vừa mới rời khỏi Việt Nam.
Einestages: Bản án của ông vào năm 1990 còn nặng hơn bản án vào năm 1976 – lần này ông nhận lãnh bản án 20 năm. Tại sao?
Hoạt: Đầu tiên họ cáo buộc tôi chỉ tuyên truyền chống nhà nước, nhưng sau đó họ truy tố gắt gao hơn: họ cáo buộc rằng, tôi muốn lật đổ chính phủ. Điều này không đúng. Chúng tôi chỉ luôn luôn tranh đấu cho tự do, dân chủ và một hệ thống đa đảng và có nói rằng nếu Liên Xô đã chuyển đổi, tại sao Việt Nam không?
Einestages: Làm sao bạn sống sót trong thời gian qua?
Hoạt: Tôi bị đưa đến một trại lao động và quyết định tiếp tục hoạt động chính trị. Tôi đã trao đổi với các tù nhân chính trị khác về sự thay đổi ở Đông Âu nhằm mục đích khuyến khích họ. Và tôi luôn luôn đưa lén thư từ ra khỏi trại tù rồi ra hải ngoại. Chúng tôi biết rằng các tổ chức như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế và Phóng Viên Không Biên Giới sẽ can thiệp cho chúng tôi. Điều này đã thúc đẩy tôi. Tôi tin chắc, một ngày nào đó họ cũng phải trao trả tự do cho tôi.
Einestages: Nhà nước đã phản ứng như thế nào khi biết rằng ông vẫn tiếp tục viết bài về chính trị?
Hoạt: Tôi đã bị chuyển giao đến các trại khác nhiều lần. Khi họ nhận ra rằng tôi vẫn tiếp tục viết, họ đã đưa tôi đến miền sâu phía bắc, cách Hà Nội một trăm cây số. Tuy nhiên tôi vẫn đưa lén được một lá thư đến Mỹ. Tôi lên án họ vi phạm nhân quyền, chăm sóc y tế thiếu sót tệ hại, cai tù đánh đập và hành hạ tù nhân dã man, lao động cực khổ khắc nghiệt. Vì các thư tố giác này, tôi đã bị hoàn toàn cô lập. Tôi lại bị đưa đến một trại ở một khu vực xa, miền núi, không xa biên giới của Lào. Ở đó tôi bị giam biệt lập. Lính canh tù trừng phạt tất cả những ai lân la đến gần phòng tù biệt lập của tôi.
Einestages: Ông có bị tra tấn?
Hoạt: Đôi khi tôi bị đánh đập. Nhưng tra tấn về tinh thần còn tồi tệ hơn sự tra tấn về thể xác. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi nếu tôi không tìm thấy một phương cách để đối phó với tình trạng cô lập. Tôi đã hát lớn tiếng mỗi ngày và tự nói chuyện với bản thân mình. Các lính canh tù nghĩ rằng tôi điên. Tôi đã điên thật sự nếu tôi đã không làm như vậy.
Einestages: Ông được thả vào năm 1998, một phần vì sự can thiệp của các tổ chức quốc tế. Từ đó ông sống ở Mỹ. Điều gì đã thay đổi kể từ đó tại Việt Nam?
Hoạt: Đảng Cộng sản không thể cô lập xã hội mãi mãi. Người ta có nhiều tự do hơn để làm kinh doanh hoặc ra nước ngoài. Trong các lãnh vực khác, đặc biệt là trong chính trị và văn hóa, nhà nước chưa cởi mở. Họ nỗ lực kiểm soát Internet. Và vẫn còn có tù nhân chính trị, thậm chí chính phủ không bao giờ xem họ là tù chính trị.
Einestages: Ông có muốn trở về quê hương của ông?
Hoạt: Điều đó họ không cho phép tôi. Tôi chỉ được thả với điều kiện tôi phải rời khỏi Việt Nam. Vì vậy, ban đầu tôi không muốn đi, nhưng sau đó vợ tôi thuyết phục tôi. Tôi sẵn sàng quay trở lại để giúp đất nước tôi.
Được dịch ra tiếng Việt bởi Trần Văn Khôi
Những trí thức ở trong nước có biết đến tên GS Hoạt đều kính nể sự hy sinh đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của ông. Nhưng những năm tháng trong lao tù CSVN thì nay tôi mới biết. Tôi không ngạc nhiên vì sự tàn bạo của CS đói với tù nhân, nhất là tù nhân chính tri. Những năm tháng trong lao tù của họ, đã làm nản lòng những kẻ cầm quyền, Trước sự bất khuất của tù chính trị, buộc bọn cầm quyền quen dần bài học thất bại, tiến tới dần chấp nhận đa nguyên. Tôi luôn biết ơn GS Đoàn viết Hoạt và các tù nhân chính trị khác.