WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Văn hóa Cái Cổng

Ảnh phối 5 cổng chào ở cửa ngõ thủ đô. Ảnh VnExpress

Nhân có chuyện nực cười về việc xây dựng “tạm” mấy cái cổng chào của Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội để chào đón “1000 năm Thăng Long”. Xin được mạn phép chia sẻ đôi dòng về chuyện Cái Cổng, Cái cửa Ô cũ của Thăng Long – Hà Nội xưa và cái cổng chào.

Chiếc cổng làng ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, từ ngàn xưa đã đi vào ca dao, điệu hò, câu hát qua các thời kỳ văn hóa. Cái cổng làng tuy khá đơn sơ, nhưng lại mang một ý nghĩa văn hóa và thể hiện quan niệm về hành chính hết sức khái quát. Trong sinh hoạt văn hóa, ngoài vị trí số một trong làng xã đó là Đình Làng, thì Cổng Làng là một vị trí lý tưởng số hai cho việc giao lưu hẹn hò nam nữ.

Ngày thường cái cổng làng còn là nơi vui chơi cho trẻ nhỏ những chiều đón Mẹ đi làm đồng xa, hay chơi trò nhảy dây, bắt bướm. Cổng làng có lúc biến thành cổng chào để mừng đón năm mới, hội làng, chào đón các đoàn khách phương xa, đôi khi nó cũng là nơi nghênh đón cả những nhân vật là sĩ tử, quan lại thành danh trở về làng cũ …

Một điển hình cho làng xã có nhiều cổng làng nổi tiếng nhất Bắc Bộ Việt Nam, đó chính là Hà Nội. Hà nội – Thăng Long xưa, khi chưa có bàn chân của người Tây Âu, cụ thể là người Pháp đặt đến, thì vẫn là một vùng kinh kỳ theo lối quần cư Kẻ Chợ làng xã, bao gồm các làng nghề và làng làm nông nghiệp.

Chính vì có sự cư ngụ quần cư của nhiều làng ở Thăng Long xưa, cho nên  các cổng làng nơi đây cũng rất phong phú. Cổng làng của Hà Nội – Thăng Long thời cổ còn giữ một vị trí quân sự đặc biệt, nó là nơi canh gác vòng ngoài cho sự an toàn của nhà vua, cùng với quần thần và dân chúng bên trong. Một số cổng làng nằm ở vị trí then chốt trên thành lũy, án ngữ mạch giao thông chính (cả đường bộ và hướng đi ra bến cảng) dẫn vào trung tâm Thăng Long xưa được gọi là Cửa Ô.

Có lẽ đại bộ phận người dân Việt Nam đã bị lầm là Hà Nội chỉ có năm Cửa Ô qua lời bài hát của nhạc sỹ Phan Nhân “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng… đường lộng gió thênh thang năm cửa ô”. Kỳ thực Hà nội cổ có đến hơn hai chục Cửa Ô, như ô Đông Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa, Cầu Giấy, Kim Mã, Thanh Bảo, Kim Liên, Trung Hiền, Tây Long, Đông Yên, Quan Chưởng vv…Nhiều cửa ô nhất ngoảnh mặt ra sông Hồng, có lẽ là khu vực đê Yên Phụ, đoạn từ ô Yên Hòa kéo dài đến khu vực phía nam Hà Nội.

Với kết cấu “ba vòng”, kinh thành Thăng Long thời cổ (từ năm 1010) bao gồm vòng ngoài là La Thành (bằng đất), tiếp đến là hệ thống làng mạc thôn xóm, tiếp nữa là đến Hoàng Thành (cũng bằng đất), sau nữa là đến lớp hào và Long Phượng Thành cung điện của nhà vua. Đây là một kiểu thành lũy dùng “áo giáp sống” cho cung vua bằng một hàng rào dân cư trong các làng mạc, thông nhau và dẫn ra ngoài bằng các Cửa Ô.

Năn 1805 thành Thăng Long được vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) xây dựng lại, có quy mô nhỏ, nhưng kiên cố, với chất liệu là đá Ong, gạch Vồ và đá Xanh. Thành này mở ra năm cửa theo các hướng Đông, Bắc, Tây, Tây Nam, và Đông Nam. Có lẽ người ta gọi “năm cửa ô” là với lý do như vậy. Mãi đến năm 1831vua Minh Mạng mới đổi tên Thăng Long thành Hà Nội…

Về chuyện cái cổng chào. Có lẽ việc làm các cổng chào “chuyên chào” ít ngày rồi phá bỏ, mới chỉ nở rộ trong thời hiện đại. Chiếc “cổng” loại này chế độ Cộng Sản thường dùng trong các dịp mít tinh, hội thao, hội thảo. Dân dã thì làm cổng chào trong lễ cưới, nhà hàng thì làm cổng chào chiêu khách vv…

Với “nhiệm vụ” chào là chính. Nhưng những chiếc cổng chào “ngàn năm Thăng Long” mà Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Thành Uỷ, đứng đầu là tiến sĩ Phạm Quang Nghị phê duyêt, đang bắt buộc phải gánh những gánh nặng “oằn lưng” về tinh thần và vật chất không đáng có. 4 chiếc cổng chào chính thức được phê duyệt ngày 28/06/2010 sẽ hiện diện trên các tuyến đường dẫn vào trung tâm Hà Nội: Đường số 1 (đường Một). Đường Bắc Thăng Long- Nội Bài. Đường Hà Nội Lạng Sơn. Đường Láng – Hòa Lạc.

Dự kiến 4 chiếc cổng chào nói trên sẽ tốn khoảng 40 – 50 tỉ đồng Việt Nam. Nhưng nó còn phải “mất công” giải phóng mặt bằng cho một diện tích khá lớn là khoảng 20 ngàn m2 đất, chi phí đền bù hẳn là không nhỏ, thậm chí với giá đất của Hà Nội hiện nay, có thể tiền đền bù còn lớn hơn cả tiền xây dựng cổng chào. Số diện tích đất này sau khi “chào” xong thì sẽ làm gì? Liệu nó có được đem ra “quy hoạch” hộ dân cho các lãnh đạo Đảng Cộng Sản các cấp ở trung ương và Hà Nội hay không? Chưa ai được biết.

Tuy chiếc cổng chào chỉ có mỗi một việc là “chào” như đã nói ở trên. Nhưng hiện nay các nhà “kiến trúc sư…học” – Lãnh đạo của thành phố Hà Nội – Lại đang bắt chiếc cổng chào phải gánh thêm các yếu tố văn hóa, góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, cũng như bề dày lịch sử, giá trị văn hóa của vùng đất Thăng Long vv…

Với các cổng chào đều nằm trên các đoạn đường cao tốc dẫn vào Hà Nội, các phương tiện chủ yếu là cơ giới lưu thông với tốc độ cao. Người tham gia giao thông sẽ chẳng kịp nhìn thấy rõ ràng và tất nhiên là chẳng… kịp hiểu là họ đang được “chào” những nội dung gì! Vậy thì mục đích quảng bá, hay giới thiệu đâu còn có ý nghĩa?

Một chi tiết khá là hài hước vì mâu thuẫn nhau đó là: Ngày 25/06/2010 Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội (UBNDHN) gửi văn bản cho Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam xin ý kiến góp ý, và ngày 30/06/2010 thì Hội Kiến Trúc Sư mới có văn thư trả lời, đại ý: “Không thể góp ý vì thời gian quá gấp”. Nhưng trong văn bản ngày 28/06/2010 UBNDHN lại viết “Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chuyên môn, ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án lắp dựng cổng chào”.

Sự việc trên đúng là một việc làm hết sức trí trá từ cơ quan đầu não của Thủ Đô, thật là hổ thẹn và chẳng ra làm sao cả!!!

Cái cổng làng, và cái cửa ô Thăng Long xưa là những nét đẹp văn hóa truyền thống, in đậm dấu ấn lịch sử phát triển của cả một đất nước. Nhưng người ta đang bôi xấu nó bằng cách dàn dựng kiểu “chào” và “chuẩn bị chào” tại các “cửa ô tạm” hết sức tốn kém, khiên cưỡng và dối trá. Phải chăng nét văn hóa, nền văn hiến, không cần nằm ở chiều sâu kiến trúc hạ tầng, và lối sống của người Hà Nội mà chỉ cần thể hiện ở cái cổng chào. Than ôi!

© Lê Nguyên Hồng

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Văn hóa Cái Cổng”

  1. Bến Tre says:

    Xây bằng giấy đi, lễ hội xong rồi thì đốt bỏ, kẻo nó sập rồi thì mất công dọn dẹp lắm , mất hết thì giờ đi tăng ba.

Phản hồi