WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cảnh giác với hình thái “tư bản thân hữu”

Từ bài học của các nước láng giềng, nhà báo Trần Trọng Thức cho rằng: “Đừng nên xem thường hình thái “tư bản thân hữu” vốn có thể công phá bất cứ chế độ chính trị nào, mà hậu quả gây ra là tài nguyên đất nước ngày càng nghèo đi cho một số người giàu lên bằng sự kết hợp giữa quyền lực và lợi ích”.

Đánh giá hoạt động của Tập đoàn Vinashin, các cơ quan quyền lực lẫn cơ quan chức năng có những nhận định giống nhau, đó là: năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo tập đoàn còn yếu kém; đầu tư mở rộng quá nhanh, dàn trải trên nhiều lĩnh vực; nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành chính của mình; quá nhiều dự án thua lỗ nặng nề, dẫn đến tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản với khoản nợ ước tính lên tới 86.000 tỷ đồng….

Thật ra thì những sai phạm trên đây đã được dư luận và giới chuyên môn cảnh báo từ nhiều năm trước, thế nhưng con tàu Vinashin vẫn thản nhiên tiếp tục dấn sâu vào và vẫn không ai có trách nhiệm ngăn chặn hay xử lý kịp thời, cũng như không làm rõ ai và cấp nào đã phê duyệt các dự án trái với qui hoạch.

Suy cho cùng thì qua sự đổ vỡ của Vinashin có hai điều đáng lo: Một là sự “vung tay quá trán” của Vinashin chẳng phải là sản phẩm độc quyền của “ông lớn” này mà là mẫu số chung của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước khác. Cứ xem cuộc chạy đua giữa các tập đoàn thời gian qua trong việc đầu tư vào các lĩnh vực địa ốc, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… thì rõ.

Thứ hai cần cảnh giác về hình thái “tư bản thân hữu” từng diễn ra tại nhiều nước trong khu vực vào thời kỳ đầu kinh tế phát triển, mà hậu quả để lại cho các chính quyền đương nhiệm rất nặng nề, đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Indonesia và Philippines là những bài học về sự câu kết của chính quyền các cấp và giới tài phiệt.

Chẳng hạn câu chuyện của Indonesia. Sau khi giành độc lập từ Hà Lan năm 1949, tổng thống Sukarno, rồi đến tổng thống Soharto lên cầm quyền vào năm 1968 đều dựa vào giới tài phiệt để củng cố quyền lực và làm giàu cho gia đình. Cách làm dễ nhất là giao “vốn tự có” của đất nước như rừng, khoáng sản và một một số đặc quyền thương mại cho người thân trong gia đình, dòng họ, cá nhân thân tín. Các nhóm kinh doanh này ngày càng mạnh, nhanh chóng trở thành thế lực tài phiệt có khả năng chi phối cả chủ nhân của họ và trở thành những nhóm áp lực mà nhiều trường hợp đã tác đông đến các quyết định của những nhân vật chủ yếu trong chính quyền. Đây là một bài toán chính trị cổ điển từ xa xưa được vận dụng vào điều kiện thị trường và là hệ quả đương nhiên do lãnh đạo đất nước nuôi dưỡng một số nhỏ các nhóm đặc quyền mà khi nhìn ra nguy hại thì đã quá trễ.

Đọc lại tạp chí Forbes và những trang trên sách Asian Godfathers của tác giả Joe Studwell có những số liệu rất đáng quan tâm. Tại Indonesia, đến nay 40 gia đình giàu nhất đất nước này có tài sản trên 50 tỷ USD. Còn Top 10 những gia đình như Adaro, Hartono, Kirana… trong hai năm qua tài sản đã tăng gấp ba lần nhờ thế lực chính trị và những lợi thế độc quyền trong khai thác ngành than, dầu khí và tài chính ngân hàng. Thông tin gần đây cho biết số gia đình giàu có ở Indonesia chỉ chiếm 1/10.000 dân số nhưng đang nắm giữ 90% của cải toàn xã hội. Tỷ lệ này cao hơn ở Mỹ nơi 20% số người ở Top giàu có đã chiếm 80% của cải.

Còn tại Philippines, những tên tuổi như Cojuangco, Tan, Lopez, Villar… được nhắc đến trong giới tài phiệt nhờ độc quyền thương mại và khai thác lâm, khoáng sản, không ít thành viên trong số họ đã tham gia chính trị để hỗ trợ kinh tế gia đình.

Philippines là nước thứ hai trong khu vực cũng có hoàn cảnh tương tự Indonesia. Là thuộc địa của Tây Ban Nha rồi đến Mỹ (1898), sau khi giành được độc lập năm 1946, chính phủ cũng dựa vào một số nhỏ các nhà tài phiệt để củng cố quyền lực.

Giới quan sát quốc tế vẫn chưa quên vị tổng thống thứ 10 của đất nước này là Marcos, có biệt danh “Mr 10%” vì tất cả hoạt động kinh doanh đều phải qua tay ông và các nhóm thân hữu. Hậu quả là cho đến nay, Philippines sau bao đời tổng thống tìm cách thoát khỏi gọng kìm của các thế lực tài chính từ thời ông Marcos vậy mà vẫn chưa làm được.

Mặc dù đất nước này được hình thành theo mô hình dân chủ pháp trị, hiến pháp Philippines được soạn với sự tư vấn của chuyên gia Mỹ, nhưng “văn hoá chính trị” vẫn là sự toa rập giữa chính quyền các cấp và giới tài phiệt.

Như vậy mới thấy, đừng nên xem thường hình thái “tư bản thân hữu” vốn có thể công phá bất cứ chế độ chính trị nào, mà hậu quả gây ra là tài nguyên đất nước ngày càng nghèo đi cho một số người giàu lên bằng sự kết hợp giữa quyền lực và lợi ích.

Trông người mà ngẫm đến ta cũng có không ít điều lo lắng. Tuy hoàn cảnh lịch sử, thể chế chính trị khác các nước láng giềng nhưng ai dám cam đoan rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng khóa chặt các cửa ngỏ thâm nhập của “tư bản thân hữu”. Có người lạc quan cho rằng “ông ấy” chỉ đang chờ chực ngoài cửa, chưa đặt chân vào nhà, thế nhưng cũng đã cho anh lính tiền trạm là các “nhóm lợi ích” phát ra những tín hiệu thăm dò.

Ngăn chặn tác hại của tình trạng quyền và lợi câu kết với nhau thì việc xây dựng một luật pháp kinh doanh thật sự lành mạnh còn quan trọng hơn nhiều so với sự tập trung quản lý vốn nhà nước hay giám sát hoạt động của các tập đoàn theo “luật chơi” cũ. Cũng như trong một gia đình, đứa con đã hư hỏng rồi thì việc giám sát chỉ hạn chế được thiệt hại, còn như muốn đưa nó vào hành lang đạo lý thì cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Nguồn: Trần Trọng Thức, tuanvietnam

Phản hồi