WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bên cạnh tòa đại hình

Rất nhiều người trưởng thành dưới giảng đường Xã hội chủ nghĩa tại Sài Gòn không hề xa lạ với Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM. Một tòa cao ốc hiện đại, kiến trúc tân kỳ điểm xuyến nhiều nét mỹ thuật biểu trưng rất ấn tượng. Phòng đọc yên tĩnh, thoáng mát. Khuôn viên giải lao rộng rãi, cây cảnh hài hòa. Hai hàng ghế đá sạch sẽ rất lãng mạn dưới những cội sứ già. Mặt tiền thư viện nhìn ra đường Lý Tự Trọng. Bên kia phố, thấp thoáng sau vòm lá cổ thụ là mái ngói đỏ của Tòa đại hình thực dân ngày nào.

Không ít những trang sách chúng tôi phải đọc, phải tìm hiểu, nói về bao lớp người đã dấn thân để cởi bỏ xiềng xích nô lệ cho dân tộc. Mỗi tấm gương hy sinh cao cả của họ là một viên gạch tẩm máu, góp phần xây dựng bệ phóng cho đất nước này vươn tới độc lập và tự do. Những cái chết thật đẹp. Đẹp nhất vẫn là bài ca cuối cùng của họ, hiên ngang bất khuất trước vành móng ngựa và máy chém thực dân, đế quốc.

Những trang sách trong tòa thư viện ấy đã kể cho chúng tôi nghe lịch sử của chính mảnh đất dưới phòng đọc, của con đường trước mặt và cả cái kiến trúc thực dân đồ sộ bên kia đường. Thì ra thư viện nằm trên nền cũ của Khám lớn Sài Gòn khét tiếng, hình thành không lâu ngay sau khi người Pháp vừa chiếm được Nam Kỳ. Chỉ riêng danh sách những người cộng sản “kinh qua” khám lớn đã dài dằng dặc với những cái tên rất nổi tiếng: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Tống Văn Trân, Mai Chí Thọ…

Nhân vật đặc biệt nhất, ấn tượng nhất với tuổi trẻ chúng tôi không ai khác, chính là Lý Tự Trọng. Theo các tài liệu chính thống, giữa tòa đại hình, Lý Tự Trọng đã bác bỏ luận điểm bào chữa của luật sư (cho rằng anh chưa đến tuổi thành niên, đã hành động không suy nghĩ): “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Khi chánh án hỏi có ăn năn gì không, Lý Tự Trọng đã thẳng thắn: “Không ăn năn gì cả!”.

Mười bảy tuổi, “Ông nhỏ” Lý Tự Trọng (như cách gọi tôn kính của cai ngục) hiên ngang bước lên chiếc máy chém đặt trong khuôn viên khám lớn Sài Gòn.

***

Những lúc rãnh rỗi, chúng tôi thường lân la gạ hỏi những thủ thư dễ tính trong thư viện về một lượng sách cấm đọc đồ sộ. Có người nửa đùa nửa thật: “Chỉ cần đọc dăm quyển sách ấy là đủ điều kiện bước sang đường, đứng trước vành móng ngựa của Tòa án nhân dân TP. HCM”. Chúng tôi không hiểu câu nói ấy, hay sự lãng mạn mang tên Lý Tự Trọng, đã kích thích không ít người tìm đọc bản lưu chiểu hai năm 1975 – 1976 của báo Sài Gòn giải phóng. Lọc được danh mục sách cấm, chúng tôi đến thư viện Khoa học xã hội cách đó không xa, cũng trên đường Lý Tự Trọng. Ở đây người quản lý đỡ nguyên tắc hơn, chúng tôi có thể nhờ vả một số học giả có đặc quyền tiếp cận kho sách cấm. Họ sẽ đứng tên trên phiếu mượn sách giùm chúng tôi. Chúng tôi thật ngỡ ngàng trước chân trời kiến thức rộng mở, trong những tập giấy sờn cũ dầy mỏng khác nhau, ngoài bìa có các tên tuổi đã được nền báo chí chính thống liệt vào loại “phản động”: Aristote, Bergson, Nietzche, Jung Carl Gustave, Francoise Sagan, Boris Pasternak, Witold Gombrowicz, Jean Paul Sarte…

Từ đó về sau, mỗi lần đi ngang qua Tòa đại hình cũ để đến thư viện, chúng tôi hay im lặng, bâng khuâng ngắm nhìn nét uy nghi của kiến trúc thực dân. Chúng tôi vẫn đọc sách cấm, những hôm bài vở chính khóa thư thả. Đôi lúc trí tưởng tượng bay bổng, chúng tôi còn hình dung ra cảnh ai đó thuộc thế hệ chúng tôi sẽ biến một phiên tòa kết tội đọc sách cấm thành diễn đàn đòi hỏi tự do, ít nhất là tự do tiếp cận tri thức nền của nhân loại.

Lý Tự Trọng thật hạnh phúc. Một nhà báo phương Tây đã mô tả ngày cuối cùng của anh như sau: “Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!”.

Chúng tôi biết, thế hệ của mình sẽ là một thế hệ cô độc và mất mát, ít nhất là trong phiên tòa tưởng tượng kia (nếu có). Cuộc cách mạng của chúng tôi không phải để cứu chuộc một dân tộc nô lệ ngoại bang, nên nó không dễ hiểu chút nào với đại bộ phận quần chúng, thậm chí với cả những quan tòa và thẩm phán. Chúng tôi chỉ có tri thức và khát vọng thời đại là lý tưởng duy nhất, để phấn đấu, hy sinh. Chỉ mong rằng trước quyền lực bảo thủ luôn kề cận nguy cơ tha hóa, chúng tôi sẽ không hổ danh là thế hệ nối tiếp của những con người hiên ngang, bất khuất như Lý Tự Trọng.

May mắn là, cho đến bây giờ, phiên tòa ấy vẫn chưa diễn ra. Có lẽ bởi vì chúng tôi không cực đoan tin rằng việc thay thế một thể chế là điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng văn hóa tận gốc rễ, như phong trào Duy Tân của Minh Trị chẳng hạn.

***

Hôm nay, dưới mái ngói đỏ của Tòa đại hình thực dân cũ, một phiên tòa khác đang diễn ra. Ba trong bốn người đứng trước vành móng ngựa thuộc về thế hệ chúng tôi. Hình như chúng tôi chưa bao giờ gặp họ tại hai kho sách khổng lồ của thư viện Tổng hợp và Xã hội trên đường Lý Tự Trọng. Dù đáng tiếc, chúng tôi vẫn thành tâm cầu chúc họ may mắn, sớm thoát khỏi vòng lao lý để đoàn tụ với gia đình và xã hội.

Sài Gòn 20 tháng Một, 2010.

© Trương Thái Du
© Đàn Chim Việt Online

Phản hồi