Trở lại quận Cam: Nơi cánh cửa thứ nhất
Từ phía trái
Người Việt ta có câu, “Sông có khúc, người có lúc.” Cả hai năm nay, tôi chưa trở lại xứ quận Cam của miền nam California. Mỗi lần lái xe xuống vùng ấy, tôi lại cảm nhận được ít điều mới lạ – về một nơi mà tôi tưởng đã rất quen thuộc. Ở cái xứ đông đúc, quá tải với người và xe cộ, tôi đến nơi khi buổi chiều vừa tắt nắng trong ngày thứ sáu cuối tuần vừa qua. Vừa đổ xe xuống đèo của dãy núi Angeles là chiếc xe của tôi đã bị giam hãm và cuốn hút vào trong hàng ngàn chiếc xe hơi khác trên các xa lộ kẹt cứng với những dòng lưu thông bất tận. Bao khúc sông xa lộ của thế giới nam California tràn ngập âm thanh – nhưng cái nhịp thời gian của con người ở đó hình như vẫn chưa ra khỏi cái lúc trong bao nhiêu hiện tượng nheo nhóc ngàn trùng.
Tôi gặp lại một số đông thân hữu xưa nay. Khánh Trường vẫn năng nổ phát biểu quan điểm – dù rằng anh đang ngồi trên xe lăn với giọng nói ngọng đi vì những cơn tai biến mạch máu não. Phùng Nguyễn và Đặng Thơ Thơ hăng say trong công việc của trang mạng Da Màu. Hoàng Chính Nghĩa vẫn khoẻ mạnh, vui tươi, thân ái. Đỗ Kh. và Nguyễn Thị Ngọc Nhung cũng bận rộn lo bàn chuyện tạp chí Thơ. Nguyễn Văn Hoá, Đỗ Thuận Khiêm tóc càng thêm bạc. Tôi cũng gặp lại Thân Trọng Mẫn, lúc nầy thấy khoẻ mạnh, trẻ trung hơn và vẫn liên tục hút thuốc lá. Mỗi lần gặp anh là vợ chồng chúng tôi chọc ghẹo anh về cái tật hút thuốc lá liên tục. Cái cách anh cầm thuốc lá trên tay, đưa hờ hững vào môi như là một “thương hiệu” rất là cá tánh. Nhớ đến những ngày tham gia làm báo với các anh bạn này hơn hai mươi năm trước – mà cứ ngỡ như hôm qua.
Đang ngồi uống cà phê đùm đám ở quán Gypsie trên phố Bolsa, tôi trông thấy anh Ngô Văn Quy, người bạn huynh trưởng Gia đình Phật tử ở Chùa Việt Nam, Los Angeles từ gần ba mươi năm trước. Anh Quy luôn luôn bận rộn. Tôi kêu tên anh to lên. Chúng tôi mừng rỡ gặp nhau. Anh tặng vợ chồng tôi một số mới nhất của tạp chí Hồn Việt – tờ báo đầu tiên của người Việt ở Mỹ từ 1975. Anh còn kèm thêm một tập thơ tình của anh vừa được xuất bản. Tập thơ mang tên “Vạt Áo Chưa Cài.” Trong đó có bài thơ ngắn, “Hái trái mù u”: “Khổ đau tôi đã tuyệt vời. Khổ đau xin gởi lại đời hôm nao. Hạt gieo trái đắng nhận vào. Hạt cay đắng có, ngọt ngào đã xa.” Tôi hỏi về chuyện Gia đình Phật tử và chuyện tình duyên. Anh băn khoăn chuyện đạo, chuyện đời. Anh nhìn ra chân trời, “Gia đình Phật tử thì chia ba phe. Còn tui thì đã sang đò bảy chuyến.” Anh đưa hai bàn tay lên ngang mặt mới có đủ hết ngón đếm cho bảy lần hôn nhân liên tục đến và gãy đổ chỉ trong vòng hai mươi năm qua. Anh vẫn đẹp trai, da mặt hơi nhăn đi chút ít – và vẫn ăn nói dịu dàng trong nỗi bận rộn liên tục của một người thanh niên đa tình xứ Huế như thuở nào.
Thời gian như “bóng câu qua cửa sổ” – và đi nhanh hơn ký ức của mình có thể gợi lại. Hầu hết các bạn mà tôi nay gặp lại đã ly dị vợ. Người thì năm bảy lứa, người thì mới ly dị năm rồi. Bên bàn tròn cà phê gần đó, có năm sáu anh em cựu quân nhân miền Nam liên tục kể chuyện đời lính, chuyện quân trường ba bốn mươi năm trước. Tôi nhìn sơ qua tạp chí Thơ mà Đỗ Kh. vừa mới trao cho, có bài thơ của Ý Yên viết về quân trường Thủ Đức trong những năm trước 1975: “Với nỗi niềm riêng cho Thủ Đức. Cùng lời cảm tạ nghĩa ân dài. Đã nuôi ta sống, dù nôi hẹp. Khi bước tìm về những nẻo mai.” Chiếc nôi thời gian trong khối ký ức quá hẹp đó hình như đang giam hãm cả một thế hệ thanh niên miền Nam lớn lên trong chiến tranh trước 1975. Đó là những chuyến tàu tình cảm không bao giờ rời bến quá khứ. Chỉ một hai năm lính trận mà đã cấu tạo toàn diện cá tánh và nhân cách của những đời người – dù họ đã di cư sang Mỹ hơn ba mươi năm rồi. Các anh em chỉ có những đề tài của quá khứ. Nguyễn Cao Kỳ, Trịnh Công Sơn, hay Bình Long, Hạ Lào, Đồng Đế. Những linh hồn quá khứ bốn thập kỷ đã qua ngày nay đã trở thành hiện tại và tương lai cho chính họ.
Chiều đến tôi hẹn gặp Cao Ngọc Quỳnh, tức Quỳnh Cao, một người trong nhóm sáng lập tạp chí Đàn Chim Việt thời ở Ba Lan từ khoảng mười năm trước. Tôi nhớ khi Quỳnh Cao đề nghị tôi viết cho Đàn Chim Việt trong những số đầu tiên, tôi đã gởi đến bài “Cái âm điệu tủi thân, bi đát.” Trong ban biên tập, chỉ có Quỳnh Cao là chịu đăng – mà không kiểm duyệt chữ nào. Đó là bài viết gây tranh cãi nhiều nhất trong khoảng thời gian đó. Anh là một mẫu người miền Bắc, sinh ra và lớn lên trong xã hội thời cộng sản, sang Liên Sô, rồi Ba Lan, trở thành một trong những trí thức đi từ miền Bắc bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam. Anh đã từng bị cấm về Việt Nam, sau lại cho về, nay lại bị cấm. Có lần đi chơi Lake Tahoe với anh cách đây năm năm cùng nhóm Đàn Chim Việt, Quỳnh Cao kể lại những chuyện mùa đông ở Moscow. “Cái lạnh ở đó kinh hoàng lắm ông Liêm ạ! Mỗi khi ông đi tiểu là vòi nước tiểu nó đông lại ngay như là nhánh cây nối dài con cu với mặt tuyết. Ông phải đưa tay ra bẻ nó vất đi mới kéo zip quần lại được!” Tôi tưởng tượng đến cơn lạnh kinh người như thế mà Quỳnh Cao và các bạn vẫn đã từng thức dậy ba bốn giờ sáng ra đứng giữa chợ trời để buôn bán, kinh doanh.
Nay thì Quỳnh Cao đang là lãnh đạo của một công ty đầu tư bất động sản ở quận Cam. Anh cho biết là kinh doanh của anh đang phát đạt, thương vụ đang cao. Công ty này chuyên môn mua lại các nhà bị ngân hàng tịch thu, cho sửa chữa lại và đưa ra thị trường bán. Nhà bán chạy như tôm tươi, anh nói. Những ai muốn mua, phải đặt cọc 50 phần trăm thì bọn tôi mới cứu xét. Tôi đến văn phòng của anh, Dragon Real Estate Investment Group, nằm trong một cao ốc trên đại lộ Beach ở Huntington Beach. Anh mở chai rượu vang Pháp mời tôi. Qua vài ly rượu, anh bắt đầu tâm sự.
Chuyện hôn nhân, chuyện Đàn Chim Việt, chuyện Việt Nam? Quỳnh Cao cho rằng tất cả đều đã là quá khứ. Anh nói, “Tôi thấy ai đến xứ Mỹ nầy, như là đi vào một lâu đài lớn, nhưng trước hết phải đi qua hai cánh cửa. Khi bạn bước qua cánh cửa thứ nhất, bạn phải chờ cánh cửa thứ hai mở. Nhưng trước khi cửa thứ nhì mở ra đón bạn, thì bạn phải ra tay đóng chặt cửa thứ nhất trước.” Quỳnh Cao cho rằng cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhất là ở quận Cam, vẫn còn đang ở tình trạng chân trong chân ngoài nơi cánh cửa thứ nhất. Thành ra phần lớn họ đang bị kẹt ở khoảng không gian “trong cũng không ra trong, ngoài cũng không ra ngoài.” Anh tiếp, “Đối với tôi, chuyện Đàn Chim Việt, chuyện Việt Nam, chuyện hôn nhân cũ, nay đã nằm bên ngoài cánh cửa thứ nhất mà tôi đã đưa tay đóng chặt. Tôi nay đã bước qua cánh cửa thứ hai. Tôi không nằm ở không gian lưng chừng nữa. Tôi dứt khoát. Và tôi đang rất là hạnh phúc và thưởng thức tối đa cuộc đời hiện nay sau khi đã vượt qua hai cánh cửa quá khứ của bản thân và đất nước.”
Quỳnh Cao đi xuống sân, mở cửa xe Benz mui trần, chở tôi đến một khu phố Việt Nam để massage và uống rượu. Anh cho biết rằng, mỗi cuối tuần anh đều tham gia vào một tổ chức lái xe mô tô loại lớn đi chơi các vùng đây đó. Trên các xe hiệu như Harley Davidson, Quỳnh Cao cho biết là anh cảm nhận được quyền lực và tự do trong hơi gió, tình thân hữu, tiếng xe máy cuồng nộ và các địa danh khác lạ, nhiều thích thú. Anh hỏi, “Tại sao lại cứ bị dính chặt lấy Việt Nam? Có cả triệu thằng nó đang lo chuyện đất nước đó. Ở xứ Mỹ nầy, có quá nhiều cơ hội để làm giàu, để thưởng thức cuộc đời. Hãy tận hưởng những gì xứ Mỹ này đang đem cho bạn. Hãy thoát ra khỏi nỗi ám ảnh Việt Nam.” Anh chỉ tay lên căn nhà chọc trời 15 tầng duy nhất ở đại lộ Beach và nói, “Tôi đang dự định sẽ mua cái building này!” Tôi nhìn theo ngón tay của Quỳnh Cao và thấy rằng ở hết cả quận Cam thì đây là một trong những buildings cao nhất.
Sáng hôm sau, tôi đi ngang lại phố Bolsa, ghé vào đường Moran, trước tòa soạn của các báo Việt Báo, Việt Tide, và Người Việt. Đây là “hành lang kỷ niệm” của Việt Nam Cộng Hòa. Bên đường, Ngô Kỷ vẫn đứng đó, biếu tình, theo anh ta, cho đến khi nào mà báo Người Việt “treo cờ đỏ sao vàng” thì anh ta và các chiến hữu mới bỏ cuộc. Tôi nhìn Ngô Kỷ và những anh quân nhân Việt Nam Cộng Hoà mặc đồ rằn ri thưở nào mà thông cảm cho những linh hồn đang vất vưởng ở trong giai đoạn “purgatory” – giữa thiên đàng và địa ngục, giữa đời sống và cái chết, giữa kiếp này và kiếp sau, giữa quá khứ và tương lai.
Nothing abides. Thy seas in delicate haze
Go off; those mooned sands forsake their place
And where they are shall other seas in turn
Mow with their scythes of whiteness other bays (Mallock) (*)
Quận Cam có hai loại người. Những người đi từ miền Nam, như Ngô Kỷ, và các chiến hữu của anh. Họ là những kẻ không hề bước qua được cánh cửa thứ nhất. Họ sẽ mãi ở đó và sẽ không có một tương lai nào. Với các anh, chỉ có quá khứ thua trận đã tan mất bên ngoài cánh cửa thứ nhất mà họ không bao giờ có thể đóng lại được. Còn cánh cửa thứ hai thì vẫn và sẽ không mở ra chào đón vì các anh không đóng lại được cánh cửa thứ nhất.
Và loại người thứ hai, đi từ miền Bắc, như là Quỳnh Cao. Đây là loại người dù là đang phản đối lại chế độ chính trị cộng sản hiện nay, họ vẫn là linh hồn của những người đã và đang chiến thắng, từ lịch sử đến cuộc đời. Họ không ủy mị, không bi đát, không ám ảnh, không hoài vọng quá khứ. Họ là của ý chí hiếu sống và chiến thắng. Họ chỉ biết chinh phục cuộc đời trong hiện tại – bằng mọi cách và mọi giá. Tương lai người Việt ở Hoa Kỳ, và cả ở Việt Nam, chắc là sẽ vào tay lớp người thứ hai này.
(*) Tạm dịch:
Không gì còn mãi. Biển xanh của người trong nắng khói mong manh
Biến tan; những hạt cát nhuộm trăng từ bỏ chính mình
Và nơi đó biển dâu sẽ thay mặt
Cắt đi với chiếc hái trắng màu từ những vùng biển khác.
(Trích từ The Seven Mysteries of Life của Guy Murchie, 1999)
© Nguyễn Hữu Liêm
bài viết này qúa rõ ràng ,ông Nguyển hửu Liêm kêu gọi các ông đừng chống cộng nửa hảy cùng với ông về VN vui thú Điền Viên như ông