Ải Nam Quan trong lịch sử
Sau hơn 30 năm ra nước ngoài im hơi lặng tiếng, gần đây ông Liên Thành, cựu thiếu tá trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên Huế (xin viết tắt là LT), viết hồi ký nói lên những gì ông biết về tình hình chiến tranh, chính trị và xã hội tại Miền Trung Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1975.
Được tin LT sẽ ra mắt sách tại Sacramento, thành phố thủ phủ tiểu bang California vào đầu tháng 11 năm 2009. Đang là một cư dân tại thành phố nầy, tôi xin gởi lời chào LT, một đồng hương xứ Huế và cũng người đồng trang lứa với tôi. Trước cùng lớn lên và đã sống hơn nửa đời trong khung trời Huế và nay trong cảnh “tha hương ngộ cố tri!”.
Tập sách “Biến Động Miền Trung” (viết tắt BĐMT) và những bài viết của LT về một số nhân vật thành danh xứ Huế đã tạo nhiều dư luận xôn xao trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Xôn xao, bởi vì về mặt tâm lý, khát vọng lý giải hậu quả bi thảm của cuộc chiến Việt Nam đã trở thành một nỗi ám ảnh thường trực và chung thân đối với tập thể người Việt tỵ nạn ở nước ngoài. Sự phân định, xác quyết, chỉ danh điểm mặt hai tuyến nhân vật thiện–ác, chánh–tà trong cuộc tương tranh ba mươi năm đầy máu lệ là một nhu cầu tình cảm, tâm lý và tri thức của cả một thế hệ đang lần bước đến tuổi già, đang từng tháng, từng ngày thay phiên nhau về đất.
Trong một tiến trình truy tìm bằng chứng, phân tích, lý giải để tìm câu trả lời cho một vấn đề, nếu chỉ đứng về mặt phương pháp luận thì Đông – Tây rất khác nhau. Người phương Tây thiên về lý, phương Đông ta thiên về tình; phương Tây thường lý luận và chứng minh bằng dữ kiện khách quan độc lập, phương Đông ta thường suy diễn bằng cảm nhận và kinh nghiệm chủ quan tập thể. Xác định điều nầy để nói lên sự dè dặt và cẩn trọng cần thiết về tính khả tín – mức độ đáng tin cậy – khi đọc và tìm hiểu một bản tin thời sự hay một tác phẩm liên quan đến tình hình thời cuộc như LT và BĐMT.
Qua những điều LT đã viết và đã nói trên đài phát thanh, trong các buổi hội luận thì chi tiết nầy kia có chỗ khác nhau, nhưng nội dung và chủ đích chỉ có 3 điều nổi rõ hơn cả:
Thứ nhất, LT đã cố gắng tạo ra một bối cảnh xuất thân đầy sôi động về vai trò và quyền lực cá nhân trong vị thế trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên Huế quá nhỏ bé và giới hạn của bản thân mình trong bối cảnh chung của toàn đất nước bằng một thế giới thiên hình vạn trạng của lĩnh vực “tình báo”. Đó là một thế giới của mê hồn trận mà trong lịch sử chiến tranh và chính trị kim cổ, cho đến nay, con người vẫn còn hoang mang trong vấn nạn nhiều hơn là giải đáp vì nó dày đặc huyền thoại nhiều hơn là dữ kiện.
Thứ hai, LT đã cố ý cột buộc và đồng hóa phong trào đấu tranh Phật giáo 1963 và các hoạt động của Phật giáo trở về sau đều là cộng sản. Theo ông, các nhà sư Phật giáo trong hàng giáo phẩm lãnh đạo phong trào là đảng viên cộng sản. Từ đó, LT suy luận và diễn giải rằng, các sinh hoạt Phật giáo có liên quan gián tiếp hay trực tiếp với một tình hình xã hội miền Nam thời chiến đầy biến động là do Cộng sản Việt Nam (CSVN) điều khiển, giật giây. Tự phong cho mình vai trò phán quan của một kiểu tòa án mặt trận thời chiến pha trộn với hình thức ngôn ngữ của các cuộc đấu tố, LT cho mình quyền tự do mạ lỵ không tiếc lời các đối tượng mà ông đã “phán” là cộng sản.
Thứ ba, LT đã tự mình, cùng lúc, đứng ra làm thủ lãnh, chứng nhân, nạn nhân, quần chúng… của một thế giới ma để ông tha hồ gắn lên môi, lên mép, lên nhân dáng tưởng tượng của những người đã nằm im trong lòng đất những lời nói, ý tưởng, động thái, chứng tích không thể kiểm chứng và không còn ai đối chất. Từ đó, LT đã đơn giản yên trí rằng, ông đã “đả thông tư tưởng”, thuyết phục được độc giả và người nghe đứng về phía ông để cho đấy là “sử liệu sống” của thời nay.
Tìm hiểu phản ứng của một số người giới hạn có dùng internet và đọc sách báo tiếng Việt thuộc mọi thành phần xã hội, tôn giáo, có biết đến LT và BĐMT thì được biết thái độ của họ đã thể hiện trong nhiều cách thế khác nhau:
· Những người tin những điều ông nói là đúng sự thật và lên tiếng thì đứng khắp mọi phía bên nầy, bên kia; đằng nầy, đằng nọ nên kết luận phía nầy lắm lúc trở thành câu hỏi của phía khác.
· Những người cho LT là dối trá thì phản ứng lạnh nhạt. Họ cho rằng đây chẳng qua là một cuộc đánh trống khua chiêng của LT tự quảng cáo mình một cách dễ dãi phù hợp với bản chất cố hữu của ông từ trước tới nay với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhóm “Phù Ngô phục hận” đầy bản lĩnh đang đứng ở hậu trường (?!)
· Những người có quan tâm mà im lặng thường không phải là họ không biết, nhưng chỉ vì vấn đề và hoàn cảnh chẳng đáng quan tâm nên không đáng nói mà thôi.
Trong giới hạn của một bài viết ngắn dưới hình thức “đôi điều góp ý”, thay cho lời chào hỏi xã giao khách phương xa đến viếng vùng mình, người viết không có tham vọng và có lý do đứng ở một vị trí nào đó để làm công việc biện minh không cần thiết và phán xét chưa đủ căn cứ cho các nhân vật và hoàn cảnh đã được nêu lên trong BĐMT. Những nhân vật lịch sử và những ván bài thời cuộc xin trả về cho lịch sử sẽ phán xét công bằng và chung quyết. Đây chỉ là đôi lời dấy lên như một phản ứng “qua đường thấy việc bất bằng chẳng tha” mà thôi. Xin đi vào nội dung:
Điệp báo và nói láo:
Đó là nhan đề cuốn sách “Of Spies and Lies” của John F. Sullivan viết về mặt trận tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Nội dung cuốn sách đã trực tiếp hay gián tiếp nhắc đến nhiều trường hợp các nhân sự Việt Nam trong giới thường dân, công chức, cảnh sát, quân đội… làm cộng tác viên, điểm chỉ viên với các đơn vị tình báo của Mỹ đã bị các đơn vị đặc nhiệm phản tình báo của CSVN đánh tráo tin tức. Sự đánh lừa trong nhiều trường hợp đã tạo ra những nguồn tin sai lạc nhằm gây mâu thuẫn, phân hóa, chia rẽ, hạ bệ và bôi đen phẩm cách của những nhân vật “bị” nổi tiếng mà xét ra không có lợi cho ý đồ lâu dài trong sách lược chiếm trọn miền Nam của họ. Giới tình báo hành chánh bị lừa ngồi trong công sở và bàn giấy chỉ việc rung đùi nghe báo cáo từ các cộng tác viên, yên chí lớn là đã “nắm vững tin tức tình báo” để phản ứng. Thái độ chấp nhận vấn đề – dối trá hóa thật – mà cứ mang ảo tưởng là nắm vững và giải quyết được vấn đề đã góp phần tạo nên những tai họa cho địa phương và cả miền Nam sau nầy.
Đọc phần nói về vai trò tình báo bao quát trong mọi lĩnh vực, thấu suốt mọi vấn đề, nắm vững mọi hoàn cảnh, thấy được mọi ngõ ngách bao gồm luôn cả ta, địch và đồng minh của LT trong BĐMT, người đọc có cảm tưởng như đang coi chuyện võ hiệp kỳ tình. Trong đó, chưởng môn LT ngồi trong trướng võ đàn mà thấy hết hoàn toàn thiên hạ sự. Vì vậy, có thể tạm gọi BĐMT là một tập “hồi ức tạp ghi”… nghĩ chi nói nấy của tác giả LT; còn rất xa mới đủ tính khả tín của chứng tích và sử liệu.
Được biết LT lên tiếng là chỉ chấp nhận tranh luận “sự nghiệp tình báo” của ông với những người ở trong lĩnh vực tình báo mà thôi (?!). Riêng kẻ viết những dòng nầy chẳng thuộc nòi hổ báo, tình báo gì cả; nhưng chưa hẳn là kẻ “ngoại đạo” trong lĩnh vực nầy. Không biết nên chăng cần hé chút tâm sự riêng rằng, tôi đã từng dịch những hồ sơ “classified” cho Peter Downs, giám đốc cơ quan xã hội Tin Lành Việt Nam (VNCS: Vietnamese Christian Social Services) suốt mấy năm liền song song với nghề dạy học. Sau nầy mới biết ông ta là cục phó CIA đặc trách miền Trung. Vì chỉ “dịch nhi bất tác” nên sau 1975, tôi chỉ bị đuổi dạy, lái xe lam mà khỏi đi tù. Tôi có hai người anh ruột. Ông anh cả là chỉ huy trưởng lực lượng Biệt Kích Dù lần lượt ở các trại Biệt Kích trọng điểm như Thượng Đức, Khâm Đức và Khe Sanh, gắn liền số phận sinh tử với các tổ nhảy toán tình báo vào đất địch. Anh đã tử trận ở Khe Sanh năm 1967 – “Biệt Kích Dù vị quốc vong thân!” Ông anh thứ hai cũng ở trong lĩnh vực tình báo của quân lực Việt Nam Cộng hoà (VNCH), làm ở phòng an ninh Không đoàn 41. Thời gian làm việc với P. Downs và hoàn cảnh anh em chia sẻ, thông tin thường xuyên cho nhau đã giúp tôi học hỏi, làm quen và có được cái nhìn không ảo tưởng về một thế giới mà người khí tiết, kẻ gian tà, nhóm trung thành, phường phản bội biến hiện, quần thảo nhau như bóng với hình thường khó lòng phân biệt. Đó là thế giới tình báo hay nhân danh tình báo. Và, thêm vào đó, bản thân tôi cũng là chuyên viên điều tra tòa án (court investigator) về các hồ sơ tội phạm ngược đãi thanh thiếu niên thuộc chương trình CPS của chính phủ Hoa Kỳ trong suốt 18 năm công tác liên tục tại Sacramento.
Học hỏi và kinh ngiệm đã chỉ cho tôi biết rằng, đánh giá kết quả tình báo, điều tra là nhìn vào thành quả chứ không thể căn cứ vào hiện tượng chiến thuật và sách lược biểu hiện đầy vẻ “dung dăng, dung dẻ” biến hiện không lường trên bề mặt nổi. Kiểu cách dùng lời lẽ đại ngôn để vẽ hươu, vẽ vượn cốt làm hoa mắt thiên hạ về những điều vừa mâu thuẫn, vừa không thể nào chứng minh được là một lối diễn xuất phường tuồng, chẳng dính dáng gì đến tổ chức tình báo và tác dụng của tình báo đích thực cả.
Hoàn cảnh thực tế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ LT làm trưởng ty cảnh sát chỉ còn cái lõi thành phố là tương đối còn an ninh trong phập phồng lo sợ. Có thể nói đây là thời kỳ tệ hại nhất về mặt an ninh của xứ nầy. Chiều chiều, từng đoàn người dân quê trong độ tuổi lao động từ các vùng nông thôn phải đạp xe đạp lên thành phố ngủ trọ qua đêm. Bốn phía đều trở thành những vùng xôi đậu, ngày Quốc gia, đêm Việt cộng. Đi xe đạp rời khỏi cột cờ Phu Văn Lâu chừng 10 phút ra khỏi giới hạn An Hòa, Bao Vinh, Chợ Dinh, Dạ Lê, Thủy Xuân, Phường Đúc… sau chạng vạng tối là đã nơm nớp lo sợ du kích cộng sản bắt cóc hay bắn sẻ bất cứ lúc nào.
Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, 1968 của CSVN trên toàn miền Nam thì Huế bị rơi vào tình trạng thê thảm nhất. Trên 5000 người dân vô tội bị thảm sát. Theo các nguồn thông tin đáng tin cậy thì thủ phạm điểm chỉ bắt người và giết người là những giao liên du kích cộng sản nội thành mà phần đông trước đó, đã quen đường thuộc lối, lên núi và về đồng bằng; vào thành phố Huế dễ dàng như đi chợ. Nếu LT có một mạng lưới tình báo “cái gì cũng biết” như ông nói thì thực tế đau thương của Huế tự nó đã phản bác nghiêm khắc lời tự phong vu vơ, hoàn toàn thiếu căn cứ của ông. Theo tác giả chuyên nghiệp tình báo về cuộc chiến Việt Nam, James J. Wirtz, viết trong sách “Tổng công kích Tết: Sự thất bại của tình báo trong chiến tranh” (The Tet Offensive: Intelligence Failure in War) thì tình báo Mỹ đã biết trước cuộc tổng công kích nầy từ tháng 11 năm 1967, nhưng chưa xác định được ngày giờ đích xác. Sự thất bại của tình báo Mỹ bắt nguồn từ sự thất bại của tình báo Việt Nam, mặc dầu đã biết trước sự cố từ hơn 3 tháng trước.
Sự đại ngôn thái quá của LT trong lĩnh vực tình báo đã gây tác dụng ngược cho các chi tiết về những nhân vật và hoàn cảnh mà ông đã đưa ra với dụng ý chứng minh, phân loại và phê phán theo quan điểm tố cộng cực đoan và bất nhất riêng của mình. Mức độ đáng tin cậy về tính chất thiện, ác; chánh, tà của người và việc trong BĐMT cũng theo sự thổi phồng sai sự thật đó mà rơi xuống mức độ thấp nhất, hay trong nhiều trường hợp đã bị hiểu ngược lại. Chào mừng LT đến Sacramento, tôi chỉ muốn nhắc với người anh em đồng hương, đồng tuổi, thuộc dòng dõi quý tộc triều Nguyễn rằng, bản chất của tình báo là sự thông minh (intelligence) chứ chẳng phải là ngược lại.