WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sau những đàn áp, tù đày, vẫn là hi vọng

(Đọc sách: Tiếng chim báo bão của Tiêu Dao Bảo Cự. Nxb Tiếng Quê Hương, Falls Church – Virginia 2009. 646 trang)
 
Trong thời chiến tranh ở Việt Nam vào những năm 1960 và 1970 có nhiều người sống ở miền Nam đã đứng về phía cách mạng để đấu tranh cho một đất nước thống nhất, hoà bình, cho dân tộc thoát vòng lệ thuộc ngoại bang, cho tự do, nhân bản của con người Việt Nam. Trong số đó có Tiêu Dao Bảo Cự, hoạt động từ thời sinh viên cho đến khi vào đời đi dạy học và viết văn.

Là sinh viên của Đại học Huế, ông đã tham gia phong trào sinh viên tranh đấu và đã bị cảnh sát chính quyền Việt Nam Cộng hoà giam giữ trong năm cuối bậc đại học. Sau đi dạy học, ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút qua nhóm Việt, hoạt động nội thành cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và cộng tác với tạp chí Đối Diện do một nhóm linh mục Công giáo là Nguyễn Nghị, Trần Tam Tỉnh, Chân Tín chủ trương. Tờ báo nhiều số bị tịch thu vì được dùng làm diễn đàn đòi quyền dân tộc tự quyết, tự do báo chí, kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc theo tinh thần bản Hiệp định Ba Lê 1973.

Năm 1974 ông gia nhập Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam, một tổ chức trá hình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiến tranh chấm dứt vào năm 1975 và sau đó đất nước thống nhất, Bảo Cự hoạt động thanh niên trong Mặt trận Tổ quốc tại Bảo Lộc rồi tham gia sinh hoạt văn hoá, làm phó tổng biên tập tạp chí Langbian ở Đà Lạt. Những năm 1987 – 89 là thời điểm Việt Nam có chính sách đổi mới, mở cửa giao tiếp với phương Tây. Với không khí đỡ nghẹt thở hơn, Bảo Cự trở lại con đường dùng văn học để đòi tự do tư tưởng, thông tin và dân chủ cho Việt Nam. Cùng với một số bạn văn nghệ như Bùi Minh Quốc, nhà thơ Hữu Loan, ông đã dành hơn một tháng làm cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, gặp gỡ giới trí thức văn nghệ để vận động dân chủ.

Những việc làm của Bảo Cự đưa đến hệ lụy ông bị mất việc và bị khai trừ khỏi Đảng. Nhưng tiếng nói của Bảo Cự trong giai đoạn đó không chỉ là đơn lẻ, trước và sau đó đã có người vạch ra những chính sách độc tài mà Đảng Cộng sản đã áp dụng trên toàn cõi Việt Nam sau khi nắm quyền cai trị toàn đất nước. Những Lê Văn Hảo, Đoàn Văn Toại, Trương Như Tảng đã đi khỏi Việt Nam, những tiếng nói cất lên từ trong nước của Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đoàn Viết Hoạt, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Đan Quế, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Độ, Phạm Quế Dương, Trần Khuê…

Qua Tiếng chim báo bão, Bảo Cự vẽ nên hình ảnh một đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất còn nhiều vấn nạn. Trí thức tiếp tục bị đàn áp, còn nặng hơn chế độ miền Nam nếu so sánh với sự có mặt của tạp chí Đối Diện mà tác giả và nhóm Việt đã cộng tác với nhiều sáng tác thơ văn phản đối chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Hà Sĩ Phu sau khi công bố những tác phẩm của mình như “Chia tay ý thức hệ”, “Đôi điều suy nghĩ của một công dân”… thì bị công an sách nhiễu. Rồi đến vụ án Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang vào năm 1996 chỉ vì chuyền nhau đọc những góp ý của ông Võ Văn Kiệt với Đại hội Đảng khóa VIII mà đã bị án tù: Lê Hồng Hà 2 năm, Hà Sĩ Phu 1 năm và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù treo. Theo tác giả, chính sách đàn áp có những hiệu quả nhất định và đã khiến một số trí thức không muốn quan hệ, nhắc nhở đến Hà Sĩ Phu và đã tạo “sức ép nặng nề này lên tâm lý của trí thức trong nước”.

Nhưng bản thân tác giả hết lòng bênh vực Hà Sĩ Phu và còn tiếp tục lên tiếng đòi hỏi cải cách dân chủ, mở rộng tự do tư tưởng, phát biểu, khiến ông bị quản chế hành chánh hai năm do nghị định 31-CP.

Ông đã liên tục phản đối công an các cấp khi những quyền căn bản công dân bị vi phạm, như quyền đi lại, quyền trao đổi thông tin.

Qua nửa sau của quyển sách, những trang nhật kí ông ghi lại trong thời gian bị quản chế cho người đọc thấy chính sách kiểm soát của công an đối với không chỉ tác giả mà những người có quan điểm bất đồng với chính sách của nhà nước. Được nghe các đài tiếng Việt nước ngoài, như BBC, RFI, Chân Trời Mới nên tác giả nắm khá vững hoạt động của những thành phần bất đồng chính kiến trong nước và cả ở hải ngoại, những vận động quốc tế cho nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam mà truyền thông trong nước ít loan tin, hay nếu có chỉ mang tính xuyên tạc. Còn việc đi lại của tác giả bị giới hạn, bị công an theo dõi nên ông đã không thể tiếp xúc được với những người đồng quan điểm. Có liên lạc gì với bạn bè xung quanh thường là qua hiền thê của ông, là một giáo viên.
Điều đáng ghi nhận trong tác phẩm là những bài chính luận ông viết sau này, vào năm 2008, cho thấy dù kinh qua bao nhiêu đàn áp, sách nhiễu và cả việc giam lỏng, ông vẫn tin sẽ có sự hoà giải hoà hợp giữa người Việt với nhau. Chính điều này đã gây nên nghi ngờ và tranh cãi trong chuyến đi Mỹ của ông và hiền thê vào năm 2008.

Trong bài viết “Hoà giải hoà hợp (?!)” Bảo Cự có nhận xét rất đúng rằng khi đưa ra chiêu bài hoà giải hoà hợp, cộng sản Hà Nội đã làm phân hoá những thành phần chống đối họ và “lôi cuốn được những người có thiện chí hay nhẹ dạ” và “Với sự chống đối của nhiều người Việt, nhất là ở hải ngoại, người cộng sản mặc nhiên độc quyền về hoà giải hoà hợp.”

Tác giả đề nghị tại sao không “dùng hoà giải hoà hợp để củng cố sức mạnh dân tộc và như một phương thức diễn biến hoà bình trên mọi lãnh vực” là điều nhà nước Việt Nam đang lo sợ nhất.

Quá lo sợ nên từ đầu năm nay Hà Nội đã dành cho những nhà bất đồng chính kiến như Lê Công Định, Trần Khải Thanh Thuỷ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung những bản án nhiều năm tù. Tiến trình hoà giải hoà hợp xem ra vẫn chỉ là niềm hi vọng chưa biết sẽ đến với dân tộc trong tương lai xa hay gần.

© Buivanphu

Phản hồi