Cảm nhận từ “Thông Điệp Hy Vọng Và Trách Nhiệm”
“Hy Vọng”, “Trách Nhiệm” là hai trong nhiều phạm trù tâm lý và ý thức quan trọng của con người. Con người sẽ buồn chán, mất ý chí vươn lên khi không có niềm hi vọng. Con người cũng sẽ mất tính tự giác, khi vô tình hoặc hữu ý quên đi trách nhiệm của bản thân mình trước những hiện trạng, sự việc đang diễn ra trong nội tâm và ngoại cảnh của họ…
Đầu tháng 07/2010 tôi được một người bạn gửi tặng cuốn sách: “Thông điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng. Cuốn sách không quá dày, chỉ gồm 271 trang, do Nhà xuất bản Mạch Sống ấn hành. Đây là một cuốn sách tổng hợp các bài viết, bài phát biểu của tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng trên một số diễn đàn mở của Uỷ Ban Cứu Trợ Thuyền Nhân Vượt Biển (BPSOS), do chính tiến sĩ Thắng đảm nhận vai trò giám đốc điều hành. Trong đó có những bài viết chưa công bố, nay được xuất bản trong cuốn “Thông điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm”.
Trong thời đại phát triển với tốc độ siêu tốc hiện nay, việc đầu tư một quỹ thời gian lớn để đọc một cuốn tiểu thuyết dày hàng ngàn trang, đối với đại đa số người đọc là một việc làm xa sỉ. Nhất là đối với những công chức mẫn cán. Trước hết, nhận định về cuốn sách “Thông điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” của tiến sĩ Thắng. Người đọc sẽ cảm thấy rất thoải mái về thời gian dành cho cuốn sách.
Như đã nhắc đến ở trên, người đọc sẽ không bị “lệ thuộc” vào độ dài của cuốn sách theo kiểu “muốn biết ai là người sẽ giết được Ngụy Diên, xin đọc hồi sau sẽ rõ” của truyện Tam Quốc. Cuốn sách “Thông điệp Hi Vọng và Trách Nhiệm” được chia thành 3 phần chính, tám chương, được kết nối trong 101 bài có tính độc lập, nhưng không nằm ngoài tư tưởng chủ đạo và phục vụ tư tưởng chủ đạo của người viết. Vì vậy người đọc có thể chỉ cần tranh thủ ít phút nghỉ ngơi là đã có thể đọc được một bài trong tổng số 101 bài viết ấy. Đây là một phong cách viết mới, rất phù hợp với nhịp sống của xã hội hiện đại.
Với nội dung xuyên suốt của cuốn sách là những băn khoăn, trăn trở về hiện tình xã hội Việt Nam đương đại, những khó khăn và thuận lợi trong việc vận động đổi mới cho Việt Nam. Vấn đề tổ chức sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại nhằm tạo thế đứng cho người Việt trong Dòng Chính của nước sở tại. Vấn đề cứu trợ cho đồng bào trong nước, người tị nạn, nạn nhân thiên tai, nạn nhân của bọn buôn người vv… Tác giả đã vạch ra một chương trình hành động cụ thể trong 10 năm để thay đổi về căn bản cho cộng đồng Người Việt ở nước ngoài cũng như trong nước.
Là một nhà hoạt động nhân đạo, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã khai triển tinh thần Nhân Đạo của cuốn sách. Ông đã vạch ra những phương hướng và phương pháp hành động nhân đạo cho người Việt hải ngoại. Những kiến thức căn bản này đã được chính tiến sĩ Thắng và BPSOS áp dụng thành công trong vài thập kỷ qua, đối với nhiều vụ việc cụ thể, như vấn đề “Tạo nội lực quần chúng”, “Vận động tự do tôn giáo”, “Dùng thế, thay vì dùng lực” vv… để có đủ sức mạnh hỗ trợ và cứu trợ cho người Việt đang gặp hoạn nạn.
Đối với phạm trù Dân Chủ, tác giả của “Thông điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” nhắc lại giá trị nhân bản của nếp sống nặng tình, trọng nghĩa của người Việt trước và trong chiến tranh (1954- 1975). Tiếp đến, tác giả khẳng định “đạo đức là khởi điểm để xây dựng, là nền tảng để gìn giữ dân chủ”. Sau cùng tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng chú ý đề cập đến vấn đề “Đạo đức và Dân Chủ”. Đây là một cách nhìn “nhìn thẳng” vào sự việc, không né tránh. Xin trích:
“Đối xử với nhau thiếu đạo đức thì niềm tin suy giảm rồi tan biến, người ta đến với nhau qua những tính toán cơ hội để rồi không sớm thì chầy sẽ gắn ô và thanh trừng lẫn nhau. Xã hội ấy chỉ có tan mà không có hợp, chỉ có cấu kết mà không có đoàn kết”. Một đoạn khác: “Đã đến lúc mọi người trong chúng ta cần dứt khoát đòi hỏi đạo đức nơi những người, những tổ chức, những đảng phái tự nhận là tranh đấu cho dân chủ”.
Có lẽ, tuy không làm chính trị và không phải là một nhà chính trị, vì tiến sĩ Thắng thành công trên học đường và đề tài nghiên cứu bằng học vị chuyên ngành kỹ thuật. Nhưng với đặc thù công việc của một vị giám đốc BPSOS, là thường xuyên tiếp xúc với các nạn nhân của nền chính trị lạc hậu phản dân chủ trong chế độ Cộng Sản Việt Nam. Bởi vậy tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng có sự quan tâm đến vấn đề chính trị của Việt Nam là điều đương nhiên. Vì chỉ có cách, giải quyết tận gốc mọi nguyên nhân căn bản dẫn đến các vấn nạn người tị nạn, nạn buôn người, lao nô, nô lệ tình dục và bao chuyện bất công khác ở Việt Nam, thì mới có thể chấm dứt được đau khổ cho đồng bào. Đó là con đường làm sao thay đổi cho Việt Nam trở thành một nước Tự Do, Dân Chủ.
Nói chung, để phê bình một cuốn sách, lại là một cuốn sách giàu tính triết lý sâu sắc như cuốn “Thông điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” của tác giả Nguyễn Đình Thắng, chắc chắn khuôn khổ một bài báo sẽ không bao giờ lột tả hết được mọi khía cạnh. Trên cương vị của một độc giả, người viết bài này chỉ có một mong muốn: Giới thiệu đến các độc giả khác, một tác phẩm văn học chính trị xã hội thuần Việt, chứa đựng nhiều thông tin và kiến thức thời đại đáng để mọi người tìm đọc và suy ngẫm.
© Lê Nguyên Hồng
© Đàn Chím Việt