WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bi hài vé số dạo

Hình như không có quốc gia nào trên thế giới có số lượng người bán vé số dạo nhiều như ở Việt Nam, bởi lẽ đi bất cứ nơi nào, đứng hay ngồi bất cứ đâu, chưa đầy 5 phút bạn đã bị một tập vé số xỉa ngay vào mặt mời mua. Cứ bình quân 10 phút có 1 tập vé số chỉa vào, bất kể bạn đang bận thưởng thức tô hủ tíu hay đang tập trung thảo luận công việc quan trọng với người khác. Trừ phi bạn trốn vào các quán café, nhà hàng máy lạnh cao cấp có cửa kín, có hai chú bảo vệ ngồi gác cửa hai bên thì bạn mới “thoát nạn” vé số quấy nhiễu.

Vé số “trên từng cây số”

Cách đây không lâu, tôi được tham gia một chuyến du lịch xuyên Việt từ Sài Gòn ra đến tận Lạng Sơn trong thời gian 15 ngày bằng đường bộ, theo kiểu đêm lên xe đi ngày đổ xe lại để khách tham quan, còn bác tài thì tranh thủ ngủ. Suốt quảng đường hơn 2.000 cây số từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc quay ngược vào Nam, tôi phát hiện ra một chuyện là: đặc sản thì tùy theo vùng, miền, nơi có nơi không, riêng vé số dạo thì phát triển “phủ sóng toàn quốc”, có mặt “mọi lúc mọi nơi” bất kể đó là thôn quê hay thành thị, miền núi trung du hay đồng bằng. Nơi nào càng đông người như: chợ, các danh lam thắng cảnh, chùa chiền, nhà thờ, khu thương mại, nhà hàng, khách sạn… thì người bán vé số dạo càng nhiều.

Vào quán cà phê, quán ăn, tôi chưa kịp kêu ly nước uống hay kêu tô mì ăn thì đã thấy xuất hiện ngay trước mặt một người bán vé số số chìa ngay tập vé số vào mặt mình để mời mua, còn nhanh hơn cả mấy tay bồi bàn của quán. Vừa lắc đầu từ chối xong, bụng đói cồn cào, đang “cắm mỏ” vào cái tô bỗng dưng cảm thấy tay áo mình bị giật giật (có lúc thì khều khều vào lưng), quay lại thấy một “tên” vé số khác đang nhe răng cười nham nhở hỏi: “Số hông?”. Lại nói “Không” rồi ăn tiếp, trong bụng thầm chửi: “Buôn bán gì mà vô duyên, bộ hổng thấy người ta đang ăn sao mà cứ kêu mua vé số? Trên đời này có ai điên tới mức đang ăn mà bỏ dở chừng cho “cơm lạnh, canh nguội, hủ tíu nở tè bè” để lựa vé số không?”.

Vậy chớ khều khều hay giật giật áo còn đỡ vô duyên hơn mấy “tên” gặp lúc khách đang bàn thảo công việc với người khác một cách xôm tụ thì nhào tới cắt ngang câu chuyện mà chìa tập vé số vào. Nếu khách lắc đầu từ chối thì “tên kia” đứng ỳ ra đó để… hóng chuyện làm khách cau mày khó chịu.

Vé số “kèm người” ở Sài Gòn

Nếu như trước đây đội quân bán vé số dạo là trẻ em, người lớn có sức khỏe chịu đựng nắng gió, mưa bão khi lang thang suốt ngày ngoài đường và có “tiềm năng” đi bộ trên địa bàn rộng để buôn bán; thì thời gian gần đây, Sài Gòn xuất hiện tình trạng vé số “kèm người”. Tức là người tàn tật, người già yếu, trẻ em còn đỏ hỏn… ngồi lê lết trên xe lăn, xe đẩy, có khi là miếng ván gắn bánh xe với tập vé số, “đính kèm” theo là một người đẩy xe, kéo ván (nam hoặc nữ) có phần khỏe mạnh hơn cả người mua vé số. Bất kể thời tiết nắng như nung chảy người ra, khói bụi mịt mù hay những cơn mưa như trút nước gây ngập lụt của Sài Gòn. Cặp “đôi lứa xứng đôi” vé số dạo này lê la khắp các nẻo đường Sài Gòn, từ bến xe buýt, chợ, vỉa hè, quán ăn, quán cà phê… mặc cho người yếu, người bệnh như nhũn ra trên chiếc xe lăn (hay miếng ván), phều phào cất giọng van nài kẻ lại người qua mua vé số.

Vào chợ, dừng chân trước một quày, chưa kịp chọn hàng tôi đã phải lắc đầu từ chối lời mời của một cặp “vé số kèm người”. Tôi vừa mua hàng vừa hỏi chị bán hàng: “Tại sao cái người khỏe đang đẩy xe không để người yếu ở nhà, lôi họ theo phơi nắng phơi mưa làm gì cho thêm khổ họ trong khi sức khỏe họ yếu ớt thế kia, đau bệnh lại tốn thêm không ít tiền thuốc?”. Chị chủ hàng cười khẩy nói rằng: “Họ muốn khêu gợi lòng trắc ẩn, đem người tàn tật ra làm sức ép bắt người ta phải mua vé số. Mấy trường hợp này là tôi không bao giờ mua”.

Vé số “vạn lý độc hành”

Tuy nhiên, có những người hoàn cảnh đơn chiếc không người chăm sóc, suốt ngày lê tấm thân già nua mệt mỏi đi bán vé số sống qua ngày, mà bà Tư còng vé số ở khu vực quận 1, Sài Gòn là một ví dụ.

Tôi gặp bà cụ vóc người thấp nhỏ, tóc trắng phau phau, lưng còng xuống, tay cầm một xấp vé số chừng hơn 10 tờ chậm chạp đi trên vỉa hè ngay ngã 3 Huyền Trân Công Chúa – Nguyễn Du. Cụ mặc cái quần đen và cái áo sơ mi bông xanh áo đã cũ mèm, kiểu áo so với cụ có phần xì-tin (chắc là ai đó đã cho cụ). Khi đi, lưng cụ gần như song song với mặt đất và tạo thành một góc vuông với chân. Cụ cố gắng ngẩng đầu lên để nhìn đường đi, nếu nói rằng trông cụ giống như con rùa già đang bò với cái đầu ngóc lên cũng không ngoa. Thấy tôi đứng trước tiệm café, cụ đưa xấp vé số ra cất giọng yếu ớt rè rè mời: “Cô mua số giùm tui”. Tôi cầm mấy tấm vé số lật qua lật lại rồi hỏi: “Bà ơi, có ít tờ quá vậy làm sao lựa số?”. Bà cụ trả lời bằng giọng miền Nam: “Lấy bi nhiêu đây thôi, bán hết dô đại lý trong chợ Bến Thành lấy tiếp. Nhiều quá tụi lưu manh nó dựt hết. Tui bị nó dựt mấy lần rồi”. Tôi hỏi: “Bà ơi, cho cháu hỏi bà tên gì? Bà bao nhiêu tuổi rồi? Nhà bà ở đâu? Bà có con cháu gì không?”. Bà lập cập nói: “Người ta kêu tui là bà Tư còng vé số. Tui 85 tuổi rồi”. Rồi bà cứ lặp đi lặp lại câu: “Bà Tư còng vé số, nhà ở Thủ Đức, nhà mất rồi, đi kinh tế mới mất nhà rồi”. Tôi lại hỏi to lên: “Bà ơi, tối bà ngủ ở đâu? Bà có con cháu gì không?”, thì bà như chợt bừng tỉnh, nói: “Tối đi xe bít (tức xe buýt) dề ngủ ở ga Hòa Hưng, người ta cho ngủ nhờ. Thằng con tui bị liệt mấy chục năm nay”.

Tác giả Tạ Phong Tần và bà Tư Còng

Tôi mua giúp bà cụ 7 tờ vé số loại 10 ngàn đồng/tờ. Đưa cụ tờ giấy bạc 100 ngàn, bà lần tay vào dưới lớp áo lấy ra cái túi vải có dây rút (trong Nam kêu là túi nhái) lấy tiền ra thối lại tôi 1 tờ 50 ngàn và 1 tờ 20 ngàn. Tôi nói: “Bà ơi, bà thối lộn rồi. Thối lại 30 ngàn thôi”. Bà đứng ngơ ngác trước hai tờ giấy bạc, không biết nên lấy lại tờ tiền nào, miệng lẩm bẩm: “Thối lộn. Thối lộn”. Tôi lấy tờ bạc 20 ngàn, đưa trả cụ tờ 50 ngàn và nói: “7 tờ 70 chục ngàn, cháu biếu bà thêm 10 ngàn, bà thối lại 1 tờ 20 ngàn thôi”. Bà cảm ơn tôi và lấy lại tờ 50 ngàn. Khi nghe tôi nhờ một người bạn chụp dùm tấm hình với bà làm kỷ niệm, bà vội cố gắng đứng thẳng lên cho “hình đẹp”. Chụp hình xong, bà cụ lại lụi cụi lần từng bước vào quán café với dáng đi kiểu con rùa.

***

Một người bạn tôi nói rằng: “Sở dĩ bây giờ người bán vé số dạo nhiều vì hồi trước 1975 mỗi tuần xổ số có một lần. Còn hiện nay một ngày có đến 2-3 đài xổ số, mà ngày nào cũng xổ”. Tôi cãi lại: “Mấy nước khác người ta cũng xổ số, cũng có bán vé số, nhưng người mua vé số phải đến tận tiệm bán vé số mà mua, chớ đâu có ai hễ bước chân ra đường là bị nguyên một “đội quân” vé số bao vây như xứ mình đâu?”. Tôi thầm hỏi mình trong đội quân bán vé số dạo mỗi ngày có bao nhiêu người “sảy nhà ra chợ” như bà cụ Tư còng? Đã có bao nhiêu nông dân mất đất, mất nhà, không nghề nghiệp (như ở Cồn Dầu) phải nhập thêm vào “đoàn quân” vé số?

Nguồn: Blog Tạ Phong Tần

Phản hồi