WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chuối nếp miền tây

Nói đến chuối thì Tây, Tàu, Ta gì cũng biết bởi giàu nghèo gì, ở bất nơi đâu trên trái đất này, ai mà chẳng một lần được nếm qua trái chuối. Chuối là cây lương thực quan trọng có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới có lẽ do nó dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, khí hậu của nhiều châu lục.

Chuối có rất nhiều loại, riêng ở Việt Nam đã có các tên gọi thông dụng như: chuối già, chuối xiêm, chuối sứ, chuối cơm, chuối sáp, chuối mật, chuối tiêu, chuối cau, chuối tây, chuối ngự, chuối hột, chuối rừng, chuối bù hương, chuối trứng Cút, chuối lửa, chuối lá, chuối dong…

Người miền Nam phân biệt từng loại chuối rất kỹ lưỡng, chi tiết. Riêng giống chuối già cũng đã chia ra: già hương, già lùn, già cui (cao, bự, mập). Chuối xiêm cũng chia ra hai loại: xiêm trắng và xiêm đen.

Nghe nói chuối ngự là chuối ngày xưa trồng để dâng vua dùng, dân thường không được ăn. Chuối cau và chuối xiêm thường dùng cúng trên bàn thờ vì hai hoại chuối này ăn ngon nhất, để lâu không hư, trái lớn vừa phải nên khi chưng bàn thờ nhìn cân đối, đẹp mắt chớ không nằm bít hết bàn thờ như những loại chuối khác. Chuối cau còn mắc tiền hơn chuối xiêm, dù so với chuối xiêm trái nó nhỏ xíu (bằng ngón tay cái). Chuối cau trái nào trái nấy vàng tươi, da căng bóng mịn màng, vỏ lột ra mỏng tanh, cắn vào miệng ngọt lịm, thơm phức. Người bình thường có thể ăn một mình hết hai nải chuối cau trong chớp mắt. Đặc biệt, người miền Tây không bao giờ dùng chuối già để cúng, vì một liên tưởng “tục tĩu”(?!)

Thời gian sau này, cùng với trào lưu “cái gì cũng đem ngâm rượu” thì chuối hột “lên đời”. Người ta thi nhau săn lùng trái chuối hột đập dập dập, phơi héo héo rồi ngâm rượu uống trị bệnh “cao huyết áp”. Uống rượu chuối hột hết bệnh hay không chưa có ai thống kê, kiểm chứng, nhưng người ta vẫn cứ thi nhau uống, bởi ăn chuối thì “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, chớ ăn chuối có bao giờ chết đâu mà sợ.

Tuy nhiên, trong tất cả các loại chuối thì phần lớn dùng để ăn tươi, ăn chín và ăn chơi làm món tráng miệng sau bữa cơm. Duy nhất chỉ có chuối xiêm là được dùng chế biến ra nhiều món ăn khác như: chuối luộc, chuối nướng, bánh chuối, chuối chưng, chè chuối, làm nhân bánh tét, nhân bánh dừa, xào dừa, kem chuối, canh chuối, chuối nếp nướng. Thường thì người ta dùng chuối xiêm đen để chế biến món ăn rất ngon. Kẹt quá hổng có xiêm đen “chơi” luôn xiêm trắng cũng tạm được. Chuối xiêm trắng nếu làm bánh sẽ ăn có vị hơi chua, không ngon bằng xiêm đen.

Có người nói rằng chuối xiêm tức là chuối sứ. Tôi không biết người vùng khác thế nào, chớ dân miệt Nam Kỳ Lục Tỉnh thì xiêm là xiêm, còn sứ là sứ, bởi hình dáng và chất phẩm xiêm khác sứ xa một trời một vực. Sứ to trái hơn xiêm nhiều và ăn dở hơn, lạt hơn, thịt trái chuối bở hơn, sứ thì không bao giờ dùng chế biến ra món gì hết.

Chuối xiêm đen là đặc sản của miền Tây Nam Bộ, nhiều nhất là ở Mỹ Tho (Tiền Giang bây giờ). Xiêm đen ngay từ khi còn xanh vỏ, trái chuối đã có lốm đốm màu xam xám, đen đen, khi chín có màu vàng đậm, những nốt đen đen không hề mất đi mà sẫm màu hơn. Trái chuối khi chín vỏ mỏng, lột ra no tròn, màu trắng đục, ruột chính giữa màu vàng. Nếu luộc hay làm bánh, phần ruột này chuyển sang màu đỏ sậm, cắn vào có cảm giác sần sật, giòn và dẻo, ngọt lịm.

Trước năm 1975, đường cát trắng, cát vàng nhiều loại không nói làm gì, bởi con nít tụi tôi không quan tâm đến mấy thứ đó. Loại đường rẻ nhất gọi là đường chảy (còn có tên khác là đường thùng), do nó được mấy tiệm tạp hóa mua nguyên thùng thiếc vuông vuông màu trắng đem về khui ra bán lẻ. Bên trong thùng chứa một loại đường dẻo dẻo đóng cục, như đất sét màu vàng sậm. Khi mua, người bán lấy cái “nằm” bằng cây thọc vô thùng nạy ra, vít một cục đường bỏ lên dĩa cân để bán. Loại đường rẻ kế tiếp gọi là đường thẻ vì nó được làm thành từng “thẻ” màu vàng sậm, bóng loáng như thanh sô-cô-la, nhưng cứng và bự bằng bàn tay người lớn. Đường chảy, đường thẻ vị ngọt gắt và mùi gắt. Loại thứ ba cao cấp hơn đường thẻ là đường “móng trâu” màu vàng tươi hơn, ngọt dịu hơn và thơm hơn. Kêu là “móng trâu” do nó được in thành từng miếng dẹp dẹp giống như cái móng con trâu. Con nít có vài đồng xu trong túi, hay chạy ra tiệm tạp hóa mua vài cục đường thẻ hay móng trâu, về cầm tay nhâm nhi như ăn kẹo.

Hồi tôi còn nhỏ, con nít nhà quê không có quà bánh gì ngoài mấy món: xôi nếp, khoai, bắp, chuối luộc, nướng, nấu chè. Mà cũng ít khi được ăn chè lắm. Thử hỏi sau năm 1975 đường bán theo tem phiếu, mỗi tháng một gia đình có nửa ký đường chảy thì lấy đâu ra nhiều đường mà nấu chè? Người ta phải nghĩ tới món gì đó ăn vẫn ngon ngọt mà tốn ít đường. Và một trong số những món “ngon ngọt” độc đáo thời đó là chuối nếp nướng.


Lâu lâu, được mẹ cho tiền, tôi lại chạy qua hàng xóm đưa tiền trước để được ngồi hàng giờ bên bà bán chuối nếp nhìn bà làm bánh. Món chuối nếp nướng gồm có chuối xiêm đen, cơm nếp và nước cốt dừa. Chuối lựa thứ vừa chín hườm hườm, khi nướng chín ăn không ngọt gắt nhưng cứng cứng, dẻo dẻo, nhai ngon miệng hơn. Cơm nếp nấu hơi nhão một chút, chờ nó nguội rồi lấy từng nắm dàn mỏng trên lá chuối. Lấy một trái chuối xiêm đã lột bỏ vỏ để lên miếng cơm nếp. Dùng cơm nếp bao lại toàn bộ trái chuối, bóp nhẹ cho nếp dính chặt lại rồi lấy miếng lá chuối xanh quấn quanh cục cơm nếp có nhân chuối bên trong (lúc này có thể kêu là trái chuối nếp) cho nó đừng dính lẫn nhau. Nếu sợ nó bung lá chuối ra, thì xé một miếng lá chuối mỏng nhỏ cột hờ xung quanh là xong. Khi ta xếp trái này lên trái kia, tự chúng nó sẽ đè lên nhau nên không thể bung lá gói bên ngoài ra được. Bà hàng xóm tôi lấy cơm nếp bọc hết trái chuối này đến trái chuối khác, cho đến khi xếp đầy một thau nhôm những cục nếp trắng bọc lá chuối xanh (chừng bốn nải chuối), thì bà ngưng lại đi làm nước cốt dừa.

Chuối nếp ngon là nhờ có nước cốt dừa. Dừa khô nạo lấy cơm, đổ thêm nước nóng vào nhồi, vắt lấy hết nước cốt béo, bỏ xác dừa đi. Cho nước béo đó vào tô để lóng một chút cho phần béo nổi lên trên, lấy vá hớt chừng nửa chén để qua một bên. Phần nước cốt còn lại cỡ hai tô lớn, bà đổ hết vào nồi, cho thêm chút bột gạo, chút đường, chút muối vào quấy đều rồi bắt nồi lên bếp nấu, đến khi nước dừa trong nồi sôi lên sền sệt thì bà cho thêm bột báng đã ngâm nở sẵn, quậy đều cho nó sôi lên lần nữa. Bà đổ hết chén nước béo đã múc riêng lúc nãy vào nồi, quấy cho đều qua một lượt rồi nhắc xuống. Bà nói như vậy thì nước cốt dừa mới béo, mới thơm, để nước béo trên bếp nấu lâu chất béo sẽ trở thành dầu dừa, ăn không ngon nữa. Xong rồi bà rang đậu phộng với chút muối, giã ra trộn với chút đường làm “muối mè.”

Bà quạt than trong cái thau nhôm cũ cháy lên hừng hực, bắn ra từng chùm tia lửa sáng như pháo hoa, rồi bưng bếp than để trước hiên nhà. Bà gọi tôi giúp bà bưng thau chuối nếp, xách xô nước rửa chén ra. Tôi thích thú chờ bà sai biểu, mỗi lần như vậy, khi bán cho tôi bao giờ bà cũng cho thêm một trái và múc cho tôi một vá bự nước cốt dừa chan vào dĩa.

Bà xếp những trái chuối nếp xanh xanh lên cái vỉ trên bếp than rồi nướng, vừa dùng tay trở qua trở lại cho chín đều, vừa quạt than cho đến khi lớp lá chuối xanh bọc ngoài cháy hết lộ ra lớp nếp màu nâu vàng giòn khấu, bà mới gắp trái chuối nếp để lên mâm. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối cứng cứng sần sật. Có khách mua, bà lấy mấy trái chuối vừa nướng xong để lên dĩa, dùng cái dao nhỏ xắn mổ banh “bụng” trái chuối nếp ra, chan nước cốt dừa vào ướt đẫm, rắc thêm lên trên một chút “muối mè”.

Trong cái không khí lành lạnh, mưa lất phất bay, ngồi nép mình trước hiên nhà ăn trái chuối nếp nóng hôi hổi, cắn vào vừa giòn, vừa dẻo vừa ngọt lịm. Mùi béo của nước cốt dừa, vị ngọt dẻo của chuối, của đường, vị mằn mặn của muối, cái dẻo dẻo của bột báng, mùi thơm của đậu phộng hòa vào nhau làm nên hương vị đặc biệt của món chuối nếp nướng, ai đã ăn một lần là sẽ nhớ mãi không quên. Dù cho ai đi đâu, nếm trải nhiều sơn hào hải vị đến mấy, mùi chuối nếp nướng mộc mạc dân dã vẫn làm bạn khao khát, thèm thuồng khi nhớ về thời thơ ấu đã qua.

Nguồn: Blog Tạ Phong Tần

1 Phản hồi cho “Chuối nếp miền tây”

  1. phuong tang says:

    Doc baì viê´t cua ban , tôi bùi ngui nho´ lai nhung tháng ngày xa xua khi còn tho âú o VN , Nam75 tôi cung da 17 tuôi ,nhung tháng ngày dó chác tôi kg bao giò quên dc .Cái nôì com cua gd tôi lúc nào cung dâ`y cao luong my vi ,nào là Bo Bo, sán,khoai mì khoai lang ôi du thú ca..Doc bài viê´t cua ban thât hay,khiê´n tôi chot nhó thât nhiêù, râ´t nhiêù dê´n quê huong thân yêu cua tôi.,Mai dê´n bây gio tôi chua có dip tro vê`.Cám on ban ,cam on môt baì van mieu ta quá hay
    (Toà soạn: Mời bạn vào vpskeys.org tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)

Phản hồi