Con người và thượng đế: một ý nghĩa về lễ Giáng Sinh
Glenn Tinder, trong một luận đề mang tên, “Can We Be Good Without God?” (Chúng ta có thể tốt lành nếu không có Thượng đế?) đăng trong tạp chí Atlantic ở Hoa Kỳ cách đây hơn mười năm, đã đặt một câu hỏi lớn về giá trị của xã hội thế giới Tây Phương. Tinder lý luận rằng con người Tây Phương càng ngày càng quá hãnh diện về chính mình để rồi tách rời khỏi ý thức Thượng đế trong tiến trình hiện hữu cá nhân. Ông nói rằng cái vinh quang mà nhân loại đang có được là từ Thượng đế. Sự vinh hiển được làm người, như là một mầu nhiệm quý báu – như trong kinh Phật (Pháp Hoa) nói đến – phải được tự mỗi cá nhân xác nhận và khơi sáng trong sự chiêm nghiệm về Thượng đế và sứ mệnh của cuộc đời. Giá trị tối thượng của con người nằm trong tương lai khi con người tìm ra và trở về với Thượng đế. Ý thức được giá trị của chính mình nằm trong tương lai là định mệnh của nhân loại. Thượng đế, do đó, là nơi Trở về – một thể tính Chân thức vĩnh hằng – nơi có sự sống đời đời, không bi vọng.
Theo Tinder, chúng ta phải biết phân biệt giữa định mệnh (destiny) và số phận (fate). Số phận chỉ nói lên được bản chất đầy thảm họa và đau khổ của hiện hữu và nhấn mạnh đến tính chất tạm thời và vô thường của cuộc sống. Trong khi đó, định mệnh là một tiến trình có chủ đích mà sự sống là chuyến tàu của tâm thức nhằm mở tung cánh cửa mang ánh sáng đến cho con người giác ngộ được bản lai diện mục của chính mình. Ðịnh mệnh là gốc rễ của số phận. Ðịnh mệnh là chủ nhân, vừa là ân huệ, và cũng là tác giả của vở bi kịch của đời sống tâm linh. Con người có một ngu xuẩn lớn: phí phạm số vốn của định mệnh khi hoang phí cuộc đời vào sự trốn tránh chính mình trong sự say sưa với số phận. Ta tự đánh mất sự sống bằng cách đóng vai kẻ cắp vô ý thức đối với giá trị sinh hữu mà định mệnh giao phó để rồi chấp nhận một số phận vô lý, tầm thường, và nhỏ bé.
Những gì mà Tinder nói thể hiện được tinh hoa của nội dung giáo lý Phật giáo và Thiên Chúa giáo cả hàng ngàn năm nay. Trong truyền thống của tam giáo Abraham (Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo) thì Adam, sau khi được ân tặng món quà tự do ý chí (free-will), đã trở nên hãnh diện quá đáng về chính mình. Adam là ảnh tượng và là khuynh hướng thú vật tự nhiên của con người. Khi thiếu sự khiêm nhường và hiểu biết cần thiết, mỗi Adam trong từng cá nhân tự cho mình là có khả năng làm chủ cuộc đời và giá trị liên hệ. Từ đó, vì thái độ hãnh tiến, hắn đánh mất những kinh nghiệm tốt lành và tâm thức hướng thượng mà con người vốn có. Hắn, vì thế, không còn bất tử. Vì khi cái chết đã trở thành tối hậu – nhưng vô nghĩa – chúng ta không còn suy tưởng về lý do và giá trị huyền nhiệm của cuộc đời. Và rốt cuộc, đời sống trần gian trở nên là cái chỉ tiêu độc tôn mà hắn theo đuổi. Với cuộc đời này làm cứu cánh duy nhất và cao nhất, cá nhân trở nên nô lệ cho xúc động và tình cảm tiêu cực. Con người với tất cả những bất an và vọng tâm, chỉ còn có biết ái dục ngã mạn, tham vọng vật chất, và khoái lạc thân xác – mà tất cả cọng lại là một chiếc còng lớn, vô hình giam hãm hắn vào trong một nhà tù khốn khổ.
Khi chỉ còn biết đến trần gian và cuộc đời thân xác, con người hôm nay có cảm tưởng rằng mình đã thoát khỏi võng lưới thần quyền của tôn giáo quá khứ – và được tự do. Tuy nhiên, tự do ở đây chỉ có đồng nghĩa với những chọn lựa giới hạn trong hiện tại với đời sống vật thể, không còn gì hơn và khác. Trong điều kiện chọn lựa giới hạn này, hắn bị ngự trị bởi ham muốn vật chất và ái dục vô thường. Và rồi tất cả khả năng và ý lực tâm linh chỉ để phục vụ cho một chu vi hạn hẹp của cái ta nhỏ bé và chỉ để gia tăng cái gia vị tầm thường của cơ sự làm người bằng khoái lạc của cái ta. Nhân loại có thể được thoát ra khỏi quá khứ, nhưng lại bị đi vào một nô lệ tính bi thảm và tiêu cực hơn: sự độc tài chuyên chế của dục vọng và ngã mạn.
Khi ý thức hướng thượng và siêu nhiên không còn, con người mang một tham vọng khác: chủ nghĩa “nhân chủ”. Nhân chủ chỉ có biết đến con người khi mà chân lý đầu tiên và cuối cùng của nó là nhân loại. Từ Protagoras, “Con người là thước đo cho tất cả” đến Marx, “Gốc rễ của con người là con người chính nó”, hành trình của tham vọng nhân chủ hoàn tất bằng một thất bại hiển nhiên trong bản tính văn minh vật chất Tây phương, và ngày nay, cả thế giới. Nhân chủ phải thất bại vì nó là một con bạc gian lận và trá hình cho sự hãnh diện quá đáng về khả năng tri kiến thực nghiệm, chấp nhận khuyết điểm lịch sử để xem sai lầm và thoái hóa như là biện minh cho tự do làm người. Nhân chủ phủ nhận năng thức tâm tưởng nguyên thuỷ của cá nhân là hướng thượng và giải thoát – một ý chí vật lộn và tranh đấu với chính mình để hiện thực hóa Thượng đế tính, hay tâm Phật, vùi sâu trong mỗi cá nhân. Con người có thể phủ nhận một hình ảnh Thượng đế ngoại thân, như là một huyền thoại văn hóa, nhưng đã trở nên vô ý thức khi cho rằng không có một thực tính huyền nhiệm nào ngoài cái ta trống rỗng, trơ trọi và bất an này. Thượng Ðế, hay là Chân thức, cho dù không thể chứng minh bằng thực nghiệm, cũng là một chủ thể tối cần cho tâm thức, như Kant đã quan niệm, khi mà mệnh lệnh đạo lý của hiện hữu đòi hỏi trí năng phải giả định (postulate) đến một Siêu thể. Khi từ chối khả thể huyền nhiệm của con người, chủ nghĩa nhân chủ là một chiếc chổi thô lậu nhằm cố quét bỏ những dằn vặt sinh hiện vốn tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Nhân chủ từ chối lối thoát ra khỏi số phận bần kiệt của kiếp người bằng cách gia tăng cường độ bi đát để cho con người thưởng thức cái ảo giác tự do của ngã kiến và tham vọng độc tôn. Nhưng cho dù vui chơi với chính ta trong tất cả những náo nhiệt tạm thời và vô vọng, bất định hướng, con người có lúc cũng phải mệt mỏi, để rồi mỗi cá nhân lại cũng phải trở về với chính mình, đối diện với khoảng trống tâm linh, và nhìn lại cái ta này thêm lần nữa.
***
Cách đây 2006 năm, một hài nhi mang tên Jesus ra đời. Trong đêm đông lạnh giá, trong hang đá quạnh hiu, chỉ có làn hơi ấm của thú vật và ngôi sao sáng trên trời. Ðây là sự ra đời của tính Chúa, hay là Phật tính, trong mỗi chúng ta – giữa cái hoang dã lạnh lùng của cuộc sống thân xác và thế gian. Ðêm đó là đêm im lặng. Ðêm ấy là lúc mà con người phải trở lại chính mình. Ðêm ấy là lúc cái Thánh tính của Chân thức tiềm tàng phải được đánh thức. Ðó là lúc con người đang làm đúng việc cho cơ sự làm người: khai sáng cái tinh hoa nhân tính bị vùi quên bởi cuộc đời và thân xác. Chúa Jesus giáng sinh, cũng như Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, là hai tia ánh sáng biểu tượng nhằm nhắc nhở chúng sinh về một con đường khác. Cả hai đều là tín hiệu của một cõi, của hai tiếng chuông đánh thức nhắm về một nhân loại đang ngủ quên trong vô minh và phiền não.
Thế nhưng, ở Tây phương ngày nay, chúng sinh đánh mất bàn thờ bên ngoài, và từ chối cái tinh hoa của tín hiệu giáng sinh bên trong nội tâm. Càng đến ngày lễ Giáng sinh, con người càng say sưa vật lộn với nhu cầu mua sắm, tiệc tùng để phục vụ thế gian và cái ta, càng đắm chìm sâu vào chiếc áo thế gian sặc sỡ, để rồi sáng hôm sau Giáng Sinh, khoảng trống tâm linh của mỗi chính họ lại trở về.
Khi Thượng đế kêu người, như tiếng chuông vang lên trong tâm thức, thì hãy đừng trả lời như Adam đã, “Thưa, tôi nghe, nhưng tôi sợ lắm, vì tôi đang trần truồng. Và tôi phải trốn”. Vì khi không có đời sống tâm linh thì dù có mặc bao nhiêu chiếc áo thế gian bạn vẫn trần truồng trong mắt của Thượng đế. Hãy ý thức được ý nghĩa của Giáng sinh trong chiếc áo tình thương, trong chiếc áo tri thức sâu thẳm, trong tấm lòng nhân ái. Ðể biết chính mình. Ðể được lớn lên. OM, AMEN.
© Nguyễn Hữu Liêm
TamPhật :từbi hỉ xả
Tâm Chuá Bác Aí,tha thứ…
Đạo làcon đương chính trực ,con đường Phật và Chuá chỉ dạy…
Và Thương Đế hay Ông Trời vẩn có cả trên mọi tôn giáo, trên mọi triết lý nhân sinh.
Trời là dấng tối cao,là Thương Đế cho nên người nào củng tùy theo họa phúc của mình mà ca ngơi trời ,hoặc than thở củng trời ,tức thương dế. NCtrứ “khả quái lao thiên đa ác thái !’ Lảo thiên là lảo trời ,là thuơng dế mà sau khi chết lên thiên đàng sống trong nước trời hay về cỏi niết bàn sống với chúa ,phật ,thánh ,hiền…
Thương Đế hay cỏi trời là nơi mà PG và TCG (các đạo giáo khác) đều đưa nhửng người dân tin và hướng tới.Cải thiện và điều chỉnh cái tâm của con người loạn động thành từ bi hỉ xả,bác aí vi tha .Cô nhiên có nhiều phương pháp để đạt tới cỏi trời mơ ước sau khi từ bỏ thể xác về với cát bụi còn linh hồn sẻ vào thiên đàng ,hay niết bàn cùng chú phật và chư thánh thần do sự bác aí từ bi,sự hỉ xả tha thứ CHO NHAU.
Và người ta TIN rằng con người do thượng đế tạo ra,là con cái của ngài và sẻ trở về với ngài nếu biết ngoan hiền ,từ bi hỉ xả bác aí yêu thương.theo con đường của nhửng đấng mà thương đếủy thác xuống làm người thê gian,làm thầy để răn dạy thế gian lắm tội lổi…Nên có người nói phật chúa tuy hai ,nhưng chỉ là MỘT.tuỳ theo hoàn cảnh địa lý,dân trí mà thị hiện Đông Tây để chỉ cùng mục đich khai sáng Tâm con người…!
Tóm lại con người tiếp cận thương đế (cỏi trời) qua trung gian Phật Chuá !
(tđt)
Thương Đế tính không phải là tâm Phật
Rất đúng, vì trong 10 điều răn của Thiên Chúa giáo điều đầu tiên là phải thờ phượng Chúa !!! Còn nhà Phật chủ trương chẳng nên tin vào cái gì mà chỉ tin vào chính ta, chỉ có ta mới giúp được ta, chỉ có ta mới giải thoát được ta. Còn những điều viển vông như ai đã sinh ra ta, sinh ra ta để làm gì, sau khi chết ta sẽ về đâu v.v. không cần thiết vì có được giảng giải, tìm hiểu đến đâu cũng chẳng thể trả lời cho đúng được mà còn mất đi, biến đổi đi con người chính của ta, chỉ cần ăn ngay ở lành là đủ. Vậy có thể nói tâm Phật là “từ bi hỉ xả” chẳng có một Thượng Đế nào hết mà Thượng Đế chính là con người, là ta.