WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đối Tàu

LTS: Ngày nay, cả nhân loại đang phòng bị ý đồ bá chủ thế giới của Trung Quốc, ở thập niên 40 thế kỷ trước, lúc đảng Cộng Sản Việt Nam tìm sự ủng hộ của đảng Cộng Sản Trung Cộng trong thế môi hở răng lạnh tình nghĩa quốc tế cộng sản, tiên sinh Lý Đông A đã nhìn ra thâm ý đen tối của Trung Quốc đối với Việt Nam, và gọi chúng là “tối hậu địch nhân”, địch thù cuối cùng mà dân tộc Việt phải đối phó sau thời địch cộng sản. Nòi Hán, hàng ngàn năm qua luôn tìm cách xâm chiếm đất đai và khống chế, đồng hóa nòi Việt. Trong lịch sử cận đại, dù là cộng sản hay quốc gia, họ cũng đều mong muốn thực hiện thủ đoạn thâm độc ấy, nên Lý Đông A phê phán nặng nề Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Đàn Chim Việt trân trọng giới thiệu tiểu luận “Đối Tàu”, trích trong tập Chu Tri Lục của ông, vẫn mang tính thời sự quốc tế hơn 60 năm sau, cho thấy viễn kiến tuyệt vời của nhà cách mạng dân tộc này.

Muốn biết lập trường của mình đối với người và người đối với mình, sự tự xem mình một mặt đã cần, sự xem người trên hết các xu hướng của phát triển lịch sử cùng là chính trị lộ tuyến của người về phía mình, một mặt còn rất cần.

Trung tâm của quy luật lịch sử Tàu là: “Hữu đức giả hữu thổ”; hữu đức đây không phải là đạo đức, nhưng lấy ý nghĩa nghiêm ngặt của nó trong kinh sử Tàu mà giảng giải thì nó là lấy tài hóa thu nhân tâm. Cái quy luật đó đem phối hợp với ý chí của dân tộc ấy là “hưng Hoa diệt Di”, hình thành một cái định nghĩa của một tấm lịch sử xâm lược. Cái nguyên tắc chủ yếu ấy từ cổ tới nay đã từng thực hành mà còn có thể nói có chứng cớ rằng vẫn thực hành. Bằng cớ sự đem ra thực tiễn các kho nguyên tắc này là kinh sử vẫn thấy nhan nhản. Kinh sử vốn là miệng lưỡi của cái thanh giáo nhà nho làm trung kiên cho xã hội quan liêu dân chủ, trung lưu tư sản phong kiến của thiên hạ đại đồng chủ nghĩa lối Hán, mà vũ khí và thủ đoạn chủ yếu là chủng tộc xâm lược. Chủng tộc được suy tiến theo lối “tam niên dưỡng nhi giáo chi tất giai ngô dân”, văn hóa được suy tiến sau chủng tộc làm sự duy hệ và thế thủ sau thế công: “tuần tuyên văn giáo, thủ tại tứ Di”, kinh tế theo sau nữa: “hữu đức giả hữu thổ” mà chính trị chiếm lĩnh là cần yếu hơn “phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ”, tất cả đều phục tòng dưới lưỡi lê: “nhưỡng Di Địch, phạt Man Khương”.

Nếu không tin mà còn tin vào Khổng Mạnh, xin hãy giở pho sử muôn năm của ta với tất cả thảm thương sỉ nhục của sự bị đè nén, bị xâm lược, bị hiếp tróc; lại xin tham khảo lịch sử của các dân tộc Man Di bốn phía Tàu. Quốc dân, chính trị gia và cách mạng gia hãy giở lại cái quan hệ của sự giúp đỡ cách mạng lẫn nhau giữa nòi giống ta và nòi giống Hán, hãy thể nghiệm cái sầu hận đời Hậu Trần và Lê Chiêu Thống, hãy tiếc róc cái đối đãi tốt của ta đối với lũ hậu Tống, hậu Minh.

Còn có kẻ thân Tàu, sùng bái Khổng Mạnh, ủng hộ Tôn Văn, nói rằng việc cũ bỏ đi, trăm điều phải trông vào xu hướng mới. Cái xu hướng mới của Cách Mạng Tân Hợi (1911), tức là sự chuyển hình của một đế quốc lối Á Đông phong kiến, sang lối dùng những tinh thần và vật chất vũ khí của các đế quốc tư bản lối Âu Châu.

Hãy xem Đảng Quốc Dân Tàu hiện làm chủ trào lưu của chính trị lộ tuyến và xu hướng nước ấy. Sự quyết định chính sách của mỗi đảng hay mỗi nước còn căn cứ vào thành phần xã hội của đảng hay nước ấy, tự nó giải nghĩa hết và quy định hết các hành vi hay tâm lý để rồi hãy xem đến quốc sách với chủ trương sau. Nền tảng của Quốc Dân Đảng Tàu bao gồm một giai cấp từ trung tư bản đến đại tư bản trở lên, cầm đầu bởi lũ quân phiệt tư bản nho sĩ đè nén tiểu tư sản và vô sản giai cấp, mua chuộc sự thỏa hiệp với đế quốc bên ngoài, mong học đòi cái kết cấu ấy quyết định con đường tư bản đế quốc chủ nghĩa, phối hợp với chủng tộc thiên hạ chủ nghĩa cũ mà nảy nở ra một hình thức đế quốc chủ nghĩa Tam Dân. Tam Dân chủ nghĩa chỉ là một chủ nghĩa chủng tộc xâm lược, hơn nữa là một chủ nghĩa xâm lược thế giới. Đã biết rằng Tam Dân chủ nghĩa là thủ đoạn đó, sự phân tích dân tộc chủ nghĩa là đặc biệt cần yếu (chú ý: dân tộc chủ nghĩa của Tam Dân).

Dân tộc chủ nghĩa ấy tóm tắt 5 yếu điểm này:

A. Trung Quốc dân tộc tự cầu giải phóng hay là nòi Hán tự cầu đổi lốt.

B. Quốc nội dân tộc nhất luận bình đẳng.

Khoảng năm 1885, cách mạng Tôn Văn ra đời, cực lực chủ trương chủng tộc. Lúc bấy giờ y đề xướng ra nòi Hán diệt nòi Mãn, rồi lãnh đạo nòi khác ở Á Đông, chưa bị hay hiện bị dưới ách của Tàu. Sự dập gẫy làm y giảm bớt sự quá khích mà đề xướng Ngũ Tộc Cộng Hòa (khoảng Tân Hợi 1911). Ngũ Tộc Cộng Hòa chỉ là một liều thuốc độc bọc bánh ngọt, bởi vì nếu kể về nhân khẩu trong đất Tàu thì 90% là Hán còn 10% là các nòi Mãn, Mông, Tạng và Miêu (Việt núi). Như thế thì chế độ Ngũ Tộc Cộng Hòa dung túng cho số đông nuốt số ít, mà số đông ấy càng được đông người và thêm đất, hợp với mục đích lập quốc lắm. Nhưng bệnh quá khích lại nổi dậy để Tôn Văn (khoảng năm 1916) đề xướng ra luận quốc tộc. Quốc tộc là gì? Để Tôn Văn tự giải nghĩa. Là: đúc các dân tộc vào một lò mà thống nhất thế giới. Sự yêu cầu đồng hóa bằng áp bách và hiếp tróc các dân tộc chung quanh là như thế. Còn một điểm cần chú ý trong tập “Kiến Quốc Đại Cương”, nó bày tỏ cái mâu thuẫn của dã tâm đó càng bộc lộ là đã nói để các dân tộc nhỏ yếu trong nước được bình đẳng, tự quyết mà nguyên tắc kiến quốc tối cao lại quy định đem chia toàn quốc ra tỉnh, quận, huyện. Sự quy định ấy giá trị một lò đồng hóa người.

C. Liên hiệp nhược tiểu, cộng kháng cường quyền, nó là một bãi nhổ chua chát vào mặt các nòi giống nhỏ yếu toàn thế giới, bằng sự liên hợp ấy làm dưới Đại Á Tế Á chủ nghĩa của Tôn Văn (khoảng năm 1921-1922). Tôn Văn nói: “Ta phải đem các dân tộc Thái, Việt… liên hợp lại cùng chống đế quốc” (chú ý đến chữ “đem” và “liên hợp”). Ấy đấy, sự liên hợp như vậy, nghĩa là đem mà thôn tính vào, tất nhiên cái truyền thống “thủ tại tứ Di” với cái thuật ngữ “sinh tồn không gian” làm cho người Hán ngớp đất Nam Dương nhiều nhất.

D. Hưng diệt kế tuyệt, cứu nhược phù khuynh, gọi là lý tưởng ngoại giao của lễ vận đại đồng của họ, nhưng đó chỉ là một chiêu bài giả đạo đức bao trùm cái sự thực can thiệp đến đời sống người khác và bắt ép các nòi giống nhỏ, yếu thế nhập đảng Tàu và tôn phù chủ nghĩa Tam Dân để mà đi đến mục đích cuối cùng là:

Đ. Hoàn thành kiến thiết thế giới đại đồng, nghĩa là xâm lược thế giới là bước cuối cùng của chủ nghĩa. Dân Sinh với Dân Quyền là những hộc lương, xẻng đất và súng ống đeo lên lưng Dân Tộc chủ nghĩa để đi trên con đường năm chặng trên kia, bất tất luận.

Nhưng nếu có người trách tôi là nhiễu sự và moi móc thì nên hiểu rằng ta phải cùng lý để mà tri ngôn, lời nói đa số là mặt nạ, phải dò đến bối cảnh và động cơ của các lời nói ấy mới biết rõ cái hành động tiềm tàng trong bản vị. Còn nhớ Tôn Văn nói với cụ Phan: “Các ông bất tất phải làm, Việt Nam chỉ là một tỉnh của Tàu, chúng tôi làm xong thì xong”. Cũng như họ Tưởng bây giờ nuôi mấy đứa Việt gian và nói rằng: “Việt Nam là Tàu, Việt Nam để người Tàu làm giúp cho”. Thử hỏi khi Tàu đổ bộ trên đất này, bao nhiêu quyền hành về tay Hoa kiều cả, binh sĩ bị hỗn hóa với lính Tàu thì thi hành kế gì để đuổi chúng về?

Nhưng nếu lại còn nghi nữa, cho rằng đấy chỉ đứng về lý luận mà quan sát, cần biết rõ những hành động thực tế của chính phủ ấy thì những chứng cớ thực tiễn, ta lại bày tỏ ra đây để cùng chứng minh cho sự thực là sự thực, phải là sự thực hay sẽ là sự thực:  Dư luận dưới sự chỉ đạo của đảng Quốc Dân Tàu, nói về vấn đề Việt Nam chỉ có hai câu trên trăm nghìn muôn miệng là: Việt Nam là thuộc địa của Tàu, ta phải thu phục lại đất mất cũ của ta là Việt Nam.

- Giáo dục để nuôi cái xu hướng chính trị trong mầm mống nòi giống cũng chỉ có hai câu đó suốt từ ấu học đến đại học.

Học thuật và lý luận chỉ đạo của lịch sử học, tiến từ “Quốc Tộc Luận” và “Hán tộc ưu việt” đến “Quốc quân sử luận”, một ngày một tăng tiến đến lĩnh vực của dã tâm.

-  Chính Trị Địa Lý Bộ, tức là bộ tham mưu chính trị quy định chính lược và chiến lược. Bộ ấy ở Trùng Khánh năm 1940 lên tiếng ra bộ “Đông Á Địa Lý” quy định tám con đường phát triển của nòi Hán sau này:

1) Tây Bá Lợi Á.

2) Tây Tạng, Ba Tư.

3) Tân Cương.

4) Ấn Độ.

5) Việt, Thái, Miến, Tân Gia Ba.

6) Nam Dương liệt đảo.

7) Úc Châu.

8.) Thái Bình Dương Đông liệt đảo, Hàn.

Nhưng mà sự chuẩn bị quân sự để nhập Việt có thể moi móc cái tim ruột, cái mục đích của cuộc hành quân này, mặc dầu là đi giải phóng, bằng sự phát quật các chiến lệnh trong quân, ngoài dân do bộ tuyên truyền và quân chính bí mật phát bố ra: 1) Lộ ố Nàm phồ (lấy vợ An Nam). 2) Dìu ố Nàm sìn (tiêu tiền An Nam). 3) Chì ố Nàm tì (ở đất An Nam).

-  Kiều Vụ Chính Sách: tức là tiền phong của ngoại giao xâm lược. Ngày 1 tháng 5 năm 1933, tờ Đại Lộ Nguyệt San ở Thượng Hải đăng một cuộc “Nam Dương Hoa Kiều Cộng Hòa Quốc vận động”, chủ trương lấy Hoa kiều làm chủ lực lập quốc, xâm lược lấy toàn đất Nam Dương lập thành Hoa kiều Cộng Hòa Quốc, trong đó có quy định về Việt Nam: Bắc Kỳ quy về mẫu quốc, Trung Kỳ và Nam Kỳ thuộc về Hoa kiều thống trị. Nước ấy sau khi đồng hóa hết thổ dân rồi, sẽ hợp nhất với mẫu quốc. Cái suy luận ấy suy động bởi Quốc Dân Đảng Tàu, cũng như hồi 1942, tháng 11, ngày 26 trên tờ Quảng Tây Nhật Báo, một nhà Kiều Vụ Ủy Viên Trung Ương có tiếng đề xướng ra “Hoa kiều thổ hóa vận động”, quy định rằng bề mặt phải thổ hóa, nghĩa là người Hoa kiều phải ăn mặc theo người thổ dân, nói tiếng người thổ dân, ảnh hưởng văn hóa người thổ dân để bề trong tăng mạnh thêm tác dụng Hoa hóa.

Chính sách chiến hậu của người Tàu theo đúng như mục tiêu chính trị trên, đối trong hết sức tăng gia quân bị, trọng công nghiệp và đào tạo một quốc dân hoàn toàn Ban Siêu và Mã Viện thực dân, khi ấy đối ngoài phải tranh đòi quyền lợi Hoa hóa cho Hoa kiều và đối đãi với các nước phiên thuộc cũ theo một chế độ mới. Sự Tôn Khoa yêu cầu ở Hoa Thịnh Đốn chiếm lĩnh Việt với Hàn chứng thực rằng họ muốn nối gót đế quốc, xây đắp một liên hiệp “Thập quốc”, đòi đứng làm môi giới giữa Đông Tây (ngoại giao tay trên) và làm sức an định (tiếng thuật ngữ của đế quốc Anh) cho Đông Á (nghĩa là bá chiếm), đồng thời đòi thực hành bảo hộ mậu dịch chính sách (ăn cắp chính sách bloc).

Họ hiện nay đang dang hai chân, một chân đứng về đế quốc, một chân đứng về nhược tiểu để mà đóng vai “con trời” trên thế giới. Sự giúp đỡ De Gaulle và nể sợ Pétain đi đôi với sự ngược đãi cách mệnh Việt tỏ rõ rằng họ muốn làm cường quốc và đứng về phe liệt cường để quay giáo lại các nước nhỏ yếu. Đối riêng Việt Nam, họ đang nghiên cứu cách nào lập thành một tỉnh, nuôi Việt gian thế nào, diệt chữ quốc ngữ thế nào, tiễu trừ dân tộc ý thức cách nào, làm sao cho người Việt tưởng mình là Hán, khôi phục chữ nho thế nào, truyền bá Tam Dân chủ nghĩa thế nào, thống trị thế nào? Hỡi người Hán! Hãy quay lại mà dùng cách thực dân truyền thống nhà Minh đã văn minh chán, thử xem người Việt sẽ biết đối phó cách nào?

Chúng ta hãy quay về mình xem hình thể của tự mình. Đất ta là đất cơ sở của Thái Bình Dương, trung tâm của Đông Nam Á, tư lệnh đài của quốc tế, được ta thì tiến lên xưng bá loài người, lui về tự thủ muôn thuở, bất cứ trên chính trị, quân sự, kinh tế, chiến lược, văn hóa đều đứng vào thiên hiểm của trung tâm. Cho nên tự phần ta nên hiểu: đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ thì tất diệt. Lại đời nay, diệt tức là toàn diệt đó. Ta chớ nên hòng làm Hòa Lan hay Thụy Sĩ; bọn thân Tàu tất cũng diệt hết đi chớ để nó làm tay trong như Phần Lan với Nga. Ta còn nguy hiểm hơn Phần Lan đối với Nga nhiều. Phần Lan chỉ có một Nga, ta còn phải phòng cả thế giới, vì thế giới kẻ nào chiếm được ta mới xưng bá được lâu dài; tiện nhất và thẳng đường nhất là Tàu, ta là cái xương hóc giữa cổ họng chú chiệc, phải hiểu thế.

Hiện giờ đây nòi Hán đã và đang còn tiếp sẽ uy hiếp đến sinh mệnh ta. Chúng ta thử tính xem số Hoa kiều trong nước ngoài 60 vạn, hợp với số Minh Hương hơn 2 triệu, một số 3 triệu nội gián ấy trên mặt nhân chủng quen thói lấy vợ người mà giữ gái mình, ảnh hưởng tới sinh lý của nòi giống là thế nào? Sức lũng đoạn kinh tế của bọn Hoa kiều mới lớn, từ đô thị đến ngõ hẽm, từ tầu biển đến ghe sông, từ mỏ quặng đến đồng ruộng, từ bán gạo đến lạc rang, nhất nhất nằm trong tay bọn chiệc cả. Lấy sức tiền ấy mà giẫy thì dân chủ hay cộng sản, ba phần tư nghị viện với nội các giao tay người Tàu. Sự ngoại giao tay trên của người Tàu đi với các điều kiện xâm nhập muốn làm mưa gió thì làm trong ta, đủ cho chính trị của ta không phải chính sách Việt nữa, uy hiếp quân sự càng lớn với nội ứng, ngoại hợp trên các chiến thuật tối tân ngày nay. Sự đồng hóa càng dễ về văn hóa, một khi nó lợi dụng được bọn thân Tàu và đồ nho. Ấy chỉ riêng một cái ám ảnh Hoa kiều, mặc dầu cuộc chiến tranh này Nhật Bản đã làm tổn hại và giảm đi chút ít, cũng đủ làm cho ta thấy sự diệt vong trước mắt, nói chi đến cả sức của chính quốc.

Huống chi Nhật, Pháp chỉ là quân địch trước mắt chớp qua và quá độ; Tàu mới là quân địch sau cùng, tức là kẻ có thể quyết định diệt vong được mình. Chúng ta phải nghiên cứu, quan sát và đề phòng kỹ lưỡng quân địch tối hậu và sự đấu tranh với họ mới hẳn quyết định cái vận mệnh của mình. Những sách lược của chúng ta phải tính tới và tập trung vào vận mệnh tối hậu, nghĩa là vào quân địch tối hậu. Chúng ta phải biết bắn vượt tầm con mắt chúng ta qua khỏi cái trước mắt chúng ta, như thế mới nắm được sự sống còn trong tay chúng ta. Cho nên kể đường trường ra, chúng ta mắc vào tay quân Tàu trong ba tháng thì toàn dân đói khát, cái đũa không còn mà dùng, trong sáu tháng thì ruộng bỏ hoang, đường hết người đi, đàn bà tự tử quá nửa, trẻ con chết ba phần tư, đàn ông chết hai phần ba và trong mười năm thì nòi giống hoàn toàn diệt vong. Nhưng có thể trông thấy Tưởng và Uông từ năm 1944 đều xuống cả. Nước Tàu từ năm 1945 trở đi, trong 20 năm nội loạn và ngoại hoạn ê chề còn đến để trừng phạt cái dã tâm muôn thuở ấy. Quân của nó sang ta mảnh giáp không còn mà về dưới sức lan tràn sùng sục của sóng đáy.

(Trích trong Chu Tri Lục)

© Lý Đông A

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Đối Tàu”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Nói chung,toàn bài góp ý đọc lướt qua thì khá hay nhưng đi vào chi tiết lại thiếu thuyết phục mà lẽ ra tác giả chưa nắm vững bên trong NỘI BỘ của MTGPMN.thì không thể nhận định chỉ dựa vào mặt ngoài rồikết luận chủ quan như thế.Nói vậy thì MTGPMN.có chính nghĩa hay sao ?
    Giả thuyết rằng MTGPMN.là do độc tôn đi thì thử hỏi tác giả tại sao sau khi chế độ NĐD.bị lật đổ thì MTGPMN.không cáo chung luôn cho…tiện việc sổ sách mà trái lại vẫn tồn tại vững vàng và phát triển mạnh mẽ hơn gấp bội kể từ sau 1963.
    Tôi thấy nhiều ý kiến của ông TH.thật hợp lý nếu ông không bị tình cảm chi phối như bài góp ý này chẳng hạn.Xét đoán về chính trị có lẽ nên tìm hiểu bên trong,bên sau hậu trường,ở mặt CHÌM của sự
    việc thì mới tránh được sai lầm trong nhận xét.Tôi không chắc ông TH.đã đọc được những tài liệu
    MẬT thuộc “mặt trận” gián điệp vì thực sự CSVN.chưa cho giải mật mà vẫn che giấu những tài liệu này.Nếu có đưa ra một vài trường hợp thì cũng bị BIÊN TẬP lại để thêm bớt,thổi phồng,phóng đại đến mức xuyên tạc và mặt khác lại thần thánh hóa những cá nhân hoạt động gián điệp của họ,như mới đây trên báo chí quốc doanh của CSVN.

  2. Trung hoàng says:

    “Bắc Kỳ Trung Quốc giáp ranh,
    Sao không thấy đó tu hành hiền lương.
    Cá không ăn muối cá ương,
    Con cải cha mẹ lâm đường chông gai.
    HÁT TUỒNG TRUNG QUỐC QUÁ DAI,
    Ta bèn bỏ bản hát bài TÀ TINH.
    Cả kêu lớn nhỏ đệ huynh,
    Cùng nhau thảo thuận chống kình làm chi.”

    Dù muốn hay không muốn, Trung Hoa và Việt Nam vẫn là núi liền núi sông liền sông, biên giới phiá Bắc nước ta và Trung Quốc đã được hai nước cấm mốc phân định tỏ rỏ với văn bản đồng thuận. Sự việc đó cũng có lợi cho một nước nhỏ như Việt Nam, phải chịu đựng một sức ép mạnh mẻ cuả một nước lớn láng giềng như Trung Quốc, nhất là tư tưởng Ðại Hán thay Trời chăn dắt thiên hạ, xem các nước chung quanh như những thuộc quốc cuả đấng “Thiên Triều”.

    Lời kêu gọi phải biết tu hành hiền lương, với thành ý mong muốn dân Việt là phải giao hảo hoà thuận với nước láng giềng Trung Quốc. Ðúng theo lời ví von cuả ông Nguyễn Thanh Giang, nếu tay phải nắm lấy Hoa Kỳ, thì tay trái nên luôn xiết chặt với Trung Quốc. Cho dù có bị mai miả là “đánh đu” hay “đi hàng hai” thì cũng mặc, miễn sao giử được nòi giống, bảo toàn nguyên vẹn lảnh thổ lảnh hải cha ông để lại là được. Bởi vì theo cơ thế mà NHẬM VẬN HÀNH, cái cần thiết là phải nêu cao tính tự chủ cuả mình, để từ đó mà bước đi được trên con đường tự cường tự lực cho dân tộc, con đường giử nước và dựng nước riêng một gốc Trời cuả nòi giống Việt Nam.

    Hiểm hoạ xăm lược đến từ phương Bắc là Trung Quốc, như một vở tuồng dài lê thê không có hồi kết thúc, nó cứ tiếp diển mãi không cùng tận bao giờ. Chính những vở tuồng dai dẳng nầy, đã ung đúc tinh thần kiên cường bất khuất cho người dân Việt, ý thức sinh tồn đã tạo cho dân tộc ta một hồn thiêng sông núi thường hằng trong Trời Ðất, không ngừng vượt lên và lướt qua tiến mãi về phương Nam hiền hoà ấm áp, tạo dựng riêng một cõi trời trước người phương Bắc với nhiều tham vọng thống trị mọi sắc dân. Khí thiêng sông núi Trời Nam, luôn nung chí anh tài đất Việt, bừng bừng trổi dậy mọi thời, đơm trổ khắp nơi khắp chốn từ Nam chí Bắc.

    Trời còn lúc tối mưa sáng nắng, thì tuồng đời lẳng lặng đổi thay. Xưa TÀ TINH gieo rắc nạn tai, nay TÌNH TA chuyển xoay ngược lại. Ðàn Bá Nha lúc khoan lúc nhặt, giọng Tử Kỳ trầm bổng hoà theo. Ðàn chỉ có một cây, nhưng âm điệu thay đổi bất tận để tấu khúc nghê thường Thiều nhạc. Nhưng tình đời thì lúc nào kẻ chơi hoa kia cũng phải hiểu, hoa nào hoa chẳng có gai, hoa đào đơm cánh hoa mai trổ mầm.

    Cái thế chống kình đối kháng, kẻ được lợi trước mắt là lũ ngư ông chờ thời đợi thế, ngao cò tranh nhau thì rồi cũng đều bị tóm cả thôi. Hoàng Trường đã bị cướp đoạt cũng một phần vì phân Nam rẽ Bắc mà ra, bài học đó vẫn còn sờ sờ trước mắt mà có mấy ai được thức tỉnh. Sự chống kình tranh giành quyền lực chỉ làm lợi cho ai, nhưng rồi sẽ mất luôn cả Biển Ðông Việt Nam rồi cậy nhờ ai giử lại cho dân Việt ta được đây.

    Mà khi đã mất về tay Trung Quốc, thử hỏi dân Việt có dể dàng giử đòi nó lại được với họ không ? Chống kình tranh đấu nhau mãi, thử hỏi tiềm năng tiềm lực dân Việt đủ sức ngăn chận làn sóng bá quyền bành trướng. Trong khi không ít thành phần tay trong cho Trung Quốc, luôn dấu mặt dấu tay ném đá, thúc đẩy dân Nam đấu đá nhau mãi mãi. Người dân Việt càng tranh đấu giành lấy chính nghiã hảo huyền với nhau, Trung Hoa càng thêm được lợi thế để chiếm lấy toàn bộ Biển Ðông Việt Nam. Nó chẳng khác chi Ðảng CSVN gọi là thống nhất đất nước, nhưng cái giá phải trả là mất Hoàng Sa trong tay Trung Quốc. Nếu không vì chia Nam rẽ Bắc, thì sẽ không bao giờ có cái hiểm hoạ Hoàng Trường cho dân tộc Việt Nam. Ai là người nhân danh dân tộc đứng ra chia cắt đất nước lúc đó ??? !!! Ðảng CSVN hay là chính ông Hồ Chí Minh ??? !!!

    Bài học Hoàng Trường vẫn còn đó, nhưng một số ít người Việt luôn tìm cách chạy tội đổ lổi cho nhau, trong khi cả dân tộc và đất nước phải bị suy vong vì chính sự tranh giành cái chính nghiã hoang tưởng Nam Bắc đó. Nếu Miền Bắc sau 1954 phải chiụ cảnh đấu tố vì CCRÐ, thì miền Nam các tôn giáo bị diệt ngấm ngầm như thế nào, trong thời gian đầu sau hiệp định phân chia Nam Bắc. Cả hai chính quyền vì do ngoại lực tạo dựng, nên đang trong giai đoạn CŨNG CỐ QUYỀN LỰC, vì thế Miền Bắc chưa thể xua quân vào Nam trong thời điểm đó, cho là chính quyền đương thời tốt đẹp hơn các thời gian khác với cuộc sống thanh bình hai miền lúc bấy giờ, nhận định đó tất nhiên là do tư ý cuả thành phần suy tôn chế độ mà có đó thôi.

    Chính vì sự muốn tôn giáo độc tôn, đã đẩy thành phần chống đối dựng nên MTGPMN. Chính quyền miền Nam lúc đó chỉ đổ thưà do chính CSMB dựng nên MTGPMN, mà thực chất từ động cơ tôn giáo là không phải ít, luôn che dấu sự thật là cả hai phiá chớ không riêng cho một phiá nào. LỊCH SỬ BAO TỘI ÁC VẪN CÒN ÐÓ TRƯỚC DÂN TỘC.

    Nếu còn nghỉ đến dân tộc và đất nước, sự thay đổi không chỉ một phiá chính quyền CS hiện nay, mà cả thành phần chống kình trước kia cũng phải có sự thay đổi theo Ý THỨC VÀ TÌNH TỰ DÂN TỘC thực sự.

    Sự tồn vong cuả đất nước và dân tộc Việt Nam như chỉ mành treo chuông, trước sách lược tiềm thực ‘TẦM ĂN DÂU” cuả Trung Quốc. Những CÁNH CHÙM GỜI từ phương Bắc đã bám chặt, đâm chồi cắm rễ sâu chặt trên cành Nam. Toán KỲ BINH mai phục sẵn từ Bô-Xít Tây Nguyên, cứ điểm từ Hoàng Sa tấn công trên mặt biển, đã hình thành được thế liên kết ngoại công nội ứng, mà khi cần thiết sẽ được họ hành động trong chớp nhoáng.

    Trong khi hệ đầu não lảnh đạo từ trung ương xuống tận điạ phương trong chính quyền Việt Nam ngày nay, những CÁNH TAY NỐI DÀI cuả kẻ bá quyền bành trướng đã cài đặt âm thầm từ lâu trải qua vài thế hệ, mà khởi nguồn cho mối hoạ “ung thư tận xương tuỷ’’ đó là từ khi có ÐCSVN. Hãy nhìn lại lịch sử can đại Việt Nam, những thủ tiêu lẩn nhau trong cộng đồng dân Việt trong giai đoạn 45-54, rồi tiếp diễn là cuộc chiến tranh tương tàn tương sát Bắc Nam. Tất cả đều bắt nguồn từ sự xuất hiện cuả ÐCSVN.
    Cuộc chiến Nam Bắc đã tạo một vết thương cực kỳ nghiêm trọng cho tình đoàn kết dân tộc, chính nghiã thực sự không thuộc về ai, bởi vì chính quyền Bắc CS và Nam CH đều do những bàn tay thế lực bên ngoài tạo dựng mà có, toàn dân Việt Bắc Nam không muốn điều phân chia xảy ra cho dân tộc và đất nước. Khi vơi lúc đầy là nguyên lý cuả Trời, trong hoạ có phúc là chơn lý tuyệt vời cuả cơ tạo hoá. Sự hung hăng cuả Trung Quốc trong thời gian qua, đã làm thức tỉnh không ít các thành phần CS củng như VNCH miền Nam.

    Có người cho là Trung Quốc hiện nay đang theo hướng chiến lược “ẩn mạnh phô yếu’’, nhưng những cuộc tập trận trên Biển Ðông Việt Nam liên tục không ngừng nghĩ BẰNG ÐẠN THẬT, cộng thêm những sự bạo hành trên Biển Ðông đối với ngư dân Việt Nam, cho dù các ngư dân đang đánh bắt trên chính hải phận Việt Nam, các khu vực mà ông cha họ bao đời sinh sống hoạt động trên các vùng biển đó. Các nhận định và lời lẻ để chứng minh cho “ẩn mạnh phô yếu’’, không khác vì muốn mượn chiếc áo thầy tu khoát lên cho kẻ cướp.

    Lời trịch thương cuả Ông Ðại Sứ Trung Quốc, cũng như sự ngạo mạng cuả học giả Vương Hàn Lĩnh cho Việt Nam là nước thống thuộc cuả Trung Quốc từ trước, tất cả nói lên quá nhiều cái thói ỷ mạnh lấn lướt kẻ yếu cuả kẻ bá quyền bành trướng. Những minh chứng đó có thuyết phục được cái gọi là “ẩn mạnh phô yếu’’ cuả Trung Quốc được chăng. Thiết nghĩ, những nhận định đó cũng không làm diụ bớt đi cái nổi lo lắng cho các nước Ðông Nam Á, cũng như trấn an được phần nào các nước có liên hệ trên thế giới, nới lỏng bớt đi sự lưu tâm nhiều với Trung Quốc. Một mối nguy hiểm to lớn đang chực chờ nhận chìm cả nhơn loại, vì một cuồng vọng không đáy cuả Ðấng Con Trời.

    Việt Nam và Bắc Hàn vẫn luôn là hai lá chắn cho sự toàn vẹn cuả ÐCSTQ, mất một trong hai lá chắn đó, Trung Quốc như mất đi một cánh tay không hơn không kém. Sự hoạt động ráo riết cuả Trung Quốc trước kỳ ÐH/ÐCSVN để chọn TBT, cũng như những gặp gở các lảnh đạo Bắc Triều Tiên, cho thấy Trung Quốc rất lo sợ phải mất đi một trong hai lá chắn đó. Nhận định cho là Trung Quốc quá chán một Bắc Triều Tiên rất đúng, nhưng bỏ rơi hay không thì lại là một chuyện khác. Trung Quốc không bao giờ muốn tự chặt lấy tay cuả mình, nhất là trong giai đoạn mà gần như họ sắp bị cả thế giới nầy cô lập.

    Bởi vì nếu không tác động được hơn một tỷ người trên lục điạ Trung Quốc, các cường quốc rồi cũng sẽ xâu xé nhau, chia nhỏ từng mảnh để xí phần cuả mình mà thôi. Kịch bản HỘI ÐỒ SƯ ngày xưa rồi cũng đến lúc tái diễn, mà nó sẽ được thúc đẩy từ động lực bên trong nội điạ Trung Quốc, đó sẽ chính là lực lượng nồng cốt cho cuộc xâu xé đó. Bởi vì không ai muốn đụng vào một anh bị HỦI, khi mà cuộc chiến tranh hoá chất do chính anh HỦI nầy đề phát. Bạo phát thì bạo tàn là qui luật không thể nào thay đổi cho được. Kẻ chơi dao thì có ngày ắt phải đứt tay, đó là việc khó mà tránh khỏi.

    Phải thay đổi thể chế CS hiện nay ở Việt Nam, là mong muốn chung cuả thế giới để bớt đi một cánh tay nối dài cuả kẻ bá quyền bành trướng. Việt Nam lấy nền NGOẠI GIAO ÐA CỰC là một đường lối mới đúng đắn và khôn ngoan. Phục hồi cảng Cam Ranh thành cơ sở dịch vụ tổng hợp quốc tế, là Việt Nam muốn có cơ hội học hỏi để HIỆN ÐẠI HOÁ HẢI QUÂN. An ninh và bảo vệ toàn vẹn lảnh hải lảnh thổ cuả Việt Nam, tương lai luôn được gắng chặt với công cuộc hiện đại hoá đó, nhất là cái tháp canh cưả ngỏ mặt biển cuả Việt Nam là Hoàng Sa.

    Phương sách gọi là Ðối Tàu cuả ngài Lý Ðông A, là một ngọn đuốc soi sáng thêm cho toàn dân Việt trong ngoài thức tỉnh trước nguy co bá quyền bành trướng hiện nay cuả chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Một chính quyền đang dẫn dắt đất nước và người dân vào con đường tự tan rã trong tương lai. Bề dầy kinh tế và quốc phòng sẽ không cho phép hành động theo ý họ mong muốn, nanh vuốt chưa được sắc bén, đúng như sự ví von cuả Bùi Tín là “Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng”.

    Bước sai lầm vưà qua cuả Trung Quốc về ngoại giao, sẽ đưa đến sự bất đồng khó tránh khỏi trong chính nội bộ đầu não ở Bắc Kinh. Những biến động dồn dập từ những cuộc thao diễn Mỹ-Hàn đến Mỹ-Nhật liên tục, là một áp lực luôn đè nặng cho nhóm cầm quyền Bắc Kinh hiện nay. Cái thế lùi một bước để chờ cơ hội thuận lợi có lẻ đúng hơn cái gọi là “ẩn mạnh phô yếu’’ đó. Bởi vì họ đã vấp phải một cục đá nhỏ luôn bị họ xem thường, đó chính là Việt Nam.

    Xin trân trọng.

Leave a Reply to D.Nhật Lệ