Trẻ gốc Việt mập thứ nhì Quận Cam
Nghiên cứu:
Vòng lẩn quẩn: ‘Thừa thức ăn, thiếu dinh dưỡng’
WESTMINSTER – Thống kê của “National Health and Nutrition Examination Surveys” (NHANES), công bố đầu năm nay, cho biết khoảng 68% người Hoa Kỳ bị mập hoặc mập phì, và trên toàn quốc, số người mập phì lên đến 75 triệu.
Ðáng báo động hơn cả, thống kê của NHANES cho biết, trong 10 năm qua, số người bị bệnh mập phì tăng gấp đôi, trong đó có rất nhiều trẻ em.
“Mập phì cần phải được xem như là một căn bệnh, vì mập phì liên quan trực tiếp đến bệnh tim.” Bộ Y Tế Hoa Kỳ cảnh báo.
Riêng tại California, thống kê của tổ chức “California Health Needs Assessments” cho biết, 22% trẻ em Việt Nam, tuổi từ 3 đến 17, bị xem là mập phì.
Ðáng chú ý hơn nữa, theo tài liệu mà “Orange County Health Needs Assessments” (chi nhánh của California Health Needs Assessments) công bố năm nay, trẻ em gốc Việt tại quận Cam có khuynh hướng mập hơn tất cả trẻ của các sắc dân khác, ngoại trừ trẻ em gốc Mexico.
Theo OCHNA, tại Orange County, 20% trẻ em Việt Nam bị mập phì, so với 16.3% trẻ em Á Ðông khác, 11.3% trẻ con da trắng, và 21.2% trẻ con gốc Châu Mỹ La Tinh.
Mập, là mập từ nhỏ
Nói chuyện với Người Việt, ông Thanh Lương, 70 tuổi, có đứa cháu ngoại bị phì mập từ nhỏ, sau bị yếu tim, tâm sự: “Người Việt Nam mình thường có quan niệm (sai lầm) là trẻ con càng mũm mĩm càng tốt, và đôi khi ép con cháu ăn quá độ.”
Ông kể, cháu ngoại ông bị mập phì nặng đến độ, năm 8 tuổi, cháu vì sợ bị chê là “mập ù,” đã nhất định không chịu đến trường.
“Lúc lên mười, có những bữa ăn, cháu ngồi nhìn thức ăn rồi òa lên khóc!” Ông nói.
Lý do, theo ông là vì bà ngoại của cháu, tức vợ ông, đã “quá tẩm bổ” cho cháu lúc nhỏ.
“Bà ấy ép thằng bé ăn liên tục. Mới hai tuổi thì nó đã to bằng những đứa bé lên bốn. Cháu càng mập thì bà càng hãnh diện.”
Ông Lương cho biết, đến khoảng bảy tuổi thì cháu ông mập ù ra, nặng nề, chậm chạp, và “hình như cũng ảnh hưởng sức khỏe nữa, vì cháu lúc nào cũng ì ạch, thiếu năng lực.”
Sau này bệnh mập phì của cháu ảnh hưởng sức khỏe làm cháu bị tim yếu, dễ hồi hộp, và gia đình ông phải mất nhiều thời gian đi bác sĩ mới giúp cho cháu giảm từ “mập phì” xuống “mập.”
Trường hợp của cháu ông Thanh có thể hơi đặc biệt, nhưng là bằng chứng cụ thể của điều mà một nhóm bác sĩ chuyên nghiên cứu về sức khỏe trẻ em tại Bộ Y Tế Hoa Kỳ loan báo từ lâu.
Theo họ, việc ngăn ngừa bệnh mập phì “phải bắt đầu từ vành nôi,” vì một cuộc nghiên cứu nhiều năm của họ, được tạp chí Clinical Pediatrics công bố năm 2008, cho kết quả: “50% trẻ em bị mập phì đã phát phì từ trước khi lên hai tuổi.”
“Tiếc thay, huyền thoại trẻ em càng mũm mĩm càng khỏe mạnh lại được nhiều người tin, dù số trẻ em mập phì ngày càng nhiều lên, trong khi chỉ từ 20 đến 50% trẻ em bị mập phì được chẩn bệnh, và được chữa trị.” Tác giả của các cuộc nghiên cứu kết luận.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành để tìm cách xác định khởi điểm, khi một đứa bé trở thành quá mập. Sau khi xem xét 480 hồ sơ y tế của các bệnh nhân trong độ tuổi từ hai và 20 tại một bệnh viện tư nhân và bệnh viện giảng dạy, ở tiểu bang Virginia.
Các nhà nghiên cứu tường trình, rằng tuổi trung bình khi các em trở thành thừa cân là 22 tháng. Họ cũng tìm thấy khoảng 25% trẻ em thừa cân từ lúc 5 tháng tuổi, hoặc trước đó một chút.
Di dân dễ mập
Trở lại với kết luận trẻ con gốc Việt tại Quận Cam mập phì hơn những trẻ em của các sắc dân khác (ngoại trừ trẻ em người Mexico), Bộ Y Tế Hoa Kỳ nói rằng, “yếu tố di dân” là một trong những lý do quan trọng tạo ra tình trạng này.
Cũng theo tài liệu của cơ quan này, trẻ em của những sắc dân mới đến định cư tại Hoa Kỳ có khuynh hướng bị mập nhiều hơn những giống dân đã định cư lâu hơn.
Lý do, tài liệu này nói, là vì khi người di dân đến Hoa Kỳ, họ nhập vào một môi trường tràn ngập quảng cáo về thức ăn làm sẵn, rẻ, “ngon miệng, nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng cao.”
Bà Patricia Wu, cố vấn về dinh dưỡng, thuộc Trung Tâm “Advanced Wellness Center,” tại Long Beach, nói với Người Việt, trẻ con ở Hoa Kỳ ăn thức ăn làm sẵn quá nhiều, và “những thức ăn này là một cái bẫy.”
“Mới nhìn, thức ăn làm sẵn có vẻ rẻ, nhưng vì thiếu dinh dưỡng, trẻ ăn xong vẫn cứ thấy “đói,” nên lại muốn ăn nữa.”
Vấn đề, theo bà Patricia Wu, là các em “thừa thức ăn, nhưng thiếu dinh dưỡng,” và vì thế, “càng ăn, càng mập, rồi lại càng thiếu dinh dưỡng, và lại càng muốn ăn.”
“Cái vòng lẩn quẩn cứ thể tiếp diễn.”
Kinh nghiệm của phụ huynh
Chị Hạnh Nguyễn, 45 tuổi, cư dân Santa Ana, chia sẻ kinh nghiệm về việc có người con trai lúc còn nhỏ khoảng ba, bốn tuổi biếng ăn, ốm yếu, được bác sĩ khuyên phải cho con ăn nhiều hơn, phải cho cháu đi bơi, hoạt động để thèm ăn hơn.
Chị kể là cho con đi bơi, ai ngờ đi bơi về đói, “cháu ăn ngấu ăn nghiến, gặp gì cũng ăn, pizza, hamburgers” và thoạt đầu thấy con lên cân, chị thấy vui, yên tâm, thế nhưng cứ theo cái đà đó thì đến lúc sáu, bảy tuổi, cháu trở thành mập phì.
Thế rồi trong thời gian con trai từ bảy tuổi đến khoảng 17, 18 tuổi thì sự thừa cân của con là nỗi ưu tư lớn của chị Hạnh.
“Tôi liên tục nhắc nhở cháu ăn vừa thôi, nhưng đang tuổi lớn, cháu mê ăn, bất cần lời khuyên của mẹ.”
Rất may, chị Hạnh cho biết, bước vào tuổi 18, con chị bắt đầu để ý đến ngoại hình của mình và bắt đầu để ý cách ăn uống, khi thấy lên cân thì tập thể dục nhiều hơn, và khi rảnh thì đi chơi bóng rổ với bạn bè…
Chị Hạnh kết luận: “Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sức khỏe và sự tăng trưởng của con em.”
“Ðừng để vì bận rộn nhiều mà mua những thức ăn làm sẵn (process food) hay thức ăn nhanh (fast food) cho con ăn. Những thức ăn này không tốt, chỉ làm cho người mập lên mà không khỏe.” Chị kết luận.
Ngoài vấn đề ăn uống, chị Hạnh dí dỏm cho rằng, có lẽ người Việt chúng ta cũng nên thay đổi quan niệm về cái đẹp, vì: “Cứ với quan điểm ‘Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao’ là oai, là đẹp, thì ai cũng cứ muốn con mình, nhất là con trai, thật to lớn đẫy đà, vì hình như người to con thì hay làm lớn.”
“Vấn đề là từ chỗ “to lớn” đến chỗ “lớn quá khổ,” thành ra mập phì, rất gần nhau.” Chị nói.
Chị Mỹ Linh Phạm, 52 tuổi, dân cư Stanton, cũng chia sẻ những kinh nghiệm về những đứa con của chính mình và bạn bè của cháu.
Chị nói: “Ðứa trẻ có khuynh hướng mập thì sẽ thấy nó tròn từ lúc nhỏ! Những cháu như thế này phải được chăm chút kỹ hơn. Còn cứ cho con ăn pizza, hambugers và uống soda thả cửa thì đứa nào dù sinh ra thon thả, lớn lên cũng bị mập.”
Chị Mỹ Linh cũng đồng ý với chị Hạnh về vai trò của cha mẹ trong việc chọn dinh dưỡng cho con, nhưng vai trò của học đường cũng quan trọng không kém. Chị bảo: “Tất cả là do cha mẹ cả, thế nhưng học đường cũng cần phải giáo dục trẻ em về việc ăn uống nhiều hơn, nhất là dạo này vì thiếu ngân sách, nhiều trường học đã cắt mất môn thể dục (physical education).”
Cũng theo nhận định của chị Mỹ Linh, trẻ em Việt Nam ít hoạt động thể thao hơn trẻ em các sắc dân khác, vì người Việt Nam muốn con học giỏi và thường khuyến khích con mình tham gia những sinh hoạt ngồi yên một chỗ, chẳng hạn… đọc sách.
“Trẻ em gốc Việt hình như ít tham dự vào những sinh hoạt học đường sau giờ học so với các trẻ con khác, có lẽ điều này cũng cần phải xét lại.” Chị nói.
Nguồn: Hà Giang, Người Việt