Tự chuyển hóa
Chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, đã và đang xẩy ra trong cả hai khu vực: ngoài xã hội và trong giới cầm quyền, cụ thể là ngay trong ban lãnh đạo CS. Chuyển biến trong xã hội xẩy ra trong mọi tầng lớp nhân dân, từ trí thức đến nông dân và công nhân, tại thành thị và nông thôn. Chuyển biến trong xã hội cũng toàn diện, xẩy ra trong mọi ngành, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật, truyền thông báo chí, và chính trị. Điều cần nói đến là chuyển biến cũng xẩy ra ngay trong đảng CS, và ngay ở giai đọoạn đầu tiên của tiến trình chuyển hóa. Bài sau chúng ta sẽ nói đến chuyển hóa trong xã hội và quần chúng. Bài này chúng ta xem xét sự chuyển hóa trong đảng CS, liên quan đến điều mà chính họ gọi là “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.
Gần đây, trên báo chí “lề phải”, xuất hiện một loạt các bài viết chống lại “nguy cơ” “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa”. Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 10.7, đăng bài với tựa đề “Đề phòng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có những đoạn như sau:
“Thời gian qua, việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm… Biểu hiện của “tự diễn biến” là sự suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân… (các thế lực thù địch) Họ tận dụng triệt để “lực tương tác tự thân” này để gia tăng các hoạt động tác động, chuyển hóa, làm cho chế độ “tự mục ruỗng” từ bên trong, dẫn tới chệch hướng và sụp đổ.”
Trên tờ báo điện tử của đảng CSVN ngày 15.7 có bài “Cảnh giác trước những biểu hiện “tự diễn biến”, mở đầu với đọan: “Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã cảnh báo: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”.
Tiếp theo là hàng loạt các bài với nội dung tương tự xuất hiện trên nhiều báo lề phải khác. Thực ra chiến dịch chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không phải mới có, mà đã được phát động từ trước và sau Đại Hội XI, và là một biến thái mới của việc chống lại “âm mưu diễn biến hòa bình”. Ngay từ 2009, trong khi chuẩn bị cho ĐH XI, ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của đảng CSVN, đã viết trên tờ Nhân Dân điện tử ngày 03/08/2009: “Cần chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, hình thành lực lượng đối lập của các thế lực thù địch.”
Trong bài viết này ông Tô Huy Rứa đã nêu ra 2 vấn đề tách biệt mà ban lãnh đạo CS hiện nay phải đối phó: một là “tự diễn biến hay tự chuyển hóa” và hai là “diễn biến hòa bình”. Ban lãnh đạo CS cho rằng “tự diễn biến hay tự chuyển hóa” là “thủ đoạn” của “đế quốc và phản động”, đã được sử dụng để tạo điều kiện dẫn đến sự sụp đổ chế độ CS tại Liên Xô. Một bài báo trên tờ QĐND ngày 10/01/2010, có tựa đề Trước hết kiên quyết không “tự diễn biến” còn khẳng định rằng: “Nếu những người cộng sản không “tự diễn biến” thì “diễn biến hòa bình” “có ba đầu, sáu tay” cũng không làm gì nổi.”
Đúng như thế, nếu chính những người CS không “tự chuyển hóa” thì tiến trình chuyển hóa hòa bình sẽ gặp trở ngại, và đó là điều mà ban lãnh đạo CS tại Việt nam đã ý thức được, và đã toan tính ngăn chặn. Nhưng trước hết, khi chống lại “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ban lãnh đạo CS đang chống lại chính mình, hay đúng hơn, chống lại những bậc đàn anh đã từng lãnh đạo đảng của họ. Những người CS hàng đầu như Võ Văn Kiệt, Hoàng Minh Chính, Trần Độ… đã kêu gọi, thậm chí đấu tranh đòi ban lãnh đạo đảng của họ phải đổi mới về chính trị, chấp nhận dân chủ, kể cả bỏ điều 4 HP, chấp nhận đa đảng. Một số đã trực tiếp vận động cho ra đời các chính đảng đối lập, kể cả một đảng đối lập vẫn theo đường lối xã hội cộng sản nhưng họ cho rằng trong sáng hơn, dân chủ hơn. Chính danh từ “tự diễn biến” cùng với chiến lược “tự diễn biến” đã được một người cộng sản lão thành là Lê Hồng Hà, cựu Chánh văn phòng chính phủ, cổ vũ. Ông còn sử dụng một danh từ dứt khóat hơn, đó là “tự vỡ” và có thể vì thế mà ông đã bị bắt giam một thời gian. Trong những năm trước và sau ĐH XI của đảng CS ông vẫn tiếp tục cổ vũ cho “tự diễn biến”.
Liệu ban lãnh đạo CS hiện nay có ngăn chặn được “tự diễn biến” hay không? Những nhà quan sát và nghiên cứu quá trình dân chủ hóa tại những nước CS trong thời kỳ hậu Liên Xô đều tin rằng, trong thời đại toàn cầu, ban lãnh đạo đảng CS không thể không “tự chuyển hóa”. Chính ban lãnh đạo CS đã thấy rõ điều này khi đưa ra chủ trương “đổi mới”. “Tự diễn biến hay tự chuyển hóa” chỉ là một cách nói khác của “tự đổi mới”, đổi mới do chính ban lãnh đạo cộng sản đề ra và thực hiện. Tuy nhiên cái khác căn bản của đối mới với chuyển hóa là: ban lãnh đạo CS chỉ “đổi mới” về kinh tế, chấp nhận tự do cạnh tranh trong kinh tế thương mại, nhưng vẫn muốn duy trì độc quyền trong văn hóa tư tưởng và chính trị. Trong khi đó “chuyển hóa” luôn mang nội hàm toàn diện, cả kinh tế, văn hóa và chính trị, dù trong tiến trình thực hiện, kinh tế có thể xẩy ra trước một bước để tạo điều kiện cho chuyển hóa trong văn hóa và chính trị. Do đó, họ cố tìm cách trì hoãn, hoặc “cải biên” các cách ‘tự chuyển hóa” để vừa giữ được vai trò lãnh đạo chính trị, vừa tạo điều kiện để kinh tế tiếp tục phát triển. Con đường thoát hiểm của họ chính là tìm ra và phát huy các sáng kiến “tự chuyển hóa” mà không tự tiêu diệt, như cựu TBT Đỗ Mười đã đề ra: “đổi mới nhưng không đổi mầu”. Và như thế họ không chống lại “diễn biến hòa bình” và “tự chuyển hóa, tự diễn biến”, mà là chống lại chuyển hóa chính trị, trong đó có tự chuyển hóa của chính đảng CS.
Tiến trình chuyển hóa, trong xã hội và trong đảng CS, thực ra đã bắt đầu từ ngay sau khi LX sụp đổ, vào cuối thập niên 1980. Tình thế lúc đó bắt buộc như thế, nếu không, cả xã hội đã sụp đổ, trước hết là sự sụp đổ kinh tế. Thực ra, nếu nói cho sát với thực tế hơn, thì nhu cầu đổi mới kinh tế đã nung nấu ngấm ngầm trong xã hội ngay trong những thập niên cuối cùng trước khi chính thức có “đổi mới” kinh tế, vì sự sống còn của chính người dân. Sự tồn tại dai dẳng của “thị trường đen”, hiện tượng buôn bán hay trao đổi tem phiếu, việc sản xuất “tự phát”, vượt qua rào cản hợp tác xã của nông dân để tự cứu đói tại một số vùng nông thôn… Đó là những cố gắng tự phát, luồn lách cơ chế của chính người dân để tồn tại. Những họat động tự phát “ngoài luồng” này chính là nền tảng cho “đổi mới” kinh tế sau này, theo đúng “truyền thống” quản lý XHCN tại Việt nam: “dân đi trước, nhà nước theo sau”. “Đổi mới” do đó, trong thực chất, chỉ là một danh từ để chỉ một chủ trương được đảng sử dụng để công nhận và hợp pháp hóa những họat động luồn lách “tự cứu” của người dân, và qui củ hóa những họat động này cho thành nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, một cái đuôi mà thực chất chỉ có nghĩa là “dưới sự lãnh đạo của đảng”.
Nói theo ông Lê Hồng Hà, nhà lý luận “tự vỡ”, trong tiến trình chuyển hóa toàn diện bắt buộc phải xẩy ra tại Việt Nam kể từ sau sự kiện LX đến nay thì ban lãnh đạo đảng CSVN đã thua trong kinh tế và văn hóa-tư tưởng, nhưng chưa thua trong chính trị. Ông Lê Hồng Hà cũng thấy rằng con đường giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam phải đi theo một lộ trình nhiều giai đoạn: “…từ đổi mới thì chủ nghĩa xã hội Nhà nước bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội Nhà nước xâm nhập vào Việt Nam là theo con đường chính trị đi trước, kinh tế tư tưởng đi sau, nhưng khi bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam thì chủ nghĩa xã hội Nhà nước lại ra đi từ kinh tế trước, sau đến tư tưởng và chính trị là cuối cùng. Như vậy, lộ trình xâm nhập và lộ trình ra đi là ngược nhau”. (*)
Đây là lộ trình chuyển hoá mà chúng tôi đã để ra trong Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện, được chính thức phổ biến từ năm 2003 (**), theo đó thì dân chủ hóa Việt Nam phải diễn ra qua 3 giai đoạn: từ chuyển hóa kinh tế đến chuyển hoá văn hóa, giáo dục, tư tưởng, thông tin, để cuối cùng đến chuyển hóa về chính trị, mở đường đưa đất nước bước hẳn sang chế độ dân chủ pháp trị. Giai đọan cuối cùng này hiện đã bắt đầu. Việc chuyển đổi từ cơ chế độc tài đảng trị sang dân chủ pháp trị là bước tiến “bắt buộc” trong tiến trình chuyển hóa Việt Nam từ lạc hậu sang phát triển. Trong tiến trình không thể đảo ngược này, “tự chuyển hóa” trong đảng cộng sản, mà trước hết là trong cơ chế lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản, cũng là một quá trình bắt buộc. Nó đã diễn ra trong kinh tế, ngay sau sự sụp đổ của LX, và chính nhờ đó mà đảng CSVN còn tồn tại đến hôm nay. Nó đang tiếp tục diễn ra trong văn hóa tư tưởng qua các sinh hoạt do nhân dân ngày càng chủ động tạo ra trong các lãnh vực văn học nghệ thuật, báo chí (cả lề phải và lề trái), giáo dục, tư tưởng, ngoài xã hội và trên cộng đồng mạng, một “xã hội dân sự mạng”. Nó tất yếu đang dẫn đến một đột biến chính trị, vì trong chính trị, chỉ qua đột biến nền dân chủ pháp trị mới thoát ra khỏi sự kìm hãm của cơ chế độc tài đảng trị, như gà con phải mổ vỏ trứng mới ra khỏi trứng để thành gà được.
Đột biến chính trị sẽ xẩy ra như thế nào, ôn hòa hay bạo động, nhanh chóng hay kéo dài, tùy thuộc nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố quan trọng là sự “tự chuyển hóa” của chính đảng CS. Nếu chúng ta không muốn có bạo động, vì bất lợi cho sự phát triển và ổn định của đất nước, nhất là trước nguy cơ bành trướng của Trung quốc, thì cần cùng nhau thúc đẩy và hỗ trợ mọi cơ hội và khả năng “tự diễn biến” trong đảng CS, như một trong những nhân tố quyết định đưa đất nước thoát ra khỏi bế tắc hiện nay và mạnh tiến về phía trước.
(25.7.2011)
© Đoàn Viết Hoạt
© Đàn Chim Việt
————————————————————————
Ghi Chú
(*)http://www.diendan.org/viet-nam/le-hong-ha-111au-tranh-vi-phat-trien-va-dan-chu-hoa-111at-nuoc/
(**) Chủ Đề Vận Động Dân Chủ: www.doanviethoat.org
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI VÀ NHỮNG DANH TỪ
Chính con đường đi mới dẫn người ta đến nơi nào cần đến mà không phải là những danh từ. Những danh từ có khi chỉ phát sinh từ những khái niệm sai lầm. Những danh từ kiểu như thế rồi đem truyền miệng, ép uổng lẫn nhau, lừa dối lẫn nhau qua nhiều cá nhân, nhiều thế hệ là hoàn toàn vô nghĩa, và chắc chắn là tai hại.
Con đường tự chuyển hóa: Đó là con đường vận động khách quan của mọi sự vật. Nó được quyết định do chính mục đích tốt đẹp của nó. Con đường tự chuyển hóa chỉ xấu khi nó làm thiệt hại cho đất nước, xã hội. Con đường tự chuyển hóa là tốt nếu nó mang loại mọi lợi ích chung, cần thiết, hữu lý và chính đáng.
Nhân dân: nhân dân thì không bao giờ phản bội lại mình. Chỉ có những cá nhân lợi dụng nhân dân, còn chính nhân dân không hề hay không thể lợi dụng ai cả.
Chủ nghĩa: chủ nghĩa chỉ là một quan niệm, hay một lý thuyết nhất định, do một cá nhân đưa ra, mà một số người nào đó hướng theo. Chủ nghĩa không thể mang ý nghĩa là chân lý khách quan hay tuyệt đối.
Xã hội: tinh thần xã hội là ý thức hướng đến nhau của mọi người. Nó mang tính chất tự giác, cao quý, tự nguyện. Nếu cơ chế xã hội như một sự tổ chức chặt chẽ, máy móc, một thể chế kiểu độc đoán, độc tài và chuyên quyền, thì điều đó hoàn toàn phản lại ý nghĩa tự nhiên của xã hội, tức là phản lại xã hội, phản lại con người, vì nó có thể làm nô lệ xã hội, nô lệ con người.
Cộng sản: ý niệm cộng sản theo kiểu ấu trĩ, thô lậu, hoàn toàn không thực tế và ngày nay đã thật sự lỗi thời.
Ý niệm cộng sản theo kiểu Mác: hoàn toàn không có cơ sở thực tế khách quan. Nó chỉ là sự tưởng tượng chủ quan, nên thực tế là hoàn toàn sai lạc, phi hiện thực.
Tuyên truyền: Chỉ có tuyên truyền chính đáng là sự phổ biến thông tin một cách khách quan. Tuyên truyền để nhằm lừa mị, nói sai sự thật, khiến người khác tin điều gì không xác đáng, đó là một sự sai trái và kể cả một điều ác.
Dân chủ: dân chủ là yêu cầu hoàn toàn tự nhiên, khách quan của xã hội. Dân chủ có nghĩa mọi công dân đều bình đẳng, không ai lấn lướt hay chiếm quyền của nhau. Dân chủ luôn đi đôi với bầu cử tự do. Bầu cử không tự do, bầu cử người đại diện thông qua người khác, thực chất là phi dân chủ hay phản dân chủ. Trong xã hội dân chủ chỉ có người đại diện được bầu, không có người cầm quyền nối tiếp mhau từ trên trời rớt xuống. Mọi quyền hành chỉ do dân giao, không thể đương nhiên tự có.
Độc tài: sự lạm quyền của cá nhân hay nhóm cá nhân đối với xã hội. Độc tài là tai hại vài nó đi ngược lại yêu cầu dân chủ, phản dân chủ. Độc tài không bao quát ý nguyện và tinh hoa của toàn dân. Độc tài chỉ là sự chuyên quyền nhất thời vì các nguyên do lịch sử không khách quan hay không chính đáng nào đó.
Diễn tiến hòa bình: hòa bình là ôn hòa, tranh cãi, thỏa thuận nhau không đổ máu. Diễn tiến hòa bình là tốt nếu mục đích của nó là tốt, là mang lại hiệu quả hơn cho xã hội. Diễn tiến hòa bình là xấu chỉ khi nào nó làm hại xã hội. Người nào cứ nhắm mắt quan niệm diễn tiến hòa bình là xấu, đó là quan niệm tệ hại nơi chính họ. Họ có thể chỉ vì mục đích, lợi ích riêng mà quên đi lợi ích hay mục đích hữu ích chung.
Quốc gia, dân tộc: hay tổ quốc và nhân dân, cái gì thiêng liêng nhất do lịch sử để lại. Nó gắn liền với giá trị và cơ sở sống thực tế của mọi công dân. Nó vượt lên trên mọi thứ chủ nghĩa chỉ có tính chất chủ quan hay nhất thời. Bởi nó luôn luôn trường tồn, chính đáng nhất, còn mọi thứ lý thuyết chính trị giáo điều, đều chỉ là chủ quan, nhất thời, bề ngoài, do kết quả của tuyên truyền sai lệch, mà không có gì tuyệt đối hay đúng đắn sâu xa cả.
Như vậy có nghĩa danh từ hay hướng đi không quan trọng. Quan trọng chính là danh từ đó không nhằm tuyền truyền lệch lạc hay sai trái. Tức mọi danh từ phải mang đúng nội dung xác đáng của nó. Cho dầu do bất kỳ ai nói ra cũng đều như vậy. Và hướng đi tốt là hướng đi mang lại mọi lợi ích tốt nhất mà tất cả mọi người đều trông đợi. Có nghĩa cái chính đáng là cái chính nghĩa trên đời này, cái không chính đáng hay sai trái, ngược lại luôn luôn là cái phi nghĩa.
ĐẠI HẢI
Chịu hay không chịu tự chuyển hóa, nhìn theo góc độ tất yếu lịch sử, cũng chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề. Tự chuyển để ăn nhập, khớp với yêu cầu tiến triển của thời đại, tất dần dà sẽ mất đảng, hoặc còn nhưng tồn tại song song với những chính đảng khác. Bảo thủ đến cùng, không tự chuyển, cũng mất đảng, mà mất một cách đau đớn vì bị xếp vào bảo tàng những kẻ thù ghê gớm nhất của nhân loại. Ở VN hiện nay, không thể kỳ vọng ý thức tự chuyển hóa của những cái đầu thống trị chế độ, vừa già nua cố chấp, vừa ấu trĩ kiến thức xã hội, cho nên quá trình dẫn đưa sự chuyển hóa ấy chắc chắn còn kéo dài. Nhưng không chuyển hóa cũng không xong : dân chủ, nhân quyền là luồng gió mát trên sa mạc cằn cỗi. Lúc đầu có thể chỉ hiu hiu, đến khi người ta “ngấm” được tận đáy lòng, khó có lực cản dù phản động nhất nào ngăn cấm nổi họ tìm mọi cách đến với nó !
NGÀY LẠI MỚI HƠN.
Tự chuyển hoá là đổi mới cho ứng hợp với từng giai đoạn, bắt nhịp hài hoà với sự phát triển không ngừng trên thế giới về mọi mặt. Tự chuyển hoá từ cơ cấu tổ chức đến cơ chế chính trị được thực hiện, sự đổi mới luôn cần phải có trong bất kỳ một chính quyền nào, để hoàn thiện hoàn chỉnh với thời gian. Cho dù ở mọi thể chế chính trị nào, cũng đều phải có sự thay đổi không ngừng đó. Chẳng khác chi trái đất cuả chúng ta, vưà quay chung quanh mặt trời, mà cũng vưà tự xoay với chính nó.
Nếu trái đất không tự xoay với chính mình, sẽ không có muôn loài vạn loại sinh sống trên mặt đất, nó sẽ phải là một hành tinh chết và tự tan rã trong vũ trụ. Một chính thể mà không có được sự tự chuyển hoá, chẳng khác chi là một hành tinh chết, nó cũng sẽ phải bị đào thải với thời gian, bởi không thể còn thích ứng được với sự thăng tiến cần thiết cuả toàn thể nhơn loại. Trào lưu dân chủ và nhân quyền, luôn được dâng cao trên khắp năm châu toàn cầu, sẽ lan rộng mãi không bao giờ ngừng, xô xập tất cả những bức tường độc tài toàn trị còn sót lại trên thế giới hôm nay.
Các nhà nước cộng sản thống trị chuyên chế như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, chính là tàn dư còn sót lại cuả chủ thuyết Mác Lê Cộng Sản, một chủ thuyết đã bị cả nhơn loại trên thế giới lên án, chắc chắn sẽ phải tan rã trước làn sóng dân quyền mạnh mẻ ngày nay. Tự chuyển hoá để tồn tại là tiêu điểm cần phải đạt được với mọi phương sách, bởi vì nếu không, chính người dân trong nước đó sẽ phải thay đổi, cho dù phải bị trả giá bằng máu, e rằng cũng vẫn phải được thực hiện vì mục đích dân quyền cao cả đó. Dùng bạo lực để trấn áp người dân cuả mình, tất sẽ nói lên tính cường quyền thống trị phi nhân bản cuả thể chế, bộ mặt độc tài toàn trị sẽ bị cả thế giới nhơn loại trông thấy rõ.
Tự chuyển hoá trong giới cầm quyền Việt Nam, cũng chính là mở rộng hướng đi dân chủ hơn nưã, để kết hợp được những thành phần đối kháng trong và ngoài nước. Ứng trợ được cho đường hướng ngoại giao đa cực sẽ phải thực hiện, vưà nâng cao tính đoàn kết dân tộc, vưà khã dĩ có đủ tiềm năng tiềm lực, để ngăn chận bá quyền bành trướng đại Hán Trung Quốc. Hơn nưã, nếu Việt Nam có nền dân chủ thực sự mạnh mẻ lên, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải yếu bớt lại, tính bá quyền bành trướng ắt là phải co cụm lại. Trên bàn thương thuyết vấn đề lảnh hải Biển Đông Việt Nam, cơ thế tương đối sẽ được bình đẳng hơn là tư thế hiện nay; một tư thế đảng đàn em cộng sản Việt Nam, trước đảng cộng sản đàn anh Trung Quốc.
Nền tảng cho tự chuyển hoá một chính thể, luôn luôn là xuất phát từ mỗi cá nhân, với sự thách thức kiên định chính mình. Ý thức tự giải phóng chính mình là sự thách thức đáng trân kính quí trọng hơn cả, nó cũng là sự sáng tạo để thăng tiến bên trong mỗi người. Sự tỉnh thức hay còn được gọi là tự giác ngộ, đứng về mặt bên trong con người thì hoàn toàn như nhau không khác. Bởi vì tỉnh thức hay tự giác ngộ, có được từ sự buông bỏ xuống tất cả theo cách tuyệt đối. Bởi vì cái củ không buông bỏ đi, thì cái mới sẽ không thể tới. Hít vô là lấy cái mới mát mẻ vào, thở ra chính là buông bỏ tất cả những cái củ nóng bức bên trong thân thể. Đó chính là sức sống cuả con người trên thế gian nầy.
Nói tuyệt đối, để thách thức với chính mình trên con đường tự chuyển hoá, mà thực ra trong tự chuyển hoá không thể đến điểm tuyệt đối cho được, chính vì không có được nên luân luân chuyển chuyển vô số kiếp,vì đường đi không có điểm đến, nên nói là không có điểm tuyệt đối. Lộ trình dân chủ vì thế nên nói là sự đấu tranh trường kỳ, bởi vì không có thể chế dân chủ nào trên thế giới nầy được cho là hoàn thiện hoàn mỹ cả, đó là sự không có được tuyệt đối.
Thế nên, chỉ lấy câu nói cuả Vua Thang trên bồn tắm làm tiêu chí cho sự tự chuyển hoá đó : “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân.” . Mỗi ngày mỗi mới, ngày ngày mới hơn, ngày lại mãi mới.
Xin trân trọng.