WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lịch sử xoá bỏ, tiêu diệt lịch sử

Vào ngày nền dân chủ hùng mạnh của nước Đức đặt Hitler lên ngôi hoàng đế, liệu có ai đoán được tất thảy những gì sẽ xảy ra sau đó?…

Không ai cả…

Nói cách khác, trừ Thượng đế, không một người bằng xương bằng thịt nào có thể đoán chắc tương lai của một dân tộc, có thể mô tả chính xác hành trình của lịch sử, kể cả những nhà tiên tri vĩ đại nhất.

Chúng ta luôn sống bằng những giả định, chúng ta luôn tiến bước trên những con đường tràn ngập sương mù, và lịch sử luôn luôn là một thứ hồi quang. Hồi quang ấy là sự hội tụ của muôn ngàn tia sáng, phản chiếu muôn ngàn góc độ khác biệt của hiện thực. Bất cứ lịch sử tổng hợp nào cũng dung chứa muôn triệu lịch sử cá biệt, tựa như một thứ búp-bê Nga khổng lồ.

Với đại chiến II, ta có thể đọc hàng trăm ngàn cuốn sách, dưới các thể loại khác nhau, mô tả hoặc liệt kê các chiến thắng và chiến bại của phát xít Đức cũng như đồng minh, các trại tập trung và các lò thiêu người, đời sống của các tội phạm chiến tranh và các toà án quốc tế xét xử chúng, những bi kịch xảy ra với các gia đình ở hai phía đông-tây bức tường Béc-lanh, các cuộc di dân khổng lồ cũng như vô số các đề tài khác. Hơn một nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng lịch sử về cuộc chiến tranh toàn cầu này vẫn không ngừng được tái tại và sáng tạo. Bởi lẽ sự hoàn thiện là một cuộc săn đuổi vô tận. Bởi lẽ trên cõi đời luôn luôn tồn tại một vùng tối. Và bởi lẽ, con người luôn luôn bị giam cầm trong một thứ nhà tù nào đó, thứ nhà tù này có thể được xây cất do ngoại cảnh, cũng có thể do chính họ, do vùng bóng tối dày đặc che chắn đôi mắt họ.

Thứ bóng tối khuynh đảo nhân loại một cách tàn bạo nhất, thường được dệt từ trạng thái hoặc trống rỗng hoặc mơ mòng của trí não và các ảo vọng của con tim.

Để có một ví dụ cụ thể cho hiện tượng này, tôi xin trở lại cuộc chiến tranh Việt-Mỹ. Cuộc chiến gây nhiều tổn thất nhất cho cả hai phía, là biểu tượng cho lòng kiêu hãnh khổng lồ của nước Mỹ bị tổn thương. Đến tận ngày hôm nay, danh từ Việt Nam được nhắc đi nhắc lại trên báo chí toàn cầu, cũng không có một ý nghĩa nào khác hơn là sự răn đe hay sỉ nhục nền chính trị “đại quốc” của Mỹ. Trong các bình luận quốc tế về cuộc chiến tranh Iraq, danh từ này tựa hồ một trái lựu đạn cay ném trước thềm Tòa Bạch Ốc ở Washington . Nhiều người Việt Nam, trước hết là nhà cầm quyền Việt Nam đương đại, coi đó là niềm kiêu hãnh. Đối với riêng tôi, đó là nỗi đau đớn chua chát, một vết thương không bao giờ lên sẹo. Chính do cuộc chiến tranh này mà tôi hiểu được rằng đôi khi, những bi kịch lớn lao nhất của loài người cũng chỉ là trò đùa của số phận. Rằng luôn luôn có một thứ ténèbre dưới ánh mặt trời. Rằng bàn tay cay nghiệt của định mệnh đã từng nhấn chìm dân tộc tôi trong một vùng tối mù thấm đẫm máu tươi. Rằng chúng tôi đã từng sống những tháng năm dài như những kẻ mù loà cho dù có những đôi mắt long lanh của tuổi hai mươi và cho dù Việt Nam là xứ nhiệt đới nơi thừa ánh mặt trời, một thứ mặt trời chang chói.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ là cuộc chiến tranh ấn tượng, nếu nhìn bằng con mắt nghệ sĩ. Các phi công Mỹ trên pháo đài bay B52 đã từng là những nghệ sĩ khi họ nhìn các đám cháy trên bán đảo Đông Dương và tìm thấy một sự hoà sắc tuyệt hảo: màu xanh lơ biển cả, màu diệp lục của rừng, màu đỏ của lửa, màu trắng của các giải cồn cát và khói bom, màu máu tươi của người bản xứ vọt ra đỏ tươi, điệp cùng màu lửa… Quả là đẹp!… Đó là lời thú nhận của khá nhiều người… Có lẽ chính vì vẻ đẹp phi nhân này mà cái tên Việt Nam, vốn muôn ngàn năm nép mình trong bóng rừng sâu, bỗng trở nên một danh từ quen thuộc trên báo chí thế giới. Một phần nhân loại ủng hộ đội quân phía Nam. Nhưng phần lớn hơn ủng hộ người miền Bắc. Không kể các nhà văn thiên Cộng như Jean-Paul Satre và Betrand Russel, những người đã lập toà án Nurremberg, nhưng ngay các nhà văn hoá chủ trương chống Cộng cũng đã ủng hộ miền Bắc Việt Nam với một lý do rất nhân bản: Người ta cần che chắn, cần giúp đỡ một kẻ yếu trước một địch thủ hùng mạnh gấp trăm lần.
Dương Thu Hương: “Tìm kiếm chân lý, tái tạo lịch sử là một cuộc lưu đầy không xê dịch. Đó chính là thân phận của nhà văn”.
Nguồn: vi.wikipedia.org

Về phía chúng tôi, đội quân phía Bắc, những người “Ra đi không tính ngày trở lại”, những người đã “Tham dự một cuộc lên đồng tập thể”, chúng tôi trải nghiệm sức mạnh của tình yêu nước, một sức mạnh có khả năng thăng hoa cả một dân tộc, biến những con người bình thường thành những cỗ máy lao vào lửa đạn, vượt qua mọi khao khát nhân bản khác như sự yên bình, tình yêu, hủy bỏ mọi nhu cầu bình thường của cuộc sống, chấp nhận cái chết một cách thanh thản vì sự lựa chọn của chính mình: Sống nô lệ không đáng giá bằng chết tự do!

Nhưng phía sau tất thảy những biện minh vô cùng cao thượng ấy, ai biết những lớp lang nào đã diễn ra bên trong tấm màn sân khấu?…

Nào ai biết rằng không chỉ “đế quốc Mỹ xâm lược” mà chính những người cộng sản phương Bắc cũng muốn có cuộc chiến tranh này và sự chuẩn bị cho trận sống mái đã diễn ra từ rất lâu trong bóng tối?…

Nào ai biết rằng phía sau những khẩu hiệu biểu trưng cho một lý do siêu tuyệt là những cuộc tranh chấp quyền lực hèn hạ, là những trận huyết chiến âm thầm nơi hậu cung và không biết bao nhiêu xác chết đã bị vùi lấp dưới những lớp tro giá lạnh của thời gian?…

Nào ai biết rằng một cuộc chiến tranh khốc liệt có thể được khởi sự bằng những mưu mẹo thâm độc của một ông chủ lớn, được khởi hứng bởi những giấc mơ xảy ra trong bộ óc của một kẻ tiếm quyền mắc chứng vĩ cuồng. Tất thảy những kẻ vĩ cuồng đều bị ám ảnh bởi các khải hoàn môn, và các khải hoàn môn thường được xây bằng xương đồng loại!…

Nào ai biết?…

Không ai biết cả!…

Vì thế, những trang sử được phổ biến khắp toàn cầu, được rao giảng trong toàn bộ hệ thống trường lớp quốc gia là những trang sử giả, trong đó, mọi sự kiện đều được dàn dựng, mọi hình ảnh đều được thếp vàng trước khi trưng bày trong phòng bảo tàng, và mọi con số đều là con số thần chú.

Cũng vì thế, người ta cần có thời gian. Thời gian, để những cơn mưa dai dẳng làm trôi sụt đất trên các sườn đồi, làm lộ ra các xác chết hữu danh cũng như vô tính. Thời gian, để vùng bóng tối trùm phủ lên bầu trời xứ sở có thể tan biến. Thời gian, để lớp keo đen che mắt con người bị bong ra, cho phép họ nhìn thấy sự vật dưới ánh sáng bình thường…

Lớp keo đen, tấm vải bịt mắt, phải chăng nó là một thứ phụ tùng bất khả bãi miễn của nhân thế, một nhu cầu vô thức?… Phải chăng con người luôn có khuynh hướng tìm sự an bình và tiện nghi trong các ảo thức của bóng tối?… Dường như bóng tối đem cho họ sự an toàn còn đối diện với sự thật cũng giống như nhìn thẳng vào mặt trời là một cuộc thử thách quá cam go?…

Hẳn chỉ có Thượng đế mới đủ quyền năng trả lời câu hỏi ấy.

Với tư cách một con người, kẻ quan sát, tôi xin nêu lên ví dụ thứ hai: Từ cuộc cách mạng “hoan lạc” Mao-68 đến nay đã bốn mươi năm. Những nhà Maoistes francais đã viết khá đủ sách để biện minh cho sự nhầm lẫn của họ. Giờ đây, nhân loại không còn do dự để liệt kê Mao vào danh sách những tên đao phủ khổng lồ của nhân loại, sánh cùng Hitler lẫn Staline. Tài tình hơn Hitler, Mao đã tận dụng sức mạnh huỷ diệt của tuổi thiếu niên vào thời điểm “điên rồ nhất, dễ nhầm lẫn nhất, mù mờ nhất”, thời điểm bản lề của những đứa bé đang từ giã tuổi niên thiếu để bước sang giai đoạn trưởng thành. Nhờ ngọn thuỷ triều đen này, Mao đã tiêu diệt khoảng ba mươi lăm triệu người Trung Hoa. Rồi sau đó, chính những tên đao phủ vị thành niên, tới lượt chúng, bị đẩy lên các vùng biên cương xa xôi, trong các trang trại hoang vu cỏ cao hơn lúa mạch, chết vì đói khát, bệnh tật và tuyệt vọng vì không có đường về… Thêm hai mươi lăm hay ba mươi triệu thây ma nữa?… Nào có đáng kể chi với vị hoàng đế đỏ, người đã từng tuyên bố một câu xanh rờn: “Dân Trung hoa có hơn sáu trăm triệu. Tôi sẵn sàng hy sinh một nửa số đó để cắm ngọn cờ hồng trên toàn thế giới!”…

Vậy mà giờ đây, trên đất Trung Hoa mênh mông, Mao trở thành một thần tượng, một anh hùng dân tộc, thậm chí một vị thánh. Những tấm áp-phích khổng lồ trưng hình ảnh của ông ta trên mọi địa điểm công cộng cũng như các phòng trà hoặc cà-phê. Thây ma phì nộn của ông ta được đặt ngay tại quảng trường Thiên An Môn, nơi xảy ra cuộc tàn sát nổi tiếng 1989. Ngày ngày, dân Trung Hoa tới đó tưởng niệm ông Hoàng đế đỏ. Ngày ngày, du khách đổ đến “la terre natale du leader charismatique” để bất tử hoá người nông dân vĩ đại sinh thành trên tỉnh Hồ Nam…

“Mao, c’ est toute ma vie, c’ est notre Dieu” (Mao, chính là cả cuộc đời của tôi, là Thượng Đế của chúng tôi – DCV tạm dịch), một nông dân 73 tuổi tuyên bố.

“J’ aime Mao parce que c’ est le Dieu de ma mère” (Tôi yêu Mao bởi vì ông chính là Thượng Đế của Mẹ chúng tôi – DCV tạm dịch). Đó là lời một ca sĩ 40 tuổi, tên Namu. Và những người khác, không biết gì về lịch sử của chính đất nước họ, đặt tên đồ tể vĩ đại này ngang tầm với Bouddha…

Có lẽ không có một mỉa mai nào đáng khóc và đáng cười hơn thế…Và đó, một thứ ténèbre hiển nhiên tồn tại dưới ánh mặt trời.

Giang Gao, nghệ sĩ, một trong số hiếm hoi những người Trung quốc cảm thấy bị sỉ nhục bởi hiện thực của đất nước mình:

“Toute mon enfance, sous Mao, a baigné dans le mensonge. Rien n’ a changé. Le mensonge fait partie de nos vies. La jeunesse est éduquée en dehors de la réalité. Tout le monde trouve normal que le cors de Mao soit encore visible place Tian’anmen. Pour moi, c’ est une insulte. Pouvez –vous immaginer que le cors de Hitler soit exposer au coeur de Berlin, et qu’ il soit aujourd’ hui encore l’objet d’un culte populaire encouragé par le gouvernement allemand?…”.

(Suốt tuổi trẻ của tôi, dưới thời Mao, đã thấm nhuần trong dối trá. Không có gì thay đổi. Sự dối trá là đời sống của chúng tôi. Tuổi trẻ được dậy dỗ bên ngoài sự thật. Mọi người đều thấy thi hài của ông (Mao) vẫn còn trông thấy ở Quảng trường Thiên An môn là điều bình thường. Đối với tôi, đó là một sự sỉ nhục. Bạn có thể tưởng tượng rằng thi hài của Hitler được đem trưng bày giữa Bá-linh, và thi hài ấy ngày nay hãy còn là đối tượng được chính phủ nước Đức khuyến khích dân chúng tôn thờ – DCV tạm dịch)

Giang Gao có lý khi nghĩ rằng cái hiện thực mà anh ta phải chịu đựng giống như lời chửi rủa. Hoặc chửi rủa, hoặc nguyền rủa, ấy là những món quà cay đắng mà lịch sử thường tặng cho con người, trước hết là những dân tộc sống thường trực trong bóng tối của chế độ toàn trị. Để chiến đấu chống lại thứ tội “tổ tông” ấy, người ta phải làm cho ánh sáng chiếu rọi được tới nơi thâm sơn cùng cốc của sự ngu dốt, dẫu là thứ ngu dốt do bị cưỡng bức phải ngu dốt ; dẫu là thứ ngu dốt do nhẹ dạ hay thơ ngây, dẫu là thứ ngu dốt tự chọn do hèn nhát, dẫu là sự ngu dốt do lãng quên hay thứ ngu dốt do vô tình…

Để chống lại những thứ lịch sử được tác tạo trong vùng bóng tối, con người cần truy tìm những thứ lịch sử khác, không chỉ thứ lịch sử chứa đựng trong lịch sử; nhưng còn thứ lịch sử xoá bỏ lịch sử, thứ lịch sử tiêu diệt lịch sử. Cũng như chân lý, lịch sử là cuộc tìm kiếm không ngưng nghỉ. Cũng như chân lý, lịch sử là một hành trình có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Tìm kiếm chân lý, tái tạo lịch sử là một cuộc lưu đầy không xê dịch, … être déporté et exilé sur place… Đó chính là thân phận của nhà văn.

Paris 2I Février 2008

Phản hồi