Đâu là sự thật ở Đồng Chiêm?
Cách đây ít hôm, nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc họp báo quốc tế để khẳng định việc không xua đuổi các tăng thân Làng Mai ở Bát Nhã và Phước Huệ, việc họ trở về địa phương được những người có trách nhiệm trong cuộc họp báo tuyên bố là “tự nguyện”. Dư luận còn chưa hết ngỡ ngàng bởi sự trơ trẽn của những người đại diện chính quyền và Ủy ban Tôn giáo nhà nước trong sự việc kể trên thì nay tới việc chính quyền khẳng định “không có chuyện đàn áp giáo dân ở Đồng Chiêm”.
Lời khẳng định “chắc nịch” này được ồ ạt đưa ra bởi các cơ quan truyền thông từ báo mạng, báo giấy, cho tới truyền hình…
Ở Việt Nam là thế. Khi im lặng, tất các các cơ quan truyền thông đều giả câm giả điếc dù báo chí hải ngoại người ta đã đưa tin, đưa hình. Khi lên tiếng, thì đồng thanh, đồng loạt. Khi chống tham nhũng thì rụt rè, úp mở, nhưng với những vụ án mang tính “chống đảng” hay chống “chính quyền nhân dân” thì nhảy vào “đánh hội đồng” các bị can mà khỏi cần tìm hiểu thực hư ra sao.
Trở lại chuyện “không đàn áp” ở Đồng Chiêm, xin điểm qua vài trang báo “đứng đắn” nhất:
Đầu tiên phải kể tới “đàn anh”, tờ Chính Phủ: Với tiêu đề “Không có việc đàn áp giáo dân xứ Đồng Chiêm”, bài báo khẳng định “Những thông tin cho rằng chính quyền đàn áp giáo dân xứ Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là sai sự thật, có dụng ý xấu, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Bài báo cũng lên án những trang mạng nước ngoài đăng tin “vu cáo, với nhiều tình tiết xuyên tạc và những lời bình có tính kích động”.
Minh họa cho việc “không đàn áp” ở Đồng Chiêm “ông” Chính Phủ đưa ra một bức ảnh chụp cảnh Giáng Sinh ở Sài Gòn với lời bình “Giáng sinh diễn ra trong không khí vui tươi an lành”!!!
Không lẽ những phóng viên của tờ báo đại diện cho chính phủ này không kiếm đâu được một bức hình ở Đồng Chiêm trong mấy ngày xảy ra cái gọi là “không đàn áp” này?
Tiếp theo là một bài ngắn gọn hơn trên báo Lao Động. Nội dung cũng ná ná như của Chính Phủ. Phóng viên của Lao Động cũng quên hoặc chưa được trang bị máy ảnh khi tác nghiệp nên họ cũng chỉ đưa tin theo kiểu CHAY.
Tờ VietNamPlus có vẻ “năng động” hơn các đồng nhiệp. Thay vì đưa bản tin khô khan lèo tèo vài chữ, họ đăng một bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch huyện Mỹ Đức, nơi xảy ra vụ “tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của giáo dân Đồng Chiêm”.
Hãy xem những phóng viên của TTXVN, tờ báo hàng đầu này phỏng vấn ra sao:
TTXVN: “Như tin đã đưa, ngày 6/1, chính quyền thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã tháo dỡ an toàn công trình xây dựng trái phép cây thánh giá trên đỉnh núi Chẽ.
Việc làm đó là đúng đắn nhưng đã có thông tin xuyên tạc, đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cho biết ý kiến làm rõ vụ việc này?”
Là một phóng viên, đi tìm hiểu thông tin để viết bài, gặp được “đối tượng” lại phủ đầu người ta bằng những lời khẳng định “đó là việc làm đúng đắn” và “đã có thông tin xuyên tạc” thì xin lỗi còn tác nghiệp cái con mẹ gì nữa! Nếu đã biết “đúng đắn”, rồi thì còn hỏi làm gì?
Còn câu trả lời thì sao? Ông phó chủ tịch nọ trả lời gần 700 chữ, đầy kín một trang giấy A 4 với đủ các thông tư, nghị định, pháp lệnh liên quan tới nhiều lĩnh vực như quản lý đất đai, tôn giáo cho tới xây dựng.v.v.
Xem ra ông uyên bác, hiểu biết và biết ăn biết nói còn hơn cả chủ tịch nước!
Người khờ nhất cũng có thể thấy đây chỉ là chuyện dàn dựng phỏng vấn. Trình độ của một ông phó chủ tịch huyện làm sao ăn nói trôi chẩy đến thế!
Những phóng viên TTXVN này đi tới hiện trường để phỏng vấn đương sự cũng “quên” máy ảnh, họ phải dùng ảnh Giáng sinh diễn ra ở tận Ninh bình để minh họa cho việc “không đàn áp tôn giáo” ở Đồng Chiêm!
Lục lọi thêm vài tờ báo khác, cũng chỉ là những bài viết hoặc tin tức mang nội dung tương tự, không có bất kể một hình ảnh nào, tôi vào trang của đài Truyền Hình Việt Nam. Hy vọng “truyền hình” có nghĩa là chuyển tải tới người xem nhưng tin tức hay phóng sự bằng hình ảnh chắc sẽ không khó khăn gì trong chuyện kiếm vài tấm hình.
Cũng không có gì. Phóng viên Vũ Chung của đài Truyền hình Việt Nam cho người xem “thưởng thức” cái ảnh nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình!
Người Việt xưa nay có câu, “nói có sách, mách có chứng”. Thời đại kỹ thuật số, một đứa trẻ lên 5, lên 7 cũng có thể dùng điện thoại cầm tay chụp hình tanh tách vậy mà đám phóng viên của mấy trăm tờ báo không đưa ra được một tấm hình, một đoạn video làm chứng thì liệu thuyết phục được ai?
Trong khi phóng viên “quốc doanh” lúng túng như vậy thì các “phóng viên không chuyên”, những giáo dân ở Đồng Chiêm đã chụp hình, quay video bằng điện thoại di động và gửi cho các trang mạng hải ngoại nhất là VietCatholic. Các hãng thông tấn từ BBC tới AP, AFP, PAP… đều đưa tin và hình ảnh một cách hết sức thuyết phục. Chỉ cần nhìn vào 2 cách đưa tin, người ngờ nghệch nhất cũng có thể biết đâu là thật, đâu là giả.
Thực chất, đây chỉ là màn chối tội được dàn dựng quá vụng về. Chuyện chối bai bải của nhà nước Việt Nam trước những vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo hay giam giữ tù nhân lương tâm vốn là chuyện “xưa như trái đất” nhưng xem chừng, càng ngày càng trở nên khó khăn hơn với nhà cầm quyền.
Internet cũng như kỹ thuật chụp hình số đã mở ra cho những người dân thấp cổ bé họng, dù ở làng quê xa xôi, dù trong đêm tối, dù bị bao vây bằng dùi cui, lựu đạn cay… một cơ hội để tố giác những hành động tội ác của nhà cầm quyền mà trước kia cha anh họ đã không có được.
Qua đó, người dân trong và ngoài nước cũng như dư luận thế giới có được những bằng chứng bằng hình ảnh mà không một thế lực nào dù gian manh đến mấy có thể dễ dàng đổi trắng thay đen.
Dưới đây là một số hình ảnh mà báo chí nước nhà đã không muốn đưa tin:
© Đàn Chim Việt Online
Toan dua anh deu khong dung su that.Day la anh nguoi dan bi tai nan giao thong.