Cuộc đấu giữa những nhóm quyền lợi
Trong một bài mới phổ biến gần đây, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A bàn về việc sử dụng từ “nhóm lợi ích,” hiện nay đảng Cộng sản đang gán cho nó một nghĩa xấu, mà theo ông thì mấy chữ đó vốn không có nghĩa xấu hay là tốt nào cả.
Nguyễn Quang A nhìn thấy hai căn bệnh lớn trong hiện tượng này. Một là bệnh theo đuôi trong giới làm báo, hai là bệnh độc quyền suy nghĩ của đảng Cộng sản. Danh từ “nhóm lợi ích” là một khái niệm mới mẻ. Ông viết: “Có sự lạ đời ở Việt Nam là, hễ có một vị lãnh đạo to nào đó, hay một người có uy tín nào đó, phát ra một thông điệp gì đó với một khái niệm ‘mới’ thì truyền thông ào ào ‘ăn theo,’ giới trí thức không chịu động não để phân tích và ủng hộ hay phản bác với lý lẽ, nên nghiễm nhiên cái khái niệm ‘mới’ ấy được phổ biến rộng rãi dẫu bản thân nó có thể hết sức méo mó thậm chí sai hoàn toàn.”
Theo Nguyễn Quang A thì chắc có một ông “lãnh đạo” lớn nào đó lên tiếng đả kích những “nhóm lợi ích,” gán cho danh từ đó một nghĩa xấu. Báo chí “ăn theo,” không ai chịu suy nghĩ tìm hiểu cho rõ nghĩa, vẫn theo thói quen mà các chế độ độc tài tập cho dân chúng chỉ biết “hô khẩu hiệu.” Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Quang A; nhưng thấy cần khai triển ý kiến của ông cho rõ hơn.
Thoạt nghe ai cũng biết ngay “nhóm lợi ích” là dịch danh từ “interest group” trong tiếng Anh, và dịch sát từng chữ, group dịch là nhóm, interest là lợi ích, đo đó “interest group” là “nhóm lợi ích.” Dịch máy móc, cũng giống như một đại tá công an viết trên báo Nhân Dân đã kích “Xã hội dân sự – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình.” Ông ta đã theo gót lãnh đạo, thấy chữ “civil society” thì dịch là xã hội dân sự, vì civil là dân sự. Không ai chịu “động não” tìm hiểu rõ nghĩa hơn xem gốc tích các danh từ này có ý nghĩa nào.
Ðể hiểu nghĩa danh từ “nhóm lợi ích,”cần đặt nó vào nơi đang thông dụng nhất, là khung cảnh chính trị và xã hội nước Mỹ. Người Mỹ hay đả kích các chính trị gia chỉ lo bảo vệ quyền lợi của các “interest groups” mà không lo đến công ích. Trong tiếng Anh, interest group cũng được gọi bằng nhiều từ tương đương, như advocacy group (nhóm cổ động), lobbying group (vận động hành lang quốc hội), pressure group (tạo áp lực), or special interest (quyền lợi riêng). Tóm lại, đó là những nhóm công dân chia sẻ những ý kiến, thái độ, quyền lợi chung của họ, và muốn gây ảnh hưởng trên chính sách của cả quốc gia để thực hiện các điều họ mong muốn. Những điều họ chia sẻ có thể là quyền lợi kinh tế, như các công đoàn, hội các nhà trồng nho, trồng bắp, hội các người về hưu ((AARP), hội các bác sĩ (AMA), hay hội các công ty bán lẻ, vân vân. Nhiều nhóm áp lực không quy tụ và vận động vì quyền lợi kinh tế mà vì các ý tưởng. Như Ủy Ban Quyền Sống (NLRC) chống phá thai, đối nghịch với Liên Ðoàn Bảo Vệ Tự Do Sinh Sản (NARAL) đòi tự do phá thai; Hội Súng (NRA) đối lập với Chiến dịch Brady ngăn ngừa bạo lực, Hội Bảo Vệ Tự Do Dân Sự (ACLU), vân vân.
Một người sống ở nước Mỹ, hay ở một nước tự do dân chủ, tự nhiên sẽ gia nhập rất nhiều nhóm với mục tiêu khác nhau. Mỗi ngày mở thùng thư ra có thể thấy mấy lá thư mời gia nhập hoặc xin ủng hộ, của các nhóm bảo vệ môi trường, của ủy ban vận động chính trị thuộc một đảng, hay là mời ký một kiến nghị. Mỗi nhóm này gồm những người cùng theo đuổi các mục tiêu, dù là kinh tế, đạo đức, chính trị hay xã hội. Nếu dịch cho đủ nghĩa thì gọi “interest group” là “những người chung quyền lợi,” chữ quyền lợi hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết là quyền lợi kinh tế. Nói giản dị là “Nhóm quyền lợi.”
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A hiểu ý nghĩa của danh từ “nhóm lợi ích,” cho nên ông viết: “Ðảng cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện nay. Tập thể những người dân khiếu kiện về đất đai tạo thành một nhóm lợi ích. Giới lao động dệt may, chẳng hạn, cũng tạo thành một nhóm lợi ích. Những người bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên là một nhóm lợi ích.” Ông thấy những luận điệu chống các “nhóm lợi ích” là vô lý. Ngược lại, ông đề nghị, “Phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước.”
Ý kiến trên diễn tả một nền tảng của thể chế dân chủ tự do.
Trong một quốc gia dân chủ, người dân có một quyền bất khả xâm phạm là quyền bất đồng ý kiến với nhau, cũng như quyền không đồng ý với nhà nước. Những khẩu hiệu như “nhất trí,” “đồng thuận” thường được các chế độ độc tài sử dụng, nấp sau lý tưởng “đoàn kết.” Nhưng mục đích che giấu đằng sau các khẩu hiệu của họ là muốn buộc mọi người phải cùng theo một ý kiến, không được cãi, thậm chí không được bàn.
Ngược lại, bản chất của chế độ dân chủ là chấp nhận ý kiến bất đồng, ai cũng có quyền theo một chủ nghĩa, cổ động cho một chính sách mình tin tưởng. Phải cho phép các nhóm người có ý kiến khác nhau được lên tiếng, ai cũng có quyền như ai. Chỉ cần một điều kiện là tất cả cùng tôn trọng luật chơi dân chủ, ai dùng bạo lực bắt ép hay dùng tiền tài mua chuộc người khác là vi phạm luật chơi.
Các nhóm quyền lợi đều muốn lái hành động của guồng máy nhà nước vào mục tiêu mà họ theo đuổi. Vì mỗi quyết định của Quốc Hội hay chính phủ đều có ảnh hưởng tái phân phối tài nguyên chung của quốc dân, hoặc ấn định lại các ưu tiên về luân lý, đạo đức và các giá trị chung của cả xã hội. Thí dụ ở Mỹ người ta đang bàn về việc cải tổ thuế vụ. Hiện nay luật thuế cho trừ tiễn lãi khi vay mua nhà vào lợi tức phải đóng thuế cá nhân. Lợi tức 100 đồng mà phải trả lãi 10 đồng vì vay mua nhà thì sẽ chỉ phải đóng thuế trên lợi tức 90 đồng thôi. Nếu bãi bỏ điều khoản này thì chính phủ Mỹ sẽ thu thêm được rất nhiều thuế, bớt khiếm hụt. Nhưng không những các chủ nhà không muốn thay đổi luật mà các công ty xây cất nhà cũng sẽ phản đối.
Ngược lại, sẽ có những người khác vạch ra là luật lệ hiện nay bất công, vì ưu đãi những người mua nhà, cho họ được hưởng một đặc quyền giảm thuế mà các người đi thuê nhà không được hưởng. Giới chủ nhà và các công ty xây cất sẽ vận động bằng lý luận rằng ưu đãi này tạo ích lợi chung cho cả xã hội. Vì khi thêm nhiều người mua nhà thì các công nhân sẽ có thêm việc làm, kinh tế cả nước sẽ lên cao, chính phủ sẽ thâu được thêm thuế. Mỗi nhóm có quyền lợi riêng sẽ vận động với Quốc Hội và chính phủ để bảo vệ quyền lợi của mình. Cuối cùng, các đại biểu Quốc Hội phải quyết định, và mỗi người sẽ cân nhắc xem các cử tri sẽ thích hay không thích khi mình bỏ phiếu thuận hay chống. Họ có thể tìm một giải pháp trung dung, ấn định một “mức trần” trên số tiền lãi được miễn thuế. Thí dụ, ai cũng được miễn thuế trên số tiền trả lãi 20,000 hay 30,000 đô la, trên số đó thì thôi. Làm như vậy, được lòng đa số các chủ nhà, vì chỉ tăng thuế những người giầu, mua nhà rất lớn mà thôi.
Trong cuộc chơi dân chủ, các nhóm quyền lợi giao đấu với nhau, họ tìm cách gây ảnh hưởng trên những người nắm quyền hành. Cuối cùng, chính lá phiếu của người dân sẽ quyết định kết quả cuộc giao đấu.
Nhưng muốn cho cuộc chơi công bằng, mọi người đều có quyền được góp ý kiến và được nghe ý kiến của người khác. Như vậy thì tất cả phải minh bạch công khai. Các nhóm quyền lợi đều ra mặt công khai trình bày ý kiến của mình. Báo chí, và người dân có quyền biết danh sách các nhóm đang vận động quốc hội và chính phủ, và giới truyền thông tự do phổ biến các ý kiến đối nghịch. Tất nhiên, những người nắm quyền phải do dân chúng tự do bầu lên. Khi đó, các cuộc tranh luận giữa những nhóm quyền lợi góp phần xây dựng ích lợi chung, không nhóm nào độc quyền thao túng guồng máy quyết định của quốc gia.
Ðảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn không chấp nhận cho dân được tham dự những cuộc chơi tự do dân chủ theo lối này. Cho nên họ lớn tiếng đả kích các “nhóm lợi ích” mà không biết rằng chính họ là một nhóm với nhiều đặc quyền đặc lợi nhất, trùm khắp đất nước, như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A đã chỉ ra. Ðảng Cộng sản cũng đang nằm trong tay nhiều “nhóm lợi ích” đang chia nhau quyền hành và những lợi lộc do quyền hành sinh sản. Nhưng không có gì minh bạch, công khai cả. Các nhóm quyền lợi này đều giấu mặt, các hành động của họ cũng nằm trong hậu trường, người dân không ai có quyền biết. Nhà báo nào đi tìm hiểu, loan tin, đều bị tù.
Một nhóm quyền lợi ở nước ta là những công ty xây dựng, họ muốn chiếm đất của nông dân để xây khu giải trí, xây cao ốc hay biệt thự. Các quan chức được “đấm mõm” để làm ra luật, thay đổi luật cho nhóm này được hưởng. Mỗi khi nhà được xây lên, đều có những căn đem tặng các quan chức nắm quyền quyết định. Con một ông bộ trưởng hoặc một ủy viên Trung Ương Ðảng bỗng được một công ty mời làm phó tổng giám đốc, mà không phải làm gì cả, tối ngày đi chơi. Có cậu con bộ trưởng xây dựng còn được mời làm phó tổng giám đốc một công ty bên Trung Quốc nữa mới quý! Ðối nghịch với nhóm quyền lợi này là những nông dân đang bị cướp đất. Cuộc giao đấu của hai bên đã diễn ra từ hàng chục năm qua, nhiều lần đã đổ máu. Nhưng ai cũng thấy luật giao đấu không công bằng, và không có gì minh bạch, công khai cả.
Người Việt Nam biết tình trạng này phải chấm dứt thì đất nước mới tiến lên được. Nhưng đảng Cộng sản sẽ bảo vệ quyền lợi của họ đến cùng. Cuộc đấu sẽ còn tiếp diễn.
© Ngô Nhân Dụng
Nguồn: NV