WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đại sứ Jeane Kirkpatrick (1926 – 2006)

Trong thập niên 1980, tại nước Anh bà Thủ tướng Margaret Thatcher được báo chí mệnh danh là “Iron Lady” và tại Mỹ thì có bà Jeane Kirkpatrick – Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc lại được báo chí ở Pháp gọi là “Femme de Fer”.Cả hai danh xưng này cùng có nghĩa là “Người Phụ Nữ Sắt Thép” – vì cả hai bà đều có lập trường cứng rắn, quyết không khoan nhượng đối với khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Các bà đều được Tổng thống Reagan quý mến trọng nể.

Margaret Thatcher đã được nhiều người khắp thế giới biết đến và kể từ ngày về hưu, bà cũng đã viết đến 2 cuốn Hồi ký về cuộc đời và về kinh nghiệm trải qua trong những năm bà làm Thủ tướng nước Anh.

Còn bà Jeane Kirkpatrick, thì lại không cho xuất bản một cuốn Hồi ký nào. Nhưng bà lại gửi gấm tâm sự với một số bạn thân thiết và đặc biệt đã để cho ông Peter Collier khai thác nhiều tài liệu và ông này đã vừa hòan thành một cuốn Tiểu sử của bà – sách này có nhan đề là “Political Woman” vừa được ra mắt công chúng trong năm 2012.

The Big Little Life of Jeane Kirkpatrick
1 – Vài hàng về tác giả Peter Collier.

Sinh năm 1939, Peter Collier là tác giả nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản và nhất là những cuốn tiểu sử về các dòng họ lớn ở Mỹ như Rockefeller, Kennedy, Ford, Roosevelt – tất cả 4 cuốn sau đều được viết chung với David Horowitz.  Hiện ông làm việc tại David Horowitz Freedom Center. David Horowitz cũng sinh năm 1939 trong một gia đình có cha mẹ đều là đảng viên cộng sản kỳ cựu có sự tin tưởng tuyệt đối vào Stalin.  Kể từ giữa thập niên 1970, David là một nhân vật được nhiều người biết đến về sự thay đổi lập trường chính trị 180 độ – từ tả phái cấp tiến cộng sản sang phía bảo thủ hữu phái mà thường còn được gọi là Neocons (Neoconservative = Tân Bảo thủ). Ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ hơn về nhân vật đang gây ra nhiều tranh cãi này (A controversial figure) trong một dịp khác.

Hiện nay Peter Collier là người biên tập sáng lập của nhà xuất bản Encounter Books. So với các cuốn tiểu sử ông cùng sọan chung với Horowitz được nêu ở trên, thì cuốn sách viết về Jeane Kirkpatrick này có phần ngắn gọn đơn giản hơn, tuy vậy cũng chứa đựng khá nhiều thông tin mới mẻ, chính xác và rất sinh động. Ta sẽ lần lượt coi xem trong các mục dưới đây.

2 – Chân dung của “Người Phụ Nữ Sắt Thép”.

Trước khi đi vào chi tiết về tư tưởng và họat động của vị Giáo sư và nhà Họat động Chính trị nổi danh này, người viết xin giới thiệu vắn tắt về chân dung của Jeane Kirkpatrick (viết tắt là JK).
Sinh năm 1926 tại tiểu bang Oklahoma trong một gia đình có người cha (biệt danh là Fat Jordan – Jordan Mập) rất thành công trong ngành đào giếng để khai thác dầu hỏa ở địa phương, Jeane Jordan được cho theo học tại những trường Trung học và Đại học có danh tiếng, điển hình như Barnard College và Columbia University ở New York. Với văn bằng Tiến sĩ về Chính trị học từ Columbia vào năm 1968, Jeane được thâu nhận vào làm Giáo sư chính thức chuyên dậy học tại Trường Georgetown là một Đại học nổi tiếng tại vùng thủ đô Washington DC.

Sở trường của Jeane là sự hiểu biết thâm sâu tường tận về chế độ độc tài cộng sản tòan trị ở Liên Xô và Trung quốc – trải qua nhiều năm miệt mài nghiên cứu tìm hiểu về những sự đàn áp thâm độc tàn ác đối với các thành phần có suy nghĩ khác biệt đối với ý thức hệ độc quyền, độc tôn của giới lãnh đạo cộng sản tại hai quốc gia đầu sỏ của phong trào quốc tế cộng sản vào giữa thế kỷ XX.

Là người theo đuổi gắn bó lâu năm với lập trường chính trị truyền thống của Đảng Dân chủ tại các tiểu bang miền Trung nước Mỹ (Middle America), Jeane bắt đầu có ý kiến bất đồng với Chính quyền Dân chủ của Tổng thống Jimmy Carter vào cuối thập niên 1970. Bà đã viết bài phân tích rành rẽ về sự yếu kém nhu nhược của chính quyền Carter trước âm mưu của khối cộng sản sử dụng chiêu bài hòa hõan (détente) để tiếp tục chính sách lừa gạt và khuynh đảo tại nhiều nơi trên thế giới. Bài báo nổi tiếng này do bà cho phổ biến từ năm 1979 trên tập san Commentary có nhan đề là “Dictatorships and Double Standards” đã gây được sự chú ý và thiện cảm của Tổng thống Reagan, kết cục là bà đã được Tổng thống mời đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1981 với cấp bậc của một Bộ trưởng trong thành phần Nội Các – để có thể trực tiếp với Tổng thống, chứ không chỉ là một vị Đại sứ phải chịu sự chỉ đạo của Bộ trưởng Ngọai Giao.

Trong nhiệm kỳ 4 năm (1981 – 1985) của chức vụ Đại diện cho nước Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Jeane Kirkpatrick đã rất năng nổ vận động, thuyết phục giới ngọai giao quốc tế thông cảm và ủng hô lập trường chính đáng của Mỹ trong những vụ tranh chấp căng thẳng trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, bà phải dùng đến lá bài “Đe dọa Cắt Viện trợ Mỹ” để lọai trừ được những âm mưu phá họai của những phần tử quá khích tại Diễn đàn Quốc tế này. Đặc biệt, bà thẳng thắn cảnh giác âm mưu của khối Cộng sản chuyên môn khích động những quốc gia nhỏ bé xúm vào tấn công chỉ trích Do Thái và Nam Phi – để mà làm lu mờ che bớt đi cái chuyện phe Liên Xô vi phạm nặng nề về nhân quyền hay tiếp tục gây bất ổn tại thế giới thứ ba, nhất là tại Phi châu và châu Mỹ La tinh.

Tên tuổi của Jeane Kirkpatrick mỗi ngày được công chúng biết đến và mến mộ – đến nỗi sau khi bà rời khỏi chức vụ Đại sứ, thì rất nhiều nơi đã thi nhau mời bà đến diễn thuyết và mỗi năm bà được trả đến hàng triệu dollar cho các buổi đăng đàn ra mắt công chúng nhu thế.

Về đời sống gia đình, thì vào đầu năm 1955 ở tuổi 28 Jeane Jordan làm lễ thành hôn với ông Evron Kirkpatrick (1909 – 1995) – thường được gọi là “Kirk”. Và từ đó bà lấy tên họ của chồng để trở thành Jeane Kirkpatrick. Chính Kirk là người đã giới thiệu cho Jeane gia nhập hàng ngũ lớp trí thức có tên tuổi và ảnh hưởng trong các Đại học, các Think Tank và đặc biệt trong giới lãnh đạo chính trị của Mỹ. Ông bà có chung với nhau ba người con trai, nhưng Jeane thật vất vả khổ sở với người con trai đầu lòng là Douglas bị bệnh nghiện rượu rất nặng và chết ở tuổi 50 chỉ vài tháng trước ngày mất của mẹ Jeane vào tháng 12 năm 2006.

3 -  Hành trình của một người Trí thức Nhập cuộc.

Là người có trí thông minh, lại được theo học nhiều năm tại New York, Jeane có cơ hội được tiếp cận với những trào lưu tư tưởng lớn trên thế giới vào thời kỳ sau đệ nhị thế chiến – mà bà gọi là “Big Ideas”. Vào năm 1953 – 54, Jeane còn được học bổng qua Paris để theo học tại Viện Khoa học Chính trị của Pháp (Institut Des Sciences Politiques – Sciences Po). Tại đây, Jeane say mê theo dõi cuộc tranh luận giữa hai nhà trí thức hàng đầu là Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Jeane ngả theo lập trường của Camus vì ông này từng chiến đấu chống độc tài Đức quốc xã thời chiến tranh và sau này cũng chống lại độc tài Cộng sản nữa. Jeane chê bai cái lối ngoan cố ngụy biện và thiên vị tâng bốc cộng sản của Sartre – mặc dầu sự tàn bạo độc ác của Staline đã được phơi bày rộng rãi trước công luận ở Âu Mỹ do những nhân chứng đáng tin cậy là những người đào thóat khỏi bức màn sắt của Liên Xô từ sau khi chiến tranh chấm dứt.

Đàng khác, do được khai thác nhiều tài liệu chứng từ của những nạn nhân sống sót được từ các nhà tù ở Liên Xô và cả của các binh sĩ Trung hoa đào thóat từ chiến tranh Cao Ly, nên Jeane đã nắm bắt được những thực trạng vô nhân đạo tàn tệ đến nảo lòng tại các nước cộng sản như Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc. Jeane còn có dịp tham gia vào công việc thẩm định kết quà của Kế hoạch Marshall do chánh phủ Mỹ đề xướng nhằm giúp việc tái thiết và phục hồi kinh tế tại Âu châu thời hậu chiến. Nhờ vậy, mà Jeane có được niềm tin tưởng kiên định vào hệ thống dân chủ tự do thông thóang trên đất Mỹ cũng như tại Tây Âu – điều khác biệt hẳn với chế độ bóp nghẹt sáng kiến và ngăn cản tự do hành động đối với người dân phải sống trong khối Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo.

Với hành trang trí thức vững vàng như thế đó, ta có thể hiểu được lập trường kiên quyết của giáo sư Jeane Kirkpatrick trong việc thúc đảy cho chính sách ngọai giao của nước Mỹ phải có một đường lối dứt khóat, nhất định không khoan nhượng trước những âm mưu đen tối của Liên Xô lúc nào cũng chỉ nhắm vào việc khuếch trương ảnh hưởng thanh thế tại các quốc gia trong thế giới thứ ba, đặc biệt ỡ Phi châu và Châu Mỹ La Tinh cận kề với nước Mỹ.

Thái độ kiên quyết chống nạn cộng sản độc tài tòan trị đó đã được Tổng thống Reagan đánh giá cao và đã mời bà tham gia vào Hội Đồng Cố vấn An ninh tại Tòa Bạch ốc kiêm nhiệm với chức vụ Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc nữa. Bà lại còn được nhiều người ái mộ thúc giục ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 1988, nhưng vì nhiều lý do riêng tư bà đã phải từ chối việc này.

Jeanne Kirkpatrick cũng được nhiều tù nhân tại các trại Gulag ở Liên Xô biết ơn vì bà đã hết mực tranh đấu cho sự tự do và sinh mệnh của họ. Điều này đã được Tiến sĩ Andrei Sakharov xác nhận khi được gặp bà trong chuyến Jeane viếng thăm Liên Xô vào năm 1987. Ông nói : “Kirkpatski, Kirkpatski, tên của bà được biết đến trong mọi phòng giam của Gulag”.

Và tại Nicaragua, trong hàng ngũ của phe Contras chống chính quyền thiên cộng sản Sandinistas, thì có một đơn vị vũ trang gồm 400 người đã lấy tên là “Jeane Kirkpatrick Brigade” (Biệt Đòan JK). Trong dịp viếng thăm xứ này hồi cuối thập niên 1980, Jeane Kirkpatrick đã được nhân dân ở đây đón mừng hoan hô nhiệt liệt và coi bà như một vị ân nhân đáng quý.

4 – Để tóm lược lại.

Nói chung cuốn sách Tiểu sử về Jeane Kirkpatrick do Peter Collier biên sọan với 241 trang này thật là dễ đọc dễ nhớ – với nhiều giai thọai thật là sống động ngộ nghĩnh. Tác giả cố ý không đánh số từng chương mục, mà chỉ ghi từng tiêu đề cho mỗi mục mà thôi – có tất cả là 11 mục

Xin đơn cử mấy mục đáng chú ý nhất trong sách như sau :

A –“ American in Paris” (trang 41 – 51) có đọan mô tả Jeane đã nhiều lần gặp gỡ với Albert Camus là nhân vật được nhiều người như nàng ái mộ. Thời gian học tập quan sát tại đây đã giúp cho cô sinh viên trẻ này thêm nhuần nhuyễn về ngôn ngữ, văn hóa và sinh họat chính trị của nước Pháp. JK thật sự gắn bó với các bạn bè người Pháp ngay từ hồi còn theo học tại Đại học ở New York và yêu thích lịch sử và văn hóa của dân tộc Pháp. Đến nỗi mà sau này, khi điều kiện tài chánh cho phép, JK đã mua sắm hẳn một căn nhà trong vùng Provence nước Pháp để làm chỗ nghỉ ngơi vào mùa hè mỗi năm cho cả gia đình.

B -   “ Public Intellectual” (trang 75 – 98). Kể từ đầu thập niên 1970, JK đã vào tuổi trên 40, đủ chín chắn trưởng thành để tự mình tìm ra đường lối họat động có ích lợi nhất cho nước Mỹ đang bị xâu xé vì cuộc chiến tranh Việt nam và nhất là sau vụ Watergate. Và JK càng thêm bất mãn với sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Dân chủ với sự lũng đọan của những thành phần thiên tả quá khích. Vì thế mà JK lần hồi ngả theo khuynh hướng Tân Bảo thủ để rồi qua thập niên 1980 gia nhập với chánh quyền Cộng hòa của Tổng thống Reagan.

C -  “ Diplomacy Without Apology “ (trang 117 – 140). Mục này thật là thú vị, có thể diễn dịch thành hai cách : “Nền Ngọai Giao Không Thể Chê Vào Đâu Được” và “ Nền Ngọai Giao Không Cần Phải Xin Lỗi”. Cách thức điều hành của JK tại văn phòng cạnh Liên Hiệp Quốc đã được nhiều người đánh giá cao. Đặc biệt vì JK luôn giữ vững lập trường sắt đá là “Nuớc Mỹ là một cường quốc, thì phải có quyền hành động chính đáng và thích hợp để bảo vệ uy thế và quyền lợi sinh tử của mình tại khắp nơi trên thế giới”. Thái độ quyết liệt của bà trong cương vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã khiến cho một nhà báo ở Pháp gọi bà là “Vị Phụ Nữ Sắt Thép” (Femme de Fer) của Tổng Thống Reagan.

Đàng khác, JK tán thành quan điểm của Nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan (1927 – 2003) – vị tiền nhiệm cùa bà ở LHQ dưới thời Ngọai trưởng Henry Kissinger – đó là : “Không phải xin lỗi đối với kẻ thua kém mình về mặt đạo đức – nguyên văn tiếng Anh : “Making no apologies to our morally inferiors”.

Cũng trong mục này, Peter Collier ghi lại sự bất đồng mâu thuẫn giữa Đại sứ Jeane Kirkpatrick và Bộ trưởng Ngọai giao Alexander Haig trong vụ chiến tranh giữa Anh quốc và Argentina tại quần đảo Falklands (mà Argentina gọi là Malvinas) vào năm 1982. JK có ý bênh vực Argentina vì lý do các nước Châu Mỹ La Tinh không ưa Anh quốc, trong khi Haig thì lại thiên vị ngả theo Anh quốc. Rút cục quan điểm của JK thắng thế và được Tổng thống Reagan công nhận bà là người am hiểu rất vững chắc về tình hình chính trị xã hội tại các quốc gia thuộc Châu Mỹ La Tinh.

D – “ Rich In Enemies” (trang 141 – 168). Đúng như vậy, lập trường dứt khóat cứng cỏi của JK được nhiều người Mỹ tán thành, nhưng mà nó cũng đem lại cho bà nhiều đối thủ với lòng hận thù căm ghét – ngay trong nội bộ nước Mỹ, chứ không phải chỉ xuất phát từ phe Cộng sản. Nhưng với niềm tin son sắt vào chính nghĩa Tự do Dân chủ của nước Mỹ, nên JK đã không mảy may chùn bước trước những sự chống đối vô căn cứ của những phần tử tả phái quá khích đó.

*

Sau này, những phụ nữ nối gót tiếp theo Jeane Kirkpatrick trong lãnh vực ngọai giao cũng như an ninh của nước Mỹ như Madeleine Albright, Condoleezza Rice…, thì đều là những vị trí thức có sự hiểu biết sâu rộng vững chắc đặc biệt về khối Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. JK quả là vị phụ nữ Mỹ đầu tiên đã giữ trọng trách làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và bà đã hòan thành sứ mạng khó khăn này một cách xuất sắc – giữa thời kỳ mà nhân dân Mỹ còn đang bị chia rẽ xâu xé đến đô mất phương hướng bởi cái điều mà thường được gọi là “Vietnam Syndrome” (Hội chứng Việt Nam).

Một lần nữa, người viết xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách rất có giá trị nhan đề “Political Woman” do Peter Collier biên sọan về Tiểu sử của vị Giáo sư và Nhà Họat động Chính trị Jeane Kirkpatrick – mà tên tuổi lẫy lừng đã gắn liền với thời đại Reagan (the Reagan Era) của nước Mỹ vào thập niên 1980 vậy.

Đại sứ Jeane Kirkpatrick (1926 – 2006) – Người được báo chí Pháp gọi là “Femme de Fer“
Bài viết nhân đọc sách: “Political  Woman: The Big Little Life of Jeane Kirkpatrick”.
Tác giả : Peter Collier
Nhà xuất bản Encounter Books – New York London ấn hành năm 2012
Sách dày 241 trang, bìa cứng: www.encounterbooks.com

Costa Mesa California, Tháng Hai 2013

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Đại sứ Jeane Kirkpatrick (1926 – 2006)”

  1. Lâm Vũ says:

    Cám ơn bác ĐTL đã giới thiệu một người phụ nữ tài ba “sắt đá” Jeane Kirkpatrick. Nếu có dịp xin bác giới thiệu vể các bà ngoại trưởng Madeleine Albright, Condo Rice và bà đại sứ Susan Rice.

    • Liêm Đòan says:

      Xin cảm ơn bạn Lâm Vũ,
      Tôi đã viết bài giới thiệu Hồi ký của bà Condoleezza Rice năm 2012.
      Bài đã post tren nhiều web như danchimviet, diendantheky, diendannguoidanvietnam v.v…
      Khi có thời giờ rảnh rang hơn, tôi sẽ giới thiệu về các bậc nữ lưu xuất chúng về chính trị, ngọai giao … sau.
      Chúc An Lành
      Đoàn Thanh Liêm

Leave a Reply to Lâm Vũ