WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [29]

 

Tiếp theo phần trước

Người Buôn gió trong một lần 'đi dạo" ở bờ Hồ

Người Buôn gió trong một lần ‘đi dạo” ở bờ Hồ

Tôi thấy tình hình cũng đã yên ắng, hết tháng 12 tôi ăn Tết ở nhà thờ xong thì về nhà. Cũng không thấy bị theo dõi gì suốt mấy tháng. Đầu tháng 2 năm 2012 tôi mua vé máy bay sang Thái Lan thăm mấy người giáo dân Cồn Dầu đang tị nạn chính trị bên đó. Những người giáo dân Cồn Dầu sau vụ chống lại hàng trăm cảnh sát trang bị khiên, gậy để cưỡng chế đất năm 2008. Giờ họ trốn khắp nơi, người sang Mã Lai, nhóm đông sang Thái Lan bỏ lại nhà cửa ruộng vườn. Khi mua vé máy bay tôi dặn người bán vé bán cho loại vé nếu không lên máy bay vì bất cứ lí do vẫn được trả lại tiền. Không mang hành lí kí gửi, chỉ có một ba lo khoác vai trong đó có một bộ quần áo và mấy bao thuốc lá, gói trà.

Đến trước cửa làm thủ tục xuất cảnh, tôi chìa hộ chiếu ra. Người an ninh lơ đãng gõ tên tôi lên máy tính. Mặt anh ta thoáng biến sắc, anh nói tôi chờ một lát. Tôi nhìn quanh thấy dòng người ở các ô cửa làm thủ tục khác cũng dừng lại. Thời gian chầm chậm trôi, mọi người xếp hàng nhìn nhau không hiểu chuyện gì xảy ra. Người an ninh nhìn tôi cười, anh ta bảo đợi chút. Tôi cũng cười.

Có hai người an ninh mặc cảnh phục đến, họ lấy hộ chiếu và vé máy bay của tôi và bảo tôi đi theo họ. Trên đường đi họ bảo tôi có hành lí kí gửi không. Tôi lắc đầu. Họ đưa tôi vào một căn phòng khuất nẻo ở trong khu ga hàng không. Một người lấy ra tập giấy trắng và cây bút, để lên bàn và ra lệnh.

- Anh bị cấm xuất cảnh, anh hãy trình bày những việc làm vi phạm pháp luật của anh từ trước đến nay.
Tôi cầm bút kéo giấy lại trước mặt, ngước mắt hỏi vẻ sợ sệt.
- Dạ anh cho tôi hỏi . Tôi trình bày từ thời gian nào.?

Người an ninh nghĩ một lúc rồi nói.
- Tất, từ trước đến nay vi phạm gì khai tất ra đấy.

Tôi mỉm cười, tôi hỏi câu đấy để đánh giá anh ta thuộc bộ phận nào. Nếu anh ta ở bộ phận chuyên môn về tôi, thì anh ta chắc chắn biết để bảo tôi khai từ thời gian nào. Ít ra cũng là thời gian từ lúc tôi viết blog về những chuyện xã hội, đời sống. Còn bảo khai tất lẽ nào tôi khai cả những chuyện cách đây 30 năm, lúc bé tí tôi đã trèo lên xe gạo của hợp tác xã lương thực ăn cắp gạo.

Tôi quẳng bút toẹt cái lên bàn, vắt chân lên nhau, ngả người ra ghế hỏi.

- Các ông đùa à. Các ông là cái gì mà bảo tôi khai.
Hai người an ninh sững người vì thái độ đột ngột thay đổi của tôi, một người vẫn mạnh giọng.

- Chúng tôi có quyền bắt anh phải khai những gì anh vi phạm.
Tôi nhìn họ, cười giễu cợt, tôi nói.

- Các ông chả có quyền gì lấy lời khai. Việc của các ông là an ninh cửa khẩu, nếu tôi bị cấm xuất cảnh thì việc các ông là lập biên bản về việc đó. Nếu trong thông báo của cơ quan an ninh nào đó có kèm theo phát hiện ra tôi là bắt giữ, thì tôi ngồi đây đợi các ông còng tay hoặc cẩn thận các ông gọi điện hỏi cơ quan đó có bắt tôi không thì các ông bắt mà lập công. Khai gì mà khai, vớ vẩn, đâu phải việc các ông.

Hai người an ninh nhìn nhau, rồi họ ra hiệu cho nhau ra ngoài bàn. Lúc sau có một an ninh khác vào mang tôi chén nước trà và thuốc lá. Anh ta bảo tôi đợi một lát chỉ huy đến.

Chỉ huy là một vị thượng tá, ông ta đến gần, nói thân thiện.

- Anh Hiếu à, chúng tôi không bắt anh khai báo gì đâu, anh nói đúng, chúng tôi chỉ có trách nhiệm lập biên bản việc dừng xuất cảnh thôi. Anh biết luật cũng dễ cho chúng tôi, đấy chúng tôi chỉ biết có lệnh cấm thì chúng tôi không cho anh đi. Nhiều người họ bị cấm cứ tranh luận với chúng tôi. Họ biết đâu là chúng tôi đâu có cấm họ, bộ phận khác ấy chứ.

Tôi ngồi chờ họ làm biên bản, trong biên bản chỉ nói tôi bị dừng xuất cảnh, do PA67 CATPHN đề nghị. A67 năm trong khối an ninh bảo vệ chính trị gồm nhiều A. Đơn vị A67 là đơn vị chuyên trách về những thành phần phản động trong nước. PA là cấp dưới của A. A67 cũng là đơn vị đã đưa hồ sơ đề nghị lên Bộ Công An để bắt tôi hồi tháng 9 năm 2009. Tôi cầm tờ giấy và nhận ra các cuộc bắt bớ những giáo dân Công Giáo do A67 thực hiện. Bởi họ nghĩ tôi có liên quan đến những giáo dân đó, họ đã theo sát tôi suốt đến khi cuộc bắt bớ chấm dứt ở người thứ 14 trong đúng đêm Noel. Chắc họ không thấy tôi cùng hoạt động gì với những người giáo dân bị bắt, đã chuyển hồ sơ của tôi xuống cấp PA. Tôi thở phào, ít ra cũng may mắn là tạm thời không bị cấp an ninh cao nhất theo dõi số phận mình.

Trong tờ biên bản không nói sẽ dừng xuất cảnh tôi đến khi nào.

Tháng 3 tôi nhận giấy mời của ông thị trưởng thành phố Weimar, cộng hòa liên bang Đức. Ông thị trưởng thay mặt thành phố tỏ nhã ‎ mời tôi đến Weimar để tham quan thành phố và sáng tác văn chương. Nhận được giấy vừa vui vừa buồn. Vui vì mình được vinh dự có một vị thị trưởng thành phố của một cường quốc biết đến thân phận mình. Buồn vì biết chắc chắn sẽ không đi nổi vì sẽ chặn lại. Nhưng vì trong tờ giấy dừng xuất cảnh không nói thời hạn bao lâu.Tôi vẫn đi làm thủ tục visa.

Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội

Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội

Không đứng cùng đoàn người xếp hàng chờ làm visa ở đại sứ quán Đức tại 29 Trần Phú, Hà Nội. Tôi đi đến cổng chính bấm chuông xin gặp ông trưởng phòng xét visa của đại sứ. Ông trưởng phòng ra đón, đưa tôi vào trong đến tận phòng làm visa, ông bảo tôi ngồi đợi , lấy nước cho tôi uống. Trong phòng có hai người Đức đang làm việc, họ cắt, dán ép visa lên hộ chiếu. Họ dùng kính lúp soi giấy tờ rất tỉ mỉ. Tấm visa nhìn họ làm ở đây rất nhẹ nhàng, nhưng ở ngoài cánh cổng này bao nhiêu người đang xếp hàng đợi có nó. Phải bao nhiêu thời gian, giấy tờ chứng minh, đi lại xin xác nhận rồi chờ phỏng vấn xếp hàng mới được tấm visa vào nước Đức. Có nhiều người thất vọng ra về. Ở ngoài cổng làm visa đó nhiều người quay ra với bộ mặt mừng rỡ, người đi ra mặt buồn thiu.

Tự tay ông trưởng phòng cắt ảnh tôi dán lên visa và ép máy. Ông cầm cái visa từ máy ép lên thồi phù phù như cho nó bớt nóng, rồi đưa cho tôi. Ông đưa tôi ra cổng, chúc tôi may mắn.

Về nhà tôi nhờ bạn cầm visa và tiền mua vé máy bay đợi tôi ở khách sạn nào đó gần sân bay quốc tế. Tôi dặn khi nào tôi gần đến sẽ điện thoại cho, hãy mua vé cho tôi chuyến bay bất kỳ nào cũng được miễn là nó rời Việt Nam. Tôi bảo bạn tôi đừng sốt ruột vì có lẽ phải chờ tôi đến vài ngày. Dặn dò xong, tôi đi ra đường quốc lộ, đón xe lên cửa khẩu Lạng Sơn. Trong đầu tôi hình dung những gì sắp đến, trên đường đi tôi nhớ kỹ mọi chi tiết.

4 giờ 30 chiều ngày 4 tháng 5 năm 2012 tôi đến trước ô cửa phòng xuất nhập cảnh đồn biên phòng chìa giấy thông hành. Lúc này không có khách qua, bốn cán bộ trong phòng đang nói chuyện, một người uể oải cầm giấy thông hành, chả buồn nhìn tôi, anh ta quay sang nói chuyện tiếp. Lúc sau anh ta mới giở cuốn sổ thông hành gõ tên vào máy tính. Mặt anh ta biến sắc, nhưng anh cố gắng lấy lại vẻ tự nhiên rất nhanh. Giả vờ gọi một người đến xem hộ, anh ta đi vào trong. Người đến trông hộ nhìn máy tính rồi nhìn tôi một giây với cái nhìn rất lạ. Rồi anh ta bảo ngồi chờ ở ghế đằng kia, trong tầm quan sát của anh ta.

Tôi ngồi ung dung, nhìn một tốp người đến làm thủ tục che kín khuất tầm nhìn giữa tôi và cơ quan xuất nhập cảnh. Thầm nghĩ, giờ chỉ tích tắc là tôi biến mất khỏi tầm nhìn của họ, không biết đám biên phòng ấy sẽ nghĩ gì khi không thấy tôi nữa. Chắc họ nghĩ tôi không biết gì sắp xảy ra với tôi, nên tôi mới bình thản đợi chờ như vậy.

Nhưng tôi đến đây, làm giấy thông hành, rồi đến cửa xuất nhập cảnh chìa giấy, không phải để thấy khó khăn là trốn về, dẫu biết tí nữa thôi mọi chuyện sẽ trở nên khó lường.

Tôi nhớ về ánh mắt, những ánh mắt chỉ bừng lên một giây rồi trở lại bình thường để che giấu ý nghĩ bên trong.

Cách đây gần 20 năm trong một trại tù, khi đi qua hàng tù đang ngồi bó gối, chợt lăn tăn gợn điều gì, nghĩ đến một ánh mắt lạ trong hàng tù nhìn tôi rất nhanh rồi cụp xuống, ánh mắt của kẻ sắp liều lĩnh. Tôi chột dạ quay người thật nhanh lại và may mắn tránh được cú đâm bằng bàn chải nhựa mài nhọn. Đó là một trong những ánh mắt mà tôi không bao giờ quên.

Còn hôm nay, khi đưa giấy thông hành qua ô cửa cho người cán bộ xuất nhập cảnh, tôi chờ đợi ánh mắt lóe lên bất ngờ của người hải quan biên phòng, quả thật họ đã ánh lên những cái nhìn lạ.

Đoàn người làm thủ tục xuất cảnh đã đi qua, đám hải quan đưa mắt nhìn vẫn thấy tôi ngồi nhàn nhã, không có vẻ sốt ruột, không thắc mắc, cứ như có thể ngồi chờ như vậy đến bất tận.

Những người hải quan đi lại, gọi điện liên tục, một vị thiếu tá xuất hiện, họ hội ý với nhau rồi lại điện đi , điện lại. Hai người đi ra đứng quanh hắn, hút thuốc lá nhưng tôi biết đó là canh chừng. Họ có vẻ thiếu mất sự bình tĩnh khi rít thuốc lá và cách thay đổi vị trí đứng.

Tôi đến gần, xin một ngụm nước. Viên đại úy vào phòng lấy ngay ra cốc nước lạnh ân cần đưa c. Chả có ai ở chỗ này xin nước của cán bộ hải quan vốn rất quyền lực và bận rộn, đáng lẽ anh ta phải trịch thượng hất hàm chỉ ra hàng quán đằng kia, nhưng anh ta đi lấy nước ngay. Có lẽ viên đại úy không nghĩ mình đang làm một điều bất thường. Nhưng việc chỉ tôi ra quán nước khuất tầm nhìn của anh ta là điều chắc chắn anh ta không muốn. Tôi xin nước cũng tiện để thăm dò, nếu anh ta quát chỉ tay tôi ra quán hàng kia như thái độ của các cán bộ hay thể hiện. Thì chắc không có gì tới đây xảy ra với tôi.

Viên thiếu tá cầm hồ sơ, bảo tôi đưa chứng minh thư và nói

- Mời anh lên gác.

Tôi đi lên theo, vào phòng anh ta bật máy lạnh, mời ngồi và hỏi
.
- Anh có phạm tội gì không?

Câu hỏi y hệt ở sân bay. Tôi nói.

- Tôi không phạm tội với nhân dân, đất nước này, còn với ai đó thì tôi không thể biết, nhất là con mụ hàng xóm và lão chồng nó.

Viên thiếu tá thông báo tôi bị cấm xuất cảnh dưới mọi hình thức và nói sẽ tiến hành lập biên bản. Anh ta nhìn thái độ tôi, thấy tôi vẫn cười nói

- Vâng anh cứ lập biên bản và nói rõ lý do, cho tôi xin một bản. Cứ đúng luật anh làm.

Anh ta hỏi định sang TQ làm gì, tôi nói có lẽ tôi không cần trả lời anh, vì việc đó chưa xảy ra, nhưng anh hỏi tôi xin nói. Vợ chồng lão hàng xóm chỗ nhà tôi hơn 70 tuổi rồi, suốt ngày chỉ nhòm ngó nhà người khác, tôi sang TQ mua bao cao su các loại hấp dẫn về vất vào nhà vợ chồng đó. Để họ có việc mà làm, đỡ đi nhòm ngó nhà khác.

Anh ta lắc đầu, thở dài rồi bảo.

- Thôi đó không phải việc tôi, hỏi anh thế thôi, anh có lệnh cấm xuất nhập cảnh của Cục xuất cảnh Bộ Công An. Tôi làm đúng thủ tục thôi.

Hắn hỏi.

- Tôi có được nhìn lệnh không, có được biết cấm từ ngày nào đến ngày nào không.?

Anh ta nói thác.

- Tí nữa tôi cho anh biết.

Tôi lại mỉm cười, sẽ chẳng bao giờ có chuyện anh ta cho tôi biết. Tí nữa anh ta sẽ kiếm cớ khác. Lệnh cấm xuất cảnh sẽ là điều bí mật, không bao giờ người bị cấm được biết ngày nào hết hạn. Ở sân bay người ta cũng không nói, chỉ nói là ngắn thôi không dài đâu, mấy bữa ý mà.

Nhưng ở đây cách làm việc sẽ không chặt chẽ bằng sân bay, ở đó sân bay người ta quen thuộc và rành nghiệp vụ vì làm việc với quốc tế, và tầng lớp khác. Còn ở cái cửa khẩu rặt con buôn qua lại hàng ngày này, thảng có vài đối tượng hình sự trốn truy nã, hoặc vài tên TQ lưu manh, chuyện giấy tờ không kín kẽ được. Chính vì thế tôi chọn nơi đây để đưa giấy thông hành thử xem có tìm hiểu được gì về mình không.

Viên thiếu tá giơ tờ giấy cấm để nhìn, dưới ánh sáng bóng đèn ne-ong mờ xuyên qua giấy, với kỹ năng đọc sách nhiều, tôi đọc ngược và thấy được điều cần biết.

… cấm xuất cảnh đến ngày 22/07/2014….

Một nhiệm kỳ của ai đó kết thúc thì lệnh cấm cũng kết thúc, tôi buồn và vui lẫn lộn. Buồn vì lệnh cấm lâu quá, nhưng vui là đã không phí công sức để biết được. Nhiều người như tôi bị cấm mà không biết đến bao giờ. Họ bị tạm dừng một lần, lần sau vẫn nghĩ đơn giản là chỉ bị ngăn lần ấy, họ mua sắm đồ, thu xếp nhà cửa công việc, mua vé máy bay, đặt khách sạn…làm bao nhiêu thứ cho việc đi. Đến nơi lại bị cấm về, có người khóc tức tưởi ở ngay sân bay bên cạnh đống đồ đã mua.

Còn tôi thì đã biết, thậm chí còn biết được cả cơ quan nào đã bảo cục xuất nhập cảnh đứng ra phát lệnh cấm nữa. Từ nay tôi khỏi phải mất tiền mua vé máy bay đi nữa.

Viên thiếu tá biên phòng ghi chép vào biên bản cấm xuất nhập cảnh, có 2 người đàn ông mặc thường phục lặng lẽ vào phòng ngồi hai bên tôi. Tôi đang nhắn tin điện thoại thì một người trẻ giơ tay gạt điện thoại nói.

- Anh không được dùng điện thoại.

Tôi quay sang thấy một cái nhìn uy hiếp dọi thẳng vào mắt tôi. Cái nhìn của một người qua trường lớp chính quy, thường những người ra trường chưa lâu, chưa có độ từng trải mới áp dụng bài học ở trường là tạo cái nhìn để uy hiếp đối tượng. Những lão làng trong nghề an ninh họ thường có thái độ nhẩn nha, lợt phợt như đôi bóng Ý rồi bất ngờ đưa ra đòn hiểm. Tôi nhìn lại và nói rành rọt.

- Anh không biết em là ai, vì ở đây ai cũng mặc sắc phục, nhưng anh nói thế này, anh không bị bắt quả tang khi phạm tội, không có lệnh khởi tố, truy nã. Em động vào người anh hay tài sản của anh đều là vi phạm pháp luật. Anh dùng điện thoại đến khi nào những cán bộ biên phòng phụ trách ở đây ra lệnh cấm. Và ở đây chỉ có cán bộ biên phòng mới có quyền ra lệnh. Những lệnh đúng với pháp luật.

Tôi nhìn sang viên thiếu tá biên phòng, anh ta dường như không muốn phiền phức vì việc của anh ta sắp xong. Nên anh ta không nói gì, tôi tiếp tục nhắn tin dòng cuối cùng cho người bạn đang đợi ở sân bay.

Viên thiếu tá biên phòng đọc biên bản dừng xuất cảnh, tôi đọc thấy cũng vẫn là biên bản dừng xuất cảnh, chẳng nói cấm và thời giam tạm dừng là bao lâu. Tôi k‎ xong và hỏi xin một bản, anh ta nói sẽ đưa cho công an tỉnh sau khi bàn giao tôi sang bên đó. Thì ra những người mặc thường phục đó là an ninh tỉnh Lạng Sơn, những người tôi chả lạ gì qua cách ăn mặc và thái độ của họ.

Biên phòng và an ninh làm giấy bàn giao người. Công nhận là chặt chẽ, ở đây tính mạng công dân được coi trọng, cho nên bên nào bên đó làm rất chi li về thủ tục.

Những người an ninh tỉnh đưa tôi ra sân, có hai chiếc ô tô con 4 chỗ loại đẹp đậu sẵn. Tôi được mời ngồi vào xe sau, ghế sau có hai người ngồi bên. Tôi cũng quen với kiểu ngồi này nhiều lần. Lên xe tôi nói.

- Lúc nào gần đến chỗ bán thuốc lá, các anh mua hộ tôi bao thuốc Vi Na, tôi vẫn có quyền, nhưng nếu tôi đi ra mua cũng phiền cho các anh.

Người bên trái gật đầu, nói với người bên phải.

- Tí nữa gần đoạn rẽ vào, nhớ mua cho anh ý bao thuốc.

Chiếc xe đi trước mở đường, và hai chiếc xe chui vào một căn nhà khuất sau đường ở thị xã biên ải. Căn nhà không có biển hiệu gì, không có vẻ gì là một cơ quan nào hết. Tôi xuống xe nhìn căn nhà, người chỉ huy đám an ninh nói.

- Anh chắc không lạ gì những căn nhà kiểu này.?

Tôi gật đầu.

- Cơ sở của an ninh.

Người chỉ huy nói.

- Anh biết thế, mình dễ làm việc hơn.

Trong căn nhà hai tầng, tầng dưới chỉ có một bộ bàn ghế và một chiếc giường cá nhân, một ti vi và nhiều báo công an nhân dân. Người ta hỏi tôi uống gì, tôi xin uống trà. Họ lập tức trà pha xong thì thuốc lá người đi mua cũng đem về.

Họ xúm quanh tôi, hỏi chuyện gia đình. Rồi tất cả xem phim, đọc báo… những người an ninh tỉnh này chu đáo và lịch sự nhưng chắc đã có ai bảo họ làm vậy. Có cậu trẻ hỏi anh làm gì mà phải bị cấm. Tôi nói anh không biết, nhưng mới rồi anh biết có người dùng tên anh viết bài gì trên mạng, chắc làm cơ quan an ninh phiền lòng. Cậu ta hỏi tên tôi rồi tra ở điện thoại. Lát sau lắc đầu nói.

- Thì ra là một người viết khá nổi tiếng, là anh sao anh không nhận.?

Tôi lắc đầu nói.

- Anh trình độ 10/12, năm nào sức học cũng trung bình. Tiền án, tiền sự toàn lưu manh vặt vãnh, em bảo anh ăn cắp anh biết, chứ viết lách thì anh cũng không tưởng tượng được. Chắc ai đó lấy tên anh thôi. Làm cơ quan an ninh nhầm thành anh.

Một cậu trẻ khác nói chen vào, giọng hằn học, cách nói thì trình độ cậu ta chỉ là đi lính nghĩa vụ hết hạn được đôn lên qua lớp trung cấp nào đó rồi được phân về đây làm. Cậu ta nói.

- Mình muốn góp ý gì, trước nhất mình phải tốt cái đã đúng không, rồi mới đi góp ý người khác.

Tôi phân tích nhẹ nhàng.

- Em nói đúng một phần, nhưng giờ anh xấu, em xấu. Anh nói em, và em nói anh. Thế mới đúng là phê bình và tự phê bình. Chứ anh đợi anh tốt, em đợi em tốt thì mới được phê bình người kia. Hóa ra chúng ta ngầm bao che cho nhau cái xấu cho nhau sao. Có khi mình xấu mình không nhận thức được, mà mình chỉ nhìn thấy ở người khác, mình phê phán họ và họ cũng phê phán mình. Như thế có phải là giúp nhau sửa chữa, tiến bộ không tốt hơn sao.?

Cậu trẻ không nói gì nữa, còn những người lớn thì họ không quan tâm lắm. Họ chỉ hỏi chuyện mình về đường phố Hà Nội, chỗ mua bán, giải trí. Đến bữa cơm cùng ngồi bàn ăn với họ, có bia, thịt gà, lòng xào, thit bê xào… Người chỉ huy nói:

- Thôi anh em tỉnh lẻ chỉ có thế này, giờ bất ngờ cũng không chuẩn bị được, anh ăn tạm cùng anh em, có nào dùng vậy.

Cơm xong lại ra bàn uống trà, họ mời nước ân cần rồi nói.

- Chúng tôi đợi dưới kia lên đây để bàn giao anh, họ đi từ 5 giờ chiều, chắc sắp lên đến đây rồi. Giờ anh lên gác có điều hòa, làm việc với chúng tôi một ít để có bút tích của anh nhé. Biết đâu sau này gặp lại.

Hai người an ninh dẫn hắn lên gác, một người bật điều hòa rồi ngồi xem phim. Một người hỏi cung. Người hỏi cung là cậu trẻ lúc đầu ngăn hắn hút thuốc, cậu ta đẹp trai, cười rõ tươi nói.

- Thế này anh nhé, anh chắc chả lạ gì làm việc rồi, có khi để anh tự hỏi tự trả lời còn nhanh hơn. Thôi tôi chỉ hỏi quá trình anh lên đây thế nào, đi xe nào ở dưới kia lên, lên đây mấy giờ, gặp ai, rồi đến đoạn qua cửa khẩu mấy giờ, định sang bên kia làm gì.?

Tôi trả lời, đây là việc đơn giản, vì hắn từ nhà đi đã biết sẽ phải trả lời những câu hỏi này. Cho nên đi một mình, không gặp người quen nào ở xứ này, chỉ gặp xe ôm, cò làm giấy thông hành, quán cà fe. Tôi chìa số điện thoại của lái xe, cò, địa chỉ quán và nói họ có thể xác minh.

Cậu trẻ ghi đủ và cười hoài nghi.

- Không thể tin được là anh đi lên đây chỉ đơn giản thế này. Chả lẽ vì mấy bao cao su anh không mua dưới đó lại lên đây sang kia mua.?
Trả lời.

- Mua dưới kia ngại người quen thấy, sang bên này lắm mẫu mã cho cả người cao tuổi dùng nữa.
Lấy lời khai chữ ký xong, anh ta nói tiếp.

- Giờ làm biên bản xác nhận là anh ở đây từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm được đối xử tốt, không có đánh đập, xúc phạm danh dự nhé, thì cứ thật thế nào thì anh nói thế. Phần bọn em công an tỉnh thì thế thôi.

Tôi đồng ý, chỉ ghi trong biên bản là tôi phàn nàn về việc bị giữ chân (không phải bắt) 5 tiếng đồng hồ rất vô lý, ngoài ra tôi được đối xử tốt về tinh thần cũng như vật chất.

Chỉ huy an ninh tỉnh Lạng Sơn đọc biên bản hài lòng nói.

- Thật ra chúng tôi không có việc gì với anh, anh lên đây đi biên giới, không gặp thành phần, đối tượng nào có vấn đề ở địa bàn. Chúng tôi chỉ đợi dưới kia lên bàn giao anh theo đề nghị của họ.

Tôi thắc mắc.
- Sao các anh phải mất công thế? Việc của dưới kia kệ dưới kia, sao mà anh phải giữ trông tôi cho mất thời gian.

An ninh tỉnh nói.

- Thì họ nhờ mình lúc này, mình lúc khác lại nhờ họ. Thôi anh thông cảm cứ ngồi đây chờ.

Tôi nhìn đồng hồ nói.

- Thế này nhé, tôi không phải là tội phạm hay chưa xác định là tội phạm. Giờ này con tôi chờ còn thức chờ tôi về, nên để tôi gọi điện bảo vợ tôi cho con ngủ.

Cậu an ninh gật đầu, nói.

- Anh nói vừa phải thôi nhé.

Tôi gọi về, nói bị cấm xuất cảnh, giờ đang làm tường trình và tắt máy.

Anh ta đi xuống, người còn lại đang xem phim quay ra gọi hắn.

- Anh ra giường mà nằm xem phim.

Tôi nằm trên giường xem phim, người an ninh còn lại xoay cái điều hòa cây đứng về phía tôi rồi nói.

- May là có một cái này ông ạ, chúng tôi ở đây cũng thiếu thốn đủ thứ, phó phòng mà xin mua điều hòa còn chưa được duyệt đấy ông ạ, ai biết cho chúng tôi khổ thế nào đâu….

Có nhiều tiếng xe ô tô ồn ào, người an ninh xem phim đi xuống lát sau lên nói.

- Mình ông mà dưới kia lên cả chục người đấy, chắc toàn người quen của ông thôi. Tí gặp là biết.

Tôi hình dung trong bao người an ninh đã làm việc qua với tôi, ai sẽ đến đây. Cuối cùng tôi nghĩ đến người an ninh có khuôn mặt sáng sủa tươi tỉnh đã hỏi cung tôi ngày 27/11/2011.

Tiếng cửa mở, tôi không quay ra cũng biết là anh ta. Khi nghe tiếng gọi, tôi trở người quay lại thấy anh ta đang cáu kỉnh, cái cáu không phải của kẻ quyền uy mà cái cáu của người bị làm phiền bởi một người quen. Anh ta gắt.

- Ông biết ông đang là loại gì, mà ông mò đi lung tung, đêm hôm không cho người ta nghỉ. Đang ở nhà ôm vợ con phải đi lên đây gặp ông.
Giấy tờ lại được giở ra, vẫn những câu hỏi đi làm gì, đi thế nào, gặp ai…

Trả lời hết xong, anh ta gắt.

- Ông … đi gì nói thật đi, ông có gì trong người bỏ ra, mang theo bao nhiêu tiền, đưa ví đây, còn giấy tờ gì, hộ chiếu có không đưa nốt đây.

Tôi đưa hết, kính, đồng hồ, 2 điện thoại, chứng minh thư, giấy thông hành, ví, máy ảnh.

Anh ta xem xét kỹ chiếc ví, rồi bực bội.

- Ông làm đéo gì mà chỉ có mấy cái đồng bọ này thì đi đâu, ông sang đó mua gì mà chỉ có ngần ấy tiền. Còn tiền giấu đâu không?

Tôi đứng dậy cũng bực nói.

- Tôi cả ông làm việc với nhau nhiều, chuyện có gì trong người chưa bao giờ tôi nói dối, ông không tin tôi cởi quần áo.

Tôi định lột quần áo thì người trẻ đi khác ngăn lại, anh ta gắt.

- Ông… manh động thế, chúng tôi hỏi thế chứ ai bắt ông cởi quần áo, ai khám người ông, không có thì thôi chứ sao lại làm thế.

Tôi ngồi xuống, an ninh lại hỏi sao chỉ có mấy trăm ngàn. Tôi bảo thì mục đích chỉ mua mấy cái bao cao su rồi đi về. Có định đi đâu hay mua gì nữa mà mang nhiều, mà làm gì có nhiều mà mang theo.

Họ bảo tạm thu hết tất cả đồ, giấy tờ, chỉ để lại cho tiền để đi về, không thì lại lang thang ở đây có chứng minh thư lại làm thông hành rồi lại đi. Tôi hỏi luật nào thu đồ. An ninh nói.

- Luật gì ở đây mà ông hỏi, tôi thu làm gì, giữ để ông phải đi về thôi. Ông làm cái giấy tự nguyện giao nộp đồ cho tôi giữ hộ.

Hắn lắc đầu.

- Đây không viết được. Ông thu giữ thì ông cứ thu, tôi không làm.

Họ thu máy ảnh, điện thoại và giấy tờ. Làm biên bản, tôi hỏi.

- Luật thì ông giữ đồ tôi, thì tôi phải có biên bản, đàng này biên bản ông cầm nốt thì tôi lấy chứng cứ gì kêu ông trả đồ.

An ninh gắt gỏng.

- Ông làm việc với tôi, lạ gì nhau, tôi lấy của ông làm gì, ông về Hà Nội lên gặp tôi thì tôi trả. Ông cứ vớ vẩn luật liếc lằng nhằng.

Lúc này một người đàn ông trung niên khoảng 56, 57 tuổi đi lên. Khuôn mặt lầm lì, tôi cảm giác được vầng sát khí tỏa trên mặt con người ấy, mặc dù không phải là dễ nhận. Như trong truyện kiếm hiệp nói vè một thanh đao từng qua nhiều trận chiến, gây sát thương cho bao nhân mạng, sát khí tụ lại trên thanh đao lạnh đến rợn người. Gương mặt, dáng đi của con người đó làm tôi thấy nhiều thân phận, nhiều cuộc đời, nhiều án tù đã đọng dấu lại trên con người đó. Những cuộc ly tán gia đình, người tù, kẻ tội, những đau thương của bao gia đình dường như lảng vảng trên con người ông ta.

Có lẽ tôi cũng chỉ là một số phận nhỏ nhoi,một thân phận, một cuộc đời và một án tù phảng phất trên gương mặt con người ấy.

Không phải là đơn giản mà cả chục người dưới xuôi đêm hôm lên đây. Tôi biết thêm điều nữa về số phận mình, như một con chim nhìn thấy những cánh cung của các tay thiện xạ lão làng. Có điều tôi chưa chết, bởi quá nhiều cây cung dương lên, người này chờ người kia bắn trước.

Đám dưới xuôi kéo thẳng về, để lại những người an ninh tỉnh ngỡ ngàng. Khi những người kia đi hết, họ gọi tôi uống chén nước chia tay, rồi bảo tôi đi đi.

Tôi đi ra không nhìn lại, đường tối om. Trời đã quá 12 giờ đêm, không còn nóng nực, mát mẻ dễ chịu. Không điện thoại, không giấy tờ tùy thân, đi bộ một mạch dài trên con đường quốc lộ vắng vẻ thênh thang từ thị trấn vào thành phố, đi mãi mới gặp một xe taixi chạy trên đường. Tôi đứng vẫy, người ta xi dừng lại mở hé tí cửa kính hỏi đi đâu.

Tôi bịa ra câu chuyện vừa cãi nhau với con bồ, giận quá bỏ về thành phố. Người lái xe cho lên, tôi ý tứ ngồi ghế trước, cởi áo để anh ta thấy tôi không có gì. Những người lái xe taxi đêm hay gặp cướp, nên họ rất cảnh giác.

1 giờ đêm vào thành phố tôi trả tiền và đi ra phía bờ sông. Ngồi dựa lưng vào hành lang cây cầu sắt và nhắm mắt ngủ, đợi chuyến xe khách sớm nhất về dưới xuôi.

(Còn nữa)

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [29]”

  1. ABC says:

    “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. NBG quả thật là là bậc thầy để giảng dạy những bài học về trường đời !

Phản hồi