Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [31]
Tiếp theo phần trước
Đêm tôi đọc lại những gì mình viết, giở luật tố tụng hình sự, giáo trình luật tố tụng hình sự, tâm lí học tội phạm đọc và ngẫm nghĩ cả đêm. Tôi thấy ngứa ngáy trên đầu, đưa tay lên gãi tóc. Nhìn xuống trang sách thấy tóc mình rụng lả tả theo mỗi lần gãi tóc. Trên giường, con trai tôi đang nằm ngủ say, chốc nó lại đạp mạnh chân vào chăn như bực tức vì cái chăn làm nó vướng víu. Tôi bỏ sách, nên ôm con nằm, ngủ được hai tiếng thì trời sáng. Đánh thức con dậy, cho cháu đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo , lấy cặp và đi đưa con đến trường. Trên đường đi ghé vào hàng cháo sườn cho cháu ăn sáng. Đưa cháu đến trường, con trai tôi nói.
- Chiều bố đón , bố nhớ đóng tiền tham quan cho con nhé. Con chào bố.
Còn thời gian mới đến giờ vào công an làm việc, tôi đến gần trụ sở cơ quan an ninh điều tra CATPHN ngồi hàng nước gần đó. Nghĩ đến bài viết Con Ong, Thằng Bé và Cơn Mưa của mình viết lúc Tí Hớn ( con trai tôi) tròn 2 tuổi lấy bút danh tên của cháu là Bùi Minh Huấn.
Con ong lượn mấy hôm trong nhà. Tí Hớn dõi mắt theo con ong đang bay, mặt bợt ra vì sợ. Mỗi lần ong lượn sát xuống gần là Tí Hớn nháo nhào tìm chỗ nấp, Tí Hớn nhảy bổ vào lòng bà rồi nhào ra sau lưng bố, miệng lắp bắp:
Ong đấy, sợ lắm, đốt đấy, sợ lắm.
Ong lượn mấy hôm thì tìm được chỗ ưng ý làm tổ, ngay mép cửa sổ, nơi Tí Hớn hay đứng dòm xuống đường. Thì ra đó là một con ong mẹ đang làm tổ để đẻ. Ong rất chăm và nhanh. Mấy hôm đã được cái tổ xinh xinh bằng ngón tay cái người lớn. Cái tổ có 12 ngăn, trong mỗi ngăn có mẩu trắng bằng đầu que tăm, không biết có phải là trứng không. Hàng ngày buổi sớm ong bay đi, đến chiều lại bay về. Nhưng ong không bay đi cả buổi mất hút, mà nó bay đi một chốc lại tha cái gì về loay hoay bên tổ.
Tí Hớn nhìn ong có vẻ khiếp, nhưng mấy hôm không thấy ong làm gì mình. Tí Hớn mon men đến gần ngước mắt nhìn ong quát.
- Ong, ong!
Con ong giật mình thì phải, nó rời cái tổ bay một vòng. Tí Hớn ba chân bốn cẳng bổ nhào tìm chỗ nấp, miệng la:
- Ong cắn, ong cắn rồi.
Mẹ Tí Hớn bảo bố Tí Hớn:
- Mình dứt cái tổ ong đi, có ngày nó đốt con đấy.
Bố Tí Hớn ậm ừ rồi lặng thinh. Mẹ Tí Hớn thấy mấy hôm cái tổ ong còn nguyên, gắt. Bố Tí Hớn nói:
- Ong nó đang nuôi con, dứt đi tội lắm.
- Để nó đốt con mình thì sao anh…
Bố Tí Hớn chẳng nói gì, ôm Tí Hớn vào lòng nói với con:
- Ong đấy, ong mẹ đang nuôi ong bé đấy Tí Hớn ạ.
Trời mưa, sấm sét ầm ĩ, bố Tí Hớn không thấy ong mẹ về. Bố mở toang cửa sổ nói để cho mát, bố nói thích hơi nước mưa phả vào nhà. Mọi người nghĩ bố lẩn thẩn. Bố ôm Tí Hớn ngồi trông mép cửa sổ. Mưa càng ngày càng ào ạt như thác đổ, sấm nổ rền khiến Tí Hớn rúc đầu vào ngực bố khép nép. Lát sau Tí Hớn ngủ ngon lành trong lòng bố.
Bố Tí Hớn ngồi ôm con trong lòng, ngóng cửa sổ đợi ong mẹ về. Cơn mưa đã tạnh từ lâu. Bố gượng nhẹ tìm thế đứng dậy tay vẫn ôm con. Bố bế Tí Hớn sang phòng ngủ rồi quay lại, pha chè, châm thuốc hút. Ánh lửa lập loè soi thấp thoáng khuôn mặt đầy lo âu, trắc ẩn. Bố nhìn đăm đăm về mép cửa sổ, nhìn vào cái tổ ong có những con ong non như con sâu đang nằm thiêm thiếp ngủ. Nếu ong mẹ không về thì chúng ra sao, nghĩ đến đó bố Tí Hớn rùng mình.
Bố Tí Hớn không phải là người lẩn thẩn mà tại vì bố đang nghĩ đến những cuộc đi, những con người đi mãi không về. Những con người có con nhỏ, có mẹ già, có vợ dại hay cả những con người chưa có gia đình, chưa một lần yêu. Bố thấy trong đêm mưa này, ngoài cửa sổ đằng kia là những ngọn đồi đất, trên ngọn đồi đó có những nấm mộ của những người sinh ra lớn lên dưới xuôi, họ lớn lên vào đời. Và giông tố cuộc đời đưa họ rời quê hương. Họ sống một cuộc đời cực khổ, tranh giành, đâm chém nhau vì một miếng thịt bằng hai ngón tay, một chỗ nằm gần cửa sổ, ốm đau, bệnh tật. Đủ thứ có ở đó đang dồn lại đưa con người ấy ra đi vĩnh viễn khỏi thế gian. Xác họ vùi trên đồi cằn trong chiếc quan tài bằng thứ gỗ tồi tệ, chẳng được bào cho nhẵn nhụi, cong vênh. Những ngọn đồi mãi nhấp nhô như nước mắt bà mẹ khóc con chảy trên đôi gò má nhăn nheo.
Sáng sau ong vẫn chưa về, bố tần ngần đứng nhìn tổ ong, Tí Hớn đã dậy đến bên bố. Nhìn theo bố một lúc, Tí Hớn hỏi bố:
- Bố! Bố, ong đâu?
Bố Tí Hớn đặt tay lên đầu con xoa nhẹ, bố nói với Tí Hớn mà như nói với mình:
- Ong chưa về con ạ, ong mẹ không về thì ong con sẽ bị đói đấy, không được ti mẹ, ong con đói.
Tí Hớn làm bộ khóc nhè, trễ miệng kêu:
- Ong con đói, ong con khóc è è!
Đến chiều tối ong mẹ không về, bố Tí Hớn đã biết điều gì xảy ra. Cơn bão hôm qua đã giết chết ong mẹ. Chỉ có cái chết mới khiến ong mẹ không về được tổ với ong con. Bố Tí Hớn thôi không nhìn tổ ong nữa, bố ôm Tí Hớn vào lòng ru, tiếng ru của bố nghèn nghẹn như người đang ốm:
- À ơi, con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi! ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong.
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con...
Tí Hớn ngái ngủ, khi cơn ngủ sắp tới, Tí Hớn còn lải nhải theo bố câu cuối
- Au òng ò on, au òng ò on.
Nhiều người bạn quen biết viết bloge như tôi đã bị cơ quan an ninh bắt đi đột ngột. Bắt khi gọi triệu tập thế này, bắt bất ngờ khi đang ở nhà hay đi đường….tôi nhớ đến anh Ba Sài Gòn tức blogge Phan Thanh Hải có 3 đứa con nhỏ. Lần cuối tôi gặp anh, vợ anh mang bầu đứa thứ ba. Anh nói sợ không biết mình bị sao thì vợ con anh sẽ thế nào. Vài tháng sau thì anh bị bắt và xử 3 năm tù. Hình ảnh những năm tháng tôi sống trong tù hiện về. Tôi thấy mình mặc áo xám đứng trên dưới chân con dốc mỗi buổi chiều, gặp những bà mẹ già đi thăm con từ khu thăm gặp pham nhân về ngang qua đó, nét mặt bà mẹ nào cũng buồn da diết…Tôi chợt nhớ ra khu giam giữ tội phạm an ninh của Bộ Công An trại giam B14 cách chỗ tôi đang ngồi hiện giờ không xa. Chẳng biết người bạn tù năm nao hay đánh cờ cùng, giờ anh ấy thế nào. Thoắt cái 4 tháng nữa là tròn 3 năm rồi.
Tôi ngồi hàng nước vỉa hè, nhìn dòng người đi lại, bên cạnh tôi là trụ sở cơ quan an ninh, nơi chuyên đưa người ta vào nhà tù. Tôi nhẩm lại bài thơ viết gửi mẹ gần 20 năm trước, lúc tôi đã ở tù được 6 tháng.
Sáu tháng rồi, sao mẹ vẫn chưa quen.?
Vắng thằng tư, mẹ thẫn thờ ngơ ngác.
Những đêm dài cưả ngỏ chẳng cài then.
Con không về, đêm dài hơn thế kỷ.
Thằng bé nhà bên đặt trùng tên.
Bữa cơm chiều, mẹ nó gọi.
Mẹ con giật mình thảng thốt.
Hiếu con à.! Chốn đó sống sao con.?
Kinh giải hạn, mẹ tụng dài hơn nữa.
Tiếng Di Đà muốn lay động rèm thưa.
Tuần nhang hết, tuần nhang thêm vơi nửa.
Nhang khói nhạt nhòa.
Tượng Phật vẫn trầm ngâm.
Thời gian ơi ! Xin đi nhanh như giấc mơ.
Cho thư con viết, không còn buồn nhung nhớ.
Rồi hôm nao. Hạn trời con qua hết.
Mẹ xem kìa.
Tượng Phật sáng hào quang.
Tôi đi qua cổng cơ quan an ninh, người cảnh sát gác cổng không buồn hỏi giấy tờ. Tôi đi qua những dãy phòng của cơ quan an ninh. Đến cái phòng của T đứng đợi. Có người thấy tôi, gọi T. T đi ra , ngạc nhiên vì thấy tôi đã ở đó, anh ta bảo.
- Ông giờ gác cổng còn quen cả mặt, làm thế nào đừng phải đi ra vào đây nhiều thế chứ. Chả lo làm ăn gì cả. Vào trong phòng đợi tôi đi kiếm ấm trà đã.
T mang ấm trà vào, giở giấy tờ ra. Anh ta cắm cui ghi. Tôi biết đó là tờ hỏi cung mới, phần đầu ghi họ tên cán bộ lấy lời khai, lí lịch đối tượng …anh ta thuộc làu làu đến nỗi chẳng cần hỏi tôi về lí lịch nữa. Tôi uống trà, hút thuốc và đợi anh ta ghi phần thủ tục.
Ghi xong, T rút ra tập giấy, anh ta không để lên bàn mà đặt ở đùi mình giở ra xem, tôi loáng thoáng thấy tập giấy có đánh dấu những vệt xanh đỏ ở các dòng chữ, bên ngoài có ghi tắt chữ blhs 88. Tôi hiểu đó là đánh dấu những dòng chữ trong tập giấy vi phạm điều 88 của Bộ luật hình sự. Điều luật này đại khái là tội tuyên truyền, tán phát, làm ra những tài liệu, ấn phẩm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. T ngẩng đầu lên, cười tươi tắn hỏi.
- Anh Hiếu, vậy anh có nhận mình là Người Buôn Gió không.?
Tôi nhìn anh ta, khuôn mặt khá phúc hậu, nói khách quan anh ta không hề có dấu vết của kẻ ác trên gương mặt. Dù tìm kỹ thế nào thì vẫn phải công nhận anh ta có khuôn mặt tử tế, hiền lành không hề để lại ác cảm nào cho người đối diện. Thật trớ trêu anh ta lại đi làm nghề này. Tôi lắc đầu trước câu hỏi của anh ta. T nói.
- Anh không nghĩ rằng dù anh chối thế nào, cơ quan an ninh điều tra cũng chứng minh được anh chính là blogge Người Buôn Gió sao.?
Tôi nói nhẹ nhàng, buồn bã.
- Tôi biết các anh chứng minh được, nhưng tôi không nhận, vì tôi chờ sự chứng minh đó như thế nào. Tôi muốn biết rõ nghiệp vụ của cơ quan điều tra, ví dụ như có bản xác nhận của công ty viễn thông báo cáo ip, địa chỉ mạng nhà tôi. Hoặc có ai đó khai ra, làm chứng, ghi âm , quay clip tôi là Người Buôn Gió. Ít ra tôi có tù, cũng biết được ai khai báo ra tôi, các anh sử dụng nghiệp vụ kỹ thuật gì. Nếu các anh trưng ra các điều đó tôi sẽ nhận. Và điều tôi biết được đó sẽ giúp được các người khác như tôi tránh được các anh.
T nói.
- Chúng tôi chưa cần đưa ra cho anh những cái đó. Giờ anh cho tôi biết, tại sao những câu chuyện có anh và tôi biết ở đây lại được tường thuật đầy đủ trên blogge Người Buôn Gió, rất chi tiết đến cả những câu hỏi. Tại sao hình ảnh của gia đình anh, cá nhân anh có trên đó.?
Tôi đáp.
- Thứ nhất việc câu chuyện ở đây, có tôi và anh. Như vậy có thể là anh viết nữa với mục đích buộc tôi là Người Buôn Gió. Thứ hai hình ảnh của tôi người ta chụp, người ta truyền nhau. Ai đó lập ra trang Người Buôn Gió và đưa vào.
T giở tập giấy trên đùi, đến một đoạn anh ta xem rồi hỏi tôi.
- Trong cuốn Đại Vệ Chí Dị mà anh đã đọc ( anh ta ngẩng đầu nhìn tôi cười mỉa mai ) có nói đến đại thần bộ lễ là Khiêm. Đây có phải ám chỉ nói đến bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiên không.?
Tôi đáp.
- Thứ nhất Đại Vệ Chí Dị không nói đến nước CHXHCN Việt Nam, thứ hai đại thần bộ lễ không phải là bộ trưởng ngoại giao. Còn cái thứ ba, luật phải chặt chẽ như toán học. Vì luật liên quan đến số phận con người, mọi kết quả điều tra chỉ dẫn đến một kết quả duy nhất được chứng minh chặt chẽ bằng bằng chứng. Không thể có hai đáp án. Trường hợp này quá vô lí vì có đến hai đáp án tên Khiêm.
T hỏi.
- Chả ông Phạm Gia Khiêm đây còn ông nào.?
Tôi nhìn anh ta rồi nói thật chậm.
- Còn một bộ trưởng ngoại giao nữa là Ung Văn Khiêm , làm bộ trưởng hồi đầu những năm 60. Như vậy thì ngay cả đến tên Khiêm cũng có hai người, hai đáp án. Tôi không trách anh hỏi tôi dồn vào những điểm bất lợi cho tôi, bỏ qua những chứng cứ gỡ tội. Tôi hiểu anh là cơ quan an ninh điều tra, những cơ quan khác như an ninh văn hóa, an ninh bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh chống phản động trong nước, an ninh tôn giáo…họ thu thập hồ sơ rồi đưa sang cho bên anh điều tra tôi. Với anh tôi ưu tiên để anh gọi chuyện viên văn hóa truyền thông vào đây, ngồi cạnh để tư vấn cho anh về chữ nghĩa trong các bài viết. Anh gọi cái người vạch xanh đỏ đánh dấu vào kia ( tôi chỉ vào tập giấy anh ta để dưới đùi) vào đây để tôi đấu lí với họ.
T tự ái, anh ta cáu nói.
- Tôi cần gì gọi ai, mấy thứ anh viết tôi làm gì mà không hiểu.
Tôi nói.
- Tôi đã trả lời anh, những gì trong cuốn sách không phải do tôi viết. Còn nội dung của nó tôi đọc tôi không hiểu gì cả, tôi chả biết nước Vệ là nước nào, những câu truyện trong đó xảy ra ở đâu, thời điểm nào. Tôi không trả lời nữa về nội dung cuốn sách, anh muốn nội dung cuốn sách là phản động, là chống chính quyền thì anh tự nhận xét. Còn với tôi thì cuốn sách đó là vô hại, không nói xấu hay chống phá ai. Tôi sẽ trả lời chung cho các câu hỏi của anh về chi tiết từng phần trong cuốn sách là như thế.
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt