WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Kính gửi Hội nghị TW 8: Đất nước đòi hỏi phải đổi mới chính trị

Tổng Bí thư phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh VOV.vn

Tổng Bí thư phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh VOV.vn

Hội nghị lần thứ 8 của BCH TƯ Đảng cộng sản VN sẽ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết ĐH11 và các nghị quyết TƯ, trên cơ sở đó sẽ quyết định các việc trọng đại của đất nước . Đối chiếu thực tế cuộc sống đang diễn ra so với các Nghị quyết của Đảng, xin gửi tới Hội nghị bài viết với nỗi niềm trăn trở.

I – KINH TẾ SUY SỤP, DO “YẾU KÉM NỘi TẠI, CƠ CẤU LẠC HẬU”.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “ Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển .Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.”
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội viết: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu đó, phải tăng trưởng GDP hàng năm bình quân từ 7 đến 8% ; GDP năm 2020 bằng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 3000 USD.Tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao khoảng 45% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo khoảng 40% trong sản xuất công nghiệp.”

Ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết ĐH11, nền kinh tế Việt Nam vấp phải khó khăn lớn nhất sau 20 năm, kể từ năm 1991. Mục tiêu tăng trưởng đề ra 7,5% chỉ đạt được 5,8%; Quốc hội đề ra mức lạm phát 7%, thực tế lên tới 19%; hơn 48000 doanh nghiệp phá sản; Các tập đoàn kinh tế nhà nước được kỳ vọng là “quả đấm thép” của nền kinh tế thua lỗ nặng nhất, chỉ riêng Vinashin đã gây ra nợ 4 tỉ USD; Thị trường bất động sản đóng băng; Hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen; Nợ xấu chiếm 15% tổng tín dụng; nhập siêu10 tỉ USD; Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sút giảm nghiêm trọng vì tham nhũng, lãng phí làm cho chỉ số ICOR ( số đồng vốn bỏ ra để thu 1 đồng lãi) tăng vọt xấp xỉ 2 con số ( chỉ số ICOR của các nước trong vùng chỉ từ 3 đến 4). Kinh tế nhà nước là gánh nặng của nhân dân, nhận vào 65% tổng tín dụng để làm ra 28% tổng sản phẩm!

Cuối năm 2011, Đảng và Chính phủ đề ra chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế để cứu vãn: Tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và hệ thống thể chế tài chính, giải quyết nợ xấu; tái cấu trúc đầu tư công. Diễn đàn Mùa thu 2012 ở TP Vũng Tàu nhận định: “Những nguy cơ mang tính cơ cấu và hệ thống đang đe dọa nền kinh tế”. Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng “Cần phải đổi mới về cải cách đất đai,tiếp theo là cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo nghĩa thị trường; sau đó là cải cách ngân hàng Nhà nước một cách quyết liệt; tất cả phải công khai, minh bạch”. Cam kết với WTO phát triển nền kinh tế thị trường , nhưng thực tế dùng nhiều biện pháp hành chính và ngắn hạn, nhiều loại giá cơ bản phi thị trường. Các nhóm lợi ích bất chính đang là lực cản của tái cơ cấu nền kinh tế, chi phối chính sách ngày càng trắng trợn. Diễn đàn kinh tế mua thu năm 2013, ở Huế, Viện trưởng Trần Đình Thiên mở đầu tham luận, cho rằng “Kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó.Những “điểm đen” như nợ xấu, sở hữu chéo trong các ngân hàng vẫn còn nguyên, tái cơ cấu kinh tế nhà nước vẫn nằm trên giấy. Kinh tế vẫn trong lộ trình “xuống đáy” và nằm bẹp ở đấy”. Giáo sư Võ Đại Lược đề nghị bán các doanh nghiệp nhà nước như bia,rượu, nước giải khát, đất đai của Tổng công ty Thương mại Hà Nội… lấy tiền làm việc có ích.

Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không thể nào đạt được.Cho đến nay Việt Nam chỉ có nền công nghiệp gia công và là bãi thải công nghiệp của các nước.
Hội nghị TƯ 3 ( 10-10-2011)nhận định: “Do yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài….” Ngày 5-9 2013, tại diễn đàn Việt Nam- Nhật Bản, ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phát biểu:”Kinh tế Việt Nam mấy năm qua gặp phải những khó khăn do tác động bên ngoài và chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những yếu tố của kết cấu bên trong, những yếu kém của nội bộ”. Đúng vậy! Cũng trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế của các nước trong khu vực vẫn phát triển, nước lớn như Trung Quốc GDP năm 2011 là 9,2 %, năm 2012 là 7,8%; nước nhỏ như Campuchia năm 2011 GDP là 7,5%, năm 2012 là 7%, năm 2013 dự kiến 7,6%.).

Cuối năm 2013, vốn đầu tư nước ngoài có tăng lên so với 2 năm trước, đã đem lại nhiều hy vọng cải thiện cho kinh tế Việt Nam, tuy nhiên vấn đề chính như ông Bùi Quang Vinh nói là “những yếu tố kết cấu bên trong, những yếu kém nội bộ” vẫn chưa được giải quyết ! “Yếu tố và kết cấu” đó là gì ? Phải chăng đó là điều mà nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị: Trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân và tư nhân hóa, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước?

2- GIAI CÂP CÔNG NHÂN SỐNG DƯỚI MỨC SỐNG TÔÍ THIỂU 40% !

“Cương lĩnh” viết :”Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng ; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.”( văn kiện ĐH 11, trang 80).

Báo cáo chính trị:”Gắn tiền lương của người lao động với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp” (văn kiện, trang 228).
Nghị quyết 20 /NQ-TƯ về xây dựng giai cấp công nhân viết :” Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động , Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.”

Hơn 20 năm qua,giai cấp công nhân đã phát triển nhanh chóng. Họ là những nông dân nghèo khó nhất rời đồng ruộng đến các khu kinh tế công nghiệp tìm việc. Theo số liệu của Tổng LĐLĐVN năm 2013, có 15 triệu người lao động làm công ăn lương, có 7,9 triệu đoàn viên công đoàn, ở khu vực vốn đầu tư nước ngoài có hơn 1,7 triệu người. 20 năm qua có 3 lần cải cách chế độ tiền lương, nhưng lương tối thiểu cho đến nay vẫn chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động. Luật Lao động cho doanh nghiệp được phép buộc công nhân làm thêm 300 giờ/năm. Các chủ doanh nghiệp căn cứ mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để trả cho công nhân. Do đó hình ảnh của giai cấp công nhân hiện nay, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Công nhân, Công đoàn: Có 94% công nhân phải làm thêm ca, thêm giờ mà vẫn không đủ sống; Có 26,5 % nam công nhân và 31,8 % nữ công nhân suy dinh dưỡng; Có 19,2 % công nhân thiếu máu; 70% thiếu iốt; Có 20% công nhân bỏ một bữa ăn trong ngày. Công nhân coi được làm thêm giờ như một ân huệ. Nhiều ông chủ doanh nghiệp phạt công nhân bằng hình thức không cho làm thêm giờ! ( Ông Thee Hong Bae ở Công ty Yujin Vina TP HCM cắt tăng ca vĩnh viễn đối với công nhân Dương văn Tam để phạt anh về “tội” sau đình công, mọi người đã đi làm mà 2 ngày sau anh mới có mặt! . Cán bộ quản lý doanh nghiệp thường kiếm cớ để phạt hoặc làm nhục công nhân : Ngày 20-5-2013, ở Công ty Yujin Vina (TP HCM) anh Hậu lúc tan ca không xếp vào hàng, đã bị ông quản lý Chu bóp miệng, nắm cổ áo lôi đi ; Tháng 7- 2013, anh HVT ở Prex – Vinh ( Nghệ An) bị cán bộ quản lý ném phế phẩm vào mặt và đè đầu dúi vào máy; Ngày 18-7-2013 các chị Đặng Thiên Trang, Chu thị Vân nghỉ phép quá 1 ngày đã bị quản lý Công ty dệt may Thái Dương (TP HCM) phạt trừ lương và phụ cấp 700. 000 đồng !…

Từ năm 1995 đến nay đã xảy ra hơn 5000 cuộc đình công, có những cuộc huy động hơn 10.000 công nhân ( như ở Công ty Keyhing Toys Đà nẵng năm 2005, Công ty Pouchen Biên Hòa năm 2010). Tất cả các cuộc đình công đều bị coi là bất hợp pháp, vì không có công đoàn lãnh đạo. Những người được công nhân đình công cử làm đại diện đối thoại với chủ, sau khi ổng định đều bị sa thải mà không được các cơ quan chức năng bảo vệ! Cách đây 5 năm, Viện Khoa học Xã hội thực hiện cuộc điều tra tại 24 doanh nghiệp, cho thấy có 84% người lao động không thấy công đoàn có vai trò giải quyết tranh chấp. Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐ VN tại Đại hội 11 Công đoàn Việt Nam nhận khuyết điểm:” Công đoàn cơ sở chưa lãnh đạo được đình công theo quy định của pháp luật, tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công còn bị lúng túng.”

Chỉ cần đọc bài “Công nhân đồng loạt đình công đòi quyền lợi” trên báo Công An Nghệ An ngày 20-7-2013 cũng đã có thể hình dung tình cảnh khốn cùng, bị chà đạp nhân phẩm của giai cấp công nhân hiện nay. Bài báo kể trong một ngày tỉnh Nghệ An có 2 cuộc đình công ở Công ty Prex Vinh và Công ty May Hanosimex. Bài báo kể một số chi tiết: -Bắt làm thêm giờ mà trả lương rất bèo – Tổng thu nhập trung bình là 1650000 đồng/ tháng- Nhiều công nhân bị bị ném phế phẩm vào mặt. Có người “yêu cầu quản lý không nên có thái độ như vậy” lập tức bị đuổi việc – Công nhân bấm thẻ chấm công sớm 30 giây, bị trừ cả ngày công – 1900/ 2500 công nhân đã vào công đoàn, nhưng gửi kiến nghị lên, công đoàn không trả lời; Chủ doanh nghiệp yêu cầu công nhân đình công cử đại diện đối thoại, nhưng cuộc đình công hồi năm ngoái, cả 8 người được cử làm đại diện đối thoại với chủ sau đó đều bị đuổi việc, cho nên lần này không ai dám nhận làm đại diện!

Bộ LĐ, TB& XH kiên trì quan điểm “Nếu điều chỉnh lương tối thiểu đảm bảo ngay nhu cầu tối thiểu thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày gia công sẽ phá sản.” Quan điểm này vừa trái với các nghị quyết nói trên của Đảng, vừa sai với thực tế ( Thời gian qua có nhiều cuộc đình công ở các doanh nghiệp dệt may, da giày gia công đều được chủ doanh nghiệp giải quyết yêu sách tiền lương mà họ không hề bị phá sản) và trái với lý luận:” Giá trị sử dụng của thứ hàng hóa đặc biệt sức lao động là ở chỗ nó sinh ra một giá trị lớn hơn giá trị của chính bản thân nó. Do đó người sử dụng lao động phải trả mức lương tối thiểu không chỉ đủ nuôi sống bản thân người lao động mà còn phải có dư để nuôi sống gia đình anh ta, đảm bảo tái sản xuất sức lao động” (Marx, Engels T23, trang 252). Ý kiến chưa thể tăng lương tối thiểu đủ mức sông tối thiểu giống như đại diện nhóm lợi ích của các ông chủ tư bản hoang dã .Thế mà tại sao họ không bị khiển trách ? Ngành dệt may,da giày gia công còn được cho ưu tiên làm thêm giờ!

Từ năm 1930 cho đến trước Đổi mới, những người cộng sản Việt Nam luôn luôn lấy khẩu hiệu đòi ngày làm 8 giờ để vận động công nhân. Tại sao ngày nay, sau 28 năm Đổi mới, trong khi Tổ chức Lao động quốc tế đòi ngày làm 7 giờ, tuần làm 5 ngày, tức 35 giờ/tuần thì Nhà nước Việt Nam lại có chính sách bảo trợ chủ doanh nghiệp buộc công nhân làm thêm 300 giờ, nhưng thực tế còn cao hơn nhiều, với đồng lương chết đói? Tại sao chúng ta thừa lao động, nhất là lao động giản đơn mà không buộc các doanh nghiệp dệt may, da giày gia công là những ngành sử dụng lao động giản đơn giá rẻ, nếu thiếu nhân công thì phải tuyển dụng thêm, cấm họ buộc công nhân làm thêm giờ và đòi họ phải trả lương theo hợp đồng thỏa thuận với người lao động?

3 – NÔNG DÂN KHIẾU KIỆN, TỰ TỬ VÀ BẮT ĐẦU DÙNG SÚNG!

Cương lĩnh viết:”Xây dựng, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.”
Phương hướng nhiệm vụ 5 năm (2011-2015): “Phát triển nông nghiệp toàn diện hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn.”

Nghị quyết 26/NQ-TƯ (về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) mục tiêu:”Không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới…”

Sau Đổi mới, nông dân đã đưa đất nước từ thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới. Nhưng có nghịch lý là từ đó đến nay cuộc sống của nông dân ngày càng khốn khó. Đặc biệt là nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước, chưa bao giờ sống khổ như bây giờ : Được mùa rớt giá, càng làm càng lỗ; mỗi năm buộc phải đóng từ 30 đến 40 loại phí; học vấn thấp nhất; nhắm mắt xếp hàng cho người Đài Loan, Hàn Quốc chọn vợ để cứu gia đình; sang Campuchia bán thân; đóng phí rất nặng để đi xuất khẩu lao động, bị đánh đập, cưỡng hiếp. Mới đây, báo Tuổi Trẻ đăng tình cảnh lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Malaysia phải trốn chui trốn nhũi vô cùng thê thảm. Nhiều năm qua, nông dân bị thu hồi đất không được đền bù thỏa đáng, phải cơm đùm cơm nắm đi khiếu kiện lên quận, rồi lên tỉnh, lên Trung ương, nằm chờ chực ngoài vườn hoa, trên vĩa hè và bị đuổi đánh tàn tệ.

Cuối cùng tức nước vỡ bờ, lúc đầu là tự thiêu, tự tử để tỏ sự phẫn uất một cách bất lực, sau đó là nổ súng hoa cải để cảnh báo nỗi bất bình, nay thì nổ súng sát thương. Những phát súng của Đặng Ngọc Viết không phải nhằm bắn vào người có oán thù với riêng anh mà có ý nghĩa biểu tượng bắn vào chế độ ruộng đất bất công, phi lý, chống lại lợi ích giai cấp nông dân của anh.

Tại sao những mục tiêu cao đẹp từ các nghị quyết của Đảng không thể trở thành hiện thực mà ngược lại? Những nhà khoa học và cán bộ quản lý gắn bó với nông dân đã phát hiện những nguyên nhân chủ yếu nhưng không được lắng nghe. Gần 20 năm , giáo sư Võ Tòng Xuân nhiều lần lặp đi lặp lại câu hỏi “Bao giờ nông dân mới giàu?” Và ông trả lời, nông dân không thể thoát nghèo, bởi đầu ra của hạt lúa bị Hiệp hội lương thực độc quyền thao túng . Giáo sư Đào Thế Tuấn nói:”Nghịch cảnh thay nông dân từng là quân chủ lực của cách mạng giải phóng dân tộc, cũng là người lặng lẽ âm thầm khởi xướng công cuộc đổi mới, nhưng lại ít được hưởng lợi nhất sau đổi mới!”; và “ Nông dân thiếu chủ quyền về đất đai, mất đất mà không có ai bênh vực”; và “Đáng lo thay, nông dân là bộ phận yếu thế nhất trong xã hội, không có quyền mặc cả trên thị trường không được tham gia quyết định giá cả nông sản, vì thiếu nghiệp đoàn nông dân”.( Báo Nông Nghiệp Việt Nam xuân Tân Mão). Nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị phân tích nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt được, đã cho rằng:” Nói những điều to tát như tạo nền kinh tế bền vững, tái cấu trúc, tăng GDP… không bằng có những chủ trương, quyết sách, hành động sát thực tế để nông dân có đất canh tác, có đời sống ấm no, sung túc bền vững”. Ông phân tích ”Thời kháng chiến chúng tôi, những cán bộ, đảng viên cùng với nông dân có chung một lợi ích. Sau khi cầm quyền, chúng tôi với nông dân bắt đầu có sự phân chia, “tuy một mà hai”. Sự phân chia dễ thấy là chúng tôi – tức chính quyền bắt đầu ra lệnh, ngay như tổ chức Đảng, các đoàn thể cũng ra lệnh được. Nông dân từ chỗ là chủ sở hữu đất, chủ sở hữu ruộng, sau khi cải tạo xã hội chủ nghĩa thì đất là sở hữu nhà nước… Có độc lập rôì bỗng dưng mất hết hai cái quyền sống còn là quyền sở hữu ruộng đất và quyền sản xuất… Rồi họ dắt díu nhau lên Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân, lại tiếp tục bơ vơ giữa các khu công nghiệp, vắt sức với đồng lương bèo bọt…”. Mang nỗi niềm của người mắc nợ nông dân, ông đi Đài Loan, Malaysia, Thái Lan để quan sát và ngạc nhiên kêu lên:”Nhìn cách họ tổ chức sản xuất nông nghiệp mà phát thèm: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học phối hợp rất chặt chẽ, trong đó nhà nông ở vị trí trung tâm, được nhà nước và doanh nghiệp lo cho từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Thái Lan có công ty tổ chức sản xuất nông nghiệp lo cho cả đầu vào cả đầu ra. Chính phủ hỗ trợ chính sách rất rõ ràng”.(báo Pháp Luật TP HCM xuân Tân Mão). Tiến sĩ Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp cho rằng “Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại”. Mới đây, trên báo Nông nghiệp Việt Nam, nhà văn của nông dân Nguyễn Khắc Trường, tác giả “Mảnh đất lắm người nhiều ma” nổi tiếng, có bài viết về tình trạng nông dân ngày nay. Bài viết có những điểm rất đáng quan tâm: Nông dân xưa chất phác nền nếp lắm. Làng xóm xưa thanh bình lắm. Nông thôn bây giờ chẳng những nghèo về vật chất mà còn nghèo tinh thần. Nay không chỉ có trộm cướp mà còn có người nghiện hút, tình làng nghĩa xóm phai nhạt. Cái gốc của nông dân là ruộng đất mà giờ người ta không còn yêu quý đất nữa! ( thực ra họ không còn yêu đất chỉ vì đất không còn là của họ nữa mà là của “toàn dân” !). Ông so sánh với vài nước xung quanh và cho rằng nông dân Trung Quốc khổ hơn ta, nhà cửa họ lụp xụp hơn, mặt họ sầu não hơn. Nhưng nông dân Thái Lan thì sướng hơn, giàu có hơn nông dân ta. Ông kết luận:”Nói theo nghĩa nào đó nông dân chưa thực sự bước ra khỏi vũng bùn!”
Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi đã tự hào viết câu thơ : “ Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” Đất nước của hơn 90% nông dân ngày ấy sáng lòa, bởi họ đã rũ bùn đứng dậy. Cớ sao sau 68 năm họ phải trở lại vũng bùn?!

4 – KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO TĂNG NHANH THỨ 2 CHÂU Á!

Báo cáo chính trị ĐH 11: “Xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng,văn minh.” Và ” Có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị.”

Tuy nhiên, sau Đại hội 11 khoảng cách giàu nghèo đã tăng tốc. Hai giai cấp lớn của xã hội là công nhân và nông dân chính là nguồn bổ sung cho số người nghèo đang phình to này.Theo Tổng cục Thông kê năm 2008 khoảng cách giàu nghèo là 8,9 lần; năm 2009 tăng lên 9,2 lần. Gần đây báo chí phát hiện nhiều chuyện “lương khủng” ở các tập đoàn, công ty nhà nước. Vụ lương khủng ở TP HCM khoảng cách thu nhập của cán bộ lãnh đạo và công nhân hơn 200 lần. Dư luận cho rằng vụ này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trong những năm kinh tế đất nước sa sút, số người siêu giàu (có tài sản 30 triệu USD) vẫn cứ tăng nhanh: Năm 2010 có 100 người; năm 2011 tăng lên 170 người nhanh thứ hai châu Á. Ngày 15-9-2013, nhiều tờ báo đưa tin: Công ty tư vấn tài sản Wealth-X và Ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho biết :” Mặc cho nền kinh tế Việt Nam đang lâm vào khó khăn, số người siêu giàu của nước này vẫn tăng gần 15% so với năm trước, từ 170 lên 195 người với tổng tài sản 20 tỉ USD. Trong khi đó Việt Nam có khoảng 8,1 triệu dân nghèo đói phải tìm đến cái chết để thoát khổ đau.”

Xin nêu 2 trường hợp người nghèo đi tìm cái chết mà nguồn tin trên đã nói đến:

Tháng 4- 2012, chị Lê thị Ngọc Nhãn ở khóm 2, phường 1, TP Cà Mau, trước khi tự tử đã gửi cho Trung tá Diện bức thư, có đoạn:” Sau khi cháu chết rồi, xin chú giúp cho các con của cháu được vào cô nhi viện. Cháu xin đội ơn chú đời đời”.

Tháng 5-2013, chị Nguyễn thị Mỹ Nhân , 48 tuổi, ở xã An Xuyên, TP Cà Mau, trước khi treo cổ, đã viết bức thư gửi chính quyền: “Xin các cấp chính quyền thấu hiểu hoàn cảnh không có lối thoát của gia đình chúng tôi hiện nay, đồng ý cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi có thể sống những ngày còn lại”.

Trong bài nói về xây dựng Đảng hồi tháng 2-2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:” Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu nghèo, có người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Mai kia Đảng này là Đảng của ai? Có còn giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”.

Thưa Tổng bí thư, cứ nhìn tình cảnh của hai giai cấp công nhân và nông dân và các chính sách làm cho họ bần cùng, chắc không khó tìm câu trả lời!

5- ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI BĂNG HOẠI CHƯA TỪNG CÓ.

ĐH 11quyết định:”Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no tiến bộ,hạnh phúc;con người phát triển toàn diện về trí tuệ,đạo đức,thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”(văn kiện trang 105). Tuy nhiên 3 năm qua đạo đức tiếp tục băng hoại ngày càng dữ dội! Hàng ngày báo đưa tin chém giết, trộm cướp, cưỡng hiếp xảy ra khắp mọi nơi. Người ta chém giết nhau chỉ vì những lý do lãng xẹt. Đáng lo nhất là tình trạng con cháu đánh đập, chém giết cha mẹ ông bà, anh em, vợ chồng giết nhau. “Đinh tặc” rải đinh đánh bẫy người đi xe gắn máy, để vá xe, bán lốp,vỏ xe với giá cắt cổ. Thanh, thiếu niên ném đá lên tàu hỏa, lên ô tô như thú vui. Mới đây một nhà phê bình có bài viết tựa đề “Người Việt hung hãn”. Có những hiện tượng bất thường đang nãy sinh: Người ta “tự xử”, bởi không còn tin khả năng quản lý của chính quyền, cũng không tin công lý từ tòa án! Bắt được kẻ trộm chó, cả xóm ra tay tự xử bằng gậy gộc. Mới đây, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang vừa có “sáng kiến” lập rào làng, làm bốn cổng để chống trộm!

Nhà văn Nguyễn Khải người đầu tiên phát hiện tệ nói dối đang phát triển trong xã hội. Từ đó đến nay tình trạng nói dối bùng lên như một đại dịch, lan tràn từ trong Đảng tới các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, các đoàn thể, nay nhiễm vào trẻ con. Tại diễn đàn kinh tế mùa Thu đang diễn ra ở Huế, nhiều tham luận nói về tệ báo cáo láo khiến không thể biết đúng “bệnh”: nợ xấu bao nhiêu,thất nghiệp bao nhiêu, GDP của các tỉnh có tăng thực vậy không. Một trung tâm xã hội học vừa công bố kết quả điều tra: Trẻ học cấp 1 có tỉ lệ nói dối là 22%; trẻ ở cấp 2 có tỉ lệ nói dối 50%; cấp 3 là 64%; sinh viên đại học là 80%! Có thể hình dung được, đội ngũ cán bộ tương lai sẽ vượt xa cha anh về tài nói dối !

Có người giải thích đây là mặt trái của cơ chế thị trường. Nên nhớ rằng, trước khi thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã từng sống trong cơ chế thị trường.

Dân tộc ta nổi tiếng hiền hòa. Ông cha ta từng “lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn”, “lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Thời hai cuộc kháng chiến, nhà nhà đêm không cài cửa, ra ngõ gặp anh hùng. Một dân tộc như vậy, nguyên nhân nào đã biến thành “ra ngõ gặp trộm cướp, giết chóc”?

Triết gia Immanuel Kant cho rằng ”Tự do là cơ sở tồn tại của quy luật luân lý, còn quy luật luân lý là cơ sở nhận thức của tự do”(Phê phán lý tính thực hành (Đạo đức học), Bùi văn Nam Sơn dịch và chú giải, Nhà XB Tri thứcchú thích ở trang 2-3). Có lẽ nên xem lại phương thức tổ chức quản lý xã hội đang có những gì bất cập so với các nước văn minh?

6 – GIÁO DỤC TIẾP TỤC TỤT HẬU.

ĐH11 quyết định:” Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục , phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”( văn kiện trang 130, 131).

Cách đây 20 năm nền giáo dục Việt Nam đã được nhận diện những điểm không bình thường : Trường chuyên, lớp chọn; Thi cử phức tạp; Nhồi nhét, không chú trọng rèn luyện tư duy sáng tạo; Học thuộc lòng các bài mẫu; Dạy thêm học thêm lu bù; Sách giáo khoa in lại liên tục, nhưng nội dung không đổi mới; Chất lượng giáo viên mỗi năm thêm sa sút; Lương giáo viên không đủ sống… Có nhiều cấp ủy Đảng chỉ thị ngành giáo dục phải soạn giáo án tuyên truyền chủ trương chính sách : đưa vào chương trình phổ thông 13 luật thuế, luật phòng chống tham nhũng…

Nhiều cuộc hội thảo huy động trí tuệ các nhà giáo dục góp ý xây dựng. Nhiều nhà giáo dục giàu tâm huyết và trí tuệ như Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại, Văn Như Cương… phân tích mổ xẻ ung nhọt của ngành giáo dục, đề xuất nhiều kiến nghị như: Khuyến khích sáng tạo; coi trọng óc tưởng tượng; Công bằng , dân chủ trong giáo dục; Tôn trọng cá tính học sinh; Bắt buộc cấp tiểu học, tiến tới trung học và mở cửa đại học; Chú trọng bồi dưỡng nhân tài… Tuy nhiên giáo dục cứ như cỗ xe tụt dốc! Dù cho được tăng tỉ lệ đầu tư, nhưng hiệu quả thì xuống thấp. Chất lượng Đại học Việt Nam không được quốc tế công nhận.

Càng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ cố tìm cách cho con đi học ở nước ngoài, ban đầu chỉ đi học cấp đại học, nay đưa đi học nước ngoài ngay từ cấp phổ thông. Xã hội đã quen với cụm từ “tị nạn giáo dục” nói về tình trạng này.

Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân nói:”Nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống”. Giáo sư Văn Như Cương nói:” Tính dối trá tràn ngập nền giáo dục”…

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố bản báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014” thực hiện ở 148 nước. Kết quả xếp hạng các hạng mục lớn của báo cáo cho thấy: Về chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đều thua kém các nước trong khu vực Châu Á. Ở bậc tiểu học Việt Nam có tỉ lệ đi học cao nhưng chất lượng giáo dục thua kém nhiều nước trong khối ASEAN. Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì đưa trẻ đến trường nhiều chưa nói lên được chất lượng tốt. Nói chất lượng phải tính mấy yếu tố: Thứ nhất là chương trình có tốt không.Thứ hai là giáo viên có tốt không. Thứ ba là cơ sở vật chất có tốt không. Cả ba cái này chúng ta đều yếu. Bà Nguyễn Thị Bình nguyên phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng giáo dục năm 1976 nói:”Các tổ chức quốc tế đều đánh giá, trong chiến tranh, Việt Nam là tấm gương về giáo dục.Song bây giờ giáo dục Việt Nam hầu như xếp hạng chót. Có tổ chức còn đánh giá giáo dục Việt Nam kém hơn cả Campuchia, Lào.”

Có hai vấn đề cốt lõi : Một là, mấy chục năm qua, thày giáo không chỉ bị đãi ngộ vật chất quá thấp kém mà quan trọng hơn, trong một xã hội chính trị hóa, người thầy không còn được coi trọng như trong xã hội dân sự trước kia. Nấc thang giá trị của thày giáo ở dưới các cán bộ Đảng và tất cả các cán bộ đoàn thể. Hai là nền giáo dục Việt Nam bị chính trị hóa sâu sắc, bị chỉ đạo bởi ý thức hệ, nhằm đào tạo ra những công cụ trung thành phục vụ chế độ. Giáo điều, triệt tiêu tự do tư tưởng, cắt cánh tưởng tượng sáng tạo, không tôn trọng cá tính… đều xuất phát từ đó. Sản phẩm của một nền giáo dục như vậy sẽ không thể hội nhập được với nhân loại hiện đại và chắc cũng không thể là nguyên khí quốc gia trong sự nghiệp hiện đại hóa. Trong thời đại toàn cầu hóa, dù quan tâm đến thực tế đất nước, nhưng không nên tạo ra một nền giáo dục dị biệt với thế giới. Giáo dục phải tuân theo các giá trị phổ quát của nhân loại, tự do dân chủ, bình đẳng. Những nước đi sau như chúng ta rất cần tham khảo, học theo các nền giáo dục tiên tiến .

7 – “Vì sao công tác xây dựng Đảng được TƯ rất coi trọng, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu?… Vướng mắc chính là ở chỗ nào?” ( TBT Nguyễn Phú Trọng).

Cương lĩnh: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị phẩm chất, đạo đức và năng lực lãnh đạo”. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020, Chương V, mục 3:”Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng”.

Sau một năm, ngày 26-12-2011, Hội nghị TƯ 4 nhận định: bình, tự phê bình“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng,lảng phí, hư hỏng trong một bô phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn niềm tin đối với Đảng”. Hội nghị TƯ 4 đề ra “những việc cần và có thể làm ngay” là tiến hành trong toàn Đảng tự giác, gương mẫu kiểm điểm, phê bình, tự phê bình”.

Sau gần 2 năm thực hiện nghị quyết TƯ 4, tình hình tham nhũng không giảm mà đang tăng lên và diễn biến rất phức tạp, đáng lo ngại:

- Ngày 5-12- 2012 Tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency international) xếp Việt Nam về kết quả chống tham nhũng tụt 11 bậc, xuống 123/182 nước.

- Từ tháng 9-2012 đến 3-2013 Tổ chức Minh bạch quốc tế tổ chức khảo sát và kết luận: 55% người dân Việt Nam cho rằng tham nhũng đang tăng, tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở các cơ quan chức năng, ở lĩnh vực đất đai. Điều đáng lo là chỉ có 38% người dân Việt Nam nói mình dám tố cáo tham nhũng, tỉ lệ thấp nhất so với người dân trong khu vực ASEAN (bình quân là 63%). Tại sao vậy? Rất dễ hiểu thôi, xin kể 2 vụ việc trong hằng trăm vụ việc như thế: Theo báo Người Cao tuổi:Ở Ninh Bình có ông cựu chiến binh Đinh văn Phiêu tố giác ông Ủy viên TƯ, Bí thư tỉnh Ninh Bình Đinh văn Hùng, tham nhũng, buôn trống đồng. Lập tức ông bị bắt đưa ra tòa xử 5 năm tù giam vì tội vu khống. Ông Lê Đăng đảng viên 60 tuổi Đảng tố cáo Thành phố Biên Hòa làm trái Quyết định 227 của Thủ tướng về quy hoạch, lập tức ông bị khai trừ Đảng. Người dân thường cứ nhìn vào đó mà liệu giữ mình!

- Mới đây các cơ quan thanh tra Việt Nam khảo sát cho biết có 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, trong 20 vụ tham nhũng lớn nhất thì 50% xảy ra ở doanh nghiệp nhà nước.

- Ngày 18-9-2013, trong cuộc họp UBTV Quốc hội, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói”Không tham nhũng lấy tiền đâu mà chạy chức?” Và ông đặt câu hỏi gây chấn động dư luận xã hội:”Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”

Cuộc họp cho rằng rất cấp thiết phải trả lời câu hỏi: Vì sao tham nhũng không giảm mà cứ tiếp tục tăng?

Tại Hội nghị TƯ 5, TBT Nguyễn Phú Trọng đặt ra một loạt câu hỏi để tìm câu trả lời: ”Phải chăng do các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa phát huy đầy đủ ý thức và bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện? Do sức chiến đấu của nhiều tổ chức Đảng quá yếu? Do sự kém tu dưỡng rén luyện của của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức? Do chưa phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân, của công luận? Do những bất cập trong việc ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật? Do mô hình tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng chưa phù hợp? Do sự yếu kém, tiêu cực trong công tác phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lãng phí?”

Các câu hỏi của TBT Nguyễn Phú Trọng đều chính xác, tuy nhiên chưa phải là câu hỏi chủ yếu nhất cần phải đặt ra . Tại Hội nghị TƯ 4, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Đặc biệt, có một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay, cần được trả lời cặn kẽ là:” Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu?…..Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”

Đây mới thực là câu hỏi rất lớn, do đó chúng tôi cho rằng phải tìm câu trả lời theo cách mà TBT Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh là phải “đột phá” !

Xin thưa với Tổng bí thư: Có thể đoan chắc rằng, trong lịch sử không có một đường lối, chính sách nào rất đúng, rất hay lại được vận động sâu rộng mà đi tới thất bại cả! Hay, đúng thì phải sát thực tế, tạo ra được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bất cứ giải pháp nào đưa tới thất bại, hơn nữa lại là thất bại rất nhiều lần, kéo dài hàng chục năm thì cần phải thực sự cầu thị, để nhận thức rằng đó là một giải pháp sai!

Nhà nước ta đã ký kết tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng từ 1-7-2009. Công ước này là tập trung trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều quốc gia tiên tiến đúc kết nên. Trong đó, không có kinh nghiệm nào chống tham nhũng thành công từ tự phê bình, phê bình cả!

Công ước này đặt 2 điều đầu tiên cho chính sách và thực tiễn chống tham nhũng là:

1-“Thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện các nguyên tắc của chế độ pháp quyền”.

2- Về “cơ quan phòng chống tham nhũng” thì điều đầu tiên là có “sự độc lập cần thiết” để “ thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả và không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng trái pháp luật nào”.

Tiếc thay cả hai vấn đề quan trọng nhất của Công ước này, đều không được Việt Nam vận dụng!

Câu hỏi của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sẽ được trả lời không khó khăn nếu tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước đều phải đặt dưới pháp luật.

Trước khi kiến nghị các giải pháp khắc phục tình trạng khủng hoảng toàn diện kể trên, xin trích dẫn ý kiến của Engels đại diện cho K.Marx viết lời tựa bản Tuyên ngôn tiếng Đức năm 1883 :” Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội- cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. Nền sản xuất kinh tế đa thành phần phát triển đã làm cho chiếc áo toàn trị quá chật, đòi hỏi phải thay bằng chiếc áo dân chủ.

B – KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP.

1- Đại hội 6 chủ trương “Đổi mới toàn diện bắt đầu từ đổi mới kinh tế”. Đại hội 11 quyết định :”KIÊN TRÌ VÀ QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN ĐỔI MỚI. ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ PHẢI ĐỒNG BỘ VỚI ĐỔI MỚI KINH TẾ “…

Thật đáng tiếc là cho đến nay thể chế, hệ thống chính trị nước ta hầu như vẫn giữ y nguyên khuôn mẫu của chủ nghĩa xã hội kiểu xô viết . Nền móng tự do dân chủ đã có từ Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946 đã không được thực hiện, phát huy. Các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình đều khất “nợ” nhân dân suốt 68 năm! Đại hội 6 đã trả lại cho nhân dân quyền tự do kinh tế bị tước mất sau cải tạo xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó mà người Việt Nam năng động sáng tạo hẳn lên, vượt qua đói nghèo, đạt được mức sống trung bình thấp. Tuy nhiên do chưa được đổi mới chính trị, nhân dân chưa có quyền tự do xây dựng một nhà nước pháp quyền thể chế hóa các quyền tự do. Không có nhà nước pháp quyền đúng nghĩa thì tự do kinh tế không được bảo trợ về pháp lý, bị vướng mắc bởi thể chế chính trị lạc hậu thao túng , chi phối, làm suy giảm năng lực phát triển. Tình trạng ốm yếu của nền kinh tế Việt Nam là vì vậy. Không có tự do chính trị cũng hạn chế tự do văn hóa, không thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại, thậm chí không phân biệt thuần phong mỹ tục với hũ tục. Nhiều cán bộ chính trị tự cho mình quyền kiểm duyệt, cấm đoán tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy. Thiếu tự do chính trị là nguyên nhân gây hạn chế đồng thuận, chia rẽ dân tộc, bất ổn xã hội. Tình trạng khủng hoảng toàn diện của đất nước là báo động đỏ cho sự chậm trễ đổỉ mới chính trị.

Có người lo ngại đổi mới chính trị sẽ gây ra nguy cơ bất ổn xã hội, đe dọa quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản, nói như vậy là không tin nhân dân, hoặc coi nhân dân là “thần dân”. Đổi mới chính trị chính là tin nhân dân, tôn trọng nhân dân, cùng nhân dân thảo luận, lựa chọn, xây dựng một thể chế thực sự của dân, do dân, vì dân, điều mà Đảng cộng sản thường nêu lên như tâm nguyện cao cả nhất từ những ngày đầu cách mạng . Đổi mới chính trị sẽ loại bỏ được nguyên nhân đã làm cho các nghị quyết của Đảng suốt nhiều nhiệm kỳ cứ phải lặp đi lắp lại :” Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi một vài lĩnh vực còn bị vi phạm . Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức” (văn kiện ĐH 11, trang 171). Được như vậy thì uy tín của Đảng , tình trạng nhân dân mất niềm tin vào Đảng sẽ được ngăn chặn .

2-KHÔNG NÊN THÔNG QUA DỰ THẢO HÍÊN PHÁP NẾU CHƯA ĐẠT YÊU CẦU ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ!

Sửa đổi Hiến pháp 1992 chính là cơ hội vàng để đổi mới chính trị! Do đó, không nên tùy tiện phủ quyết những ý kiến không hợp với quan điểm bảo thủ, giáo điều mà cần tổ chức tranh luận công khai trên mọi cơ quan truyền thông.
Kiến nghị 72 nhằm xây dựng bản Hiến pháp bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, phát triển bền vững đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai, gồm 7 điểm quan trọng:

1- Lời nói đầu phải làm rõ mục tiêu đảm bảo an toàn, tự do hạnh phúc cho mọi người dân, hạn chế sự lạm quyền, hướng đến hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân. Cần nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền nhân dân, tôn trọng ý chí dân tộc. Do đó không nên định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội cho một tổ chức chính trị. Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân tin cậy bầu chọn.

2 – Mục đích thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền đương nhiên của con người. Dự thảo có nhiều điểm không phù hợp với các chuẩn mực phổ quát ở các Công ước Liên Hiệp Quốc mà nhà nước ta đã gia nhập. Cụm từ “theo quy định của pháp luật” lâu nay mở đường cho việc nhân danh Hiến pháp đàn áp công dân , cần phải khắc phục.Do đó, Hiến pháp nên quy định thành lập một Ủy ban quốc gia về quyền con người.

3 – Cần công nhận quyền sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng đối với đất đai, để chống tham nhũng, lộng quyền, móc ngoặc giữa cán bộ nhà nước và doanh nhân gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân, gây bất ổn xã hội.

4 – Thực hiện nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập.

5 – Lực lượng vũ trang trung thành với Tổ quốc và nhân dân, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, yên bình cho nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu chính trị của Đảng cộng sản đặt ra cho mình từ khi thành lập. Đảng cộng sản là một thành phần trong nhân dân, không nên quy định lực lượng vũ trang trung thành với Đảng cộng sản.

6 – Bảo đảm quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân.

7 – Thời gian lấy ý kiến toàn dân đến kéo dài hết năm 2013, khuyến khích việc tham khảo, so sánh, thảo luận công khai để xây dựng bản Hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia.

Bản Kiến nghị 72 đã được 15 đại diện trình lên Ban soạn thảo Hiến pháp của Quốc hội. Hơn 14000 người ký tên hưởng ứng, trong đó có hàng trăm giáo sư trong, ngoài nước, hàng trăm đảng viên lão thành, cựu chiến binh. Thế nhưng , 700 tờ báo và cả hệ thông truyền hình phát thanh không đưa tin, không tranh luận công khai sòng phẳng. Tất cả cơ quan truyền thông nhà nước đơn phương bóp méo, xuyên tạc, phê phán, nhưng không nêu đích danh Kiến nghị 72 mà coi đó là lập luận của một “lực lượng thù địch” vô hình, một “bọn xấu” không có địa chỉ! Thật đáng tiếc, cách làm không minh bạch như vậy lại có thể xảy ra ở một đất nước đã ký kết các Công ước của Liên hiệp quốc, đã từng là ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an!

Một số người cho rằng việc góp ý không có vùng cấm, nhưng không được lợi dụng góp ý để vi phạm những vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản ! Xin hỏi những điều gì được gọi là “nguyên tắc cơ bản”? Quyền lãnh đạo của Đảng chăng ? Hay “ tam quyền phân lập” chăng ? Không đúng ! Nguyên tắc cơ bản phải là đảm bảo thực hiện cho được mục tiêu “của dân, do dân, vì dân” và tất cả phải thượng tôn pháp luật. Do đó, nếu chưa thống nhất được thì nên dừng lại không nên vội vàng thông qua bản dự thảo Hiến pháp còn quá nhiều bất cập, nên có thêm thời gian và không gian dân chủ để thảo luận. Bởi vì nếu vội vàng ban hành bản Hiến pháp không đạt các tiêu chuẩn tự do dân chủ phổ quát cũng tức là chưa đạt yêu cầu “đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế” mà ĐH 11 đã đề ra và hậu quả không mong muốn sẽ xảy ra cho dân tộc, cũng tức là cho Đảng cộng sản.

3 – ĐIỀU 4, GỢI NHỚ “TRƯỚC MẶT QUẦN CHÚNG, KHÔNG PHẢI TA CỨ VIẾT LÊN TRÁN HAI CHỮ CỘNG SẢN MÀ ĐƯỢC HỌ YÊU MẾN” ( HỒ CHÍ MINH).

Đất nước, nhân dân đòi hỏi ĐẢNG TỪ BỎ HÌNH THỨC ĐẢNG TRỊ TRỞ THÀNH ĐẢNG CẦM QUYỀN TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN, CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN. Phải thực hiện “bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Hồ Chí Minh đã hứa hẹn, chấm dứt tình trạng đã kéo dài mấy chục năm nay mà nguyên UV BCT Nguyễn văn An đã thẳng thắn và trung thực nhận định : “Bộ Chính trị là vua tập thể”. Không nên tiếp tục làm cho khẩu hiệu thiêng liêng ”tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” để rồi Đảng “là lực lượng lãnh đạo nhà nước” nên cuối cùng quyền lực nhà nước thuộc về Đảng! Trong dân gian đã lưu truyền công khai những thành ngữ “Đảng cử dân bầu”, “mười năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một giờ”… thật là phản cảm.

Chúng ta đang hội nhập toàn cầu, Hiến pháp của các nước văn minh không ghi quyền lãnh đạo của một đảng chính trị. Nước ta, từ những ngày cách mạng còn trứng nước, Đảng chỉ có 5000 đảng viên, Hiến pháp 1946 không ghi vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng nhân dân vẫn theo Đảng, vì Đảng có đường lối giành độc lập, tự do. Việc đưa sự độc quyền lãnh đạo của Đảng vào Điều 4 Hiến pháp đã gây rất nhiều tranh cãi. Nhiều đảng viên cộng sản từng giữ cương vị ủy viên Trung ương, Bộ trưởng cũng không đồng tình. Xin đừng vu cho họ tội chống Đảng, hoặc suy thoái chính trị. Tại sao họ lại chống lại Đảng mà họ đã bỏ gần hết cả đời phục vụ chứ ? Bản thân tôi, một đảng viên 55 tuổi đảng, tôi cảm thấy Điều 4 là sự xúc phạm lòng tự trọng, tự hào của mình là một đảng viên. Từ khi vào Đảng, các đảng viên từng tâm niệm “phải yêu dân kính dân thì dân mới kính ta, yêu ta” và “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà được họ yêu mến.”(Hồ Chí Minh, ST,1985, T5, trang 184). Hiểu theo ý nghĩa của câu ấy thì việc ghi Điều 4 vào Hiến pháp không phải là ghi hai chữ cộng sản lên trán của Đảng mà chính là ghi lên trán của dân tộc ! Liệu cách áp đặt như vậy có được nhân dân yêu mến hay không?

4 – THẾ NÀO LÀ MỘT NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN? TẠI SAO LẠI KHÔNG CHẤP NHẬN TAM QUYỀN PHÂN LẬP?

Lý do để các nhà lý luận của Đảng không đồng ý tam quyền phân lập là cho rằng đó là “ dân chủ phương Tây”! Khổ quá! Các vị tìm đâu ra thứ dân chủ phương Đông chứ? Nhà sáng lập “tam dân chủ nghĩa” Tôn Trung Sơn nói hẳn rằng, dân chủ dân quyền thì phải học phương Tây, bởi vì phương Đông và Trung Quốc suốt 4000 năm lịch sử chìm đắm trong quân quyền. Đã có nhiều nước phương Đông thực hiện nhà nước tam quyền phân lập như Nhật, Hàn quốc…nâng cao quyền dân, hạn chế được tham nhũng, đất nước phát triển rất nhanh. Chính các nước này đang chìa tay giúp đỡ ta. Ta cứ công kích tam quyền phân lập là theo Tây, không sợ mất lòng những người giúp đỡ mình sao?
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm trong bài viết “Dân chủ hóa, phân quyền hóa cơ cấu hệ thống quyền lực Nhà nước theo tư duy pháp quyền biện chứng” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp từ năm 2009, đã cảnh báo tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu phát triển là do thiếu cơ chế giám sát, kiềm chế quyền lực, “đó là lỗ hổng và yếu kém nhất trong hệ thống tam quyền của nhà nước, phải được khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế”. Ông cũng băn khoăn khi “việc thực hiện ba quyền đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Ông cho rằng lẽ ra sự lãnh đạo của Đảng là ở đường lối và đưa ra quan điểm lớn “Phải làm thế nào để thực hiện cho được quyền tư pháp độc lập, thượng tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ sự chi phối nào ngoài pháp luật”. Đến nay, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng gần như cũ :“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…. do Đảng cộng sản VN lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng có một thắc mắc rất có lý “đã thống nhất sao lại còn phân công ?” Vừa qua, một báo cáo viên của Ban Tuyên huấn Trung ương xuống giảng giải ở Đảng bộ phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM đã giải thích: Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nhân dân là một khối thống nhất, do đó không thể chia cắt, không thể phân lập! Tại sao các nhà lý luận của Đảng không chịu hiểu rằng, nhà nước là công cụ để phục vụ nhân dân, do đó nhân dân muốn phân chia nó thế nào để phục vụ mình tốt hơn là quyền của nhân dân chứ?

Tại sao các chế độ dân chủ tìm đến nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập? Xin trích dẫn ra đây ý kiến của hai bậc hiền triết của nhân loại:

Từ thời cổ đại Platon quan sát các nhà nước và đi đến nhận định: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó.Còn nơi nào pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì ở đó tôi nhìn thấy có sự cứu thoát của nhà nước”. Học trò xuất sắc của ông là Aristote, người được Karl Marx coi là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại, đã cụ thể hóa tư tưởng của thày mình, cho rằng quyền lực nhà nước phải được chia làm ba lĩnh vực: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Suốt hơn 2000 năm sau đó những đầu óc vĩ đại của nhân loại không ngừng khám phá, bổ sung, cụ thể hóa tư tưởng phân quyền. Trong đó J Locke và Montesquieu được đánh giá đã ghi hai cột mốc lớn nhất. Cho đến nay đã có hàng trăm quốc gia dân chủ, giàu mạnh tổ chức nhà nước theo tam quyền phân lập, dù hình thức có đôi chỗ khác nhau, nhưng điều cơ bản, phổ quát là không đổi.

Montesquieu cho rằng:”Khi mà quyền Lập pháp và Hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện nguyên lão thì sẽ không còn gì là tự do nữa, người ta sợ rằng chính ông ấy hoặc Viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền Tư pháp không tách rời quyền Hành pháp và Lập pháp.Nếu quyền Tư pháp được nhập với quyền Lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân. Quan tòa cũng sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền Tư pháp nhập với quyền Hành pháp thì quan tòa có sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức hay của quý tộc, hoặc của dân chúng năm luôn cả ba quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết”. Ông đặc biệt nhấn mạnh quyền Tư pháp phải nhất thiết tách ra, độc lập với hai quyền kia.

Ngày nay, nhân loại đánh giá một nhà nước dân chủ văn minh khi thực hiện tốt các tiêu chí:

Xã hội được tự do khi nhà nước bị kiểm soát bởi luật pháp mà mục đích là để bảo vệ các quyền con người.

Xã hội được quản lý bởi một chính phủ của luật pháp. Một cá nhân có thể làm bất cứ điều gì luật pháp không cấm, còn quan chức nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.

Đối chiếu những ý kiến ở trên, soi rọi vào cách tổ chức nhà nước của ta , sẽ không quá khó khăn để hiểu vì sao nhà nước chúng ta chưa thể có tư pháp độc lập, nạn quan liêu, tham nhũng lan tràn không sao ngăn nỗi. Những ý kiến chống lại Tam quyền phân lập cho rằng nó sẽ làm cho Đảng mất quyền lãnh đạo. Thật là sai lầm! ĐH 11 cho rằng :”Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược ,các định hướng chính sách và chủ trương lớn, bằng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, bằng hành động gương mẫu của đảng viên”(văn kiện,trang 88). Nhà nước tam quyền phân lập chỉ buộc Đảng, cũng như Nhà nước phải đặt mình ở dưới Hiến pháp và pháp luật. Tư pháp độc lập của nhà nước pháp quyền có thể gọi người vi phạm pháp luật bất cứ đó là ai phải trả lời trước tòa án. Một phó thường dân cũng như ông tổng bí thư đều bình đẳng trước pháp luật. Có người ví von việc khó chấp nhận điều này là ”Không ai lấy đá tự ghè vào chân mình”.Nhưng đó chính là cách duy nhất giúp cho Đảng thoát khỏi tham nhũng, quan liêu như hiện nay, để có thể lấy lại niềm tin của nhân dân đang sút giảm nghiêm trọng.

5- XÂY DỰNG XÃ HỘI DÂN SỰ ĐÚNG NGHĨA.

Khái niệm xã hội dân sự có từ thời cổ Hy Lạp, nó chỉ một phạm trù rộng lớn của đời sống xã hội bao gồm gia đình, tôn giáo, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật…Đến thời khai sáng, các nhà tư tưởng đề cao quyền tự do cá nhân trong xã hội dân sự, độc lập với nhà nước, coi xã hội có trước nhà nước, nhà nước không được lấn át xã hội dân sự . Một nhà nước được coi là văn minh, hợp pháp khi nào được thành lập bởi sự thỏa thuận của tất cả các cá nhân trong xã hội dân sự, điều đó được xác lập bằng một Hiến pháp dân chủ. Sự phân chia giữa nhà nước và xã hội dân sự được coi là đặc trưng của một thể chế chính trị thực sự dân chủ.

Trong các chế độ quân chủ, độc tài, xã hội dân sự dù bị đàn áp vẫn tồn tại, đấu tranh bảo vệ các quyền tự do của người dân bị xâm phạm . Quá trình dân chủ hóa là quá trình phát triển của xã hội dân sự từ non yếu đến mạnh mẽ . Có thể có xã hội dân sự chưa thật hoàn thiện trong một chế độ độc tài, nhưng không thể có chế độ dân chủ mà lại không có xã hội dân sự. Hàn quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippine, Indonexia và mới đây là Myanmar đều đi từ độc tài đến dân chủ, xã hội dân sự từ non yếu phát triển và hoàn chỉnh nhanh chóng.

Trong thể chế theo mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết, tất cả đều Nhà nước hóa, từ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, cái công cộng xóa bỏ cái riêng tư. Nhân dân chỉ còn sở hữu tập thể đối với tư liệu sản xuất, ngay sức lao động và quyền bán sức lao động của mình cũng không còn, gia đình, tín ngưỡng cũng mất tính độc lập. Xã hội dân sự nhường chỗ cho xã hội toàn trị. Tất cả các hội đoàn đều do người của cấp ủy Đảng cử ra làm chủ tịch, thậm chí cả Đoàn chủ tịch, Ban Thường vụ đều là đảng viên. Tất cả các hội đoàn lấy nghị quyết của Đảng làm chuẩn để soạn thảo nghị quyết của mình. Nông dân đi khiếu kiện không có thể dựa vào Hội nông dân ; Công nhân đình công không thể yêu cầu công đoàn lãnh đạo. Báo chí là tiếng nói của một hội đoàn nào đó, không phải tiếng nói của một con người tự do.

Đổi mới kinh tế mở ra một nửa cánh cửa của xã hội dân sự. Tuy nhiên các quyền tự do về tinh thần, tự do hội họp, lập hội, biểu tình, tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí, tự do sáng tạo nghệ thuật… vẫn chưa được thực hiện theo các giá trị phổ quát của nhân loại đã được ghi nhận trong các Công ước của Liên hiệp quốc và đã được Nhà nước Việt Nam cam kết gia nhập. Nhiều cán bộ cao cấp vẫn còn ngộ nhận: Cho rằng nước ta đã có hàng trăm hội đoàn cớ sao cứ bảo chưa có tự do hội họp và lập hội ? Đã có hơn 700 tờ báo, tỉnh nào cũng có đài phát thanh, truyền hình cớ sao cứ kêu không có tự do báo chí, tự do ngôn luận? Xin các vị đọc lại ý kiến của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề này. Trong “ Bản yêu sách của nhân dân An Nam” do Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Versaille tháng 1- 1919 có 8 điều, điều 3 là: “Tự do báo chí và tự do ngôn luận”; Điều 4 là “Tự do lập hội và hội họp”. Trong quyển “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương”, Nguyễn Ái Quốc viết những năm 1921-1926 có đoạn:” Mãi tới bây giờ chưa có một người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo nào cả. Tôi gọi tờ báo tức là một tờ báo về chính trị, về kinh tế, hay văn học như đã thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền lập ra” (Hồ Chủ tịch với báo chí, Hội nhà báo TP HCM, 1980, trang 9). Như vậy, khi nói về các quyền tự do, Hồ Chí Minh cho rằng đó phải là tự do của mỗi con người. Đến năm 1938, báo Dân chúng của Đảng cộng sản xuất bản không xin phép và được nhà nước thực dân Pháp chấp nhận. Trong chế độ thuộc địa hà khắc, xã hội dân sự Việt Nam vẫn len lỏi nảy nở.Từ năm 1920 đã có công hội của Tôn Đức Thắng. Từ năm 1930 đã có các Đảng chính trị như Quốc dân Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam và các hội đoàn như Hội Ái hữu, Hướng đạo; từ năm 1934 có Tự lực văn đoàn một hội đoàn hiện đại tạo ảnh hưởng rất lớn lao về văn học và xã hội; 1937 có Hội truyền bá quốc ngữ… Trừ hai đảng chính trị, các hội đoàn đều công khai hoạt động. Chẳng lẽ nhà nước Việt Nam cảnh giác đối với nhân dân đã trải qua 68 năm làm cách mạng của mình hơn cả bọn thực dân Pháp! Chúng ta hãy nhìn ra thế giới văn minh, nhìn gần hơn là các nước quanh vùng để thương cho dân mình và mau chóng thực hiện các quyền tự do đã bị treo suốt 68 năm.
Xã hội dân sự bao trùm tất cả các mặt của đời sống xã hội cho nên nó vô cùng quan trọng. Thời đại toàn cầu hóa cho thấy con đường văn minh của nhân loại có những điểm chung giống nhau trong sự vận dụng các giá trị phổ quát, hình thành mô hình xã hội tiến bộ, phát triển, gồm có “ bộ ba” không thể thiếu một, đó là : xã hội dân sự, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Ngày 30 -9-2013

Tống Văn Công (Diendanxahoidansu)

52 Phản hồi cho “Kính gửi Hội nghị TW 8: Đất nước đòi hỏi phải đổi mới chính trị”

  1. Nguyễn Trọng Dân says:

    Tiên Ngu viết hết sức vô LÝ !

    Chủ trương của Đảng ta , ” Làm Đĩ năm châu, Ở Đợ toàn cầu ” để tiến lên XHCN tất thắng

    Làm Đĩ Cộng mà không… “LÁO” thì nàm sao mà làm đĩ móc bóp khách đâY? Đúng hông?

    Ở Đợ Toàn Cầu mà toàn Dân ai cũng …”KHÁ” lấy ai đi ở đợ hả blời? Đúng không?

    Bởi vậy , đồng chí TBT Trọng đã khẳng định rõ lập trường trong bài phát biểu tổng kết:

    Thưa Các Đồng Chí ,

    Trước những biến động khó lường trước mắt , Hội Nghị TW8 đòi hỏi toàn Đảng phải kiên trì LÁO tiếp .

    Về kinh tế Vĩ Mô , nếu không kiên trì LÁO , tính chủ đạo của các tập đoàn kinh tế Nhà Nước sẽ chỉ thấY toàn NỢ & NỢ cùng với thất thoát hàng TỸ thì biết nói sao đây.

    Về kinh tế Vi Mô , các phương thức trấn áp những người bị mất đất trong nhu cầu bần cùng hóa nhân dân để gia tăng cung về Ở ĐỢ cần phải được che đậy , LÁO có phương châm , LÁO đúng theo trình tự của Pháp Luật

    Về an ninh chính trị , bọn phản động thù địch kiểu Tiên Ngu không ngừng phá hoại , kêu gọi phải tôn trọng SỰ THẬT , nhằm âm mưu phá vở mọi đường lối LÁO của Đảng đề ra thông qua ba mùa hội nghị vừa qua. Vì vậy , chúng ta cần phải gia tăng kiễm soát mạng , tất cả mọi loại mạng ,từ mạng nhện tới mạng go gù , không cần biết ở nơi đâu dù là từ trong lu nước ra ngoài máng xối.

    Về ngoại giao , chúng ta sẵn sàng LÁO với mọi quốc gia liên kết về nhân quyền để giữ vững độ sâu của tầm chiến lược

    Về cải tổ luật pháp , chúng ta phải kết án LÁO thiệt nặng mọi thành phần đóng thuế thành TRỐN THUẾ , có như vậy , mọi kẽ chống đối thuộc lực lượng Tiên Ngu sẽ ngồi tù , ngoài ra , mọi Đảng Viên cũng an tâm không cần đóng thuế dù có tiền TỸ từ Công QuỸ ” Hết Trích

    Có người nói Tiên Ngu rất là Vô Dụng , chỉ biết có mỗi cầm…Q ” plaY” đĩ Cộng. Thiệt là đúng quá !

  2. Tien Ngu says:

    Kính gửi hội nghị TW 8 đảng csVN.

    Thưa,

    Đây là tiếng nói của người Việt Nam….thầm lặng, chân thực, không màu mè, không khoe rỡm, không…tự sướng, và…không hề…láo. Thành tâm gừi đến tất cả…hội viên…8.

    Thế giới ngày nay, ai cũng biết rằng thì là xứ nào theo chủ nghĩa cộng sản, thì chính phủ, từ lãnh đạo đến nhân viên cấp thấp nhà nước của xứ ấy toàn là…láo cả. Mánh đã…bể từ khi các xứ theo cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô…dẫy đành đạch ra chết. Thành ra, ngày nay nhà nước nào còn dựa vào cộng sản để cầm quyền, nhà nước ấy phải liên tục tung cò mồi (được bơm lên nà…chiến sĩ thông tin ấy) thay phiên nhau, hát ngày hát đêm trên các phương tiện thông tin, nhầm…ngu dân đời đời.

    Dân có…ngu, nhà nước cộng sản mới…che được các mánh láo, mới…bền, sướng, con em của đảng viên cs luôn đi trước trong các chuyện…cơm no bò cỡi.

    Nhưng…bền cai trị theo kiểu ấy thì…láo quá. Kẽ cầm quyền cai trị mà…láo, thì toàn dân sẽ…láo theo. Thế thì Việt Nam làm sao mà…khá? Thiên hạ giao thiệp với nước Việt nam Cộng…láo, chỉ là….đưa đò để kiếm lợi, không thực tâm. Họ…chia lợi với nhà nước và các thành phần phục vụ cho chế độ còn đại đa số nhân dân thì cứ tiếp tục….lội bùn dơ băng nước lũ xuyên đêm, lọt hố, lọt cống lia lịa. Bánh vẽ trên 70 năm, vẫn hoàn…bánh vẽ. Communist system…never work!!!

    Vậy, đề nghị các hội viên TW 8 lần này, hãy mạnh dạng đứng lên, tát vào mặt các anh Cộng láo, í quên thưa cùng với các anh Cộng gộc ( không nên…cực đoan) hãy quên đi các cú lừa…ơn đảng ơn bác, chấp nhận cạnh tranh chính trị, hãy quên đi cái bài hát…điều 4 hiến pháp, chỉ có đảng Cộng láo là…vô địch, độc quyền làm nhà nước…

    Có thế, toàn dân mới…bớt cái tật láo, mới chung vui mà…mần ăn với nhau, phát triển đất mước. Thực phẩm cũng như đổ dõm độc hại của Trung…quốc không còn chổ làm mưa làm gió, dạy người VN nên ham vui mà….đầu độc lẫn nhau…

    Mong các hội viên…8, lần này sáng suốt, cố…nhướng cặp mắt đã bị hí bao năm lên…

    Thành kính.

  3. Kỳ Lưu says:

    Chương Mục đất nước cần đỗi mới Chính trị này tôi xin lên một số bài viết dải trình.
    Quấc pháp và da phong.
    Tôi lên nội dung này để liên hệ với hiến pháp cuả nhà cầm quyền muôn quấc gia vô đạo.
    Sự thật quấc gia củng chĩ là một đại da đình mà thôi, mà gia đình có phải là một tổ chức kinh tế không?.
    Da đình là một tổ chức kinh tế nhưng nó được tồn tại không phải vì kinh tế mà nó được tồn tại bằng tình yêu thương, nó được sum vầy nhờ lòng yêu thương không giới hạn cuả bố mẹ phủ xuống con cái đây là nên tảng căn bản nhất mới tạo được sự êm ấm hoà thuận. Bố mẹ vì yêu thương con không bờ bến nên trong cuộc sống đả tự mình nhận tất cã các trách nhiệm hay gian khó chỉ vì con.
    Cái gốc đễ cho gia đình tồn tại nề nếp đó không phải là kinh tế mà chính là niềm yêu thương. Nếu nhửng gia đình nào mà cặp vợ tự vì tiền để đến với nhau, hay nhửng nhà đã mất gốc, tức bố mẹ là cái quã cuả ông bà deo xuống họ vì đời trước đả hưởng lộc bất chính mất dần lương tri thì chính bố mẹ củng vì tiền mà phạm điều bất nghiã ở đời, vậy thì hành sự bất nghiã đả thành tính khôn ma mà truyền xuống cho con.
    Vật tạo nên niềm vui tinh thần, nhưng nếu là lộc bất chính thì nó vui rất ngăn, bởi những gia đình (nguyên gốc) khi khó khăn từ bố mẹ hay con cái đều âm thầm mà cùng chịu trong cái âm thầm đó mọi người đều như tự mình gánh lấy phần trách nhiệm cho gia đình , còn nhửng gia đình mất gốc khi khó khăn vì sự thật niềm yêu thương không còn thì nó vỡ oà ra đó là cha con vợ chồng đổ lổi cho nhau, đó là tương lai cuả nhửng gia đình mất gốc say mê với mưu mô dành dật.
    Cái gia phong có được là phải ( chồng lành vợ thuận con ngoan hiếu ) mà chồng lành không phải là dai cấp vô sản Mác vẻ ra mà chồng lành phải là người đủ đầy lương tâm là người quân tử, có tâm hồn chứ không phải mất hồn thành loài động vật bậc cao.
    Gia đình nó khác các tổ chức kinh tế ở chỗ, Gia đình nếu,
    chồng lành vợ thuận con ngoan hiếu
    Phúc nhả trường kỉu vửng nền nhân.
    (Phu xướng phụ tùy) đó là phong tục bởi gia đình được cấu thành khởi nguồn từ niềm yêu thương. Chĩ nào mà vơ phải anh chồng thất phu thì chịu lấy đừng than thân trách phận gì cả vì ã ta củng lắm si mê mới dể bị quyến rủ mà thôi. nhiều ả là con quỷ ái tình thích tự do cho đủ đầy dục thú gặp mấy anh tài tử ngọt văn nịnh hót thì như lợn động dục ấy rồi lại đi trách đời. Da đình khác với tỗ chức kinh tế mọi người đến với nhau
    bằng kinh tế gio lòng tham mà khởi xướng, sự tồn tại cuả các tổ chức kinh tế là nhờ đáp ứng được lòng tham.
    Đến đây tôi xin nói đến quy định hay luật cuã các công ty doanh nghiệp,
    Ở mục Blogger điếu cày khi minh dải về lương tâm trong các hợp đồng kinh tế, tôi đả chỉ rỏ trách nhiệm cuả lương tâm, nhưng ở bài viết này tôi chỉ nói đến luật trong các tổ chức kinh tế.
    Tất cả các tỗ chức kinh tế đều sanh ra vì lòng tham, mà tồn tại củng nhờ lòng tham và trí tuệ, bởi vậy cho nên người nắm quyền điều hành công ty là ông chủ ,là người ra luật để nhằm đáp ứng có lợi cho công ty vì như vậy cho nên, luật cuả công ty lúc nào chúng ta củng nhận thấy vì quyền lợi cho phiá công ty mà hình thành.
    Ông chủ và tổ chức lảnh đạo các công ty là nhửng người lao tâm, họ là người dùng đầu óc tìm ra thặng dư dưã vào công nhân là người lao lực, tất nhiên công nhân hưởng lương dưạ theo hợp đồng và luật cuả công ty bắt buộc ,cả hai phía đều lợi dụng lẫn nhau mà cùng tồn tại.
    Hỡi các nhà lý luận xả hội và các tà quyền mang danh lảnh đạo chính trị trên toàn thế giới ơi các ông đừng có điên, đừng có hiện dại nhiều nhiều nưả. Chính trị là lấy ngay trị gian, lấy chính trị tà, là lẻ phải trị , chính trị là đứng lên cầm cán cân công lý cho muôn dân, để trong mọi mâu thuẩn ai đúng ai sai anh phải dùng lẻ phải phán xét, chứ không phải đòi coi cả đất nước như một tổng công ty làm kinh tế, rồi các ông dã nhân dả nghiả, nắm quyền lảnh đạo kinh tế mà ra luật đâu.
    Thế giới nay nhờ trời cao cho khoa học truyền tải, còn lủ tà quyền lên nắm quyền không biết cho chi về chính trĩ chúng nó vẻ ra luật sư ra luật rồi vẻ ra toà án đi thực thi luật tất cả đều nằm dưới quyền lảnh đạo để cho chúng nó thà sức nghị quyết kế hoạch mượn công mà đi ân cắp.
    Cái trung ương đảng vưà họp xong tại sao chúng mày không đưa thằng nào ra luật xe tín chủ mà bắn đi cho tao, chẳng lẻ cả bộ chính trị chúng bay kiệt hết lương tâm không thấy dân tình phải đau nhục thế nào với quy định xe tín chủ hay sao.
    Bay không có thằng nào dám đứng ra xử oan cho dân bay không biết nổi đau đất nước là dân oan hay sao mà bay làm ngơ.
    Dáo dục vân hoá thì bay biến dân thành hung đồ tội phạm, còn phát trển nghề và khoa học ai tài người ta lo chứ cơ chế chó chi bay.
    Nổi đau dân oan, muôn dân suy thoái đạo đức thì hội họp cứ làm ngơ, dân hoang đau đớn mất an, mà cứ lên nghị quyết kinh tế để đi ăn cắp đất dân đão lộn dân cho ma quỷ kiếm ăn rưá.
    Họp xong rồi là đua nhau đi nịnh hót đảng lưà dân rưá không biết cái cho chi về C Trị cứ đòi mang danh lảnh đạo chính trị .
    Hơn một tháng nưả ta về.
    Tướng Nguyển Trọng Vinh cùng tất cả các tướng quân bắn bỏ thàng nào ra luật xe tín chũ cho ta, sau lể tang Đại Tướng Vỏ Nguyên Dáp là dải tán bộ chính trị trung ương đảng cộng sãn Việt Nam.
    Nguyển Kỳ Lưu. Cẫm Bình Cẩm Xuyên Hà Tỉnh.
    Muôn tướng quân mà trái ý ta thì đất nước Việt Nam ngập chìm trong máu lưã, ta vẩn nói trước nếu có lý gio gì đó mà ta phài ở lại thì thôi nếu không một tháng nưả ta sẻ trở về V N nếu cái ỗ (Bộ chính trị Trung Ương đảng cộng sản kia mà còn thì V N tang tóc nhiều lắm.
    Ta không bị bắt và chết đi vì tà quyền cộng sản kia thì ta củng không nhúng tay vào can thiệp bất kỳ mâu thuẫn nào, để tự nội bộ cộng sản cho nhai xương cho đến hết thì thôi.
    Chúng nó chồn cáo đả loì đuôi ra rồi.
    Cuối cùng cuả bài viết này tôi nhắc nhở muôn dân đòi thay đổi chính trị rằng.
    Kinh tế đất nước sẻ nhờ vào khoa học mà người Việt Năm châu cùng chung tay góp sức sau khi tước đoạt toàn bộ tất cả nhửng cái gì gọi là mang danh nhà nước.
    Khoa học vẽ đường xây no ấm.
    Các người có tiền có tài thì về mà làm dàu đừng có lý thuyết kinh tê mà đòi lảnh đạo đất nước mà thối đối với kinh tế cứ bỏ tiền tài ra là muôn dân theo. Kể cả công an bây giờ mai sau củng đi làm trâu làm chó cho các ngươi
    Đối với văn hoá, muôn dân phải bắt đầu từ tu tâm sưả tánh đễ bớt hung đồ tàn ác mà tăng dần lương tri, vạn người mà có một người xúât thơ trong thơ có lẻ phải ấy là có đức, có văn hoá dãi mâu thuẫn mới được gọi là có văn hoá. Đả có kinh sách đạo Cao Đài.
    Chính trị là đức trị, các công ty thì có luật nhưng quắc pháp ta dưạ trên đạo lý, ngăn cản vô lý mà cứ hành sự dưả đời. Nên nhơ muốn trị kẻ sai phải dùng lẻ phải cho phiá sai nhận tội như ta đây đả dùng lẻ phải cho muôn dân biết duy tâm đúng duy vật là tà ma. Như ta đây đả lột mặt tà quyền trên toàn thế giới , bất chính cứ cho là chính. Ta Đã Minh dải tất cả
    Nói vậy chứ ta bị tà quyền cộng sản diết đi thì thôi.
    Cuối cùng ta gửi bài thơ
    Vua minh, quan hiền, quân tướng dủng
    An bình trăm họ nước non vinh
    Chồng lành vợ thuận con ngoan hiếu
    Phúc nhà trường kỉu vửng nền nhân

    Bá tánh cuồng điên dân dâm loạn
    Muôn phương ma quỷ thả sức gào
    Đất nước dẫy trản quân dan ác
    Đua chen dành dật cưã công quyền
    Oan sai chồng chất từ thôn xóm
    Kêu than ai oán ngập đô thành
    Thế sự ghê thay đời hổn tạp
    Ngày nay vô đạo nắm uy quyền.

    KỲ LƯU

    • Johnybui says:

      Bố kỳ lưu ơi tôi gọi là bố theo cái nghĩ trào phúng kiểu người Việt vẫn mắng trẻ là MẸ BỐ NHÀ MÀY. TƯ CÁCH NÀO MÀ MỘT TeN VỪA NGỌNG VỪA NGO NHƯ ANH MÀ LẠI DÁM XƯNG “ta” VỚI BÁ TÁNH THIÊN HẠ. ANH BỊP ĐƯỢC MẤY THẰNG LƯU MANH PHẢN ĐỘNG CHỨ ĐỪNG MƠ LÊN GIỌNG DẠY ĐỜI VỚI TOÀN THỂ NHÂN DÂN VIỆT NAM CÓ HỌC THỨC CÓ BẢN LỈNH NHÉ. BA CÁI CHỮ RANH MÀ GIÁM GIỞ DỌNG CAO NGẠO UỐN LƯỠI LÊN GIỌNG VỚI THIÊN HẠ. TƯ TƯỞNG VÀ LINH HÔNG CỦA ĐẠI GIÁO CHỦ NGUYỄN NGỌC TƯƠNG SẼ CÓ NGÀY VẬT CHẾT NHỮNG KẺ NHÂN DANH NGÀI MÀ L ÀM ĐIỀU XẰNG BẬY. CỨ ĐỢI ĐẤY

  4. BBC says:

    Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã chia buồn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam hôm thứ Bảy ngày mùng 5/10, tức chỉ một ngày sau khi Tướng Giáp từ trần, hãng tin Pháp AFP cho biết.

    Ông Fabius đã ca ngợi Tướng Giáp là ‘một người yêu nước vĩ đại’, ‘một người lính vĩ đại’ và ‘một con người phi thường’.

    “Tôi rất xúc động khi nhận được tin Tướng Giáp qua đời. Đây là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, được tất cả người dân Việt Nam yêu quý và kính trọng với vai trò nổi bật và sáng lập của ông trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc,” Ngoại trưởng Pháp viết trong thông cáo báo chí.

    “Khi mà Pháp và Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược, hôm nay tôi trân trọng những ký ức về một con người phi thường và gửi đến lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông và nhân dân Việt Nam,”

    Ông Fabius cũng nhắc lại rằng Tướng Giáp có sự gắn bó sâu sắc với văn hóa Pháp và nói tiếng Pháp hoàn hảo.

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Tới chết rồi còn bị Dân ta chưởi , lên án “THÃM SÁT BÁN NƯỚC QUỲ LẠI HÁN MAO ” , chỉ có mỗi bọn Thực Dân Pháp là khen. NHỤC ƠI LÀ NHỤC!

      ĐĨ CỘNG GIÁP
      Một trăm năm GIÁP làm thân ĐĨ CỘNG
      Giúp nước nhà nghèo đói chết điêu linh
      ĐẤU TỐ_ MẬU THÂN , sử sách rùng mình
      Quân Bán Nước , có Công Hàm làm chứng

      Một trăm năm GIÁP cố tình tung hứng
      Trận Điện Biên , Hán đánh _Giáp thiên tài
      Nhờ có Giáp , nước nhà được chia hai
      Dân sợ quá DI CƯ không ngừng nghĩ !

      Mùa ĐẤU TỐ , GIÁP hiện hình CỘNG ĐĨ
      Cùng Bác Mao khoái chí cảnh tố DÂN
      Lại lếu láo miền Nam khổ vạn lần
      Xua trai trẻ lên đường phơi xương trắng !

      Vốn trơ trẽn , Giáp dành công háo thắng
      Nên ĐĨ Duẫn bực bội đá Giáp văng
      Làm Kế Hoạch đẻ đái loại lăng xăng
      CHO HẬU THẾ NHẬN RA TÊN KÉP HÁT!

  5. lethan says:

    ĐẢNG ĐỂU – Hoàng Trọng Thanh

    Đất nước Việt – Nay là thời đảng đểu
    Chế độ khốn nạn được Tàu ban vương
    Trù dập nhân dân đau khổ trăm đường
    Bằng liềm búa đơn phương quyền đảng trị !

    Với “Luật Rừng” đã chẳng còn công lý
    Côn an / côn đồ là quỉ – đười – ươi
    Tay chân của đảng khoái chí reo cười
    Trên oan nghiệt khắp nơi không ngưng nghỉ !

    Xã hội ngày nay lòng người nghi kỵ
    Quân đội ươn hèn phản bội nhân dân
    Đã nhiều phen chúng tận lực góp phần
    Hậu thuẫn tà quyền giết dân cướp đất !

    Bọn chóp bu đều cùng chung khuyết tật
    Vong bản, vong thân, bè phái gian manh
    Coi nhẹ giang sơn Tổ Quốc – Cam đành
    Bán dâng đất nước, dành ngai Thái thú !

    Từ thằng đảng viên đến thằng Trọng lú
    Quên bỏ cội nguồn thành thứ đầu trâu
    Chỉ biết giữ đảng… bảo vệ nhịp cầu
    Việt-Trung gắn bó : Quan thày – Nô bộc !

    Ba miền quê hương nay trong bão lốc
    Một cổ hai tròng dân chịu đắng cay
    Có đấu tranh… đều bị đánh thẳng tay
    Đời dâu bể – mãi tháng ngày tăm tối !

    Thời đảng đểu – Trước sau đều thấy tội
    Tội từ trong nhà tới Hoàng Trường Sa
    Khắp mọi nơi cảnh máu lệ chan hòa
    Dưới cờ đảng “tam vô” hồng-chuyên-chính !

    Thời đảng đểu – Khi khoác vào áo lính
    Bộ đội biến thành một thứ tay sai
    Bọn công an là mũi chĩa kéo dài
    Bức tử quần chúng chịu tai họa gởi !

    Thời đảng đểu – Lũ tà quyền múa rối
    Xuất khẩu con người chia chác đô-la
    Tòa kết tội “Yêu Nước – Giữ sơn hà”
    Công-Đạo lý hóa ra là rỗng tuếch !

    Thời đảng đểu – Mọi thứ đều nghiêng lệch
    Xuống dốc cuộc đời thảm thiết không phanh
    Khắp ba miền oan nghiệt nạn bạo hành
    Đảng tắm máu tươi… thành danh “đảng đểu” !

    Thời đảng đều – Hình hồ là phù hiệu
    Bất cứ đâu có “cờ máu, ảnh hồ”
    Chính là nơi bọn phản quốc bưng bô
    Đang ra sức phá cơ đồ Tổ Quốc !

    Thời đảng đểu – Đảng đâu cần đất nước
    Quốc thể, Quốc phong – Danh dự quê hương
    Bởi từ lâu đảng chỉ tiến một đường
    Hán hóa dân tộc… thủ danh “đảng đểu” !!!

    • TỈNH TÌNH TINH says:

      Anh Lê Than gì đó ơi, người ta có câu: “văn tại ngôn ngoại” em không quan tâm đến thơ anh hay tới mức nào, em chỉ muốn nói là đọc thơ anh xong em có cảm giác chữ hận thù của anh thật quá đáng và vô lý. Hận thù cũng có thể dẫn đến tứ chứng nan y đấy anh ạ. Cái nghề thời trang nhất là thời trang đồ lót của tụi em í rất coi trong tuổi trẻ nên chúng em hay đi tư vấn bác sỹ và bác sỹ đã dạy bọn em như vậy í.
      Trong thơ, anh chửi đời dữ dằn quá mà ở Việt Nam thì bọn em thì chả thấy những điều anh nói
      là có thật. Chúng em chỉ là dân đen mà phim võ thuật gọi là thảo dân í, cứ sống nhăn răng ra . Ban ngày thì đi thẩm mỹ viện, tối đi diễn rồi ôm tiền về gửi ngân hàng sài dần. Em chả biết cái Đảng anh nói là gì tốt hay sấu nhưng em thấy cuộc sống của bọn em là quá sịn cần quái gì phải này nọ như anh nói. Anh nói ở Việt Nam đang có tắm máu nhưng bọn em tìm hoài mà cũng chả thấy hay là anh đang cố lăng xê cho một bộ phim kinh dị mà anh đang đạo diễn vậy?
      Chúng em sống thoải mái lắm. Còn chuyện mấy phạm nhân mà anh đang đau đáu ngợi ca í thì chúng em lại cho là họ dại quá, đi nghe xúi bậy mà phạm pháp chứ cứ như chúng em thì chả có ai đụng chạm đến cái lông chân. Chả bao giờ chúng em bỏ nguồn cội cả. Anh không thấy thời trang bọn em đang thiên về giá trị truyền thống í chứ. Chứ đâu có học theo cái trò lấy cờ tổ quốc mà may đồ lót trên đồ lớt dưới như ở mỹ đâu. Cái thứ các anh cổ súy cho tự do kiểu ấy thì nói thật nhé : NGƯỜI VIỆT NAM CHÚNG EM CHỊU. DÙ NHÀ CHỨC TRÁCH CÓ CHO PHÉP- NẾU CÓ.
      Thôi chào anh hẹn gặp lần sau nghen cưng
      NỮ HOÀNG ĐỒ LÓT TỈNH TÌNH TINH

      • người quan sát says:

        phái chống cộng vẫn không tiêu hóa nổi thất bại vừa rồi. họ như con bạc đang lên cơn khát, bắt buộc phải dùng chiêu đâm lao theo lao đánh trưởng tứ tung vào bốn phía hư không mà không nhận ra đang bị hút vào cái hố đen vô hình của phái thân cộng

  6. Kỳ Lưu says:

    Lá cờ mới.
    Bút đã theo tay xuống kíu trần
    Lẻ trời tô thắm lại nền nhân
    Hỡi muôn con cháu dòng hồng lạc
    Dựng ánh cờ thiêng dử đạo Huỳnh

    Cuộc kỳ thế giới phải sang tay
    Nghiã lý ngàn năm được dải bày
    Vẻ tiếp cho đời trang sử mới
    Soi sáng năm châu dống Lạc Hồng

    Đây nhửng dòng thơ ngấn máu đào
    Ngàn năm dử nước cuả cha ông
    Cầu cho hậu thế thôi binh biến
    Con cháu Nam Bang ấm một nhà.

    Lời ngọc truyền tin mạng nhện dăng
    Sấm trời thiên mệnh nhớ hay chăng (Trạng Trình có câu sấm Nhện dăng lưới gạch đại thời mắc mưu)
    Mười phương con cháu người Nam Việt
    Liên hợp cùng ca khúc khải hoàn

    Non nước ngàn năm lại thái bình
    Công bằng lẻ phải sáng phân minh
    Nhà nhà tích phúc làng nước ấm
    Con cháu ngoan hiền mát tổ tông

    Thánh ra kíu thế gọi muôn dân
    Hãy bớt u mê chớ lạc lầm
    Đâu chánh đâu tà ta minh dải
    MỚI HAY NGHIÃ LÝ QUÝ HƠN VÀNG.
    Kỳ Lưu
    Cờ đỏ sao vàng giao cho các tướng quân V N thực hiện trách nhiệm cuã mình mà nếu có xé để cho Trung Quấc nó xé không phải người V N nam nhúng tay vào.
    Huỳnh đạo kỳ là gio người Việt hải ngoại dùng mạng Intinét dùng lý luận cuả tôi mà dạy phép đức trị cho muôn vỉ nhân biết cầm kỷ cương cho mỗi nước.
    Nhện dăng lưới gạch là như vậy đấy.
    Khi nào muôn lãnh tụ ngộ ra được phép đức trị mà tôi dảng dãi thì họ qây quần lại và dựng Huỳnh Đạo Kỳ lên.
    Tổng thống Ô Ba Ma ta củng cho phép nương theo Huỳnh Đạo Kỳ mà lên ngôi báu đức vua. Ta sẻ trực tiếp phê thơ người V N ở Mỹ chọn trung thần cho Mỹ Quấc.
    Phan Huy nên biết kìm lưã lòng chứ thơ như ông chưa hề có triết trong thơ chưa có đức gieo, người chỉ có khả năng kiên nhẩn mà làm thầy về chính trị muôn dân nếu biết am hiễu cho kỹ lý luận cuả ta.
    Muôn nước hùng mạnh trên thế dan này sẽ sáng mắt ra khi Huỳnh Đạo Kỳ xuất hiện, đại thời mắc mưu là như vậy đấy.
    Việt Nam sẻ có Huỳnh Đạo Kỳ tiếp sức, trong khi đó tướng quân Trung Quấc nhận ra tổ chức điều binh sai khiến tướng quân là đám tiễu nhân ranh ma việc lợi nắm quyền chứ không phải là bậc quân tữ biết làm việc nghiả mà sai khiến mình.
    Hùynh Đạo Kỳ sẻ làm cho tà quyền Trung Quấc quay súng bắn nhau đến khi đó cho cờ đỏ sao vàng tiếp tục sứ mạng.
    Trên đây là vắn tắt sách lược cuả tôi nếu Trung Ương đảng cộng sản không kịp hồi tỉnh thì tự mang hoạ cho từng cá nhân và da đình các ông mà thôi. Ta rất đau lòng phải nhìn cảnh con khóc cha vợ khóc chồng nhưng đả cố vùi dập thánh ý thì tùy theo hậu quả gây ra, ta dạy thế dan phép đức trị mà không cần quy định cuả pháp luật mà trị củng không oan là như vậy đấy.
    Khắp năm châu người Việt nên nhớ.
    Hiền thần ẩn tánh lánh danh nhơ
    Trung nghiã bần thanh dử cỏi bờ
    Thiên ý dáng trần ban báu sách
    Nhơn tâm tại thế lảnh thiên thơ.
    Còn nưã.
    Đạo kíu đời điễm tô sông núi
    Đời kíu đạo là buỗi ngược dòng.

    Ta là người vác Đại Đạo Cao Đài đi khắp năm châu đễ kỳ ba phỗ độ bắt đầu.
    Lá cờ mà tôi vẽ hãy vào mục Vọng cỗ Xin hõi? Anh là ai? Diển đàn hội luận phỏng vấn hiện tình Việt Nam.
    Kỳ Lưu.
    Cẫm Bình Cẩm Xuyên Hà Tỉnh.
    Gà cùng một mẹ đá nhau đũ rồi.

    • TỈNH TÌNH TINH says:

      Kiến gưởi anh Kìa niu (kỳ lưu)

      Em cười cười đến nỗi xém tuột cả cái mực khô đời mới nhất em đang cảng cáo khi em đọc mấy câu xấm chuyền cũa anh. Anh Hai à, thất học như bọn em mà vẫn biếc câu ngản ngử: “ THẰNG CHỘT NÀM VUA SỨ MÙ” để mà tránh. Em cũng trã hiễu tại xao mà cái nhóm người nưu phong bên nớ lại trọn anh làm người ứng nời thán nhơn. Em kễ anh nghe truyện lày nhé: có một ông bố đọc tin nhắn trong ri động (mobilephone) cũa con dai có ròng trữ: EM ĐANG O TRUONG, ANH TOI NGAY NHE- thế nà ông bố lổi điên chửu con mình dằng: mày là ai mà đi nghe con mất dạy lào ló đang trần truồng lằm đợi? Đứa con dai đọc tin nhắn dồi năn ra cười mà lói với bố: em gái con nó báo nó ĐANG Ở TRƯỜNG anh đến đón em về
      Thế đấy, tiếng diệc mình nó nguy hiễm như rứa anh hai. Cứ giã sữ sau những cuộc bom dơi đạn nạc anh nên nắm quyền rồi trong buỗi tuyên thệ mà anh quýnh quáng gio mắt mờ tim đập chân dun mà dọc thành: KIẾN THA CÁC VỊ ĐẠI BẨN, ĐỒNG KIẾN THA CÁC VỊ ĐẠI ĐỀU thì chết mẹ dân đen bọn em. Thôi anh NIU à, đừng KỲ nữa, đợi kiếp sau học hành tử tế thì cũng nàm được cái trức mõ nàng í
      Lực lượng chủ lực đang đi vắng nhưng nhưng đám dân quân du kích tụi em cũng đủ sức tiếp anh. Bọn em trẻ đẹp mà anh già rùi đủ sức mấy keo, mấy hiệp?

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Tri’ch : ” Lực lượng chủ lực đang đi vắng nhưng nhưng đám dân quân du kích tụi em cũng đủ sức tiếp anh. Bọn em trẻ đẹp mà anh già rùi đủ sức mấy keo, mấy hiệp? ”

        Đấy…

        Đoán đâu có sai, đúng là loài Đĩ Cộng mà .
        Mẹ ru thơ Chủ Nghĩa cho ngu thì con đi làm Đĩ Cộng là phải rồi

      • TỈNH TÌNH TINH says:

        Anh Dân ơi em bảo nè, chúng em trẻ đẹp là một lẽ hiển nhiên. Đảm bảo anh trông cũng phát thèm. Đơn giản vì chúng em đang sống trong một đất nước hòa bình, không có khủng bố, không có loạn lạc, không có máu đổ, đầu rơi nên mọi người sống vô tư thoải mái, ít ưu phiền, chỉ lo làm giàu và làm đẹp bản thân. Thử hòi như vậy thì làm sao mà chúng em không trẻ đẹp, đẹp về hình thể, đẹp về tâm hồn, đẹp về ý chý và khát vọng. Còn cái vụ “mấy hiệp, mấy keo” xin thưa em đã bỏ ra vài chục triệu mua tất cả các từ điển tiếng việt của các nhà xuất bản tử tế – thuê nguyên một xe chở về- để tra nghĩa thì “keo và hiệp” là khoảng thời gian hai hiệp đấu chứ nó không có cái nghĩa đen tối như bản chất đen tối của anh nghĩ đâu. Em cũng đã đem tham khảo mọi người thì họ đều nói là chỉ có BỌN MÈO MẢ GÀ ĐỒNG mới có cái suy luận kiểu anh thôi. Anh muốn em gọi anh là người tử tế hay là LOẠI MÈO MẢ GÀ ĐỒNG đây anh Dân ơi. Anh ngây ngô đến thương. Khi viết phản biện em đã tiên doán anh sẽ suy nghĩ kiểu BỌN LƯU MANH MÈO MẢ GÀ ĐỒNG nên đã mớm lời gài bẫy thế là anh say anh lao ngay vào theo cái quy luật lô gic biện chứng đó là: KẺ LƯU MANH THÌ CHỈ BIẾT NGHĨ NHỮNG TRÒ LƯU MANH VÌ HỌ CHUYÊN LÀM TRÒ LƯU MANH. lại thua knockout 0 -1 rồi nhé. thua đến vỡ mặt luôn. Cái bẫy vô hình của những người thân công mà em học được là thế đó. Thấy tội cho anh ghê

  7. Nguyễn Văn says:

    Hội nghị TW 8: Đất nước đòi hỏi phải đổi mới chính trị.

    Khi đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố đổi mới năm 1986, bỏ kinh tế tập trung chạy theo kinh tế thị trường thì coi như đảng đã khai tử chủ nghĩa cộng sản, không còn coi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là cứu cánh, nhưng đảng vẫn muốn giữ quyền lãnh đạo độc tôn.
    Sau hơn 20 năm bám đuôi ăn mày theo tư bản để phát triển kinh tế, mọi người đều nhận ra là phải đổi mới chính trị nếu muốn sống còn.

    Nhưng thay đổi hay cải tổ chính trị, bỏ điều 4 Hiến Pháp là điều không tưởng. Nó đi ngược tư duy của bọn cầm quyền, vì thay đổi hay cải tổ có khác chi tự lấy dây treo cổ mình? Cộng sản độc tài không dám sống chung với tự do dân chủ vì sợ mất quyền lực độc tôn, nó chẳng khác chi như lửa gần với nước. Lửa sẽ đốt cháy hết, hay nước sẽ dập tắt lửa? Lửa mạnh hơn nước hay nước mạnh hơn lửa?

    Chẳng ai lấy lửa chữa nước mà chỉ có lấy nước chữa lửa.
    Cộng sản là ngọn lửa, toàn dân là nước, và ngọn lửa sẽ tắt dần trong biển nước!
    Đổi cũng chết, nhưng không đổi chết càng lẹ hơn!

    • người qua đường says:

      Phái chống cộng bị mất điểm trước công luận vị đã phạm sai lầm chết người: Xâm phạm thô bạo vào “vùng tâm linh” Phan Huy đã sai lầm nhân danh Vua Hùng, và Lạc long quân để chửi đời, Nhưng Lại xưng TAO với đời thành thử ra các bậc Thánh hiện ra sau các câu chữ của tác giả giống như một đám lục lâm thảo khấu. Đó là một sự xúc phạm và xỉ nhục lớn với bất cứ người Việt Nam nào. Từ đó dư luận có thể dễ thấy tham vọng và thù địch đến phát cuồng của người viết. Trong khi phái thân cộng cũng nói đến chủ đề này nhưng hình ảnh các vị Thánh luôn hòa quyện váo tâm tư của họ và từ đó toát lên sự thành kính.Họ gián tiếp gửi thông điệp một cách rất thuyết phục là hồn thiêng sông núi đang đứng về phía họ. CÁI ĐỨC CỦA PHE THÂN CỘNG LÀ THẾ

Phản hồi