WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngày trở về [1]

(Trại Thanh Cẩm)

Dẫy núi bên kia sông đối diện với cổng trại Thanh Cẩm

Dẫy núi bên kia sông đối diện với cổng trại Thanh Cẩm

Tôi không mấy tin tưởng vào các tin đồn sẽ có đợt thả tù nhân dịp những ngày kỷ niệm “gọi là quan trọng”, như ngày 19/8 đến 2/9 và ngày kỷ niệm tháng 10 Nga.  Tuy nhiên, tin đồn cũng làm nhiều người điêu đứng.  Một người bạn cùng phòng với tôi được bạn hữu cho hay kỳ thả tù này sẽ có tên anh, vì nghe nói anh có người họ hàng giây mơ rễ má làm chức vụ gì đó ngoài Hà Nội, một chỗ dựa khiến anh tin tưởng.  Trông anh vui hẳn lên, niềm vui đã làm anh thay đổi.  Anh cho bạn các thứ đồ dùng, chia một phần thức ăn, vì nếu được về anh cũng không cần những thứ này.  Thời gian trôi qua, đến ngày lễ lớn không có đợt nào về, niềm thất vọng tác động mạnh, khiến anh xìu xuống như một người mang bệnh nặng.                                                                                                                                                   (Dẫy núi bên kia sông đối diện với cổng trại Thanh Cẩm)

Tin đồn thả tù lần này xuất hiện từ đầu tháng 8.  Mọi người nghĩ đến ngày 19 tháng 8, kỷ niệm “cách nạng mùa Thu”.  Không khí vui nhộn ngày một lan rộng, một hiện tượng tâm lý vì trông đợi lâu ngày.  Theo kinh nghiệm những người miền Bắc, 6 năm không về sẽ phải đợi thời điểm 9 năm và như thế kéo dài sự chờ đợi, 3 năm một lần.  Người ta ví “án lệnh 3 năm tập trung cải tạo” như một sợi giây thung kéo dài vô tận.  Ngày lễ 19 tháng 8 qua đi, vẫn không có một dấu hiệu nào xẩy ra.  Tin đồn lại hướng về ngày 2 tháng 9.

Một ngày sau khi đi lao động về, anh Đèo Văn Tsé nói riêng với tôi:

-“Cán bộ cho tôi hay có đợt tha vào dịp lễ này.”

Tôi tin lời anh Tsé, một người “Dân Tộc” miền Bắc.  Tính anh hiền lành và thẳng thắng nên được cán bộ tin tưởng, nhưng tôi vẫn hỏi anh:

-“Anh có nghe rõ không.  Cán bộ nói là ngày nào?”

-“Tôi có hỏi nhưng cán bộ chỉ nói tới đó.”

Tôi bảo anh Tsé:

-“Ngày mai đi lao động, anh hỏi lại cán bộ là trong danh sách đợt tha này có tên anh          không?”

Ngày hôm sau anh Tsé cho tôi hay:

-“Tôi đã hỏi lại và cán bộ cho biết đợt tha này có tên tôi.  Cán bộ còn nói Chuẩn úy Hòa phụ trách mua vé tầu.”

Tôi nghĩ tin đồn lần này có thể tin tưởng phần nào vì chính cán bộ quen anh Tsé nói.  Tuy nhiên, tôi bảo anh Tsé:

-“Anh nói có quen cán bộ Hòa, nên đi hỏi cho chắc ăn.”

Đối với tôi hình ảnh “được tha” rất mơ hồ, tôi nhớ tới ngày lãnh gói quà 3Kg mà vợ tôi gửi qua đường bưu điện.  Khi Thiếu úy Lăng gọi tên tôi lên lãnh quà, có sự hiện diện của Đại úy Bông, Trại Phó.  Thấy tôi, Đại úy Bông hỏi:

-“ Anh Kim đi lãnh quà phải không?”

-“ Thưa vâng.”

-“ Anh có nhận được quà thường xuyên không?”

Tôi tự nhủ, mới từ trại Quyết Tiến (Cổng Trời: huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chân ướt chân ráo về trại này làm gì có phiếu gửi quà.  Trong mấy năm nay gia đình tôi cũng không biết tôi ở đâu.  Khi về trại này, nhờ bạn có gia đình tới thăm nuôi nhắn tin dùm nên vợ tôi mới biết tôi ở đây.  Không hiểu vợ tôi lấy phiếu gửi quà ở đâu, hay nàng mua chợ đen tại khu bưu điện Sài Gòn như lời đồn.  Tôi chậm rãi trả lời:

-“ Mấy năm đi cải tạo, đây là lần đầu tiên tôi nhận được quà.”

Đại úy Bông đột nhiên đổi giọng với vẻ giận giữ:

-“ Gia đình anh gửi quà cho anh nhiều vào, anh ăn cho khỏe để chống lại nhà nước.”

Tôi im lặng mỉm cười.  Qua khung cửa sổ, bên ngoài tấm vách ngăn, hai anh Tô Tứ Hướng và Nguyễn Khắc Linh đang đợi đến lượt vào lãnh quà, đã nghe rõ câu Trại Phó nói.  Tôi nghe thấy hai bạn nói nhỏ: “Chuyến này Kim thê thảm rồi, bị trại Phó ghim thì khó mà sống yên thân.”  Tôi quay nhìn ra ngoài, thấy anh Hướng dơ cao ngón tay cái.

Dưới sự chứng kiến của trại Phó, gói quà của tôi trong tay cán bộ Lăng đã trở thành một mớ xà bần.  Ngay ống thuốc đánh răng cũng bị hắn tháo phần đáy, lấy chiếc đũa tre ngoáy bên trong, không thấy gì, hắn liệng ống kem vào gói quà.  Bánh thuốc lào hiệu 3 số 8 cũng bị xé nhỏ.   Hắn nghi ngờ trong gói qùa của tôi có dấu những thứ trại cấm, như tiền hay tài liệu vo tròn trong thức ăn.  Dù sao gói quà đến với tôi thật đúng lúc.  Tôi đang ở trong tình trạng hạn hán đợi mưa, như cây khô chờ từng giọt nước.  Phần thịt trên người đã để lại trên trại Cổng Trời, thân thể tôi chỉ còn da bọc xương…

Tin đồn ngày một rõ.  Một số anh cũng được cán bộ cho hay có đợt tha vào dịp lễ này.  Tôi cũng chỉ biết vậy, không mấy hứng khởi, vì hồ sơ của tôi đã ghi đầy đủ nhận xét của những trại tôi đi qua.  Từ trại Ty lên Thành với hàng chữ “CIA nằm vùng” in đậm bằng bút chì mầu đỏ, đến các trại miền Bắc, cả “xấu lẫn kém”, kèm thêm hình ảnh một tên “Phản động, chống lại cách mạng và nhà nước Cộng Sản”.

Vào một buổi sáng đầu tháng 10, chúng tôi được lệnh tập họp dưới sân trại vào trước giờ lao động.  Khi Ban giáo dục của trại đến, một cán bộ đứng trước hàng chúng tôi nói lớn:

“Tôi gọi tên người nào, người đó đứng lên bước sang bên xếp hàng.  Các anh có tên trong đợt tha kỳ này về phòng thu xếp đồ dùng cá nhân, sẽ được chỉ định chỗ ở sau.”

Hắn cầm tờ giấy đánh máy đọc tên 34 người.  Các anh Tô Tứ Hướng, Nguyễn Ngọc Liên và anh Nguyễn Văn Thành cùng phòng 5 với tôi có tên trong danh sách về đợt này.  Một số tên khác được gọi tiếp.  Tôi ngỡ ngàng khi nghe đọc tên mình.  Tôi chưa kịp có phản ứng, thì người bạn ngồi bên cạnh vỗ nhẹ lưng tôi, nhắc: “có tên anh”.  Tôi đứng lên theo các bạn được gọi tên trước ngồi theo hàng bên cạnh hàng các đội đi lao động.   Trong danh sách có 34 tên nhưng chỉ có 32 người thuộc trại Thanh Cẩm, còn hai tên khác nghe lạ hoắc.  Mãi sau này tôi mới biết có 2 người thuộc trại Thanh Cẩm được về kỳ này cho đủ số 34, nhưng bị đưa lầm tên sang trại khác và 2 người thuộc trại khác lại có tên trong danh sách chúng tôi.

Chúng tôi được chuyển lên “khu Kiên giam”, sẽ ở đây ít ngày để đợi tầu về miền Nam.

Khi lên khu kiên giam, anh Hướng nhắc lại chuyện cũ:

-“Kể cũng lạ thật, khi rời trại Nam Hà trại thưởng công cho anh ở căn nhà mới vài giờ vì anh đã đổ mồ hôi hoàn chỉnh, để có chỗ cho anh em từ Hoàng Liên Sơn chuyển          tới, còn bây giờ, anh lại được lên khu kiên giam ở vài ngày trước khi về.”

Khi tới trại này, tôi và anh Hướng góp “góp bữa ăn chung” và bây giờ chúng tôi lại về chung một chuyến tầu.  32 anh em chúng tôi chia nhau chỗ nằm trên khu kiên giam, nơi mà 2 năm trước tôi và anh Hướng đã góp sức xây dựng.

Đứng trên khu kiên giam nhìn xuống, hai dẫy nhà hai bên và cổng gác ôm trọn khoảng sân rộng.  Ở giữa sân, căn hội trường chiếm một khoảnh đất gần phía khu kiên giam, mái dốc đứng như căn nhà Rông của người Thượng vùng Cao Ngyên Trung phần.  Hội trường lâu ngày không còn xử dụng, mái tranh xơ xác, tả tơi.  Từ cổng trại, vượt qua con đường nhỏ chắn ngang, giòng sông Mã nằm sâu phía dưới.  Giòng nước phù sa đục ngầu, cuồn cuộn như bóng ngựa phi.

Nhớ lại chuyện cũ, vì tình hình chiến sự ngày một nghiêm trọng tại các tỉnh vùng biên giới phía Bắc, chúng tôi rời trại Quyết Tiến chuyển về đây.  Chúng tôi xa dần vùng đất chết Cổng Trời, rũ bỏ được nỗi ám ảnh bỏ xác trên “đồi Bà Then”.  Tôi thoát được nơi rừng xanh núi biếc quanh năm sương phủ của vùng biên giới, về đây, trại Thanh Cẩm với nắng ấm, khí hậu ôn hòa bên giòng sông Mã. Tôi sống ở trại này đã 4 năm với nhiều kỷ niệm.

Nhóm Quyết Tiến chúng tôi có 48 người, chuyển tới trại Cổng trời từ nhiều trại tại miền Bắc, được đưa vào căn nhà mang số 5, căn nhà cao nhất dẫy về phía bên trái, sát với khu kỷ luật.  Tại đây, chúng tôi được lập đội, mang tên đội 16, đội “xây dựng nhẹ”.  Một đội mà người nào người nấy như bộ xương biết đi, thân xác tả tơi như những con “cò ma” gặp ngày mưa bão, mà các bạn trong trại ưu ái đặt cho tên “Đại đội Trừng giới”.

Sau vài ngày ổn định chỗ nằm, một số anh em trong nhóm Quyết Tiến đi kỷ luật, trong đó có các vị Linh Mục.  Có phải đây là một hành động dằn mặt những người mới tới, hay trại muốn ngăn ngừa hành động bất trị của chúng tôi có thể lây lan trong trại.  Đến lượt Nguyễn Tiến Đạt, một người anh em trẻ nhất trong nhóm tôi, đã cùng tôi dắt díu nhau từ trại Ty lên Thành rồi chuyển ra các trại miền Bắc, cũng vừa lên khu kỷ luật.

Chúng tôi chưa có công việc nào gọi là ra hồn, vẫn chỉ làm vệ sinh trong khuôn viên trại.  Vào một buổi lao động, một cán bộ trẻ đi qua, thấy anh Nguyễn Đức Khuân đeo kính cận, hắn gọi anh tới gần, nói lớn:

-“ Sao anh đeo kính khi lao động?”

Khuân trả lời hắn:

-“ Tôi cận thị nên phải đeo kính.  Tôi đã đi qua nhiều trại trước khi tới đây, chưa có cán bộ nào thắc mắc tôi đeo kính khi lao động.”

Hắn bực tức trước câu trả lời của Khuân.  Mọi người dừng tay chờ xem hành động của hắn.  Có tiếng nói trong đám anh em:

“Nó ngu thật, cận mà không cho đeo kính khác gì mù.”

Hắn nghe rõ câu nói, quắc mắt nhìn về phía anh em như tìm người vừa buông lời sỉ nhục.  Hắn quay qua Khuân, quát lớn:

-“ Đưa kính đây.”

Khuân đưa kính cho hắn.  Hắn cầm kính ném xuống đất, đè gót giầy lên rồi bỏ đi.  Khuân như kẻ mù, mắt cận nặng nên không nhìn rõ hình ảnh trước mắt, nhất là sau thời gian dài trong phòng tối, cái đói và cái khổ cùng cực đã làm đôi mắt anh ngày càng tăm tối.

Mọi người đều tức giận.  Sau vụ của Khuân, không khí sinh hoạt của đội 16 có vẻ căng thẳng.  Trong một buổi sinh hoạt hàng tuần, anh Lê Văn Khương (Chín Khương, tòng sự tại trại giam Côn Sơn) đưa lời phản đối hành động của cán bộ trại, anh bảo anh thư ký buổi họp:

-“ Xin anh ghi rõ và đầy đủ lời phát biểu của tôi.”

Mọi người chưa biết anh nói gì, nhưng nét mặt anh đầy vẻ bất bình.  Anh nói tiếp:

-“ Từ sau ngày miền Nam bị xâm chiếm và trong suốt thời gian đi tù tại các trại từ Nam ra Bắc, tôi xác định một điều, chế độ cộng sản là một chế độ vô nhân đạo, tước bỏ         quyền sống của con người.  Tôi không bao giờ chấp nhận và không thể sống chung với chế độ bạo tàn này.”

Anh thư ký ngưng viết, nhìn anh Chín như thầm hỏi anh có ý định thay đổi lời vừa phát biểu không.  Anh Chín quay qua anh thư ký nhắc:

-“ Xin anh ghi lời tôi phát biểu đầy đủ.”

Anh thư ký vẫn chưa ghi vào biên bản, quay nhìn anh em trong phòng như dò hỏi, để xem có lời nào can ngăn.  Cả phòng vẫn im lặng.  Bất chợt, phút giây căng thẳng vụt biến mất, trả lại không khí vui tươi cho mọi người.  Anh thư ký nhìn các bạn mỉm cười.  Tập thể “Đại đội trừng giới” đã vượt qua nhiều thử thách, “48 người” vẫn chỉ là một.

Buổi họp vẫn sôi động.  Đến lượt anh Ninh Vệ Vũ giơ tay xin phát biểu, mọi người im lặng chờ nghe.  Vũ nói:

-“ Tôi quyết tâm.  Thà chết không chấp nhận chế độ cộng sản.  Một chế độ hủy diệt quyền tự do của con người…”

Tôi nhìn Vũ bắt gặp một nụ cười.  Anh vẫn như ngày nào, hồi còn ở trại Phan Đăng Lưu, Sài Gòn.  Ra vào phòng kỷ luật như cơm bữa.  Anh đã hưởng mọi kiểu còng, từ xích chân xích tay trong phòng tối, đến xích thành xâu người tại phòng 7 khu A.  Tôi nhìn anh Chín đến Vũ, nét mặt vẫn cương quyết.  Tôi cảm phục họ, những người bạn cùng chung một chiếc thuyền, có chung bầu tâm huyết.

Mấy ngày sau anh Chín Khương đi “làm việc”.  Khi đội lao động về, chỗ nằm của anh Chín trống trơn.  Anh đã ra khỏi phòng.  Anh Chín Khương không có trên khu kỷ luật.  Anh đã chuyển trại.  Sau này có người bạn cho hay, anh Chín chuyển về trại Nam Hà (Xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam Ninh), anh trở lên ngơ ngác, không nhớ điều gì.  Tôi liên tưởng chính sách “tẩy não” mà chúng tôi đang “được cải tạo”.

Sau khi anh Chín rời trại, đến lượt Vũ đi “làm việc”.  Trước khi đi lao động tôi bảo Vũ:

-“ Chuyện đến đã đến.  Có chuyện gì anh nhắn cho anh em biết.”

Vũ mỉm cười trả lời:

-“ Chuyện cũ tái diễn.  Tôi đã sửa soạn tinh thần xa anh em một thời gian.  Dù sao chúng ta cũng vừa trải qua những ngày thật vui và đáng ghi nhớ.”

Nguyễn Đức Khuân và Nguyễn Tiến Đạt đi kỷ luật nhiều năm tại trại Thanh Cẩm.  Chúng tôi hiểu, Bộ Nội vụ nắm giữ mạng sống của chúng tôi, nhưng thân thể chúng tôi lại nằm trong tay của đám cán bộ trại, nên họ có quyền hành hạ chúng tôi theo ý họ.

Số anh em đội 16 đi kỷ luật khá đông, nhân số còn lại hơn 30 người, nên thường đảm nhận những công tác vệ sinh trong khuôn viên trại, như dọn dẹp khu kỷ luật mới vừa hoàn tất, gạch đá còn ngổn ngang.  Nhìn xung quanh khu kỷ luật chỉ thấy vòng tường cao, trên giăng nhiều hàng kẽm gai.  Không nhìn thấy khung cảnh phía xa, ngoại trừ những tàng cây trên sườn núi thấp thoáng trên đầu tường.

Đến giờ giải lao, anh Đặng Văn Tiếp đề nghị tôi hát lại khúc hát, mà có lần tôi hát cho anh nghe khi còn ở trên trại Quyết Tiến, ghi lại những giây phút đen tối của một kiếp người, khi tôi bị giam nhiều tháng trong phòng kỷ luật tại trại Băng Ky, Gia Định.  Tôi trả lời anh Tiếp:

-“ Có lẽ trong hoàn cảnh này tôi muốn diễn tả tâm tư của tôi, và có lẽ của cả chúng ta, một ngày nào đó, không sớm thì muộn, chúng ta sẽ lần lượt bước vào chốn này, chung hưởng nỗi cay đắng với các bạn trong kia.”

Dù không phải là ca sĩ, nhưng hát hay không bằng hay hát, nhất là khi con người không nghĩ tới ngày mai xa xôi của mình.  Tôi hát lại bài hát “Cacho” dựa theo âm hưởng nhạc bản “Paloma”, để diễn tả tâm trạng của người tù trong chế độ CS, bị đầy đọa trong phòng tối, mà sự sống vốn thê lương ngắn ngủi, dù thức hay ngủ cũng chỉ là những giấc mộng phù du.

Tôi dứt tiếng ca, anh Tiếp cười vui vỗ tay, như quên hẳn sau lưng mình là khu kỷ luật thuộc vùng đất nổi tiếng Lý Bá Sơ.  Mái tóc điểm muối nhiều hơn tiêu, khuôn mặt xương xương pha mầu trắng xanh xao thể hiện quãng thời gian khổ ải đã qua, thêm đôi kính cận trông thật hiền hòa thân ái.  Anh Tiếp cười vui:

-“ Mẹ kiếp, hát được quá đi chứ, đúng là ca sĩ thứ thiệt ngoài đời.  Nếu có chiếc “kèn sắc” phụ họa thì hay biết mấy.  Nhưng không hiểu sao, với nhạc điệu Tango trang           trọng, vui tươi mà lời ca anh đặt lại đau thương như con tim đang rỉ máu.  Và giọng ca của anh lại tan nát thê lương, diễn tả đúng kiếp sống không ngày mai của chúng mình.  Phải! Chúng mình đang đi tới con đường cùng.  Chua xót thật.”

Tôi nhận ra, cũng nhờ tinh thần của những lời ca, những bản nhạc làm trong tù đã giúp chúng tôi xoa dịu phần nào lòng căm hờn luôn trỗi dậy trong một cuộc sống quá khắc nghiệt.

Rồi anh Tiếp đi kỷ luật.  Anh tử nạn vào sáng ngày 2 tháng 5 năm 1979 vì những trận đòn thù trong một lần trốn trại.  Cùng trốn với anh có LM. Nguyễn Hữu Lễ, Đại tá Trịnh Tiếu, giáo sư Nguyễn Sĩ Thuyên và anh Lâm Thành Văn.  Anh Tiếp bị đánh chết tại chỗ, thân xác anh được trật tự Bùi Đình Thi kéo lê trên những bậc tam cấp qua cửa phòng 5, đường lên khu kỷ luật.

LM. Nguyễn Hữu Lễ không khá hơn bao nhiêu.  Cũng như anh Tiếp, LM. Lễ bị đám cán bộ trẻ đánh hội đồng ngay bờ sông Mã.  Kéo qua cổng gác và tiếp tục đánh cho đến khi ngất xỉu, rũ xuống như xác không hồn.  LM. Lễ thật may mắn, trật tự Thi tưởng ông đã chết nên ném xác anh Tiếp đè lên người ông.  LM. Lễ được trật tự Thi kéo lên khu kỷ luật, liệng bỏ vào phòng như một hành động phủi tay.  Sau này các nạn nhân sống sót sau lần trốn trại kể lại, trật tự Bùi đình Thi cũng tiếp tay cán bộ, hành hạ thân xác các bạn tù.

Sau nhiều ngày trăn trở giữa sự sống và cái chết trên nền đá nhơ nhớp, LM. Lễ tỉnh lại.  Thương tích bầm tím đầy người, tiêu và tiểu pha máu kéo dài cả tháng.  Không có thuốc chữa trị, cầm bằng thần chết cận kề.  Nghe Nguyễn Tiến Đạt, một người bạn trẻ trong nhóm Cổng Trời chúng tôi kể lại, mỗi lần trật tự Thi gánh phần ăn lên khu kỷ luật, hắn không dám vào phòng LM. Lễ vì xú uế xông lên nồng nặc, nên gọi Đạt bị giam kỷ luật ở phòng bên cạnh sang làm vệ sinh phòng LM. Lễ.  Lợi dụng khi trật tự Thi ra ngoài, Đạt nhúng chiếc khăn mang theo vào tô nước muối, và vắt những giọt nước muối vào miệng LM. Lễ trước khi lau chùi người ông và dọn dẹp căn phòng.  Có lẽ nhờ những giọt nước muối ấy phần nào đã làm dịu những vết thương đang loang máu trong cơ thể LM. Lễ, và cũng nhờ ý chí sống còn mạnh mẽ, ông đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Anh Lâm Thành Văn chết sau đó một tuần.  Anh bị đau dạ dầy nên phần ăn cứng càng làm dạ dầy của anh chẩy máu.  Khi chết chân của anh Văn vẫn còn trong vòng cùm.  Đại tá Trịnh Tiếu và giáo sư Nguyễn Sĩ Thuyên cũng chẳng khá hơn.  Thân thể bầm dập vì những trận đòn thừa sống thiếu chết, bị cùm xích lâu ngày trong phòng kỷ luật, sức khỏe yếu dần sau lần trốn trại.

Vì không đủ nhân số cho một đội lao động, trại đã chuyển một số anh em từ các phòng khác lên phòng 5.  Anh Nguyễn Cao Quyền chuyển từ khu kiên giam xuống đội 16.  Dáng người cao nên trông anh càng gầy.  Anh luôn vui vẻ, thân ái đối với anh em trong phòng.  Rất may anh còn đi lại được.  Trong đợt chuyển phòng lần này còn có anh Nguyễn Văn Thành, dược sĩ Phạm Văn Diệm và bác sĩ Trương Khuê Quan.  Theo nội quy của trại, bác sĩ Trương Khuê Quan không được “hành nghề”, nhưng ông thường xem bệnh và cho lời khuyên khi anh em bị bệnh.

Tôi nhớ tới bác sĩ Trương Khuê Quan có lần nói: “nhiều người sợ không dám gần nhóm Cổng Trời các anh vì họ sợ bị ảnh hưởng tới ngày về của họ.  Nhưng tôi muốn gần các anh, để được lây cái hên vì các anh thoát chết ở trại Cổng Trời.  Tôi cũng thích câu anh thường nói “trời sập cũng thế thôi.”  Đây là câu tôi thường tự nhắc nhở, vì cuộc đời của chúng tôi không còn nằm trong tầm tay của chúng tôi nữa.  Nên còn gì để lo, để sợ.

Đội 16 làm công tác xây dựng, các bác Phạm Văn Diệm và Trương Khuê Quan trở thành phụ hồ trong tổ xây với tôi.  Tôi đứng trên dàn dáo, kéo phụ hai bác những thùng vữa đầy lên dàn dáo trước khi xây, tôi nhận ra sự thay đổi một cuộc đời thật dễ dàng và chua xót:

“ Bác sĩ Quan cuốc đất, Dược sĩ Diệm trộn hồ…”

Phòng 5 ngày một đông.  Các anh từ Hoàng Liên Sơn chuyển về đây, được thành lập đội 15, ở một nửa căn phòng 5 gần cổng ra vào.   Nhờ có thêm anh em ở phòng khác tới, không khí đội 16 vui hẳn lên.  Văn nghệ cũng khởi sắc.  Theo nhu cầu của các bạn trong phòng, anh Nguyễn Cao Quyền đã chuyển lời các bản nhạc quen thuộc của miền Nam từ tiếng Việt qua tiếng Pháp.

Ngày chủ nhật sân trại vắng tanh vì trại cấm các phòng qua lại.  Tôi nhìn về phía cổng gác, tìm lúc cán bộ trực gác đi khuất, băng qua khoảng sân rộng cuối hội trường để sang phòng 4.  Một số bạn “mê” giọng ca của “Phúc giặc lái” đã quây quần ở sàn trên.  Chúng tôi yên tâm vì có một số anh em ngồi nơi cổng ra vào buồng, canh chừng cán bộ tới kiểm soát.

Bên ly trà bốc khói, chúng tôi lắng nghe Phúc hát, giọng hát trầm ấm, êm dịu diễn tả nỗi lòng thương nhớ cố nhân.  Mà hiện tại chỉ còn là “Hoài Cảm”, âm hưởng nghe như đứt đoạn “…chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa…”  Tất cả chỉ còn lại ngậm ngùi để “…nhớ nhau muôn đời mà thôi…”

Khi Phúc hát đến khúc ca “Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc. giọng ca của Phúc trở lên day dứt, uất nghẹn như tiếng nấc tự đáy lòng làm nhạt nhòa nước mắt.  Tất cả đã chìm vào dĩ vãng với những tiếc nuối “…Sài Gòn ơi!  Ta đã mất người trong cuộc đời…, Sài Gòn ơi!  Thế là hết thời gian tuyệt vời…”

Sài Gòn đã trở thành bất diệt, không thể thiếu trong tâm tư người miền Nam, đã lưu lại trong lòng người tới đây những hình ảnh dịu dàng nhưng trung thực.  Cũng nhờ tính “Người Sài Gòn” ấy, đã chan hòa một thứ tình cảm quyến luyến, bao dung của người mẹ hiền, dang rộng vòng tay ấp ủ những đứa con lạc lõng.  Và chính “Người Sài Gòn” ấy cũng thể hiện sự mời gọi của một người tình tha thiết thủy chung.  Sài Gòn là nơi chốn đượm tình yêu thương.  Vì vậy, xa Sài Gòn vẫn nhớ, vẫn mong muốn trở về.

Đời sống tinh thần của người tù cải tạo khi vui lúc buồn bất chợt, phấn khởi lo âu lẫn lộn.  Tâm tư luôn bị giao động với ý nghĩ không có ngày về.  Đang im lặng chịu đựng, bỗng chốc lòng căm hờn trỗi dậy.  Đêm 30 Tết là đêm khó ngủ.  Mọi người tưởng nhớ tới khung cảnh gia đình xum họp đầm ấm.  Sau bữa cơm chiều, khi cửa phòng đã khóa phía ngoài, từng nhóm xúm quanh ngọn đèn dầu nhỏ nhắc lại chuyện cũ, những thăng trầm trong thời gian tù đầy, những tăm tối khổ ải đã qua.  Bác Trần Duy Đôn chợt lên tiếng:

-“Bác Kim, bác Quyền ơi!  Hát cho anh em nghe đỡ buồn.  Nhớ nhà quá…”

Không riêng gì bác, vào giờ phút thiêng liêng này, ai cũng liên tưởng tới gia đình.  Rồi chẳng cần men rượu, trên chiếu nằm sàn trên, Huỳnh Thế Hùng ngồi quay lưng ra phía cửa sổ mở rộng, cất tiếng ca bản nhạc “Việt Nam – Việt Nam”.  Mọi người trong nhóm ca theo.  Có lẽ đó là bản nhạc đầu tiên được ca vang trong thời gian tù đầy.  Tiếng hát trầm hùng bùng lên, gợi nhớ tất cả một dĩ vãng đau thương với mảnh đất quê hương miền Nam, mà những đứa con đã tận tụy một đời hy sinh bảo vệ, đang trầm luân khổ ải trong kiếp sống nửa vời.

Vòng người được nới rộng, như muốn đóng góp cho khí thế hào hùng, như men rượu lâng lâng thấm bầu nhiệt huyết.  Mọi người thay nhau đơn ca những bản nhạc tình cảm miền Nam, nhuộm thắm tình yêu quê hương đất nước.  Rồi bất chợt lời ca uất hận, căm hờn trong các bản nhạc sáng tác trong tù, diễn tả những thân xác tả tơi trong phòng tối, quằn quại trên mặt nền nhơ nhớp vì trận đòn thù.

Nhạc bản “Đôi giầy dũng sĩ” vừa cất lên, tôi nhớ đến anh Nguyễn Văn Hồng, một sĩ quan trẻ tuổi, đã làm bài ca này.  Cả trại truyền nhau hát.  Cán bộ trại bắt anh vào kỷ luật, cùm xích ngày đêm.  Anh đã gục ngã trong xà lim tăm tối của trại Nam Hà (Xã Ba Sao, Hà Nam Ninh).  Khi sáng tác bài ca này, anh chỉ có ước mơ nhỏ bé, được là đôi giầy dưới chân lớp trẻ mai sau, đập tan xiềng xích, khôi phục đời sống tự do hạnh phúc của quê hương.  Lời ca diễn tả:

“………

“Này em, ta không quên đâu những ngày tù tội…”

“Này em, ta không quên đâu mối thù muôn đời…”

“Cho tôi xin một lần được chết,

“Cho em tôi một trời yêu thương…” (*)

(*) Nguyệt San Chính Việt  (Bản nhạc “Đôi giầy dũng sĩ”: trang 57- Tháng1&2 2007)

Ngoài hiên, trong không khí giá lạnh của ngày cuối năm, một cán bộ võ trang trẻ tuổi im lặng, thỉnh thoảng dừng lại lắng nghe những dòng nhạc trữ tình của miền Nam.  Hắn không có một phản ứng nào.  Anh em trong phòng thấy hắn từ lâu, làm như không biết có hắn đứng ngoài.  Mọi người vẫn say sưa ca hát, cố tận hưởng những giây phút quý báu hiếm có trong cuộc đời tù cải tạo.  Thấy hắn, tôi nhớ tới lời của một cán bộ trẻ tâm sự: “Các bác được ở trong phòng ấm áp trong khi cháu phải đứng gác ngoài trời vào mùa đông giá rét.  Các bác có nơi chốn để về, còn cháu có nơi nào đâu.”

Trong phòng vẫn ồn ào, tiếng đàn ghita của anh Nguyễn Ngọc Liên chợt nổi lên, xoa dịu những tâm hồn đang ngút lửa với thương hận tủi hờn.  Tiếng đàn êm dịu hòa theo tiếng hát của anh Nguyễn Cao Quyền trong bản nhạc “Khi người yêu tôi khóc” chuyển qua lời Pháp với tựa đề “Larmes d’amour”.  Âm hưởng lời ca như những giọt nước mắt ân tình của người vợ hiền đang ngóng đợi chồng về:

“Quand tes larmes tombent, le ciel est sombre.  Ces perles d’amour froissent mes jours.      Tes beaux jeux en larmes, c’est si charmant.  Sais tu, je t’aime si doucement et si          tendrement.

“Comme l’éclair qui brille dans l’ombre du soir.  Toi, pourquoi tu viens si près de   moi.     Puis tu me donnes tant de désespoir.  Vois tu tes larmes de bonheur ravagent mon        coeur…”

Nhạc bản “Nước mắt mưa ngâu”của Nguyễn Đức Khuân nói lên tâm trạng người tù trong phòng kỷ luật, với chân xích tay xiềng.  Tương lai quả thật xa vời.  Mọi thứ như vuột khỏi tầm tay.  Có chăng chỉ còn hình ảnh yêu thương của người vợ hiền.  Lời ca diễn tả:

“Trời mưa hiu hắt như lệ em khóc đêm thâu.

Tiếng mưa tí tách tiếng mưa nhẹ khơi cơn sầu

Lòng ta tê tái với bao nhiêu nỗi thương đau

Bóng đêm mênh mông không gian chìm sâu

Đời cho ta biết bao ngày xa vắng âm u

Còn đem mưa bão táp trên cuộc sống lao tù….”

(Cuồng sĩ Thanh Cẩm)

Khuân đã sáng tác nhiều bản nhạc trong tù, và khi chuyển các bản nhạc này ra ngoài bị bắt gặp, anh phải chịu thêm nhiều năm đầy ải trong phòng kỷ luật.

Tiếng hát có khi lên cao, có lúc trầm lắng, tắc nghẹn như tiếng thở dài.  Mọi người như bị khích động, lôi cuốn hòa nhịp với niềm vui, quên hẳn những hiểm nguy đang rình rập lúc này, sẽ tới vào ngày mai hay những ngày kế tiếp.

(Còn tiếp)

© Trần Nhật Kim

© Đàn Chim Việt

Phản hồi