WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về miền Nam

Dân miền Bắc di cư vào Nam (1954). Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định đình chiến Genève) ngày 20-7-1954 chia hai nước Việt Nam tại sông Bến Hải. Nguồn: internet

Dân miền Bắc di cư vào Nam (1954). Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định đình chiến Genève) ngày 20-7-1954 chia hai nước Việt Nam tại sông Bến Hải. Nguồn: internet

Nhà bác cả ở lại với Việt Minh từ ngày ký hiệp định Genève chia đôi đất nước đến nay đã được hơn nửa năm, bây giờ họ nhất quyết ra đi.

Cái tết đơn sơ nghèo nàn đã trôi qua được gần một tháng. Chị Thoa đưa hai người em Vân và Khoa đi trước, anh chị em đã bàn với nhau nên đi từ từ để chúng nó khỏi nghi. Họ ghé La Khê quê ngoại để chào bà, các cậu mợ, các bác… trước khi bỏ xứ ra đi. Ba chị em ra Hà Đông rồi đi xe điện lên Hà Nội ngủ lại nhà dì Hai một đêm sáng sớm hôm sau ra ga xe hỏa mua vé đi Hải Phòng. Lúc lên tầu trời còn tối, anh công an cầm giấy thông hành bấm đèn bin soi sơ qua một lúc rồi đưa trả lại cho Khoa, Vân, cũng may nhờ trời tối nó không biết giấy thật hay giả.

Tầu bắt đầu chuyển bánh, Khoa nhìn ra cửa sổ, Hà Nội đang lùi lại phía sau, nơi phồn hoa đô hội xinh đẹp ngày nào nay chỉ là một thành phố chết tiêu điều sầu thảm. Cậu đã được học trên tỉnh, thỉnh thoảng lên chơi Hà thành, quen nếp sống  tân tiến nay tự nhiên lại thấy đau lòng trước cảnh nghèo nàn bệ rạc. Khoa ngồi tựa tay lên thành cửa miên man suy nghĩ, cậu và Phúc trước hay nghe những bản nhạc ngợi khen Sài gòn viên ngọc trân châu trên Á Đông, đã ao ước được vào Nam để thấy thành phố ấy, nhưng nay khi lên đường đi Nam cậu lại thấy xúc động rạt rào. Hôm qua lúc chia tay, bà ngoại âu yếm cầm tay chị em cậu bảo.

-Các cháu vào trong ấy rồi nhớ viết thư cho bà, cho các cậu nhá, bà không biết bao giờ các cháu mới về thăm quê ngoại.

Nghe thế Khoa bèn hứa hẹn bà cụ mấy câu để cụ yên tâm.

-Cháu sẽ viết thư thăm bà và các cậu mợ, chúng cháu nhớ bà lắm chứ.

Bà cụ già bịn rịn cầm tay Khoa một lúc lâu, cách đây mấy năm, cậu đã ở trọ nhà bà ngoại gần một năm để đi học trên Hà Đông, hồi ấy cậu chưa biết đi xe đạp, bà chăm lo cho cơm nước cho cậu, là niềm an ủi của cậu lúc xa nhà. Khoa bùi ngùi cảm động biết rằng chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại bà, hình như bà cũng linh cảm như thế vì cậu ta chợt thấy một giọt lệ long lanh trên mắt cụ. Các cậu mợ và các em cũng đứng ngoài sân chia tay chị em cậu, nhớ lại cảnh chia ly Khoa thở dài tự nhủ.

“Biết bao giờ mới gặp lại bà, biết bao giờ gặp được các cậu mợ, các em, bèo hợp rồi tan, người đi kẻ ở, ai gây nên nỗi”

Nhưng một lúc sau nghĩ đến Hải Phòng, đến chế độ Quốc Gia Tự Do mà mình đã sống trước đây, cậu ta lại phấn khởi tinh thần vì chỉ trong ngày hôm nay chị em cậu sẽ thoát khỏi chế độ hà khắc để được trở lại cuộc sống tự do. Tầu chạy mãi đến chiều thì sang địa phận Quốc Gia, rồi tới Hải Phòng, ba chị em đi bộ một lúc về ngõ Cô Ba Chìa, đến hiệu thợ may bên trong rồi lên tầng trên nơi gia đình bác hai Chương thuê tạm một, hai tháng chờ đi.

Bác Hai và các anh chị mừng rỡ tiếp đón mấy người em họ đã thoát được xuống đến đây, anh Hiền tươi cười bảo.

-Các em đi được như thế anh cũng mừng cho, còn chú thím, các em kia chắc nay mai cũng xuống đây, khi nào xuống đầy đủ cả nhà  thì lên Hội Đồng Di Cư Bắc Việt  ghi tên xin vé tầu, đi tầu bay thì phải chờ lâu hơn, muốn nhanh thì đi tầu thủy.

Chị Thoa đưa hai em xuống Hải Phòng rồi lại trở về làng để lo cho mấy đứa kia. Hàng xóm láng giềng đoán là nhà bác Cả sẽ đi Nam nhưng họ cũng không tò mò hỏi han, nhà bác Cả vẫn lặng lẽ sinh sống bên trong lũy tre xanh.

Mấy hôm sau chị bảo ba đứa em Phúc, Thùy, Dung.

-Chiều nay chị đưa các em ra nhà bà ngoại, mai sẽ lên Hà Đông, không đứa nào được nói gì với ai nhá, ai có hỏi thì nói ra bà ngoại ăn giỗ.

Bọn trẻ vâng vâng dạ dạ chứ chẳng ra vẻ buồn bã tí nào, dù đây là chuyến đi bỏ làng bỏ xứ nhưng chúng vẫn tỏ ra thản nhiên như không. Hồi trước tết chị đã đưa ba đứa ra nhà bà ngoại chờ đi nhưng sau nhà đổi ý nên lại đưa chúng trở về, lần này cả nhà đã  nhất quyết ra đi, nước đến chân bây giờ mới nhẩy, nhưng thà trễ vẫn còn hơn không.

Chiều hôm ấy các cô cậu chuẩn bị lên đường, tất cả chỉ đi người không, quần áo đã được chị đưa đi từ tuần trước. Lúc sắp xuất hành, ba đứa đứng ở nhà ngang, Phúc bảo các em.

-Mình nhìn lại nhà gác lần cuối nhá.

Rồi cả ba đứa quay mặt nhìn căn nhà gác hai tầng một lúc từ bậc thềm phía trước lên đến mái ngói mầu đỏ sậm, nhìn các cửa kính sáng choang. Căn nhà này các cụ, kỵ ngày xưa đã  xây lên để lại cho con cháu, nhưng thế sự đổi thay, con cháu phải vĩnh biệt nó ra đi không bao giờ trở lại, tài sản các cụ để lại nay đã tan đi như mây khói.

Chị Thoa khi ấy đã đứng ở bên kia vườn đưa tay vẫy bọn trẻ đi theo, mấy chị em băng qua cái cửa hẹp cuối hàng rào cây ổ dô rồi ra một con đường gạch tiểu lộ, họ đi quanh co một lúc thì đến bìa làng. Phúc và các em bước ra khỏi lũy tre xanh không bao giờ trở lại, chiều nay ánh nắng vàng úa đang tàn dần  trên cánh đồng cuối đông, một vài bác nông phu đang căm cụi bên luống khoai, mấy đứa trẻ chăn trâu ngước mắt thản nhiên nhìn anh em Phúc đi ngang qua.

Đi được một quãng xa, Phúc ngoái cổ nhìn lại lũy tre xanh, nóc nhà gác vẫn còn hiện ra trên nền trời chiều xanh nhạt, cậu chẳng thấy buồn gì cho lắm, cậu biết rằng thầy mẹ đã cùng đường phải bỏ hết cả để ra đi, cậu cũng chẳng thấy tha thiết gì đến mái nhà ấm cúng, đến quê cha đất tổ.

Bốn chị em đi theo con đường đất qua hai ba làng thì đến nhà bà ngoại ngủ nhờ một đêm để hôm sau đăng trình. Tối ấy bác Hai La ở làng bên được tin cũng ghé thăm các cháu, bác nói.

-Bác đã hết lòng với nhà cháu rồi đấy nhá, bác chúc các cháu may mắn lên đường bình yên.

Cậu Mai bảo.

-Các cháu vào trong ấy, mai kia có tổng tuyển cử thống nhất đất nước lại bầu cho chúng nó.

Bọn trẻ chẳng để ý đến chuyện ấy chúng chỉ biết gia đình đã nhất quyết ra đi từ bỏ tất cả. Môt lúc sau cậu hỏi.

-Vào trong ấy lấy gì mà sống?

Thùy bảo.

-Anh chị cháu nói nó nuôi mình sáu tháng.

Cậu Mai thích Việt Minh nên không tin.

-Ối giời ơi, nó mà nuôi cho sáu tháng, tiền đâu nó nuôi mình?

Phúc cầm cuốn vở lớp ba của con trai cậu Mai đọc lướt qua một bài học thuộc lòng.

“ Đừng nghe lời thằng Diệm

Thằng Diệm nói Chúa đã vào Nam

Chúa đây không phải xóm làng riêng ta.

Chúa là chung của mọi nhà”

Trước kia Phúc đã mê Việt Minh một thời, bây giờ nghe Việt Minh nói nó lại không tin họ như trước nữa. Chiều hôm sau Chị Thoa và các em lên Hà Đông, cậu Mai ôn tồn nhắn nhủ các cháu.

-Cậu không biết nói gì hơn là chúc cho các cháu ra đi bình yên, khi nào đất nước thống nhất, các cháu sẽ về quê ngoại thăm bà và các cậu.

Bà ngoại, cậu Mai tiễn các cháu ra tận ngoài đầu ngõ.  Phúc chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, đi quá cái quán đầu làng rồi nó thấy bà và cậu Mai vẫn đứng trông theo, mãi cho tới khi bà và cậu khuất sau bụi chuối Phúc mới tiến bước đi nhanh theo chị, ôi cảnh biệt ly sao mà buồn thay. Thế là cậu và các em đã bước chân ra khỏi lũy tre xanh làng La Khê không bao giờ trở lại.

Đi bộ chừng nửa ki lô mét là tới Hà Đông, Thoa ghé nhà bà Lan, một người chị họ để đưa chị ấy cùng đi Nam theo chồng đã đi trước đây. Chiều hôm ấy họ lên tầu điện đi Hà Nội, chừng hơn một giờ là tới nơi. thành phố  bây giờ ngủ yên dưới bóng đêm buồn tẻ, tịnh không nghe thấy một tiếng động cơ nào ngoài phố xá. Ngủ nhờ nhà dì Hai một đêm, chị em thuê xe ra nhà ga Hàng Cỏ.

Trời còn tối đen, mấy ngọn đèn vàng nhạt chiếu ánh sáng mờ mờ xuống đường phố, sân ga. Một bà cụ bán xối ghé lại gần Phúc, Thùy bảo.

-Cậu ăn một trăm xôi nhá! Cô ăn một trăm xôi nhá!

Phúc lắc đầu, cậu vẫn còn vương vấn nghĩ đến buổi tiễn đưa đầy xúc động ở nhà bà ngoại tối qua. Cậu nhìn theo bà hàng xôi trong lòng ái ngại, sáng tinh mơ đi quanh sân ga bán không biết được bao nhiêu gói giữa khi chẳng ai có tiền bạc là bao. Chị Thoa dắt tay các cô cậu lên xe hỏa, một lúc sau trời đã sáng hẳn, tầu từ từ chuyển bánh, Phúc nhìn ra cửa sổ phía xa xa, nó thấy cảnh vật cứ quay tròn lại, lần đầu tiên trong đời đi xe hoả, cậu thấy nhiều cảnh lạ. Một anh hát xẩm mù tay kéo nhị, miệng lên giọng hát bài than vãn cho thân phận những người đi Nam.

“ . . bán con như thể bán trâu, năm trăm hai đứa còn đâu gia đình…”

Chị Lan nhìn Thoa mỉm cười cái trò tuyên truyền hạng bét ấy đánh lừa được ai, người ta đặt ra những truyện ghê sợ để doạ những người di cư, nào là vào Nam để bón cao su, nghe lời thằng Diệm rồi cũng đi ăn mày… Phúc vẫn nhìn qua cửa sổ, cảnh vật vẫn quay tròn xa xa, cậu bé biết rằng nhà mình đang đi trốn Việt Minh để đi Nam, dù không thù ghét Việt Minh nhưng cậu cũng biết rằng nhà mình đang bị Việt Minh đe dọa.

Tầu vẫn chạy vùn vụt về phương đông mang theo những kẻ chạy trốn chế độ độc tài hà khắc, chạy trốn cái chết, họ bỏ lại sau lưng những bức chân dung các ông chủ tịch vĩ  đại, bỏ lại ngọn cờ đỏ sao vàng, cờ hồng Liên Sô, cờ hồng Trung Quốc. .

Đến chiều chị Thoa bỗng cúi xuống nói nhỏvới các em.

-Khi nào đến Phạm Xá là sang địa phận Quốc Gia, cũng sắp tới rồi.

Các cô cậu trong lòng khấp khởi mừng thầm, Phúc nghe xong khẽ gật đầu ra ý đã hiểu, cậu không dám hé răng hỏi chị thêm cậu nào. Tầu vẫn chạy đều đều, tiếng bánh xe lăn trên đường sắt vẫn lạch lạch như vô tận, một lúc lâu sau còi tầu rít lên một tiếng hú rất lớn rồi tầu từ từ ngừng lại. Thoa nhìn chị Lan, nhìn các em ra ý tầu đã sang địa phận Quốc Gia, sắp thay đổi người lái, thay đổi lá cờ cắm trên toa đầu. Mọi người hồi hộp, cái giây phút quyết định cuộc đời của họ bây giờ đã đến.

Tầu ngừng lại chừng nửa giờ rồi lại chạy vụt đi, qua khung cửa Phúc và các em đưa mắt nhìn ngọn cờ vàng của quân đội Quốc Gia xa xa, niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt, cậu biết rằng anh em mình đã thoát được sang địa phận Quốc Gia. Phúc nhớ lại bẩy tám tháng trước đây, hồi quân đội Quốc gia đóng tại nhà mình, cậu đã theo mấy ông sĩ quan xuống đền bắn chim và bây giờ cậu có cảm tưởng như gặp lại những người bạn cũ.

Tầu chạy một lúc lâu sau thì vào đến nhà ga Hải Phòng, chị Thoa dắt tay các em xuống, bọn trẻ ngơ ngác nhìn sân ga đông nghẹt những người. Phúc nhìn quanh quẩn, chưa bao giờ cậu được thấy một đám người đông như thế, những ngày hội hè đình đám ở làng Đông Lao cũng chưa bao giờ đông ghê gớm như cậu thấy trong ngày hôm nay. Người ta từ trên tầu bước xuống sân y như nước chảy, một số đi buôn hàng mua qua bán lại kiếm ăn trên đường Hải Phòng Hà Nội, nhưng đa phần là những kẻ thập phương tứ chiếng từ khắp mọi nơi trên đất Bắc vội vã đổ về đây, một thành phố cuối cùng của Thế Giới Tự Do tại Bắc Việt để được thở hít cái không khí Tự Do.

Bây giờ là tháng hai, chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn ba trăm ngày vào Nam ra Bắc. Trong những ngày tháng cuối cùng của thời hạn di cư, những kẻ từ Hà Đông, Hà Nội, Ninh Bình, Kiến An, Hải Dương, Phủ Lý, Hà Nam… những kẻ từ khắp các nẻo đường miền Bắc đổ về đây hàng nghìn, hàng vạn người mỗi ngày để tìm đường dẫn đến Thế Giới Tự Do, ai nấy tươi cười hớn hở, chẳng cần nói thành lời, thoạt trông  cũng biết họ mừng như mở cờ trong bụng, họ đã tìm lại được Tự Do.

Những kẻ đã nồng nhiệt đón chào Việt Minh trở về khi hoà bình trở lại Đông Dương, đã sống với Việt Minh và nay đã thấy rõ cái bộ mặt ghê tởm của họ. Những kẻ không còn đường nào khác hơn là từ bỏ tất cả quê cha đất tổ, mồ mả ông bà để ra đi dù là với hai bàn tay trắng. Chị Lan, Phúc, hai cô em có cảm tưởng mọi người đều tử tế, ai nấy niềm vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt, hình như ai cũng  phúc hậu cả, ai cũng cùng chung một một điều mong ước và nay niềm mong ước của họ đã thành sự thật. Ai cũng ra vẻ tươi cười hớn hở với nhau, cùng biểu lộ một niềm chân tình, hoài bão. Phúc thấy sân ga vui quá, niềm vui như tràn trề lai láng đổ ra khắp nơi, cậu cũng nghe thấy những tiếng cười ròn rã của những kẻ đã tìm thấy cuộc sống Tự Do. Phúc nhìn lá cờ vàng ba vạch đỏ phất phới bay cậu có cảm tưởng như  lâu ngày gặp lại bạn cũ, cậu nhìn lên bức tường phía trước đọc mấy hàng khẩu hiệu viết bằng chữ in thật lớn.

“Cụ Ngô thống nhất sơn hà
Bức tường bên phải thì viết.

“Ai vô Nam đợi mấy tôi cùng.
Để tôi còn gỡ cái chòng Việt Minh”.

Phúc không hiểu nghĩa chữ “vô Nam” là gì nhưng cũng không muốn hỏi chị, cậu biết đó là những khẩu hiệu tố Cộng, ngoảnh sang bên trái cậu bé lại thấy một biển ngữ bằng vải to dài cũng có hai hàng chữ.

“Đường tầu hỏa Mục Nam quan
Vơ vét thóc gạo đem sang cúng Tầu”.

Một niềm hân hoan sung sướng tự nhiên nổi lên trong lòng Phúc và chị em cậu, Phúc thấy lòng vui lâng lâng, từ thuở bé đến giờ lần đầu cậu được thấy một nơi xa lạ với những tình cảm sung sướng dạt dào như thế. Cách đây mấy năm được lên Hà Nội chơi cậu cũng không thấy súc động nhiều như bây giờ vì nơi đây sẽ thay đổi toàn diện cuộc đời của mọi người trong gia đình cậu, nó sẽ đưa cả nhà thoát khỏi nơi tối tăm u ám lên chỗ thanh cao sáng lạn.

Chị Thoa dẫn các em đi bộ một lúc lâu thì đến ngõ Cô ba Chìa, họ vào ngõ rồi đi tới một hiệu may thì rẽ vào rồi bước lên gác. Tại đây nhà bác hai Chương đã đi gần hết chỉ còn một hai người, bác nói chị em Thoa cứ ở đây vì bác đã trả tiền nhà cho chủ rồi, phòng bên ngoài dành cho các cháu.

* * *

Thoa đưa các em xuống Hải Phòng rồi lại về làng để đón thầy mẹ đi, xong chuyến này là cả nhà sẽ đi thoát hết. Gần một tuần sau khi đưa các em, cô trở về nhà nói cho thầy mẹ biết mọi việc đã xong xuôi, nhà còn vợ chồng bác cả và Hoàng con trai lớn. Thoa và Hoàng bàn cả nhà đi vào lúc chiều tối, cậu đi trước để người ta khỏi nghi, còn thầy mẹ và Thoa sẽ đi làm hai đợt ra quê ngoại.

Chiều hôm ấy bác Cả sai con mời vợ chồng nhà bác cả Khiêm hiện ở nhờ tại khu vườn nhà bác phía sau nhà. Trước đây mỗi khi nhà có giỗ hai vợ chồng Khiêm đều sang làm giúp, lần này họ cũng đoán là có việc quan trọng nên vội sang ngay, bác Cả đi ngay vào đề.

-Vợ chồng bác đối với  chúng tôi cũng như chỗ người nhà, chẳng dấu gì hai bác,  gia đình tôi đi Nam dần dần từ mấy tuần nay, chiều nay chúng tôi sẽ đi sau cùng. Tôi cũng chẳng còn gì chỉ có một ít quần áo, bát đĩa để lại cho hai bác và các cháu, không biết bao giờ mới trở về, nhờ bác trông nom hộ nhà cửa vườn tược được ngày nào hay ngày nấy, ai có hỏi gì cứ nói chắc nhà ông bà ấy đi ăn giỗ ngoài La Khê hay nói không biết thì cũng được.

Cả Khiêm tỏ vẻ cảm động đáp.

-Chúng cháu chịu ơn ông bà cũng nhiều, ông bà cho nhà cháu ở nhờ từ bao lâu nay chúng cháu không quên ơn, xin ông bà cứ yên tâm chúng cháu sẽ giữ kín mọi chuyện, chúng cháu sẽ làm theo y như nhời ông bà đã dặn.

-Ngày mai bác sang đây xem có thích cái gì thì cứ đem về, bác cũng biết chúng tôi bây giờ tiền bạc chẳng còn gì nữa, nếu có thì cũng chẳng tiếc bác.

-Không biết bao giờ chúng cháu mới gặp lại ông bà, chúng cháu xin chúc ông bà các cô các cậu đi cho may mắn.

Bác gái tiễn vợ chồng Cả Khiêm ra tận cửa hông bên hàng rào cây ổi rô, họ chắp tay cúi chào bà chủ một cách chân tình, nước mắt chảy vòng quanh, biết rằng hai bên chẳng có ngày gặp lại.

Thoa đi trước một lúc lâu rồi hai vợ chồng bác Cả cũng nhẹ nhàng khép cửa đi ra ngoài vườn, băng qua hàng rào ổi rô ra con tiểu lộ để lần mò ra đồng, lúc ấy trời đã sâm sẩm tối. Bước chân đi, bác Cả cảm thấy một nỗi buồn tê tái nổi lên trong lòng vườn tược, nhà thờ, nhà gác của ông bà cha mẹ để lại bây giờ tự nhiên tuột khỏi tầm tay bác. Thời thế đổi thay nhanh  như chớp, sự nghiệp ông cha để lại bây giờ tan biến đi như cơn gió thoảng, nay cả nhà  ra đi tay không, bác đưa tay gạt mấy giọt nước mắt rồi nhanh chân bước cho chóng đến La Khê quê vợ.

Băng qua cánh đồng dưới ánh trăng lờ mờ, qua hai ba làng vợ chồng bác đến quê ngoại của các con. Tối ấy bác gái và bà cụ thủ thỉ tâm tình với nhau trong những giây phút cuối cùng mẹ con còn ở bên nhau.

Hôm sau lúc Thoa và thầy mẹ cô xách cái túi nhỏ lên vai ra sân gạch để lên Hà Đông cho kịp giờ tầu điện, bà ngoại và hai cậu đi theo ra tận cổng. Cậu Tùy than thở với anh chị.

-Chúng em chúc anh chị ra đi may mắn, thời thế xoay vần nghiệt ngã quá, chị em, cậu cháu mỗi người một phương không có ngày gặp lại.

Họ ngoại của Thoa chỉ có một mình gia đình cô đi Nam, tất cả đều ở lại, đường ai nấy đi, âu cũng là tại cái số trời, các dì các bác, cậu mỗi người giúp cho một ít tiền Đông dương, của ít lòng nhiều. Người đi kẻ ở chia tay bịn rịn một lúc lâu, anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra nay bỗng kẻ bắc người nam, mỗi người một ngả, bèo hợp rồi tan. Bà ngoại khóc đỏ hoe cả mắt nhất định đưa con cháu ra tận đầu làng, bà đi theo mãi cho đến tận quãng đưỡng lên tỉnh mới chịu thôi. Con cháu chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, ai nấy ruột gan sót sa như muối đổ trong lòng, nay mới thấm thía cái ý nghĩa cao cả của giây phút sinh ly chia cách, cảnh bể dâu con tạo thật cay đắng tàn nhẫn thay.

Tại Hải Phòng, chiều nào cũng vậy, anh em Khoa Phúc lại rủ nhau ra ga xe lửa đón thầy mẹ từ quê nhà xuống đây, ba bốn hôm liên tiếp, chẳng thấy ai các cậu lại thở dài bảo.

-Hôm nay thầy mẹ, anh chị lại không đến rồi.

Cả hai lại lủi thủi về nhà, lòng dạ bồn chồn không yên. Hiện năm người con bác cả đã đến được Hải Phòng, chỉ còn hai bác và hai người con lớn là đủ cả để lên tầu vào Nam. Rồi một hôm đẹp trời, nắng vàng phủ xuống sân ga, Phúc Khoa lại ra ga đón thầy mẹ như mọi lần, Phúc thấy Hoàng mặc áo sơ mi xanh trên tầu, anh ngồi sát cửa, cậu vội kêu lên.

-Kìa anh Hoàng, cả thầy mẹ nữa.

Mấy anh em chen chân vào tận cửa toa mừng rỡ kêu ầm lên.

-Mẹ! mẹ, anh Hoàng. .

Bác gái ra vẻ bực bội nói.

-Yên nào, người ta đang mệt gần chết đây.

Thật ra bác mệt mỏi vì tinh thần hơn vì thể xác, cuộc viễn du đầy phiêu lưu gian khổ khiến cho vợ chồng bác xúc động lo âu mặc dù đó là con đường duy nhất, không còn đường nào khác. Hơn nửa năm trước đây bác Cả chấp nhận ở lại với kháng chiến thành công tưởng rằng nay đất nước đã  độc lập, đánh đuổi được giặc Tây, nhưng sự thật phũ phàng đã làm bác và biết bao gia đình thất vọng, bây giờ mọi người đã thấy rõ bộ mặt thật ghê tởm của Việt Minh Kháng Chiến và cuộc phiêu lưu biệt xứ đã diễn ra bi thảm như thế này đây.

Khoa, Phúc dẫn thầy mẹ anh chị về ngõ Cô ba Chìa, leo lên gác ra phòng ngoài, cả nhà bác hai Chương đã đi Nam mấy hôm trước, bác dặn các cháu cứ ớ đây vì bác đã trả tiền nhà cho đến hết tháng ba. Phòng trong nay có một gia đình giầu mới ở Hà Nội dọn xuống, ông bà Lưu và năm sáu người con đã trốn thoát xuống đây để theo đoàn di cư lánh nạn.

Bây giờ là gần cuối tháng hai, chỉ con vài tháng nữa là hết hạn ba trăm ngày di cư, Việt Minh sẽ về tiếp thu Hải Phòng.  Anh em Hoàng, Khoa bèn vội lên Hội Đồng Di Cư Bắc Việt để xin vé đi Nam vì cả nhà đã tề tựu đông đủ rồi, đi tầu bay phải chờ lâu nên nhà muốn đi tầu thủy cho nhanh. Ngay hôm sau Hoàng, Khoa ghi tên cho gia đình đi tầu thủy, họ phát vé đi vào giữa tháng ba, khoảng hai tháng trước ngày hết hạn di cư, chuyến này do tầu Mỹ Marine Adder chuyên chở. Đây là một chiếc tầu chở quân khổng lồ của Hạm Đội 7, mỗi chuyến trọng tải năm nghìn người, ngoài ra mỗi ngày cũng có mấy chục chuyến máy bay vận tải Dakota chở người vào Nam cho kịp thời hạn di cư.

Khoa, Phúc và mấy cậu con ông Lưu hàng ngày rủ nhau lên nhà hát lớn, phòng thông tin, Hội đồng di cư  xem triển lãm tranh ảnh, buổi chiều hoặc tối đi nghe đội lính kèn hoà nhạc, diễn kịch tố Cộng. Các cậu rong chơi vui vẻ trong những ngày còn ở Hải Phòng. Tại phòng thông tin người ta trưng bày những hình ảnh đấu tố man rợ bên Trung Hoa đỏ, cảnh những người địa chủ bị trói giật cánh khuỷu hai tay ra sau trước họng súng của đội hành quyết để cho người dân thấy bộ mặt thật của Thiên Đường Cộng Sản.

Buổi tối nọ, ban quân nhạc trình tấu xong bản nhạc hùng, một sĩ quan quân đội Quốc Gia lên trước loa nói lớn.

-Tôi nghĩ trong đám khán giả này có nhiều anh Việt Minh, các anh hãy vểnh tai lên mà nghe tôi nói đây. .

Khán giả cũng thừa biết như vậy, Việt Minh đã cho hàng nghìn người xuống Hải Phòng giả làm nhà buôn, đạp xích lô, bán hàng quà bánh. .  để nghe ngóng tin tức, làm gián điệp và nhất là để tuyên truyền  xúi dục đồng bào di cư bỏ cuộc trở về. Có người đã lên tầu há mồm rồi bị mắc tuyên truyền còn nhảy xuống nước bơi vào bờ.

Họ hàng vào Nam đã viết thư ra liên lạc, nào chú Hai, chú Khang con ông Năm, Kính con bác Ba Thu…  Ngoài ra Chú cả Hiên, bác Năm Tuấn vợ con còn ở Đông Lao đã viết thư ra nhờ nhà bác Cả nhắn tin và đưa hộ xuống Hải Phòng, cô Thoa lại đi Hà Nội để nhắn giúp cho họ hàng và mấy người bạn bè quen biết.

* * *

Thấm thoát đã gần đến ngày lên tầu đi Nam, còn hai hôm nữa là gia đình bác Cả sẽ rời Hải Phòng mà vẫn chưa thấy Thoa về, chị ta trở lại Hà Nội để nhắn hộ mấy người thân thuộc, trước khi ấy thầy mẹ đã dặn nhớ phải về trước ngày mười lăm tây tháng ba như đã ghi trong vé đi tầu Mỹ, Thoa vâng vâng dạ dạ mà nay ngày đi đã gần kề vẫn chưa thấy tăm hơi cô đâu cả.

Thế rồi ngày mai sẽ phải lên đường mà Thoa vẫn chưa về, ai nấy đã chuẩn bị khăn gói xong xuôi cả chỉ còn thiếu chị ấy thôi. Suốt từ sáng đến chiều hôm ấy, hai vợ chồng bác Cả nóng lòng nóng ruột cứ như lửa đốt, các em cô cũng sốt cả ruột gan mà chẳng thấy tăm hơi chị đâu cả, thầy mẹ cô lại sợ có chuyện chẳng lành, ông bố than thở.

-Giời ơi chắc nó về làng nhắn tin hộ chú Cả, bác Năm đấy, nó mật sứ gan lim mà.

Chiều tối hôm ấy cả nhà ngồi phòng ngoài chờ đợi người về từng giây từng phút, bên phòng trong nhà ông Lưu cũng sốt ruột hộ, họ cũng ra cửa ngóng xem có thấy tăm hơi gì không. Ngày mai dù Thoa không về cả nhà cũng vẫn phải đi Nam không thể chần chờ được vì thời hạn di cư chỉ còn chừng một tháng rưỡi nữa là cùng.  Ai nấy ngồi than vắn thở dài.

Trời đã tối mù mịt, ai nấy rối bời cả ruột gan thì bỗng bà Lưu ở phòng ngoài cười lớn tiếng bảo.

-Ơ cô ấy về đây rồi!

Nhà ông Lưu cũng cười rộ lên vì mừng, Thoa chào ông bà rồi bước mau ra phòng ngoài, thầy mẹ Thoa mừng quá quên cả mắng nhiếc con, ai nấy thở phào nhẹ nhõm như qua được một thử thách cam go.

Tờ mờ sáng hôm sau cả gia đình khăn gói xuống trước nhà thuê xe xích lô đến địa điểm tập trung trước Hội đồng di cư, ông Lưu cũng xuống tiễn đưa, hai bên hẹn sẽ gặp nhau ở miền đất hứa. Mấy người phu xe kỳ kèo đòi thêm tiền một lúc mới chịu đi.

Tới nơi trời vẫn còn tối mịt, hàng mấy chục xe cam nhông đã đợi sẵn để chở đồng bào ra bến tầu. Hoàng trình vé làm thủ tục cho cả nhà xong mọi người vội leo lên xe, dưới ánh đèn điện lờ mờ mấy chiếc xe cam nhông đầy những người đã nổ máy sẵn sàng chuyển bánh, một ông cha mặc áo dài đen nói đôi lời tiễn biệt.

-Thưa đồng bào, đã đến giờ khởi hành, tôi xin có mấy lời cùng đồng bào, vào trong Nam đồng bào sẽ được chính phủ tiếp đón giúp đỡ nơi cư ngụ tạm và trợ cấp bước đầu, trước giờ phút chia tay xin chúc đồng bào may mắn thượng lộ bình yên.

Chiếc xe bên cạnh đã bắt đầu chuyển bánh, bác gái bảo con.

-Kìa! nhìn kìa.

Mọi người đứng nhìn chiếc xe từ từ chạy, đằng sau vài người đàn bà chạy bộ theo tay cầm nón lá vẫy, miệng khóc mếu máo.

-Thôi đi nhá, khi nào đến nơi viết thư về nhá. .

Thân nhân họ trên xe cũng mếu máo nói đôi lời vĩnh biệt, người đi kẻ ở, bịn rịn chia tay, nhà bác cả trông theo mà thấy se sắt cõi lòng. Bãi xe ngày càng trở nên ồn ào hơn trước, tiếng động cơ, tiếng người tiễn đưa, tiếng khóc như hòa thành một bản nhạc não nùng bi thảm.

Xe chạy đến bến tầu thì trời đã sáng rõ, một người lính Pháp tay cầm dùi cui điều khiển các xe đậu theo thứ tự. Đồng bào bắt đầu xuống xe đi bộ một quãng rồi lên tầu há mồm của Tây, nhà bác Cả bước vào miệng tầu rồi lên boong. Tầu há mồm là loại tầu nhỏ chở đồng bào ra tầu Mỹ đậu ngoài khơi. Trên boong tầu Phúc ngước nhìn mấy người thủy thủ Pháp ăn bánh vui đùa nhau, cậu bé lần đầu được thấy những cảnh khác lạ trong đời. Gia đình kẻ đứng người ngồi quây quần trên sàn tầu, bên cạnh đấy mấy người thanh niên ăn mặc com lê lịch sự, mấy cô mặc áo dài đang cắt bánh chưng ăn, họ nói cười vui vẻ chắc là sinh viên đại học.

Tầu há mồm bắt đầu chạy qua vịnh Hạ Long, nhà bác Cả lấy bánh chưng cắt ra chia nhau ăn, Phúc thấy chị Thoa vừa ăn vừa thầm lặng khóc, bác gái cũng ứa hai hàng lệ, trên sân boong có nhiều người tự nhiên ứa lệ khóc cho thân phận hẩm hiu đen bạc của mình. Thật vậy, suốt đời họ chưa bao giờ gặp cảnh gian truân thảm thiết đến thế. Ngay cả những ngày trong thời tao loạn quân Pháp tấn công đốt phá khắp nơi, họ cũng bám chặt không rời quê cha đất tổ, nhưng nay thời thế quá phũ phàng đã sô đẩy họ vào bước đường cùng, chẳng ai mà ngờ gặp phải cái thời kỳ tàn nhẫn đến thế. Một cơn gió nhẹ thổi qua khe núi lên sàn tầu không đủ lau khô những giọt lệ xót xa  của đám người biệt xứ.

Tầu đã vào địa phận Vịnh Hạ Long, hàng nghìn hàng vạn ngọn núi như  những hòn non bộ chọc thủng mắt nước nhô lên, mỗi ngọn đều có cây cỏ xanh tươi đứng soi mình trên mặt nước trong xanh,  tầu chạy gần một ngọn cao , Phúc lấy tay chỉ hỏi anh.

-Nó có đường đi lên ngọn, chắc trên ấy có người ở.

Thật vậy, bên hông núi có một đường đất mòn nho nhỏ uốn quanh sườn núi trông thật thi vị nên thơ, nó chạy dài từ chân lên gần ngọn. Tầu há mồm yên lặng chạy trên mặt nước phẳng lặng như tờ, tịnh không một tiếng sóng vỗ hay cá quẫy, chim kêu, chỉ thỉnh thoảng có tiếng còi tầu bin bin não nuột. Các ngọn núi như dạt ra hai bên tránh lối cho tầu đi qua, thoáng trông người ta có cảm tưởng nó như bức tranh thủy mạc của Tầu, một bức tranh vĩ đại, vô cùng mỹ lệ của thiên nhiên trải rộng ra trước mặt đoàn người biệt xứ. Nhưng dù cảnh trí xinh đẹp, núi non hữu tình đến đâu cũng không thể nào khuây khoả được nỗi chua xót của đoàn hành khách bất hạnh trên tầu, những kẻ ra đi với tấm vé một chiều trên tay.

Khoa nhìn những ngọn núi hai bên hỏi anh.

-Núi nhiều thế mà sao nó biết cũng đường đi nhỉ, sao nó không lạc mới tài?

Hoàng đáp.

-Nó có bản đồ, nó cứ theo đó mà chạy.

Phúc nhìn một chiếc thuyền bên cạnh, hai đứa trẻ con bị buộc chân trên mũi thuyền, bác thuyền chài ngơ ngác nhìn tầu đi qua, làn nước xanh biếc y như nước hồ lơ quần áo hiện rõ trên mái chèo, thỉnh thoảng tầu lại gặp một hai chiếc thuyền gỗ của dân chài, Phúc nhìn theo, cậu ra liên tưởng đến cuộc đời vô định, những kiếp người lênh đênh trên sóng nước. Tầu vẫn lặng lẽ trôi đi giữa những ngọn núi đá dàn thành hình chữ nhất phía trước, nhưng khi tầu tiến lên thì những núi đá thiên nhiên lại tự động tránh lối cho tầu di qua.

Nước non vẫn vắng lặng và êm tĩnh lạ thường, một sự yên lặng thê lương bi đát y như tâm trạng của bọn người lìa xứ, những ngọn núi xinh đẹp như hòn non bộ vẫn yên lặng đứng soi mình trên mặt bể. Tầu vẫn từ từ tiến lên như không bao giờ vượt qua khỏi cánh rừng non bộ nên thơ, thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ của vịnh lướt qua boong tầu như một cánh tay vuốt ve an ủi những kẻ ly hương bất hạnh.

Tầu Pháp chạy giữa rừng non bộ đến xế trưa thì tới tầu Mỹ Marine.Adder, một tầu khổng lồ đứng sừng sững ngay trên mặt bể. Tầu Pháp ghé sát tầu Mỹ, một cái thang sắt từ boong tầu Mỹ bắc xuống tầu há mồm để đồng bào leo lên. Mọi người bắt đầu lên thang, một lúc sau nhà bác Cả cũng theo đoàn người lên tầu Mỹ. Phúc vịn tay anh bước theo đến bậc trên cùng sắp bước vào tầu, một người thủy thủ Mỹ đứng ngay đấy dúi vào tay cậu một túi giấy trong có một quả cam, cái trứng luộc và gói cơm trắng, ai cũng được một túi như thế. Đứng trên tầu Mỹ nhìn xuống người ta thấy tầu Pháp bé tí như chiếc thuyền con.

Nhà bác Cả được hướng dẫn xuống tầu đi qua hai ba cầu thang, qua hai ba phòng đến một phòng rộng đầy những giường vải cái nọ chồng lên trên cái kia. Các phòng đều có bắc loa, độ một lúc lại có người gọi loa tiếng Việt để thông báo đồng bào cử đại diện đi lãnh cơm, hay những hòm xiểng của đồng bào trên boong cần phải buộc lại cho chặt. Chiều tối hôm ấy họ phát cơm và đậu hộp xào cho mọi người, cơm nát và nhão nhẹt ăn chẳng được.

Chiều hôm sau Phúc theo chị Thoa lên boong để mua mực của thuyền chài, dân di cư xúm xít phía mũi tầu, phía dưới một chiếc thuyền  lại gần tầu Mỹ, người dân chài ngước lên nói lớn.

-Bỏ tiền vào hòn đá ném xuống trước, tôi ném mực luộc lên sau.

Nói rồi anh ta ném hòn đá có buộc dây lên, người trên boong buộc tiền vào ném xuống, Thoa chờ lâu mãi không mua được may có người không thích mực bán lại, một người thủy thủ Mỹ vội lấy vòi rồng phun nước xuống thuyền ào ào, anh thuyền chài tối tăm mặt mũi. Có người nói.

-Nó không cho mua bán qua lại.

Anh lính Mỹ vẫn phun nước ào ạt xuống, thuyền vội quay đầu chạy, anh lính thủy vẫn phun theo, Phúc thấy vậy than.

-Nó ác thế, chìm thuyền người ta thì sao.

Hai chị em vẫn chưa xuống phòng, Phúc nhìn người lính thủy Mỹ đổ thùng cam xuống biển, có người nói.

-Nó mở thùng ra thấy một quả bị thối là nó đổ luôn cả thùng.

Những quả cam đỏ ối nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Khi ấy người thuyền chài lại mon men đến gần để vớt, anh ta cầm cái vợt lén lén múc từng quả một, Phúc theo dõi  diễn tiến không dời mắt, anh lính Mỹ lại lấy vòi rồng phun xuống ào ào như thác lên đầu anh thuyền chài, một ông đứng gần đấy bảo.

-Nó không cho vớt, cam đổ đi không được vớt.

Thoa bảo.

-Sao nó đổ đi rồi mà cũng không cho người ta lấy.

Người thủy thủ hình như đùa cợt trên sự khổ sở của anh thuyền chài chứ không có ý cảnh cáo hay ngăn cấm, anh ta nhe răng ra, tay cầm vòi tiếp tục sối nước lên đầu anh thuyền chài.

Hôm sau lúc mọi người mới ăn cơm xong thì tầu chuyển động mạnh, giường nằm bỗng nhiên lắc lư như đưa võng, một ông bên cạnh bảo.

-Tầu bắt đầu chạy đấy, ba ngày nữa thì đến Sài Gòn.

Khi ấy loa ở các góc phòng vang lên, người ta nhắn đồng bào hãy buộc lại những hòm xiểng trên boong cho chặt vì tầu bị sóng đánh ngả nghiêng có thể rơi xuống bể, tối ấy lúc con tầu bồng bềnh trên làn sóng nước, đồng bào ai nấy đều yên giấc cả.

Ngày hôm sau tầu đã chạy một đoạn đường xa nhưng vẫn đi dọc theo duyên hải, anh em Khoa, Phúc rủ nhau lên boong xem cảnh bể cả mênh mông, hai cậu đi qua các phòng. Một phòng đồng bào bên giáo đang đọc kinh nghe buồn bã, tầu rộng rãi to lớn như một tòa lâu đài, đi qua hai ba cầu thang mới lên tới boong.

Trên boong vắng người, hai cậu bé đi vòng vòng từ hông tầu bên phải sang bên kia, từ đằng mũi xuống đằng đuôi tầu, Khoa bảo.

-Bây giờ chỉ có trời với nước thôi!

Thật vậy, bầu trời u ám như cái vung vĩ đại úp lên trên mặt bể mênh mông bát ngát không còn biết đâu là bến bờ, trong khoảnh khắc hai cậu thiếu niên tự thấy mình bé nhỏ li ti như con kiến trước cảnh vĩ đại mênh mông của tạo hóa. Từng đàn cá bay vọt lên mặt bể là đà trên không rồi lại chui xuống nước. Tầu vẫn lặng lẽ xé nước chạy xuôi về phương Nam mang theo những người đi tìm Tự Do, Đất Hứa.

Hàng nghìn hàng vạn người mỗi ngày theo đường hàng không, hàng hải tiến về phương Nam đi tìm một cuộc đời mới, nơi mà con người được quyền nói điều mình muốn nói, được ở những nơi mình muốn ở, được làm những công việc mình muốn làm. Đó là cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà đánh dấu sự thắng lợi to lớn của Thế Giới Tự Do, một trong những biến cố lớn nhất trên thế giới trong năm.

Khoa đứng nhìn những chiếc ca nô treo bên hông tầu gần sát boong ra vẻ hiểu biết nói với cậu em.

-Đó là những ca nô cấp cứu phòng khi tầu bị đắm, hồi xưa cách đây bốn chục năm tầu Titanic đụng phải tảng đá băng lớn chìm ngay, chỉ có một ít người được cứu sống.

Nói rồi cậu miên man nghĩ tới gia đình mình, tới nghìn vạn những người di cư khác, số phận của gia đình cậu, của muôn vạn người khác đã gắn liền vào số phận của đất nước y như những chiếc ca nô treo trên thành tầu.

Gió vi vút thổi từ ngàn khơi, Phúc nhìn đại dương mênh mông bát ngát nhớ lại những ngày chạy loạn xa xưa, những ngày rong chơi của tuổi thơ bên đồng lúa chín, dưới bóng cây đa cây bàng trường học, bên dòng sông Đáy êm đềm phẳng lặng …  cậu thấy đời người cũng  y như trong một giấc mơ. Trước mắt bây giờ chỉ có trời với nước.

Sóng bể vẫn rì rầm vỗ nhẹ vào thân tầu.

(trích trong Sài Gòn Thất Thủ, xuất bản 2007)

© Trọng Đạt

17 Phản hồi cho “Về miền Nam”

  1. Ý-Yên says:

    Tình tôi đã thắm màu hoa trái
    Trĩu nặng chung cành bến Tân Hương…

    VỀ CẦN THƠ

    Tôi ở rừng về đợi mãi đây
    Ba mươi đêm tròn ba mươi ngày
    Tóc bồng hứng bụi, tai đau nhức
    Lầu chắn tầm trông, vẹt gót giày

    Nghe nói Cần Thơ lạ, mỹ miều
    Người hiền, cảnh đẹp, dễ tin yêu
    Lòng vui đón hỏi, chờ nao nức
    Nhắm mắt mà mơ tưởng Ninh Kiều.

    Mang sách ra xem dòng Bassac
    Phù sa ngâm mát mấy chân cầu
    Thuyền đi về để mời xum họp
    Nghe nói Cần Thơ đẹp, lại giầu!

    Thẳng cánh chim bay dưới nắng vàng
    Đồng xanh êm lượn sóng mênh mang
    Cho tôi tham dự mùa vui mới
    Từ buổi ra đi bỏ xóm làng

    Về hướng Tây Đô bước ,ngỡ ngàng
    Hai trăm cây số nữa, lên đàng.
    Xa thêm một chút trời Hà nội
    Kinh tuyến không mờ nét Bắc Nam.

    (Ý-YÊN. Màu Xanh Cho Quê Hương)

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Vùng đất đó cần chi mà lọa hén,
      Không cần tiền , cần gạo , lại Cần… Thơ?
      Thuơng “kụ” Ý dãi dầu muôn vất vã,
      Vẫn dụm dành chút nhớ , nhã niềm…tơ !

      Ki’nh

Mục phản hồi đã đóng