Miền hư ảo [5]
Tiếp theo các chương: I, II, III và IV
Chương 5
Ngã blog – Lời người bán gà
Ai nói, không có con đường nào khác phía sau trường bắn?
Có bao nhiêu con đường tội ác phía sau dẫn vô trường bắn thì ngã không đếm xuể. Nhưng để quay trở ra chỉ có một con đường duy nhất.
Ngã là người cõi trên, nhập vô xác phàm để làm việc cứu nhơn độ thế. Buổi sáng ngã bán gà ở chợ Xuân Hiệp. Buổi chiều ngã đi đào hà thủ ô ven chân đồi. Đất đồi mùa nắng cứng quá ể. Cuốc thường bửa xuống tóe lửa như vằm trúng đá ong, bật ra là mẻ quằm. Chỉ có cuốc chim tự rèn cỡ này mới đào thấu củ. Phía sau rặng sầu đâu đó là nhà của ngã, căn nhà lá hai gian lùm xùm trong đám cỏ lào hôi mùi bọ xít. Ngay trước cửa nhà có miễu cô hồn nằm cạnh bụi bông trang vàng. Khách viếng thăm muốn cầu khẩn chuyện gì cứ qua đó mà thắp nhang đèn.
Bữa chiều ngã dắt con gà trống cụt đi đào hà thủ ô thì gặp hai đứa tụi nó ở lưng đồi. Không duyên không nợ, ở chốn u minh này khó lòng gặp được nhau. Ngã thử bỏ chạy để coi duyên nghiệp có níu kéo gì không, ngã chạy nhanh cỡ nào con nhỏ cứ đuổi theo bằng kịp, chừng đuổi tới nơi nó hỏi một câu làm ngã thất kinh.
– Cho hỏi đường một chút. Nghĩa địa trường bắn ở đâu?
Oan gia nghiệp báo kiểu gì mà mới gặp nhau đã hỏi câu đó. Con nhỏ này mặt mày tướng tá đẹp nhu mì, ngã nhìn sang nó bỗng rồi ngờ ngợ. Không đâu, nó nhất định không phải là loại đờn bà như Kim Liên, loại đờn bà cái đẹp lồ lộ ra bên ngoài, loại đờn bà lẳng lơ giết chồng để theo trai. Nó cũng không phải là loại thục nữ có hậu vận vương giả mà thảm khốc như nàng Ngu Cơ, loại vì cơ nghiệp của chồng mà dám hy sinh tính mạng. Con nhỏ này có vẻ hiền thục nhu mì như vậy nhưng sao tà khí trùng trùng bủa vây, ác nghiệp giam hãm không sao thoát ra được. Oan gia. Nghiệp báo. Con đường này chỉ có hại chứ không có lợi cho nó, bởi vậy mà ngã không muốn cho nó đi tiếp.
Thằng nhỏ đi chung với nó hình dong cũng đầy ám chướng, ờ, nó không là loại phong lưu phóng đãng như Tây Môn Khánh, không còi cọc xấu xí như Võ Đại (hai loại người này đều chết thảm về tay đờn bà). Nhưng mà nó cũng không hề dũng mãnh sức vóc như Võ Tòng, loại tự thân làm nên nghiệp lớn. Nó là cái vô duyên vô phận nằm giữa hai đàng, hậu vận rồi sẽ lên cao ngất nhưng rồi cũng gãy gánh nửa chừng mà rơi vô chỗ hung hiểm. Nó có thoát ra được hay không là do công đức tự vun đắp mà thành. Nhưng thằng này thể tạng tinh thần đều bạc nhược, chắc khó thoát được hiểm nguy. Ngã định nói cho nó biết cái thể tạng của nó làm ảnh hưởng tới tinh thần ra sao. Nếu nó chịu theo ngã, uống vài thang thuốc thì sẽ khôi phục lại dương khí. Để lâu ngày âm hàn phát tán, cái bạc ăn sâu vô cái nhược, thận suy dương suy can hư đảm đoạn, tinh thần suy đồi rơi vô chỗ tăm tối. Người nghèo ngã chữa bệnh không lấy một đồng trinh, chữa đặng làm phước cho đời thôi, chứ cỡ mấy quan lớn trên dinh uỷ xuống, ngã xin vàng kim. Thằng này tiểu nhơn đa nghi trí trá lắm, có nói nó cũng không tin.
Con đường này chẳng dễ đi đâu, càng vô sâu cái ác trong lòng càng lòi ra không giấu đi được, càng vô sâu cái ác trong lòng càng hoành hành ghê gớm, chỉ đợi thời cơ là giết chết cái thiện.
Thằng đó coi hiền lành bạc nhược vậy mà cũng nổi xung ác phừng phừng, một lần nó định rút dây xích đập đầu ngã, một lần nó định bóp cổ lão Thể.
Lão Thể là tay chân của ngã, loại đần độn không đầu óc nên dễ sai khiến. Nhưng phàm con người thiếu đi suy nghĩ thì độc ác vô song, độc ác còn hơn loài thú vật. Lão chém mình sau lưng lúc nào mình không hay, mà lão cũng không hay. Thằng nhỏ đó, cái ác không đáng bao nhiêu, lòi ra có chừng còn đoán được, chứ con nhỏ kia, nó bị cái ác bủa vây trùng trùng như âm binh càng tiến sâu vô tử địa càng khó lòng đào thoát. Người hiền lành nhu thuận như nó mà sao cuộc đời nỡ cột vô chuyện hận thù bạc ác của người khác.
Xem mặt bắt hình dong là nghề của ngã. Bốc quẻ mà định hậu vận cũng là nghề của ngã. Ngã là người cõi trên đoán đuợc vận mệnh thiên cơ. Đám quan quyền tới nhà nhờ ngã xem dùm hậu vận tướng số, ngã đoán trúng chóc, thét rồi họ phải đâm nể nang. Hai đứa nhỏ này đi đâu? Chắc là tìm chỗ cầu cơ duyên tình. Duyên tình trắc trở, trước sau gì tụi nó cũng mò tới chỗ ngã nhờ giúp đỡ. Nếu hai đứa là sinh viên nghèo sống ở trên đồi thì ngã bói cho không công kể như làm phước. Ngã sai lão Thể bám theo dò la. Đây là vùng đất của ngã, mọi thứ đều đặt trong vòng kiểm soát của ngã. Lão Thể ậm ực dắt hai con trâu đi, cái tướng làm biếng quá oải.
Hút chưa tàn điếu thuốc là có bà già mò tới hỏi dò. Con mẹ già này xấu như ma, tàn tạ như quỷ đói. Nó bám theo hai đứa nhỏ làm gì chớ? Chẳng lẽ định cản trở tình duyên đôi trẻ. Chèng đéc! Ai làm chuyện thất đức vậy cà. Phải ngăn cản con mẹ già này lại, phải bảo vệ tình yêu. Ngã ngồi trên nhánh trâm bầu định tuột xuống bỗng rồi giựt mình, suýt té lộn cổ. Khoảng ngực phía trong của con mẻ tròn vun, trắng như bông lài. Hóa ra là một người đờn bà đẹp ghê gớm. Tại sao phải giấu kín nhan sắc mình đi? Con người này, cái ác không nằm trong máu, cái ác nằm trong đầu, chi phối mọi suy nghĩ, chi phối mọi hành động. Loại này thâm độc khôn lường. Ngã rùng mình nhìn con mẻ, con mẻ cũng nhìn lại ngã, cái nhìn dò xét độc địa.
Ngã cười ngọt, chỉ đường cho con đờn bà đi qua đầm Trai.
Đầm Trai mọc đầy rau trai, lá xanh nõn nà hoa tím mơ màng. Ở đó nhung nhúc rắn độc: hổ mang, hổ lửa, cạp nong, cạp rằn… Ớn nhất là mấy con lục cườm, nằm vắt vẻo trong cỏ xanh hiền khô như cọng rau trai. Đuổi con rắn này đi vô đầm rắn. Chờ coi con nào ác hơn con nào. Ông Ba Lưu nói: “Cái ác chỉ sợ hãi cái ác hơn.” Ngã ngưỡng mộ câu này của ông Ba, tự coi ổng là tri kỷ. Hôm nào có dịp buôn gà qua đồi xương rồng, nhất định ngã phải ghé làng Thạch Thổ xin thầy Ba chén nước trà. Nói đi xin nước trà là để gạt lão Thể. Lão đó mà nghe uống rượu là bám theo sát rạt. Ngã có đi thì phải trốn lão Thể mà đi một mình, tới nhà thầy Ba phải giấu cái ác ở nhà chớ, dắt nó theo sao đặng. Ờ, sẵn dịp gặp thầy thì ngã sẽ cung kính hỏi, chuyện này thắc mắc lâu rồi. Cái ác bên ngoài có sợ cái ác bên trong không?
Mèng ơi. Một con người vừa có mặt thiện vừa có mặt ác không? Cuộc đời này vừa có mặt phải vừa có mặt trái không? Thế gian này vừa có phần thật vừa có phần ảo không?
“Nhơn chi sơ, tính bổn thiện.” Cái ác từ đâu sanh ra?
Thôi. Thôi đừng tự kiếm chuyện hỏi khó mình nữa.
Đờn bà bên ngoài đẹp cỡ đó, ôn nhu cỡ đó mà trong lòng tàn ác thì giống ai? Ngã nghĩ ra rồi. Tiểu Khanh. Ngã biết nó giống nhơn vật Tiểu Khanh nhưng chưa chắc lắm nên phải để dò xét thêm nữa. Tuồng tích Việt không thấy người đờn bà nào ghê gớm như vậy. Cái hèn của người mình là ở chỗ đó, không dám nhìn vô sự thật, u mê đeo cứng mấy thứ chuẩn mực. Hễ đẹp thì không xấu. Hễ hiền thì không dữ. Anh hùng thì không đớn hèn. Người Tàu nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhơn tri diện bất tri tâm.” Vẽ con cọp chỉ vẽ được bộ da chứ khó vẽ ra bộ xương. Biết người chỉ biết mặt mà không biết được lòng dạ.
Nghe chuyện Tấm Cám thì rõ cái tâm địa tồi bại đớn hèn của cái văn chương truyền thống xứ mình. Con Cám mặt mày xấu xí. Bởi vậy nên lòng dạ nó cũng xấu xí. Nó ăn cắp cá để chị nó bị đòn. Nó tố cáo chị nó nuôi con cá bống. Nó mặc áo quần chị, ngủ với chồng chị. Nhưng như vậy đã đủ ác chưa? Chưa. Chưa đâu. Má nó còn ác hơn. Má nó giết con cá bống, giết con Tấm, giết con chim vàng anh, đốt khung cửi, chặt cây thị. Như vậy là ác nhất chưa? Chưa. Chưa đâu. Má nó làm chuyện đó không vì quyền lợi bản thân, mà để tranh cướp hạnh phúc cho đứa con lỡ sanh ra xấu xí thiệt thòi. Con Tấm còn ác hơn. Để thỏa mãn lòng hận thù cá nhơn, nó giết chết em cùng cha, giết một cách dã man, rồi còn đem thân xác em làm mắm cho mẹ em ăn. Kẻ lên nắm quyền lực mà tàn sát người yếu thế kiểu đó. Kẻ chiến thắng mà trả thù kẻ chiến bại kiểu đó. Kẻ nói chuyện nhơn đức mà tàn độc kiểu đó. Thử hỏi đằng sau bộ mặt đẹp đẽ, biểu tượng hiền lương nết na của dân tộc đó là cái gì? Nhưng con Tấm đáng được coi là người ác nhất chưa? Chưa. Chưa đâu. Cái thằng kể chuyện mới là đứa thiên hạ đệ nhất ác. Nó cấy cái ác vô đầu người khác rồi dạy đó là cái thiện. Để đời đời kiếp kiếp, dân tộc này lẫn lộn thiện ác.
Lại nhớ lời khuyên răn của Lão tử, nhắc lại với giống người tham ác thời nay liệu có dư thừa vô bổ không? “Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng thương tiếc mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử. Thắng mà không bức người, vì vật mạnh thì có lúc suy. Nếu không như vậy là trái Đạo. Trái Đạo sẽ sớm bị tiêu diệt.”
Than ôi. Người sáng suốt nghe đạo thì cố gắng mà thi hành, người thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tối tăm nghe đạo thì cười rộ.
Bây giờ, lại nói chuyện con mẹ kia, nó đang xấp xải đi vô đầm Trai. Y tưởng giữa đồng không mông quạnh không ai dòm ngó nên khỏi biểu diễn cái dáng lưng còng cà thọt. Y đi nhanh vậy mà vẫn ưỡn ẹo đong đẩy, ngọt ngào lẳng lơ quá xá. Cái tướng ưỡn ẹo này, cái dáng đong đẩy như rắn hổ này… thôi rồi… ngã nhớ ra rồi. Trời Đất, hoá ra y thị là người đờn bà đẹp mỹ miều từng sống sáu năm trong nhà thuỷ tạ dưới chân đồi. Vậy con nhỏ kia là ai? Chẳng lẽ là đứa con gái nhỏ tóc thắt bím, hồi đó, chiều nào nó cũng đi dọc theo con đường trồng thiết mộc lan ra đón ba nó đi làm về? Hèn gì mà nhìn mặt cứ quen quen ngờ ngợ.
Khi đó ráng chiều tuột thấp xuống ngang ngọn trâm bầu, ngày tàn chưa muốn chết vùng vẫy đổ máu loang khắp nền trời. Đầm trai đỏ rực hoang thê, thân thể người đờn bà bốc ráng chiều cháy phừng như bó đuốc, đam mê quyến dụ thật là gian tà. Ngã rùng mình nhớ tới con rắn hổ lửa ở cạnh đầm Trai. Vợ chồng nhà rắn ấp được năm con rắn con, nhỏ bằng chiếc đũa. Mỗi lần ngã ghé qua coi là tụi nó ngóc đầu lên vặn vẹo đòi ăn. Mấy cái miệng nhỏ xíu đói khát há ra thiệt tội. Chiều chiều cả nhà rắn quây quần bên nhau chút chít thấy thương lắm. Ngã thương gia đình tụi nó êm ấm đuề huề nên lấy thêm cỏ phủ kín ổ, đặng diều quạ đừng sát hại nhà nó. Vậy mà tụi nó trả ơn ngã quá đỗi tàn nhẫn. Con rắn đực nằm phục trong ổ cỏ, rình mổ ngay bắp vế lão Thể. Thịt lão Thể còn độc hơn là rắn rết nên con hổ lửa vừa bập răng vô là lăn đùng ra chết. Lão Thể lết được về tới nhà cũng lăn quay ra, lạnh tím tái co giật suốt bảy ngày. Ngày thứ tám lão khừ khừ sùi bọt mép, người co quắp lại như thằng con nít. Ngã cạy miệng đổ cháo cho lão, cháo trào ngược ra. Mắt lão trợn trừng không nhắm lại nổi. Ngã tức tưởi kề tai, nói cho lão biết:
– Ngã bằm chết hết ổ rắn rồi, bằm nát hết mẹ lẫn con.
Quả nhiên là lão tỉnh dậy, vừa nghe ngã nói xong là lão hồi tỉnh. Cái ác trong lòng lão nhảy dựng lên chảy rần rật trong máu. Lão cười méo xẹo:
– Bằm nát bét hả?
– Ờ, bằm nát be bét.
Ngay chiều hôm đó ngã cõng lão Thể ra tới tận đầm Trai, chỉ cho lão coi cái ổ rắn nát như mùn cưa. Lão Thể sáng mắt:
– Người nhơn nghĩa mà làm chuyện độc ác có thấy sướng không?
– Ngã giết tụi nó không phải để tự sướng. Bất cứ đứa nào đụng tới lão là ngã chém nát thây.
Lão cười sằng sặc, đưa tay nhéo bắp đùi ngã. Úi!
– Đồ quỷ sứ. Ghét dễ sợ nghen.
Có đêm sáng sao, ngã chỉ lên trời kể lão Thể nghe chuyện Ngưu lang Chức nữ, chuyện đàn quạ trắng bắc cầu qua sông Ngân Hà cho những kẻ yêu nhau trùng phùng. Lão bỗng rưng rưng khóc. Đó là lần duy nhất ngã thấy nước mắt chảy ra từ đôi mắt ngu si hung ác của lão người làm. Lần đó lão tự nhận mình là Ngưu lang, gọi ngã là Chức nữ. Đứa chăn trâu nào cũng một lần mơ mình là Ngưu lang, giấc mơ đổi đời của bọn cùng đinh. Đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, ngã nghe tiếng quạ về bắc cầu qua sông. Tiếng quạ kêu trong sương mờ. Ngã chồm dậy, gọi chàng Ngưu. Lão Thể cũng nhảy nhổm dậy, không kịp mặc áo, lão phóng chạy tuốt ra trường bắn. Quạ đen kêu ngoài bãi tử hình. Lão Thể chạy đi rồi, ngã nằm co ro trên giường sao thấy hoang mang hụt hẫng quá. Trong sương mù mờ mịt, làm sao biết được quạ đen hay quạ trắng? Làm sao biết được để mà quay về? Ngưu lang ơi.
Quạ đen cứ sáng sáng kêu ngoài bãi tử hình. Cứ buổi tinh sương nghe tiếng quạ kêu là lão Thể phóng chạy, coi người giết người xong là sung sướng rạo rực, cái ác trong lòng lại no nê. Ngã cấm lão không được bén mảng tới trường bắn, sợ cái ác thấm thêm vô người lão. Cấm không nổi. Cản không nổi. Cứ sáng tờ mờ mà nghe tiếng quạ kêu là lão phóng đi. Ngã cũng chờ tiếng quạ kêu để mà qua cầu, nhưng bao nhiêu năm rồi chỉ toàn quạ đen. Quạ trắng chết hết rồi sao? Hay chàng Ngưu cũng chết luôn rồi?
Lão Thể cười sằng sặc, hay chàng Ngưu cũng bị xử bắn ngoài bãi. Ngã nghe mà điếng lòng, thời buổi đạo đức suy tàn, cái ác lên ngôi kéo luôn người lương thiện vô cuộc sinh sát dễ gì mà chừa chàng Ngưu ra. Như hai đứa nhỏ gặp trên đồi, đường đời trăm ngả không đi, lại đi vô tử lộ. Tội tình làm sao. Thiệt ra là hôm đó ngã cũng bói lộn quẻ. Hoá ra con nhỏ kia đi tìm ba nó. Vậy mà mới gặp ngã cứ tưởng có chuyện tình éo le gì. Người cõi trên chớ cũng hay bói lộn, âu cũng chuyện thường, ai mà cười chê. “Thiên cơ bất khả lậu”, đâu dễ mà bói trúng được hoài. Bởi vậy lão Thể mới có nhiệm vụ dò la tin tức quanh vùng để đưa thêm thông tin về cho ngã. Lão Thể nói, ba con nhỏ này ghê gớm lắm, trước khi chết thằng chả còn nguyền rủa độc địa ầm ĩ khắp cánh đồng. Lão Thể tuy ngu độn, nhưng bất cứ thứ gì liên quan tới cái ác, tới trường bắn là lão nhớ vanh vách. Lão nhớ nắm mộ đó của ai, nhớ thằng cha đó bị bắn trúng mấy lỗ, bắn trúng chỗ nào, chết liền hay chết từ từ. Ngã rùng rợn nghĩ, nếu đúng con nhỏ này ngày xưa ở trong nhà thuỷ tạ, thì chẳng lẽ ba nó là… Bảy Tốt. Trời Đất! Chẳng lẽ con gái Bảy Tốt đi tìm mộ cha.
Ngã hỏi lão Thể:
– Ba con nhỏ đó trước khi chết có nói gì không?
Lão Thể được hỏi đúng chuyện nên cười khoái chí:
– Thằng chả chửi ỏm tỏi. Chửi cái thằng quan trên ác nhơn cướp nhà, cướp của, cướp vợ, giết con của bạn đồng chí. Đẩy đồng chí mình vô lãnh án tử hình.
Lão Thể còn hứng chí giả giọng khóc la của người bị trói trên cột tử hình.
– Trời tru đất diệt cả họ nhà mày, xui chết bất đắc kỳ tử, chết không toàn thây.
Ngã rùng mình ớn lạnh, mơ hồ thấy có chuyện gì bất minh thảm thương lắm. Ngã biểu lão Thể chuẩn bị hương đèn để rước âm linh. Lão Thể hớn hở hỏi:
– Có người gọi đồng sao?
– Không. Tự lên mình ên thôi.
Ngã muốn kêu hồn ba con nhỏ kia. Nếu đúng là Bảy Tốt bị xử tử hình vì tội tham nhũng thì sao còn lớn tiếng kêu oan. Một trăm thằng làm quan xứ này là một trăm thằng tội phạm, mang xử bắn hết cũng không oan, cớ gì mà kêu thấu trời xanh. Mà biết đâu, biết đâu có chuyện éo le, mình gỡ được cho người ta để oán thù đừng chồng chất thêm oán thù. Đó cũng là cái may trong cõi trần gian tạm bợ này.
Nhưng lóng rày ngã lên đồng thường ít gặp may. Muốn gặp người này lại cứ gặp người khác. Có hôm thằng cha mập ú, lạ hoắc lạ huơ, ở đâu mà hấp ta hấp tấp nhảy xổ vô, đẩy ngã té chúi nhủi trên giá hầu. Thằng chả la lối một hồi ngã mới hiểu, té ra chả căm tức con vợ với mấy chiến hữu. Ăn đồng chia đủ với nhau mà khi lộ chuyện ra, họ đẩy chả đi một mình thí tốt. Túm được ngã là chả hùng hổ giữ rịt, đòi mượn xác ngã về dương thế trả thù. Phải trả thù. “Phải biến căm thù thành hành động.” Ở đàng ngoài, thằng chả được dạy dỗ như vậy, tới chết cũng mang theo căm thù. Bởi vậy mà không siêu thoát được. Lần đó ngã sợ hết hồn, là vì cái giống tham tàn ác nhơn này mà mượn xác mình rồi là lấy luôn, đâu dễ mà đòi lại. Từ bữa đó ngã đâm ra cẩn thận. Thấy đứa nào hung hăng xớn xác tới trước cửa là ngã dập tắt bàn đèn liền. Mà ở hẻo này, có mấy đứa đàng hoàng đâu? Toàn thứ cướp của giết người gian tham lươn lẹo. Tụi cướp cạn xuống tới đây rồi thì tâm tính cũng hối cải phần nào, chỉ mong được giảm đi tội nghiệt cho kiếp sau. Tụi nó đi thẳng, bỏ lại thân xác tội lỗi không tiếc nuối gì. Nhưng đám quan lại chết rồi cũng chưa dứt được lòng trần, còn hằn học tức tưởi lắm. Cả đời ky cóp đục khoét mà ra đi tay trắng, bỏ hết gia sản lại cho kẻ khác hưởng, vui sao đặng. Bọn quan lại này mà nhập được vô ngã là mở miệng chửi xa xả, là vật vã xót xa, là ham muốn cõi trần rượu thịt. Mệt muốn đứt hơi. Lên đồng một giờ nằm bệnh ba ngày. Cái nghề này tưởng sướng lắm sao. Ai ngồi không lắc lư cái đầu mà kiếm vài lượng vàng. Lắc không đúng chuyện, nói không đúng ý nó bẻ cổ mình. Có đứa nhập vô được rồi ngồi lì đó không chịu đi. Con bồ nhí sốt ruột hỏi tới. “Anh còn giấu của ở đâu? Chỉ em biết để mà nuôi con.” Thằng chả mượn mình nắm tay nắm chưn con bồ hun chùn chụt, cứ như chỗ không người. Thiệt tình, mắc cỡ muốn chết. Ngã dặn lão Thể, một giá hầu canh đúng ba tiếng rồi dập bàn đèn, đuổi tụi nó đi. Ôi, mà nói với lão Thể thì cũng như nước đổ lá môn.
Lão Thể buồn thiu, hỏi vớt vát:
– Không có khách gọi đồng chứ có thịt gà không?
Ngã ghê tởm nghĩ tới nồi cháo sùng trắng nhởn của lão Thể, đành gật đầu:
– Có. Cắt cổ con gà mái nâu. Con đó cứ hay cãi khục khặc với thằng Cụt. Cắt cổ nó đi, đừng để âm thịnh dương suy.
Lão Thể cười sướng rơn rồi lại tắc lưỡi. Lão thèm con gà cụt, mắt lúc nào cũng nhìn nó lom lom. Cái thèm muốn của lão lộ hết ra ngoài, nên hễ thấy lão là con gà bươn chạy bán sống bán chết. Con gà này nhiều người đặt mua rồi, giá cao ngất trời nhưng ngã định để nó cho ông Tám. Con Cụt là thứ đại bổ, dương khí hừng hực không thoát ra ngoài được, dồn ứ trong kê hoàn. Mỗi ngày ngã bốc một thang thuốc cường dương, sắc ba chén nước, đổ vô miệng nó. Cứ đêm xuống là người nó nóng như cái lò than.
Đi đâu ngã cũng dắt con gà theo vì sợ lão Thể. Đi xa thì gửi nó bên ông Tám, mất con gà là kể như mất mạng. Hôm trước quan tổng đốc xuống thị sát vùng Thủ Đức, nghe tụi lâu la tâu bẩm chuyện con gà mà quan nổi máu tham. Thuốc men quan đâu có thiếu, sâm Cao Ly, sâm Thượng Đảng, sâm Bố Trạch… ngâm từng hũ lớn. Nhưng sức quan chịu không qua một trống canh, mới cầm chầu là rã rượi đổ mồ hôi non. Quan nói, cả tuổi trẻ của quan vì nghiệp lớn chịu cảnh dầm sương dãi nắng, nằm rừng ngủ núi mà tổn hao khí huyết. “Nghe nói cô Năm có con gà cường dương… Giá bao nhiêu quan cũng mua.”
Ngã từ dinh quan tổng đốc về nhà mà lòng buồn rười rượi. Dân đen có chút của quý là không thoát khỏi cặp mắt quan trên. Con gà của ngã quan ăn vô thì mua vui thêm được vài trống canh, chớ để cứu người bệnh thập tử nhất sinh thì quan không màng. Ngã kể cho lão Thể nghe, e rằng chuyến này mất con gà cho quan lớn. Binh lính của quan rải khắp một vùng, tiền hô hậu ủng, ngã với con gà chạy đâu cho thoát. Lão Thể mới nghe xong là trợn mắt chồm lên. Gà để chữa bịnh ông Tám thì lão còn nhịn thèm được, chứ gà để cho quan là lão nổi điên.
– Lão nói cho Năm nghe! Lão nói cho Năm nghe! Cho thằng mập đó một nhát cuốc là xong chuyện. Cho nó nhát cuốc rồi mang xác đi bón hà thủ ô.
Cái đồ đần. Phàm sống ở cõi này, cũng phải biết tính thiệt hơn. Lão mà động tới quan trên là bộ hình truy bức lão tới tận âm phủ. Để từ từ rồi ngã tính, phải có cách nào để vẹn đôi đường, mà cứu con gà, cứu ông Tám.
Lão Thể rúc vô góc nhà tối, mắt lão gườm gườm như diều quạ. Tiếng con gà gáy thảng thốt phía sau. Ngã biết thằng làm công nghĩ gì, nó định ăn hớt tay trên thây kệ chuyện ngã chịu tội với quan.
Cái đồ gian tham. Mày mà động tới con gà là ngã xuống tay hạ thủ liền. Lần này không giỡn chơi đâu. Cặp mắt lão Thể nhìn ngã lấm lét, tròng mắt bắt đầu nổi vằn đỏ. Đêm xuống là cái ác cháy phừng phừng không dập nổi. Hai bàn tay lão co rút lại, giấu ra đằng sau lưng. Ngã đoán, đêm nay lão sẽ giết ngã, lão muốn loại ngã ra khỏi cuộc chơi để được tự do, để được sống theo bản năng. Đồ ngu si. Không có ngã, lão chỉ là cái cột nhà mọt gặm kia thôi. Ngã dằn cây cuốc chim xuống cạnh giường. Đi đi. Đi ra khỏi đây. Mày ở lại thêm một giây tao xẻ ra làm hai. Móc ruột mày ra cho gà ăn. Đồ thú vật, đêm xuống là cái ác tiềm ẩn trào lên, bốc cháy phừng phừng.
Muỗi từ đầm Trai bay ra mòng mòng. Quơ tay lên là vớt được nắm muỗi tanh rình máu trâu. Máu con Ngộc. Máu con Xoáy. Đêm sặc mùi máu. Hồn ngất máu say. Nhắm mắt lại, Trang Chu mơ thành quạ. Người mơ thành quạ. Quạ mơ thành người.
Tiếng khóc lão Thể khằng khặc ngoài vách lá. Trời tối xuống lão sợ đi lạc. Sợ. Cái ác bốc cháy phừng phừng đốt rụi phương hướng. Giữa vùng lửa đỏ, lần mò, hoảng loạn, vô phương. Con gà trống cụt gáy thảng thốt sau chái bếp. Đêm nào nó cũng gáy giờ này. Bình minh còn xa lắc. Bình minh còn dan díu ở chỗ nào. Gáy trước vì sợ không sống được tới lúc bình minh lên. Bước ra trong bóng đen trống rỗng. Trống rỗng, hãi hùng như con ốc sên bị lột mất vỏ, trần truồng. Trần truồng lạnh lẽo tật nguyền, ghê tởm chính mình. Con quạ bị bắn, tuột khỏi cành cây, cánh xoải ra, chân xoải ra, mỏ há ra, tiếng kêu thương tật. Bóng đêm đen như lông quạ. Sợ bóng đêm, sợ không còn cái gì che giữ mình lại. Sợ lại lộ nguyên hình, bò đi vật vờ. Cần một mái nhà. Một mái nhà để chui vô ẩn náu. Lão Thể kéo cánh cửa tre lết tới cạnh giường. Con quạ bị thương cũng lết đi. Lông nó cháy đen, mỏ há ra toang hoác. Giết nó đi. Giết hết quạ đen đi để quạ trắng kéo về. Lão cầm cây cuốc đưa lên cao, ánh trăng cháy đỏ soi cái bóng đen thui. Tại sao là mày. Lão ngước lên nhìn mặt trăng đang cháy rồi thả cây cuốc xuống đất. Lưỡi cuốc bén cắm phập xuống nền nhà cứng. Mưa ngâu. Cầu gãy.
Ôi Ngưu lang hỡi Ngưu lang.
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Lão bò lồm cồm vô góc nhà ôm đầu rên rỉ. Ngã bò đi tìm lão. Thân hình con quạ lột dần dưới ánh trăng mờ trắng như vôi. Phận sao phận bạc như vôi. Ngã lặn qua cửa hang lặn sâu trôi nổi lặn sâu vặn vẹo nhận ra thân thể mình đang sống lại trong căn nhà chật chội ấm áp quen thuộc. Bóng đêm hỗn loạn bên ngoài mặc kệ mặc kệ lửa cháy ngất trời lưỡi cuốc bật nghiêng chạm vô vết thương con quạ nó kêu rú lên. Cạn lời hồn ngất máu say. Hồn ngất máu say. Đen hay trắng. Lão Thể đẩy nó vô sâu, níu chặt nó trong đó. Ngã với Thể đổi chỗ cho nhau. Bóng trăng loang lổ trên nền đêm lồi lõm cả hai vùng vẫy trở mình nhập lẫn vô nhau. Đen là trắng. Tao là mày. Mày là tao. Ặc ặc.
Tiếng quạ kêu trong sương mờ. Quạ. Quạ.
Comments (2 total)
Vũ Văn Thung
“Kẻ lên nắm quyền lực mà tàn sát người yếu thế kiểu đó. Kẻ chiến thắng mà trả thù kẻ chiến bại kiểu đó. Kẻ nói chuyện nhơn đức mà tàn độc kiểu đó.”
Chào bác bán gà! Dạo này báo chí truyền thông đang tổ chức đấu tố cô Tấm rần trời, nhưng nói thẳng thừng như bác thì chưa thấy ai dám mở miệng.
Lũ
Cái thằng Thùng Lủng! Báo lá cải mà mày đòi hỏi “nói thẳng thừng”. Đấu tố trong khuôn khổ, theo đúng đường hướng, hạ cánh an toàn. Đọc bài viết này tao bỗng giật mình nhớ tới một người quen cũ sau đồi Nông Lâm.
Nếu đúng là cố nhân, xin cho hỏi, “cô Năm” còn nhớ thằng sinh viên ốm đói hay ra đồi đào sùng không?
© Lưu Thủy Hương
© Đàn Chim Việt